main billboard



Chỗ đất đó người ta tính xây một nhà bảo tàng truyền thống. Trước khi xây, cỏ chỉ với cỏ ống kéo lại mọc cho xanh chơi.

coxanh1
Chỗ đất đó người ta tính xây một nhà bảo tàng truyền thống. Trước khi xây, cỏ chỉ với cỏ ống kéo lại mọc cho xanh chơi.

Đám thanh niên thành thị đang thèm một khoảng đất, khoảng trời để chạy cho sướng cái chân mừng rỡ vẹt một khoảng để đá banh. Cỏ ở đó vàng và lùn lụn dưới mấy chục đôi chân chiều nào cũng quần nhau hùng hục. Mà chếch về một phía, cỏ vẫn xanh um tùm.

Thành ra cánh công an phường nghĩ ra một chuyện để làm. Ai bị phạt lao động công ích trong tuần cứ chiều thứ bảy kéo ra đây hết để mần cỏ. Trong đám đó, ăn cắp vặt có, đánh lộn có, say rượu có, cờ bạc có... Con Miên gánh một tội: Say rượu đánh người gây thương tích - bà chủ nhà Miên thuê. Lẽ ra thì không đến nỗi nào, nhưng lúc nó say rồi sao tự nhiên nó muốn đánh bà ta quá, muốn quá. Mà hễ người ta say thì kinh lắm, muốn là làm.

Miên là đối tượng quen mặt của cánh công an phường. Quen quá rồi, nói con Miên hẻm Tư Cụt ai cũng biết tiếng. Nó đi làm cỏ lần này nữa là lần thứ tư, có giáo dục gì thì cũng như nước đổ lá khoai, nó nói: “Tui hư rồi, mấy ông nói cũng như không”. Không vui không buồn, nó là một con bé lạ lùng, lì lì như cục đá. Làm cỏ lần nào tay dao cũng phơn phớt trên đầu ngọn cỏ, đám kia ngó qua kêu: “Mấy trự công an ơi! Con Miên mần cà chớn quá, sao mấy ông không giỏi phạt nó đi”. Miên có lý lẽ của nó: “Mần chi cho kỹ, mơi mốt tui ra làm nữa”.

Mấy ông công an nhân đạo hết mình, làm cỏ lựa lúc chiều. Trời thanh thao dịu mát. Nên có cảnh ngộ, ngồi bên này ngó qua, cách chừng chục mét, đám thanh niên con trai đá bóng đang hào hển nói cười. Này sức trai, này niềm vui được tung hoành cùng trái bóng, này cát tung mù mịt, này ngọn cỏ bị sút bay bổng lên chơi vơi... Tựa như họ có thể bay lên để cuốn mây trời. Bên này, đám làm cỏ thì gục mặt, nặng như chì, vừa làm vừa ngó chừng gầm ghè nhau. Thi thoảng cũng có người dừng xe lại ngó coi, rồi đi, chắc không thấy có gì vui cũng buồn tình. Đám đá banh cũng táo tợn lắm, vừa đá vừa chọc ghẹo văng vẳng: “Em ơi có cần anh làm tiếp không? Trời ơi, con gái mà bắt làm cỏ, tội nghiệp quá”. Miên không ngó qua, lầm bầm, “chị hai mày không cần”.

Lần này không khác lần trước bao nhiêu. Miên nhớ được vài khuôn mặt mình đã gặp trong những chiều chủ nhật trước. Một gã chuyên chui xuống gầm cầu đá gà, một bà thích ăn chua kêu con đi bẻ trộm me của nhà người ta... Nó không để tâm chú ý lắm. ở cái hoàn cảnh như nó đâu thể cười cợt người ta. Chợt trong tầm mắt, nó thấy một đôi chân đen giấu trong hai chiếc giày đầy cát. Một đôi chân con trai lông lá u sù, dài lẵng ngoẵng.

- Bé Hai!

Miên giật mình ngước lên:

- Gì?

- Bé Hai phải không? Anh Kiên nè - Tên chân dài tỏ vẻ mừng rỡ.

Con Miên gục mặt xuống. Nó lia một dao thiếu điều xén lông chân anh chàng kia.

- Khùng!

Ông công an Một lên tiếng (ông này chuyên theo giữ chằm chằm con Miên):

- Chuyện gì vậy chú nhỏ?

- Dạ, người quen.

- Quen sao?

- Thân lắm, hồi nhỏ tụi em ở sát bên nhà. Nó sao bị bắt phạt vậy anh?

- Đánh lộn.

- Trời, hồi nhỏ nó hiền lắm. Em bắt thằn lằn nhát, nó còn khóc, kiến hôi đái vô mắt, xót gần chết nó còn không giết, sao giờ kỳ vậy?

- Hỏi nó. Nó là bà chằn của phường này đó. Mà thôi, qua bển đá banh đi.

Ông Một nện giày. Anh chàng nọ vờ như ngẩn ngơ ra. Có thật là anh chàng nhìn con Miên mà ra bé Hai nào đó không? Sao mà cái mặt anh ta thẫn thờ một cách chí tình chí nghĩa như vậy? Miên này quả tình có giống Bé Hai không? Nó không sợ thằn lằn. Căn nhà nó mướn, thằn lằn chạy ì ầm suốt đêm, ỉa bậy trên nóc mùng, nó đâu có sợ. Lâu rồi, nó không biết sợ cái gì hết, chỉ có gỗ đá mới không biết sợ như thế. Đôi lúc, nó tưởng mình không phải là người.

- Tui không phải bé Hai.

Miên lên tiếng, nó nghe có tiếng cười từ phía đá banh. Có vẻ như một trò đùa nào đó. anh chàng kia nhíu mày, chàng ta nhìn nó chằm chằm như cố trông chờ Miên ngẩng lên.

- Tôi xin lỗi. Không hiểu sao thấy em tôi nhớ Bé Hai quá trời, Bé Hai đó, giống em thì thôi đi chớ. Nó khác là nó giang nắng đen thui hà. Nội của Bé Hai hiền lắm, tôi kêu bằng nội. Hai đứa tôi chơi thân với nhau lắm.

Một người ngồi kế bên hỏi:

- Bây giờ nó đâu?

- Không biết. Hồi đó nhà em dọn ra đây cho ba em tiện đi làm. Lâu quá không gặp. Hồi mới chuyển đi, em nhớ Bé Hai quá trời.

- Nhớ sao không về thăm?

- Mới mười hai tuổi, không dám đi một mình. Ra chợ, má em lo gầy dựng buôn bán, thời gian đâu mà dẫn tôi đi. Rồi sao đó em có bạn mới, em... quên.

Đám mần cỏ cười khì khì: “Vậy là chú mày phụ bạc con nhỏ đó rồi”. Ông công an Hai tốt giọng nhất la: “Thôi làm đi, chuyện của người ta. Cỏ còn muôn trùng kìa”. Cỏ vẫn còn muôn trùng. Lần sau làm Miên lại thấy cỏ mọc xanh hơn lần trước, mơn mởn và tươi non. Sao lạ vậy không biết? Miên cầm cây dao cùn phạt tới. Anh chàng vẫn chưa đi. Đám đá banh í ới: “Sứa lửa đó nghen mậy, coi chừng chết nghen!”. Anh chàng chân dài cười hơn hớn, vẫy tay: “Em tao. Mà bên tao thua mấy trái rồi?”, “Bốn trái”." ừ chút tao về phục thù”. Anh chàng bắt đầu ngồi bẹp xuống cỏ duỗi phẳng chân, cách Miên chừng năm mét.

- Trời ơi coi kỹ lại sao mà em giống Bé Hai vậy không biết? Cái gì cũng giống. Cặp mắt nè, cái miệng cá sặc nè...

Miên im lặng. Nó không tỏ vẻ chú tâm nghe.

- Anh còn nhớ, Bé Hai giống mẹ ghê lắm. Mẹ Bé Hai vừa cao vừa đẹp, cha em cũng đẹp nhưng lùn lùn. Lần nào đi biển về ba cũng cõng em đi vòng xóm, chân em thòng tới đầu gối ba nó vầy nè. Mà em thích ăn bánh chuối chiên không? Không hả? Hồi đó Bé Hai khoái bánh chuối chiên, mẹ nó chiên hoài, lúc anh đi, mẹ nó có bầu em bé, chắc em nó cũng y hệt nó, thấy cưng như nó vậy.

Anh chàng bắt đầu lộ vẻ suy tư, nhớ nhung ghê lắm. Ông công an Bốn bật cười:

- Rồi bây giờ cậu ngồi thù lù ở đây nói chuyện đó làm gì?

- Dạ - Hắn băn khoăn - Em nghi quá hà. Có khi nào cô này chính là Bé Hai của em hồi xưa không? Có khi nào cổ thấy mặc cảm với em rồi cổ không nhận không?

Mấy ông công an cười, cái thằng quỷ này nói chuyện giống tiểu thuyết quá đi. Có khi nào, có khi nào không? Miên đứng hẳn dậy, buông dao:

- Tui không phải là Bé Hai.

Giọng của nó không hẳn tức tưởi nhưng nghe cái âm sắc rất đỗi uất ức, nghẹn ngào. Như thể anh chàng kia đã đánh nó, đánh đau lắm, làm thức dậy một cái gì đó ngủ yên và chìm lặng.

- Không phải thì thôi, làm gì mà dữ vậy?

Ông công an Bốn nạt. Anh chàng nọ vẫn mỉm cười một cách độ lượng và hồn nhiên. Và tự tin, lì lợm tiếp tục câu chuyện lãng xẹt của mình.

- Nghe nói em đánh lộn hả, gan vậy?

Một bà chen ngang, giọng chua, xoen xoét:

- Đánh trúng chớ đánh lộn gì. Bà chủ nhà nó mướn mà còn dám đánh, nó không sợ ra dạ cầu ở.

- Con gái đừng đánh lộn xấu lắm, lớn rồi. Có chồng được rồi...

Miên ngẩng lên, đôi mắt nó đẹp nhưng đầy nước và lửa (làm sao hai thứ ấy lại ở chung nhau một đôi mắt được ta?).

- Khùng! Biết gì mà dạy chị Hai?

Không ai biết gì. Lúc người trong hẻm chạy túa ra coi đánh nhau thì nó đang xâu đầu người đàn bà đó, đánh lấy đánh để, đánh như hả hê, hai con mắt tối sập, mùi rượu trong người phả ra hôi hổi.

Thì đâu có ai biết gì. Nó đến sống trong con hẻm này đã ba năm. Hỏi cha mẹ, nó lắc đầu, tui từ đất nẻ chui lên. Hỏi sống bằng gì, nó tỏ ra không muốn trả lời. Cuối cùng trong xóm biết được nó bán bia trong quán “Mây Sầu”, một bà nói: “Hèn chi nó đi đêm ngủ ngày, miệng toàn mùi bia”. Một bà chêm vô: “Nó son phấn rẻ tiền phát ớn”, bà khác giật mình: “Không biết hồi hôm ông chồng mình đi nhậu có ôm nó, mằn nó không ha?”. Tất nhiên là đám đàn bà không thích nó lắm. Đám đàn ông đi qua cửa hay vân vê cọng râu cằm. Nó sống như ông trời bắt sống. Người ta hơi đâu quan tâm những điều khác nữa. Thì đâu có ai biết gì. Anh chàng đó có tài cán gì mà đòi dạy người ta?

- Em đừng giận. Thiệt tình anh thương em như Bé Hai của anh vậy. Nhớ hồi đó anh với Bé Hai rủ nhau đi kéo tép, bị ong nghệ đánh quá trời, ong bu vàng đầu Bé Hai, anh nắm đầu em dìm xuống nước. Chạy được rồi anh bẻ cọng môn ngứa châm vô đầu em lấy nọc, tổng cộng là hai mươi tám vít. Sao hồi đó em ngộ vậy, không khóc gì hết, còn phải dỗ anh, vì thương em mà anh khóc nghe hụ hụ - Anh chàng lại nói - Tiếng chặt cỏ lịch bịch đều đặn. Miên có vẻ nặng nhọc tay dao. Trên thái dương nó mồ hôi rịn ra giọt giọt.

- Thôi anh đi đá banh nghen. Cha, thua quá trời, không biết gỡ kịp chiều nay không nữa? Nếu em chịu là Bé Hai, cứ lại kiếm anh, anh làm việc ở công ty XYZ , hỏi thằng Kiên “tía lia” ai cũng biết, nghen.
Anh ta đứng lên, phủi phủi cái quần, bay ra một dụm cát.

- Bé Hai à, thôi đừng ra đây làm cỏ nữa nghen, em coi, cỏ nó bị chặt rồi mà bữa nay tốt thấy đẹp luôn, cỏ còn muốn sống đẹp hơn, tốt hơn nữa, huống chi mình... Ráng nghe cưng...

Anh ta tỏ ra là người biết nói chuyện văn chương, ví von thanh cao. Tuy nhiên, đến lúc đó, anh ta phải đi rồi. Đi qua bên kia đá banh. Miên không nói gì, cúi đầu rất thấp. Cái bà có giọng chua ngoét kế bên bỗng thốt lên: “Ui chao!”. Bà ta là người đầu tiên thấy con nhỏ Miên rơi nước mắt. Thì ra nước mắt của nó cũng trong vắt y hệt như nước mắt người khác nhưng quả thật chưa ai thấy một đứa con gái lì lợm, hư hỏng như nó khóc bao giờ. Mà, sao nó khóc vậy? Ai làm gì mà khóc? Cánh công an, cánh làm cỏ bối rối nhìn nhau chia sẻ một cái nhìn thương xót. Ngộ vậy đó, đàng hoàng hay không đàng hoàng người ta cũng biết thương nhau. Một ông thẫn thờ buột miệng: “Trời trời!”.

Tới bây giờ người ta cũng không hiểu ra làm sao hết. Có người đoán con Miên chính là Bé Hai thiệt, có người nói nó không phải là Bé Hai nhưng những gì thằng kia nói ra làm cho nó tủi thân. Bởi vì tất cả những điều đó nó không có. Nhưng cuối cùng thì cái thằng đó đúng là nhìn ra người quen không hay là chỉ chọc ghẹo cho vui. Bà chua giọng định một ngày nào đó hỏi cho kỹ, nhưng một sáng ra, người ta ơ hơ biết con Miên dọn đi rồi.

Thì thôi.