main billboard

 

Các bà đừng có lo, rồi đâu cũng vào đó. Cha ghẻ còn hơn mẹ ghẻ...

dua con
 Không biết trong buổi nhậu ai là người lái câu chuyện sang việc anh Đống lấy chị Thu. Lão Hựu, chủ nhà, cầm chai rượu gạo nước nhất lên rót đầy bốn cái chén ăn cơm. Lão bưng chén mình lên hớp một ngụm, khà một tiếng, nói :

- Rượu mạnh quá, uống như nuốt lửa. Ừ, thiên hạ nói cũng phải, con Thu vội gì đến nỗi không đợi thêm vài tháng nữa...

Một người nói :

- Ông có thắc mắc, muốn biết tại sao nó nôn quýnh lên muốn lấy chồng ngay thì hỏi nó chớ hỏi chi mấy anh già này ?

Người vừa nói là ông già bảy mươi, trước làm hương bộ, tên là Bỉ, nhưng người ta "cử" tên cha gọi là hương Bảo. Bảo là tên con, ông con cũng đã năm mươi. Hương Bảo ỉ mình biết luật, nói giọng thầy đời:

- Chiếu theo bộ Hòang Việt Trung kỳ Hộ luật điều 467 (Lão nói ẩu nghe cho oai vì lão biết mấy thằng cha nhà quê ngồi đây chẳng biết gì) thì thời gian vợ để tang chồng, tên chữ gọi là Cư sương phải tròn ba năm. Còn chiếu theo bộ dân luật của Pháp, áp dụng cho đất thuộc địa miền Nam Việt thì có điều 1101 (lão lại nói ẩu) thì thời gian cư tang là mười tháng tròn kể từ khi anh chồng chết. Chết nhăn răng, chớ không phải kể từ ngày chồng ốm, vì có thằng cha gần chết cũng đòi vợ lên nằm chung giường! Mấy ông biết vì sao tụi Tây bắt mấy mụ đàn bà chồng chết mười tháng mới được đi bước nữa không ?

Lão Cộc , một người già sáu mươi, tóc và lông mày bạc phơ nhưng nhìn gương mặt thì thấy vui như đứa trẻ con. Lão này có cái thú là mỗi chiều bắc cái chõng tre ra trước hiên nhà ngó mấy chị đi chợ. Nhìn họ đi rồi nhìn họ về. Mụ vợ thấy cảnh gai mắt đó, bực mình, nói :"Bộ ông đếm đi mấy mụ, về mấy mụ, có mụ nào đi không về phải không? Già mà không nên nết!" Lão Cộc còn có cái tài uống rượu mà lão nói uống theo kiểu Tây, lúc trước lão có đi lính cho Pháp mấy năm. Đó là kiểu đổ chén rượu vào miệng chớ không phải hớp từng hớp. Nghe Hương Bảo hỏi, lão đáp liền :

- Dễ ợt! Cho mấy mụ chồng chết lấy chồng liền. Con đẻ ra biết của thằng nào ?

Hương Bảo giả đò khen :

- Thông minh! Thậm thông minh ! Thưởng chén nữa! Nhưng mà con Thu ẩu thiệt, chồng chết hồi rằm tháng... Lão quên mất tháng nên quay lại hỏi lão Hựu: "Tháng mấy anh Mười?"

Lão Hựu rót thêm một chén rượu nữa rồi thủng thẳng trả lời :

- Rằm là đúng rồi - Hôm thức canh xác anh Cảnh tui thấy mặt trăng tròn vo ở đầu ngọn cau. Lại nữa bữa đó con dâu Sáu Đậu tới nhà mời qua ăn đầy tháng con nó. Mà hôm nay là quá rằm tháng chín, nó lại tới mời tôi tới cúng phong long một trăm ngày. Lão bấm ngón tay tính, một lúc sau nói :"Đúng một tháng mười ngày, vị chi là bốn mươi ngày sau ngày chồng chết.

Hương Bảo nuốt cục gì trong cổ, làm như nuốt cục giận lắm, hừ một tiếng nói:

- Luật Tây luật ta gì cũng phạm cả !

Lão Hựu làm nghề thầy cúng, người làm chủ buổi nhậu hôm nay, nói bâng quơ :

- Thời buổi... thiệt tình... thôi uống đi mấy ông .

Lão Cộc bưng chén rượu lên tính biểu diễn uống rượu theo kiểu Tây, đặt chén xuống, nói :

- Bây giờ con nó sinh ra là con ai? Con anh Cảnh hay con thằng Đống?

***

Từ ngày anh Đống thấy vợ đi qua dì Sáu mượn cây sào có cái móc về, suốt ngày quanh quẩn dưới cây khế chua thì anh biết nhiệm vụ của mình. Việc đầu tiên là phải có mấy bao than và bao lá uống đẻ. Dù bận công tác cách mấy anh cũng phải lên Hòn Hèo đốt than. Vì anh là cán bộ tuyên truyền xã nên đi đâu phải có phép. Anh làm đơn gởi lên xã xin nghỉ mười ngày phép, với lý do là về Hoài Nhơn giẫy mả ông Nội. Tụi cán bộ biết chuyện đùa :"Ở nhà có cái mả vôi đó sao không lo giẫy?" Tụi đó nói gì thì nói anh cũng phải đi. Anh quảy hai cái bao tải, mươi kí gạo, lít nước mắm, gói thuốc rê với vài thứ lặt vặt nữa, chờ đêm tối vào rừng. Đốn củi, đốt than là chuyện anh quen làm. Nhưng bây giờ anh đã là cán bộ tuyên truyền, nhiều lần anh nhắc nhở quần chúng khẩu hiệu "rừng vàng biển bạc", nên bây giờ anh phải đợi trời tối, mới dám lên rừng. Lần này anh lựa nơi vắng vẻ, anh làm cái lò rất khéo, đốt lên không một sợi khói. Tới ngày thứ sáu thì than ra lò. Phải đợi lúc trời tối hẳn mới dám "Một gánh càn khôn quảy xuống ngàn".

Bây giờ, có hai bao than giấu dưới giường, anh rất yên tâm. Lá thì dễ, không cần phải lên rừng, kiếm quanh đây cũng có. Chiều chiều mỗi khi đi làm về anh cầm cái rựa chặt mấy cây dủ giẻ, đào rễ sim, chặt khúc, phơi mấy nắng cho vào bao, cất trên giàn bếp.

Làm xong hai công việc quan trọng chuẩn bị cho vợ "đi biển một mình" anh rất yên tâm. Việc anh lấy chị Thu mới bốn mươi ngày sau ngày chồng chết gây xôn xao dư luận xã nhà một dạo. Anh còn nhớ đó là một thử thách ghê gớm cho vợ chồng anh. Cả hai, mỗi người chịu khổ một cách. Vì anh là cán bộ, là đảng viên, nên anh phải viết cỡ hai chục cái bản kiểm điểm, viết đến nỗi thuộc lòng, nhắm mắt lại cũng đọc vanh vách được. Còn Thu lại chịu thử thách cách khác. Miệng tiếng thế gian độc ác đến nỗi chị không dám bước ra khỏi nhà. Mấy con mụ hàng cá ác khẩu, nói :

- Được bốn mươi ngày đã quí, e đầu hôm sáng mai đã lẹo tẹo với nhau rồi!

- Tội là tội thằng chồng trước của nó. Anh Cảnh được người được nết, có chữ có nghĩa, người như thế, ai ngờ vắn số.

- Mà con Thu cũng dở, chồng mới chết có mấy ngày đi quơ thằng khác. Tội cho anh Cảnh nhắm mắt không yên, sợ thằng cha ghẻ nó hành hạ con Thoa. .

- Các bà đừng có lo, rồi đâu cũng vào đó. Cha ghẻ còn hơn mẹ ghẻ.

Bây giờ mọi việc đã qua, thiên hạ chóng quên. Gia đình bé con gồm anh Đống , chị Thu với cháu Thoa sống rất hạnh phúc. Thu sinh ở trạm xá xã, con trai, anh Đống mừng lắm, anh đặt cho nó cái tên sặc mùi công thức là thằng Chiến Thắng. Ai cũng tưởng anh còn mang tâm trạng của người thanh niên trong chiến tranh. Thật thì anh muốn ngụ ý, chiến thắng mọi hoàn cảnh khó khăn để sinh ra nó. Anh Đống đem tờ giấy chứng sanh ra xã làm khai sinh cho con thì nhận được tờ giấy phạt tội đẻ dày. Rất oan cho anh nhưng anh không cãi. Đẻ dày là Thu, còn của anh đây chỉ mới là đứa con đầu lòng. Anh không tiếc của, chỉ bực mình hôm gánh bốn mươi cân lúa đi nộp phạt thì trẻ con người lớn kéo nhau đi xem. Anh nghĩ dân tình ta lạ thiệt. Anh là cán bộ tuyên truyền, có khi anh đạp xe đi đầu trên xóm dưới mời đồng bào về xem phòng triển lãm, thế mà chẳng ai tới. Trong phòng triển lãm chỉ có mấy đứa trẻ con đến chạy nhảy chơi đùa. Hôm nọ cái xe công nông của Sáu Lớp cán con chó vện nhà Tạo, thiên hạ đổ xô tới xem, đứng chật cả ngã tư đường. Bây giờ anh gánh lúa đi ngoài đường thì có chi là lạ mà người thì ở trong nhà dòm ra, người thì đang đi ngoái cổ lại, có người hé cửa ra xem...

Hôm chở mẹ con Thu về, anh để Thu nằm sau chái nhà bếp rồi đóng tất cả cửa ngõ lại, thế mà lớp trước lớp sau đến thăm, dưới danh nghĩa xem thử mẹ con nó có được khoẻ mạnh hay không, kì thực chỉ muốn xem thằng bé giống ai ? Anh cảm ơn rồi đuổi họ về. Anh đem con chó vện ra xích nơi cửa để doạ thiên hạ, khổ nỗi con chó này xưa nay hiền như cục bột. Người ta nói, chó gì mà cả năm không nghe tiếng sủa, có người nói chó giống chủ, ít nói quá.

Về đứa bé thì anh Đống "nhất trí cao". Anh tin ở thu, tin ở mình và nhất là tin vào sự tính toán rất có "cơ sở khoa học" của anh. Thằng bé sinh thiếu gần một tháng. Y Tá Lan nói thế, nó chỉ già hai cân, da thịt non nớt, đỏ au, có chỗ trong veo như con thỏ con mới đẻ. Anh thấy nó giống mình như đúc, thằng Chiến Thắng chỉ là anh Đống thu nhỏ. Anh không bao giờ đặt vấn đề với Thu. Trước đây Thu cũng đã từng nói xa nói gần về cái lịch thời gian để anh tính toán. Thu nói "Anh Cảnh đau ốm liệt giường cả tháng mới qua đời. Trước khi đau, Cảnh còn đi công tác hai mươi ngày ở Đà Nẵng. Khi về thì ngã bệnh ngay. Cảnh mất ngủ liền mấy đêm, không ăn, đau vùng bụng. Mười lăm ngày sau thì bác sĩ huyện nói là xơ gan cổ trướng. Chuyển lên bệnh viện tỉnh, ba mươi ngày sau thì mất". Đống làm con toán cộng lại tất cả những con số đó lại thì thấy một trăm lẻ năm ngày. Anh nghĩ hơn một trăm ngày đó chắc thằng cha này không thể làm ăn gì được... Cộng thêm bốn mươi ngày nữa vị chi là một trăm bốn mươi lăm ngày. Vậy thì chẳng có đứa bé nào ở trong bụng mẹ mười hai tháng. Mà thằng Chiến Thắng là đứa sinh non. Vậy chắc chắn nó là con của mình. Một trăm phần trăm, chẳng còn nghi ngờ gì cả. Từ khi làm xong cái bài toán rắc rối đó, anh Đống rất yên tâm.

Tội nghiệp anh, phải chi anh đặt vấn đề thẳng với Thu để cho Thu nói thì anh lại còn yên tâm hơn nữa. Việc này chẳng phải sít sao như anh tính từng ngày như thế. Anh Cảnh, người mà mấy chị trong xã khen là được người được nết đó lại rất dở cái vụ đó, anh thuộc hạng đàn ông một nửa thái giám, hạng "gà chết"

Từ ngày Thu báo tin cho anh là đã có bầu con Thoa, anh tự cho mình cái quyền đình chiến. Nên sự việc không cần phải tính chi li từng ngày như anh Đống. Năm nay cháu Thoa đã bốn tuổi, vậy thì Thu từ đó đến nay chẳng có gì.

Anh yêu Thu, yêu đứa con riêng của nàng, yêu thằng Chiến Thắng. Anh còn làm nhiều việc khiến Thu rất cảm động, ai biết chuyện cũng cảm thấy anh là người tốt, độ lượng. Chẳng hề ghen tuông bậy bạ. Chính anh lấy mấy miếng ván vuông mỗi cạnh bốn tấc, trước làm cái nắp đậy thùng gạo. Chỗ này con gà mái quạ thường nhảy lên tìm ổ đẻ và phóng uế lung tung. Anh đem miếng ván ra giếng, dùng xơ dừa kì cọ rồi đi chợ huyện mua lon sơn xám về sơn thực kỹ hai mặt. Anh đóng tấm ván lên vách làm bàn thờ cho anh Cảnh. Anh lấy hũ chao làm bát nhang, lon bia cũ làm bình hoa, hai cốc nhỏ đặt hai bên cúng rượu. Anh lấy cái thẻ căn cước đem ra thợ nhờ vẽ phóng đại tấm hình anh chồng trước. Không biết ông lão vẽ chân dung phóng đại cái ảnh căn cước hai phân nhân ba phân lên thành cái hình hai mươi phân ba mươi phân có giống với người thực hay không mà khi anh về đưa cho Thu, nàng liếc qua, không nói gì cả, đưa trả anh. Anh hỏi : "Sao?", Thu đáp vắn tắt: "Ừ, dược... " Rằm mùng một anh cũng hối Thu kiếm bó hoa thẻ nhang. Cuộc sống của cái gia đình nhỏ bé này nhờ sự khéo léo của anh đã trở nên đầm ấm.

Đến khi thằng Chiến Thắng học qua cấp một mới nảy sinh vấn đề. Vấn đề có lẽ đã ấp ủ từ lâu, nay nó lại bùng lên trong một dịp khác. Hai vợ chồng cãi nhau kịch liệt vì chuyện chị bán con heo nái cho Tám ép bún ở xã dưới. Cuộc khẩu chiến kéo dài rồi đột ngột chuyển sang đề tài khác. Lúc đó anh Đống sắp sửa đuối lý. Nếu Thu ngậm miệng thì đã yên chuyện. Đàng này nàng nói:

- Nói năng như thánh, mà chẳng biết tí gì, một việc cỏn con cũng không thấy...

Anh Đống hiểu câu ấy thế nào lại tức giận lắm, vừa thở vừa nói :

- Đồ hư thân !

Thu ngạc nhiên :

- Hư chỗ nào ?

- Cứ ngó mặt thằng Chiến Thắng đó thì biết.

- Biết cái gì ?

- Nó có giống tôi chỗ nào không ?

Chị Thu ngồi dưới đất lấy cái ống quần hỉ mũi và chùi hai con mắt đã bắt đầu đỏ lên.

- Không giống ông thì giống ai?

- Còn ai nữa ?

Thu tức quá, thách :

- Có giỏi nói trắng ra thử coi .

- Sợ chi? Giống cái thằng ngồi trên bàn thờ kia kìa!

Thu hết sức ngạc nhiên, nhủ thầm, à hoá ra... Nàng la lên :

- Lãng xẹt!

Sau đây là đoạn chót của cuộc đối thoại:

Tuy biết chắc chắn thằng ChiếnThắng là con của mình, nhưng Đống vẫn cứ nói :

- Nó giống tôi sao được, tôi đen như cục than, hắn trắng như cục bột.

Thu nói :

- Nói vô duyên, ông làm lụng cả ngày ngoài nắng làm sao bì với thằng trẻ con?

- Tại sao nó cao ráo, tôi lùn tịt?

- Tầm bậy, nó mới mười hai tuổi, làm sao biết cao thấp ?

- Hồi tui bằng tuổi nó, may ra chỉ đứng tới vai nó bây giờ. Con mắt tui ti hí, con mắt nó to sầm...

Thu cãi :

- Nó giống tui.

- Tại sao mũi tui tẹt, mũi nó cao như mũi tây ?

- Nó giống bên ngoại của nó.

- Tại sao môi tôi thâm sì, môi nó tươi như môi con gái?

- Nó giống dì Hai của nó .

Anh Đống thấy nói câu gì vợ cũng chống lại một cách có lý, anh tức quá nói như quát:

- Còn một chuyện này nữa ...

- Chuyện gì?

- Hồi đi học tôi luôn luôn đội sổ, sao nó lại đứng đầu lớp?

Thu nhìn Đống như nhìn một con quái vật :

- Người gì mà lạ lùng. Con mình nó đẹp, nó tốt, nó học giỏi thì không ưa, chỉ ưa nó giống mình.

Thu đứng lên tính đi ra vườn còn quay lại nói :

- Thôi tôi không nói với ông nữa. Người gì mà lạ lùng hẹp hòi, ai giống mình thì thích, khác mình thì ghét.

Đống tức quá, chẳng biết nói làm sao cho vợ hiểu. Anh cố gắng giảng giải :

- Không phải là chuyện thằng nhỏ giống ai. Cũng không phải là chuyện giỏi dở , tốt xấu. Chuyện này lớn hơn, lớn lắm, khó nói lắm...

- ...

Anh Đống nói cái chữ gì đó khó nghe lắm.

Anh tính nói hết câu rồi giảng giải, ngó quanh, sợ có ai, kịp ngậm miệng lại. Anh ho khan một tiếng, vô nhà, mặc áo quần đàng hoàng, dẫn xe đạp đi chơi.