Thế là chị quyết định trở về ngôi nhà cũ. Sau nhiều năm đắn đo suy nghĩ, tính toán hơn thiệt...
Thế là chị quyết định trở về ngôi nhà cũ. Sau nhiều năm đắn đo suy nghĩ, tính toán hơn thiệt, lần này chị mới thật sự dứt khoát tư tưởng. Ðã mấy mươi năm rồi chị không về lại chốn này. Nhưng tất cả vẫn còn y nguyên trong trí nhớ của chị như mới hôm nào. Làm sao chị quên được vòm trời chan chứa tình thương yêu quí mến của gia đình, của chòm xóm láng giềng trong quãng đời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành được chứ? Ðiều này cũng chính là hành trang chị trân quý và luôn mang theo bên lòng trong suốt cuộc hành trình tập kết ra Bắc vào năm 54 và cả trên đường nôn nóng trở vào miền Nam sau năm 75.
Nhà chị nằm trong khu đất rộng lớn của Xóm Thuốc, giữa đường nối chợ Gò Vấp với Hạnh Thôn Tây. Căn nhà xưa ba gian hai chái thật rộng lớn với những cây cột gỗ mung to khoảng một ôm tay. Nơi đó có đại gia đình tam đại đồng đường quây quần thật đông đúc, vui vẻ, đầm ấm. Nhà được bao quanh bởi vườn cây trái xum xuê, có giếng nước riêng, có hàng rào tre bao bọc. Một chuồng bò trên trăm con bò sữa. Mẹ chị có cả chục người giúp việc ngày đêm ở tại nhà để lo chăm sóc và vắt sữa bò. Gia đình chị theo đạo Gia Tô nên chị và các em đều được gửi đến trường nhà thờ để học giáo lý và học chữ. Lớn hơn chút thì chuyển ra trường làng, rồi sau đó mấy cậu em trai vào trường Tabert , còn chị thì vào trường nữ học ở Gia Ðịnh. Thuở ấy mấy chị em chị thật ngoan ngoãn và ngoan đạo. Không bao giờ bỏ lễ ngày Chủ nhật. Ngày thường sáng nào chị cũng đi lễ sớm, chiều đi chầu thật siêng năng. Cảnh gia đình hòa thuận, ấm êm làm sao!
Chị không bao giờ quên được tiếng xe ngựa lốc cốc chạy ngang nhà mỗi sáng tinh sương, chở người bán rau hoa quả từ khu vườn Hạnh Thôn Tây ra chợ Gò Vấp. Tiếng chân bò dậm thập thùng khi được lùa ra đồng cỏ mỗi sáng sớm. Chiều khi bò được lùa về chuồng thì mọi người rộn rã, hối hả, kẻ lùa bò, kẻ mở và đóng cửa rào, người nấu cám cho bò sữa ăn, kẻ sách nước cho bò uống. Sinh hoạt đều đặn không ngừng nghỉ nhưng không nhàm chán trong thế giới riêng biệt này như kéo dài một cách an bình và vô tận nếu không có những rắc rối do đồn Tây đóng gần đấy, rồi Nhật chiếm sau này. Và đưa đẩy đến nguyên nhân làm cho chị phải lựa chọn một ngả rẽ sang hướng đi không có ngày về.
Ngày gặp lại cậu em sau mấy mươi năm xa cách, cậu hỏi chị: “Em hỏi thật chị, ngày xưa chị bỏ gia đình mẹ cha và đông đảo em út để đi vào bưng là vì đi theo tiếng gọi của con tim hay tổ quốc?” Chị chỉ cười ậm ự không trả lời. Cô em dâu vội đỡ lời: “Anh hỏi kỳ, lúc ấy thanh niên nam nữ lớn lên đều nức lòng đi theo lý tưởng chống Pháp thì vào bưng là con đường duy nhất.” Lý tưởng? Lúc ấy chị chẳng nghĩ ngợi phức tạp như vậy đâu. Ðiều hiển nhiên trước mắt là đêm đêm chị không dám ngủ ở nhà vì sợ lính Tây ở đồn gần đấy tìm bắt hãm hiếp. Rồi những anh chị hàng xóm đã được móc nối vào bưng từ trước phân tách thiệt hơn cho chị thấy những khó khăn hiện tại và khuyên chị nên theo kháng chiến để trước cứu mình, sau là cứu dân cứu nước. Chị nghe cũng phải. Rồi chị phải lòng anh B. Anh quyết định vào trong ấy và chị quyết định theo anh. Chỉ có vậy. Rồi bước trước đưa đẩy bước sau. Chuyện này nối tiếp chuyện nọ. Chị như chiếc lá cuốn trôi trên dòng thác lũ vào thuở ấy. Ðến năm 54 chị lại theo anh và theo đoàn người tập kết đi lần ra Bắc. Mấy năm sau chị và anh đóng trụ ở Hải phòng. Khi chị có được hai đứa con thì anh bắt đầu léng phéng với một nữ cán bộ người Hải Phòng có thế lực và tuổi đảng vững vàng hơn chị. Thế là cuộc tình thứ nhất của chị gẫy đổ. Ðang lúc chị một mình tay sách nách mang, vừa đi làm công tác vì bổn phận lại vừa nuôi hai con nhỏ thì chị gặp một người cũng đi tập kết từ Miền Trung ra đề nghị góp chung gạo thổi cơm. Anh đỡ đần mọi thứ và an ủi chị thật lòng mặc dù anh cũng đang có vợ còn ở lại quê nhà. Lâu dần hai người đều không thấy bóng mờ của ngày về đâu cả nên đành rổ rá cạp lại để dắt díu nhau qua cơn gian nan khốn khó.
Vết thương vì mối tình đầu tan nát chưa lành hẳn thì một vết cắt sâu hoắm, đớn đau bội phần lại xuyên vào trái tim đang rớm máu của chị. Hai đứa con trai chị sanh với người chồng sau bị trúng bom đạn Mỹ bỏ xuống Hải phòng và chết tức tưởi trong lúc chị đang làm việc tại cơ quan. Lúc chị về được đến vùng quê, nơi mà bày con tạm trú trong thời gian sơ tán thì chỉ còn nhìn thấy đống thịt bầy nhầy của hai đứa trẻ. Nhìn hai đứa con lớn vấy máu và khóc ngất bên xác em chúng mà chị đau xé gan xé ruột. Mất hai đứa con nhỏ, chị quyết định sinh thêm hai đứa nữa để đền bù lại. Suốt thời gian chiến tranh leo thang chị phải ở lại cơ quan tại Hải Phòng, các con chị sơ tán về quê cho an toàn hơn. Chị chỉ được về gặp các con vào cuối tuần mà thôi. Tôi nghiệp hai đứa lớn, chưa đầy mười tuổi mà chúng biết lo chăm sóc cho em nhỏ như người lớn. Khi không có đủ thực phẩm chúng phải ra đồng tìm bắt cá, cua, ếch nhái về tự nấu nướng mấy chị em ăn với nhau để qua cơn đói. Làm việc mà cứ nghĩ đến sự an nguy, đói no của con cái là chị thót cả ruột gan, lòng dạ rối bời. Thư, con gái đầu lòng của chị, không có mẹ bên cạnh, một mình quán xuyến, trông nom em út y như con gà mái mẹ lo cho bày gà con. Ở tuổi này, khi còn ở quê nhà, chị đang đi chân sáo tung tăng đến trường hay chạy nhẩy, chơi đùa với lũ trẻ cùng tuổi chứ đâu có cực khổ, thiếu thốn như con chị bây giờ. Thương con xót xa trong lòng nhưng chị chẳng làm gì hơn được. Bước đi nào mà bảo đảm không nguy nan, không chông gai, trắc trở?
Bao năm tháng dài vật vã với cái ăn, cái mặc, thiếu thốn thuốc thang và sự an nguy đã làm chị già dặn trước tuổi và không còn thời gian để suy ngẫm về sự chọn lựa của mình ngày ấy. Cộng thêm sự lo lắng cho gia đình còn lại trong nam, nghe đầu dường như rất đói kém, khổ sở vì bị hành hạ, bóc lột và kềm kẹp tàn tệ dưới chế độ Mỹ Ngụy làm cho chị rối bời ruột gan. Phải chăng sự chọn lựa của chị ngày ấy là đúng? Phải chăng khi từ bỏ gia đình có cha mẹ già và một bày em trai gái vô cùng quý yêu là chánh đáng? Ôi! Cảnh gia đình chị ngày ấy thật là đầm ấm làm sao. Bày bò sữa hiền lành, mập mạp, gần như chị thuộc tên từng con một. Người giúp việc trong nhà đông đảo và thân thiện như bà con họ hàng gần. Suốt ngày kẻ chăn bò, người vắt sữa, sách nước cho bò uống, lo thức ăn cho bò sữa thật rộn ràng. Mấy chị người làm chị thì giữ em, chị đi chợ nấu ăn, người giặt giũ. Chị em chị cứ như là cô chiêu và cậu ấm vậy. Chẳng phải vất vả làm động đến móng tay. Thỉnh thoảng chị cũng học cách nặn sữa bò, việc mà ít ai làm được vì không quen tánh nết và ý thích của mỗi con bò sẽ bị nó đá hất vào mình hay không cho nhiều sữa. Chị vô cùng thích thú khi thấy mình đã thành công, kết quả không thua gì người vắt sữa bò chuyên nghiệp trong nhà. Cái cảm giác mềm mềm, âm ấm, trơn mịn và căng phồng của cái vú bò từ lúc mới bắt đầu nung núc sữa cho tới khi vú sữa nhỏ dần xuống và nằm gọn trong mấy ngón tay làm chị say mê và xúc động vô ngần. Sự vuốt ve của chị như có quyền lực làm cho con bò ngoan ngoãn đứng im re. Ngày ấy chị đã tự hào về hai bàn tay khóe léo, có sức truyền cảm từ người sang con vật của mình. Chị thấy mình thật gần gũi và thương yêu những con thú hiền lành và vô tội không kể xiết. Chị thân thiện và quý mến những người làm cho gia đình biết bao. Ba má chị cư xử hết sức bình đẳng với họ. Con cái đều phải gọi họ bằng chú, anh hay chị. Nhà chị có mái nhà cầu nối dài nhà trên với nhà bếp, đó là nơi cả nhà quây quần vào bữa ăn sáng, trưa và chiều. Mỗi bữa ăn chủ tớ, con cái đều ngồi vào cái bàn dài đặt trong nhà này và cùng ăn những thức ăn giống nhau. Không có chế độ đặc biệt cho riêng ai. Vậy mà bữa ăn nào cũng hết sức vui vẻ, rộn rịp. Ban tối là giây phút chờ đợi của lũ trẻ. Chị và các em tụ lại, đứa đờn, đứa hát, đứa làm trò khỉ thật vui nhộn, hoặc nghe những người làm kể chuyện ma rồi không dám đi ngủ một mình. Bây giờ đôi lúc nhớ lại từng chi tiết nhỏ nhặt ngày ấy chị thấy thật khó lòng cho chị rứt bỏ một đai gia đình đầm ấm, hạnh phúc như vậy mà đi nếu không có những yếu tố tình cảm riêng tư thúc giục mạnh mẽ hơn.
Cuối năm 75 cả gia đình chị dọn hẳn vào Nam. Chị nức lòng nôn nóng tìm lại đại gia đình cũ gồm bà ngoại, cha mẹ, các em trai gái, cô, cậu, chú, dì& Vợ chồng chị trở về với hai đứa con lớn, hai đứa con nhỏ, hai bàn tay trắng và chiếc bùa hộ mệnh: thẻ đảng. Cộng thêm gánh gia đình cũ của chồng sau gồm một bà vợ ốm đau bịnh thật và mấy đứa con còn cần chu cấp. Kinh nghiệm 30 năm xương máu dạy cho chị phải lo cho mình và gia đình mình trước tiên nên chị lăn ra móc nối kiếm chác thêm từ lợi thế vị trí công tác của mình để sống còn. Nhờ thế cuộc sống gia đình chị tạm ổn qua ngày. Về lại chốn xưa thì nhà chị đã không còn ai ở đó. Cha chị mất tháng Ba năm 75, mẹ cùng các em trai, gái, dâu, rể và cháu đều rời bỏ đất nước vào tháng Tư năm đó. Thế là bao nhiêu mong ước, hy vọng gặp lại người thân lâu nay tan thành mây khói. Lần đầu tiên trong đời chị thấy mình bơ vơ, trơ trọi và hụt hẫng trong không gian tan loãng, lỏng lẻo của vùng vũ trụ chân không, hoàn toàn thiếu hấp lực của trái đất. Chị chao đảo, lạc lõng và mất phương hướng trên lối cũ tìm về. Ôi! Nếu chị biết trước có ngày này...
Nhờ sự khôn ngoan móc nối làm ăn với người tàu Chợ Lớn của chị mà gia đình gượng dần lên mức sống tương đối tạm đủ. Con gái cũng đậu xong 4 năm đại học, lập gia đình. Con trai lớn sau khi đi Ðông Ðức du học trở về mang theo sự bất mãn ngầm và lòng sôi sục cứ muốn đi vượt thoát ra nước ngoài. Cuối cùng rồi chị cũng phải chiều theo ý nó. Ngày xưa không phải tự chị cũng làm một cuộc thoát ly đó sao? Bây giờ con chị đã lớn và chín chắn hơn nhiều. Chị tin là nó có những lý do chánh đáng, thuyết phục và đã lựa chọn đúng. Trùng hợp cùng lúc với mấy năm sau khi chị bắt liên lạc được với thân nhân ở Mỹ thì vừa lúc thằng con xuống tàu ra biển nên chị điện sang cho mấy cô em bảo “Cháu Dư đang trên đường đi thăm bà ngoại”. Nhưng rồi chị chờ tin thằng con đến bến bờ năm này qua năm khác mà không có. Cuối cùng mọi người đều tin Dư đã mất tích và hơn thế - đã chết ngoài biển khơi. Riêng chị, vẫn nuôi hy vọng mong manh rằng nó có thể bị bắt và đang bị cầm tù đâu đó. Niềm hy vọng lụn dần theo năm tháng. Cuối cùng chị đặt hình nó lên bàn thờ trên tầng lầu bốn. Nơi cao nhất nhà và kín đáo đó chị đã thờ tro cốt của ông ngoại, cha chị và giờ đây thêm thằng con trai trưởng yêu quý nhất đời chị. Hòa bình thống nhất xong rồi mà những chia lìa đau thương lại còn nối tiếp nhau ụp xuống đời chị vĩnh viễn.
Con gái lớn chị khôn ngoan, tháo vát và có tài kinh doanh nên chẳng bao lâu nó trở nên khá giả, mua năm bảy căn nhà đồ sộ, vi la mấy cái, mua đất lập vườn, mở nhà nghỉ mát và làm ăn qua lại với người nước ngoài. Sự thành công vượt bực của con gái làm chị thấy hãnh diện, mãn nguyện và an ủi phần nào vì chị xem đó như là sự đền bù cho bao năm tháng mất mát, thiệt thòi. Rồi chị sang Mỹ mấy lần để thăm thân nhân. Chỉ tiếc một điều là khi chị có điều kiện đoàn tựu với gia đình sau thời gian dài thì mẹ chị đã không còn trên cõi đời này nữa. Ngày chị rời miền Nam ra Bắc cũng chính là ngày chị gặp mặt cha mẹ lần cuối cùng.
Những vết cắt đau đớn cứ chồng chất cứa thêm vào trái tim khô cằn của chị. Làm tắc nghẹn những mạnh máu xưa kia vốn mang nhiều nhiệt huyết, kiên cường và bất khuất trước bao nghịch cảnh. Giờ đây chị ý thức được sức chịu đựng của con người không phải vô biên mà có giới hạn hẳn hòi. Chị đã đuối sức, đang buông xuôi, đang tuột dốc. Con gái gửi các cháu ngoại và nội của chị đi du học ở Mỹ. Chúng vạch một hướng đi mới, muốn dời cả gia đình sang định cư ở đó luôn và dự trù mang chị theo. Ðường chị đã đi qua và bỏ lại sau lưng chừng như thăm thẳm, dài hun hút và đã chìm khuất hẳn vào đêm đen. Con đường trước mặt chị tuy mới lạ nhưng chị biết nó sáng sủa, không chông chênh, bấp bênh, nó hứa hẹn vững vàng cho tương lại con cháu chị. Chị biết con chị quyết định đúng. Còn chị, sao cứ ngại ngần? Bước chân chị giờ đây thật sự đã chùng, đã mỏi. Chị cảm thấy cuộc dấn thân nào dành cho mình cũng đầy mới mẻ, hấp dẫn, những cũng không thiếu thử thách và gian truân. Nghĩ cho chí cùng, đời cũng chỉ là một canh bạc đỏ đen, không thắng thì sẽ thua, mà không thua ắt phải thắng. Không thể có huề. Vì nếu huề người ta sẽ lại dốc hết túi chơi tiếp tục cho đến ngã ngũ thắng hoặc thua mà thôi. Chị có vài ván bài đời thắng, ngược lại cũng có quá nhiều cuộc thua. Cái còn lại giờ đây, không là nuối tiếc, mà chỉ ngậm ngùi. Chị thèm được nghỉ ngơi, được an bình.
Tiếng chuông nhà thờ Hạnh Thôn Tây ngân nga điệu lảnh lót âm vang, thúc giục con chiên đi chầu chiều chủ nhật. Mặt trời ngả bóng gần giáp ranh chân cánh đồng cỏ xanh rì nhuộm ánh sáng vàng rực, lấp loáng như tấm lụa xanh dát vàng bạc. Gió thổi là là trên mặt cỏ non mướt tạo nên một biển sóng sô tới dạt lui như dồn dập đuổi theo ánh nắng sắp khuất dần tuốt vào phía xa xôi nào. Chị ngửi thấy mùi thơm ngai ngái của cỏ non thoảng trong gió chiều. Bày bò nhà chị đang lầm lũi mang bụng nặng trĩu thức ăn trong ngày lê bước chậm chạp về nhà. Bên tai chị còn nghe tiếng con sáo đen nhẩy loi choi, vỗ cánh phành phạch và cất tiếng lập đi lập lại nhiều lần, bắt chước y hệt giọng mấy đứa chăn bò báo khi lùa bày bò sắp tới nhà: “Bò về... Mở cửa... Mở cửa... Bò về...” Lòng chị chùng xuống, chị đã thiếu vắng cái cảm giác quen thuộc và gần gũi này mấy mươi năm trong đời. Âm thanh êm ả, chầm chậm, lười biếng của buổi chiều tạo cho chị một trạng thái yên bình, thư thả, nhẹ tênh. Chị nhìn qua cáng đồng, bên kia là con đường đất cao ráo sạch sẽ. Mẹ chị trong chiếc áo dài màu lá mạ tha thướt đang bước lần đến hướng nhà thờ. Ngày còn ở nhà chị vẫn thường đi chầu mình thánh Chúa mỗi buổi chiều như vậy. Bao năm rồi nhỉ? Chị quên bẵng mất thói quen này cho tới bây giờ. Chị dợm chân định chạy theo, miệng gọi to: “Má... má... má chờ con với.” Chị thấy mẹ chị quay lại nhìn chị một cách hiền lành, âu yếm, trìu mến và hài lòng. Bà nói bằng giọng nhẹ nhàng, ôn tồn như thuở nào: “Ðến đây đi chung với má đi con.” Từ sau ngày tập kết 54 đến nay lần đầu tiên chị được nghe lại tiếng nói của bà mẹ mình. Từ trong vô thức, chị nghe tiếng mình nói vói lại với con trai con gái đang đứng sững sờ bu quanh chiếc giường: “Má đi với bà ngoại nghe mấy con”.
Chị cố nhấc chân lên, khua mạnh vào không khí và bước tới. Ðôi chân dường như quờ quạng không chạm vào chỗ nào cả. Chị lại hất mạnh chân lên, đá qua đá lại, cố đặt chân này trước chân kia và phóng tới. Mẹ chị đang chờ& đang chờ& Chị đưa tay ra vời mẹ và như để giữ thăng bằng. Chị quơ quào, múa may trong không khí trên cánh đồng cỏ xanh, gió mát hiu hiu. Chân chị hụt hẫng, bấp bênh, lềnh bềnh, không đặt vào điểm tựa nào cả. Chị mải miết chạy, chẳng quan tâm và chẳng cần biết đến chỗ có điểm tựa đúng, an toàn, vững chắc cho bàn chân mình đặt lên hay không. Cũng y như lần trước, khi chị chạy vào cuộc đời gió bụi khoác màu sắc lý tưởng rực rỡ năm xưa. Chị bỏ ngoài tai tiếng khóc vỡ òa và tiếng kêu réo, gọi giật lại của con gái con trai và cháu nội ngoại: “Má... Má... Nội... Ngoại...” Tiếng chị người làm nghẹn ngào: “Bà đã ngừng thở rồi!”
Chị đã làm một sự chọn lựa cuối cùng đúng nhất cho đời mình.
Viết cho bà chị vừa nằm xuống