Chuột mắc bẫy này có nước giập đầu, có con bị bẫy kẹp lòi tròng trông rất khiếp...
Ban đêm mụ Tân không dám xuống bếp. Mụ vừa sợ ma vừa sợ chuột. Lão Tân chồng mụ dạo này được tiếng là thương vợ. Lão nói: “Má nó yếu tim ban đêm đừng xuống bếp lỡ gặp mấy con chuột đứng tim như chơi!Có cần gì nói tôi đi cho!”Nhờ đó mà đêm hôm khuya khoắt mụ Tân cần miếng nước, cần mồi cây đèn chong bàn thờ Ông Địa, hay cần lục nồi kiếm chén cơm nguội, mụ đều sai chồng xuống bếp. Lão Tân không bao giờ nề hà công việc nào. Mụ Tân quí chồng vì cái tính biết chiều chuông vợ.
Dạo này không hiểu tại làm sao trong nhà chuột nhiều quá. Chuột nhiều đến nỗi ban ngày chúng nó dám mò lên tận nhà trên kiếm ăn và trêu cả người, ban đêm chui vào mùng cắn chân vợ chồng lão Tân. Dưới bếp chỗ chứa than là nơi chuột nhiều nhất. Mỗi lần bật đèn lên chúng chạy ào ào, có con xô cả vào chân người. Trong nhà chỉ có chị Hai là người không biết sợ chuột. Chị này nắm đuôi con chuột vùng vẫy lủng lẳng ném ra vườn giống như người ta ném một cái cùi bắp là chuyện bình thường. Giường chị Hai ngủ đặt gần mấy bao than dưới bếp. Chỗ chị ngủ cũng là nơi chuột ngủ. Chị không sợ chuột mà chuột cũng chẳng sợ chị.
Chị Hai ở nhà quê mới ra tỉnh tìm việc làm. Rất may cho chị vì mới ra đã có việc làm ngay. Ai trông chị cũng thích vì tướng tá chị khoẻ mạnh lại nhanh nhẹn. Chồng con chị này ra sao chẳng ai biết. Một lần bà Tân đi chợ dẫn chị về giúp việc cho mình. Chị mới ba mươi tám tuổi. Chị Hai là người quê vùng biển . Xứ chị không có đất chỉ có cát, không trồng lúa hay thứ hoa màu gì được. Nơi đây người ta trồng rặt một thứ khoai lang. Họ dồn cỏ rác lại thành luống, đắp cát lên lấp thành vồng. Khoai lang vùng Tuyên Đoa, Trà Đoa ngon có tiếng. Củ khoai không dài, nó trò và to như quả dừa. Khoai lang ở đây to lắm, nồi nhỏ bỏ vô không vừa, mà có vừa thì luộc nguyên củ cũng khó chín. Người ta phải chẻ làm tư hay cắt ra làm nhiều lát gác trên vĩ tre mà hấp. Khoai chín vàng và thơm như tròng đỏ trứng gà.
Chị Hai hồi còn nhỏ ở nhà quê suốt ngày gánh phân gánh đất đi bộ trên cát rất khoẻ. Mấy người đàn bà con gái vùng biển thường đi bộ trên cát nên có đặc điểm là đùi rất khoẻ và mông rất to. Có lần lão Tân buổi chiều đứng thắp hương trên bàn thờ xong dộng chuông tịnh độ vô tình nhìn qua cửa sổ thấy chị Hai tắm, quần xăn tới háng kỳ cọ ở cạnh giếng. Từ đó đêm đêm lão Tân hăng hái lãnh phần mò xuống bếp diệt chuột. Một hôm lão đi làm về tiện thể ghé chợ mua cái bẫy chuột, loại bẫy kẹp bằng sắt. Chuột mắc bẫy này có nước giập đầu, có con bị bẫy kẹp lòi tròng trông rất khiếp.
Tối lại khi mụ Tân leo lên giường bỏ mùng xanh màu lính nhét bốn góc cẩn thận thì lão chồng đợi cho vợ ngủ say se sẻ chui xuống bếp đặt bẫy chuột. Lão ở dưới bếp cả buổi, có khi mụ Tân ngủ được một giấc vẫn chưa thấy chồng lên giường. Đôi lúc nửa đêm mới thấy lão lên, không đợi vợ hỏi lão đã nói: “Bà ơi, chuột nhà mình nó khôn quá, mồi gì cũng chẳng chịu ăn. Tui rình mãi mà chưa bắt được”. Mụ vợ chẳng nói gì. Nằm với vợ một lúc nghe tiếng bẫy sập, tiếng sắt va vào nhau và cũng không nghe tiếng chuột kêu, lão biết chuột không mắc bẫy nhưng lão vẫn nhẹ nhàng mò xuống bếp. Lão gài lại bẫy rồi lân la cạnh mấy bao than hồi lâu chưa chịu lên nhà trên. Thấy mình nấn ná lâu quá sợ vợ nghi, lão mò lên chui vào mùng được một chập lại nghe tiếng bẫy sập, lão mò xuống bếp. Một đêm năm bảy lượt như thế. Cũng may lão tuy ngoài năm mươi nhưng còn sức nên dù mất ngủ sáng ra vẫn làm lụng bình thường.
Muốn bẫy được chuột phải có mồi ngon. Bữa ăn nào lão cũng để dành khi miếng thịt nạc, lúc cục thịt mở, mẩu bánh kì, miếng lạp xưởng. Càng ngày nghề bẫy chuột của lão càng tiến bộ. Mỗi đêm ít nhất lão cũng tóm được ba bốn con. Xác chuột chết lão đem chôn ở gốc chuối già hương, nhờ thế mà lần này buồng chuối dài chấm đất; lão phải lấy nạng chống không thì ngã. Bây giờ lão thấy bẫy chuột dễ quá, muốn bắt bao nhiêu cũng được. Nhưng với cái đà diệt chuột nhiều như mấy ngày qua, nay mai dưới bếp, chỗ để mấy bao than gần giường chị Hai nằm sẽ không còn con chuột nào. Chỗ này mà không còn chuột thì cũng chẳng còn an toàn đối với lão nữa. Lâu nay nhờ mấy con chuột nhà tinh ranh, nhờ mấy tay chuột cống to như con mèo, già nua , trụi cả lông. Đưa cái lưng mốc meo , ghẻ lở, nhờ mấy thằng chuột nhắc tinh nghịch như trẻ con, nhờ mấy cô chuột xạ ồn ào và hôi hám mà khu vực nhà bếp trở thành an toàn bất khả xâm phạm. Ban đêm mụ Tân chẳng bao giờ dám bén mảng tới đây. Nếu chỗ này hết chuột thì nguy to. Vì thế lão mới nghĩ cách phục hồi dần số chuột. Trước tiên lão đi chợ mua chiếc bẫy lồng. Loại này có cái lợi là bắt được chuột mà không làm cho nó chết. Hằng đêm lão lại có cơ hội mò xuống bếp hít cái hơi đầy mùi hành tỏi trong mái tóc dày và cứng như đuôi trâu của chị Hai. Từ ngày chị Hai về giúp việc cho ông bà Tân, nhờ cơm trắng cá tươi, suốt ngày ở trong mát nên da thịt mơn mởn thêm ra, tuy thế người chị lúc nào cũng thoang thoảng mùi nhà bếp. Lão Tân lại khoái cái mùi này hơn là mùi dầu gió như mụ đàn bà đẻ nơi con mụ vợ teo tóp của mình. Lão Tân không ngớt tìm dịp doạ con mụ vợ mà lão biết rất sợ chuột. Có lần lão ta đem một anh chuột cống to tướng lông màu xám cụt đuôi vì những trận thư hùng dành gái và đầy mùi hôi cống rãnh lên nhà trên nhát vợ. Mụ Tân la lên:
-Thôi làm ơn mang đi chỗ khác!
Lão Tân đem con chuột xuống bếp thả nó ra. Con chuột thấy cửa lồng mở ngơ ngác không hiểu sự thể ra sao, lẽ nào mình lại gặp may mắn tới mức này? Bây giờ thú vui của lão Tân là bẫy chuột rồi thả ra, thả rồi bắt lại. Hầu hết dân số chuột trong khu nhà bếp đều có dịp chui vào trong bẫy ít nhất là một lần, nhưng tất cả đều được trở ra an toàn. Số chuột đã không hao mà còn được bù thêm nên càng ngày càng nhiều. Chuột tha hồ đẻ. Chúng tha lông gà, rơm rác, vải rách về làm ổ khắp nơi. Bây giờ lại gặp cái nạn “chuột màn” Lão Tân phải lo cái ăn cho lũ chuột, nếu không thì nó cắn xé kêu la cả đêm khiến cho vợ không ngủ được thì cũng nguy. Đã có làn mụ Tân tráchchồng: “Đêm nào ông cũng lục đục ở trong bếp bẫy chuột, mua hết loại bẫy này đến loại bẫy khác, đổi mồi nọ sang mồi kia, tại sao tôi cứ nghe tiếng chuột rúc ở dưới bếp?”. Lão Tân biện bạch:
-Má mầy không biết chớ đêm nào tui cũng bắt năm bảy con, có đêm cả chục con. Tôi mà không bẫy thì chuột nó tràn cả lên trên này. Năm nay là năm Tý, chuột nhiều là phải!
-Tại sao ông không nuôi mèo để bắt chuột?
Với lý lẽ chắc nịch này lão Tân hết đường thối thác. Lão đi xin con mèo. Con mèo nhỏ quá chưa cai sữa, nó kêu cả đêm, mụ Tân không ngủ được la: “Thôi đem vất nó cho xa. Kêu cả đêm ai ngủ cho được?”. Nhờ đó mà lão Tân tiếp tục được hưởng độc quyền bắt chuột.
Chuột nhiều qua mà thức ăn lại hiếm, lão Tân có trách nhiệm phải nuôi sống những người đồng minh của mình. Lão đi chợ mua lúa bắp về cho chuột ăn. Giờ đây dưới bếp nhà lão Tân thật là cảnh thiên đường của loài chuột. Chúng nó giao thiệp, yêu nhau, sinh con đẻ cái, ghen tuông, cạnh tranh đánh nhau rồi lại làm hoà, thật là cảnh thanh bình thịnh trị!
Có lần mụ Tân đưa ý kiến:
-Sao ông không mua thuốc chuột về thuốc?
Ý kiến mụ vợ chính đáng quá, lão không thể không thực hiện. Lão đi đâu không biết, đem về một gói to. Lão trịnh trọng và đầy vẻ cẩn thận mở hai ba lớp giấy bên trong có túi nilon đựng chất bột màu xám. Lão giảng giải:
-Đây là thứ thuốc chuột mạnh nhất thế giới. Thứ sun-phua kẽm này chuột rờ tới là ngủm, người đụng vào cũng chết nhăn răng!
Mụ vợ lão nghe thế sợ quá nói:
-Coi chừng rơi vào đò ăn với cơm nước ở dưới bếp.
Để cho vợ kinh hơn, lão lấy cái gáo dừa trộn cơm với thứ bột màu xám đó trước mắt mụ Tân rồi đem xuống bếp. Đêm đó mấy con chuột được thưởng thức bữa tiệc. An no chúng tìm hang hốc yêu nhau thoả thuê rồi ngủ, chẳng con nào chết cả vì chất bột màu xám đó là tro bếp. Ôi! Nhà bếp giờ đây là giang sơn của loài chuột đêm đêm diễn ra một sự cộng tác tốt đẹp.
Một hôm đi làm về lão Tân thấy trong ngoài vắng tanh. Lão thay quần áo, ra giếng rửa mặt, vô nhà lấy khắn lau, trên mặt bàn có mâm cơm dọn sẵn. Giở lồng bàn ra lão thấy có dĩa rau muống luộc, một tô nước rau màu xanh rêu như nước ao mùa thu, bên cạnh có sẵn chanh và muối. Có một lát cá thu chiên rất giòn để trong mâm, mình cá cong lên màu rám nâu. Hôm nay đặc biệt ở giữa mâm có dĩa thịt ram vàng ngậy tươm mỡ tràn xuống cái dĩa men xanh vẽ hình cá chép, nhìn vào đã thấy muốn ăn. Lão không thấy vợ ra ăn, gọi với vào trong phòng:
-Má nó ơi ra ăn cơm.
-Không ăn!
Giọng của mụ Tân nghe hơi xẳng. Lão nghĩ trong nhà sáng nay có chuyện gì nhưng lão không dám hỏi. Lão nói:
-Ăn rồi hay là không ăn?
-Ăn đi, đừng có mời.
Lão Tân biết tính vợ không dám mời thêm. Lão ngồi xuống ăn. Lão ngẫm nghĩ: Chắc có chuyện gì rồi. Không khéo… thôi kệ, ăn cái đã. Lão ăn món thịt ram trước nhất. Lão thấy món này ăn ngon lắm nhưng lão chẳng biết thứ thịt gì vì xương rất nhỏ, chẳng phải thịt gà cũng không phải thịt heo. Hay là ếch? Xương nhỏ kiểu này đúng là ếch rồi. Nhưng không lẽ mụ vợ hôm nay nổi chứng đổi món cho lão ăn ếch. Lão biết vợ lão xưa nay không ăn ếch mà cũng chẳng dám làm thịt ếch, với lại mùa này trời nắng như thiêu như đốt ruộng đồng, ao hồ khô cả ếch đâu mà bắt? Hay là lươn? Lão nghĩ: Thôi ếch lươn gì cũng được, miễn ăn ngon miệng. An xong miệng ngậm cây tăm lão gọi với xuống bếp:
-Hai ơi! Lên dọn, bà không ăn.
Lão gọi ba bốn lần không nghe tiếng chị Hai, lão hỏi:
-Bà sai con Hai đi đâu?
-Không sai đi đâu cả.
-Sao tui kêu hoài nó không lên tiếng?
-Nó đi rồi!
-Đi đâu?
-Nó đi đâu ai mà biết?
Lão bực mình gắt với vợ:
-Bà làm như là khách ở trong cái nhà này.
-Khách khứa cái gì?
-Tại sao có con ở mà nó đi đâu cũng không biết?
Mụ Tân gằn từng chữ rất rõ:
-Tui đuổi nó đi rồi!
Lão Tân giật mình, thôi chết, chắc bả biết rồi! Lão tính đường chối cãi, nhưng lão còn hỏi dò:
-Nó có lỗi chi mà đuổi?
-Nó không chịu bắt chuột cho tui. Nó để tui phải bắt.
-Bà bắt chuột làm chi? Chuột cứ để tui bắt.
-Cả năm nay ông bắt không hết…
-Bà bắt chuột làm gì?
-Để làm thịt kho mặn cho ông ăn!
Lão Tân giật mình than thầm: hèn chi mà xương nó nhỏ như xương ếch. Lão nghe dợn trong cổ , muốn mửa. Lão hỏi:
-Ai làm thịt chuột cho bà?
-Tui làm!
-Bà mà dám bắt chuột làm thịt?
-Chớ lâu nay ông tưởng tôi sợ chuột thiệt sao?
-Trời ơi! Bà không sợ thiệt hả?
-Không!!!