main billboard

Nhà văn Vũ Khắc Khoan muốn ám chỉ thân phận “ngột ngạt” của tầng lớp trí thức “chẳng là bên này cũng chẳng là bên kia.”...


Năm 1953, tôi học đệ thất trường Chu Văn An Hà Nội, năm 1954 di cư vào Sài Gòn học ba năm đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ trường Nguyễn Trãi. Sau kỳ thi Trung Học đệ nhất cấp tôi lại trở về trường Chu Văn An năm 1957 học ba năm cuối cùng đệ tam, đệ nhị, đệ nhất và rời trường năm 1960.

Lớp đệ tam B2 nằm ở lầu hai ngay cầu thang. Cứ mỗi lần kẻng báo hiệu giờ học thì cả thầy lẫn trò đều cùng từ dưới nhà leo cầu thang lên lầu. Một tuần hai ba lần tôi bước sau thầy Vũ Khắc Khoan, dáng người thấp nhưng vạm vỡ, khuôn mặt như tượng đồng, mái tóc hơi gợn sóng. Thầy không dạy lớp tôi, nhưng tôi đoán thầy chẳng bao giờ cười. Nhiều bạn tôi học thầy môn Sử Việt cho biết cả một năm thầy chỉ dạy về Hòa ước 1884 mà vẫn chưa hết. Cứ mỗi lần đi sau thầy trên cầu thang, tôi lại nghĩ “ đây là ông Thần Tháp Rùa, đây là người đợi Giao Thừa.” Hồi còn ở Hà Nội, bố tôi thường mua nguyệt san Phổ Thông trong đó tôi được đọc Kịch Giao Thừa, Thằng Cuội Ngồi Gốc Cây Ða của thầy Vũ Khắc Khoan. Hồi đó mới học đệ thất, tất nhiên đọc mà chẳng hiểu gì nhưng ký ức về nhà viết kịch đã hằn sâu trong tâm khảm. Ðến năm 1958-1959 lên đệ nhất trí óc trưởng thành đôi chút, đã tìm đọc Thần Tháp Rùa (xuất bản 1957), Vụ án Nhân Văn Giai Phẩm do Mặt Trận Bảo Vệ Tự Do Văn Hóa xuất bản 1959 dưới tựa đề “Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc.”
VuKhacKhoan
Thầy Vũ Khắc Khoan.


Trong tập truyện Thần Tháp Rùa có truyện Trương Chi, trong “Trăm Hoa” có truyện “Con Ngựa Già của Chúa Trịnh” tác giả Phùng Cung. Quả thật hồi đó tôi chỉ lờ mờ thấy hình như hai truyện này có một điểm nào đó giống nhau mà không thể nào nêu ra được. Hai tác giả sống ở hai miền dưới hai chế độ tương khắc tương tranh, cả hai không quen biết nhau mà sao tư tưởng gặp nhau.

Từ đó về sau, cứ mỗi lần nhớ đến thầy Khoan là tôi liên tưởng ngay đến Phùng Cung nhưng tâm tư tôi vẫn chưa làm sáng tỏ được sự giống nhau về tư tưởng; cho đến khi sau 1975 thì mọi sự bừng sáng.

Tác giả Phùng Cung kể một câu chuyện từ thời chúa Trịnh. Một người buôn ngựa tên là lão Nông ở làng Phương Lộ dưới chân núi Tản Viên (núi Ba Vì thuộc trấn Sơn Tây xưa), hẻo lánh xa kinh kỳ. Lão Nông tậu được một con ngựa quí thắng mọi trận đua trong vùng. Vì lông nó trắng như bông nên lão đặt tên nó là Kim Bông. Thời đó Chúa Trịnh đang thành lập một đội kỵ binh hùng hậu, nghe tiếng đồn con Kim Bông là tuấn mã, bèn cho Mã quan trưng dụng về. Từ khi về phủ Chúa, con Kim Bông không còn phải ăn cỏ núi, uống nước suối mà được ăn thóc thượng hạng trộn mật ngọt bùi, nhai những bó lá trúc thơm sậm sựt. Nó được lính hầu tắm, chải lông mượt mà, được khoác những bộ dây cương sang trọng, và được... đóng hai miếng sắt to che hai bên mắt, khiến nó chỉ nhìn thấy một phía. Bây giờ nó không còn được chạy đua trên đấu trường nữa mà được gông cổ vào hai càng xe để kéo xe cho Chúa. Nó vẫn nghĩ tài năng nó còn hùng dũng như xưa, nhưng cứ thế kéo xe hầu Chúa lâu ngày khiến nó đã cùn nhụt mọi sức lực và tài nghệ, đến độ nó gục ngã sớm trong một cuộc đua.

Con Kim Bông tượng trưng cho những văn nghệ sĩ đầy sức sáng tạo khi được tự do sáng tác, nhưng khi trở thành những ông quan văn hóa nghệ thuật quyền cao chức trọng, bổng lộc thừa thãi, suy nghĩ và viết theo chỉ thị thì dần dần đã biến thành những hình nộm không còn tâm hồn.

Trong truyện Trương Chi, tác giả Vũ Khắc Khoan cũng kể một câu chuyện dân gian cổ xưa. Trương Chi được tác giả mô tả là một chàng trai tuấn tú, có thiên khiếu ca hát, lại được thụ giáo một vị thầy âm nhạc nên lời ca chàng sáng tạo sâu xa mà giọng ca lại phong phú quyến rũ mê hoặc lòng người. Một ngày trên đường phiêu lãng, chàng ghé qua một quán rượu ven sông. Chàng ngạc nhiên thấy chủ quán chỉ dọn rượu mà không đồ nhắm, thịt bò thịt gà thịt heo đã không có mà ngay cả cá cũng không. Chủ quán buồn rầu cho biết đó là lệnh của vị trưởng giả họ Trần trong vùng. Tổ tiên vị trưởng giả này có công lớn với triều đình nên con cháu được hưởng lộc thâu thuế trên khúc sông này. Con gái của ông tên Mỵ Nương mê ca hát, được một ả đào ngày đêm hát cho nghe. Chẳng may ả này vì ỷ thế trưởng giả mà nhảy xuống thuyền của một bạn chài đánh người, sảy chân chết đuối. Mỵ nương không có ai ca hát cho nghe nên sinh bệnh. Trưởng giả họ Trần nổi giận trừng phạt phường chài không được đánh cá, khiến cho dân chài cả vùng khốn đốn. Trương Chi nghe kể bất bình, trong lòng nổi lên tình cảm thương xót dân nghèo yếu thế, bèn cất tiếng hát hào sảng thống thiết khiến phường chài mừng rỡ, mang Trương Chi đến nhà trưởng giả thay thế ả đào hát cho Mỵ Nương nghe; và nhờ vậy Trần trưởng giả lại cho phép phường chài đánh cá như xưa. Trần trưởng giả bắt Trương Chi ngồi trong một phòng riêng che kín để giữ gia phong nghiêm ngặt

Chỉ sau hai ngày nghe chàng hát, Mỵ Nương đã say mê muốn được cùng chàng kết duyên phu phụ. Trưởng giả bàn với phường chài làm thế nào cho Trương Chi vẫn hát mà khiến cho tiểu thư ghê sợ. Thế là phường chài bèn bắt chàng che mặt, nói dối tiểu thư là chàng mắc bệnh phong hủi. Nhưng tại sao chàng nghệ sĩ tài hoa kia lại chịu mang tiếng nhục nhã như vậy? Chính vì chàng một lần qua kẽ vải che đã thấy mặt tiểu thư đẹp tuyệt trần sinh lòng si mê nên phải ép lòng làm tôi mọi cho phường chài. Phường chài dùng chàng như một công cụ cho sinh kế của họ.

Nhưng dần dần lời ca, giọng hát của chàng càng ngày càng tệ. Ý tưởng, lời ca hình như càng lúc càng hạ thấp xuống cùng hàng thuyền chài với những đợt cá hàng ngày, những ngôn ngữ chợ búa. Rồi một đêm chàng thức giấc giữa khuya thấy mình mẩy khác thường, đau đớn như sắp lột xác. Chàng lê cái thân đau ra bờ sông soi mặt trong dòng nước. Dưới ánh trăng vằng vặc chàng bỗng kinh hoàng thấy một khuôn mặt cục cằn, trán thấp, mũi tẹt, răng hô, đôi vai thô kệch của một bạn chài suốt đời chỉ thấy cá và cá. Trương Chi ôm mặt khóc nức nở. Chàng đã đánh mất cả tâm hồn lẫn thể xác cho một tình yêu vô vọng. Chàng lặng lẽ bỏ đi mất tăm mất tích.

Cũng như con ngựa già của chúa Trịnh, Trương Chi đã mang thân và tâm mình làm công cụ cho một phường chài mà kết cuộc thê thảm là đã làm mất hết tài năng sáng tạo.

Có sự khác biệt về số phận sau cùng của hai nghệ sĩ: Con ngựa già chết trong nhung lụa sủng ái. Chàng Trương Chi may chưa chết thì đã phản tỉnh và bỏ đi. Ông trưởng giả tượng trưng cho giai cấp tư sản, phường chài tượng trưng cho giai cấp vô sản. Chàng nghệ sĩ họ Trương bị kẹt giữa hai bánh của cái cối xay đá. Nhà văn Vũ Khắc Khoan muốn ám chỉ thân phận “ngột ngạt” của tầng lớp trí thức “chẳng là bên này cũng chẳng là bên kia.” Thế thì chàng bỏ đi đâu, cơ cấu xã hội nào dung chứa được chàng?

Năm 1986, nghe tin thầy Khoan mất ở tiểu bang Minnesota, tôi mừng cho thầy đã ra đi với thân tâm an lạc, thầy không còn phải vướng vào cái nghiệp con ngựa già và chàng Trương Chi. Năm nay 2013, 27 năm sau khi thầy qua đời, học trò nhớ đến thầy như một nhà tư tưởng của tầng lớp trí thức tỉnh táo, vững vàng và sống suốt đời với lập trường của mình.