Chỉ mới nghe bạn giới thiệu như vậy Chuyên đã đoán được gần hết câu chuyện họ muốn bàn với mình...
Giờ học đầu tiên của Chuyên ở ngôi trường mới đã trôi qua một cách tốt đẹp. Chàng rất bằng lòng. Sau khi bước ra khỏi lớp, chàng có một vài nhận xét sơ khởi về lũ học trò. Trước hết, chúng tỏ ra thụ động quá. Suốt hai giờ liền chúng chỉ ngồi im nghe giảng. Chúng cũng không tỏ vẻ hăng hái trả lời những câu hỏi của chàng. Chỉ khi chàng có chỉ định một đứa nào thì đứa ấy mới uể oải đứng lên, nhưng cũng không nói gì hết. Thái độ của chúng khiến chàng nghi ngờ khả năng giảng dạy của mình. Chàng bèn ngừng giảng, cầm quyển vở của một học sinh ngồi gần chàng nhất để coi xem nó ghi chép những gì ? Nó đã ghi đầy đủ những điều cần thiết, chứng tỏ nó hiểu bài. Muốn thử lại một lần nữa, chàng hỏi lại bài cũ mà thầy giáo trước đã giảng. Vẫn im lặng ! Chàng hơi thất vọng, nhưng vẫn cố khuyến khích chúng hoạt động hơn.
Mãi đến gần cuối giờ mới có một vài đứa rụt rè đứng lên trả lời. Chàng rất bằng lòng vì đó là dấu hiệu của sự cộng tác trong tương lai. Điều nhận xét thứ hai là bọn nữ sinh có vẻ nghịch ngợm hơn nam sinh. Có lẽ vì chúng chiếm đa số trong lớp. Ngay giờ đầu, chúng chưa dám giở trò gì ra, nhưng chàng đã bắt gặp một vài tia nhìn ranh mãnh, một vài nụ cười tinh quái, một vài cái nháy mắt giữa chúng với nhau. Trong khi đó, bọn con trai khoanh tay ngồi nghiêm chỉnh. Theo kinh nghiệm riêng của chàng, những đứa tinh nghịch là những đứa thông minh. Điều nhận xét thứ ba là học trò không quen đối đáp bằng ngoại ngữ đang học. Một phần vì chúng không được thực tập, phần khác chúng phát âm sai. Chàng hứa sẽ sửa giọng và cho chúng tập nói những câu ngắn trước.
Tuy nhiên, chàng rất bằng lòng về giờ học đầu tiên. Không có một trục trặc kỹ thuật hay chuyên môn nào. Điều chàng thích hơn hết là số học sinh trong lớp không bằng nửa sĩ số của một lớp trường tư. Như vậy, chàng sẽ đỡ mệt hơn và kết quả cũng sẽ khả quan hơn. Do đó, chàng thấy lòng vui thích.
Tới phòng giáo sư, Chuyên còn đang tần ngần trước cửa, thì viên giám học đã chạy ra, nắm tay chàng, vồn vã hỏi :
"Ông giáo sư thấy học trò trường này thế nào ?"
Chàng mỉm cười đáp :
"Cũng khá ngoan. Với lại mới buổi đầu, chưa có gì đặc biệt."
Viên giám học quay về phía các thầy, cô giáo đang ngồi trong phòng, nói lớn :
"Xin giới thiệu với quý vị đây là ông Chuyên mới được bổ về trường ta."
Chuyên lần lượt bắt tay gần ba chục thầy giáo, trừ mấy bà hoặc cô. Một ông giáo già tự xưng tên là Cảnh lịch sự hỏi chàng :
"Thưa ông, ông dạy môn gì ?"
"Dạ, tôi dạy Anh văn."
Ông Cảnh gật gù :
"Anh văn đang hợp thời. Bây giờ đa số học sinh chọn Anh văn làm sinh ngữ chính. Loại như tôi, chắc chỉ vài năm nữa là thất nghiệp."
Chuyên ngạc nhiên hỏi :
"Thưa, ông dạy môn gì ?"
"Tôi dạy Pháp văn. Hỏng đến nơi rồi."
Chàng muốn tìm lời an ủi, nhưng lại sợ mình khách sáo, giả dối, nên đành giữ im lặng. Ông Cảnh gượng cười, nói tiếp :
"Có lẽ tôi phải đổi môn dạy mất. Giá dạy được toán như ông Ngô thì dễ kiếm ăn hơn. Nè, ông Ngô, mỗi tháng ông dạy tư thêm được bao nhiêu tiền ?"
Ngô là một ông giáo trẻ, ngồi tận cuối bàn, tỏ vẻ khó chịu, đáp một cách miễn cưỡng :
"Cũng đủ sống !... Chưa đến nỗi chết đói !..."
Ông Cảnh cười hề hề :
"Ông giỡn hoài ! Ngót ba chục giờ trường tư chớ có ít gì, mỗi giờ rẻ ra cũng hai trăm. Vị chi cũng hơn hai chục ngàn, chưa kể lương chính phủ. Ông độc thân thì tiêu làm sao hết được."
Ngô bèn nửa đùa nửa thật trả đũa :
"Nè, ông Cảnh, ông có khiếu làm mật thám hơn là làm nghề gõ đầu trẻ đấy."
Chuyên không để ý tới chuyện gay go của hai người, lơ đãng nhìn về phía mấy cô giáo. Chàng bỗng để ý tới cô mặc áo màu tím Huế. Cô có nước da thật trắng và khuôn mặt bầu bĩnh. Bất chợt cô quay lại nhìn chàng. Bốn mắt gặp nhau trong một thoáng. Chàng vội ngoảnh đi, cô cũng ngượng ngùng cúi xuống. Chàng tìm một cái ghế trống, rồi lựa lời hỏi chuyện người ngồi bên cạnh. Đó là một ông giáo dạy sử địa, tốt nghiệp sư phạm trước chàng một năm, tên là Ngoạn. Chàng hỏi Ngoạn về Hoằng thì Ngoạn vừa cười vừa đáp :
"Anh Hoằng là thứ dữ ở trường này đó."
Chuyên ngạc nhiên :
"Thứ dữ ? Ảnh dữ lắm sao ? Chắc là hay phạt học trò ?"
Ngoạn lắc đầu :
"Không phải vậy. Dữ có nghĩa là ngang bướng, thích cãi lộn trong các buổi họp và dữ trong chuyện...ăn chơi."
"Nghĩa là ảnh có nhiều...tai tiếng ?"
"Không hẳn thế. Anh ấy bướng bỉnh, ăn chơi, nhưng chưa làm hại ai bao giờ. Nói cho ngay, anh ấy chỉ có tật bài bạc thôi."
"Còn đối với nữ sinh ?"
"Tôi chỉ nghe đồn anh ấy thỉnh thoảng cũng lăng nhăng chút đỉnh, nhưng khéo dấu lắm nên chả có bằng cớ gì."
"Ông hiệu trưởng không nói gì ảnh sao ?"
"Nói gì được ! Anh ấy dạy hay, học trò mến, kết quả tốt, vậy là chu rồi. Còn đời tư cá nhân thì...không liên quan gì tới ai hết."
Chuyên không đồng ý :
"Dạy học tức là làm nghề mô phạm, mình phải làm gương cho học trò noi theo. Đời tư hay công cũng vậy..."
Ngoạn lắc đầu cười :
"Anh còn...lý thuyết quá. Thực tế không hẳn phải như vậy đâu."
"Tôi thấy các bậc thầy của chúng ta trước kia đều thế hết."
Ngoạn nghi ngờ :
"Có chắc là thế không ? Tôi nghe nói những người mà ta coi là bậc thấy cũng có nhiều vị bê bối, khốn nạn lắm. Chẳng hạn cụ Vạn dạy Lý Hóa, miệng thì lúc nào cũng thuyết đạo lý rất hay, thế mà đã từng lén ngủ với chị dâu, khi anh trai vừa chết. Hay là cụ Hoan đã nổi tiếng về vụ phản đảng. Hồi còn trẻ cụ có tham gia một đảng cách mạng, chẳng may bị Tây bắt đưa đi đầy, cụ bèn làm bản tự thú và khai hết các đồng chí của mình. Nhờ vậy, cụ được Tây tha. Không biết các cụ mô phạm ở chỗ nào ?"
Chuyên lúng túng :
"Thì cũng phải có người ...thế này, thế nọ chứ...Thật ra, cũng chỉ là những lời đồn, có ai biết chắc một trăm phần trăm đâu."
Ngoạn đùa :
"Vậy thì anh Hoằng cũng ở trong cái tình trạng 'thế này thế nọ'.Anh ấy còn khá hơn những nhà mô phạm bậc thầy mà tôi vừa tuyên dương công trạng là chưa phạm vào những điếu cấm kỵ của nền đạo đức cổ truyền. Không loạn luân mà cũng không phản trắc ! Tôi cho như vậy là quá đủ rồi. Xin đừng ai đòi hỏi nhiều hơn ở những nhà mô phạm ngày nay. Dạy học không phải là đi tu, mà nói cho ngay, tu sĩ cũng có nhiều vị bay bướm lắm. Vẫn là nhà tu mà vẫn đi ngủ với vợ người ta thì sao ?"
Chuyên tỏ vẻ buồn buồn :
"Anh quan niệm nghề dạy học cũng như trăm ngàn nghề khác ?"
"Chớ còn gì nữa ! Xin anh đừng có ảo tưởng coi nghề dạy học là một nghề cao quý, đáng kính hơn các nghề khác. Vả chăng, chúng ta cũng chỉ là những con người tầm thường với đầy đủ mọi tính xấu, tốt. Cũng tham lam, cũng ích kỷ, chẳng thua gì bất cứ ai."
Chuyên khẽ thở dài :
"Tôi thật không ngờ..."
"Anh sẽ còn không ngờ nhiều cái nữa...Chẳng hạn một cô giáo trông bề ngoài hiền lành, đàng hoàng mà đã từng cướp chồng người khác, khiến cho kẻ bị mất chồng phải lao đao khổ sở với lũ con nhỏ còn măng sữa."
"Thì ra giới mô phạm của chúng ta cũng...bê bối quá nhỉ."
"Do đó, chúng ta nên quan niệm dạy học ngày nay chỉ là một nghề truyền kiến thức chuyên môn lại cho lớp hậu sinh. Còn đạo đức xin đừng đả động tới trong khi xã hội đầy rẫy những thối tha, bỉ ổi của những kẻ được coi là bậc đàn anh hay bậc thầy."
Chuyên cười nhạt :
"Nghe anh nói, tôi muốn giải nghệ quá. Thà đi buôn lậu hay đi lừa còn hay hơn."
"Ồ, việc gì phải giải nghệ ! Anh chỉ cần thay đổi quan niệm đi một chút là có thể thích ứng với cuộc sống thực tế rồi. Nếu anh cứ khăng khăng cho rằng nghề dạy học ngày nay là một nghề cao quý thì một ngày kia, chắc không lâu đâu, anh sẽ hoàn toàn thất vọng và phải giải nghệ thật."
"Anh có vẻ bi quan quá nhỉ ?"
"Không, tôi chỉ là con người thực tế thôi. Mới chỉ có một năm trong nghề bán cháo phổi, tôi đã có được cái nhìn xác thực và hiểu được lẽ huyền vi của cái nghề đốn mạt này, càng đi sâu vào càng khám phá ra nhiều chân trời mới lạ."
"Thế ra trường công cũng chả khác gì trường tư hết ! Tôi cứ ngỡ chỉ giới nhà giáo dạy tư mới có nhiều phần tử bê bối. Ai dè trường công cũng chẳng thua gì !"
"Tôi e rằng còn bê bối hơn đấy !"
Chuyên không nói gì nữa, buồn bã nhìn ra ngoài sân trường. Đúng lúc đó, chuông vào học reo vang. Chàng vội đứng lên ngay, sửa soạn tới lớp dạy. Vì chưa thuộc giờ, chàng phải mở thời khóa biểu ra coi lại. Thấy chàng sắp bước đi, Ngoạn vui vẻ hỏi :
"Anh đi đâu đấy?"
Chuyên ngạc nhiên :
"Vào lớp, chứ còn đi đâu nữa ! Chuông rồi mà."
Ngoạn cười :
"Thì cũng còn phải đợi cho học sinh xếp hàng xong đã chứ. Cứ từ từ...Anh thấy không ? Đã có ai đứng lên đâu, kể cả những vị nguyên tắc cùng mình."
Chuyên nhìn quanh. Đúng như lời Ngoạn, chưa ai buồn nhúc nhích. Mọi người vẫn bình thản nói chuyện như không có gì xảy ra. Chàng bỗng thấy ngượng, phải ngồi xuống. Khoảng mười phút sau, viên giám học từ ngoài bước vào, vui vẻ nói lớn :
"Quý vị có thấy không ? Hồi này các ông, bà giám thị làm việc rất tích cực, bắt học trò xếp hàng im phăng phắc. Nhưng chả hiểu họ giữ trật tự được bao lâu."
Thấy bị đuổi khéo, các cô giáo đứng lên trước. Phía mấy thầy lác đác một vài người đứng lên theo. Chuyên vội vàng bước nhanh ra khỏi phòng giáo sư. Chưa ra tới cửa, chàng nghe có tiếng lớn sau lưng :
"Muốn biết mấy vị giám thị giữ trật tự được bao lâu, mình cứ ngồi đây chờ thì biết ngay. Mình tới lớp bây giờ là phá vỡ mất công trình tuyệt tác của họ đấy. Làm việc gì mình cũng phải biết kiên nhẫn mới thành công được."
Viên giám học cười xòa :
"Nhưng chỉ sợ bọn học sinh trẻ người non dạ không kiên nhẫn được thôi."
"Thì mình phải tập cho chúng nó quen dần đi. Nghề của chúng mình mà !"
Chuyên đã bước xuống sân trường nên không được nghe tiếp cuộc đối thoại. Tự nhiên chàng nghe lòng buồn bực lạ. Chàng không ngờ giới nhà giáo có tinh thần chán nản, bi quan như vậy. Người ta không coi trọng nghề dạy học nữa. Tại sao ? Khó mà trả lời cho đúng được. Nhưng có điều chắc chắn là chàng sẽ không bê bối như Hoằng mà cũng không "nguyên tắc cùng mình" như ông giáo già tên Cảnh. Chàng coi hai người đó như hai thái cực, không thể chấp nhận. Những năm lăn lộn trong giới tư thục, chàng đã thâu lượm được một số kinh nghiệm về nghề dạy học. Thân gần học trò quá sẽ mang tiếng là mị chúng, mà nghiêm quá chúng sẽ sợ hãi rồi xa lánh, không chịu đi học đều.
Tiếng ồn ào, xôn xao của một lớp học vô trật tự làm tan biến những thắc mắc trong lòng Chuyên. Chàng dừng lại ở cửa lớp, đưa mắt nghiêm nghị nhìn lũ học sinh đang nhốn nháo ở bên trong. Tức thì, "cái chợ vỡ" bỗng im lặng như tờ. Tất cả học sinh đều đứng lên, chờ đợi. Chàng thong thả bước vào giữa lớp, đặt mấy quyển sách lên bàn giáo sư, rồi cho phép học sinh ngồi xuống.
Trong khoảng nửa phút, lớp học lại ồn ào vì những tiếng cười nói, tiếng xô bàn ghế. Chuyên hơi cau mày, tỏ ý không bằng lòng. Để học sinh không lợi dụng lúc lộn xộn đùa nghịch, phá phách, chàng mở sách, dõng dạc ra lệnh :
"Các anh chị mở trang 25 !
Chợt có tiếng nói lớn từ một góc vang lên :
"Thôi mà, thầy ! Làm chi vội vậy ? Học về lâu về dài chớ đâu có phải dăm ba phút nửa giờ. Xin thầy hãy để ra mươi phút thầy trò ta tìm hiểu lẫn nhau."
Chàng làm ngơ, hỏi :
"Mở trang 25 chưa ?"
Một vài nữ sinh ngồi dẫy bàn trên đáp nhỏ :
"Dạ, rồi ạ,"
Nhưng một nữ sinh khác đánh bạo nói :
"Thầy cho chúng em biết sơ về thầy đi."
Ngập ngừng một chút, chàng nói :
"Cũng được ! Tôi là một giáo sư dạy sinh ngữ, được bổ về đây dạy Anh văn."
Bọn học sinh chờ đợi một lát, không thấy chàng nói thêm, bèn 'Ồ" lên một tiếng, rồi một đứa nói lớn :
"Những điều đó thầy không nói bọn em cũng biết cả rồi. Chúng em còn biết tên thầy là Chuyên, vừa tốt nghiệp sư phạm..."
Chàng đùa :
"Vậy thì các anh chị biết hơn cả tôi, còn hỏi làm gì nữa !"
Trong đám nữ sinh bỗng có tiếng xì xào, rồi có tiếng cười khúc khích. Chàng bèn quay về hướng đó, hỏi :
"Các chị cười cái gì ?"
Cả đám bỗng im phăng phắc, nhưng miệng đứa nào cũng chúm chím cười. Một đứa ngồi phía xa xa đánh bạo nói lớn :
"Chúng nó muốn biết thầy đã có vợ chưa để chúng nó...còn liệu."
Thế là cả lớp cười phá lên. Chàng vội nghiêm mặt lại, nói lớn :
"Mở trang 25 !"
Khi chàng đã cúi xuống, trong đám nữ sinh còn có tiếng xì xào :"Ổng chưa có vợ đâu, chúng mày ạ. Đứa nào muốn nhào dzô thì cứ ...nhào đại đi."... "Ờ ờ, ổng chưa có vợ, nhưng chỉ có ba con phải nuôi dưỡng thôi."..."Suỵt, chúng mày nói bậy quá, mở sách học đi."..."Chèn ơi, chưa gì con Liên đã bênh ổng rồi. Bộ muốn làm trò cưng của ổng chắc ? Vừa nghe nói ổng độc thân đã cuống lên rồi !"... "Nó không muốn làm trò cưng đâu mà chỉ muốn làm cục cưng thôi..."
Sợ bọn nữ sinh mỗi lúc một nói bậy hơn, Chuyên nghiêm giọng nói lớn :
"Mở sách ra học đi, ai còn nói lảm nhảm nữa tôi đuổi ra khỏi lớp."
Lớp học lắng xuống dần, rồi khi chàng cất tiếng đọc lớn thì mọi người đều im phăng phắc. Khi chuông tan học reo, chàng thở phào một tiếng nhẹ nhõm. Chàng thơ thới bước xuống sân, mặc cho lớp học ồn ào ở sau lưng.
Ra đến cổng trường, chàng thấy Hoằng ngồi trên một chiếc xe lôi. Chàng bước đến gần, hỏi :
"Mày đợi ai ?
Nhận ra chàng, Hoằng vui vẻ đáp :
"Đợi mày chứ còn đợi ai nữa ! Lên xe đi với tao. Lẹ lên !"
Chàng ngạc nhiên :
"Đi đâu ? Tao còn phải về nhà ăn cơm, chiều nay có giờ dạy."
Hoằng khoát tay :
"Khỏi về nhà. Đi đớp với tao. Lên xe đi."
"Tại sao ?"
"Thằng đần ! Đi đớp mà còn hỏi tại sao thì đần quá rồi."
Chàng nháy mắt :
"Tao nghi mày muốn hối lộ tao để tao làm cho mày một chuyện gì phi pháp đó."
Hoằng trề môi :
"Mặt mày mà dám làm chuyện phi pháp ! Nói tới chuyện tán mấy em nữ sinh mày đã run như cầy sấy thì làm nổi trò trống gì nữa. Nếu phi pháp tao sẽ nhờ thằng khác chứ không nhờ cái mặt mày."
"Thế thì hối lộ tao làm cái thống chế gì ?"
"Ô hay, cái thằng này, sao cứ ngu đần mãi thế ? Bộ tao không thể đãi mày một bữa ăn à ? Thôi, lên xe đi, ngợm nó vừa chứ."
Khi xe bắt đầu chạy, Hoằng mới nói :
"Nhờ vả hay hối lộ đều không phải. Tao chỉ muốn mày cộng tác. Tao bảo xe tạt qua nhà mày cho mày ném mấy cuốn sách khốn nạn này vào nhà."
"Nhưng tao nói trước là tao không bao giờ cộng tác với mày trong vụ quyến rũ gái vị thành niên hay cờ bạc bịp..."
"Yên chí lớn ! Tao biết khả năng của mày chỉ tán được mấy em ế xưng ế xỉa hay mấy em sến về già thôi. "
"Cũng được đi ! Ế và già mà không phạm pháp còn hơn đếm lịch."
Sau khi cất mấy cuốn sách giáo khoa ở nhà, Chuyên lại lên xe, hỏi bạn :
"Nào chuyện gì thì hộc ra đi để tao coi nó đứng đắn đến cỡ nào !"
"Đừng có nóng ! Chờ gắp đông đủ cả sẽ bàn cũng chưa muộn."
"Nghĩa là có nhiều người tham dự hay sao mà phải chờ đông đủ ?"
"Tất cả có năm tên, kể cả mày."
"Bộ xì phé hay chắn cạ mà có những năm mạng ? Nhưng tao đã nói tao không thích cờ bịch."
Hoằng nổi cáu, gắt :
"Câm mõm đi, mày ! Bộ mày tưởng tao chỉ biết cờ bịch thôi sao ? Cái mặt tao không làm nổi trò gì đàng hoàng ? Mẹ kiếp, khi cần ông cũng đàng hoàng như bất cứ thằng chó đẻ nào trên cái cõi đời này ! Ông không đưa mày vào con đường sa ngã, trụy lạc đâu. Cái hạng mới ra trường như mày là còn nuôi nhiều ảo tưởng lắm. Rồi sau này vỡ mặt mới biết thân. Ông đã nói làm ăn đàng hoàng là đàng hoàng, chứ đánh lừa mày thì ăn cái giải gì !"
"Thôi được, tao tạm tin mày."
Khoảng mười phút sau, xe ngừng lại trước một tiệm ăn khá lớn và đông khách. Hoằng đưa thẳng Chuyên lên lầu, giới thiệu chàng với ba người đã ngồi chờ sẵn quanh một bàn tròn. Hoằng nói tên từng người : Biên, Lộc và Tiếp. Khi Chuyên vừa ngồi xuống, Hoằng bèn nói :
"Dĩ thực vi tiên ! Đớp đã, rồi nói chuyện sau. Đồng ý không các bồ ?"
Tất cả cùng nói :
"Đồng ý là cái chắc. Có thực mới vực được đạo. Không đớp thì lấy hơi sức đâu mà đấu hót."
Hoằng vui vẻ hỏi :
"Vậy thì các bạn đã kêu gì chưa ?"
"Rồi, nhưng dặn họ đợi bạn tới mới đem ra cho nóng. Bây giờ mình vừa ăn vừa nói chuyện cho đỡ mất thì giờ."
Hoằng quay sang nói với Chuyên :
"Ba người anh em này cùng dạy học như bọn mình, nhưng họ là chuyên viên tư thục, làm ăn lớn ở cái đất này."
Chỉ mới nghe bạn giới thiệu như vậy Chuyên đã đoán được gần hết câu chuyện họ muốn bàn với mình. Chàng giữ im lặng, lắng tai nghe Hoằng trình bày. Bọn họ bốn người dự tính mở mấy lớp luyện thi tú tài phần thứ nhất, chỉ dạy những môn chính. Sở dĩ họ muốn chàng cộng tác vì chàng đã dạy tư quen. Cuối cùng, Hoằng hỏi :
"Mày nghĩ sao, Chuyên ? Đây là dịp may hiếm có để làm giầu đó. Bỏ qua rất uổng. Bọn tao trù tính không thể lỗ được, bết lắm cũng phải huề !"
Chuyên chậm rãi đáp :
"Tất nhiên là tao chịu. Nhưng mày mới chỉ cho biết sơ qua câu chuyện, còn nhiều vấn đề khác chưa thấy mày nói tới. Chẳng hạn như...đóng góp ra sao ?"
Hoằng đưa mắt nhìn mấy người bạn kia, rồi gật gù :
"Cứ từ từ, đâu sẽ có đó. Trước hết chúng tao muốn biết mày có chịu không đã, còn chuyện tiền bạc sẽ tính sau."
Người bạn tên Lộc chỉ các món ăn vừa được đem ra, nói lớn :
"Thôi, mình nhậu đi đã kẻo nguội mất ngon."
Bữa ăn kéo dài hơn một tiếng đồng hôà. Khi đứng lên, mọi người đều hể hả bằng lòng. Công việc làm ăn đã được thảo luận cặn kẽ, đi đến kết luận là cả năm người phải đóng góp đồng đều. Họ cũng đã bàn tới việc phân công, mỗi người phải đảm trách một việc. Nhưng Chuyên được miễn vì là người mới tới tỉnh này..
Tuy ngoài mặt vẫn sốt sắng bàn tính, nhưng trong bụng Chuyên vẫn thấy e ngại. Chàng không tin một người ăn chơi bê bối như Hoằng lại có thể làm ăn đứng đắn được. Vì thế, lúc ra xe về, chàng hỏi bạn :
"Bộ mày định làm ăn thật sao ?"
Hoằng bèn trợn mắt :
"Thật chứ ! Tại sao mày lại hỏi vậy ?"
"Vì tao thấy mày ăn chơi quá sợ không đứng đắn nổi."
"Vì tao ăn chơi nên mới cần làm ăn."
"Ủa ! Mày nói gì kỳ vậy ?"
"Có gì mà kỳ ! Tao hỏi mày nhé, nếu không làm ăn thì lấy tiền đâu mà ăn chơi ? Ngoài ra, dù thế nào, tao cũng vẫn là một nhà giáo, nghĩa là cũng có tý ty máu đứng đắn chảy trong huyết quản. Nếu cái vụ này thành công, bọn mình giầu mấy hồi ! Mà tao chắc sẽ thành công."
Chuyên trề môi :
"Thôi đi bạn, đừng có chủ quan khinh địch."
"Tao không chủ quan. Tao được liệt vào loại giáo sư toán ăn khứa nhất ở đây đó. Mày cứ yên chí lớn đi !"
"Còn ba tên kia ?"
"Tên Biên dạy Lý Hóa, tên Lộc Việt văn, còn tên Tiếp cũng dạy Toán như tao. Tất cả đều nổi tiếng và ăn khứa."
Chuyên nói tiếp luôn :
"Trừ có tao ."
"Mày thì rồi cũng ăn khứa và nổi tiếng như bọn tao."
"Thôi được, tao tạm tin mày."
"Ở cái đất này, mày không tin tao thì chả còn đếch ai mà tin nữa."
Nói xong, Hoằng cười hô hố, át cả tiếng máy nổ của xe lôi. Chuyên cũng cười theo một cách vui vẻ.