main billboard

 

Ngực cô Ngân phập phồng trên mặt Nhương. Nó bỗng thấy tò mò luồn tay vào trong ngực cô...

Trich Tien

Căn nhà thuở ấu thời của Nhương là một dấu mốc đẹp đẽ cho các hành khách xe lửa xuôi ngược ga Hàng Cỏ. Cả mái trước của căn nhà dài dằng dặc nằm ngay sát đường xe lửa ở ngoại thành Hà Nội là một giàn hoa ớt rậm rạp bề thế đỏ chót như kết thành bởi muôn vàn viên pháo ngày xuân nằm chen chúc trên dềnh lá xanh rì tít tắp. Nhương không thể quên được những cặp mắt ngời sáng, những ngón tay cuống quít chỉ chỏ trong các ô cửa sổ xe lửa mỗi lần đoàn tàu dài ngoằng dồn dập chạy qua. Nhiều người còn xuýt xoa vẫy Nhương đang đứng ở trước cổng hàng rào nhìn lên những khuôn mặt lố nhố trong cái tranh tối tranh sáng của toa tàu vùn vụt lướt nhanh. Nhương vẫy tay lại mặt tươi tỉnh vì đang chờ đợi một niềm vui khác. Niềm vui lượm những đồng xèng được bánh xe lửa cán thẳng tắp, hóa thân của những chiếc nắp bia hoặc nước ngọt mà Nhương đã dày công đi nhặt nhạnh và để trên đường rày xe lửa trước khi có chuyến xe chạy qua. Những đồng xèng này được dùng để đánh đáo với chúng bạn hoặc đục hai lỗ nhỏ ở giữa xâu một sợi dây qua, lấy hai ngón tay xoắn lại rồi kéo cho đồng xèng quay tít như một bánh xe đang chạy hết tốc độ.

 Những thú vui của một chú bé sống ở một nơi nửa quê nửa tỉnh này là một sự pha trộn thú vị giữa những trò chơi ở đồng ruộng và những mảnh văn minh từ Hà Nội được ông chú mang về qua những món đồ chơi đô thị làm Nhương ngây ngất ôm theo vào cả giấc ngủ thơ dại. Chiếc tàu thủy đẹp một cách sang trọng, đài các như một chiếc tàu thiệt nằm trên tay ông chú được cả nhà hộ tống xuống bờ ao cho chạy thử là một "biến cố" khó quên trong ký ức non nớt của Nhương. Ông chú Nhương mặt đầy vẻ trịnh trọng nhưng vẫn không dấu được niềm hãnh diện hớn hở lên dây cót, ngồi xổm trên cầu ao buông con tàu trên mặt nước ao tù ngổn ngang những bè rau muống, những khóm bèo Nhật Bản và những dềnh cỏ nước ngả nghiêng theo gió. Con tàu phăng phăng rẽ nước trước những cặp mắt thích thú của cả người lớn lẫn trẻ con lăng xăng chạy quanh bờ ao reo hò inh ỏi. Đôi chân Nhương như được tháp cánh chạy xuôi chạy ngược theo con tàu đang vòng vòng để lại những vệt nước lao xao phía sau. Nhương đang mải mê thả trí tưởng tượng lên cao đầy ắp những hình ảnh rực rỡ thì bắt gặp cái nháy mắt của cô Ngân. Hai cô cháu nhào xuống chiếc thuyền nhỏ cột sát bên bờ tre. Cô Ngân khua đôi tay dẻo quẹo trên mái chèo cho con thuyền chạy theo chiếc tàu nhỏ. Nhương nhấp nha nhấp nhổm như muốn đẩy con thuyền chạy mau hơn, miệng la vang inh ỏi trong niềm phẫn khích vời vợi dâng cao. Khi con tàu hết dây cót chầm chậm dừng lại, Nhương nhoài người ra vớt con tàu ôm vào lòng say đắm như bà mẹ ôm đứa con cưng. Ông chú đứng trên bờ hét oang oang đòi con tàu. Cô Ngân chậm rãi đưa chiếc thuyền vào sát cầu ao. Nhương buồn rầu đẩy con tàu vào tay ông chú đang cố vươn ra đón đỡ. Nó nhìn xuống vạt áo còn đẫm nước từ con tàu thấm sang mà lòng như chùng xuống thất vọng. Nét mặt thẫn thờ của Nhương làm mủi lòng cô Ngân. Cô rủ Nhương chèo thuyền ra giữa ao hóng mát. Nhương đòi chèo, hai bàn tay mảnh khảnh không vục sâu được mái chèo xuống mặt nước. Con thuyền nhỏ trôi chậm chạp yếu ớt. Thỉnh thoảng Nhương vụng về tạt mái chèo vào những dề cỏ nước làm những ngọn cỏ bị bứt lìa ra khỏi gốc trôi bềnh bồng sau con thuyền. Cô Ngân để mặc Nhương muốn làm gì thì làm. Cô ngồi tư lự nhìn mông lung xuống mặt nước khuôn mặt vô hồn bất động.

 Cô Ngân có một nhan sắc rất bình thường. Khuôn mặt cô hơi cứng cỏi, kiểu khuôn mặt hợp với đàn ông hơn là đàn bà. Nước da cô ngăm ngăm đen và thiếu vẻ mịn màng của một cô gái dậy thì. Cái chiều cao hơi dư thừa lại càng làm cô có vẻ ít nữ tính hơn. Bà mụ coi bộ không mặn mà với cô lắm làm cô chịu nhiều thua thiệt hơn các em. Ông bà nội Nhương sinh được con trai đầu lòng là ba Nhương, một người vừa cao vừa có khuôn mặt sáng sủa đều đặn rất đáng mặt nam nhi. Cứ thường tình mà suy thì một khởi đầu tốt đẹp như vậy ắt hậu vận phải khá lắm. Nhưng ông bà nội Nhương như những lực sĩ chạy đua thiếu kinh nghiệm khởi đầu chạy ào ào rất ngon lành đến khi về tới đích thì chẳng hơn ai. Đứa con thứ hai chính là cô Ngân và tiếp theo đó dắt díu nhau ra đời tới ba cô con gái nữa. Thuở đó cái lề thói trọng nam khinh nữ còn rất nặng nề nên ông bà nội Nhương có vẻ thất vọng với bước chuyển tiếp của cô Ngân bắt đầu cho một bầy con gái không chờ mong. Bố Nhương trở thành đứa con duy nhất có thể nối dõi tông đường nên được cưng chiều và săn sóc rất mực. Ông đã không phụ công cha mẹ sớm giật được mảnh bằng Tiểu Học Pháp làm rạng rỡ cả họ hàng. Trong ngôi làng kề cận Hà Nội có tới ba ngàn dân mà chỉ có một người duy nhất có bằng "Đít Lôm" thì vài người có bằng Tiểu Học được cả làng ngưỡng mộ trọng vọng cũng là việc thông thường. Nhương chẳng bao giờ quên được những buổi chạy theo chiêm ngưỡng ông Phán Ngọ, người học cao nhất làng và đang làm công chức tại Hà Nội, mỗi lần ông về thăm làng. Cặp kính trắng gọng bằng nhựa đen che lấp cả khuôn mặt cùng cây gậy ba-toong lên nước bóng loáng trên tay như một biểu hiệu cao quí của học thức tách rời ông ra khỏi đám dân làng đang chong mắt nhìn ông như nhìn một người từ một thế giới cao sang hiện xuống. Mảnh bằng Tiểu Học Pháp của bố Nhương có lẽ là cái đích nằm trên mơ ước của cả gia đình nên bố Nhương thấy không cần phải leo tiếp nữa. Ông đi làm cho Pháp và lấy vợ rất sớm. Cái nhiệm vụ nối dõi tông đường của ông được thực hiện ngược chiều với ông nội Nhương. Mẹ Nhương liên tiếp cho ra đời tới bốn cô con gái. Rồi mới tới Nhương. Khỏi phải nói là Nhương được chào đón như một thiên sứ bé bỏng nhưng nhiều quyền uy. Mọi người chiều chuộng Nhương như chiều vong. Và người săn sóc, âu yếm, thương yêu Nhương nhiều nhất là cô Ngân. Hai cô cháu quấn quít nhau như hình với bóng. Đi chơi đâu cô cũng dắt Nhương theo, buổi tối Nhương ngủ với cô trên tấm phản gỗ cạnh giường của bà nội.

 Cô Ngân có mấy cô bạn thân hay tới nhà chơi. Nhà ông nội Nhương là một dinh cơ khá đồ sộ trong làng. Trong hàng rào gạch phía trước nhà là một khu vườn trồng đủ mọi thứ hoa mà nhiều nhất là hoa hồng và hoa thược dược. Vườn hoa nằm ngay cạnh cổng hàng rào nên khách tới chơi vừa bước qua cánh cổng gỗ lim dày dặn nặng nề nằm dưới một mái ngói nhỏ như mái tam quan của nhà chùa là đã ngửi được mùi thơm dịu dàng ngan ngát. Bước xuống mấy tầng cấp là chiếc sân rộng lát gạch bát tràng mà mỗi mùa gặt thóc được rải ra phơi kín mít không còn lối đi. Nhương thích nhất là đi chân không chạy theo bà nội đạp thóc thành đường dài như đường xe lửa để trở thóc cho khô đều. Những dặm thóc châm chích vào đôi chân non nớt của Nhương làm nó cảm thấy nhột nhạt thích thú. Phía trái của sân là vườn cây cảnh, hòn non bộ và hai chiếc bể chứa nước mưa lớn như hai pháo đài của trại lính tây trên Hà Nội mà mỗi lần đi qua nỗi sợ hãi làm tim Nhương muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Dãy nhà ngang nằm thẳng góc với hai chiếc bể nước mưa hợp cùng dãy nhà chính ôm theo phía sân còn lại làm thành một cơ ngơi vuông vức đều đặn. Từ nhà ngang có một chiếc cửa trổ ra phía sau nhà dẫn tới một khu vườn rộng mênh mông trồng cây ăn trái tận cùng bằng chiếc ao có hàng rào tre bao bọc chung quanh. Đây là giang sơn của Nhương và các chị. Mặc sức mà leo trèo trên những hàng ổi, na, nhãn, táo, bưởi, sung hoặc len lỏi qua những bụi chuối, bụi sắn hay bắt sâu bắt bướm trên những luống rau xanh ngắt nằm thẳng tắp nghiêm chỉnh như những hàng quân.

 Các cô bạn của cô Ngân vừa bước qua cổng nhà là tíu ta tíu tít kéo nhau vào vườn hoa. Người thích màu hoa này, người ưa dáng hoa kia, nói năng líu lo như cả một bày chim vừa sà xuống khu vườn thơm ngát. Những đóa hồng sậm màu máu khô hoặc vàng óng ả như những kén tơ tầm có vẻ bận rộn nhất. Hết đón nhận những chiếc mũi ghé sát vào lấy đi một ít hương thơm lại kiêu căng nằm trên những bàn tay con gái mềm mại nâng niu nhẹ nhàng. Nhưng lòng yêu hoa của những cô gái cũng chỉ thoang thoảng như hương hoa. Chỉ loáng thoáng một lúc là các cô biến mất. Từ lúc nghe tiếng chuông rung thánh thót lanh chanh Nhương chạy ra mở cổng tới khi Nhương làm chiếc tàu bay hai tay dang ra lượn vài vòng quanh sân và đáp xuống vườn hoa miệng è è giả tiếng máy bay thì vườn hoa đã vắng tanh vắng ngắt. Các cô đã theo bát muối ớt trên tay cô Ngân túa ra vườn sau. Nhương vội chạy ra vườn để ăn ké. Cô Ngân đang thành thạo di chuyển trên những cành bưởi búng tay vào từng trái thăm dò xem trái nào có thể ăn được. Một cô khác đang lom khom ôm chặt vào cành táo rung tít làm những trái táo vàng óng rơi rụng lả tả xuống đất mặc sức mà nhặt. Nhương lanh lẹ như một con sóc có mặt ở mọi chỗ có trái cây dành những trái ngon nhất đưa cho cô Ngân. Sự thiên vị của Nhương bị mấy cô bạn của cô Ngân trừng phạt bằng những cái nhéo tai bỡn cợt nhẹ hều chẳng làm Nhương đau một ly ông cụ nào cả. Tay con gái yếu xìu! Nhương lúc nào cũng huênh hoang tự hào mình là con trai duy nhất giữa một bầy chị và mấy bà cô nên thường có ý nghĩ khinh thường con gái. Nhương thường tức tối khuỳnh tay xô đẩy hoặc vung chân đá loạn xạ khi bị mấy cô xúm xít xoa đầu vò tóc trêu chọc. Chí nam nhi đang vùng vẫy hùng mạnh như vậy mà chỉ một cái trừng mắt của cô Ngân là xẹp lép như ngọn lửa bị giội nước.

 Cô Ngân có cái oai làm Nhương vừa thương vừa sợ. Nhương hay lân la chơi với mấy bác tá điền tới làm thuê cho ông nội. Sao họ nhiều tài đến thế. Lá dừa, lá chuối, lá rong qua đôi bàn tay khéo léo của mấy bác chả may lúc mà thành những con châu chấu, bươm bướm, chim chóc đủ loại thấy mà mê. Củ khoai thoáng một cái qua vài nhát dao biến hình thành những con trâu, con chó, con mèo y như thật. Trông mấy bác ăn cơm cũng thú vị. Vừa cười đùa vừa ngốn từng bát cơm một cách ngon lành. Đôi đũa trên tay chỉ khua khua may cái là hết một bát cơm, trở đầu đũa vạch một nét xuống nền đất đánh dấu. Cứ bốn vạch thẳng tiếp theo một vạch ngang nằm chồng lên trên đánh dấu năm bát cơm. Người nào mỗi bữa cũng không dưới ba chục bát. Ăn gì mà khiếp! Nhằm ngày rỡ khoai bà nội luộc cho các bác một nồi khoai lang bằng cái nồi nấu bánh chưng ngày tết. Vậy mà cũng hết bay hết biến. Ăn khoai xong các bác kéo nhau ra ngoài sân vừa ngắm trăng vừa hát đối. Nhương không hiểu tại sao đầu óc của những con người cả đời chỉ quen thuộc với cầy cuốc lại có thể hát được những câu trữ tình thắm thiết đến như vậy. Hát chán các bác quay qua kể chuyện tiếu lâm. Nhương say mê ngồi nghe những chuyện vừa khôi hài dí dỏm vừa đượm vẻ tục tĩu mà Nhương thấy thú vị vô cùng. Nhất là những lúc các bác nhắc tới những chữ mà thường ngày nếu Nhương nói tới là có chầu bị người lớn nhéo tai đau điếng. Nhương không phải là một đứa trẻ khôn ngoan kín mồm kín miệng. Nó mang những chuyện nghe được lên kể lại cho cô Ngân nghe. Mặt cô Ngân đỏ lên khi nghe chuyện rồi cô nhéo tai Nhương cấm không được lảng vảng bên các bác nghe những chuyện bậy bạ mà cô dọa là sẽ làm Nhương học dốt.

 Nhương quay lại với những trò nghịch ngợm của con nít. Nhương tìm bắt một con kiến đen chúa to lớn có những chiếc chân dài lêu nghêu đem bỏ vào một tổ kiến lửa cho chúng đánh nhau. Nhương đang say mê trước sự chống trả của mãnh chúa đen thì nghe tiếng cười rinh rích của cô Ngân và đám bạn của cô trong xó cổng ngoài rào. Nhương nhìn lên thấy may cô đang thọc tay vào ngực nhau sờ soạng. Nhương tò mò nhìn những khuôn mặt đỏ rần vừa thẹn thùng vừa thích thú. Một cô cười tít mắt chỉ cô Ngân nói: " Của mày chỉ bằng hạt đậu xanh! ". Cô Ngân đập túi bụi vào ngực cô bạn cười như nắc nẻ. Nhương mải theo dõi hoạt cảnh vô tình kêu thét lên khi bị một con kiến lửa chui vào kẽ chân cong đít lên đốt. Mấy cô giật mình khi thấy Nhương ngồi ngay ở góc tường mà chẳng ai biết. Cô Ngân đập vào đầu Nhương hoạnh họe hỏi ai cho ngồi đây. Nhương bị đánh oan tức quá hết biết sợ. Nó òa khóc vùng vằng vừa đi vừa dọa mách bà nội. May cô túa nhau chạy theo kéo Nhương dỗ dành bằng may cái kẹo bột Nhương mới...bỏ qua.

 Tối hôm đó khi đi ngủ Nhương còn giận cô Ngân nên nằm xích ra xa tuốt tận mép giường. Nhương ngủ được một chặp mới mơ màng thấy cô Ngân kéo Nhương ôm sát vào người. Ngực cô Ngân phập phồng trên mặt Nhương. Nó bỗng thấy tò mò luồn tay vào trong ngực cô. Nó ngước nhìn lên mặt cô. Cô làm như ngủ say miệng mím lại cố giữ không lộ ra vẻ nhột nhạt. Nhương tốc áo cô lên. Ngực cô tròn trịa nhỏ nhắn. Nhương mân mê "hạt đậu xanh" rồi kề miệng vô. Lòng Nhương thấy dâng lên một tình thương êm ả thanh thoát. Mắt cô Ngân vẫn nhắm tít, miệng cô hơi mỉm cười. Không cần cô phải dọa, Nhương chẳng bao giờ mách chuyện này với bà nội.

 Tuổi dậy thì của cô Ngân hoang vắng đến xót xa. Cô kiên nhẫn đứng nhìn các em đi lấy chồng. Tiếng kêu chát chúa của bày heo bị chọc tiết, tiếng quang quác hoảng hốt của đàn gà bị săn đuổi và tiếng ngã nặng nhọc của một con bò bị làm thịt đưa tiễn cô Thìn, cô em kế cô Ngân, về nhà chú Ngạn vui tính hay kể chuyện cổ tích cho Nhương nghe. Nhương tung tăng chạy khắp sân, bay từ nhóm người đang ngả heo dành chiếc bong bóng tròn và lớn nhất qua mấy bà mấy cô thổi xôi gấc bốc ăn những nắm xôi bóng nhẫy thoang thoảng mùi thơm có vị ngọt mềm mại quyến rũ. Cả dãy nhà ngang kín mít những hàng kệ bằng tre đày ắp những mâm cỗ sẵn sàng đón khách. Chiếc sân gạch thường ngày rộng là thế mà bây giờ như co lại với những chiếc chiếu hoa trải rộng chật kín những khách tới ăn cưới. Nhương lăng xăng chạy qua chạy lại thích thú trong bộ quần áo mới của cô Ngân may cho. Nó nhào xuống bếp thấy cô Ngân đang ngồi nấu nồi chè đãi khách. Mặt cô ửng hồng, mồ hôi rịn ra ở cổ và đôi mắt cô ướt nhẹp như đang khóc. Nhương lo ngại hỏi cô:

     - Cô khóc hay sao vậy?

 Cô Ngân cố nở một nụ cười âu yếm nói:

     - Cháu đừng nói nhảm. Nhà vui thế này sao cháu bảo cô khóc. Cô bị khói vào mắt đấy chứ.

 Nhương đăm đăm nhìn cô. Có điều gì như không được tự nhiên trong giọng nói của cô. Nhương đứng chần cho một lúc rồi vụt chạy ra sân. Tiếng ồn ào náo nhiệt của cả trăm người ăn uống, trò chuyện, cãi vã làm nó mau chóng quên đôi mắt ướt của cô Ngân.

 Cứ mỗi năm lợn, gà, bò, vịt lại rủ nhau ngã xuống, trái nhà ngang lại tíu tít tiếng dao tiếng thớt, những kệ tre lại đầy ắp những mâm cỗ và các cô lần lượt về nhà chồng. Trước sau chỉ đúng có ba lần. Nhương vui mừng vì không có lần thứ tư. Cô Ngân vẫn còn ở nhà với Nhương.

 Những ngày thanh bình êm ả không còn nữa. Cảnh tượng ngoài đường như bỗng đổi khác. Những người Nhật mặc quân phục vàng nghễu nghện trên lưng ngựa đi tới đi lui. Tiếng vó ngựa lách cách lạnh lẽo đày đe dọa. Dưới con mắt ngây thơ của Nhương, con ngựa cao lớn chắc nịch, thanh kiếm dài lắc lư bên hông và cái thân hình trên lưng ngựa lúc nào cũng thẳng tắp oai vệ làm cho Nhương vừa kính phục vừa nể sợ. Nó toát ra một quyền uy đến ngộp thở. Cho tới một hôm, một viên sĩ quan Nhật thúc ngựa vượt qua cánh cổng tre tiến đến ao cá của nhà Nhương. Nhương mừng rỡ đứng say sưa nhìn cái hình ảnh dũng mãnh hiển hiện cận kề bên cạnh. Những bắp thịt cuồn cuộn khỏe mạnh của con ngựa đen bóng mượt mà sao mà đẹp đến như vậy. Chiếc đuôi ngựa dài ngoằng quật qua quật lại làm Nhương thích thú. Thanh kiếm có chạm trổ những hình đẹp mắt trông vừa dễ sợ vừa quyến rũ. Bố Nhương mất việc từ ngày Nhật vào đuổi Pháp nên lúc nào cũng có mặt ở nhà vội chạy xuống bờ ao. Viên sĩ quan Nhật hất đầu hỏi bằng tiếng Pháp:

     - Ao của mày hả?

     - Phải.

     - Tao muốn mua ít cá.

     -Đây không có bán cá.

 Mặt tên sĩ quan Nhật đanh lại. Hắn gằn giọng nói chậm rãi:

     - Nhưng tao muốn!

 Bố Nhương trở nên cứng rắn bất ngờ:

     - Tao không bán!

 Tên sĩ quan Nhật rút khẩu súng lục đeo bên sườn ra hăm dọa. Cô Ngân đứng sau bố Nhương mặt căng lên phẫn khích. Mẹ Nhương kéo tay bố khẽ nói:

     - Thí cho nó mấy con cho rồi.

 Bố Nhương quay lại nạt:

     - Bà để mặc tôi!

 Tên Nhật gườm gườm xoáy đôi mắt vào mặt bố Nhương:

     - Tao lấy mười con thôi.

 Bố Nhương cương quyết lắc đầu. Mũi súng lục trên tay phải tên Nhật quay phắt vào mặt bố Nhương cùng với một ngón trên bàn tay trái giơ lên:

     - Một con thôi.

 Mắt bố Nhương ánh lên vẻ thách đố, người ông rung lên theo hơi thở dồn dập, chiếc cằm bạnh ra, đôi môi rít rịt giọng dứt khoát:

     - Không!

 Nhương xanh xám mặt mày chỉ sợ nghe thấy một tiếng nổ. Mắt cô Ngân thất thần hoảng hốt. Mẹ Nhương nước mắt ròng ròng kêu lên: "Ông ơi!".

 Tên Nhật ngồi giữ nguyên tư thế. Tim Nhương như bị treo lên. Từng giây chậm chạp trôi đi. Mọi người đứng như trời trồng. Tay tên Nhật run lên. Mặt hắn hằn lên nét đe dọa. Nhưng rồi bỗng nhiên hắn đút súng vào bao, giật cương ngựa quay ngoắt lại phía sau vùng vằng bỏ đi.

 Bố Nhương đứng trông theo bóng ngựa mất hút sau rặng tre mà mặt còn ngơ ngẩn như người vừa chết đi sống lại. Hình như sức chịu đựng của ông đã căng thẳng quá mức khiến thần kinh ông tê liệt không còn có được phản ứng nào rõ rệt.

 Khuya hôm đó bố Nhương gọi tất cả bà con họ hàng tới phụ lực tát ao cá. Dưới ánh sáng yếu ớt của mấy ngọn đèn bão chập chờn, bốn chục người họ hàng xa gần ra sức tát cạn ao bắt cho kỳ hết không còn một con cá nào cả. Nhà trên chẳng còn ai nên Nhương phải xuống ngủ trên một chiếc chõng tre kê ngay trên bờ ao. Cô Ngân ngồi xoa lưng dỗ cho Nhương ngủ nhưng cảnh tượng lạ lùng trước mắt cắt giấc ngủ trằn trọc của Nhương thành nhiều mảnh vụn vặt. Nhương trở mình xoành xoạch, những thanh nan tre giật tóc Nhương đau điếng. Trời tờ mờ sáng, mấy chục thúng cá đã đầy nhóc, người ta bẻ lá chuối đậy lên trên rồi kĩu kịt gánh vào làng. Cả dân làng được ăn một bữa cá vừa tươi vừa rẻ.

 Cùng với ánh mặt trời non buổi mai, tên sĩ quan Nhật kéo khoảng một chục tên lính trở lại. Hắn xông thẳng tới bờ ao và ngỡ ngàng trước đám bùn đen ngòm hôi tanh. Bố Nhương đã lánh mặt lên Hà Nội từ sáng sớm. Nhà chỉ còn toàn đàn bà và con nít. Cô Ngân lãnh phần đương đầu với tên sĩ quan Nhật. Mặc cho hắn hỏi đủ điều, cô cứ lắc đầu quầy quậy không hiểu. Có lẽ tinh thần võ sĩ đạo không cho phép hắn dùng tay chân với đám đàn bà con nít ngu ngơ chẳng hiểu sự tình gì nên đứng tần ngần một hồi hắn đành dắt đám lính ra về. Cho cho chúng đi khuất, cô Ngân mới rũ ra cười đắc thắng. Nhương thú vị quá hoa chân múa tay miệng giả làm tiếng súng bắn theo hướng đoàn quân...bại trận.

 Từ đó Nhương không còn thấy vẻ oai vệ hùng dũng nơi những tên lính Nhật ngoài đường nữa. Tiếng vó ngựa chỉ gợi cho Nhương lòng thù ghét những tên đi cướp cá nhà người ta. Cô Ngân còn bảo cho Nhương biết là lính Nhật sang làm cho dân mình bị đói khổ. Đã có nhiều người ở các tỉnh miền biển bị chết đói. Nhương lại càng thấy căm tức tụi Nhật hơn tuy Nhương chẳng hiểu tại sao người ta có thể chết vì đói được.

 Nhương không thể dùng cái trí khôn thiếu hụt của mình để tưởng tượng thế nào là đói nhưng cái đói đã hiển hiện trước mắt Nhương những ngày sau đó. Ăn mày ở đâu ra mà nhiều thế. Trước cổng nhà Nhương lúc nào cũng có những người chực cho ăn xin làm mấy con chó thường xuyên lồng lộn cào cửa sủa inh ỏi. Cô Ngân ôm từng rá gạo ra chỉ bốc cho mỗi người một nắm mà loáng một cái đã hết bay hết biến. Càng ngày cái đói càng tệ mạt. Cô Ngân vừa mở cổng là họ ùa vào tranh cướp làm rá gạo trên tay cô tròng trành bay nhảy một hồi rồi lật úp xuống. Họ xô đẩy nhau người nọ đè lên người kia nhặt từng hạt gạo quí hóa nằm trắng xóa trên mặt đất. Mắt người nào người nấy trông dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống nhau. Từ đó cô Ngân không dám mang gạo ra cho ăn mày nữa.

 Hai cô cháu chỉ dám ghé mắt nhìn qua khe cửa đã được gài then kỹ lưỡng nhìn đám người đói rách càng ngày càng đông đảo lang thang ở ngoài đường. Mỗi người co rút trong chiếc nóp bện bằng rơm bằng cỏ giống như một cái tổ sâu kèn chỉ để hở đôi mắt nhìn ra ngoài. Khi họ đi Nhương thấy giống như một chân nấm mất đầu di chuyển. Khi dừng lại họ ngồi núp trong chiếc nóp nằm im trên mặt đường giống như cái tháp chuông nhà thờ nho nhỏ bị một đứa trẻ tinh nghịch cắt ngang mang xuống để dưới đất. Buổi tối họ co người nằm gọn trong nóp như một con sâu tội nghiệp. Có lần Nhương đánh bạo ra ngoài chơi tò mò nhìn những cặp mắt rã rượi uể oải như mắt cá ươn trên những thân hình hầu như chẳng còn chút quần áo nào trên người. Nhiều người đói quá nằm lả bên lề đường ôm bụng vật vã lăn lộn như người lên cơn động kinh hai tay dứt từng nắm cỏ đút ngấu nghiến vào miệng. Nhương còn thấy một ông già nằm bên mấy bãi phân chó ngáp ngáp phân dính đày râu tóc mồm miệng trông vừa gớm ghiếc vừa tội nghiệp. Khi về nhà Nhương không cầm lòng được đem kể vanh vách với cô Ngân khiến cô trợn tròn mắt cấm Nhương không được ra đường.

 Nếu cô Ngân không cấm Nhương cũng chẳng dám ra đường những ngày sau đó vì đã có những xác chết ở ngoài đường. Người chết như ngả rạ. Những xe đi lượm xác có treo lủng lẳng chiếc đèn dầu hắt hiu vàng vọt khua bánh lọc cọc trong đêm tối là một cảnh tượng hãi hùng trong ký ức non dại của Nhương. Một người ở phía trước quàng sợi dây quanh vai hai tay nắm hai chiếc càng xe kéo, vài người đẩy ở phía sau. Người nào cũng đội sùm sụp chiếc nón lá, miệng bịt một mảnh vải trắng, câm lặng như những âm binh từ dưới âm phủ lên đón những xác chết được rắc vôi bột trắng xóa nằm xếp lớp trên xe thò ra những bàn chân đen đủi khô cằn như những khúc củi mục. Mỗi tối hai cô cháu chăm chú nhìn qua khe cửa đếm số xe đi qua. Nhương thấy vẻ mặt cô Ngân buồn rười rượi chẳng bao giờ nén được tiếng thở dài trước khi dắt Nhương vào đi ngủ.

 Những tiếng trống ếch đánh thức cả nước đứng dậy rộn ràng. Người nào như cũng có một niềm vui lớn lao chẳng thể dấu được sau những bộ mặt tươi tắn rạng rỡ. Quân Nhật bại trận mở đầu cho một thời kỳ mới của đất nước. Ai cũng muốn gào thét la lối cho hả niềm vui. Ông chú "văn minh" của Nhương bao giờ cũng là người chơi trội. Thay vì cắm cây cờ đỏ sao vàng trước nhà như mọi người khác, ông chạy lên Hà Nội mua hai bảng cờ treo hai bên cổng. Mười lá cờ đồng minh khác nhau màu sắc tươi rói bay phấp phới trông thật đẹp mắt. Nhưng "cách mạng" đâu có thân thiết với tất cả các đồng minh dù đồng minh đã đánh bại Nhật xóa tan một thời kỳ u tối của đất nước. Những đoàn biểu tình từ các vùng quê lên Hà Nội tấp nập đi qua cửa nhà Nhương. Những người dân quê chất phác có lẽ cả đời chưa bao giờ được xếp hàng làm cách mạng nên mọi người hăng hái bước theo tiếng trống ếch, cây cờ và hai cây súng săn dài thậm thượt dẫn đầu. Bài Tiến Quân Ca được chọn làm quốc ca có lẽ vừa được phổ biến nên chưa ai thuộc điệu hát. Họ vừa đi vừa đọc lời bài hát ê a như đọc kinh giọng trầm trầm buồn ngủ. Mỗi đoàn đi ngang qua nhà đều trầm trồ thích thú nhìn hai bảng cờ đẹp mắt làm hai cái mặt của ông chú và Nhương vênh lên hãnh diện. Nhưng cứ mỗi đoàn đi qua thì người dẫn đầu đoàn lại lớn tiếng yêu cầu hạ lá cờ không phải là cờ nước bạn xuống. Cờ Pháp, Hoa Kỳ, Anh, Trung Hoa...rơi rụng lần. Ác một cái là mỗi đoàn tùy hứng hạ một lá cờ theo ý họ. Ông chú của Nhương vội vàng bắc thang leo lên tháo lá cờ đoàn biểu tình không ưng ý. Leo lên leo xuống mãi làm ông mệt quá lầu bầu trong miệng những gì chẳng biết, rồi tháo quách luôn cả hai bảng cờ xuống cho khỏi rắc rối. Nhương thấy những lá cờ ngo ngoe còn lại đều mang màu đỏ rực như máu.

 Cách mạng chính thức tới làng Nhương bằng một buổi lễ ra mắt của Ủy Ban Hành Chính và lễ cầu hồn cho chiến sĩ và đồng bào. Ngôi nhà thờ cổ kính trong làng hôm nay rực rỡ màu cờ đỏ trông ngượng nghịu như một thiếu phụ lớn tuổi bị bắt buộc phải làm dáng. Giữa nhà thờ là một nhà mồ giả có phủ cờ đỏ sao vàng thấy cho vuông vải đen có thánh giá trắng như mọi lần. Dàn nhạc tây của làng thường chỉ chơi trong các dịp đưa đám ma hôm nay leo lên gác đàn cử nhạc hùng làm không khí trong nhà thờ chuyển động một cách bất thường. Hai bên nhà mồ có hai thiếu nữ thắt tóc bím, mặc quần tây áo sơ-mi ka-ki, đầu đội mũ ca-lô vàng, bồng hai khẩu súng săn đứng gác nghiêm trang hai bên. Một trong hai thiếu nữ đó là cô Ngân.

 Cô Ngân bị cơn lốc cách mạng cuốn theo mạnh mẽ như lá cờ đỏ hùng hổ dạt bay theo gió. Cô họp hành, công tác chẳng quản ngày đêm. Nhương chẳng biết cô làm những gì nhưng bố Nhương có vẻ khó chịu. Dù vậy ông cũng phải như mọi người, có ai nằm được ở ngoài tầm với của con bạch tuộc. Kể cả những đứa nhỏ như Nhương. Đoàn Nhi Đồng Cứu Quốc đã làm Nhương hãnh diện với bộ đồng phục áo nâu quần soọc xanh, mũ ca-lô có gắn huy hiệu cờ đỏ sao vàng. Nhương say sưa sinh hoạt, họp hành nhiều hôm quên cả về nhà ăn uống. Ngày bầu cử Quốc Hội Nhương được giao nhiệm vụ đánh trống cổ động. Chiếc trống da của trường làng lớn như bụng một chú bò mộng được khuân ra treo nơi địa điểm bỏ phiếu. Nhương cầm chiếc dùi lớn kiễng chân đập liên hồi vào cái trống treo lơ lửng ngang đầu hăng say đến nỗi chiếc dùi trống đập ngược vào mũi. Sống mũi Nhương bầm tím đau điếng. Vậy mà Nhương nhất định không bỏ dở công tác. Bố Nhương lại thêm một lần thở dài khó chịu nhưng chẳng dám nói gì.

 Lệnh tản cư được ban hành khi tình thế tại Hà Nội trở nên căng thẳng. Cả nhà sửa soạn ra đi gấp rút. Cô Ngân nhất định ở lại chiến đấu khiến bà nội Nhương khóc bù lu bù loa như nhà có người chết. Nhương cũng hăng hái đòi ở lại làm liên lạc viên nhưng bố Nhương cương quyết kéo Nhương đi. Người anh hùng tí hon đành thúc thủ.

 Gia đình Nhương lặn lội một ngày một đêm mới tới nhà một người bà con xa ở một vùng quê cách Hà Nội vài chục cây số. Những đứa trẻ quê mùa ngờ nghệch chẳng may chốc trở thành đám bạn mới của Nhương. Nhương sung sướng nhất là chẳng phải học hành gì cả, tối ngày chơi đùa thả cửa như những ngày nghỉ hè thú vị. Một buổi tối khoảng bốn tháng sau ngày tản cư, Nhương đang nằm trong chiếc ổ rơm trải sát bên vách đất thì nghe có tiếng đập cửa. Bố Nhương vội vàng tắt đèn và rón rén áp sát tai vào cửa nghe ngóng. Tiếng đập cửa nhẹ nhàng vang lên lần nữa. Bố Nhương lên tiếng hỏi. Nhương nghe thấy tiếng thì thầm trả lời. Bố Nhương vội mở hé cánh cửa cho một bà già bước vào. Bộ quần áo nâu cũ mèm bạc phếch, chiếc tay nải đeo trên vai và chiếc nón sụp xuống che khuôn mặt được bịt bằng một chiếc khăn đen che kín hai tai. Khi chiếc nón được tháo ra, chiếc khăn rơi xuống vai, Nhương la lớn :"Cô Ngân!".

 Cô Ngân ôm chầm lay Nhương. Người cô lạnh ngắt. Nhương sờ tay lên mặt cô như cố đọc lại những nét cứng cỏi thân yêu ngày trước. Cô Ngân vốn chẳng béo tốt gì nay lại còn gày sọm hẳn đi. Bố Nhương dục cô đi tắm rửa, thấy quần áo. Cô khẽ nói:

     - Hồi chiều tới đây em thấy có người để ý. Em phải đi ngay bây giờ. Ở lại đây không tiện.

 Nhương hốt hoảng:

     - Cô ở đây luôn đi!

 Cô bóp bóp cánh tay Nhương dỗ dành:

     - Vài ngày nữa cô về ở hẳn nhà nghe!

 Rồi cô kéo bố Nhương ra góc nhà. Hai người nói nhỏ với nhau những gì Nhương không nghe rõ. Nhương chỉ thấy mặt bố Nhương biến đổi lẹ làng theo câu chuyện. Hình như ông có điều gì khó nghĩ lắm. Một lúc sau cô Nhương quấn lại khăn, đội nón, đập nhẹ tay vào đầu Nhương rồi nhanh nhẹn quay mặt ra đi. Nhương vừa nhìn theo cô vừa khóc thầm trong góc ổ rơm.

 Tối hôm sau cô Ngân trở lại. Nhương vừa chạy ra thì bố Nhương đã vứt cho Nhương chiếc áo lạnh bảo mặc vào và giục mọi người nhanh chóng ra khỏi cửa. Cả nhà đi cách nhau ít bước luồn qua những ruộng ngô ruộng lúa mải miết băng đồng trở về Hà Nội. Người Nhương như tê dại khi trông thấy những tên lính Pháp ở đồn canh đầu tiên trong vùng tề. Nhương kinh sợ quá sức. Cứ tưởng như chúng sắp sửa dí súng vào đầu nhả đạn. Súng đâu mà nhiều đến thế. Khẩu lớn khẩu nhỏ nằm chĩa đầu ra lầm lì đến phát khiếp. Cô Ngân cười với tên trưởng đồn, móc từ trong cạp quần ra một mẫu giấy nho nhỏ đưa cho hắn coi. Đôi mắt xanh lè nằm trên mặt kín mít những sợi râu đỏ hoe liếc trên miếng giấy không có vẻ chăm chú lắm. Hắn chỉ tay đếm từng người, trả lại miếng giấy cho cô Ngân, bẹo má cô, đập tay vào mông một cái rồi cho đi. Nhương tức đến xanh mặt. Vậy mà cô Ngân còn cười cười giơ tay chào hắn mới dễ giận chứ.

 Thành phố Hà Nội đổ nát, hoang tàn, bốc lên một mùi hăng hăng kỳ quái. Hai bên đường phố những hàng cây bị cưa cụt ngủn chỉ còn lại thân cây cao khoảng ngang vai người lớn nằm chênh vênh ngượng nghịu. Trên mỗi thân cây bị vạt ngang là một cái đầu lâu trắng hếu nhe răng làm Nhương co rúm người lại. Phố xá vắng vẻ không có người đi. Nhà cửa chẳng còn mấy cái được nguyên vẹn. Cô Ngân đưa gia đình Nhương về một căn nhà lầu gần chợ Hôm. Bây gio Nhương mới biết là cô Ngân theo tự vệ rút khỏi Hà Nội nhưng đã nhận ra bộ mặt thật của kháng chiến nên đã quay trở lại thành phố rất sớm. Nhương thấy khó hiểu cô Ngân quá. Đánh tây rồi lại về với tây. Mãi sau này khi đã khôn lớn Nhương mới hiểu chẳng phải chỉ có một mình cô Ngân mà đã có hàng ngàn hàng vạn người phải cay đắng chọn lựa lòng vòng theo bánh xe của lịch sử như vậy.

 Cô Ngân bị bắt! Tin dữ tới như một tiếng sét đánh lầm vào gia đình Nhương. Bà nội Nhương ôm mối thương tâm mà vẫn bàng hoàng ngơ ngác như không tin vào những gì đã xảy ra. Nhương chạy ra chạy vào bắt gặp toàn nước mắt trên những khuôn mặt trĩu nặng buồn rầu. Chuyện cô Ngân bị bắt có nguyên nhân chứ không phải không. Một tên công an làm cho Phòng Nhì Pháp theo đuổi cô Ngân. Nhương đã thấy mặt hắn một lần khi đi phố với cô Ngân. Hắn đạp xe đạp theo hai cô cháu miệng nói năng những gì mà Nhương không hiểu. Cô Ngân hai ba lần quay lại yêu cầu hắn để cho cô yên mà hắn vẫn dai dẳng bám theo. Khuôn mặt tai tái, cặp mắt trắng dã, mày râu nhẵn nhụi và bộ điệu vừa xun xoe vừa đe dọa khiến Nhương ghét hắn thậm tệ. Cô Ngân thì lại càng không ưa. Nghe đâu hắn đã có vợ con rồi thì phải. Vậy mà hắn để tâm thù về ton hót trong sở làm sao mà cô Ngân đã bị chặn lại ở giữa đường và bị giải về Công An. Lúc gia đình Nhương biết tin thì cô Ngân đã bị đưa về giam ở Hỏa Lò. Tội Việt Minh.

 Lần thăm nuôi đầu tiên bà nội dắt Nhương theo. Hai bà cháu xách theo một giỏ đồ ăn lớn. Nhương cố nhấc chiếc giỏ cói lên mà đáy giỏ vẫn lết dưới đất. Không khí nhà tù nặng nề làm Nhương muốn ngộp thở. Một ông cai tù chột mắt mập mạp gọi tên bà nội Nhương. Bà nội len lén trình tờ giấy phép thăm nuôi. Ông ta liếc qua rồi hỏi với giọng nạt nộ:

     - Tù số mấy?

 Bà nội Nhương thành thật trả lời:

     - Tôi già cả đâu có nhớ được số tù của con tôi. Phiền ông coi lại trong giấy giùm.

 Tên cai tù quát lớn:

     - Già sao không biết dạy con để nó theo hoạt động cho Việt Minh! Đưa cái giỏ đây. Xong rồi. Bà về đi!

 Bà nội Nhương nghẹn ngào chắp hai tay năn nỉ:

     - Ông làm ơn làm phúc cho tôi gặp con gái tôi một tí.

 Hắn cười gằn:

     - Bà nói hay nhỉ! Ai cho bà gặp được. Con gái bà còn nguyên vẹn chứ có mất mát gì đâu mà phải coi.

 Nói xong hắn quay qua cười hô hố với may tên cai tù khác.

 Hai bà cháu lủi thủi quay ra. Một bà cũng đi thăm nuôi ghé tai bà nội nói nhỏ:

     - Con bà tù chính trị phải không? Bà ra cửa đi về phía tay phải tới góc nhà giam gọi lớn tên con gái bà là ở trong sẽ nghe và nói chuyện được.

 Bà nội Nhương cám ơn người đàn bà tốt bụng rồi vội vàng dắt Nhương đi. Tới góc nhà giam bà bảo Nhương gọi thử xem. Nhương cố lấy hết sức hét lên:

     - Cô Ngân ơi!

 Trời cuối thu, những chiếc lá vàng bay xào xạc trên con đường vắng quấn quít đôi chân Nhương đang cố kiễng cao lên cho tiếng gọi bay qua bức tượng đá đen sì lạnh lùng như một tên khổng lồ không tim. Nhương chỉ nghe thấy tiếng gọi của Nhương đập vào bức tường sừng sững cao vời vợi dội trở lại chứ không nghe thấy tiếng cô Ngân trả lời. Nhương tức mình chụm hai tay quanh miệng làm chiếc loa ra sức gọi lớn hơn nữa:

     - Cô Ngân ơi!

 Tai Nhương vểnh lên nghe ngóng. Nhương không phải chờ lâu. Tiếng cô Ngân vọng ra:

     - Cô đây. Có phải Nhương đó không?

 Nhương nhảy cẫng lên thú vị với trò chơi mới lạ:

    - Đúng Nhương đây!
    - Cháu đi với ai vậy?
    - Với bà.
    - Mẹ đấy hả?

 Nhương quay sang định dục bà trả lời nhưng thấy bà đang nức nở lấy vạt áo chùi mắt. Thường ngày giọng bà đã khao khao nhỏ nhẹ, giờ lại khóc nữa thì làm sao mà nói cho cô Ngân nghe được. Nhương kéo áo bà bảo nói đi. Bà vẫn chẳng thốt nên lời. Nhương hét lớn:

     - Bà đang khóc không nói được.

 Im lặng một lúc rồi mới nghe giọng cô Ngân rạn nứt:

     - Mẹ khỏe không?

 Bà nội gạt nước mắt trả loi:

     - Mẹ vẫn khỏe. Con có bằng yên không?

 Bà nội nói yếu xìu làm sao mà cô Ngân nghe được. Nhương lanh chanh hét lên:

     - Bà nội nói nhỏ quá cô Ngân không nghe được đâu. Bà nội khỏe.

 Tiếng cô Ngân trả lời:

     - Thôi mẹ về đi. Lần sau mẹ cho con vài chiếc khăn rửa mặt nghe.

 Bà nội cố hét to:

     - Mẹ nghe rồi. Mẹ về nghe!

 Nhương ái ngại nhìn bà nội. Hét như vậy chắc cũng chẳng tới tai cô Ngân đâu. Nó nói lớn:

     - Bà nội nghe rồi. Bà và cháu về nghe cô!

 Người bà nội rung lên theo những tiếng nấc đổ dồn xuống nhân dáng mảnh khảnh yếu đuối. Nhương chưa bao giờ thấy bà nội nhỏ bé tội nghiệp đến như vậy. Nó kéo tay bà đi:

     - Thôi về đi bà.

 - Ừ, về! Xin mấy cái khăn rửa mặt thì biết tới bao giờ mới được về.

 Nhương không hiểu bà nội nói gì.

 Hơn một năm sau cô Ngân mới được thả. Nhương thấy cô già hẳn đi sau những ngày tù tội. Tính nết cô cũng thấy đổi. Cô ít nói ít cười. Suốt ngày cô như chiếc bóng vào ra trong nhà. Bạn cô chỉ có mỗi cô Yến hay lui tới. Cô Yến là bạn cùng tù với cô Ngân và được về trước cô Ngân ít ngày. Hai cô nhỏ to với nhau trong phòng như đang toan tính chuyện gì. Chỉ hơn một tháng sau, cô Ngân theo cô Yến xuống Hải Phòng buôn bán. Bà nội Nhương lại thêm một phen nước mắt ngắn dài. Những lá thư thưa thớt, ngắn ngủn của cô Ngân gửi về sau đó chỉ như một dấu hiệu cho biết là cô vẫn còn đó chứ chẳng cho bà nội biết tình trạng bán buôn của cô ra sao. Một hôm bà nội nhận được thư của một người em họ ở dưới Hải Phòng bèn vội vàng thu xếp đi thăm cô Ngân. Nhương lại được bà nội cho đi theo. Cửa hàng của cô Ngân và cô Yến là một cửa hàng tạp hóa nhỏ chuyên bán cho lính tây. Nhương thấy ngộp thở giữa mùi mồ hôi của những thân xác cồng kềnh ra vào tấp nập. Cô Ngân và cô Yến lúc nào cũng tươi cười chào đón, bắt tay, mời mọc những khách hàng dễ sợ này. Buổi tối về nhà, bà nội và cô Ngân nói chuyện với nhau tới khuya. Nhương nằm trong màn nhìn ra thấy cô Ngân nói huyên thuyên còn bà nội cứ luôn tay gạt nước mắt.

 Sáng hôm sau hai bà cháu trở về Hà Nội. Nhương thấy bà nội buồn lắm cố gạn hỏi mà bà chẳng nói gì. Bà nội gọi bố Nhương vào phòng nói chuyện. Nhương nghe thấy tiếng bố Nhương la lối um sùm xen lẫn với tiếng nói lạc giọng đẫm nước mắt của bà nội. Bố Nhương trở ra nói lớn:

     - Họ nhà ta không có ai lấy tây như nó. Tôi từ nó!

 Nhương điếng người. Tại sao cô Ngân lại có thể lấy một tên trong cái đám lính tây cồng kềnh hôi chua mà Nhương đã thấy trong cửa hàng của cô. Nhương ghét cô Ngân. Từ đó trong nhà chẳng có ai nhắc đến cô Ngân nữa. Bà nội rũ người trong những tiếng thở ngắn thở dài.

 Hà Nội lên cơn sốt từ ngày Điện Biên Phủ thất thủ và hội nghị Genève đang đi đến những giờ quyết định. Các nhà có máu mặt lo giữ sẵn chỗ trên máy bay để chạy vào Nam. Bố Nhương làm cho nhà binh Pháp nên cũng đã lo xong chỗ cho gia đình trên các chuyến bay quân sự đang tấp nập di tản nhân viên vào Nam. Một ngày cuối tháng bảy, Nhương từ giã bạn bè rời bỏ Hà Nội với nỗi bồi hồi khó tả. Bố Nhương thu xếp chỗ ở tại Saigon cho gia đình xong rồi trở lại Hà Nội tiếp tục làm việc cho tới ngày tiếp thu. Cô Ngân cũng đã có mặt tại Saigon dò la biết được địa chỉ của gia đình Nhương và biết bố Nhương vẫn còn ở Hà Nội. Cô bồng theo đứa con hai tuổi tìm đến nhà. Bà nội Nhương đứng ngây dại nhìn cô không nói được gì. Nhương chăm chú nhìn đứa em xa lạ thấy có điều ngộ nghĩnh tức cười. Khuôn mặt lai rõ ràng với mái tóc mềm mại cong cong như sóng lượn mà lại mang đậm nét cứng cỏi vuông vức của cô Ngân. Làn da tuy mịn màng nhưng vẫn không thoát được cái màu xam xám mốc thếch của mẹ. Cô Ngân khóc với bà nội và mẹ Nhương chào từ biệt lên đường về Pháp. Cô quì xuống lạy sống bà nội khiến bà nội luống cuống đỡ cô dạy rồi hai mẹ con ôm nhau khóc nức nở.

 Gần hai chục năm trôi qua gia đình Nhương không nhận được một chữ nào của cô Ngân. Bà nội Nhương vò chặt nỗi nhớ thương trong lòng cho tới ngày buông xuôi hai tay trở về với cỏ cây đúng mười lăm năm sau ngày cô Ngân qua Pháp. Những tin tức về cô Ngân được mấy cô bạn của cô thì thào với bà nội trong những lần đến chơi hiếm hoi mỗi dịp tết nhất. Cô Ngân không ở Pháp mà ở tuốt tận đảo Corse. Trên hòn đảo cô đơn xa xôi này cô đã cho ra đời liên tiếp đến sáu đứa con nữa khiến mấy bà hàng xóm đều lắc đầu lè lưỡi cho sự can đảm của người đàn bà Việt Nam. Và, như một người đàn bà Việt Nam gương mẫu, cô gánh vác giang sơn nhà chồng gồm nhiều ruộng vườn nằm rải rác trên những ven đồi gập ghềnh khúc khuỷu và nuôi dạy cẩn thận đám con đông đảo lóc nhóc.

 Lá thư của cô Ngân gửi cho bố Nhương sáu tháng sau ngày Saigon rơi vào tay Cộng Sản làm bố Nhương khó nghĩ. Cô than thở về nỗi vô phúc không có mặt trong giờ phút lâm chung của mẹ, cô giãi bày niềm nhớ thương gia đình đất nước, cô xót xa cho số phận của những người thân, cô xin bố Nhương tha thứ và cho phép cô được thư từ liên lạc với gia đình. Bố Nhương bảo Nhương viết thư trả lời. Nỗi vui mừng của cô Ngân tràn lan trong những lá thư kế tiếp. Cô như chiếc lá quay cuồng trong cơn bão táp bỗng thấy được trở về nằm gọn gàng trong nguồn cội thân thuộc.

 Lá thư Nhương báo tin cho cô Ngân biết là Nhương đã tới được Hoa Kỳ gửi đi chưa được một tuần thì Nhương nhận được điện thoại của cô Ngân vào lúc hai giờ sáng. Mắt nhắm mắt mở, Nhương nghe bên kia đầu dây giọng hỏi nghe lạ hoắc:

     - Cháu Nhương đấy phải không?

 Nhương vội trả lời cầm chừng:

     - Dạ Nhương đây.

 Tiếng nói như òa lên nỗi vui:

     - Cô Ngân đây. Ba chục năm nay mới nghe được tiếng nói của cháu.

 Nhương cuống quít nói:

     - Trời ơi, cô Ngân đấy hả?

 Tiếng cô Ngân khóc rưng rức trong điện thoại làm Nhương ngơ ngẩn cảm động áp sát máy vào tai. Phải mất cả phút sau cô mới lắp bắp chữ được chữ mất:

     - Cô nhớ...bà quá! Cô...nhớ...gia đình quá! Cô...không nói...tiếp được!

 Tiếng cúp máy bên đầu dây kia nghe rõ mồn một mà Nhương vẫn cứ áp máy vào tai. Hình như tiếng khóc vẫn còn lùng bùng trong đầu Nhương. Anh gác máy như người vô hồn.

 Những lá thư trao đổi sau đó đã cho Nhương biết được cuộc sống của cô nơi xứ lạ. Các con cô đều học giỏi, bốn đứa đầu đã xong Đại Học. Thằng bé đầu lòng mà Nhương gặp hồi mới vào Saigon nay đã là một bác sĩ có phòng mạch, đứa con gái kế sanh ngày cô mới về Corse nay là dược sĩ điều khiển một tiệm thuốc tây rất đông khách. Hai đứa kế đều là kỹ sư có công ăn việc làm khá. Mấy đứa sau còn học Trung học. Cô bảo là gia đình chồng và hàng xóm quen biết đều rất quí cô và đều ngạc nhiên với sự chăm sóc chu đáo bầy con đông đảo tới những thành công hiếm có như vậy tại một thị trấn nhỏ bé trên một hòn đảo xa xôi. Thực ra cô thấy những việc cô làm cho gia đình chẳng có gì là ghê gớm cả, cô chỉ bắt chước đúng cuộc sống của bà nội: quên mình hy sinh cho chồng con. Cô đã viết cho Nhương như vậy trong bức thư cô gửi vào dịp tết Nguyên đán, ngày mà cô chỉ có thể âm thầm tưởng nhớ mỗi năm bằng những giọt nước mắt không bao giờ cạn.

 Hình ảnh những ngày cũ trên quê hương luôn luôn dằn vặt cô nhưng cô chẳng biết chia xẻ cùng ai. Những lúc nhớ nhà, nhớ quê hương quá, cô thường mở mấy tấm ảnh cũ ra coi cho nhẹ bớt những muộn phiền trong lòng. Cô đã gửi cho Nhương một trong những tấm ảnh cũ đó. Bức hình đen nhỏ xíu chỉ vừa bằng đốt ngón tay cái do ông chú "văn minh" ngày xưa chụp. Hình chụp Nhương đầu trọc lốc, mặc độc có một chiếc quần đùi, đang chèo chiếc thuyền thúng nhỏ xíu trên mặt ao nơi quê cũ. Nhương như thấy lại cả thời thơ ấu xưa, những lần hai cô cháu lênh đênh trên thuyền, những nhát chèo vụng về bứt từng ngọn cỏ bập bềnh trên mặt nước. Và Nhương thẩn thơ nghĩ tới cuộc đời của cô Ngân. Cô như một nhánh cỏ nơi quê cũ chỉ biết cúi rạp mình nương theo những cơn gió phũ phàng và nhánh cỏ đó đã bị bứt lìa ra khỏi gốc trôi dạt tới những bến bờ thăm thẳm mù khơi.

 Nhương nhìn tấm hình cô Ngân mới chụp ngày sinh nhật bảy mươi tuổi và thấy hết cái vẻ bình thường trong nụ cười cam chịu của cô. Nhương thấy cuộc đời cô là một cuộc đời vô cùng bình thường. Một nhan sắc bình thường, một cuộc sống quá bình thường thả trôi theo vận nước, những niềm vui bình thường hiếm hoi và một cái chết cũng rất mực bình thường. Ngày nay được tin một người nằm xuống thì người ta nghĩ ngay tới bệnh ung thư. Nếu thấy không phải chết vì ung thư người ta sẽ nhướng mắt tỏ vẻ ngạc nhiên. Ung thư là một căn bệnh rất bình thường. Cô Ngân lìa đời vì bệnh ung thư phổi.