main billboard

 

Thời còn đi học, lang thang từ Nha Trang đến Sài Gòn, dù con nhà nghèo, học tàm tạm, và nhan sắc dưới trung bình, tôi cũng đã mang tiếng đào hoa...

ao-dai-trang-hocsinh


(Viết cho em và những người vợ lính trung hậu)
Thời còn đi học, lang thang từ Nha Trang đến Sài Gòn, dù con nhà nghèo, học tàm tạm, và nhan sắc dưới trung bình, tôi cũng đã mang tiếng đào hoa. Cho nên có muốn kéo dài thêm cái đời học trò để được mơ mộng đủ thứ chuyện dưới biển trên trời thiên hạ cũng đâu có cho. Rồi có phải thuộc giòng hào kiệt gì đâu, tôi cũng xếp bút nghiên theo việc kiếm cung. Nói kiếm cung cho nó vẻ văn chương và lãng mạn, chứ thực ra tôi vào lính, mà lại là thứ lính hạng bét thì làm gì có kiếm với cung. Có phải lính tàu bay tàu thủy gì đâu, mà là lính đi bộ. Lúc băng rừng lội suối, mặc bộ đồ trận hôi hám cả tuần không tắm, tôi ghét cay ghét đắng cái ông nào là tác giả cái câu “Bộ Binh là nữ hoàng của chiến trường” mà tôi đã đọc được ngay từ khi mới vào quân trường, đếm bước một hai để hát bài “đường trường xa”. Khổ thì khổ vậy, chứ mấy cô gái bé bỏng hậu phương lại mê lính trong mấy bản nhạc của ông Nhật Trường. Vì “nếu em không là người yêu của lính, ai thương nhớ em chiều rừng hành quân, ai băng gió sương cho em đợi chờ, và giữa chốn muôn trùng ai viết tên em lên tay súng?..”. Nhờ vậy, trong mấy năm đóng quân dọc đường số 1, nơi nào tôi cũng để lại vài mối tình con. Tôi nghĩ đời lính như vậy mà vui, thì thôi chớ tính chuyện vợ con làm gì cho nó vướng chân vướng cẳng. Hơn nữa tôi cũng hiên ngang với đám con gái lắm, thì làm gì có chuyện “chết trong mắt em”. Vậy rồi trời xuôi đất khiến thế nào, sau mấy năm đánh đấm ở Quảng Đức, Ban Mê Thuột rồi Bình Định, Phú Yên, đơn vị tôi được mấy cái tàu há mồm chở vào bỏ xuống bãi biển Nha Trang vào lúc đường phố mới lên đèn. Tôi thấy lòng lâng lâng sung sướng vì không khí yên bình của thành phố biển, mà cũng vì tưởng mình đã được trở về với những “hang động tuổi thơ” của ông Nguyễn Xuân Hoàng. Nào ngờ, khi còn mải mê với mộng mị, tôi bị đánh thức lúc nửa đêm cùng đơn vị leo lên một đoàn xe mấy chục chiếc để tiếp tục “hát khúc quân hành”. Đoàn xe ra khỏi thành phố, qua Ty Thông Tin, ra quốc lộ 1, trực chỉ hướng bắc. Tôi lại mừng thầm, nghĩ là sẽ được về dưỡng quân ở huấn khu Dục Mỹ. Nhưng tôi đã “ước tính tình hình” sai bét. Đoàn xe dừng lại tại bùng binh, ngã ba Ninh Hòa. Một tiểu đoàn lính đổ xuống cái thị trấn còn đang say ngủ. Đại đội tôi nhận lệnh vào đóng quân trong sân vận động. Sáng hôm sau tôi rủ mấy thằng bạn, quần áo chỉnh tề, ra phía trước “thăm dân cho biết sự tình”.

Thấy một ngôi nhà mở cửa, bọn tôi bước vào làm quen. Chủ nhà là một cô gái nho nhỏ dễ thương, mời đón mấy thằng lính trời ơi đất hởi mà miệng vui cười, e thẹn nhìn tôi bằng cặp mắt nai tơ. Vậy mà thằng lính ngang tàng như tôi lại chết trong đôi mắt ấy. Bắt đầu từ một chuyện tình cờ như vậy đó, mà tôi trở thành chú rể của Ninh Hòa hơn một năm sau. Trường Trần Bình Trọng cũng vừa có một cô học trò bỏ trường, bỏ lớp, bỏ bạn bè và bỏ cả đội múa ”Trăng Mường Luông ”.

Bây giờ cứ mỗi lần đọc bài thơ của ông nhà thơ Quan Dương, người Ninh Hòa, là tôi nhìn thấy có tôi trong đó:

Hồi nhỏ tôi rất anh hùng
Một mình dám nhảy cái đùng xuống sông
Bơi nghiêng, bơi ngửa giữa dòng
Hiên ngang trấn giữ một vùng tuổi thơ
…………
Lớn lên trở chứng ngu khờ
Mắt em nào phải bến bờ sông sâu ?
Cớ sao chưa kịp lộn nhào
Đành chịu chết đuối, thiệt đau đúng là..

Nàng làm vợ lính đúng tám năm. Tám năm khốn khổ lo âu. Vì lúc nào cũng có thể trở thành góa phụ. Đã vậy đứng ở Ninh Hòa lúc nào nàng cũng nhìn thấy hòn núi Vọng Phu sừng sững cuối chân trời! Nhưng rồi nàng không trở thành góa phụ mà lại trở thành tù phụ. Cơn sóng bất ngờ phủ xuống miền Nam, cuốn nàng theo cùng những người có chung số phận. Thân phận bọt bèo với một đàn con dại, cô học trò Trần Bình Trọng bé nhỏ ngày nào bây giờ phải một mình chống chọi với phong ba.

Riêng tôi, một thằng lính bất ngờ thua trận thì chuyện tù đày nào có than chi. Chỉ tội nghiệp cho “người tình bé nhỏ” ngày xưa. Tôi tự trách mình, giá mà ngày đó tôi đừng ra khỏi cái sân vận động, không gặp nàng, thì biết đâu nàng chẳng tìm lại một cố nhân nào đó - mà tôi thường nghe nàng nhắc đến với lòng ngưỡng mộ - bây gìờ đã là một ông quan hải quân, sẽ đưa nàng xuống tàu ra khơi đi tìm vùng đất hứa.

Rồi nàng bỗng dưng trở thành con cò lặn lội bờ sông của ông Trần Tế Xương, để nuôi đủ sáu con với một chồng – ông chồng gần tám năm biền biệt ở các trại tù Lào Cai, Yên Bái.

Tôi còn nhớ lúc ở trong tù, tôi may mắn nằm bên cạnh nhà thơ lớn Tô Thùy Yên. Tôi rất quý anh vì anh là một người tù có tư cách. Thấy tôi dốt nát mà cũng thích thơ văn, anh làm tặng tôi một bài thơ khá dài và hay lắm. Nhưng lúc bị cai tù kiểm tra, tôi nhát gan nên bỏ cả bài thơ vào miệng nhai nát rồi nuốt vào cái dạ dày đang đói. Vì vậy tôi không còn nhớ hết mà chỉ thuộc lòng mấy câu viết về nàng:

Tám năm áo rách bao nhiêu lượt
Em vá chồng lên những nỗi niềm
Từ thuở anh đi nhà tróc nóc
Con thơ đâu còn biết vui cười
.................................................
Cô gái Ninh Hòa, thương quá đỗi
Một mình chèo chống giữa phong ba

Ra khỏi trại tù, dường như tôi chỉ đem về cho nàng thêm những đắng cay. Với một người chồng còn mang đầy những vết thương cả trên thể xác lẫn tâm hồn, cùng một đàn con thơ dại, giữa một xã hội chất chồng thù hận, nàng biết xoay xở làm sao ? Cuối cùng, nàng phải cùng chồng con, đem sanh mạng đánh một canh bạc cuối cùng.

Có lẽ ông trời không phụ lòng nàng. Chuyến đi vội vã, chuẩn bị chưa xong, rồi cũng đến được bến bờ. Trong lúc bao nhiêu người tìm cách tận hưởng hạnh phúc của một điều tưởng chừng may mắn nhất của con người, hoặc ít ra cũng ngơi nghỉ để hoàn hồn từ cõi chết, nàng lại tiếp tục làm kiếp con cò trong một vùng băng tuyết mênh mông, lo lắng cho con, để cho chồng học thêm vài ba chữ và vác ngà voi chạy đủ thứ chuyện bao đồng.

Bây giờ những đứa con đã trưởng thành. Nàng chiều chồng để cho mỗi đứa tự chọn đất nước nào nó thích mà dung thân. Mỗi đứa một phương trời. Nàng lại là một hậu phương cho các con đi vào trận mới. Ngôi nhà trở nên trống vắng. Cuối cùng nàng cũng chì còn có tôi, người lính thất trận năm nào, đã mang đến cho nàng biết bao là hệ lụy. Dư âm cuồng nộ của những cơn dông bão năm nào dường như vẫn còn đâu đó trong giấc ngủ của riêng nàng.

Tuổi sắp già, mà tôi còn mang nhiều món nợ. Biết làm sao trả cho xong. Nợ núi sông, nợ máu xương bè bạn. Mà khổ thay, tôi thì cứ mãi là thằng lính hèn mọn, bạc tình. Và tôi còn nợ nàng, nợ Ninh Hòa. Mảnh đất hiền hòa đã cho tôi một người vợ chung tình, cùng tôi qua bao cuộc biển dâu.