Người đàn ông đang đi tới và đứng vào vành móng ngựa chính là người tôi gặp trên xe...
Lần gặp gỡ đầu tiên với ông để lại trong tôi nhiều ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh tiêu biểu của người trí thức. Ông và tôi cùng chung một chuyến xe từ Đà Nẳng về Nha Trang. Trong khi còn đứng ở bến xe, tôi đã thoáng thấy mấy bóng hồng. Tôi hy vọng lúc lên xe được ngồi cạnh một cô gái đẹp, vui biết mấy, có thể đây là cơ hội làm quen, hay ít ra chuyện trò cũng bớt nhọc nhằn đường xa và thời gian chờ đợi kéo dài lê thê đếm những cột cây số bên đường. Thế nhưng số phận chẳng chìu đãi tôi. Lên xe tôi ngồi cạnh người đàn ông, còn ông ngồi cạnh cô gái. Tôi cho tất cả là số phận.
Ba chúng tôi ngồi chung một hàng ghế, cả ba đều rụt rè, xe chạy hồi lâu không ai nói với ai một lời nào, chẳng bù cho mấy hàng ghế khác đã râm rang chuyện trò từ lâu. Năm đó tôi hai mươi bốn tuổi, vừa tốt nghiệp đại học luật khoa, lại trúng tuyển kì thi tuyển thẩm phán xử án , một kỳ thi rất khó, ngàn người chỉ chọn năm sáu. Chuyến đi này là mở màn cho cuộc đời công chức lâu dài của tôi. Tôi đến Nha Trang làm ông quan toà xử án.
Mới rời ghế nhà trường, trong tôi còn đầy ắp không khí và kỉ niệm của trường đại học. Nhất là những vị giáo sư khả kính đã lưu lại cho tôi hình tượng cao quí về giới trí thức. Giờ đây tôi cũng tự xếp mình vào hàng ngũ của họ, thực là vinh dự. Trí thức có chỗ đứng riêng của mình, họ cao hơn bọn nhà giàu, bọn chức tước cao bằng cấp thấp. Tôi còn nhớ những chiều ngồi ở đại giảng đường thả hồn mơ mộng về cõi tương lai. Tôi nhìn lên bục giảng, hình ảnh vị giáo sư đáng kính, với mái tóc đen bóng chải lật ngược ra sau, kính trắng gọng vàng, mang giày da bóng lộn đế đóng cá sắt, bước những bước lộp cộp oai vệ đầy tự tin. Tôi mơ sau này tôi cũng được như thế. Khi ra trường đã có công danh, tôi cũng ăn mặc như thế, mái tóc kiểu ấy, đi giày da đánh xi bóng lộn đế đóng cá sắt, bước những bước chân oai vệ tự tin…Tuy tôi chưa già giặn, uyên bác bằng họ thì ít nữa tôi cũng bắt chước cho được cái vẻ bề ngoài thượng lưu cao quí như họ.
Người đàn ông ngồi cạnh tôi có dáng dấp một vị giáo sư đại học. Tôi tự an ủi, dù không được kề cận cô gái, được ngồi gần vị này cũng còn hơn nhiều lần đi đường xa khác phải ngồi với mấy bà già, ăn trầu nhổ đầy, những ông lão hút thuốc rê, sặc mùi rượu trắng cọng với mùi thuốc rê nồng nặc, mấy người phụ nữ nói chuyện huyên thuyên, tới đâu cũng ăn hàng, thực là bực. Từ khi lên xe ông ta ngồi yên. Hình như ông cũng khó chịu về sự chật chội. Cuối cùng cô gái phá tan sự im lặng:
- Tôi có thể khép bớt cửa lại được không?
- Chị cứ tự nhiên.
Đã có người mở lời, người trả lời, tới phiên tôi hỏi:
- Thưa ông về Nha Trang?
- Vâng
- Tôi về Nha Trang. Chắc cô đây cũng về Nha Trang?
- Vâng.
Bây giờ không khí giữa chúng tôi cởi mở hơn. Ông hỏi tôi đi Nha Trang có việc gì ? Tôi nói vừa tốt nghiệp đại học về Nha Trang nhận nhiệm sở mới, tôi giấu biệt việc làm ông quan toà, nói chắc không ai tin , bởi trông tôi non nớt quá. Ông nhìn kĩ tôi, khen, thanh niên thời nay giỏi, lúc đầu tôi tưởng cậu chỉ vừa đổ tú tài toàn. Tôi hỏi ông về Nha Trang có việc gì ? Ông đáp về tham dự một cuộc hội thảo quốc tế lớn. Tôi hỏi về cuộc hội thảo, ông nói :” Đây là một cuộc gặp mặt quan trọng giữa những người làm công tác triết học của những đại học danh tiếng và những triết gia, tổ chức tại đại học duyên hải Nha Trang”
Tôi nghe với tất cả sự ngưỡng mộ. Để tỏ ra mình cũng thuộc hàng ngủ trí thức, tôi hỏi đề tài mà ông chọn để thuyết trình? Ông nói không thể dùng một vài từ ngữ để mô tả một công trình triết học. Rồi ông làm như khó khăn lắm nhưng vẫn không tìm ra từ ngữ tiếng Việt, cuối cùng ông thốt ra một tràng tiếng Pháp. Sinh viên thời ấy ngoại ngữ Anh Pháp đã khá, song tôi nghe ông nói như vịt nghe sấm.
Thái độ ôn tồn, nói năng từ tốn, phong cách thanh tao đĩnh đạt của người đàn ông cũng đã làm cho cô gái cảm phục. Cô nhìn ông với tất cả sự cảm mến và sau đó cô hỏi ông nhiều thứ. Thật khác với mấy người đàn ông khác mỗi khi gặp gái đẹp thì xun xoe săn đón, còn ông thì lúc nào cũng vừa phải, không làm bộ làm tịch, lịch sự và niềm nỡ một cách có chừng mực. Tôi để ý thấy thường thường những người đàn ông có tuổi, họ nhiều ưu thế đối với phụ nữ. Đám thanh niên chỉ được cái tốt mã, nhưng hời hợt, trẻ con. Bởi thế mà chẳng trách một số cô gái nhỏ tuổi đi tìm đến những người đàn ông lớn tuổi hơn nhiều. Tôi mà là cô gái này tôi cũng chọn ông hơn là chọn tôi.
Xe ghé lại Quảng Ngãi nghỉ trưa và ăn. Cô gái và tôi mời ông vào quán, ông nhã nhặn từ chối. Tôi nghĩ người cao quí như ông khó lòng chịu đựng được cảnh ồn ào phức tạp xô bồ trong cái quán ăn bình dân nơi bến xe này. Vào quán, cô gái và tôi ngồi chung bàn. Đề tài của chúng tôi đem ra nói trong khi ăn vẫn là ông. Cô gái đề nghị mua một ít trái cây tặng ông. Tôi tán thành ngay, cả hai chỉ sợ ông không nhận. Không như chúng tôi nghĩ, ông nhận trái cây và ăn ngon lành ngay trên xe. Tôi ngầm quan sát thấy tất cả trên người ông đều cũ kĩ song lại được giữ gìn tươm tất. Tôi nghĩ, đã là trí thức chân chính đâu cần sang trọng, diêm dúa phù hoa. Cô gái, với bản tính tò mò của một phụ nữ, cô hỏi về gia đình. Ông nói:
- Người làm công tác nghiên cứu, bận rộn và lại rất nghèo, nên ai cũng ngại chuyện lập gia đình. Tôi cũng thế, chưa vợ con…
Cô gái và tôi đều tin, người như ông không thể nói láo.
Chiều lại, xe tới bến Nha Trang. Chúng tôi quyến luyến từ giã nhau. Mấy ngày sau hình ảnh cô gái và người đàn ông trí thức cao quí vẫn còn đeo đẳng tôi. Sáng thứ hai tôi ngồi toà. Hôm đó là một phiên toà tiểu hình, xử những việc hình sự nhỏ, phòng xử án chỉ có vài chục người, vừa đương sự, vừa nhân chứng, thân nhân... Người thừa phát lại (thư kí toà án) hô to
- Đỗ Kim Bảng!
Cuối phòng có tiếng đáp rụt rè:
- Có tôi.
Tôi kinh ngạc, chắc chắn tôi không lầm. Người đàn ông đang đi tới và đứng vào vành móng ngựa chính là người tôi gặp trên xe. Ông cúi gầm mặt, nhờ thế ông không nhận ra tôi. Mà dù ông có ngước nhìn lên, chưa chắc ông đã nhận ra tôi, vì sự việc thật quá bất ngờ, ai mà tin được cậu thanh niên gặp trên xe ngồi ghế chánh án, đang nắm vận mệnh ông? Tôi hỏi lí lịch xong thì nói cái câu cố hữu của mọi ông toà là:
- Ông bị cáo tội “công xúc tu sĩ” (làm nhục người khác). Tội được dự liệu và trừng phạt tại điều…bộ luật Hoàng Việt Trung kỳ Hình luật. Ông có nhận tội hay không?
Ông vẫn cúi mặt, nói nho nhỏ, nhưng cũng đủ nghe:
- Không, hôm đó trong rạp hát đầy bóng tối, tôi tưởng người đàn bà đó là…
Ông dừng lại rất lâu để tìm chữ. Ông chưa biết dùng từ ngữ nào, một con đĩ, người bán dâm, kẻ bán phấn buôn hương, gái ăn sương…Cuối cùng ông nói:
- Một người phụ nữ dễ dãi…
Sau đó ông thấy mấy chữ này có vẻ nhẹ quá, nó không nói rõ tính chất nghề nghiệp người ấy, ông nói:
- Một phụ nữ công cọng.
Sợ toà không rõ ông nói:“ C’est une fille publique!”
Tôi cho gọi nguyên cáo lên:
- Lê Thị Phấn !
- Dạ có tui !
Từ hàng ghế đầu một người đàn bà không còn trẻ đứng lên. Mụ ta khoảng bốn mấy năm mươi, nhan sắc, mặc dù đã được nhiều son phấn vẫn không níu kéo lại được tuổi xuân đã qua lâu. Cách ăn mặc, son phấn, nước hoa rẻ tiền, thêm cách nói năng, làm cho mọi người tham dự phiên toà này nghi ngờ tư cách mụ ta. Mụ ta khua đôi guốc lóc cóc bước tới. Không đợi hỏi, mụ ta chỉ mặt ông xẳng giọng:
- Quí toà đừng có tin cái thằng cha mắc dịch này! Tui là người đàn hoàng, có chồng, có con, có nghề nghiệp, có nhà cửa... Tui có làm chuyện gì bậy bạ đâu mà lão ta kêu tui, bằng con này con nọ, lại còn bày đặt nói tiếng Tây tiếng u.
Tôi hỏi:
- Hôm đó thế nào? Kể rành mạch cho toà nghe đi.
- Bữa đó tui tới rạp coi hát, nghe có gánh cải lương Saigon ra, ai ngờ không có, chiếu phim, đã đến rạp mua vé rồi, tui vô ngồi coi phim. Phim dở ẹc, tốn tiền lãng xẹt, còn bị thằng cha này bốc hốt !
Tôi hỏi giả vờ không biết hỏi:
- “Bốc hốt” là sao?
- Tui vô rạp trước, phim chiếu được chừng năm phút thì thằng cha này vô. Phim dở, rạp rất vắng người, mấy hàng ghế chung quanh chẳng có ai ngồi. Thế mà lão này ngồi đại lên đùi tui!
Tôi nói:
- Ông ta từ sáng vào chỗ tối, không thấy đường ngồi nhầm
Mụ ta cãi:
- Còn nhiều cái nữa chớ. Lão ta coi phim mà chẳng chịu ngó lên màn ảnh, ngồi không yên, cựa quậy bên này bên kia, ngó chầm chầm vô mặt tui. Tui đặt tay lên thành ghế, lão cũng để theo…
Tôi nói:
- Hai người đặt tay chung lên thành ghế, có sao đâu?
- Đâu có phải chỉ chừng đó. Rồi lão đặt tay lên đùi tui !
Trong phòng xử án có vài tiếng cười. Tôi ra lệnh yên lặng. Mụ ta kể tiếp:
- Lúc đầu tui cũng tưởng lão vô tình, ai ngờ lão thấy tui không nói, lão làm tới. Tui véo tay lão mấy cái đau điếng mà lão không chừa.
Tôi hỏi:
- Chị không nói gì sao?
- Có, tui nói, để yên cho người ta coi phim. Lão nói:” Em Hai cho anh cưng một cái !”
Cả phòng xử cười oà. Tôi hỏi:
- Rồi sao nữa?
- Rồi lão bóp vú tui ! Tui la làng, đèn bật sáng. Tui nắm tay lão cứng ngắc. Lão vùng vẫy hung lắm, nhưng đâu có thoát. Bảo vệ rạp tới khám trong người lão không thấy một xu. Đàn ông gì, ngó bộ dạng sang trọng mà trong người không có một đồng xu teng, cũng đòi này nọ!
Mấy ngày sau tôi lại về Đà Nẳng thăm nhà, và trên xe không hẹn mà gặp lại cô gái. Lần này chúng tôi vồn vã ngay từ đầu. Cô ấy hỏi tôi nhiều điều về Nha Trang, tôi ừ hử cho qua chuyện. Sau kỉ niệm ê chề về người đàn ông mà tôi đã từng ngưỡng mộ kia, tôi chẳng còn muốn ra đường. Tôi giận ông, tôi giận tôi, tôi giận tất cả những người như ông đã để cho con quỉ trong người nó ám, đã đập vỡ hình tượng tốt đẹp về người trí thức trong tôi. Tôi nghĩ, trong cuộc sống ai cũng có lần bị quỉ ám, phải cố gắng mà vượt qua, nếu không thì thân bại danh liệt, không còn chút giá trị và cũng chẳng nên sống trên đời nữa. Tôi suy nghĩ như thế và tôi xưa nay vẫn mang tính cố chấp, cái gì của mình cũng hay cũng đúng. Người như ông theo tôi là người vất đi!
Cô gái hỏi chuyện về người đàn ông trên xe. Lúc đầu tôi tính nói thật mọi chuyện cho cô gái nghe. Sau tôi thấy mình không có quyền làm cho cô gái, người đã đặt trọn niềm tin và cảm tình vào ông phải thất vọng. Cô gái đòi tôi kể về cuộc hội ngộ giữa tôi và ông. Tôi hư cấu ra câu chuyện :
- Ngày hôm sau tôi tình cờ gặp lại người đàn ông. Ông đang thả bộ trên phố, tay ôm chồng sách triết học cao nghệu. Ông nhận ra tôi ngay, ông vui lắm, ông có hỏi về cô, ông nhận xét cô là một cô gái trẻ đẹp thông minh và có cá tính…
Cô gái tỏ ra rất cảm động. Tôi tiếp:
- Thật vinh hạnh cho tôi, tôi được ông tặng giấy mời tham dự. Cuộc hội thảo kéo dài ba ngày. Thành viên đều là những giáo sư triết học, những triết gia tên tuổi. Mỗi người đều có tham luận. Thỉnh thoảng có những cuộc tranh luận. Theo tôi cuộc tranh luận, có thể gọi là một cuộc tranh luận nảy lửa giữa ông và một nử giáo sư triết học người Mỹ ( tưởng tượng đến hình ảnh con mụ kia tôi bấm bụng nín cười)
Cô gái hối:
- Họ tranh luận về vấn đề triết học nào?
Tôi đáp:
- Về cái gọi là” quỉ ám”
Cô gái kinh ngạc:
- Quỉ ám?
- Vâng. Đúng là quỉ ám. Hai người đều được trang bị lí luận vững chắc, hai ý thức hệ hoàn toàn trái ngược nhau, như nước với lửa...
Cô gái nóng lòng muốn biết cuộc tranh luận, cô hỏi:
- Cuộc tranh luận giữa hai bậc thầy triết học diển tiến ra sao ? Thắng thua thế nào?
- Cuộc tranh luận tuy rất gay gắt song ấy là một cuộc tranh luận học thuật của những con người có học. (Nói đến đây tôi lại tưởng tượng đến cách ăn nói bỗ bã của con mụ kia ), tôi dừng lại thở để khỏi bật cười, tiếp:
- Vị nữ giáo sư triết kia cho rằng, đã là con người phải thắng quỉ. Bị quỉ ám rồi, xem như đồ bỏ đi, chẳng nên tồn tại nữa…Ông bạn của chúng ta chủ trương ngược lại. Trong cuộc sống con người chịu nhiều tác động. Con quỉ trong người ta cứ ám ta mãi. Phải có một đôi lần chúng ta sa ngã. Không lẽ chỉ một lần lỗi lầm là mất hết ? Không, sau giây phút bị quỉ ám con người vẫn còn nguyên vẹn giá trị…Tội nghiệp ông bạn chúng ta, với lí luận ấy, đã có lúc ông bị vị nữ triết gia tấn công tới tấp, suýt nữa thảm bại ! Thế nhưng ông bạn chúng ta chuyển bại thành thắng. Bằng một triết học đặt cơ sở trên nhân bản, nhân đạo, cuối cùng ông đã thuyết phục được nhiều người. Toàn hội thảo đứng lên vỗ tay vang rền.
Lại một lần nữa cô gái hỏi:
- Triết học nhân bản nhân đạo là triết học gì?
- Con người mang tội tổ tông, trong người có sẳn con quỉ, và nó luôn luôn phá ta, tạo ra những thử thách to lớn quá sức. Người đâu phải thần thánh, nên dù có bị quỉ ám thì sau giây phút yếu lòng ấy, con người với bản chất hướng thượng, vẫn giữ nguyên giá trị ban đầu…
Cô gái nghe xong rất cảm động thốt lên: “ Thật đúng là một triết học nhân bản, triết học nhân đạo ! ”