Bướm hong cặp cánh dưới nắng thu rồi rướn mình chấp chới bay lên. Bướm rong chơi khắp thế gian...
Một buổi mai mùa thu trong veo màu vàng hổ phách lặng lẽ nở ra trong khu rừng trúc như một bông hoa tỏa ngát hương. Mặt trời nhô lên ở chỗ lõm giữa vai và sọ con voi đá khổng lồ đang phủ phục ở chân mây. Mặt trời giống như ngọn hồng lạp vĩ đại thắp lên ở phương đông đốt cháy những tấm mây , mà mới đây còn nhuốm đầy bóng đêm đặc quánh như đất bùn đùn lên lớp lớp ở chân trời. Bây giờ mây bốc cháy, ngọn lửa trộn khói đỏ bầm. Ánh lửa chập chờn giữa tròng con mắt đồng thau lão già. Ông lão râu tóc đỏ hoe như tôm luộc, toàn thân mốc thếch, nhăn nheo vỏ cây chà rang trăm tuổi. Lão giống như một con sói già lông bạc cô độc nằm gác mỏm lên tảng đá nhìn bình minh dữ dội ở chân trời. Mới tửng bửng sáng mà lão đã thở khò khè như bọn sơn tràng kéo cưa xẻ gỗ. Mùa này loài cà độc dược nở hoa trong rừng, cỏ mắt mèo cũng đâm gai tua tủa, cây bắp trên rẫy trỗ cờ phun râu, loài thảo mộc đua nhau tung phấn hoa độc. Lòai sâu nái màu nâu mới trông qua tưởng miếng vỏ cây khô, đầy mình gai nhọn, nằm bất động có đôi chấm đỏ trên đầu như cặp mắt quỉ, nóng như con sứa lửa đầy chất độc gây cháy, chạm tới lá cây, da người da thú đều bỏng rát. Ấy là mùa đất trời lôi bọn hen suyễn vào phòng hơi ngạt. Ông lão thở vang trong sương mù, mây lạnh, trong sơn lam chướng khí vần vũ hốc đá bụi cây , chờ nắng lên mới chịu tan.
Ngày nào lão cũng thức dậy từ lúc lũ gà rừng chưa gái dưới thung, và con mang cái chưa “tác” ở bìa rừng. Lão từ cái chòi canh rẫy nhỏ cheo leo trên sườn non như tổ chim, men theo con đường mòn đến đây làm một công việc chẳng giống ai. Lão đã định ra cho mình trách nhiệm ấy và chưa bao giờ dám bỏ. Trước tiên lão ra sức vần một thân cây khô, cây trụi là và cành nhỏ, tróc lớp vỏ để lộ thịt cây màu xám tro, thế cây văn vẹo hình con trăn gió, đặt nó nằm ngang chắn con đường vào rừng, giống như cái ba-ri-e của bọn lính Tập đặt trên đường cái quan thu thuê người đi chợ. Con trăn gỗ ngóc đầu lên đe dọa. Nó mà nằm chắn nơi ấy thì chẳng còn con đường nào đi vào rừng đẳng tre, hái măng, săn thú.
Bọn làm rừng dừng lại cách chỗ con trăn gỗ một đoạn, chờ giờ nhập lâm. Họ ngồi tụm lại chuyện trò, tìm hơi ấm bên nhau. Đây là giây phút nhàn rỗi hiếm hoi trong một ngày dài lao động cực nhọc. Bọn đàn ông đàn bà lúc đầu kháo nhau về đue mọi thứ chuyện, sau chuyển sang chuyện trai gái. Mấy lão sồn sồn kháo nhau về chuyện những con mụ góa . Họ nói con mụ nào đến kì cũng như con heo nái cắn rọ phá chuồng đòi nhảy. Còn bọn đàn bà cũng chẳng kém, thì thầm to nhỏ chuyện mấy ông lão chết vợ còn sung hơn nữa. Mấy thằng cha già cả gần chết cũng không chừa còn hơi sức thì còn nói dốc. Có mụ nói :” Sức gì thì sức, nói gì thì nói,ham con trẻ nó quần cho chừng giáp năm thì lên bàn thờ ngồi với ông bà...” Trai gái lợi dùng trời còn tối chưa tỏ mặt người ve vản nhau, luồn tay dưới cỏ rối tìm kiếm nhau. Bọn chó săn đực cái cũng ngửi và liếm, rít lên, vẫy đuôi mừng rỡ. Trẻ con thì thầm về lão già ngồi trên mõm đá như con ma hổ. Mấy cặp mắt ngây thơ tròn xoe kinh hãi nhìn bóng lão già canh rừng đen sì bất động như tảng đá.
Lúc này mặt trời oai vệ ngự trên cổ xe thủy tinh ánh màu thạch ngọc lựu chu du lên ngọn đỉnh trời. Tỏa hào quang ngời ngời xua đuổi âm khí tà ma. Đã tới giờ mở cửa rừng. Lão già ngồi dậy vươn vai bước xuống. Lão vận sức xô con trăn gổ qua một bên, đưa tay làm dấu cho lên đường, rồi lên ngồi lại mõm đá cũ. Mặt trời xô cái bóng đen của lão ngã sấp nằm vắt ngang trên con đường vào rừng. Cái bóng của lão mỏng như tấm lụa đen trải ra mặt đường cùng với cái bóng lơ thơ của bụi cỏ chòm cây ven đường. Người đi lên rừng thế nào cũng dẫm lên bóng ấy. Lão tự coi mình là cổ thụ thả bóng rợp che mát lối đi. Lão nghĩ, lão tưởng tượng rồi lão tin, tin một cách vững chải, tin như đinh đóng cột. Điều gì đã lọt vào cái đầu tóc đỏ như võ cua luộc ấy thì chẳng bao giờ biến đi. Lão tin rằng ai vào rừng dẫm lên cái bóng lão sẽ được mọi sự bình an, không lạc đường , không bị nhiểm sơn lam chướng khí, không bị gai đâm đá cắt, không bị cây sơn rừng độc địa ăn cho sưng phù mình mẫy, không sẩy chân rơi xuống vực sâu, không bị con đười ươi cầm tay cười cho đến chết, không bị con cọp tàu cau cõng vô rừng giỡn như mèo vờn chuột. Vì lòng tin ấy vững chải như đá hòn núi ông Voi ấy nên lão không dám bỏ một ngày dù là ngày đau ốm như hôm nay.
Đòan người đứng lên, chống gậy, vác dao, đeo gùi, mang cung tên, kêu chó lục tục lên đường. Những con chó còn quyến luyến chỗ ngồi ấm áp chưa chịu lên rừng, chúng nó đứng lên , rũ bộ lông đầy bụi đất đỏ, hít hít cỏ về đường, bắt đầu chạy. Câu chuyện rôm rả hấp dẫn, mụ góa ông góa, hổ thành tinh, gác lại hôm sau. Những bàn chân trần, chân mang dép mo cau, chân bị nước ăn rổ như củ khoai sùng, những móng vuốt bầy chó săn lần lượt dẫm lên cái bóng đen ông lão. Người ta đưa tay lên vẫy, lão vẫy tay chào lại. Bóng bàn tay lão hình thù như cánh bướm lớn chờn vờn trên mặt đất đỏ còn ẫm hơi sương.
Mặt trời rời cổ xe lửa bay lên cao hơn rủ lớp bụi phấn hồng bình minh dát vàng làn da mốc thếch của lão. Lửa mặt trời ấm áp dễ chịu lắm. Lão sè tay chân ra phơi như con gà quạ phơi cánh. Đòan người đi tới cuối đường, sắp sửa mất hút trong lớp cây rậm rạp ven rừng. Lão còn lại một mình, không buồn bã cô đơn mà lòng tràn ngập trong niềm vui về một ngày làm việc tốt cho người. Mỗi khi vui như hôm nay, lão không thể cấm đầu óc mình làm việc vẩn vơ. Cái bộ óc nằm trong mái tóc lơ thơ hoe màu nắng gió cứ buộc lão phải chơi trò độc thọai. Ấy là tự đặt ra câu hỏi, tự trả lời. Những câu hỏi gợi ra câu trả lời, những câu trả lời gợi lại những câu hỏi, cứ thế triền miên. Câu hỏi đầu tiên là:
- Tại sao hôm nay ta ở đây?
- Không ở đây thì ở đâu?
- Tại sao chẳng ở đâu?
- Không ở đâu nên ở đây...
Những câu vấn đáp cứ quanh quẩn như thế , tới lui liên tiếp như sóng, vu vơ ngớ ngẩn như trẻ con. Thế nhưng lão không thể dừng lại. Xua cái này đi, cái khác tràn vào lấp lại ngay. Cứ thường lệ, vào giờ này gió từ núi ông Voi tràn xuống. Gió sà sát mặt rừng, gió xoắn mấy ngọn cây cao. Lật lá lên trắng tóat. Gió như bộ râu lão hung tợn quét ngang qua khu rừng, gió thổi cái câu hỏi mới chui vô đầu. Gió buộc lão phải trả lời:
- Gió từ đâu, gió về đâu?
- Gió làm lá rung, hay lá rung làm ra gió?
- Gió là hơi thở của trời, hay trời làm ra bộ cánh của lá?
- Cổ thụ khò khè thở ra gió, cây thở hết hơi cây chết, người thở hết hơi cũng chết. Cây chết còn để lại hạt. Người chết còn gì?
- Ôi lo gì, lo gì chuyện không có con nối dõi tông đường, tông đường ta thì có tốt đẹp gì mà cần nối dõi. Lo gì chuyện không có người cúng cơm kị giỗ, ta ăn lộc rừng, lộc rừng nhiều vô kể, ta có chết đi cũng còn để lại tình thương, tấm lòng làm sao mất được, ai khâm liệm nó được, ai chôn được. Ta để lại những đứa con đi đứng dưới kia. Chúng nó đều chui ra từ cái bụng những người đàn bà ta yêu, những cái bụng thắt đáy lưng ong, những bụng tròn bụng đầy, bụng to, bụng vưà. Bất kể thằng đàn ông nào gieo hạt lên bụng người ta yêu thì vụ mùa bội thu gặt hái từ những cái bụng ấy đều là con ta,con cái của ta, ta yêu chúng. Ta không được phép để cho chúng lặn lội trong khu rừng cấm hiểm nguy một mình. Ta phải che chở chúng.
Lão nghĩ đến mây. Đêm qua lão chiêm bao mây. Người ta nói nằm ngủ mà chiêm bao thấy mây, sáng dây mây còn vấn vương trong đầu, chỉ muốn nhắm mắt mãi, ngủ mãi. Ôi bao nhiêu là mây ! Mây như cồn cát phơi mình vàng rộm trong nắng hanh thu. Mây như những cuộn tóc dài và đen ẩm mướt của mấy con mụ buổi trưa tưởng trong rừng chẳng còn ai trần truồng ngâm mình nằm ngửa trên đáy sỏi dưới khe Hoa dè đâu mấy con khỉ đực rất ham phụ nữ, ngồi trên cây dòm trộm. Có những hôm mây hóa thủy tinh, cũng có lúc mây như bạch lạp, khi nào thích trời cũng kết ngọc trai làm mây...
Gió mạnh dần lên, tuốt lá vàng, bứt lá xanh, bóc cả mảng cỏ cùng với những cành củi mục tung lên cao, gió thổi rát mặt. Gió rủ rê bà con họ hàng nội ngoại của chúng là những đám mây rách rưới xấu xí như giẻ rách , như vải liệm xác chết, đến xua đuổi mây đẹp bay xa. Lũ bà con gớm ghiết, những con mụ màu xám tro, những lão chột đen như bồ hóng, những đứa em họ đất sét, cô dì váng nhện, chị dâu khói bếp...Ôi gió không phải là bọn câm. Chúng nó ầm ĩ xôn xao suốt ngày, đúng là một bọn lắm lời. Chúng mang theo cả một giàn nhạc kèn đồng, tù và, cả những cây đại hồ cầm mà mỗi lần tấu lên âm thanh rạng nứt đá xanh thánh đường, tiếng đàn chẳng khác băng sơn va chạm ì ầm, âm thanh trầm uất nặng nề như những thỏi chì nện vào nhau. Gió dẫn theo những đứa trẻ trần truồng thổi sáo, khúc sao vi vu, đó là những lúc trời quang mây tạnh, một thuở thanh bình an lạc, buổi sáng mấy mươi năm trước lão còn là chàng thợ săn cùng người yêu đưa nhau vào rừng tìm phong lan. Khi ấy gió hóa thành đứa bé trần truồng, có cặp cánh nhỏ như cánh con ngài, mang giỏ tên trên vai, tay cầm cung, đó là tiểu thần tình ái Cu-pi-đông, mà mũi tên nó bắn xuyến qua quả tim ông lão và cô gái nhỏ. Kết nối hai người lại với nhau chỉ có cái chết mới chia lìa. Đúng thế cho đến khi cô gái xuống suối giặt áo bị con cọp vồ. Lão bắn chết cọp, thấy trong móng nó còn dính mấy sợi tóc người yêu. Lão ở vậy tôn thờ mối tình ấy, cô độc đến giờ này...
Lão già trăm tuổi như cổ thụ mọc bên đường tỏa bóng mát cho khách bộ hành. Chỉ riêng với lòng tốt một con người tầm thường, con người mà thánh thần gọi là cái lũ mày phàm mắt thịt. Chẳng chút báu vật, chỉ cái thân tứ đại, đất, nước, gio,ù lửa. Con kiến bé tí cắn cũng đau. Con người nhỏ bé tội nghiệp ấy với lòng tốt, đã có thể cướp lấy quyền của Thượng đế làm ra phép lạ, ân điển tràn trề, lật đổ thần linh, phóng tay thành phép màu nhiệm giúp đời. Ôi lòng tốt là phép là phép màu của mọi phép màu. Bàn chân kẻ nào dẫm lên trên bóng ta cũng được hưởng ân đức an bình, thú dữ, ma quỉ, thảy đều không hãm hại được. Riêng hôm nay lão nổi tính hiếu kì muốn thử làm quyền phép mới. Lão vận công” nhốt gió” không cho gió hoành hành. Ngày hôm nay không hiểu can cớ chi mà gió ngàn đã hóa dại, gió cuồng, gió điên , hay gió thất tình? Không nhốt nó lại nó cuốn mấy đứa bé lên trời bay cao hơn con diều giấy, không khéo nó xô người già lọt xuống vực sâu đầy gai, hất bọn thợ săn cùng với đàn chó của họ xuông hố, làm cát bay đá chạy, cây đổ gây thương tích cho bọn người đi rừng hái măng hái nấm.Lão già đưa bàn tay xương xẩu lên. Lúc đó có đám mây bay qua, bóng đám mây hình con bướm khổng lồ lướt trên rừng cây. Bóng đen ve vuốt màu xanh bạt ngàn, nó bay tới đâu cây cối tối sẫm màu hơn. Những con chim phươnïg hòang đất, còn gọi là cao cát, cái mỏ màu vàng nghệ, to và dài như bắp cày, sải cánh trong bóng tối âm u giữa một ngày nắng gắt, gió chướng. Lão già mở to đôi mắt đồng thau tròng vàng lên nhìn, lão thấy bàn tay xương xẩu của mình đổ xuống một cái bóng che rợp cả khu rừng. Lão chụm mấy ngón tay lại, tưởng tượng đang lùa gió vào giữa lòng bàn tay, nắm chặc lại. Gió từ đỉnh núi Voi trào xuống quặn mình tạt ngang rơi tõm xuống thung lung lặng thinh. Lão thấy mình đã lùa gió, nhốt gió và xô gió được. Lão sung sướng nhắm mắt lại cười như một con lười ươi.
- Gió bị ta dìm xuống vực sâu chết đuối cả lũ dưới đó rồi!
Từ đó cái đầu có mái tóc đỏ như cua luộc, lúc nào cũng mông muội khói sương đã vẽ ra bức tranh về một thế giới đầy tình thương, và mọi người đều có trách nhiệm làm tốt cho người khác. Bức tranh ấy là sản phẩm dệt ra bằng những sợi tơ vàng tưởng tượng, nó đã trở thành gấm vóc quí giá ngàn vàng. Nó đả được cặp mắt tròng vàng sản sinh một thế gian hiện hữu giống hệt cảnh thiên đường trong kinh sách của nhiều tôn giáo. Nó như hoa nở cành khô, như mầm xanh vươn lên từ sõi đá. Như con chim thiên đường đậu tít cành cao, ngậm một miệng đầy hạt minh châu gieo lên cỏ thành đợt mưa thu, nhả lên vỏ cây thành bầy nấm ngũ sắc. Rơi trên bụng người nữ hoài thai thành những thiên thần pha lê nằm trong lòng mẹ hát theo nhịp đập quả tim ...Lão đang vui, bụng đầy rạo rực, lão khát. Lão mò xuống suối vốc nước lên. Lão liên tưởng đến sự tích Chúa làm phép hóa nước lã thành rượu nho, lão còn đang phân vân điều ấy hư hay thực thì trong tay lão nước lạnh tanh bốc hơi thơm lừng mùi rượu mạnh, ngát hương rừng. Ôi rượu rừng ngọt mật, thơm phong lan, mạnh như lửa. Lão say, lão loạng chọang, lão ngã sóng sòai lên luống cỏ vàng thu như con ngựa già chạy một mạch đứt hơi ngã chết trên bãi cỏ úa trong trận heo may cuối thu. Lão trăm tuổi xấu xí như một con sâu róm . Sâu chui vô kén hóa nhộng. Nhộng hóa ngài mang cặp râu dài đầy bụi phấn vàng. Ngài hóa bướm. Bướm hong cặp cánh dưới nắng thu rồi rướn mình chấp chới bay lên. Bướm rong chơi khắp thế gian, khát thì nhấm nháp mật hoa, rụng trên hoa, , tối lại nép dưới hoa rồi ngủ, rồi mộng dưới hoa... mãi rồi chết...
*
Đúng ngọ, thằng Vô Ngại mới cắp đao vào rừng. Lúc tửng bưng sáng, khi cả làng thưcù dậy nấu cơm ăn đi rừng thì hắn còn ngủ. Đêm qua hắn vui chơi nhảy múa suốt đêm nhân lễ Tro, khêu vũ với lũ con gái đến bại chân. Sáng nay hắn dậy muộn, lại còn phải mang dao ra giếng mài rất lâu. Hắn ngồi cạnh giếng, khoác nước từ mảnh vại sành bể lên hòn đá mài. Hòn đá mài lâu năm từ đời cha hắn đến nay đã khuyết như cái yên ngựa. Hắn mài rất lâu, con dao còn khá tốt chỉ có điều bị chém phải đá mẻ một chỗ, hắn tính mài cho mất chỗ mẻ. Đang ngồi có ngọn gió sực nứt hương lan thổi tới, cơn buồn ngủ ập đến , hắn không cưỡng lại nổi, gục xuống trên tảng đá yên ngực, con dao vẫn còn nằm trong tay. Trong làn sương lảng đảng có bóng người đi tới, một ông lão như từ trong tranh cổ tích hiện ra. Khách chỉ vào đá hỏi:
- Hòn đá này làm sao mài con dao cho bén được?
- Thưa lão trượng thế tại hạ phải dùng đá nào?
- Vào khu rừng Cấm, xuống khe Hoa, tìm hòn đá Rùa, đá thần , dao chạm đến bén như dao cạo...
- Mài trong bao lâu thì được? Tại hạ đã mài hơn hai ngàn cái mà vẫn chưa bén.
- Chỉ cần mài trong chớp mắt.
- Thực ư? Đời nay làm gì có thần thạch?
- Còn lạ lùng hơn thế nữa. Mài cái đầu, mọi con dao trên đời này đều hóa dao cạo. Liếc con dao lần thứ hai, con ruồi đậu lên lưỡi dao chưa kịp cất cánh đã rụng đầu . Mài cái thứ ba, chiếc lá vàng rơi trên lưỡi bị chẻ ra làm hai mảnh rơi tiếp như chưa từng đụng chạm đến vật gì...
- Mài thêm cái nữa thì sao?
- Lúc ấy nó trở thành cái gọi là “sắc sắc không không”
- Là cái giống chi?
- Nghĩa là có mà không, không mà có. Nó cắt đứt da thịt con người , như cắt vải cắt giấy chẳng chút đau đớn. Đến khi ấy nó không còn là con dao nữa...
- Dao mà không là dao thì nó là cái giống chi?
- Ấy là phương tiện giải thóat
- Giải thoát cái gì?
- Thóat cảnh tục lụy này...
Thằng Vô Ngại sung sướng reo lên:
- Ôi thế thì ta phải đi tìm đá mài dao gấp!
- Mài dao bén làm gì? Bộ nhà ngươi muốn lấy thủ cấp kẻ thù ư? Không được. Phạm giới sát đọa trầm luân miên viễn...
Vô Ngại thưa:
- Bình sinh tại hạ không, thù oán ai, chẳng ai thù oán mình, chỉ tính nhờ dao quí để Đọan phiền não...
- Thế thì được. Hãy nghe ta căn dặn điều cốt yếu:” Con dao nhà ngươi nắm trong tay đó tuy là dao chặt củi làm cá, bị nhiều sức mẻ nhưng sau khi mài sẽ quí như thanh long đao của đức Quan Vân Trường. Khi huơ đao lỡ chém nhầm cái bóng của ai, kẻ đó cũng bay đầu!
Vô Ngại nghe tiếng người xa dần, nhìn lên thấy tà áo màu khói hương của khách phất phới trong mây.
*
Vô Ngại cắp đao lang thang trong rừng, hắn lặn lội tới chiều vẫn không ra khỏi khu rừng tre. Tới đâu hắn cũng thấy toàn tre là tre, đi một đổi thấy quay về chốn cũ. Hắn giật mình kinh hãi. Thôi chết rồi , ta đã bị ma dẫn. Hắn nhớ lúc bé đã có lần bị ma giấu. Hồi đó, chiều tối không thấy hắn về nhà ăn cơm, cả nhà xúm đi tìm. Cuối cùng thấy hắn ngồi chính giữa bụi tre gai, áo quần da thịt không bị xây xát gì cả, miệng bị nhét đầy cứt trâu. Người nhà chẳng biết làm sao đem thằng bé ra, phải đốn tre mới lôi nó ra được. Người ta bày, mỗi khi bị ma dẫn, cứ đái ra lấy nước đái rửa mặt sẽ xua tan tà ma, sáng lại ngay. Lần này hắn cũng làm phép đó. Rửa mặt xong hắn thấy trời đất chói lòa!
Hắn nghe tiếng vùng vẫy đùng đùng trong rừng, men đến gần, hắn sững sờ. Cả đời hắn chưa bao giờ thấy cảnh nào quái dị như thế này. Một con bướm khổng lồ, cặp cánh to bằng chiếc chiếu đôi, màu đen, bóng như xa tanh nhiều chấm vàng to bằng miệng tô, xếp thành vòng, từ to đến nhỏ, nhỏ dần đến chóp cánh. Con bướm to cỡ này thì con sâu tiền thân của nó ít nhất cũng bằng cái gối ôm lớn. Hoặc bằng cái đùi con mụ Cối, chuyên xay bột gạo đỏ làm bánh đúc, có lần đè lên ngực thằng chồng, nghẹt thở ú ớ vùng dậy chạy ra khỏi nhà. Buớm quạt cánh, gió rung cây, nó thấy Vô Ngại bay qua lại mấy lần, nhìn lên, hắn thấy, ngoài hai cái râu đầy lông và một cái vòi cong như sừng trâu, bướm có bộ mặt người, mặt lão già!
Giữa rừng tre mọc riêng lẻ một cấy thiên tuế cổ thụ, thân cây gai gốc sù sì, nhiều cộng đã khô còn dính lại, gốc cây to hai người ôm không hết và cao bằng cây dừa lão. Tán lá tỏa ra che phủ cả sào đất. Ở chính giữa chồi cây mọc ra một bông hoa khổng lồ, hoa to hơn cái nong, cánh bằng lá chuối, màu nâu, xấu xí, chẳng thơm tho gì, toàn ruồi làn bu đến. Đóa hoa bốc lên mùi xác chết. Con bướm bay lên đậu lên hoa, xua bọn ruồi lằn. Vô Ngại ước gì cả làng được trông thấy con bướm quái dị này. Hắn biết khi về làng kể lại chẳng ai tin. Hắn tính dùng dao chém bướm đem về, chỉ sợ dao chưa bén, bướm không chết lại bị lôi lên mây thả xuống tan xương nát thịt. Hắn xách dao đi mài.
Đi một đoạn hắn thấy thế đất đổ dốc, đi thêm nữa quả nhiên gặp con suối chắn ngang, hắn nghĩ ấy là khe Hoa, thấy giữa khe có hòn đá nổi lên như mu rùa, hắn nghĩ ấy là đá Rùa. Hắn cắp dao xuống suối, nước lạnh băng. Dòng nước chảy qua đây hình như cũng bị hòn đá quí mài bén như gươm. Vô Ngại xắn tay áo mài dao. Thóang một cái, con dao cũ sáng ngời. Hắn chém thử vào nước, nước tách ra làm đôi hồi lâu không khép miệng lại được, giống như một vết thương trên da thịt con người. Vô Ngại lấu dao vạch một vòng tròn trong nước. Mấy con cá nhỏ ở trong không lội ra ngoài được, hắn phải lấy tay khoát cho nước liền vết chém. Vô Ngại cắp dao đi tìm bướm. Con bướm đã rời đóa hoa màu nâu đất, nó bay chập chờn trên đầu hắn, kêu như chuột. Vô Ngại giận lắm huơ dao chém nhiều lần nhưng không tới, hắn lấy hết sức bình sinh nhảy lên chém thêm mấy lần nữa, bướm bay lên cao hơn. Có một lần hắn chém xớt qua chóp cánh, đầu mũi dao còn dính phấn vàng. Đêm ấy Vô Ngại ngủ lại rừng.
Chiều lại dân làng lục tục ra về, kiểm lại thiếu Vô Ngại, họ tỏa ra đi tìm. Trời tối người ta đốt đuốc lồ ô sáng cả rừng, vẫn chẳng thấy tăm hơi. Dân làng trở về, mệt mỏi đau đớn, khóc thương. Ai cũng tiếc thằng con trai chí khí, dễ thương, tốt bụng, lũ con gái vào lễ Tro hồi hôm đã khêu vũ với nó khóc như gi. Dân làng đem hương đèn vàng mã vô rừng cúng Sơn Thần, Thổ địa. Tro tàn, mùi hương và tiếng khóc kể bay đến chỗ lão già ngủû.
Lão già đang mơ màng bỗng nghe tiếng than khóc, giật mình thức dậy, hay tin Vô Ngại mất tích giữa rừng cấm. Lão than :” Ôi thôi con cọp tàu cau lôi hắn đi rồi!” Lão đau nhói tận tâm cang. Lão cho tất cả tại mình. Sáng nay lão không ban ân phước cho Vô Ngại. Lúc hắn vô rừng lão đang say rượu, nằm ngủ, mặt trời không xô cái bóng lão nằm vắt ngang qua con đường nhập lâm. Lão thấy sống mà không làm điều tốt cho đời thì sống làm gì nữa? Lão đứng lên toan lao xuống vực thẳm.
Đúng lúc ấy Vô Ngại cắp đao đi ra tới bìa rừng. Nó hát nghêu ngao bài ca bướm. Dân làng chạy ùa tới, vui mừng không cầm được nước mắt. Mấy con mụ ôm nó khóc cười cấu xé như điên.
- Mồ tổ mi, đi ngủ với con ma núi làm cả làng khóc hết nước mắt!
Hắn khoe:
- Ma núi thì không. Bướm quỉ thì có. Tui về trễ là vì bận mài dao chém bướm đem về cho cả làng coi cho mãn nhãn...
- Mầy nói có bướm quái?
- Ừ, bướm lạ lắm, to lắm , mặt như lão già. To bằng chiếc chiếu đôi, đen như quạ, chấm vàng, trông dễ sợ lắm, nó tính ăn thịt tôi, may mà có dao quí.
- Láo toét ! Lấy gì làm tin?
- Đây! Nói có sách, mách có chứng.
Hắn móc dao ra đưa cho dân làng xem, nói:” Thấy mũi dao còn dính phấn vàng phấn đen không?” Lúc đó thằng Vô Ngại đang đứng trên cái bóng của ông lão. Có người hỏi:” Mầy vung dao làm sao mà chém được bướm ?” Vô Ngại cầm dao tay phải, nhảy lên huơ con dao, ánh vàng lóe sáng, hào quang ngời ngời, tiếng vi vu, làn gió thổi tới, sắc như dao cạo, mát rợi, dịu dàng lướt qua thân thể khô cằn của ông lão cắt ra thành hai mảnh mỏng và trong như xu xoa, như đôi cánh bướm, chấp chới bay lên trời. Ôi giây phút hóa thân cực lạc, tráng lệ, viên mãn làm sao!!!