Anh bỗng chợt cảm thấy cử chỉ rửa tay như một cách thế truyền đạt sự thanh thản của cuộc sống cho người khác. Phải chi ông Thạnh cũng được rửa tay!
Chủ nhật, Mậu thường mang cả gia đình đi lễ tại một nhà thờ gần nhà. Nhà thờ tây, như đám con của anh vẫn thường gọi. Cũng có một nhà thờ Việt Nam nơi thành phố này. Gọi là nhà thờ Việt Nam thì cũng không đúng lắm. Thực ra thì giáo dân Việt Nam chỉ share lại một nhà thờ tây. Hai bên chia giờ giấc mà hành lễ. Trong cùng một nhà thờ lúc thì Chúa được thờ phụng bằng tiếng Việt Nam, lúc thì được tôn xưng bằng tiếng tây. Đối với Chúa chắc chẳng có vấn đề trở ngại ngôn ngữ như đám con của Mậu.
Nói là trở ngại ngôn ngữ thì cũng không đúng lắm. Mậu là người có ý thức về tiếng mẹ đẻ. Ở nhà các con anh luôn được nhắc nhở là phải nói tiếng Việt Nam. Từ đứa nhỏ đến đứa lớn, đứa nào cũng thông thạo tiếng nước nhà. Nói líu la líu lo không chút trở ngại. Nhưng vốn liếng chữ nghĩa của chúng chỉ đóng khung trong những câu chuyện thường ngày, đi sâu hơn vào những vấn đề cao cao một chút là có trở ngại. Phải nói vòng vo, phải mượn chút tiếng tây pha vô hoặc bỏ cuộc.
Những kinh kệ tiếng Việt gồm phần lớn những chữ thuộc loại cao cấp đối với đám trẻ. Chúng không với tới. Mấy chữ tây trong kinh tây coi bộ dễ nhá hơn. Những chữ Việt già nua khó khăn đó lại được đọc bằng giọng ê a kéo dài lê thê làm chúng boring hết sức. Đi nhà thờ Việt Nam, đối với chúng, như vác một cây thánh giá quá nặng nề.
Bắt chúng vác một cây thánh giá nặng như vậy lớn lên chắc chúng sẽ tìm cách gỡ ra khỏi đôi vai bầm tím. Chẳng nên. Vợ chồng Mậu đành phải chọn đi nhà thờ tây. Để giữ được cho con cái thói quen đi lễ ngày chủ nhật. Thực ra đằng sau sự chọn lựa này cũng có một hai lý do phụ. Chỉ tốn năm phút từ nhà tới nhà thờ thay vì phải nửa tiếng lái xe nếu đi lễ Việt Nam. Ấy là không kể thêm thời gian trừ hao tới sớm để có chỗ ngồi nếu không muốn phải vất vả chen lấn. Giáo dân Việt Nam vốn vẫn chịu khó đi lễ hơn tây nhiều.
Khu phố Mậu ở là khu tây rặt. Ra đường chỉ thấy tây với đầm. Mà toàn những tây đầm lịch sự. Chẳng quen biết, đụng nhau trên vỉa hè là chào, cười, nói bâng quơ dăm ba câu về thời tiết. Mà thời tiết ở cái thành phố này thì lúc nào mà chẳng có chuyện nói.Ấm đấy rồi lạnh đấy, nắng đấy rồi mưa đấy, cứ ít ngày lại đổi món. Món nào cũng chẳng dễ nhá.
Những con người lịch sự này mỗi chúa nhật tụ họp nhau nơi nhà thờ. Nói là tất cả tụ họp cũng không đúng. Chỉ một số nhỏ người đi lễ còn phần lớn bận ngủ, bận uống cà phê, bận họp bạn, bận đọc báo, bận xem ti vi, bận lười nên lơ Chúa đi. Số người thuộc loại sau này có lẽ ngày càng phát triển vì Mậu thấy nhà thờ chẳng cần nới rộng mà vẫn cứ ngày càng rộng hơn.
Trong đám tín đồ còn hàng tuần chạy đến níu áo Chúa, gia đình Mậu là một gia đình cá biệt. Cá biệt về màu da và cá biệt về nhân số. Màu da của những công dân thuộc loại thiểu số nhãn tiền thì chẳng cần phải nói gì thêm. Ngay mấy đứa con nít trong nhà thờ, họa hoằn mới theo ông bà đi lễ, cũng nhận ra ngay và giương mắt nhìn những người trông không giống chúng. Thường dự lễ là những người đều có đủ điều kiện gia nhập hội tuổi vàng cả. Số người cỡ vợ chồng Mậu chẳng có bao nhiêu. Giới trẻ thì hầu như không có. Ít khi có một gia đình đi lễ đầy đủ. Gia đình Mậu, hai vợ chồng và bốn đứa con, đi lễ hàng tuần, ngồi giăng ra hết một hàng ghế là một sự bổ túc nhân số đẹp mắt. Sau lễ, mấy ông tây bà đầm thường tìm dịp tới bắt tay khen ngợi gia đình Mậu là một gia đình đẹp, đạo đức, đáng làm gương cho mọi người. Cha sở thỉnh thoảng lại trao cho gia đình anh cái vinh dự được ôm của lễ từ cuối nhà thờ lên bàn thờ. Đoàn diễn hành sáu người bao giờ cũng nhận được những ánh mắt âu yếm của những ông bà già vốn rất cô độc trong cuộc sống.
Cô độc là một vấn đề xã hội gay gắt của cuộc sống máy móc hiện nay, nhà thờ chẳng thể bỏ qua. Cô đơn có lẽ là đặc quyền của những người già. Một đời có lăn lộn thế nào đi chăng nữa thì cuối đời đều có chung một mẫu số cô đơn. Còn nhúc nhích được thì ra khỏi nhà ngồi phơi người hàng giờ trên những hàng ghế dọc theo hành lang các shopping center nghếch ông đi qua bà đi lại cho bớt quạnh quẽ. Hết nhúc nhích thì gậm nhấm nỗi cô đơn trong bốn bức tường, thèm được nói, thèm được nghe, thèm được chú ý, thèm được săn sóc, thèm hơi ấm của người khác.
Giữa một buổi lễ, một bà đại diện một hội đoàn từ thiện lên trước máy vi âm kêu gọi mọi người tham gia vào việc thăm viếng thường xuyên những người già cô đơn đang sống quanh khu vực nhà thờ. Bà đại diện ăn mặc chải chuốt, nói năng cảm động làm mọi người mủi lòng. Mậu cũng không tránh được cái cảm giác xót xa, buồn chán cho thân phận của những con người sắp đi hết vòng cuộc đời. Cảm là cảm thế thôi, cái thân phận lưu xứ, ăn nhờ ở đậu thì làm được gì!
Cuối lễ, bà đại diện đứng ở cửa bắt tay chào mời mọi người tham gia công tác. Bà bắt tay Mậu, giữ bàn tay anh khá lâu, lại còn dùng bàn tay còn lại úp lên trên hai bàn tay đan chéo nhau, nở nụ cười duyên dáng, nói bằng cái miệng ưa nhìn:
" Chào ông, tôi là Cecile, hồi nãy đứng nói chuyện, nhìn xuống thấy ông ngồi ở dưới, tôi mừng lắm. Chẳng là chúng tôi có trường hợp một ông già người Việt Nam, rất cô đơn, mà chúng tôi nghĩ là nếu tìm được một người đồng hương của ông ấy tới thăm thì chắc ông ấy mừng lắm. Tôi hy vọng ông là người Việt Nam."
Cặp mắt xanh biếc đón chờ mở rộng trước Mậu. Anh không nỡ kéo dài giây phút chờ đợi này.
" Bà không phải hy vọng. Tôi đúng là người Việt Nam. "
Tiếng thở phào thoát ra với cặp mắt nhắm ngơi nghỉ và bàn tay thuôn thả chặn trên ngực người đàn bà lịch lãm. Cặp mắt mở ra, như xanh hơn, mang vẻ khẩn khoản:
" Tôi lại hy vọng là ông sẽ nhận lời cộng tác với chúng tôi. "
Khó có thể từ chối với một con người đẫm thiện ý như vậy, Mậu đưa mắt dò hỏi và đọc được tín hiệu trên mặt vợ, anh lịch sự:
" Bà lại không phải hy vọng. Dĩ nhiên là tôi phải nhận lời. Làm sao tôi có thể quay lưng không chu toàn bổn phận của tôi đối với một đồng hương đang gặp nghịch cảnh. "
Mậu đã tận mắt nhìn cái nghịch cảnh đó vào một buổi chiều thứ bảy rảnh rỗi. Ông Thạnh giương cặp mắt mệt mỏi ánh lên một chút mừng rỡ, dựa người trên chiếc gậy chống có bốn chân, mở cửa phòng đón Mậu. Hai bệt lông mày như hai thanh đao bạc sắc sảo cùng chòm râu dài như cước tỏa xuống từ một khuôn mặt còn in dấu quắc thước làm Mậu thấy mình đã nghĩ đúng khi điện thoại cho ông Thạnh hai ngày trước. Giọng nói điềm đạm, sang cả đượm một chút khinh khoái đã làm Mậu ngờ rằng ông Thạnh đã có thời vàng son nơi quê nhà. Mối bận tâm của Mậu đã được gỡ bỏ ngay từ cái bắt tay đầu tiên với ông Thạnh. Cái giọng sang sảng vồn vã đón chào như vừa gặp lại một người thân xa cách lâu năm:
" Chào ông! Gặp ông tôi mừng lắm. Mời ông vào chơi. "
Mậu lách mình qua khuôn cửa không quên nhẹ nhàng khép cánh cửa lại sau lưng. Anh bỗng thấy có cảm tình đặc biệt với ông già có dáng vẻ tiên phong đạo cốt trong bộ bà ba màu nâu mềm này.
" Kính bác! Trông bác khỏe mạnh và quắc thước quá. "
Mậu nhìn thấy vẻ rạng rỡ trên khuôn mặt ông Thạnh.
" Tám chục rồi đấy ông ạ! Sống bây giờ là sống thêm thôi. Trời cho được chút nào thì lãnh nhận chút nấy. Được cái hồi trẻ tôi chẳng rượu chè thuốc xái gì, lại ham mê thể thao, siêng năng tập thể dục nên sức khỏe còn khá. Chỉ phải đôi chân. Như hai khúc gỗ mục ấy ông ạ! Đi đứng khó khăn lắm. Cũng cái chứng phong thấp ấy mà! Nhưng bên này thời tiết lạnh giá nên nó hành dữ quá. Trời chưa chuyển thì mình đã chuyển trước. Chưa gió, chưa mưa, chưa tuyết thì đôi chân đã mách cho biết trước rồi. Tôi mà làm tiên đoán thời tiết như mấy ông bà trên ti vi thì đố có sai được à! "
Ông Thạnh cất giọng cười rổn rảng. Hình như sự có mặt của Mậu đã thắp được sinh khí nơi ông Thạnh. Mới sơ ngộ mà như đã thiết thân.
Chiếc bàn thấp giữa bộ xa lông bề thế lủ khủ nào bình, nào tách, nào hộp, nào chai. Bên cạnh bàn là chiếc ấm nấu nước được đặt trên một chiếc vỉ nhôm đã ngả màu. Ông Thạnh mở chai nước suối rót vào ấm. Mậu vội đưa tay đỡ.
" Bác để cháu làm cho. "
" Ông để mặc tôi. Quen rồi. Không sao đâu. "
Hai bàn tay run run chắt chiu từng giọt nước.
" Cái anh nước suối này không bằng được nước mưa bên mình nhưng được cái tinh khiết. Đời tôi chỉ còn có trà với cái ti vi làm bạn. Cũng còn có mấy ông bạn già ngày xưa thỉnh thoảng điện thoại thăm nhau. Chao ôi! Mỗi người ở một nơi, nói chuyện với nhau tốn tiền lắm. Mà già rồi, ông biết đấy, tai nó cũng nghễnh ngãng, nghe câu được câu chăng, cứ lặp đi lặp lại càng tốn tiền dữ. Rút cục chỉ còn cái thú độc ẩm. "
Khói từ miệng ấm phun lên giục giã. Ông Thạnh vội châm nước vào bình trà. Ông pha trà như tu sĩ làm một nghi lễ nho nhỏ. Rửa trà xong, ông mới vòng quanh chuyên trà từ ấm qua chén tống, rồi chén quân. Đôi bàn tay đày gân xanh cộm lên từng nùi thành thạo chuyển quanh. Mùi trà thoang thoảng nhẹ nhàng.
Mậu chăm chú nhìn lên những tấm hình nằm giữa những bình hoa cùng đèn cày, thấp thoáng sau bát nhang chi chít những chân nhang đã phai màu. Hình người đàn ông có khuôn mặt giống ông Thạnh, còn hai người đàn bà phảng phất vẻ nhu mì hiền hậu như nhau. Ông Thạnh đảo mắt theo Mậu nói như người đi lạc ra khỏi thời gian:
" Mới đó mà đã thế đó! "
Mậu bắt gặp cặp mắt thờ thẫn chìm lỉm vào tận nơi não nơi nao. Anh khẽ hỏi:
" Bác nói sao ạ ? "
Khuôn mặt nhẹ phác một nụ cười chỉ đủ làm rung rinh chút đỉnh hàm râu nề nếp:
" Kể cũng tức cười ông ạ. Mới ngày nào nhà tôi về làm dâu được mẹ tôi thương yêu chỉ bảo từng chút như dạy con gái. Vậy mà bây giờ sóng đôi nhau trên bàn thờ trông cứ như hai chị em ấy ông nhỉ! "
Hai người trong hình cỡ cùng trạc tuổi như nhau. Nếu không khác nhau về kiểu tóc và kiểu áo Mậu chắc chẳng đoán được người nào là mẹ người nào là dâu. Thời gian bào mòn đời người, khi con người lách ra khỏi đời, thời gian chỉ biết giương cặp mắt bất lực làm lơ. Ông Thạnh chẳng làm lơ được với thời gian. Ông vẫn phải đếm từng mùa bằng những cơn nhức chân, đếm ngày giờ bằng nỗi cô đơn lạnh lẽo. Ông gỡ cặp kính khỏi mắt, túm vạt áo lau rồi đeo lên lại. Ông nhìn Mậu giọng rầu rầu:
" Nhà tôi mất cũng đã gần hai năm rồi. Rằm tháng tới là ngày giỗ đấy ông ạ! Bữa hôm đám nhà tôi trời sang xuân. Đầu mùa xuân bên này lạ lắm không biết ông có thấy không. Trời đất rầu rầu, gió thốc gió thác. Tôi đứng bên mộ nhà tôi, tai nghe giọng tụng kinh trước khi hạ huyệt mà tưởng như nghe tiếng vọng từ đâu dội về. Gió từng chập thổi người tôi ngả về phía sau. Phía sau là mộ của tôi. Chẳng là khi mua đất tôi mua luôn cho tôi để sau này vợ chồng nằm cạnh nhau cho ấm cúng. Tôi nghĩ là nhà tôi nhờ gió rủ tôi đi với bà ấy. Lúc còn sống bà ấy khôn khéo lắm. Tôi thầm hứa sẽ thăm nom bà ấy luôn. Thế mà chân cẳng đổ đốn chẳng một lần ra với bà ấy được. Tội nghiệp! Một đời chỉ biết chồng con mà khi nằm xuống mồ mả lạnh tanh. Chồng chẳng một lần thăm viếng mà con cũng chẳng thấy mặt. Được cái bà ấy nằm trong nghĩa trang Việt Nam, chung quanh toàn người mình cả nên chắc cũng bớt cô quạnh. "
Ông Thạnh lại gỡ cặp kính xuống lau chùi. Tròng mắt ông hướng xuống những ngón tay xoa trên mặt kính mà như không nhìn vào đâu cả. Cánh mũi ông phập phồng cố chặn lại những xúc động đang muốn òa vỡ ra. Ông gài kính lên mắt, vội với tay rút tờ giấy nằm ló ra khỏi hộp giấy bên cạnh, kín đáo chặn lên mũi. Mậu muốn kéo ông ra khỏi cơn xúc động nhưng anh lúng túng vụng về chẳng biết phải làm sao. Anh vốn không được khéo miệng nên mỗi lần muốn nói lời an ủi anh phải chạy đuổi theo nó mướt mồ hôi mới bắt được. Câu an ủi anh bắt được vào lúc này chẳng lấy gì làm xuất sắc cho lắm.
" Mỗi người một phần số bác ạ. Người chết thì yên phận người chết. Chỉ có người còn lại mới chìm vào những dằn vặt nhớ thương. Bác gái đi trước bác như vậy có khi lại yên bề... "
Mậu ấp úng với từng chữ khó khăn trườn ra khỏi miệng. Anh chưa xong được câu an ủi nặng nhọc thì ông Thạnh đã cắt lời anh:
" Ông nói đúng đấy. Bà ấy đi thì còn có tôi lo toan mọi chuyện. Tới lượt tôi thì chẳng biết sao. Chẳng dấu gì ông, tôi cũng đã tự lo cho tôi rồi. Tôi đã đóng tiền cho nhà đòn xong xuôi. Khi tôi đi chắc chẳng phải phiền tới ai. "
" Bác không còn ai thân thích sao? "
Ông Thạnh cười gằn:
" Không ông ạ! Chỉ có hai thằng con! "
Câu nói mát của ông già đơn côi làm Mậu vội hỏi tới:
" Các anh ấy ở đâu hả bác? "
" Ở ngoài tầm mắt tôi! Mà thôi, ông dùng nước đi kẻo nguội. Cái anh trà này được lắm ông ạ. Uống vào thấy chát nhưng là cái chát đậm đà vị ngọt còn nằm mãi trong cổ. Mời ông! "
Ông Thạnh chờ cho Mậu nhấp xong một ngụm trà, nhìn anh bằng cặp mắt vừa ý, rồi mới từ tốn nâng tách trà lên uống. Ông nhấm nháp vị trà với đôi mắt lim dim sảng khoái.
" Ông Mậu à! Đời sống kỳ diệu lắm ông ạ. Trời chẳng cho ai nhiều mà cũng chẳng ép ai ít. Phúc phần của mỗi người chỉ có bấy nhiêu thôi. Lãnh ít trước thì được bù sau, lãnh tất cả thì cuối đời chẳng còn được chút nào. Tôi thuộc loại thứ hai. Đời tôi phải kể là may mắn và thành công. Ra buôn bán đặt tay vào đâu là tiền nhảy ra tới đó. Tiền vô nhanh có lúc làm tôi phát sợ. Luật bù trừ là cái luật chẳng bao giờ sai sót của trời. Nhưng cái quyến rũ của đồng tiền nó lạ lắm ông ạ. Chẳng biết bao nhiêu là đủ. Có một thèm hai, có hai thèm ba, có bao giờ dứt cơn thèm đâu. Mà cái sức mạnh của nó cũng làm cho người ta hào hứng lắm. Ôm đống tiền trong người, đầu óc bày đặt ra nhiều chuyện cho thỏa mãn cái tham vọng của con người. Trường hợp tôi thì là danh vọng. Tôi ra ứng cử dân biểu. Làm gì mà không dính! Tôi đổ tiền ra góp công xây nhà thờ, cúng dường cho chùa, biết phải trái với quan quyền. Những cái đó nó ra phiếu cả đấy. Được cái khi đã đắc cử tôi có giúp đỡ cho dân chúng trong đơn vị tôi một cách cụ thể. Cũng là nhờ tiền của sẵn có cả. Mùng mền, chăn chiếu, vải vóc, thuốc men, gạo nước, chén đũa... những người nghèo đều được tôi trao tận tay. Ai cũng bảo tôi có lòng tốt lo cho dân nhưng ngồi xét lại tôi thấy chẳng qua là tôi có phần thích được xưng tụng, lại có phần sợ nữa. Sợ cái luật bù trừ ấy ông ạ! Không cho bớt đi thì sợ tai họa sẽ giáng xuống nhà mình. Bây giờ già rồi ngồi xét lại tôi thấy tôi không hẳn là người tốt nhưng cũng không ra người xấu. Làm phúc cho người mà vẫn nghĩ tới mình. Cái phúc của tôi, tôi đã tiêu hết, giờ ngồi co ro một mình, muốn nhấc cái chân cũng tuế toái. Trời công bằng lắm ông ạ! "
Ông Thạnh đưa cặp mắt ủ dột nhìn Mậu. Những nếp nhăn chằng chịt trên mặt như vừa được khắc sâu thêm. Mậu lặng câm chẳng biết nói gì. Điều thắc mắc trong anh làm anh loay hoay lựa chữ để thốt nên lời. Ông Thạnh có nhắc tới hai người con nhưng lại cố tình gạt đi không nói về họ. Anh muốn hỏi cho ra lẽ mà không biết bắt đầu như thế nào cho khỏi sỗ sàng tọc mạch. Anh chạy vòng quanh.
" Sao bác không thuê một phòng trong nhà già ở cho có bạn? "
Ông Thạnh gạt phăng:
" Chịu thôi ông ơi! Nhìn cái mình tàn tạ đã thấy chán mớ đời huống chi còn phải nhìn cả chục, cả trăm cái tàn tạ khác quanh mình. Nản lắm ông ạ! Ở đây còn thấy có sinh khí. Chiếc cửa sổ đó nhìn xuống một công viên nhỏ. Tôi cứ bắc ghế ngồi nhìn người ta sống: đám trẻ chạy nhảy, đám thanh niên tình tự, đám già tản bộ loanh quanh. Tôi thuộc thói quen của từng người, thấy lắm cái tức cười thú vị lắm. Mình không tham dự vào cuộc sống được thì ngồi làm khán giả vậy. Vé hạng ban công mà lại không mất tiền mua. Dễ mà được à! "
Ông Thạnh cất tiếng cười khục khục. Mậu nghe được cái mai mỉa lẫn phiền muộn trong tiếng cười phát ra từ chòm râu trắng bạc. Anh vòng trở lại với cái thắc mắc đang dính cứng trong đầu:
" Phải chi bác có con cháu tới thăm nom thường thì bác còn cảm thấy thú vị gấp bao nhiêu ấy chứ! "
Ông Thạnh ngước đầu lên nhìn Mậu. Đôi mắt ông như căng ra. Mậu bối rối nóng bừng vành tai. Anh nhìn thấy vẻ trách móc trên khuôn mặt cố giữ điềm đạm. Mãi rồi ông Thạnh mới buông ra một câu miễn cưỡng:
" Thì cũng có đấy chứ ông! " Ông Thạnh chùng giọng hỏi tiếp " Hình như đàn ông bây giờ đụt hơn thời xưa nhiều ông nhỉ ? "
Mậu ngỡ ngàng không biết trả lời sao. Thời ông Thạnh chắc phải khác bây giờ. Thời đó nhiều phần là phu xướng phụ tùy, thời anh thì cả hai cùng xướng chẳng có ai tùy, bây giờ có lẽ lại chỉ có một người xướng, mà người xướng đâu có phải là những anh đụt như ông Thạnh vừa bỉ thử. Anh e dè trả lời:
" Dạ, thời bây giờ nam nữ bình quyền nên chắc chẳng được như thời bác. "
Ông Thạnh lớn tiếng như nạt nộ Mậu:
" Nam nữ bình quyền! " Miệng ông bĩu dài làm hàm râu cong lên " Làm gì có chuyện đó. Bây giờ chúng nó đội vợ lên đầu thì có! "
Cái nút thắc mắc của Mậu như được cởi lơi ra một chút. Anh mạnh dạn lần theo sợi dây oan nghiệt.
" Chắc các anh ấy làm bác không vừa lòng? "
Ông Thạnh như chợt nhận ra sự giận dữ làm ông trượt chân vào sự bất nhã, ông nhẹ giọng gượng lại:
" Ông tính sao mà vừa lòng được. Nuôi cho ăn học, đỗ đạt thành tài, cũng bác sĩ kỹ sư như ai, vậy mà ngu. Vợ phán một câu nghe một câu, phán hai câu nghe hai câu, chẳng biết thế nào là phải trái. Ấy, xin lỗi ông, tôi giận dữ nói chẳng ra đầu ra đuôi gì cả làm sao ông hiểu được. Để tôi trình bày rõ ràng lại vậy. Tôi có hai thằng con, thằng lớn là cái thằng bác sĩ đó, rước được con vợ chỉ biết có tiền. Tham gì mà tham lạ tham lùng. Thằng thứ hai là thằng kỹ sư điện toán, lấy vợ đầm xài tiền như vứt giấy vụn, lúc nào cũng túng thiếu. Hai đứa con dâu biết vợ chồng tôi còn tiền nên xúi chồng về nã. Vợ chồng tôi nghĩ tiền thì sau này cũng cho chúng nó thôi nên cũng chẳng khắt khe chi. Nhưng càng cho thì chúng càng làm tới. Đứa nọ tị nạnh đứa kia. Xào xáo tất cả. Đời tôi đã có kinh nghiệm với tiền ông ạ. Khi mình để cho nó lộng hành che lấp tất cả lẽ phải trái thì hậu quả không biết tới đâu mà lường. Vợ chồng tôi bàn với nhau là không thể để cho tình cảm gia đình lao đao với tiền bạc được nữa. Chúng tôi khuyên bảo con cái đừng lụy vào tiền mà phải lấy cái tình ra đối đãi với nhau. Ai ngờ không biết chúng nó nghe vợ xúi bẩy ra sao mà đổ hỗn với bố mẹ. Hồi nãy tôi có nói với ông cái phúc của tôi hết rồi là vậy đó. Có con mà như không. Hôm đám bà ấy chúng có về chịu tang cho có hình thức, nhân tiện nói với tôi về những dự án lớn lao cần vốn. Thấy tôi lơ là chúng lại bỏ đi một nước. Chẳng dấu gì ông, tôi đã làm chúc thư xong xuôi rồi. Tiền bạc tôi cống hiến cho các hội thiện như trả nợ cho cuộc đời vợ chồng tôi. Một phần tôi cũng dành lại cho chúng nó. Nước mắt bao giờ cũng chảy xuôi mà ông. Ông dùng thêm trà nhé! "
Bình trà run rảy trong đôi tay ông Thạnh. Một tay cầm quai bình, một tay tựa trên nắp, ông Thạnh dốc ngược bình trà như muốn trút tất cả những não nề ra khỏi miệng vòi. Khuôn mặt cố gượng che dấu những xót xa làm Mậu thấy bất nhẫn. Anh muốn dìu ông già não nề này ra khỏi những buồn phiền khốn khổ.
Khi anh ngỏ ý muốn đưa ông Thạnh ra ngoài chơi vào cuối tuần tới, ông chối đây đẩy:
" Thôi ông ạ! Tôi đi đứng bây giờ phiền phức lắm. Chẳng dám làm nhọc công ông đâu! "
Mậu nài ép mãi ông mới rụt rè nói:
" Tôi bây giờ còn thiết gì nữa. Nếu không phiền ông quá đáng thì ông làm ơn cho tôi lên với nhà tôi một chút. Lâu không thấy chắc bà ấy cũng mong tôi. "
Giọng ông Thạnh bình thản như nhắc tới một người vẫn quanh quẩn đâu đây. Chưa hề ngưng thở, chưa hề nằm cô quạnh dưới mộ sâu trong một nghĩa trang lạnh lẽo.
Nghĩa trang nằm ở phía đông thành phố, sát bên cạnh xa lộ. Khi Mậu cho xe vượt qua cánh cổng sắt sơn đen cao nghều nghệu, ông Thạnh đảo mắt nhìn quanh vẻ háo hức như được trở về một nơi chốn quen thuộc. Những con đường nhựa đen mỏng nằm gác vào nhau như những vạch kẻ trên một bàn cờ rộng lớn. Màu xanh óng ả của những thảm cỏ bị những ngôi mộ nằm đè lên ẩn hiện sau những hàng cây chạy dài theo hai bên đường. Thế giới của những người không còn chung cuộc sống đời này êm ả lạ thường. Mậu cho xe chạy tới góc cuối của nghĩa trang vượt qua khối đá cao bằng đầu người có khắc chữ đánh dấu lối vào của khu Việt Nam. Mậu dừng xe dìu ông Thạnh xuống. Ông tựa vào chiếc gậy run run đứng dậy, sửa lại áo quần, ngơ ngác nhìn quanh. Gió phần phật như những bàn tay chào đón vẫy gọi. Mậu dìu ông tới phần mộ bà Thạnh nằm gọn giữa những nấm mộ đồng hương. Ông Thạnh lặng người trước di ảnh vợ. Dường như ông đã hóa đá mặc cho Mậu vất vả ngăn gió đốt đỏ nắm nhang mang theo. Khi những cây nhang nhẹ nhàng vươn khói trên mộ ông Thạnh mới nấc lên một tiếng nhỏ. Đôi mắt ông đỏ hoe sững sờ bất động. Chòm râu trắng bạc mê mải uốn mình theo gió. Hai tay nắm chặt đầu gậy, ông như ngả người trên khúc cây nâu bóng. Mậu im lặng đứng bên cạnh, tai nghe những tiếng thầm thì đều đặn nửa như tiếng cầu kinh nửa như những câu chuyện trò thân mật vợ chồng.
Thấy ông Thạnh ngả nghiêng, Mậu vội dìu ông ngồi xuống chiếc ghế đá trước mộ. Ông thoải mái dựa lưng nhìn những chiếc mộ nằm sóng nhau trước mặt. Mậu đốt một nắm nhang mang cắm trên những ngôi mộ chung quanh mộ bà Thạnh. Tiếng ông Thạnh bạt theo gió:
" Ông thấy chỗ nằm của tôi đó không? Nằm như vậy tôi sẽ nhìn về hướng này. " Bàn tay ông Thạnh chỉ về phía sau lưng " Tôi ngắm phong cảnh trước để sau này nằm xuống còn biết tầm mắt mình hướng về đâu. "
Mậu nhìn theo tay chỉ của ông Thạnh. Bàu trời xanh biếc bị ngăn chặn bởi những bóng cây nằm sin sít bên hàng rào nghĩa trang. Một vài tiếng chim lẻ loi cất giọng trên những tàng cây rậm rạp.
Ông Thạnh lau mắt nghẹn ngào:
" Chắc bà mong tôi lắm phải không bà? "
Giọt nước mắt mong manh trên đôi má nhàu úa của ông Thạnh theo Mậu tới nhà thờ vào chiều tối ngày thứ năm Tuần Thánh, ngày Chúa dùng bữa tiệc ly với đám môn đệ trước khi đi nộp mình chịu chết trên thập giá. Tiếng hát thảm thiết vật vã của ca đoàn cũng làm Mậu ớn lạnh như câu nhắn nhủ của ông Thạnh trước khi rời mộ vợ ra về. Ông Thạnh chờ mong cái chết như một sự giải thoát. Nhẹ nhàng như thể ông bước qua một cánh cửa đã mở sẵn. Cõi sanh và cõi tử như áp sát vào nhau chẳng một cách chia. Đứng bên này hay đứng bên kia đâu có khác gì nhau.
Trước khi ra đi Chúa đã làm một cử chỉ thân ái và khiêm nhường là cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Nghi lễ rửa chân được lập lại mỗi năm trong nhà thờ vào ngày thứ năm Tuần Thánh. Mậu chẳng bao giờ quên được nét mặt vui mừng và hãnh diện của ông nội anh ngày xưa khi được chọn làm một trong số mười hai người tượng trưng cho mười hai tông đồ ngồi trên ghế cho vị linh mục chủ tế rửa và lau bàn chân mặt. Qua đến bên này Mậu chẳng còn được nhìn thấy cảnh vị linh mục ngồi lê dưới đất rửa từng bàn chân đã được kỳ cọ sạch bóng ở nhà. Ngôi nhà thờ anh đang dự lễ trong mùi trầm hương thơm ngát thuộc về một xã hội rất ngại ngùng trong việc ban đặc quyền đặc lợi. Mọi người đi dự lễ đều được đối xử như nhau, nam cũng như nữ. Để cả nhà thờ giơ bàn chân ra cho vị linh mục rửa quả có bất tiện. Vì vậy nghi lễ rửa chân đã trở thành nghi lễ rửa tay. Linh mục đứng rửa tay cho tất cả các giáo dân có mặt trong nhà thờ như một cách thánh tẩy cuộc sống trong ngày tiễn biệt Chúa đi vào cõi chết. Thời gian có cái mãnh lực làm thay đổi những tập tục của cuộc sống. Phải chi ông Thạnh hiểu được lẽ biến hóa thông thường này. Hai người con của ông làm sao có thể lập lại được cuộc sống của ông. Mà đòi hỏi ông Thạnh sự cảm thông hoàn toàn với sự thay đổi sát sạt của một cuộc sống đã được dời qua cả một đại dương thì cũng khó cho ông quá.
Mậu đang trên đường đi xuống chỗ ngồi ở cuối nhà thờ với bàn tay vừa được thánh tẩy thì bà Cecile tiến tới chặn anh lại. Bà giơ bàn tay còn mát lạnh hơi nước cho anh bắt với nụ cười hiền hậu.
" Cám ơn ông đã tới gặp ông cụ mà chúng tôi giới thiệu nhờ ông thăm viếng an ủi. "
Mậu bối rối chẳng biết trả lời ra sao. Kể cũng ngộ, một người bản xứ lại cám ơn một bổn phận thông thường của một người Việt dành cho một đồng hương già nua đơn chiếc. Anh ngượng ngùng nhoẻn miệng cười. Tay anh vẫn nằm êm ả trong tay bà Cecile. Anh bỗng chợt cảm thấy cử chỉ rửa tay như một cách thế truyền đạt sự thanh thản của cuộc sống cho người khác. Phải chi ông Thạnh cũng được rửa tay!