Chớ còn khi ăn nhậu mà có vợ con chàng ràng một bên, thì cái sự ăn nói cũng không còn mạnh miệng...
Bữa nay nhân một ngày đẹp trời vợ con đi vắng, ông Năm Tú buồn quá không biết làm gì, thôi thì sẵn dịp mời hai ông bạn già đi lại nhậu chơi. Chớ còn khi ăn nhậu mà có vợ con chàng ràng một bên, thì cái sự ăn nói cũng không còn mạnh miệng, nên khi ông cầm cái máy điện thoại lên bấm số gọi mấy ông bạn già mà trong dạ cảm thấy thơ thới hân hoan, chớ không còn có một nỗi lo lắng mơ hồ khi vợ con có mặt ở nhà đầy đủ. Từ lúc đi vượt biển một mình, rồi được định cư tại xứ Úc Châu, để sau đó bảo lãnh mấy mẹ con tụi nó đi qua đoàn tụ định cư bên nước Úc, thì kể như ông đã làm tròn một thiên chức của một người cha, một người chồng quá tốt không còn có điều chi để mà phiền trách.
Ông Năm Tú cứ ngỡ rằng mình đã làm hết bổn phận của một người cột trụ trong gia đình, nên bắt buộc vợ con phải nể nang ông, cũng như hồi trào chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa của miền Nam, ông đã tận tụy với một đời công chức. Mỗi lời nói của ông vợ con đều phải nghe theo sát rạt, không có cái cảnh cãi cối cãi chầy, vợ thì phải cho ra vợ con thì phải ra con, đi thưa về trình ôi lễ giáo tam cang nó làm cho con người quá ư đẹp đẽ.
Còn bây giờ đời sống ở đây không biết sao mà vợ con ông lại coi thường ông như một người vô dụng. Chắc có lẽ là do ông sớm gánh nặng tuổi đời, bây giờ sức khỏe đã bạc nhược tới nơi, nên quanh năm suốt tháng cứ ngửa tay ra để xin tiền ngoài Bộ Xã Hội. Dòng suy nghĩ còn đang rào rạt chảy trong đầu, thì ông Hai Chức với Ba Tấn cũng đang xô cửa rào để thủng thỉnh bước vô; đây là những bước chân của tiên ông đạo cốt, nên trông nó hết sức chậm rãi hiền từ, làm cho ông Năm Tú bất chợt vui lây nên lật đật chạy ra chắp ba xá rồi nói:
- Xin mời hai ông tiên quá bước vào trong, đặng một lát nữa chúng ta đàm đạo...
Ông Ba Tấn cười lên ha hả nói:
- Bữa nay định vắng chủ nhà, gà mọc đuôi tôm đây hả ông bạn?
Ông Năm Tú bèn nở một nụ cười hiền lành, nói:
- Lâu ngày tôi cũng nhớ mấy ông, mà không biết làm cách chi để cho mình họp mặt. Thời may đêm hồi hôm nầy tôi đi theo mấy đứa nhỏ tập câu, có câu được mấy con cá hanh đuôi. Cho nên bây giờ tôi định kho ngót nhậu chơi, chớ cũng không có chuyện gì đại sự vậy xin mấy ông đừng thủ lễ.
Nói xong một câu thắm tình tri kỷ, rồi ông Năm Tú bèn thỉnh hai ông bạn già đi thẳng lại sau vườn, rồi kéo ghế mời ngồi để mình rảnh tay mà đi lo làm đồ nhậu. Sau một hồi lục đục thì cái bếp gas được bật lửa nhóm lên để chuẩn bị một nồi cá hanh kho ngót, mà dân nhậu ông nào nghe nói tới cũng mê, vì tô nước súp của nó rất đúng điệu bạn hiền, đang say quắc cần câu vậy mà chỉ cần húp vô vài muỗng thì kể như giã rượu.
Bữa tiệc tuy rất đổi đơn sơ, nhưng lại nói lên một tấm lòng tri kỷ. Ba ông bạn già đâu có hở tay, hễ ông nầy xắt ớt thì ông kia lo dọn chén. Cho nên chỉ trong vòng chừng năm phút sau, thì nồi cá kho ngót đã được dọn ra cái ghế ngoài sân sau, mà buổi sáng hôm nay tốt trời nên cũng vẫn còn mát rượi. Nhờ vậy mà việc ăn nhậu nó mới rộn ràng, khi rượu vào thì lời ra khiến cho câu chuyện lại càng thêm tương đắc.
Từng chai bia lần lượt được rót ra, mấy ông bạn già vừa ăn vừa uống hỏi han nhau chí tình như những người bạn tri kỷ lâu ngày gặp khi nhậu đã ngà ngà ông nào cũng có những điều tâm sự mà không thể nói ra, hôm nay nhờ có mấy chai bia nên mấy ông bạn già mới hiên ngang dõng dạc kể lại một thời oanh liệt của mình từ lúc ra trường nắm chức trọng quyền cao, tới lúc tụi Việt Cộng nó tràn vô phải hồi cư về quê sinh sống thật là khổ cực. Có những lúc thèm một gói trà không biết mua bán ở đâu, đành uống đỡ lá ổi phơi khô vậy mà cũng qua đi ngày tháng. Thế mới biết trong đời sống của con người, không có cái cảnh khổ nào hơn cái cảnh thiếu ăn, nhiều lúc nhìn con gà con vịt chạy ngang qua mà thèm nhỏ dãi!
Ông Ba Tấn sau khi mút cái đầu cá Hanh chắc là đã quá, nên ông đã ôn cố tri tân, uống cạn một lon bia rồi khề khà nói lớn:
- Dạo nầy hai ông có thường đi đám cưới không?
Ông Năm Tú mỉm cười rồi nói:
- Vào tháng nầy là mùa đám cưới, tháng nào mà không đi. Còn ông thì sao? Bộ hao tiền quá bây giờ cũng muốn kêu ca nữa hả!
Ông Ba Tấn dường như để muốn dằn bớt nỗi niềm, nên ngó mông về một chốn xa xăm rồi nói:
- Cái việc cưới hỏi của con cháu, mình đi chúc mừng đó là một bổn phận của mình. Nhưng càng lúc tôi thấy sao việc cưới hỏi bây giờ người ta làm gì kỳ quá...
Ông Hai Chức từ xưa tới giờ nổi tiếng là một bực thâm nho, vì đã gần hết một đời người tay cầm cục phấn viết chữ nghĩa thánh hiền vào trên tấm bảng, nên ông mỉm cười mà cất tiếng hỏi bâng quơ:
- Ụa... vậy chớ anh bực bội về chuyện gì vậy anh Ba, mà anh nói úp nói mở làm sao tôi với anh Năm đây hiểu được chuyện gì?
Ông Ba Tấn sửa lại bộ ngồi rồi ông bật lửa để đốt điếu Winfield, sau làn khói thuốc mỏng xanh thì ông rề rà kể lể:
- Không đi đám cưới thì thôi, hễ đi về rồi thì tôi phải bực mình hết ba bốn bữa. Vì ai thuở đời nay nơi đám cưới là chỗ lễ lộc cổ truyền, vậy mà họ nỡ bắt hai đứa nhỏ nó ôm hun, rồi còn vỗ tay kêu ầm ầm nghe rất là kỳ cục! Có đám lại bắt tụi nó hôn đi hôn lại đến mấy lần, vậy mà sao họ cũng hăng hái vỗ tay, khiến cho tôi đây nhiều khi bực mình vậy thôi quá sức...
Đây là một vấn đề rất là then chốt mà cộng đồng người Việt có lẽ phải chịu đựng đến muôn đời vì hiện nay nguồn gốc văn hóa của dân tộc bắt đầu lai căng hết trọi, thấp thoáng trên gương mặt của ba ông bạn già lại lộ vẻ buồn buồn; vì những điều ông Ba Tấn vừa mới nói ra, tuy không có gì lớn lao nhưng lại là một giềng mối của nền văn hóa. Ông Năm Tú ngước lên nhìn hai ông bạn già rồi tâm sự tiếp:
- Sẵn hôm nay có hai ông thì tôi cũng vui miệng nói ra luôn. Chớ tôi thấy cái màn bắt con người ta hôn hít lộ thiên sao coi kỳ dữ quá. Cái đó là một cái bắt chước chẳng giống ai, Tây chẳng ra Tây rất là kỳ cục. Vì tụi Tây sau khi nó làm lễ cưới ở nhà thờ, thì tụi nó đôi khi cũng có tự động hôn nhau trước sự chứng kiến của ông linh mục. Còn đằng nầy thì người Việt Nam mình thì lại chế biến ra, phải canh đồng hồ cho đúng bon là 10 phút. Cái đó thật là bậy bạ, nhưng mà mình biết nói với ai đây; vì hiện tại lễ nghi đang đảo lộn...
Ông Hai Chức chắc có lẽ cũng đang mang một nỗi mặc cảm vô hình, nên ông uống thêm mấy hớp bia, rồi ngước nhìn hai ông bạn già nói nhỏ:
- Có đám tôi lại thấy mấy người lớn bày trò thôi quá mức. Đưa trứng hột gà ra, rồi bắt cô dâu phải lòn tay lần trứng hột gà vào, từ ống quần bên nầy chạy đi qua tới ống quần bên kia, có khi con nhỏ lần giữa chừng, rồi trật tay làm rớt trứng hột gà xuống bể tròng trắng chảy ra ướt nhẹp. Thật là một cuộc vui tục tĩu quá chừng, tôi sợ cứ cái đà nầy chừng vài ba năm sắp tới nữa đây, thì đám cưới chỉ là một tiệc vui trên đà hứng thú. Chớ không còn là một chút lễ lạc thiêng liêng mà ông bà của chúng ta đã khổ công ra xây dựng!
Ông Năm Tú sau một hồi chạy tới chạy lui, để mút thêm nước cá kho ngót cho hai ông bạn già chữa lửa, rồi ngồi xuống nói giọng buồn buồn:
- Như bữa hổm tôi đi dự một cái đám cưới ở Bankstown đây, hai đứa nhỏ bị bắt đứng ở trên sân khấu hun đi hun lại đến mấy lần mà bà con chưa chịu. Trong lúc đó thì trống nhạc lại nổi lên, bà con cô bác cũng vỗ tay hoan hĩ vang trời, rồi hai bên sui gái sui trai cũng nổi hứng vỗ tay lên phụ họa. Đó mới là một cảnh kỳ khôi, tại sao chúng ta cũng mặc nhiên chấp nhận, tại sao chúng ta không nghiêm chỉnh trong việc cưới xin, mà lại lấy cái văn chương là đạo, lấy cái nhạc là lễ để đem ra trửng giỡn mới là kỳ, thì như vậy còn chi là lễ nghi phong tục...
Ba ông bạn già ngồi tỉ tê tâm sự, mà mặt mũi ông nào cũng quá đổi bơ phờ. Ông nào cũng uống cạn mấy lon, nên càng tâm sự nghe ruột gan của mình đau lên đoài đoạn từng cơn, khiến cho buổi nhậu dường như có vẻ mất vui, nên ông Ba Tấn rề rà càm ràm tiếp:
- Như ba cái vụ giới thiệu chương trình cũng vậy, chẳng thấy họ chú trọng đến nghi lễ để tỏ lòng thành kính đối với ông bà. Mà họ cứ nói huênh hoang, như một ông thầy tuồng đang đứng trên sân khấu, nhiều lúc tôi cũng không hiểu là họ đang nói cái gì, có dính dáng tới cái đám cưới hay không, hay đó là những câu nói cố tình để phô trương về cái sở trường ăn nói của mình, mà lâu lâu mới dịp được đứng trên sân khấu nên mặc sức ba hoa. Có ông lại thuộc lòng mấy câu thơ của Hàn Mặc Tử, rồi cứ như vậy trả bài, làm như thời đó với thời bây giờ, ba đứa nhỏ nó yêu đương giống nhau như vậy.
Từng tiếng cu cườm gáy vang lên áo não, dường như đó là một cái tục lệ của một giống chim, khiến cho buổi trưa càng thêm buồn não nuột. Nhưng ba ông bạn già cũng còn ngồi nán lại để tâm sự cho hết lời, vì đây là một buổi trưa trời tạnh mây trong, mà trong nhà vợ con lại đi vắng hết trơn, nên không nhậu cho quắt cần câu thì thật là uổng lắm.
Chắc có lẽ vì trong lòng đã nghĩ như vậy, cho nên ông Năm Tú khui bia ra phát tiếp cho mọi người, khiến hai ông bạn già không thể từ nan, nên mạnh dạn bưng lên mà ực nữa, làm mặt mũi ông nào ông nấy đỏ ké như mặt quan công, nhưng ba ông cứ việc bàn qua thời cuộc, rồi bàn đến câu chuyện văn hóa sinh hoạt của cộng đồng. Khiến cho tiếng cười tiếng nói lại nổ như bắp rang, làm cho một buổi sáng sau vườn thật là sinh động, khi ánh nắng ban mai đang rọi xuống mặt đường, thì lúc đó giọng nói của ba ông già cũng hơi kéo nhựa...
Ông Hai Chức sau khi uống vực xuống nửa lon bia rồi nói:
- Như cái nhạc nhọt đám cưới ở đây tôi thấy cũng quá sức lạ đời, vì đờn trống họ vặn âm thanh nổi lớn muốn điếc tai, còn mấy cô ca sĩ thì cứ ăn bận hở hang rất là quá mức. Khiến cho tôi cũng rất bực mình, nhưng cũng phải đành chịu trận mà thôi, vì mình đâu có cách gì để tách ra khỏi đời sống đó...
Từng tiếng than thở của ba ông già lại tiếp tục tuông ra, nhưng chắc chắn cũng chỉ là gió thoảng mây bay không làm ai bận tâm chú ý, khiến cho trên gương mặt thêm nặng trĩu nỗi buồn, vì ông nào cũng sắp cưới vợ cho con, liệu tới chừng đó mình có đủ quyền hành để bắt buộc con cái làm đúng theo lễ nghi khuôn phép. Hay là tụi nó cứ tự động làm càng, có khi nỗi hứng nó còn ẵm con nhỏ chạy vòng vòng y như là trò khỉ, đành rằng trong cuộc sống tiến bộ ngày hôm nay, có những cái hủ lậu thì mình cũng đành phải mạnh tay mà gạt bỏ.
Bỗng dưng ông Năm Tú day qua ông Hai Chức hỏi:
- Vậy chớ anh Hai còn nhớ đám cưới theo phong tục của mình có đủ bao nhiêu lễ hôn vậy?
Ông Hai Chức sau vài giây suy nghĩ rồi nói nhỏ:
- Tôi nhớ không lầm là có 5 lễ chánh. Đó là lễ chạm ngõ, rồi kế đến lễ vấn danh, lễ hỏi, lễ cưới, lễ phản bái sau ngày cưới bảy bữa. Còn mấy cái lễ kia vì không quan trọng, nên có nơi có nơi không, chớ không thống nhứt đồng đều, vì vậy mà khi đi cưới vợ cho con, nếu dĩ lỡ nó đã thương đứa nào ở khác địa phương với mình, thì cũng phải nhờ ông may ở nơi địa phương đó chỉ dẫn đường đi nước bước.
Quả thật ông Hai Chức là một bực thâm nho, cho nên nói qua địa hạt nào ông cũng hiểu biết rất là rành rẽ. Cho nên ông Ba Tấn day qua hỏi nữa:
- Vậy chớ cái tục lệ ký tên vào cái tấm vải nhiễu đỏ ở xứ nào vậy anh Hai?
Ông Hai Chức sau khi uống thêm một hớp bia nữa rồi quỡn đãi nói:
- Cái tục lệ đó là của người Tàu, nhưng không thịnh hành lắm đâu. Vì ngày xưa nghèo đói, cơm không có đủ mà ăn, còn vải vóc lấy ở đâu ra để mà làm cái chuyện phung phí đó. Nhưng ở bên nây phần đông mấy cái nhà hàng tổ chức đám cưới đều của người Tàu, cho nên họ tặng không một miếng vải nhiễu đỏ rồi thành thói quen, chớ trong sách bộ lễ đâu có ghi về lễ nghi như vậy.
Chưa có khi nào ông Năm Tú cảm thấy thoải mái cho bằng hôm nay, nên ông cứ ép hai ông bạn già cứ việc uống cho bức một kết bia nầy luôn thể, chớ còn để lại làm chi rồi mắc công sắp vào trong tủ lạnh. Đây mới thật là một bữa nhậu đúng nghĩa với bạn hiền, nên ông nào cũng vui vẻ khua bia, chớ không có cái cảnh làm mào khách sáo. Nên càng uống nhiều chừng nào câu chuyện lại tương đắc thêm lên, nên tiếng cười tiếng nói lại râm rang bay theo gió thoảng.
Từng lon bia lại tiếp tục khui ra, rồi ba ông bạn già lại bàn qua chuyện văn chương thế sự. Nhưng bàn đến mục nào cũng đều mang nặng một nỗi chua cay, vì ông nào cũng có cảm nhận rằng những ý kiến của mình dường như đang lạc lõng. Cho nên ba ông cứ giở giọng buồn buồn, khi ngoái nhìn lại thân phận của mình đang sống ở nơi đây, nào có khác chi cái cây chùm gởi, nên cứ lặng lẽ sống cho hết cuộc đời, để chờ ngày gởi nắm xương tàn nơi đất khách. Hoặc hốt cốt bỏ vào trong hũ rồi đem gởi trong chùa, đó cũng là một kiếp sống của con người sanh, bệnh, lão, tử không ai tránh khỏi, cho nên trên khóe mắt của ông nào cũng nặng trĩu khói sương, mà cuộc sống ở nơi đây có lẽ cũng không lấy gì thích hợp.
Ông Hai Chức sau khi phà thêm hơi thuốc, rồi đôi mắt mơ màng dường như đang nhớ về một chốn xa xăm, đoạn ngước nhìn hai ông bạn già rồi ôn tồn nói nhỏ:
- Theo tôi thì còn một việc nầy nữa cũng nên báo động sớm cho rồi, chớ còn để trễ nữa thì con cái của mình học thói đi ngang về tắt rồi làm sao dạy dỗ!
Ông Năm Tú đang mơ màng theo khói thuốc, với cái mặt đỏ gay cũng vội chồm người qua hỏi:
- Ụa ... vậy chớ cái chuyện gì mà quan trọng dữ vậy anh Hai?
Ông Hai Chức dường như đã mang sẵn một nỗi buồn vời vợi thâm sâu, nên ông từ tốn nhìn hai ông bạn già nói nhỏ:
- Như ... trai thì trung hiếu làm đầu, gái thì tiết hạnh là câu trao mình. Nhưng ở đây bây giờ nhiều khi đạo đức không còn gìn giữ, cho nên cũng có nhiều đứa con gái học thói theo Tây. Tự động dắt trai đi mướn nhà ở thử, nếu sau đó thấy hợp sẽ tiến tới hôn nhơn, còn không thì thôi nhau rồi đi kiếm thằng khác. Cho nên có đứa đã có tới mấy mặt con, rồi mới đi trở về nhà để báo cho cha mẹ hay rồi làm đám cưới! Cưới hỏi kiểu đó làm sao làm lễ tơ hồng, vậy mà họ cũng làm đám cưới rình rang quá thể.
Ba ông già tâm sự càng nhiều chừng nào, thì cảm thấy cõi lòng của mình thêm quặn thắt, cho nên cứ ngồi thở vắn than dài. Một hồi sau thì ông Ba Tấn ngước mắt lên nói nữa:
- Cái thời của mình cách nay đâu có bao lâu, gẫm lại thật là hạnh phúc. Con cái có lỗi mình bắt tụi nó cúi nằm dài, để đánh những roi dạy dỗ khuyên răn. Còn bây giờ ở đây nếu có nóng giận xáng nó một bạt tai, thì cũng có thể mắc tội bạo hành gia đình, nên con cái lâu ngày nó hư là như vậy!
Ông Năm Tú nhìn hai ông bạn già thở ra rồi góp ý:
- Đạo đức giềng mối không còn, nên mấy đứa nhỏ mỗi ngày thêm hư hỏng. Rồi đây ngoài cái vấn nạn ma túy đang hoành hành, còn những vấn đề khác nếu trong cộng đồng của chúng ta không kịp thời chấn chỉnh, thì tôi e nó còn trầm trọng hơn nữa chớ chẳng chơi. Vì cái nền giáo dục ở cái xứ nầy, cũng có khi nó dạy con nít tập tành hỗn ẩu!
Bóng chiều đã ngã xuống ngọn cây thông, làm bầy chim se sẻ đang xôn xao gọi bạn. Ông Hai Chức xem đồng hồ đeo tay rồi ngước lên nói:
- Húy ... mình ngồi như vậy mà cũng cứng một buổi rồi chớ có chơi đâu. Thôi để cho tụi tui đi về, đặng anh Năm còn rảnh tay lo cơm nước nữa chớ...
Ông Năm Tú cũng đã hơi say mà cái tánh hiếu khách vẫn còn, nên quyết lòng cầm cộng hai ông bạn già ở lại nhậu lai rai chớ có gì đâu mà phải vội. Nhưng ông Ba Tấn và ông Hai Chức đưa mắt nhìn nhau rồi đứng dậy để chuẩn bị ra về, vì ai cũng biết thì vào giờ nầy ông Năm Tú rất là bận rộn, nào còn phải lo chuẩn bị dọn dẹp để nấu cơm, rồi còn lo tưới ba luống rau mà ông đang trồng trọt. Thế mới biết cái tuổi già ở đây chẳng có một chút hưởng nhàn, phải bận rộn liền tay để chạy đua theo cuộc sống. Chớ không phải như ở bên cái xứ Việt Nam, tuổi của ba ông già nầy là tuổi của dưỡng già, ngoài việc chơi cây cảnh hòn non bộ để giải khuây, có người lại chơi thêm cái thú gà nòi cho đủ bộ...
Ông Năm Tú tiễn hai ông bạn già ra khỏi cửa, rồi quay trở vô mới thật sự đối diện với nỗi buồn. Vì một lát nữa đây ông phải lao thân vào trong bếp, những sự cực khổ đó ông chẳng có nề hà, nhưng ông lại lo xa là không biết bữa nay phải nấu nướng những thứ gì cho vợ con ăn ngon miệng!
Ngoài trời giọt nắng chiều đang rọi xuống, trong nhà ông Năm Tú phải bận rộn liền tay. Vì cái tánh tự trọng quá đáng nên lâu ngày thành ra nhu nhược, cho nên ông đã tự động làm hết mọi việc gia đình, vậy mà lâu lâu ông cũng bị bà chì chiết. Thì ra cái xứ nầy là xứ của nữ hoàng, nên lịnh bà nó lớn hơn lịnh ông, thành thử ra con cái ở trong nhà, nhiều lúc tụi nó cũng xem ông là một người vô tích sự.
Trong lúc đang vo gạo, thì ông Năm Tú tự cười mỉm lấy một mình. Hôm nay tình cờ mà ông đã tổ chức được một tiệc nhậu, rồi bàn bạc lắm chuyện cũng rất văn chương, mà gẫm lại chuyện nào cũng rất là bổ ích. Ông ao ước lâu lâu được tổ chức như vậy một lần, để cho mấy ông bạn già có dịp tâm sự với nhau, vì đời sống tha hương ở đây rất dễ làm cho người ta buồn tủi!
Dòng suy nghĩ còn đang lẩn quẩn trong đầu, thì cái đồng hồ treo tường lại gõ lên những tiếng kêu rời rạc, làm cho ông ngước lên nhìn rồi cũng muốn giựt mình khi thấy chén bát còn nằm ngổn ngang trong chạng. Ông Năm Tú bèn xắn tay áo lên làm thật lẹ, để còn lấy thịt heo nạc ra xắt đem kho. Đó là một bổn phận đã lâu ngày nên ông làm rất là thuần thục, như là một ông thợ nấu lành nghề, chớ không phải là một ông Năm Tú đã có một thuở vàng son, đã ngồi chễm chệ ở văn phòng, cũng có tài xế lái xe hơi đưa đi hội họp.
Ôi giòng đời đưa đẩy thật không ngờ, mới đó mà đã hăm mươi mấy năm, nếu tính từ ngày 30/4/75 để làm cái mốc; thì sự thay đổi tuồng đời có biết bao nhiêu chuyện đã xảy ra. Từ việc làm ông rồi trở xuống làm thằng, cũng có người đang làm thằng, bỗng dưng lại ngồi xổm trên đầu cha thiên hạ. Âu đó cũng là một chuyện đổi đời, nó thường thay thịt đổi da, mà cuộc thay đổi nào cũng làm cho người ta quặn thắt. Dòng suy nghĩ còn đang rào rạt trong đầu, thì bỗng dưng có tiếng điện thoại reo vang, ông lau lẹ bàn tay rồi đi lại cầm lên áp vào lỗ tai nói chuyện.
Không biết trong máy điện thoại bà xã của ông đã dặn những gì mà trên gương mặt của ông lại lộ vẻ buồn hiu, hình như bả đang dặn ông chiều nay kho ngót. Nhưng mấy con cá hanh câu được hồi hôm đâu còn vì ông đã nấu một nồi kho ngót đãi bạn vừa xong, thôi thì ông cũng phải đành chế biến món ăn theo kiểu khác, để cho chiều này bả về có nước mà chan, vì trong tuổi già hình như bữa ăn thường hay mắc nghẹn. Đó cũng là một sự thật rất đau lòng, nhưng con cái nào hay, vì giọt nước mưa nào cũng từ trên trời cao rơi xuống. Không biết rồi đây trong cuộc sống tha hương những người già cả họ còn lại những gì, một hoài niệm cũ của một thuở xa xưa, hay là một cái bóng mờ của một thời Nho giáo./-