main billboard

 

Cháu... cháu... cháu rất yêu chú. Cháu không muốn chú xem cháu như một đứa cháu...

mong-uoc-phu-du
Cùng với tiếng gầm rú của phản lực cơ ngoài phi đạo, là tiếng kêu đau thương trong lòng Nga. Cô bé kín đáo đưa tay áo ngăn chặn dòng nước mắt sắp trào ra hai bên má. Chú Long đã đi rồi. Không bao giờ Nga “gặp” lại chú nữa, dù rằng cả chú và Nga còn hiện diện trên trái đất này. Chuyến đi này của Long cũng chấm dứt mối tình ngang trái của Nga với chú, mối tình đơn phương, say đắm nhưng vô vọng và cho đến chết. Nga cũng không thể toại nguyện được, vì một lẽ rất đơn giản Long là bạn thân của bố mẹ Nga. Và bên cạnh đó, Long còn có một mái ấm để thương yêu, để lo lắng, để có trách nhiệm với một người vợ hiền và ba người con, mà lớn nhất chỉ thua Nga bốn tuổi.
Nga gặp chú Long trong một dịp nghỉ hè. Nga được Bố cho đi Utah thăm gia đình chú Long định cư ở đây từ sau ngày mất nước. Đã hơn hai chục năm qua, chú Long không ra khỏi tiểu bang chú đang sống, mặc dù quanh chú chỉ toàn những người bản xứ da trắng và da mầu, vì chú yêu mến họ, và họ cũng rất yêu mến gia đình chú. Chú trầm mình trong phong cảnh núi rừng hoang dã, như trong những phim cao bồi viễn tây của nước Mỹ ngày xưa chú đã thấy trên màn ảnh. Chú quyến luyến và say mê nơi chốn này như một quê hương thứ hai không rời xa nữa. Hơn nữa, dưới mắt cư dân ở đây, chú thuộc loại di dân thành công trên miền đất định cư, nên chú cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.

Vợ chú, một người đàn bà hiền lành, chăm chỉ, như sinh ra để lấy chồng và phục vụ chồng hết mình. Tận tụy với nhiệm vụ làm vợ trong nhiều năm, nhưng lại muộn màng trong thiên chức làm mẹ, nên mãi đến hơn mười năm sau ngày cưới, chú mới làm cha một cô bé cực kỳ xinh xắn, với khuôn mặt trái xoan giống mẹ, và sống mũi cao, cùng đôi mắt to thông minh, lanh lợi giống bố. Chú yêu thích Hoàng Hậu Nam-Phương, vợ vua Bảo Đại, bà Hoàng Hậu nhân từ và đạo đức cuối cùng của triều Nguyễn nên chú đặt tên con gái cưng là Nam-Phương. Cô bé Nam-Phương kém Nga bốn tuổi. Ngay khi gặp chú Long, Nga đã thấy trời đất quay cuồng dưới chân, và Nga đã thấy trái tim mười bẩy tuổi của mình rạo rực một cách khác thường, trước dung mạo vui tươi, với khuôn mặt đẹp như một tài tử xi nê, một vẻ đẹp rất “đàn ông”. Những đường nét trên khuôn mặt chú Long đã cuốn hút Nga mãnh liệt, đến nỗi trong lúc nhìn chú Long nói chuyện với bố, Nga đã như “ăn” khuôn mặt hấp dẫn của chú Long và như “uống” những âm thanh toát ra từ giọng nói truyền cảm của chú Long. Nga ngạc nhiên thấy mình như đã quen biết và thân thiết với chú Long tự bao giờ, và cô bé chợt kinh hoảng khi càng lúc càng thấy say mê chú Long nhiều hơn.

Chuyến đi chơi của Nga chợt có ý nghĩa vô cùng khi Nga biết mình đã đột nhiên “phải lòng” chú Long. Thật ra, Nga vẫn thường nghe bố mẹ nhắc nhiều về chú Long khi gia đình Nga còn ở Việt Nam. Nào là chú Long thuở nhỏ thông minh, học giỏi lắm, đáng lẽ chú được học bổng du học tại Mỹ vào những năm đầu của thập niên bẩy mươi, nhưng vì ông thân của chú bệnh đã nhiều năm, không biết sẽ về với Tiên Tổ lúc nào, mà chú lại là con một nên không đành lòng bỏ cha để đi thật xa, xa mãi bên kia trời Mỹ được. Lại thêm cuộc tình duyên của chú với người thiếu nữ yêu chú thật nhiều – bây giờ đã là thím Long – đang hồi keo sơn, gắn bó. Vừa tình vừa hiếu níu kéo chân chú, không cho chú thỏa mộng công danh. Rồi chiến cuộc lan tràn. Rồi cái chết của người cha đã dẫn đến đám cưới chạy tang của chú Long. Rồi hai vợ chồng trong vành khăn tang mới, đã vội vã xuống tàu di tản. Cuộc sống di dân trên xứ lạ của chú bắt đầu từ đấy. Chú Long là bạn thân của bố Nga trong những hai người còn học chung dưới mái trường Chu Văn An. Bố Nga và chú Long thân nhau như anh em ruột thịt. Càng thân hơn khi hai nhà ở sát vách nhau, cùng ở trong ban Văn Nghệ và Thể Thao của trường. Có lần, khi nhắc về chú Long, bố Nga đã nói:
“Đáng lẽ bố và chú Long phải là anh em sinh đôi mới đúng. Cả hai giống y hệt nhau về năng khiếu và sở thích. Ít ai có khiếu về âm nhạc, hát hay, đàn giỏi lại có tài về thể thao đá bóng, bóng bàn, như bố và chú Long. Bố thích bơi lội giống chú Long. Chú Long cũng thích ngao du sơn thủy như bố. Không biết bây giờ ra nước ngoài, chú Long còn giữ và phát huy được những năng khiếu, sở thích ấy không?”

Bố mẹ Nga rất yêu mến chú Long. Tuy chưa gặp mặt chú Long, nhưng Nga đã hình dung ra con người chú Long dễ thương và đáng mến vô cùng. Tự nhiên, mối thiện cảm với chú Long nẩy sinh mạnh mẽ trong lòng Nga. Cho đến khi được gặp chú, ngay lần đầu tiên, cô bé mười bẩy tuổi đã bị tiếng sét ái tình của ông chú hờ đánh tối tăm mặt mày. Nga cảm thấy vô cùng chới với trong một thứ tình cảm kỳ lạ. Nga đã băn khoăn, thao thức nhiều đêm khi hình ảnh chú Long luôn ám ảnh cô bé. Bên phong cảnh thiên nhiên hữu tình của tiểu bang Utah, bên bố và bên chú Long, Nga có một mơ ước táo bạo:
“Thiên nhiên này, núi đồi này, giá chỉ có một mình mình với chú Long, không biết mình sẽ nói gì với chú Long nhỉ? Có đủ can đảm thú thật cùng chú những rung động trong lòng mình không?”

Nhưng rồi tiếng lòng Nga lại thốt lên thành lời:
“Nhưng thú thật để làm gì? Tình yêu đơn phương như con đường một chiều, như một độc đạo chênh vênh bên sườn núi, như một ngõ cụt không có lối ra. Mình hy vọng gì ở chú Long?”

Buổi tối, trong bữa cơm chiều, thím Long đứng lên, ngồi xuống, lui tới bên bàn ăn. Thím tiếp bố Nga và Nga thật nồng hậu, làm như chú thím đã gom hết cả những ân cần của thếgian để đón tiếp hai người khách phương xa mà chú thím rất quý. Khi thím đến sau ghế của chú Long ngồi, vịn hai tay vào vai chú Long mà nói chuyện với bố Nga, đôi mắt thím long lanh sáng, miệng thím cười thật tươi. Nga thấy tai cô bé ù và mắt tối lại, khi đôi tay thím mơn man hai bờ vai của chú Long trong một cử chỉ vô cùng trìu mến. Trí tưởng tượng của cô bé mười bẩy qua những hình ảnh đã thấy trên phim ảnh, dẫn dắt Nga tưởng tượng đôi tay ấy níu hai bờ vai chú Long, quấn quýt chú Long bằng những nụ hôn, dìm chú lún sâu trong khung trời hạnh phúc chỉ có thím và chú Long. Vâng, muôn đời chỉ là thím và chú Long. Không bao giờ, không thể nào là chú Long và... Nga được. Thím lại vịn vai chú, cười thật tươi, thật rạng rỡ, khi miếng thịt gà trong miệng Nga trở nên đắng ngắt, và đôi mắt cô bé cay xè như bị ai chà nhẹ bằng một lát ớt. Trời ơi, Nga đã bị tiếng sét ái tình với chú Long, và Nga đã yêu chú Long đến thế hay sao? Chợt chú Long quay sang bảo Nga:
“Kìa, cháu ăn đi chứ? Sao ngồi im thế? Hai bố con ăn thật tình đấy nhé!”

Rồi chú ân cần gắp thêm thức ăn vào chén cho Nga và bố Nga. Hai người bạn tri kỷ nói huyên thuyên về những kỷ niệm ngày cũ, những ngày Saigon bên quán cóc, những ngày Chu Văn An bên những buổi tập dượt văn nghệ, và những ngày thi đấu thể thao trong sân vận động Hoa Lư. Nga nghe, nhưng tâm trí bồng bềnh, bay bổng đâu đâu, cô bé thầm hỏi khi chú Long và bố biết nhau, Nga đang là hạt bụi nào trong cõi ta bà này, để bây giờ Nga say mê chú Long bằng một tình yêu ngang trái?

Càng mơ ước viễn vông, Nga càng cảm thấy hình ảnh chú Long không rời trí tưởng tượng. Nga tự hỏi sao chú Long đáng yêu quá, sao chú Long hấp dẫn quá. Hình như con người chú Long quá nhiều nam tính, nên đã cuốn hút mãnh liệt con người đầy nư õtính của Nga.

Chú thím Long đã dành nguyên một tuần lễ rong chơi bên núi đồi trùng điệp của thiên nhiên để làm quà đón tiếp hai bố con, đủ biết chú thím yêu quý bố con Nga thế nào. Còn Nga? Chú Long xem Nga như cô bé Nam-Phương của chú thím. Nga đau đớn và tê tái với ý nghĩ này. Ba chị em Nam-Phương đang nghỉ hè nên cũng được tham dự những buổi đi chơi trên chiếc xe “van” bẩy chỗ ngồi. Chú Long và bố Nga ngồi trước, thím và bốn đứa trẻ con ngồi sau. Làm như rất tình cờ, lúc nào Nga cũng dành ngồi sau lưng chú Long, để được nhìn khuôn mặt chú trong kính chiếu hậu, để cặp mắt của Nga được thay thế đôi tay của thím ve vuốt bờ vai chú Long. Trong đoạn đường đi bộ leo quanh sườn đá cổ xưa của tiểu bang Utah, Nga đã cố ý giẫm chân nàng lên vết chân của chú Long in trên lối mòn. Dừng chân bên một làng nhỏ của người da đỏ, Nga đã cố chen lên đứng sát bên Long để nghe trái tim si tình của cô bé đập rộn rã trong lồng ngực. Chú Long thản nhiên, không hay biết, nên đã đẩy Nga lên sát hơn, để Nga nhìn cho rõ những tấm vải thổ dân dệt bằng tay rất thô sơ. Cô bé như run lên khi bàn tay của Long đặt hờ trên vai cô. Nga muốn thời gian như ngưng lại và nỗi thèm muốn được chú Long ôm ấp dâng lên dào dạt. Nga xấu hổ nghe trong lòng lời nhiếc mắng: “Con nhóc ơi! Mày chỉ đáng con gái của chú mà mày lại yêu chú điên cuồng như vậy. Thật là xấu hổ, Nga ơi!”

Ngày vui chấm dứt. Vùng đất đỏ hoang dã đã in nhiều dấu chân của gia đình chú Long cùng bố con Nga, nhưng trong lòng chú Long, không một mảy may tình cảm nào dành cho Nga ngoài thứ tình chú cháu thôi sao? Nga muốn kêu lên, thét lên một cách tuyệt vọng rằng Nga yêu chú mất rồi, yêu dữ dội và yêu say đắm.

Về nhà rồi, thỉnh thoảng Nga vẫn gọi điện thoại cho chú Long, lấy cớ thăm thím và cô bé Nam-Phương cùng hai em. Nga hồi hộp chờ đợi giọng nói của chú Long bên kia đầu máy. Giọng chú trầm ấm, Nga nghe như rót mật bên tai. Cô bé bâng khuâng tự hỏi:
“Tại sao chú Long không làm xướng ngôn viên một đài phát thanh nào đó, để Nga có thể nghe giọng nói của chú bất cứ khi nào, nếu Nga muốn.”

Cuối tháng này, chú Long thể theo lời mời của bố mẹ Nga, một mình đáp máy bay sang California thăm gia đình Nga, cũng như để tham dự ngày họp mặt của Hội Ái Hữu Học Sinh Chu Văn An. Bố Nga chở chú Long đi suốt ngày và bè bạn gọi chú liên tục trên đường dây điện thoại. Chú không có thì giờ để thăm hỏi Nga lấy một câu. Buổi tối, khi nghe chú Long nói:

“Thím và Nam-Phương nhắc mãi về Nga đấy. Mọi người luôn nhớ đến cháu.”

Nga không kềm được lòng mình, cô bé đã phụng phịu hờn giỗi:
“Chỉ mọi người thôi. Còn chú thì có bao giờ nhớ đến cháu đâu?”

Chú Long thoáng ngạc nhiên, nhưng lại phá lên cười:
“Ồ, có chứ. Bằng cớ là trong valy của chú, có quà cho Nga kìa!”

Nga vội tươi ngay nét mặt khi bắt gặp ánh mắt ấm áp của chú nhìn Nga. Mẹ của Nga mắng yêu con gái:
“Con bé này, còn vòi quà chú nữa.”

Tiếng Long vui vẻ:
“Kệ cháu, chị ơi! Tôi có ba đứa, trong khi anh chị chỉ có mình cháu. Con gái rượu của bố đấy! Bao giờ cho chú uống rượu đây, cô bé!”

Nga thẹn thùng, quay lưng vào phòng trước khi nghe chú Long reo vui:
“Đây rồi. Quà của Nga đây. Sản phẩm của thổ dân da đỏ đấy!”

Những buổi tối kế tiếp, Nga luôn tìm dịp để có mặt bên chú Long và bố. Mọi người chuyện trò và thức khuya, thật khuya. Nga cũng thức theo cho đến khi nào ánh đèn trong phòng chú Long không còn nữa. Nhìn gian phòng khách rộng mênh mông và nghe lòng mình hoang vắng, cô bé lủi thủi về phòng, ray rứt với những hình ảnh về chú Long.

Buổi họp mặt với các bạn Chu Văn An ngày xưa, Nga cũng được bố mẹ cho đi dự. Nga được xếp ngồi cạnh mẹ và chú Long. Bố ngồi bên một người bạn cũ mà đã gần bốn mươi năm mới gặp lại. Cô bé run rẩy như một cánh hoa trước gió. Hồi hộp và thích thú. Càng thích thú hơn khi chú Long lên sân khấu hát bài “Mộng Dưới Hoa” với những lời thủ thỉ đầy tình tự. Nga tưởng như chú Long đang hướng về Nga để nói những lời tỏ tình nồng cháy yêu đương:

“Nếu bước chân ngàn Em có mỏi,
Em xin tựa sát lòng Anh,
Ta đi vào tận rừng xanh,
Ngắt cánh rong vàng bên suối”...

Và:
“Bước khẽ cho lòng nói nhỏ
Bao nhiêu mộng ước phù du
Ta xây thành mộng nghìn thu
Núi biếc sông dài ghi nhớ...”

Và, kìa chú Long như đang say đắm hướng về Nga để hẹn ước:

“Gió ơi, gửi gió lời tâm niệm
Và nguyện muôn chiều ta có nhau”...

Nga như mê đi khi bài hát chấm dứt, khi những tràng pháo tay tán thưởng một giọng ca vàng của khung trời Chu Văn An vang dội hội trường. Một người bạn choàng vai đưa chú Long trở về chỗ ngồi và thân mật:
“Tuyệt! Giọng cậu vẫn hay như ngày xưa, “cu” Long ạ!”

Và nói nhỏ bên tai Long:
“Muốn gặp “cố nhân” không”? Phu nhân của đương kim Hội Trưởng đấy!”

Nga giật mình hoảng hốt, nhưng cô bé kịp trấn tĩnh khi nghe chú Long thản nhiên cười nói:
“Cậu “khờ” chết đi! Thế mà cũng gọi là ”cố nhân”? Cô ấy thích tớ, chứ tớ nào có thích mà gọi là “cố nhân”? Vớ vẩn!”

Nga nhăn mặt khi một người khác lại choàng vai dẫn Long đi mất hút, bên những bạn bè đang say sưa tìm về kỷ niệm của những ngày cắp sách đến trường. Bố Nga vừa trở lại bàn. Nga ấp úng hỏi bố:
“Bố ơi! Ai là Hội Trưởng của Hội Chu Văn An hở bố?”

Nga nhìn theo hướng tay của bố chỉ:
“Bác Ân, ngồi bên cạnh vợ mặc áo dài vàng...”

Lòng hiếu kỳ, Nga đi về phía bàn bên để nhìn mặt người phu ỉnữ đã một thời yêu thích chú Long như lời chú xác nhận. Và Nga kinh ngạc khi thấy người đàn bà mặc áo dài vàng ấy xinh đẹp vô cùng, đẹp hơn thím Long nhiều. Cô bé kinh ngạc buột miệng khẽ kêu lên:
“Thế mà chú Long lại... chê?”

Mọi người tiếp tục lên sân khấu, những bài ca một thời yêu thích của tuổi hoa niên với bảng đen phấn trắng đã được nhiều người thay nhau cất lên hâm nóng hội trường. Sân khấu tưng bừng lời ca tiếng nhạc và không khí tươi vui hẳn lên. Nga dõi mắt tìm chú Long, nhưng không thấy chú đâu. Khác với mọi người đến đây vì nhiều người khác, Nga chỉ đến đây vì một người, và chỉ một người duy nhất mà thôi: chú Long. Nga chợt thấy chú Long đang tươi cười bên một người bạn. Nga tiến lại bên chú. Đang vui bên bạn, nhưng chú cũng quay lại hỏi Nga:
“Nga tìm bố hả cháu?”

Nga ngập ngừng:
“Không. Cháu tìm... chú!”

Giọng Long ngạc nhiên:
“Sao? Có việc gì không, cháu?”

Người bạn đã vội vã quay đi. Thời gian trôi nhanh, nên ai cũng có vẻ vội vàng. Nga càng vội vàng hơn, nên cô bé đáp nhanh:
“Không. Cháu... cháu... cháu nhớ... chú!”

Ly nước như sóng sánh trên tay chú Long và giọng chú ngạc nhiên:
“Ồ, sao thế cháu?”

Liếc nhanh chung quanh không có ai, Nga đáp nhẹ trong hơi thở:
“Cháu ghét chú lắm! Chú vô tình quá! Chú... chú không biết gì hay sao?”

Giọng Long ngập ngừng:
“Biết sao, cháu?”

Giọng Nga chợt nhỏ lại, đứt đoạn và vừa đủ cho Long nghe:
“Cháu... cháu... cháu rất yêu chú. Cháu không muốn chú xem cháu như một đứa cháu... như một đứa con nít... như... Nam-Phương nữa đâu!”

Vẻ mặt phung phịu, giỗi hờn, cùng giọng nói bất cần đời của cô con gái bạn thân, khiến Long hốt hoảng. Vỗ nhẹ vai Nga, Long ân cần:
“Cháu nói gì, chú không hiểu. Nãy giờ, cháu đã uống gì chưa?”

Nga chợt ngúng nguẩy:
“Chú tưởng cháu say à? Vâng, cháu... cháu đang say... chú đấy!”

Long chặc lưỡi, nhủ thầm: “Sao thế này? Cô bé say hay mình say? Rắc rối gì đây?”
Long vội hỏi Nga:
“Sao? Về bàn chưa? Chú đưa cháu về chỗ mẹ cháu nhé?”

Giọng Nga như có hơi nước. Cô bé đi ra phía cửa:
“Không. Cháu không về bàn. Cháu muốn chú... ở đây với cháu. Cháu... cần chú đi với cháu.”

Bước chân ngập ngừng, nhưng rồi Long cũng theo sau Nga, vì Long như trên trời rơi xuống, không biết gì cả. Nga đẩy cửa bước ra ngoài. Gió nhẹ lùa mái tóc cô bé. Quay lại thấy Long, Nga bật khóc:
“Chú! Chú... ác lắm!”

Long bối rối:
“Chú có làm gì đâu?”

Giọng Nga thổn thức:
“Chú... Chú không để ý gì đến cháu hết cả. Chú cứ coi cháu như con nít. Như con chú. Như Nam-Phương, kể từ khi cháu gặp chú ở Utah. Chú ác lắm! Chú không biết cháu... yêu chú!”

Long chợt hiểu. Chàng lắc đầu và khó nhọc cất tiếng:
“Kìa, Nga! Cháu điên à? Chú là bạn của bố mẹ cháu mà. Chú xem cháu như Nam-Phương. Thật tình như Nam-Phương, con gái chú. Cháu sao thế?”

Gió nhẹ. Nhưng cũng không đủ làm Nga dứt cơn cuồng si. Cô bé quyết tâm thổ lộ hết cho Long biết nỗi si mê của mình, mà cô bé ngỡ là tình yêu. Giọng cô bé ướt át:
“Chú... Chú không thể yêu cháu một chút được hay sao?”

Long bấn loạn thật sự:
“Trời ơi, Nga! Chú không biết cháu nói gì nữa? Sao tự nhiên... Cháu có điên không? Chú là bạn thân của bố mẹ. Hơn nữa, chú già rồi. Cháu còn rất trẻ cơ mà...”

Nga vội vã ngắt lời:
“Ai bảo chú đáng yêu làm gì? Ai bảo chú làm cho... “người ta” yêu chú? Bắt đền chú đấy!”

Long dứt khoát:
“Thôi, ta vào, kẻo bố mẹ cháu chờ.”

Long quyết định và cất bước đi vào, thì nhanh như cắt, Nga chụp bàn tay chú Long, giọng đau khổ:
“Chú! Chú... nhất định... không... yêu cháu chút nào?”

Lòng Long mềm đi trước sự liều lĩnh của Nga. Nhưng Long chợt cứng rắn, gỡ tay Nga ra và ôn tồn nói:
“Chú gọi ba mẹ cháu đem cháu vào.”

Rồi Long nện gót giầy đi vào. Tiếng Nga oà vỡ sau lưng Long:
“Vĩnh biệt chú Long!”

Buổi tối tại nhà, bố Nga ngạc nhiên trước vẻ trầm tư, ít nói của Long. Tưởng bạn xúc động vì những ky ũniệm với các bạn học cũ, nên bố Nga cũng không gợi chuyện. Ông không để ý đến vẻ mặt buồn bã của Nga. Buổi tối cuối cùng của chú Long trong gia đình, đã không có Nga quanh quẩn để nghe chuyện và để bố cùng chú Long sai vặt. Nhưng Long thì hiểu. Chú Long hiểu là chú đã làm Nga đau đớn, nhưng là một sự đau đớn phải có. Thà là để Nga đau một lần, giúp Nga trưởng thành, còn hơn là để Nga sống trong hy vọng hão huyền, những mộng ước phù du, không lối thoát. Long không bao giờ ngờ cô con gái bé nhỏ của bạn thân lại yêu mình. Yêu một cách liều lĩnh và khờ dại. Long thở dài nghĩ đến những éo le của cuộc đời. Và đây có lẽ là một sự éo le đặc biệt, có một chứ không có hai, mà Long có thể gặp trong cuộc đời. Ánh đèn hắt ra từ cửa phòng Nga, cho biết cô bé còn thức nhưng không ra chung vui với Long như mọi tối. Long thầm hiểu: tình cảm chú cháu có thể đã chấm dứt từ giây phút tối qua. Long chấp nhận trong tiếc nuối những mất mát trong tình thân của chú cháu. Nhưng thôi...

Buổi sáng, Long không ngạc nhiên khi thấy Nga vắng mặt trong bữa ăn. Một mình mẹ của Nga sửa soạn tiếp Long. Nhưng đến khi xe bắt đầu chuyển bánh ra phi trường, thì có tiếng Nga hốt hoảng gọi ra:
“Ba mẹ ơi, cho con đi đưa chú Long với.”

Xe dừng lại, và có tiếng mẹ của Nga cằn nhằn nhẹ:
“Con bé đến là hay! Từ sáng đến giờ kêu nhức đầu, bảo không đi. Bây giờ lại cuống lên đòi đi.”

Rồi tiếng bố của Nga vô tư:
“Chú biết, cháu nó quý chú thím lắm. Nó nhắc đến chú luôn.”

Cô bé leo lên xe, không kịp nghe câu nói vô thưởng vô phạt của bố, nhưng cô đã kịp nghe tiếng thở dài rất nhẹ của chú Long. Và Long cũng nghe tiếng thở dài não nuột của Nga nối tiếp theo.