main billboard

 

“Anh Hai Bảnh coi vậy mà bảnh tỏn quá ta, dám chơi trò “cung tàn, điểu tận”...

hat karaoke

Sau buổi cơm chiều thường thường chúng tôi ngồi chùm nhum quanh cái bình tích trà để tán dóc đở buồn cho tới khi kiểng đánh leng keng báo giờ đi ngủ. Nước nóng đã có trại cung cấp mỗi ngày hai lần cùng với bữa “cơm”. Ông Sáu già có sáng kiến lấy khăn lông quấn chung-quanh cái lon gô để giữ hơi ấm lâu tới đâu hay tới đó. Chúng tôi gọi lon gô đó là bình tích trà tàu. Nhưng năm khi mười họa mới có trà. Mà là trà Huế nát nhừ, mốc thít gởi mua ngoài chợ do thằng Hai Bảnh ngoại giao với mấy chị nuôi phục vụ dưới nhà ăn. Hôm nay có trà mà cũng có đường nữa, đường chảy đen ngòm mấy tay hình sự mua từ lò đường mía nấu chui đâu đó. Đầy đũ. Hứa hẹn một buổi tối vui.
Trong góc phòng thằng Sáu-đờn-kìm nằm tréo ngoãi nảy giờ bỗng cất tiếng ca một đoạn Lan và Điệp mùi tận mạng:

…Chôn bướm với Lan giết lòng thương nhớ - Lan chốn vô ưu sống đời nâu sòng – Còn đâu ân xưa ngày cũ. Tấm thân em quy y rồi. Dáng xưa có mờ tâm khảm…. Ân ái đã tan nghĩa tình đâu nữa. Xa cách bể dâu đổi dời muôn đời. Vì đâu hoa xưa lìa cánh. Bến xưa thay đổi con đò…Để hôm nay khóc tình dỡ dang…

Rồi nó nhảy từ chỗ nầy qua chỗ kia, băng từ vai Lan qua vai Điệp, nó đóng luôn vai chú tiểu, vai vợ Điệp, mẹ Điệp, ông Tú…không chừa ai hết.

Chúng tôi im lặng để thưởng thức tài nghệ của nó. Thằng coi ô nghề kịch cợm, nói năng bạt mạng nhưng có giọng ca “tiền không”. Nghe giọng ca ngọt ngào của nó bắt nhớ nhà khan, mà càng nhớ nhà càng ham nghe nó cất tiếng vô giọng. Sáu-đờn-kìm một phần hứng chí một phần vì biết chúng tôi chăm chú thưởng thức nên trổ hết tài, sợi gân cổ của nó căn lên như kép Hữu Phước làm sáu câu trên sân khấu Thanh Minh Thanh Nga độ trước. Được mợi, thằng Sáu đứng dậy vừa ca vừa làm bộ tịch bắt chước Hoàng Mai và Chí Tâm:

“Ức oan còn hơn đem giết đi – Đời là vậy, khi cung tàn điểu tận.

“Biết vậy còn than nỗi gì. Thôi lên đường đừng buồn…”

Cả bọn cười vang. Vài ba phút yên ắng sau đó như là mọi người lắng nghe cái dư âm còn đọng lại đâu đó trong phòng, dư âm có khả năng gợi dậy quá khứ thân thương của từng người. Bỗng ông Bảy-năm-trên lên tiếng chậm rải “Thằng Sáu-đờn-kìm bậu có nhớ rõ không đó bậu? Làm gì có chuyện thằng thầy tuồng viết câu ngu ớn như vậy chớ: ‘Cung tàn, điểu tận’. Rồi ông chép miệng như nói với chình mình. “Cung gảy chim hết”. Cung gảy chim còn, chứ sao hết được. Vô lý quá. Ông ta ngó ngay tôi. “Phải nói điểu tận cung tàn.” Hết chim bẻ gảy cung. Người ta dùng tích nầy để nói sự vắt chanh bỏ vỏ.. Tui nói có phải hông ông thầy giáo? Nói như vậy mới lọt lổ tai..”

Tôi gật đầu phụ họa, trả lời không cần suy nghĩ:

-Phải. Mà bác Bảy chữ nghĩa đầy bụng nói làm sao trật được.

Thằng Sáu-đờn-kìm bỗng xì nẹt ngang:

-Thôi mấy ông ơi! Cung tàn điểu tận hay điểu tàn cung tận gì cũng “mêm xối” mà thôi. Nói chuyện năm trên hoài. Bắt lỗi với bắt phải!

Tôi can thằng Sáu, không cho nó đi quá lố:

- Nín đi Sáu, hông có chuyện gì mà phải nổi máu Trương Phi. Bác Bảy nói là nói thằng- thầy -tuồng, chớ có nói mầy đâu! Mầy ca như vậy là số dách rồi.”

Tôi giảng hòa bằng cách rót cho nó một chén trà đưa tới tận tay.

Ông Bảy-Năm-Trên có vẻ không thèm chấp nhứt thằng Sáu, cất giọng kể chuyện năm trên:

-Tui có một chuyện điểu tận cung tàn tân thời hay lắm. Ở xóm Cổ Cò chỗ tui có vợ chồng Hai Điền. Tụi nó già cở tui nè, ở đó lâu rồi. Có một thằng con tập kết ra Bắc hồi nẵm. Vì vậy hồi trước tụi nó chứa chấp “tụi nầy”. Bác nháy mắt chỉ ra ngoài cửa rồi đưa tay ra dấu trên đầu cầm cái nón cối.

Thằng Sáu-đờn-kìm chưa hết giận, vẫn còn nói hỗn:

- Việt cộng thì nói Việt cộng mẹ nó cho rồi. “Tụi nó”, “tụi nầy”, ai mà hiểu.

Tôi chận nó:

- Sao mầy hiểu? Bộ chỉ có mầy hiểu thôi sao. Hổng phải chỉ có Việt Cộng thôi đâu. Mà còn có cả bộ đội nữa.

Ông Bảy tiếp:

- Vợ chồng Hai Điền có một cái nhà lớn xộn. Ngay dưới gầm giường của nó có đào một cái hầm bí mật để chứa mấy chả. Có bữa bên phe Quốc Gia mình đóng trong sân nhà nó. Một vài anh em binh sĩ lân la vô uống nước trong nhà, nó thấp tha, thấp thỏm như gà mắc đẻ. Sợ lộ thì chết đòn. Nuôi mấy chả, tối tối nó phải thòng cơm, thòng canh xuống cho tụi nó. Hông thui tụi nó chết đói mắc dịch còn gì.

Sau nầy có lúc vui miệng Hai Điền thố lộ với tui: “Lúc trước mình thòng cơm, “thòng canh” nuôi họ là để chờ ngày “thành công”. Bây giờ mình cũng mong được dịp thòng canh để chờ ngày thành công khác.”

Tôi hỏi cho rõ:

-Sao lạ vậy bác Bảy?

-Thì có gì đâu? Anh ta được hứa hẹn cái con mẹ gì đó ai mà biết được. Có điều là sau bảy lăm, cũng hí hửng một thời. Giờ hỏng có gì hết. Trớt quớt vẫn huờn trớt quớt. Mà quyền tư hữu của tổ tiên để lại còn bị va chạm nên bất mãn. Ừ, để coi, thằng con ra ngoài đó giở tánh Nam Kỳ ra, chửi vung tàn xích chó. Tụi nó tưới hết quân hàm, lột luôn đảng tịch, cho phục viên, trở về với thân tàn ma dại. Ruộng của thằng cha, tên chủ tịch xã tước hơn phân nữa chia tứ chia tam. Cái nhà kho trước đây của chã, xã mượn để làm trạm gì gì đó rồi không bao giờ huờn lại. Hỏi hỏng tức ói máu sao được?

Hai Điền nhiều khi nhậu ba ngù nói nho nhỏ với tui “Bây giờ hết tụi Ngụy rồi nên tụi nó làm phách chó tụi nó chứ. Hồi đó thằng Chủ Tịch Xã năn nỉ tui thiếu điều lạy. Nói ra thì Ba-ba, con-con, bây giờ trở giọng anh-tui. Còn xử ép mình nữa. Thật là “cung tàn điểu tận”.

Anh em biết sao không? Lúc đó tui đâu thèm để ý tới ba cái lẻ tẻ dốt mà hay nói chữ của nó. Tôi chửi thầm: “Đáng kiếp, chỉ có mấy thằng ngu như mầy mới làm cho hùm thêm vây, bây giờ hùm sắp quay lại cắn cổ thì mới tỉnh ngộ. Có dịp thòng canh tụi tao cũng hỏng để cho mầy thòng canh đâu. Mầy chỉ có thể kiếm củi, nấu nước rửa rau là cùng. Thứ đồ đổi thay lập trường vì quyền lợi! Làm sao tụi tao tin nỗi tụi bây?

Bác Bảy Năm trên kể tới đây bỗng có tiếng gỏ cửa, cách gỏ quen thuộc.

“Có anh Hai Bảnh đó không? Sáu Khăn Rằn muốn nói chuyện.”

Chúng tôi mọi mắt đều hướng về Hai Bảnh, anh thì thầm với tôi. Tôi lên tiếng:

“Trại trưởng chỉ định nó công tác thu hoạch mì ngoài vườn hồi chiều tới giờ chưa thấy về. Chắc là đêm nay họ ở lại ngoài láng…”

Có tiếng đàn bà giọng mủi:

“Vậy sao? Thôi mấy bác làm ơn nói với anh Hai là em có đến từ giã ảnh nghe! Em phải đi gấp không thể ra vườn từ giã ảnh được.”

Tiếng bước chân xa dần.

Hai Bảnh lên tiếng:

“Nó bị đổi đi vì chuyện lùm xùm lề xềgì đó về tiền nong chợ búa. Chuyện nầy tui biết trước từ hôm qua lận. Nghe nói đâu nó bị đổi qua làm việc bên ban chấp-pháp. Qua đó làm thơ ký thường chắc là bơ mỏ. Ăn bớt ăn xớt gì được nữa! Mà mình còn nhờ cậy gì nó được nữa đâu, từ giả từ thiệt chi cho mất công mất linh. Nó thấy mình sao đó mới tử tế chớ bộ. Thương yêu gì! Đâu phải ai mượn nó cũng chịu mua giùm đâu. Thôi “hết xôi rồi việc, chân không thầy về.”

Tôi chọc:

“Thì nói tại mình bảnh cái cho rồi, còn làm bộ ởm ờ, chín hấu mại hơi. Tui coi ông cũng bảnh thiệt tình. Đàn bà con gái đeo như đĩa, phủi không hết!”

Lúc ấy thằng Sáu-đờn-kìm mới vui vui lên tiếng:

“Anh Hai Bảnh coi vậy mà bảnh tỏn quá ta, dám chơi trò “cung tàn, điểu tận” ý quên, nó ngó ngay Bác Bảy Năm-trên, sửa lại, chơi trò “điểu tận, cung tàn” với người đẹp. Phải tui ha…. tui tới luôn bác tài. Cùi đâu sợ lỡ. Khoái được chút nào cứ khoái. Coi như là trả thù.”

Hai Bảnh cướp lời: “Nó hôi như cú mèo chớ có nước mẹ gì đâu. Đâu phải chim anh vũ đâu mà ham mậy!”

Cả trại cười như nức nẻ, quên hết cảnh cá chậu chim lồng.

Ngoài kia thiệt là êm vắng. Tiếng con tắc kè kêu từng tiếng tắc kè, tắc kè.. Hình như năm nay nữa là năm thứ hai vợ con tôi ăn Tết không có người chủ gia đình.