main billboard


Tuân và Lan cùng lớn lên ở xứ Đoài, cả hai đã bỏ ngang việc học vì đất nước chiến tranh...

ao dai trang

Kính tặng bố Tín để nhớ lại câu chuyện xưa và kỷ niệm chuyến về thăm quê cũ ở tuổi trăm năm. Mến gởi cô em gái Minh Nghĩa bên nhau cùng ẩn núp trong lòng mẹ thời thơ ấu loạn lạc...

Sơn Tây cả tuần nay hoang mang với tin đồn, quân Pháp sẽ tảo thanh các khu phố trong tỉnh lỵ để tìm kiếm du kích Việt Minh võ trang đã về ẩn náu hoạt động. Trai làng từng nhóm đi theo Cách mạng từ mấy năm nay khá nhiều, ở lại tỉnh trong mỗi hộ, đa số chỉ còn Lão làng và đàn bà trẻ em. Lác đác vài thanh niên vừa lớn lên giữa thời loạn, buổi giao thời chưa biết ngả về đâu... nên vẫn còn ở nhà để lo gặt chiêm vào độ tháng 6 trước khi mùa mưa tới.

Tuân là một trong những chàng trai ấy, tuổi 20 chưa theo kháng chiến và còn sống ở quê. Sáng nay ngày chủ nhật, chàng đạp xe lên mãi tận làng Mai Trai, Nghĩa Phủ rồi vào ngã ba đồi Thông xem xét tình hình... Đại chiến thứ hai chấm dứt, quân Pháp không muốn từ bỏ thuộc địa nên trở lại đây hàng hàng lớp lớp, đóng binh tại đồi Thông trên đường đi Sơn Lộc vào tới gần chân núi Ba Vì và mở chiến dịch Việt Bắc đánh vào chiến khu. Thế sự hẳn đã đến hồi quyết liệt! Gia đình Tuân có ba anh em, hai anh theo Cách mạng từ tháng 8 năm 45, năm nay Tết Kỷ Sửu 49 vẫn biệt tăm chưa về. Chàng đạp chậm xe lại rồi ngừng ở con đường phía trước cửa Tiền thành cổ ngồi nghỉ chân và chờ gặp Lan bởi vì hai đứa đã hẹn ở đây để cùng bàn bạc vấn đề thời sự rồi lo tính chuyện tình yêu...

Tuân và Lan cùng lớn lên ở xứ Đoài, cả hai đã bỏ ngang việc học vì đất nước chiến tranh, hơn nữa nhà ai cũng neo người nên quay ra giúp gia đình việc đồng áng. Làm việc quần quật từ sáng đến chiều, hai đứa chỉ gập nhau hàn huyên tâm sự lúc ăn trưa khi ngồi dưới gốc đa bên bờ ruộng. Tuân đã yêu Lan ngay từ buổi ban đầu, cách đây đã hơn một năm. Chàng yêu nhanh chóng mà không cảm thấy vội vàng, đôi khi lại trách thời gian đi chậm hơn những dự tính ấp ủ là mong ước được sớm cưới Lan về làm vợ.

Chiến sự âm ỉ, chỉ đợi ngày bùng nổ đã khiến nhà nông đứng đầu kẻ sĩ, “hết gạo chạy dông, nhất nông nhì sĩ”. Miền quê xứ Đoài, từ bao lâu nay vẫn có vụ mùa và vụ chiêm. Vụ mùa, cấy thuần lúa, được bắt đầu vào những tháng có mưa và kết thúc vào độ cuối thu là lúc thời tiết chuyển sang mùa hanh khô. Với tất cả người trong làng, đây là vụ chủ yếu nuôi sống dân quân và ngược lại, vụ chiêm là phụ, vào tháng vắng những cơn mưa chỉ trồng lúa ở những nơi trũng thấp vẫn còn đọng nước ao tù.

Hằng năm, mỗi khi thu hoạch vụ mùa xong, đất còn ẩm ướt, dân làng sửa soạn ngay vụ hoa mầu Đông xuân, cầy đất để gieo mạ chiêm. Trước Tết Nguyên Đán một tuần, Tuân cũng vừa cấy chiêm xong, sang tháng 5 âm lịch như bây giờ là mùa gặt chiêm, cả tỉnh lỵ ai cũng bận rộn, cố gắng canh tác thu hoạch xong vào giữa tháng để tránh những trận mưa rào làm ủng ngập lúa chiêm đang chín rộ. Lao động vất vả quanh năm nhưng thời điểm này bận rộn nhất thì lại nghe tin quân du kích về Thành và lính Tây sửa soạn bố ráp.


Chuyện tình yêu như trái chín trên cành, định sau khi thu hoạch lúa chiêm và cầy cấy vụ mùa năm nay, Tuân sẽ mang lễ vật đến nhà Lan và vì quê hương còn chiến tranh nên gia đình chỉ dự tính tổ chức đám cưới thật giản dị, bỏ cả lễ dạm hỏi cốt sao Tuân được sống bên Lan cho bõ những ngày tuy gần mà xa. Buổi sáng gặp nhau ở đầu ngõ, trưa cầy cấy trên đồng ruộng nhưng lúc chiều về chầm chậm trên đỉnh núi Ba Vì thì hai đứa lại lủi thủi, ai về nhà nấy, ôm gối trằn trọc, thổn thức trong tình yêu đôi lứa mơ mộng.

Biết đất nước cần thanh niên tay súng, tay cầy nên Tuân đã chọn tay cầy vì chỉ nghĩ nếu phải xa Lan để vào chiến khu, lòng chàng sẽ tan nát như lá bàng rời cành sau cơn gió nhẹ. Những cây bàng dọc theo bờ hào Thành cổ, đổi mầu lá theo mùa và ở nơi đây, chàng vẫn thường hẹn hò tuổi thiếu thời, ngẩn ngơ nhìn những chiếc lá đỏ còn níu đậu trên không hay bay ngang lả tả xuống mặt đường theo chiều gió thổi. Sơn Tây là quê hương của những cây bàng lá đỏ, gia đình chàng ở khu Hậu An và từ đó đến Thành cổ chỉ cách vài con đường.

Thành được xây bằng đất đá ong nhưng cách đây hai năm, vào năm Đinh Hợi 47, chính phủ nhân dân áp dụng chiến thuật “tiêu thổ kháng chiến” nên bây giờ đứng trước bờ hào quanh co, Tuân se buồn khi nhìn đống gạch hoang tàn đổ nát, tất cả chỉ còn lại vài chiếc cổng và đôi đoạn tường thành nghiêng ngả.

Quân Tây không vào đây thì đóng ở đồi Thông, phía Tây nam trên tuyến đường về thủ đô Hà Nội mà chàng vừa quan sát sáng nay. Đất cổ Sơn Tây có tầng đá ong vì khắp nơi trên xứ Đoài, giữa núi non hùng vĩ là những dòng sông chẩy dọc ngang như lưới nhện, chuyển tải phù sa về bồi đắp miền núi Tản Nhị hà từ bao thế kỷ. Tầng đá ong lúc còn ở dưới bậc thềm tích tụ nước mạch thì mềm, khi mang lên mặt đất tiếp xúc với nắng gió thì rắn cứng lại. Thời gian trôi qua làm khối đất bên ngoài có hình dạng lỗ chỗ như tổ ong sẽ từ từ đổi mầu sang nâu tím mang vẻ đẹp trang trọng, cổ kính nên từ lâu dân địa phương đã biết khai thác để xây Thành cổ và làm nhà quanh tỉnh lỵ nhưng hôm nay, sau khi thi hành chính sách “vườn không nhà trống” trường kỳ kháng chiến, bao công trình của miền đất cổ phù sa từ cả trăm năm đã bị thiêu hủy đơn phương một sớm một chiều.

Tuân yêu miền quê xứ Đoài như yêu mối tình đầu với Lan. Bao năm qua, từ tiết thu mong manh đến mùa đông se lạnh, kỷ niệm ngày đầu xuân đi chẩy hội đình làng, buổi chiều thả hồn trên đê sông Hồng khi tản bộ hay thả diều vào những ngày nghỉ. Nhớ nhất lúc thu hoạch hoa mầu, trai đập gái đong vào những đêm trăng sáng mà không thấy ai than mệt mỏi! Từng đám trai làng đập lúa theo tiếng hò, các cô gái lưng ong, đong đưa cặp mông, kĩu kịt gánh lúa về. Thường vào dịp này, nhà nào cũng gặt hái được ít nhiều “nếp cái hoa vàng” để thổi xôi, khi nấu mùi thơm bay khắp bản làng trong những ngày đầu xuân. Chàng đang miên man với kỷ niệm ngọt ngào thì nhìn thấy Lan đến từ đầu phố chợ Nghệ.

Với chiếc aó nâu sồng đã bạc mầu, ngắn hơn với khổ người vì gia cảnh nghèo, Lan vẫn đẹp thướt tha, nét thùy mị của cô gái vừa bước vào tuổi biết yêu. Tản bộ từ bên kia đường phía cửa Tả, đầu đội nón lá che nửa khuôn mặt, Lan bước đi thẹn thùng như con chim dấu mỏ, nửa ngại ngùng với cuộc gặp gỡ, hẹn hò lộ liễu vào buổi ban mai, nửa xao xuyến để cả thân hình thơ ngây rung lên vì hạnh phúc khi gặp lại người yêu. Tuân như chợt tỉnh cơn mê, hấp tấp làm đổ cả chiếc xe đạp nhưng cứ bỏ mặc, chạy ù đến nắm tay Lan dìu đến gốc bàng bên cạnh cây phượng vĩ có cánh hoa đỏ vừa nở giữa bầu trời mây trắng xứ Đoài.

- Anh chờ em có lâu không?

- Một phút cũng lâu mà một ngày cũng chóng!

- Anh nói văn chương quá! Em chẳng biết hiểu thế nào?

- Lan ạ! Anh thấy tình hình căng thẳng quá, dân làng mình ai cũng lộ vẻ bi quan, nhiều cửa hàng bình thường buôn bán, bây giờ cũng đóng cửa ngày cuối tuần... Họ bảo bộ đội về ẩn núp trong tỉnh để đánh du kích... mật thám họ được tin nên bố ráp kỹ lắm.

- Như thế thì liệu chúng mình có phải xa nhau không anh? Mấy đêm nay, em mất ngủ vì nghĩ đến anh... tưởng tượng một ngày nào đó chiến trường sẽ cướp mất anh đi!

- Em ơi! Anh sẽ cố ở gần bên em, đất nước kỳ vọng mỗi người một tay, mùa gặt chiêm đang cần chúng mình ra sức thi công, có chân ruộng nào mà lúa chiêm chưa chín già cũng phải gặt rồi đem ủ ở hiên nhà, ít ngày sẽ chín thêm, khi đập lúa hạt sẽ dễ rụng. Trước tình thế vô định này, anh chỉ xin được cưới em mau chóng để về chung sống sau vụ mùa năm nay. Lan nghĩ thế nào?

Trả lời câu hỏi của người yêu, Lan khép đôi mắt, nắm chặt tay Tuân, để luồng điện vô hình chạy khắp thân nàng như hòa vào lời hẹn ước cho cuộc sống lứa đôi từ nay sẽ ghi mãi đến mai sau. Nàng khẽ ngả vào bờ vai Tuân và thấy đời trong chiến tranh khói lửa, dù gian nan mịt mùng, vẫn đẹp muôn mầu vào lúc đang yêu.

Sáng hôm sau, khi sương mai còn bao phủ cả vùng phù sa đất cổ, bóng Ba Vì ẩn hiện chờ đợi ánh nắng bình minh, dân làng Hậu An vừa thức dậy, sửa soạn ra đồng cầy cấy vào ngày thứ hai đầu tuần thì nét mặt mọi người không ai dấu nổi nỗi lo âu sợ hãi. Họ bàn tán vì tin nóng vừa loan truyền cho biết một tên lính Lê dương đã trúng đạn của du kích quân khi đi tuần ở làng này lúc nửa khuya về sáng.

Lão làng, trai làng và mõ…đứng ngồi ở khu đình chùa Hậu An, chăm chú nghe cụ Tường, vị chức sắc có phẩm hàm cao nhất dặn dò những bất trắc có thể sẩy ra để đề phòng mà đối xử với quân Pháp trong khi các bà, các cô mười mấy người kể cả Lan chăm lo ở dưới bếp sửa soạn cơm nước để lên đường ra đồng canh tác cho kịp giờ đầu ngày. Theo truyền thống, lão làng là những người trên 50 tuổi và trai làng thì từ một tuổi đến 50. Trai làng lại chia thành hai nhóm: trẻ con từ nhỏ đến 18 và “trai đinh” ở tuổi 18 lên 50.

Vây quanh cụ Tường, ba lão làng là cụ Bình, cụ Ninh và cụ Quyến hình như đoán trước được những hành động trả thù của quân Tây qua kinh nghiệm sống nên chỉ ngồi lặng thinh nghe ngóng. Trong ba cụ, cụ Bình là can trường nhất, em ruột cụ Tản Đà ở huyện Bất Bạt, võ nghệ điêu luyện nên bề ngoài nhanh nhẹn khỏe mạnh, cặp mắt tinh anh như không nề hà thử thách bất kể từ đâu đến, hàm râu dài trắng xóa phất phơ trước gió nhìn tựa chân dung một tiên ông. Cụ Quyến là y sĩ của làng, cụ theo cả Đông và Tây y nên tiếng Pháp nói thông thạo.

“Trai đinh” thì có năm người: Tuân, Chính, Lịch, Hải và Tín. Theo thứ tự thì Tuân nhỏ tuổi và Tín là người lớn nhất đám “đinh”. Năm nay, Tín đã ngoài bốn mươi, thân hình như cây tre nên dẻo dai và nhanh nhẹn. Chàng học ở Bưởi khi lên tỉnh nên thuộc lớp trai làng sớm hấp thụ nền văn minh Tây phương. Chàng nói tiếng Pháp, ăn mặc theo lối tỉnh thành, thích uống rượu nhưng tâm hồn hướng theo tư tưởng Khổng Nho lấy trung hiếu và nghĩa làm nền tảng đạo đức. Tín lập gia đình với Cam, người cùng phố Hậu An và có được 5 người con. Đứa con gái út vừa ra đời vào dịp Tết Kỷ Sửu cách đây vài tháng, vợ chồng đặt tên là Minh Nghĩa để kỷ niệm ngày Việt Minh khởi nghĩa.

Hôm nay, Cam cũng ngồi thổi cơm giúp mọi người mặc dù không ra đồng canh tác vì thể lực còn yếu sau khi sanh nở. Một tay ẵm đứa bé gái ghì sát vào ngực, một tay dắt thằng con trai tên Vinh vừa tròn ba tuổi, Cam đưa mắt nhìn chồng e ngại, cứ nhìn lên rồi lại cúi xuống xem chừng hai con nhỏ như đoán trước hiểm nguy sắp ập đến với gia đình mà tấm thân nhỏ bé của nàng đành an phận buông xuôi và cam chịu như tên gọi của mình.

Bỗng nhiên, có tiếng xe nhà binh thắng gấp trước đường làng, hai tên lính Lê dương nhẩy xuống, tay ôm sát nách khẩu súng trường. Chúng vào làng để kiểm tra, cướp phá... vì chỉ nhìn sắc mặt đen đỏ cũng đoán ngay đó là những hung thần.

Để bổ sung quân số sau Đệ nhị thế chiến, nước Pháp thâu nạp lính Lê dương ở Bắc và Nam Phi châu như Maroc, Algérie hay Sénégal... Họ thuộc lớp lính viễn chinh đánh mướn, nghèo khổ ở đất mẹ sẵn mang bản chất dã thú, ác độc, không gia đình hay tổ quốc nên chỉ biết giết người theo lệnh chủ là thực dân Pháp. Da họ ngăm đen hay đen nhọ nhồi tùy theo quê hương xuất xứ, có đứa rạch mặt để những vết sẹo dài trên hai gó má, chỉ nhìn thôi cũng thấy bao nỗi kinh hoàng.

Lịch và Hải, hai người “Trai đinh” như biết bổn phận phải bảo vệ thôn làng và đám đàn bà trẻ con nên tiến lên nghinh tiếp... tức thì bị hai tên Lê dương đập báng súng vào giữa ngực, lăn đùng ra đất! Chúng tiến lên phía cụ Tường và hỏi bằng tiếng Pháp:

- Où avez vous caché les Việt minh? (Ông dấu quân Việt Minh ở đâu?)

Cụ Tường trả lời ngắn gọn:

- Excusez moi, nous ne savons rien! (Xin lỗi, chúng tôi không biết gì cả!)

Tức thì một thằng đi thẳng vào trong gian nhà bếp, một thằng đứng ngoài chĩa súng vào đám Lão làng và “Trai đinh” đề phòng phản ứng.

Hai thằng lính da ngăm đen hình như đến từ miền Bắc Phi xứ Maroc? Hai đứa tương phản, một thằng cao, một đứa thấp, thân hình thô tục với môi thầm bên ngoài hàm răng cáu bẩn bựa khói thuốc. Thằng thấp vừa bước vào gian nhà bốn vách dùng để nấu bếp, điếu thuốc vẫn lập loè dang dở trên môi.

Các bà đang nhốn nháo bàn tán, bỗng không gian im lặng như tờ, ngay cả tiếng thở dồn dập trong tim cũng ngừng khi nhìn thấy thằng lính Tây xứ Ả rập vừa xuất hiện ở lối đi. Đôi mắt cú vọ của nó tảo thanh trên thân thể từng cô gái. Trước đó, chỉ mấy phút khi nghe tiếng xe nhà binh, có bà đã trét tro than lên mặt, vài cô xoã tóc, trợn trừng mắt giả điên hay điên thật vì kinh sợ chẳng ai đoán biết được... còn Cam, nàng bôi cả máu gà lên thân thể, ngồi thu mình ở góc nhà ôm chặt hai con thơ, một trai một gái, đứa con trai tò mò nên chốc chốc lại mở mắt nhìn lén qua cánh tay mẹ. Giữa không gian lạnh lẻo bất thường của tử thần, những đứa trẻ cũng biết sợ hãi, rúc đầu vào lòng mẹ như đám gà con, thỉnh thoảng thút thít phát ra tiếng khóc thầm.

Khẩu súng trường cặp kè bên nách, thằng thấp ra khỏi phòng với hai cô gái tuổi còn trinh tiết: Lan và Tuyết. Tuyết là con gái út của cụ Quyến, được bố mẹ cưng chiều có vóc dáng thướt tha với mái tóc dài, nét đoan trang thể hiện qua nước da trắng như trứng gà bóc. Đứng cạnh thằng lính Lê dương người ta tưởng tượng ngay đến hình ảnh con cóc bên nàng công chúa! Vừa nhìn thấy cảnh tượng, mọi người đã bắt đầu sôn sao náo loạn...

Tuân đứng giữa đình chùa, bất động như trời trồng, nỗi đau kinh hoàng làm chàng tê liệt toàn thân khi nhìn thấy người yêu bị lôi ra ngoài sân mà mặt mếu máo, ngoái đầu nhìn về phía chàng cầu cứu. Bất chợt, bốn mắt nhìn nhau… “Đôi mắt người Sơn Tây” đầm đià những hàng lệ…

- Em ơi! Trời... Lan ơi! Sao lại thế này...

Tuân không còn tự chủ, nhoài người tới bất kể hiểm nguy thì cụ Quyến đã kéo chàng lại. Đứa con gái rượu đang bị nguy khốn, cụ không thể đứng nhìn căm hờn mà phải có hành động cụ thể tức thì. Giận quá mất khôn, cụ tiến đến gần thằng lính thấp, chỉ vào mặt nó, dõng dạc như một vị đại thần ra lệnh:

- Cette jeune fille est ma fille. Lâches la. Si tu as lintention de la violer. Je te tuerai. (Cô gái này là con tôi. Buông nó ra. Nếu anh có ý định hãm hiếp nó. Tôi sẽ giết anh)

- Đùng...

Để thay cho tiếng trả lời, một viên đạn đã ghim ngay ngực cụ Quyến. Thằng lính cao đã lạnh lùng bắn cụ, máu tóe ra từ tim đỏ bực thềm. Cụ ngã xuống, nằm dài dưới đất, đầu vẫn ngoái về phía Tuyết, con gái cụ đang dẫy dụa vô vọng trong tay những thằng lính Lê dương cuồng dâm. Mẹ của Tuyết điên dại khi nhìn thấy chồng trên vũng máu, con gái trong tay giặc, nhẩy từ nhà bếp ra ngoài sân, lao thẳng vào thằng lính thấp đang ôm ghì Lan và Tuyết con của bà. Cùng lúc ấy, Linh và Hải bị thương đang nằm dưới đất, trườn lên vồ lấy hai chân thằng lính cao vừa nổ súng vào cụ Quyến, chẳng may nó nhẩy lùi ra xa kịp thời để tiếp tục bắn vào đám dân làng xứ Đoài đang chống giặc với hai tay trần trơ trụi.

- Đùng. Đùng.. Đùng...

Sau tiếng súng, từng thân người ngã xuống, máu chan hòa khắp nơi. Linh, Hải, bà mẹ Tuyết và Chính gục đầu bất động. Chúng nó đã nhắm lực lượng “chính quy” của làng là Trai đinh để bắn. Tiếng la hét từ trong bếp ra ngoài sân như cảnh chợ vỡ hoà lẫn trong tiếng đau thương tuyệt vọng của hai cô gái nhưng bất thình lình vượt lên trên không gian là tiếng thét quyết tử, quyết sinh của cụ Bình:

-Cha.a..ạ...y... Cha.a..ạ...y...

Ba bóng hình nhanh như cắt, ba chân bốn cẳng cúi sát người vào mặt đất, chạy không quay đầu lại vì tiếng súng vẫn đì đùng nổ về phía nơi họ tẩu thoát. Họ chạy về hướng Đông bắc để đến làng Phù Sa, nơi đây từng có thành tích chiến đấu oai hùng, đánh quân Pháp ngay từ khi địch từ dưới sông Hồng đổ quân lên bờ vào năm 1883, tên đại úy Doucet đã tử trận khi tấn công đồn năm xưa.

Hai người theo cụ Bình đến được làng Phù Sa là Tuân và Tín. Ở Hậu An, sau khi nổ súng giết người, gieo khủng bố tang tóc, sân đình chùa bỗng dưng trở thành bãi chiến địa, dân làng chạy tứ phương tìm chỗ ẩn náu, còn lại hai tên lính Lê dương; thằng cao ôm cô Lan, thằng thấp ghì cô Tuyết, mỗi đứa một góc, lột trần hai cô gái còn tuyết trinh, hiếp trong tiếng rên la, máu hòa cùng nước mắt ngay trên cánh đồng đang chín bông gạo mùa lúa chiêm. Cả hai cô đều bị bắn, thân xác lõa lồ không môt mảnh vải che khi những tên lính Lê dương, ác qủy đội kiếp người, thỏa mãn dục tính để lại mồi như loài thú rừng hoang.

Hôm sau, khi nắng vàng còn vương trên bờ đê, Tín rảo bước trở lại tìm Cam và các con ở làng Hậu An mà lòng lâng lâng cả một trời buồn... Thân trai thời loạn ly, mai đây chắc chắn chàng sẽ phải chọn cho mình một hướng đi. May mắn sống sót để gặp lại vợ con khi phải đối diện với tử thần trong gang tấc sáng hôm qua, khẽ khép đôi mắt, Tín cúi xuống như thầm cảm ơn Trời Phật độ lượng cho cuộc đời bất ngờ còn được bình yên của mình .

Cụ Bình cũng không bao giờ thấy trở lại khu phố cổ Hậu An nữa, cụ đã theo kháng chiến vào chiến khu Việt Bắc hay sống ẩn náu với cụ Tản Đà ở làng Bất Bạt... Không ai rõ cụ đã đi và về nơi đâu?

Riêng Tuân rời làng từ sáng hôm ấy, mang theo tiếng khóc của người yêu vọng đến từ suối vàng và chàng không sao quên được đôi mắt đẫm lệ tuyệt vọng quay lại nhìn để suốt đời từ nay phải thổn thức!

Thiên nhiên cứ đến rồi đi theo chu kỳ, cầy cấy lại tiếp diễn hàng năm vụ mùa và vụ chiêm ở tỉnh lỵ Sơn Tây nhưng những năm sau này đã vắng bóng Tuân. Đáp lời sông núi, chàng đã vào chiến khu sau khi tức tưởi nhìn cảnh người yêu sắp cưới chết thảm thương trong tay quân thù.

Vĩnh viễn xa Lan, xa những cây bàng ở Thành cổ mà lúc thu về đứng buồn thiu trút lá xuống đường... Hò hẹn cũng đã vội vàng khép lại nên Tuân chẳng còn tha thiết đến chuyện mùa màng từ buổi sáng thứ hai súng nổ... cướp đi người yêu và những kẻ thân thuộc.

Có thể thi sĩ Quang Dũng đã gập Tuân ở chiến khu Việt Bắc vào những chiều rừng bạt ngàn nhớ về kinh kỳ... Họ ngồi bên nhau tâm sự nỗi lòng dang dở bi thương nên bài thơ thi sĩ có những câu:

Từ độ thu về hoang bóng giặc.
Điêu tàn ôi lại nối điêu tàn.
Đất đá ong khô nhiều suối lệ.
Em đã bao ngày lệ chứa chan?
Đôi mắt người Sơn Tây.
U uẩn chiều lưu lạc...

Dĩ vãng đau thương, muốn sống Tuân phải tìm quên nhưng đôi mắt Lan, người con gái Sơn Tây nhìn chàng vô vọng vẫn không làm sao tan biến được nhớ thương và tủi hờn... Từ dạo đó, hình ảnh người yêu cực kỳ thảm khốc quằn quại trong tay giặc luôn luôn hiện hữu, âm u một cõi trong tâm hồn chàng...

Tuân cũng không quên ngày chủ nhật cuối cùng gặp gỡ với những giây phút êm đềm dù bây giờ tất cả đã theo Lan về bên kia thế giới. Chàng ân hận, thầm tiếc một điều là khi đưa Lan về chiều chủ nhật hôm ấy, tình yêu chan hoà mà ngại ngùng chẳng dám tỏ tình để được... ôm nàng hôn dù chỉ một lần với người yêu một đời.

Kết cuộc, chiến tranh đã “không chết người trai khói lửa mà chết người gái nhỏ hậu phương” như bài thơ “Mầu Tím Hoa Sim” của Hữu Loan. Chuyện Kể “Đôi Mắt Người Sơn Tây” xem như mối tình u hoài triền miên của miền quê xứ Đoài có núi Tản sông Nhị hùng vĩ.