main billboard

 

Kèm theo đây là đơn xin ly dị, Trang đã ký sẵn, mong anh ký vào, chắc anh hiểu lý do. Hãy yên tâm, ra tòa, em sẽ không đòi hỏi gì nơi tài sản của anh. Chỉ xin được tự do.

thienduong

Hai người ngồi đối diện nhau bên cái bàn dài ở phòng ăn. Mặt bàn bằng gỗ sồi màu nâu bóng loáng. Chuyến tham quan lần đầu của chị Liên đến đây, chị đưa ngón tay quệt lên mặt bàn, kêu:

" Trời, không một hạt bụi. " Anh Thuận mỉm cười, tự mãn:

- Trật tự, sạch sẽ là tiêu chuẩn hàng đầu ở nước Đức, mà cũng là của tôi nữa.

Chị Liên ngó Trang:

- Nhỏ Trang tốt phước thật. Ein perfekter Mann (người đàn ông lý tưởng) Không hút thuốc, không uống rượu, cờ bạc, lăng nhăng cũng không, biết chăm sóc nhà cửa, kỹ sư, lương cao, yêu vợ.....còn gì nữa.

Trang im lặng. Điều chị Liên chưa biết là bà quét dọn ở đây đã được Thuận cho nghỉ việc ngay khi Trang xách va-li bước vào căn nhà này. Anh đưa lý do: " Mình phải tiết kiệm để trả tiền nợ mua nhà hằng tháng, anh mới mua căn nhà này khi quyết định cưới em. "

Lúc đó Trang thật sự cảm động trước sự lo toan chu đáo của anh. Căn nhà rộng hai tầng với khu vườn phía sau nhắc Trang nhớ vườn mận của Ngoại ở Đồng Tháp khi xưa, có cái võng dù xanh mắc sẵn, mùa hè về thăm Ngoại, Trang nằm đu đưa với cuốn truyện trên tay, rổ mận da người và dĩa muối ớt dưới đất. Cô lên kế hoạch: mắc cái võng ỏ hai cột tường ngoài hiên, để mỗi chiều anh đi làm về, hai đứa bên nhau tâm sự "...nhắc chuyện đời, chuyện người mai sau...tình chia trong đêm sầu...." Trang mơ màng. Cô lầm. Ở đây, xứ Âu châu này - không có võng, không có mận, thời gian càng không có - mỗi ngày đủ việc cho Trang lau chùi-nấu ăn-dọn dẹp.

- Cô suy nghĩ kỹ chưa ? Coi chừng có lúc hối hận đó.

Giọng nói Thuận khô khốc, có vẻ đe dọa hơn là xúc động. Trang cười buồn:

- Em đã hối hận từ sáu năm trước, khi mới về với anh chưa đầy ba tháng, đâu đợi tới bây giờ.

Anh Thuận ngó sững Trang, lấy cặp kính xuống, rút khăn ra lau, lau đi lau lại, thói quen của anh, trật tự-ngăn nắp-sạch sẽ.

Anh không hiểu Trang thật, hay cố tình không hiểu. Cái va-li để sẵn trước cửa, là tài sản của cô khi vào căn nhà này, giờ là kỷ vật duy nhất cô mang ra khỏi đây. Khi quan sát Trang xếp mấy bộ quần áo cũ, sách vở, đồ dùng vặt vãnh vào va-li - không một món gì mới - anh ngó lơ ra cửa sổ. Sau cái mail ngắn từ biệt, Trang chẳng muốn quay lại, nhưng có vài thứ cô mang từ Việt Nam sang, mấy cuốn album từ thơ ấu đến ngày ra trường Gia Long, cuốn tuyển tập truyện ngắn của Tchekov, bộ truyện của Anderson, mấy cái áo dài, cái xửng hấp bánh, không thể bỏ được, đành trở về chạm trán với Thuận.

Qua điện thoại chị Liên rầu rĩ nói: " Có lẽ là lỗi tại chị, hồi xưa chưa hiểu rõ Thuận lắm, mới mai mối cho em...."

Trang gạt ngang: " Đâu phải lỗi tại ai, có khi đây là sự giải thoát cho em và cả Thuận."

Đứng ở sân ga một mình chờ chuyến tàu khuya về miền Nam Đức, Trang không thấy bơ vơ như nỗi lo sợ trước đây. Cô hít một hơi dài, chiều mùa thu mát lạnh, có cảm giác như vừa bỏ được một gánh nặng trên lưng. Hơn một giờ nữa tàu mới đến, cô ra nhà ga quá sớm. Thuận đề nghị:

- Mình đi uống nước, rồi anh tiễn em ra ga lần cuối.

Trang nói: - Không cần, cả năm nay em vẫn đi về một mình có sao đâu.

Thuận thở ra:

- Em oán ghét anh lắm phải không? Anh công nhận, lúc sau này công việc ở hãng nhiều quá, anh ít có thì giờ lo cho em, nhưng em nên nhớ nếu không có anh bảo lãnh.....

Em nên nhớ...em phải nhớ...bộ em quên sao.... Điệp khúc đó Trang phải chịu đựng bao lâu rồi.

- Em nhớ nhiều thứ lắm, anh khỏi cần phải nhắc, ơn nợ của anh giúp em sang đây, em trả sáu năm nay chưa đủ sao?

Cô nhớ Katarina, cô bạn đồng nghiệp ở Bank, kể chuyện: Sau khi chôn cất bà vợ mình xong, ông nọ cứ ngày ngày ra ngồi bên mồ vợ mà khóc, " jetzt bin ich allein" (giờ tôi chỉ có một mình thôi) Bạn bè khuyên nhủ, lôi ông đi, ông nhất định ở lì đó mà nức nở "ich bin allein, allein". Khóc sưng mắt mấy ngày, từ từ ông tỉnh ra, khi thấy mỗi ngày đi về chẳng có ai tra vấn ông như trước đây: đi đâu đó, hay mới ở đâu về?..Ông ngẩn ngơ nếm mùi tự do: "allein, aber ich bin frei, ja, ich bin frei" (cô đơn nhưng mà tôi được tự do, tôi tự do). Giống như Archimede khi tìm ra chân lý, ông mừng quá vừa chạy, vừa kêu, " frei, ich bin frei "(tự do, tôi được tự do) khi những bó hoa trên mộ vợ ông vẫn còn tươi.

- Có lẽ chỉ vài ngày, hay cùng lắm là vài tuần, anh sẽ quên em ngay thôi.

Trang nói, khi Thuận cầm tay Trang mà khóc lúc biết chuyện Trang đòi ly dị là sự thật :

- Cho anh xin lỗi. Anh cư xử có hơi cứng rắn, nhưng anh yêu em thật mà.

- Thật vậy sao? anh yêu em hay anh cần em, cần một người đầy tớ phục dịch trong nhà.

- Em cay đắng với anh nhiều quá. Em quên là....

"Thế còn nỗi cay đắng, tủi nhục bao lâu của em, anh có biết không ?" Trang thấy mỏi mệt, chẳng muốn tranh luận tiếp. Giải thích với Thuận chỉ là vô ích. Hay tại mình thiếu cứng rắn ngay từ lúc đầu. Sự chiều chuộng, yêu quý nhau không thể chỉ đến từ một phía.

Tuần đầu tiên chung sống, bữa cơm chiều vừa xong, Thuận ra phòng khách ngồi xem ti vi, Trang còn lúi húi dọn chén bát vô nhà bếp, chuẩn bị rửa, nghe anh nói: " Ăn xong, mà chẳng có nước trà để uống." Vẫn vô tư, Trang cười, " Dạ thưa sếp, em nấu nước ngay đây," pha trà, pha cà phê là một việc vặt trên xứ tiện nghi này, chỉ cần cho nước, tí trà, hay cafe vào bình, cắm điện là xong, nhưng có thể Thuận thích được cô chăm sóc. Cô vừa rửa chén, vừa hát : "em lo gì trời nắng, em lo gì trời mưa...em cứ yêu đời đi, như lúc em còn thơ...." Nhưng khi cô bước vào phòng khách, anh Thuận nghiêm mặt, ngó cô, gắt : " Sao nói pha trà mà đến giờ chưa có ? "

Trang khôi hài, " Thưa sếp, em chỉ có hai tay thôi", ngay lúc đó cô kịp dừng ngay tiếng cười khi Thuận gằn giọng nói, " Anh muốn, bữa cơm ăn xong là phải có trà uống ngay, rồi hẳn dọn dẹp sau." Trang lặng lẽ quay vào bếp. Cha cô ngày xưa, dù từng là một sĩ quan cao cấp, chưa bao giờ bắt buộc mẹ cô phải cơm dâng nước rót đến tận tay cho ông, trừ lúc có khách. Đôi khi mẹ bệnh, ba mua cháo gà, đem đến tận giường cho mẹ.

Đến tối, khi nằm bên nhau, Thuận kể lể, " Ông Nội anh từng là Hội đồng tỉnh, gia đình anh giàu có quyền quý nên giữ nề nếp cổ xưa, cha anh làm việc ở Tòa án, mẹ anh rất sợ, kính trọng cha anh, anh quen thấy mẹ anh làm như thế, mà anh thấy ông bà sống với nhau hòa hợp lắm."

Thoả mãn dục tính xong, Thuận ngủ say, ngáy đều đều. Trang quay mặt nhìn ra cửa sổ, trăng xứ người dường như không tròn và sáng như ở quê nhà, cô muốn hỏi, " thế có bao giờ anh hỏi mẹ anh là bà có hạnh phúc không ?" Cô để mặc hai dòng nước mắt âm thầm chảy.

Thuận chưa muốn có con, dù anh đã hơn 40, anh nói, "Ở xứ này chuyện có con không là vấn đề quan trọng, cuộc đời thiếu gì việc để lo, để vui chơi." Anh ghi tên cho Trang đi học lớp tiếng Đức, với lý do: "Biết tiếng dễ kiếm việc làm hơn. "

Mỗi ngày ba tiếng đến trường, đó là những giờ giúp cô tạm quên đi thực tại, tạm quên số phận mình. Cô chỉ có thể điện thoại cho chị Liên ở trạm điện thoại công cộng, tha hồ chuyện tào lao, nhưng chuyện đáng nói thì mắc nghẹn. Đôi lần không dằn lòng được, muốn than thở vài câu thì nước mắt đã dâng lên tới cổ. Chị Liên thẳng tính, Trang ngán chị có thể xông ngay tới đây "để hỏi Thuận cho ra lẽ " thì gia đình bên nhà biết hết sự thật, bệnh của mẹ sẽ nặng thêm. Ngay khi đám cưới vừa xong, Trang đi cùng Thuận vào bệnh viện thăm mẹ. Bà cầm tay Trang mân mê chiếc nhẫn cưới, miệng cười tươi nhưng mắt rưng rưng, "bây giờ có chết mẹ cũng yên lòng".

Thuận nói, " Mẹ không phải lo âu, con sẽ lo cho Trang đầy đủ tất cả, bên Đức cũng có gia đình chị Liên." Bà nhìn Thuận với ánh mắt biết ơn.

Sang đây Trang mới biết chị Liên ở mãi tận phía bắc Đức, khó khăn không phải ở khoảng cách mà là thời gian. Muốn gặp nhau phải hẹn termine ít nhất trước cả tuần, không như bên nhà, muốn gặp nhau tán dóc cứ tỉnh bơ mà tới tận nhà gõ cửa, rủ nhau đi ciné, ăn kem lúc nào cũng được.

Trang không dấu chị Liên được bao lâu, có lúc chị thắc mắc : " Em làm cái gì ở nhà, mà không lên chơi với chị được, nếu Thuận không lái xe đưa em đi thì em tự đi xe lửa, chị trả tiền vé xe cho, hay Thuận yêu em quá, nên chẳng dám để em đi chơi đâu."

Trang nửa đùa nửa thật: " Chị đoán hay như thần, nói cái gì cũng đúng."

Tuy Thuận không đưa ra qui định, nhưng cứ nhìn ánh mắt nghiêm khắc của anh, chẳng bao giờ Trang tự ý đi đâu một mình, cả khi đi chợ hay mua sắm. Cái khuôn phép vô hình siết Trang từ từ, cô không ao ước, đòi hỏi đi xem văn nghệ hay đến nơi hội họp có đông người Việt Nam, như lúc còn ở bên nhà. Tiếng hát, tiếng cười của cô tắt dần. Cũng chẳng tha thiết chuyện đến nhà hàng ăn, như ở Mc Donald, lúc đó cô là người phải sắp hàng đứng đợi mua hàng, trong khi Thuận bình thản ngồi chờ. Cuộc sống thu lại trong cái vòng khép kín, từ nhà đến trường, cửa hàng, đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp, lau chùi-ngăn nắp-sạch sẽ. Thuận đòi hỏi, từ mặt tủ, bệ cửa sổ, giá sách, cầu thang phải không có bụi, mọi thứ trong bếp cũng phải trật tự và sáng bóng. Trang tự hỏi, " điều đó có làm con người sung sướng không, tất nhiên cẩu thả thì không tốt, nhưng nếu mấy cuốn sách trên giá có mất trật tự một chút, cái áo khoác cứ vắt trên thành giường, mà lòng thanh thản, hai đứa cười đùa trêu nhau thoải mái, có phải đáng sống hơn? "

Thuận sắm cho Trang cái máy may tốt, khá đắt tiền, để nhận hàng về may tại nhà, may màn cửa. Làm bên ngành điện toán mà không biết cách nào anh quen được nhiều đầu mối ở các hãng may, có hàng thường xuyên cho Trang may buổi tối, khi anh vào Internet hay xem Ti vi. Lúc đó câu thơ học khi xưa hiện ra trong đầu Trang " bên anh đọc sách, bên nàng quay tơ ". Chàng hôm nay vẫn điềm nhiên đọc sách như trong thơ cổ, nhưng Nàng giờ đây trên xứ người, không cọc cạch quay tơ, nhưng ngày: nấu ăn-lau chùi-dọn dẹp, tối: còng lưng bên cái máy may đến tận khuya. Tiền công kiếm được Thuận thu hết, chuyển vào Konto (tài khoản ở Bank) của anh, lý do: để cùng nhau trả nợ căn nhà, mà Trang thật sự chẳng biết trị giá nó là bao nhiêu, đến bao giờ mới dứt món nợ. Đúng thứ hai hằng tuần, Thuận để trên bàn máy may tờ giấy 50 đồng như phát tiền quà cho cô, chỉ đáng công may hàng một buổi tối. Chị Liên có lần nói:

- Em biết không, hàng tuần chị cho đứa con lớn 50 đồng để nó ăn quà, tiêu vặt.

Ngày đám cưới Trang, đám bạn gái, đều sấp xỉ ba mươi, thì thào:

- Nhỏ Trang chắc tu mấy kiếp nên giờ mới vớ được anh Việt kiều du học, tuy không cao ráo đẹp trai, nhưng chân chỉ hạt bột, lớn tuổi mà chưa lỡ bước sang ngang lần nào, lại hứa bảo lãnh nàng ra nước ngoài, cứ y như là được lên Thiên đường ấy.

Cái Thiên đường nhiều người mơ ước, chính Trang ngày xưa cũng tưởng thật, giờ thành cái nhà tù sạch sẽ, tiện nghi, lạnh vắng. Những đêm nằm bên Thuận, anh ôm Trang đòi hỏi sinh lý, cô không còn cảm xúc rung động như lúc đầu, cô thờ ơ, để mặc cho Thuận vồ vập thỏa mãn dục tính, chua xót với ý nghĩ: Còn một món nợ, nợ không bao giờ dứt. Món nợ của Thiên đường.

Món nợ được khéo léo nhắc nhở trong mấy câu chuyện kể về người này người nọ:

- Em biết không, tay Nâu mà mình gặp ở Supermarkt lúc trưa, tồi hết biết, hắn đi làm lương khá, vợ cũng đi làm, mà mỗi khi đi khám bệnh, hắn bắt bà vợ phải trả tiền thuốc cho hắn. Lúc mới qua đây hắn còn có người yêu bé, về nhà kiếm chuyện đánh vợ, toàn cột tóc vợ vô thành ghế mà đánh, dã man thật. Anh không chấp nhận đàn ông đánh vợ.

- Sao bà ấy không báo cảnh sát, ở đây luật pháp thuờng bênh vực đàn bà kia mà.

- Nhưng hắn có cho vợ đi học tiếng Đức đâu, có biết tiếng nhiều đâu mà thưa gởi.

- Trang xem đó, tay Minh có cô vợ đẹp như vậy mà cứ bắt vợ đi làm nghề lau chùi quét dọn, vất

vả lắm. Mà hắn làm ở hãng xe hơi Opel, lương cao đâu thua ai. Cứ như là bóc lột sức lao động của vợ mình. Người đâu kỳ quái.

Một cách gián tiếp cho Trang biết cô gặp anh là điều vô cùng may mắn, ơn của Thuợng đế.

" Thế còn anh đối với vợ ra sao?" cô muốn hỏi lại Thuận. Đêm đêm trong khi Thuận ngủ say, chỉ một mình Trang âm thầm bên chiếc máy may, có đêm đến tận hai giờ sáng. Thuận hay nhận hàng nhiều, lại phải giao hàng gấp. Mệt mỏi, cô khoác thêm áo ấm, ra ngồi bên bậc thềm ngoài hiên. Trời mùa đông, tuyết trắng xóa trên cành cây mái nhà, không gian im vắng, không một tiếng động, chừng như thời gian cũng đứng im, mới cảm thấy hết nỗi lạnh lẽo, đơn côi của kẻ tha phương xứ người. Trang thấy thèm nghe tiếng dế than ri rỉ bên nhà, tiếng ve sầu kêu vang trên hàng cây phượng vĩ đường Tú Xương, thao thức trong lòng Trang câu thơ Kiều xưa cũ: " Dặm ngàn nước thẳm non xa. Nghĩ đâu thân phận con ra thế này." Cô dựa đầu vào bờ tường thổn thức.

Trang chỉ dứt được cái máy may khi các hãng may vì thuế cao, đóng cửa, dời hãng sang các

nước vùng Đông Âu. Cô hết chứng đau lưng nhức vai, nhưng gương mặt Thuận u ám cả tuần. Anh lên kế hoạch mới: "Hay em thử đi làm bồi bàn được không". Kế hoạch bị bỏ quên, vì ai sẽ nấu cơm, phục dịch, lau chùi nhà khi Trang phải làm đến 12 tiếng ở nhà hàng. Thuận cũng còn sĩ diện với bạn bè và nhiều nguời quen. Thực tại đó khiến Trang thêm cay đắng "anh ấy chỉ nghĩ đến danh dự của chính mình, dù là cái danh dự hảo."

Vốn liếng Đức ngữ của Trang không tệ, cô đề nghị Thuận cho cô đi học lại, ba năm ở trường cao đẳng. Đắn đo, suy nghĩ, cân nhắc lợi hại mấy ngày, Thuận đồng ý. Trang mừng rỡ, ngỡ đâu trong khối óc đầy tính toán của anh, còn sót lại chút ít tình yêu. Nhưng không, Trang đi học, có bằng cấp, sẽ có cơ hội tìm việc làm lương cao hơn. Một cách đầu tư của Thuận.

Anh đầu tư quả không sai, như khi chọn lựa qua nhiều cô, đi đến quyết định cưới Trang. Ra trường, Trang mới hay việc làm khó tìm như tìm kim đáy biển. Nỗi khổ tâm không phải mỗi ngày nhận cái phong thư lớn trả lại hồ sơ với lời cảm ơn lịch sự, mà là ở cái nhìn lạnh lùng chán nản của Thuận khi nghe Trang nói: "Lại bị từ chối." Cái nhìn ngày càng nặng nề làm Trang chua xót tủi thân, thấy mình như là kẻ ăn bám, một gánh nặng cho Thuận.

Cuối cùng Thượng đế không bỏ rơi ai, Trang nhận được việc làm ở Bank, nhưng phải đi thật xa, đến Passau, tận cùng góc tây nam nước Đức, giáp biên giới nước Tiệp và Áo. Chị Liên la tở mở : - Trời, em xuống tận cái hóc bò tó đó thật sao, Thuận để em đi xa vậy à, điên thật.

Khi giấy báo của Bank gửi về, cô đưa Thuận xem, lòng hồi hộp, sợ anh không đồng ý, trái lại, anh nói: " Phải chịu khó đi xa thôi, mỗi tuần đi về với anh cũng được," và đưa cô ra ga. Trang một mình, lần đầu ngơ ngác đi Passau, tự xoay sở tìm sở làm, thuê nhà trọ. May mắn gặp Katarina và Anna, đồng nghiệp ở Bank, cởi mở, tốt tính.

Cái hóc bò tó Passau hóa ra thích hợp với cô. Thành phố nhỏ với khu phố cổ yên tĩnh, loanh quanh vài con đường hẹp " đi dăm phút đã về chốn cũ " và những căn nhà cheo leo trên sườn đồi, nên thơ như trong truyện cổ tích. Không xa trung tâm là dòng sông Danube trong xanh có những con thuyền đầy màu sắc dong buồm xa xa. Căn hộ hai phòng nhỏ, lò sưởi bằng củi, lửa reo tí tách đêm đêm, nhắc nhớ những đêm lửa trại với bạn bè khi xưa. Chị Liên nghe tả, háo hức: " Cả nhà chị sẽ đi xuống cái hóc đó thăm em."

Nhưng Thuận thì không. Gọi điện thoại thăm Trang cũng không.

Ông giám đốc mời Trang lên văn phòng nói chuyện riêng, đưa cho cô đọc cái mail mới. Cái mail của Thuận. Mắt Trang mờ đi ngay từ mấy giòng đầu, cô nghẹn ngào, ấp úng: "Anh ấy nói không đúng đâu. Xin ông tin tôi ".

Ông sếp nhìn Trang, gật đầu thông cảm :

- Chúng tôi không phải dễ tin. Trước khi nhận nhân viên vào làm việc ở đây, chúng tôi đã yêu cầu Sở cảnh sát điều tra lý lịch pháp nhân nên biết cô không có vấn đề gì phạm pháp. Còn về cá tính cũng như việc làm của cô thì gần một tháng nay chúng tôi có theo dõi, nhận xét và rất bằng lòng. Cô và chồng cô có vấn đề gì mâu thuẫn chăng?

Trở về bàn làm việc, không dằn lòng được, Trang bật khóc khi Katarina và Anna ghé đến hỏi

chuyện. Cô đưa họ xem cái mail, Thuận yêu cầu Bank chuyển hết tiền lương hằng tháng của cô vào Konto của anh, với lý do: " Trang không biết chi tiêu hợp lý, hay đi shopping, mua sắm tùy hứng nên cả hai hiện nay đang mắc nợ nhiều".

Katarina nổi giận:

- Vào tay tao thì ông chồng mày phải cuốn quần áo ra khỏi nhà từ lâu. Đàn bà châu Á tụi mày hiền thục quá, cả đời chỉ biết phục tòng. Nhỏ thì phải vâng lời cha mẹ, lớn lên có chồng phải phục tòng chồng, dù có khi hắn là tên chả ra gì, nên mới dễ bị mấy ông chồng đàn áp, khủng bố như thế. Thế mày sống với hắn có hợp đồng không ?

Trang ngẩn người: - Hợp đồng gì kia?

- Hợp đồng chung sống, mày ngây thơ chẳng biết gì nên hắn mới bắt nạt thế, ở đây theo luật pháp, người chồng hằng tháng phải chu cấp tiền cho vợ chi tiêu riêng, tùy theo mức lương, dù người vợ không đi làm, ít nhất cũng phải 300 Euro. Theo tao, mày nên giao hắn cho pháp luật nói chuyện, mấy năm nay hắn bóc lột sức lao động của mày quá ư tàn nhẫn.

Anna đằm tính hơn, khuyên:

- Trang nên đặt vấn đề thẳng thắn với ông ấy, tìm cách giải quyết cho hợp lý, không nên để bị lợi dụng mãi, dù đó là đức ông chồng của mình..

Katarina hùng hồn tuyên bố:

- Chứ còn gì nữa, mày là vợ hắn chứ đâu phải là nô lệ. Nếu mày ngán một mình mặt đối mặt với hắn thì tao đây này, sẽ đi cùng với mày về nhà, được không?

- Thôi, cám ơn. Người Âu châu tụi mày sống thực tế, vấn đề gì cũng dựa trên nguyên tắc nên dễ dàng dứt khoát. Còn người Việt tụi tao khổ vì cứ ràng buộc nhau ở hai chữ "tình nghĩa", vợ chồng sống với nhau nhiều khi không có tình yêu mà chỉ vì ơn nghĩa, vì con, hay vì sĩ diện thôi. Nhưng đến nay thì ly nước đã tràn, tự tao sẽ giải quyết vấn đề.

Trưa thứ sáu mỗi tuần Trang đón chuyến xe lửa tốc hành chạy sáu giờ liền về Frankfurt, tự đón xe bus về nhà. Trọn ngày thứ bảy, là thời gian đi chợ, nấu ăn-dọn dẹp-lau chùi, nấu sẵn mấy món cho Thuận ăn cả tuần. Ban đêm là thời gian để Thuận thỏa mãn sinh lý. Và, lại một mình, trở lại Passau với chuyến xe lửa tốc hành chiều chủ nhật.

Có hôm kẹt đường tàu, nửa đêm mới về đến nhà. Thuận đã ngủ say. Trang nấu mì gói, ăn một mình, quấn chăn nằm ở sofa một mình, mắt thao thức trân trân nhìn ánh đèn đêm, tự hỏi mình là cái gì với Thuận, bao giờ mới xóa sổ được món nợ Thiên đường. Cô lau nước mắt vào áo gối.

Thuận không tin nổi mắt mình, anh đọc lại cái mail của Trang, in ra giấy, như muốn nghiên cứu lại. Chỉ mấy giòng vắn tắt: " Kèm theo đây là đơn xin ly dị, Trang đã ký sẵn, mong anh ký vào, chắc anh hiểu lý do. Hãy yên tâm, ra tòa, em sẽ không đòi hỏi gì nơi tài sản của anh. Chỉ xin được tự do. Chúng ta sống bên nhau không có tình yêu mà chỉ có sự tính toán. Dù sao xin cám ơn tất cả mọi việc anh đã giúp em. Trang."