main billboard

Tôi không phải là nhà văn. Tôi cũng không phải là nhà thơ. Tôi chỉ là một cô giáo già với tuổi đời đã gần 80 và tuổi nghề 35 năm trong ngành giáo dục....


30thang4Đất nước quê hương chúng ta nghèo nàn, nhược tiểu bị cường quốc xúm vào định đoạt ngược xuôi, đau lòng thay đã thế thân phận người dân Việt, vì bảo vệ giang san người trai trẻ phải giã từ đèn sách, giã từ tuổi trẻ học trò theo nghiệp đao binh, ngày vui thì ít, mồ hôi và máu đổ thì nhiều vận nước nổi trôi cuộc chiễn đã tàn, người trai lại phải xếp hàng đi vào lao tù khổ sai tàn ác của kẻ thù chiến thắng cùng mầu da cùng huyết thống, người ở lại thị thành, người vợ hiền và đám con thơ phải thay chồng lo gánh vác đàn con chưa kể những nhục nhằn khi người vợ hiền nhận lãnh những đòn thù khổ nhục khi lặn lội nuôi chồng nơi miền cực Bắc hay nơi sơn lam chướng khí.

Ngộ biến thì phải tùng quyền, ông trời có đức hiếu sanh nên cùng thì tắc biến, mà biến phải tắc thông, nói thì nói thế, dân tộc Việt Nam có tội tình gì mà cả một đời chinh chiến, phá nát quê hương, tới ngày chinh chiến tàn thì tôi chẳng còn chi, bao nhiêu năm mòn mỏi ngày hạnh phúc đã đến giấy tờ đến bến tự do để trả công ơn bảo vệ giang san và người dân lành nhưng người chiến sĩ thực sự có bao nhiêu ngày hạnh phúc, có bao nhiêu nụ cười thoả mãn trên đường đời? ra hải ngoại cắm đầu thi đua lao động để đền bù người vợ hiền một thời đã lao đao, vất vả ngược suôi!!! người quân nhân được bao nhiêu ngày hạnh phúc rồi lao lực quá nhiềutrong những ngày lao xá, voi cũng phải quỵ chứ đừng nói là người, chuyện phải đến đã đến, chuyện chia tay sớm muộn cũng thế thôi nhưg ước mộng chưa thành sao đành nhắm mắt suôi tay, đau lòng thay cho số phận dân tộc Việt Nam quá ư nghiệt ngã, tuổi trẻ Việt Nam có một ngày nào tự hỏi ta từ đâu đến và quê hương ta ở đâu.


Người lính già
Nguyễn ngọc Phách

 

Tôi không phải là nhà văn. Tôi cũng không phải là nhà thơ. Tôi chỉ là một cô giáo già với tuổi đời đã gần 80 và tuổi nghề 35 năm trong ngành giáo dục. Nguyện vọng của tôi khi viết bài nầy là để lưu lại một kỷ niệm thân thương cho con cháu khi chúng muốn tìm lại cội nguồn, khi muốn nhớ lại người mẹ, người bà yêu mến, chúng sẽ đọc và sẽ tự hào là người Việt Nam.

Tôi không bao giờ quên được ngày 30 tháng 04 năm 1975, ngày quốc hận và cũng là ngày biến cố quan trọng của đời tôi. Bọn cộng sản tàn ác, vô lương tâm xâm chiếm miền Nam. Chúng gieo rắc bao chết chóc, tang tóc cho biết bao gia đình! Con phải mất cha, vợ phải xa chồng, gia đình phải ly tán nhau! Bao nhiêu máu đổ thây phơi, bao nhiêu trái tim tan nát...

Chúng gọi những quân nhân trong quân lực Việt nam Cộng Hòa là ngụy quân. Chúng bắt họ ra trình diện và đưa đi “học tập cải tạo” một tuần lễ. Một tuần lễ đối với chúng nó mà kéo dài tới hai, ba năm hoặc tới hai mươi năm, tùy theo cấp bực.

Tôi nhớ lại lời Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nói với quân, dân miền Nam: “Đừng nghe những gì cộng sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì chúng nó làm.” Thật không sai! Chúng nó nói một đàng mà làm một nẻo.

Chồng tôi, Nguyễn Văn Quy, bị gọi đi trình diện và bị đi học tập cải tạo ở Cây Cầy (Tây Ninh). Một mình tôi ở nhà, vừa làm cha vừa làm mẹ, nuôi dạy bốn đứa con còn nhỏ dại, đứa con trai lớn nhứt mới mười một tuổi, đứa con gái nhỏ nhứt mới năm tuổi.

Tôi dạy ban ngày ở trường tiểu học Bạch Đằng. Ban đêm thì dạy lớp bổ túc văn hóa cho quý cô, quý bác lớn tuổi thất học (mù chữ). Chủ Nhật thì dạy kèm tại gia cho các học sinh học kém. Ông bà ta thường nói “nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Thân vinh đâu tôi không thấy mà tôi thấy tôi cực như trâu. Mà đúng vậy các bạn ạ. Tôi tuổi Sửu. Mà con trâu thì ban ngày kéo cày, tối được nằm nghỉ ngơi. Tôi còn cực hơn trâu các bạn ạ. Người ta thường nói “trâu ruộng bộn bề không bằng một nghề trong tay.” Với nghề dạy học, tôi bán chữ nuôi cha mẹ bịnh tật già yếu, nuôi chồng đang học tập cải tạo trong lao tù khổ sở, nuôi bốn đứa con nhỏ dại tiếp tục cấp sách đến trường.

Cha tôi, tám mươi lăm tuổi, bị té gẫy xương hông nên đã nằm liệt giường suốt năm năm qua. Mẹ tôi tám mươi tuổi, bị mổ bướu buồng trứng ba lần nên sức khoẻ rất yếu. Gánh nặng gia đình oằn xuống trên đôi vai gầy yếu của tôi.

Có một lần nọ, bốn đứa con lần lượt bị ban đỏ (bệnh sởi). Nhìn các con nằm rên xiết trên giường, tôi đau lòng quá! Tôi quẫn trí, định đưa các con lên cầu Bình Triệu (Thủ Đức) để mẹ con cùng nhảy xuống sông chết hết cho rồi!! Nhưng tôi sực nhớ lại, tôi còn cha mẹ già yếu đang cần đến sự chăm sóc của tôi, còn chồng tôi đang học tập cải tạo, đang cần đến sự thăm nuôi của tôi và nhứt là, bốn đứa con yêu quí của tôi đang rất cần đến bàn tay mẹ hiền. Tôi tự nhủ thầm rằng “ Tôi Phải Sống.” Bổn phận làm con, tôi phải báo hiếu cho mẹ cha. Bổn phận làm vợ, tôi phải lo tròn đạo phu thê. Bổn phận làm mẹ, tôi phải nuôi dạy các con khôn lớn nên người. Ròng rã suốt bảy năm trời thì cũng có ngày chồng tôi được trả tự do.

Ngày 21 Tháng Giêng năm 1982, ngày mà chồng tôi được ra khỏi tù cộng sản, ngày mà cả gia đình tôi đều nở nụ cười mừng rỡ. Nhìn chồng gầy ốm xanh xao, tóc đổi màu bạc trắng, tôi cay đắng, nghẹn ngào.Tôi chạy đến ôm anh, chỉ thốt ra được hai tiếng “Mình ơi,” rồi nước mắt tuôn ra thắm đẩm gò má và loang lổ trên ngực áo. Anh thì cũng chẳng thốt được lời nào, chỉ ôm chặt lấy tôi với khóe mắt rưng rưng đầy lệ.

Ôi làm sao tả xiết cảnh đoàn tụ sao bao năm dài xa cách. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Kể từ bây giờ tôi sẽ có người bạn đời bên cạnh để chia sẻ vui buồn, để chung nuôi con cái, để phụng dưỡng cha mẹ già.

Mỗi tháng anh phải viết báo cáo và trình diện tại phường 24 quận Bình Thạnh (nơi cư trú của gia đình tôi). Sau một năm, anh đi làm thư ký cho khách sạn bên Khánh Hội dưới sự kiểm soát của phường. Đến năm 1984, tôi nhờ một chị bạn làm tại bưu điện Saigon gởi hồ sơ của chúng tôi tới tòa đại sứ Mỹ bên Thái Lan, xin đi Mỹ theo diện H.O.. Chờ đợi mỏi mòn mười năm, hồ sơ được chấp thuận cho cả gia đình gồm cha mẹ và ba đứa con qua Mỹ (đứa thứ tư đã vượt biên năm 1988 và định cư tại Canada).

Làm sao để ta có thể giải thích được phước họa ở đời? Ngày 30 Tháng Chín năm 1994, vợ chồng con cái chuẩn bị đi phỏng vấn cho một cuộc đổi đời thì sự thay đổi oan nghiệt lại lù lù hiện tới: Mẹ tôi đột ngột qua đời! Hỡi ôi, thân nầy ví xẻ làm hai được! Tôi nên đi theo chồng con, hay ở lại lo hậu sự cho mẹ hiền? Thôi thì tùy duyên. Anh và con hãy đi trước đi. Anh ơi hãy cho em… Các con ơi hãy cho mẹ…một lần cuối cùng nhỏ lệ khóc thương đấng sanh thành.

Ngày 17 Tháng Mười, năm 1994, anh và ba đứa con ngậm ngùi từ giã quê hương. Đại úy Nguyễn Văn Quy của sư đoàn 25 Bộ Binh, dẫn theo ba con lên máy bay, đi Mỹ theo diện H.O. 23, để lại người vợ héo hon, người mẹ nát lòng. Sự sống của tôi đã theo đường bay trong đám mây ảm đạm kia mà mất dần, mất dần…Tôi ngã xuống trong chiếc xe mang tôi trở về. Cấp cứu của người bạn bác sĩ làm tôi tỉnh lại và bao lời khuyên lơn của bạn bè lối xóm, làm tôi thuyên giảm nỗi đau lòng. Tôi tự nhủ, thôi thì chỉ có xa nhau sáu tháng. Lo cho mẹ mồ yên mả đẹp rồi gia đình lại sẽ gặp nhau.

Anh và các con qua California ở nhờ nhà người bạn thân mà anh đã kết nghĩa anh em trong tù! Cùng nhau chia sẻ hoạn nạn, dằn vặt, nhục nhã, đói khát, anh và Thạch đã coi nhau như anh em ruột.

Thạch và Bảo, vợ Thạch, cùng các con đã đem hết tấm lòng thương yêu ra, giúp đỡ cho gia đình tôi. Cả nhà đi học ESL. Con trai tôi vì đã học hết hai năm tại trường sư phạm, môn Anh Văn, nên dễ dàng kiếm được việc làm. Cháu đạp xe đi làm nên người bạn Mễ cùng sở thương tình cho cháu quá giang khi mùa đông lạnh tới. Tuy không phải là người cùng chung huyết thống mà cậu ta xem con tôi như người bạn đã thân quen lâu đời. Rồi dần dần cả anh và hai đứa con gái cũng đều có việc làm.

Thế là Chủ Nhật cuộc gọi phone tưng bừng diễn ra. Ôi đại dương ơi, dù mi có xa xôi muôn trùng nhưng cũng không có quyền lực cách ngăn tình chồng nghĩa vợ, tình mẫu tử thiêng liêng. Nhưng hãng điện thoại thì có đủ quyền lực gởi cái “bill” đến với giá sáu trăm đô la! Ôi Chúa ơi, những lần sau tôi đều luôn miệng ngăn cản: “Thôi stop đi anh ơi. Thôi stop đi con ơi …” Tôi xin được phỏng vấn lại sau bốn tháng xa cách.

Ngày 17 Tháng Hai, năm 1995, tôi rời Việt Nam với một tâm hồn nặng trĩu, lớp lưu luyến nơi chôn nhau cắt rún, lớp lo lắng cho bệnh tình của cha già. Tôi không dám đến từ giã người, vì tôi sợ tôi bị xúc động rồi ngất xỉu đi thì sẽ không đi Mỹ được. Tôi bị bịnh cao máu nặng, mỗi khi tôi bị buồn rầu hay xúc động thì tôi bị ngất xỉu rất lâu mới tỉnh dậy. Máy bay cất cánh rời khỏi phi trường Tân Sơn Nhứt lúc 12 giờ rưỡi và sau 20 tiếng đồng hồ, gia đình tôi xum họp lại tại Mỹ.

Ngày ngày tôi đến trung tâm St. Alsem để học Anh văn. Sau sáu tháng tôi phải đi mổ mắt. Trước khi đi mổ, tôi quỳ gối trước bàn thờ và thành tâm khấn nguyện: “Xin Đức Mẹ cho con thấy được rõ ràng sau khi mổ mắt. Nếu con bị mù chắc con tự tử chết quá, vì con không muốn làm khổ chồng và các con của con !” Có lẽ vì quá thương chồng và các con nên tôi mới có ý nghĩ điên cuồng như thế.

Đức Mẹ đã nhận lời cầu nguyện của tôi nên sau khi mổ, đôi mắt tôi rất sáng và trông thấy rõ ràng. Tôi có thể đọc sách mà không cần mang kiếng lão nữa. Con xin cám ơn Mẹ Maria, tôi xin cám ơn bác sĩ Minh, người đã mổ mắt cườm cho tôi. Tôi đặt chân lên đất Mỹ ở cái tuổi năm mươi tám, cái tuổi dở thầy, dở thợ, và không muốn đi ở đợ. Ở Việt Nam tôi làm cô giáo, qua Mỹ tôi “tháo giầy.”

Làm cô giáo 35 năm, hôm nay đổi đời tôi trở lại làm học trò! Thật là một kinh nghiệm sâu sắc và quí giá. Chồng tôi học Anh văn và Spanish vào buổi tối. Tôi học buổi sáng. Ban ngày anh đi làm việc ở tận Long Beach. Chiều về ăn vội vài chén cơm rồi đi ngủ để đến 10 giờ tối thì vợ chồng tôi lại đến xưởng phân phát báo Los Angeles Times, để xếp báo. Đến 5 giờ sáng thì cùng nhau đi bỏ báo. Địa điểm bỏ báo của chúng tôi ở gần biển nên mùa Hè thì dễ chịu, còn mùa Đông thì lại vất vả, khổ sở. Gió biển lạnh thấu xương. Tay xách, vai mang bị đựng báo, chúng tôi lê bước bỏ báo đến từng nhà, vì chúng tôi tuổi già, sức yếu, tay run nên không thể ngồi trên xe mà quăng báo một cách điệu nghệ như đám trẻ. Xong việc, anh đưa tôi tới Golden West để tôi tham gia lớp học, còn anh lại đi làm thêm.

Tôi học Anh văn rất khó khăn, nên mấy tháng đầu nghe thầy giảng mà như vịt nghe sấm! Phần lớn tuổi, phần đầu óc chậm tiếp thu, nên thay vì học lớp cắm hoa chỉ có hai năm, tôi phải mất bốn năm. Sau bốn năm miệt mài tôi cũng ra trường vào mùa hè 2001 với chứng chỉ Floral Design & Shop Management. Dù có chứng chỉ trong tay nhưng với số tuổi đời đã muộn nên không có tiệm hoa nào mướn tôi hết. Tôi đành ở nhà lo cơm nước cho chồng và các con. Đêm đêm cùng chồng đi bỏ báo cho đến lúc hưởng tiền già.

Tôi thuộc loại “Giamaha” (già mà ham). Ham học, ham làm chớ không ham đi shopping. Vì tiết kiệm ngân quỹ gia đình, tôi chỉ mặc đồ hiệu ‘”DOMIBO” (đồ Mỹ bỏ ) và “DOREMI” (đồ rẻ Mỹ). Ba đứa con tôi tiện tặn để dành tiền trong ba năm và mua được một căn nhà ba phòng ngủ, hai phòng tắm, giá $158,000 mà chỉ đặt tiền trước có $ 10,000.

Trước khi mua nhà chúng tôi tạm trú với Thạch. Sau một năm chúng tôi muớn một căn hộ hai phòng đường Magnolia để ra riêng. Sau khi ở được hai ngày, đứa con trai lớn xuống garage thì thấy xe đã mất. Tôi bủn rủn cả chân tay. Chiếc xe chưa trả hết tiền mà đã mất.

Nỗi khổ mất xe còn nóng hổi thì anh cả tôi bên ViệtNam kêu qua, báo tin ba tôi vừa mới qua đời sáng ngày 05 Tháng Tư, năm 1995. Con người có thể chịu đựng được bao nhiêu đau khổ dập dồn trong một thời gian ngắn ngủi hả bạn? Lòng tôi ray rứt, ăn năn. Phải chi tôi nán lại Việt Nam hai tháng thôi thì tôi đã có cơ hội mang chiếc khăn tang tiễn đưa ba tôi đến nơi yên nghỉ cuối cùng. Phải chi tôi đừng vội vàng, tôi đã có thể quỳ bên giường bệnh và vuốt mắt đấng sanh thành trong lần tiễn biệt. Tôi khóc như mưa và khấn nguyện: “ Cha ơi, xin hãy tha cho con tội bất hiếu. Con không thể nào vẹn vẻ cả đôi đường…Xin cha hiểu cho con. Con thương cha nhiều lắm…” Tôi không thể về VN được nên gởi tiền về cho anh tôi lo ma chay. Trong sáu tháng tôi mồ côi cả mẹ lẫn cha !

Tôi ở nhà lo việc nội trợ, nấu nướng để khi chồng và các con về sẽ có bát canh nóng, chén cơm dẻo. Cả nhà sống trong hạnh phúc giản dị, chân thành. Các con ban ngày làm việc, tối học thêm ở Golden West College. Chúng hiện đã hoàn thành “ Giấc Mơ Mỹ” với công việc ổn định, nhà cửa đàng hoàng. Vợ chồng tôi chỉ ao ước sớm có cháu nội ngoại để ẵm bồng cho vui tuổi già. Các con tôi đều hiếu thảo, hiền ngoan. Gia đình tôi rất hạnh phúc. Cuối tuần xum họp, ăn uống và cùng nhau đi lễ ở nhà thờ Westminster. Chúng tôi tập cho các con biết thương yêu, chia sẻ và nâng đỡ nhau trong những khi tối lửa tắt đèn.

Sau mười sáu năm cùng nhau chia sẻ tất cả thăng trầm, buồn vui, khổ đau và hạnh phúc, ngày 14 Tháng Giêng, năm 2009, chồng tôi bỏ tôi ra đi, về với Chúa. Anh trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Fountain Valley vì nhồi máu cơ tim. Trước khi hôn mê, anh đã thì thầm với tôi: “Loan ơi, anh mệt lắm.” Nghe anh nói mà tim tôi đau nhói. Tôi cảm thấy như có muôn ngàn mũi tên đâm vào trái tim tôi. Tôi nắm tay anh, cố nén tiếng khóc. Đau khổ ơi, hãy chảy ngược vào tim đi, hãy nằm đó rã tan và thấm đậm. Rồi một ngày nào đó, chúng ta sẽ cùng nhau gặm nhắm từng phút, từng giây, từng nét rạch, từng đường vỡ để cho nước mắt nhỏ từng giọt xuống mộ bia lạnh lẻo, để người nằm đó nhắm mắt thở dài…Anh chăm chú nhìn tôi rất lâu mà không nói được cho đến khi hoàn toàn chìm vào hôn mê. Bác sĩ mời mẹ con tôi ra ngoài để họ dùng máy nhồi tim. Mẹ con tôi ngồi chờ trên đống lửa. Sau cùng ông ra, buồn rầu và nghiêm trang, nói: “Xin lỗi bà, chúng tôi đã làm hết sức. Ông nhà quá yếu…”

Các con dìu người mẹ khổ đau ngồi xuống ghế. Tình yêu, hạnh phúc, xum họp, chia lìa… Như những bọt nước…như những chiếc lá vàng… mênh mông… bềnh bồng… vô tận…

Chúng tôi được phép xuống phòng ICU để nhìn mặt anh lần cuối cùng. Sau khi Cha làm phép xức dầu và đọc kinh cầu nguyện cho linh hồn Gioan Baotixita sớm về với Chúa thì y tá đến rút ống oxy. Tôi nắm bàn tay mềm mại và còn chút hơi ấm của chồng mà nước mắt tuôn rơi. Tôi than thầm: “ Mình ơi, sao mình nỡ đi trước, bỏ em lại bơ vơ một mình. Mình nhớ cầu xin Chúa sớm rước em đi theo mình nghen mình!!”

Chúng tôi quàn anh tại nhà thờ Dilday Brothers ở đường Beach. Chúng tôi xin cảm tạ tất cả quý Cha, quý thân nhân, bằng hữu đã an ủi, thăm viếng và tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Chúng tôi cũng không quên cám ơn nước Mỹ đã cho những gia đình cựu quân nhân của quân lực Việt Nam Cộng Hoà được tỵ nạn trên miền đất tự do nầy... được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tự do ứng cử và bầu cử, và được tự do biểu tình v..v..

Chúng tôi nguyện chọn nơi đây là quê hương thứ hai và chúng tôi cũng sẽ gởi nắm xương tàn tại non nước nầy, giống như người chồng, người cha yêu quý của chúng tôi vậy.