main billboard

 

Sau khi ba tôi và người bạn thân của ông bị bắt đi tù “cải tạo”, mẹ con tôi bị đẩy đi vùng kinh tế mới. Dì Bảy là con nuôi của Ngoại, là vợ của người bạn thân với Ba, cũng cùng chung số phận với Mẹ con tôi. Hai gia đình chúng tôi sống nương tựa với nhau trong vùng kinh tế mới. Dượng Bảy, chết trong tù, chẳng bao lâu Dì không còn hy vọng gì nữa, không gượng dậy nổi, đành đoạn bỏ đứa con gái duy nhất tên Thúy Yên để theo Dượng về bên kia thế giới. Mẹ cưu mang Thúy Yên từ đó.

Ôi biết bao cảnh gia đình tan tác từ ngày ấy, cái ngày cả Miền Nam bị đày ải, kẻ đi tù, kẻ mất hết đất đai, tài sản, kẻ vượt biên, vượt biển. Chết trong rừng, chết ngoài biển cả, kể sao cho xiết.

Mùa xuân năm 1978, Ba được thả về, Mẹ mừng lắm. Từ ngày “Giải Phóng” đến nay chưa bao giờ thấy Mẹ vui như thế. Mẹ làm buổi tiệc nho nhỏ để Ba có dịp chào bà con trong xóm. Mẹ mời hàng xóm thân thiết, có cả hai cô giáo dạy đám trẻ em trong làng và chú công an khu vực đến dự. Bữa tiệc đơn sơ chỉ có vài món thịt rừng nhưng ai cũng vui vẻ. Về nhà được ăn uống đầy đủ, Ba khỏe mạnh hẳn ra. Tôi và Ba làm việc ngoài rẫy còn Mẹ và em coi mấy vườn rau chung quanh nhà. Trong trại tù, Ba trong đội cải thiện đời sống tù, nói nôm na là trồng rau xanh, nên cũng có chút ít kinh nghiệm. Ngoài việc làm rẫy, tôi và Ba làm bẫy săn thú rừng, đời sống chúng tôi khá hơn nhiều. Ban đêm Ba dạy tôi học thêm toán và anh văn, hai cô giáo Ngọc và Lan vẫn còn dạy tôi nhưng bớt giờ lại vì còn phải dạy các em tiểu học.

Ba được dân Xóm Lá rất kính nể vì là người học thức nhất, mỗi khi cần làm đơn từ gì, hàng xóm lại tìm Ba. Hàng tháng Ba vẫn phải lội bộ ra thị trấn Long Thành để trình diện công an huyện. Lúc khá giả hơn, Ba bán bò và mua được chiếc xe đạp cũ, từ đó Ba thường chở nông phẩm, rau củ ra thị trấn bán và mua các vật dụng khác để Mẹ mở một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Những ngày mùa khô, Ba bàn với Mẹ ra thị trấn làm công, bất cứ việc gì, từ phụ thợ hồ, vá bánh xe, sửa chữa máy móc. Mục đích kiếm chút tiền và cũng để móc nối với những đường dây vượt biên.

Phong trào vượt biên lên rất cao vào thời điểm đó, cả những đường dây kháng chiến giả tạo do công an thành lập. Cuối năm 1978, có tin đồn chiến tranh Việt – Trung sắp xảy ra. Một hôm Ba từ thị trấn về rất sớm, kéo Mẹ và tôi ra làm ngoài rẫy, tôi biết Ba có chuyện quan trọng cần bàn bạc. Ba vẫn coi tôi như người lớn, luôn cho tôi tham dự vào những quyết định trong gia đình, có lẽ từ ngày Ba vắng nhà tôi thật sự gánh vác tất cả công việc đáng nhẽ thuộc về Ba. Khi đã ra giữa rẫy, nhìn quanh quẩn không có ai, chúng tôi vẫn cắm cúi làm như đang nhổ cỏ dại, Ba cho biết đã liên lạc được với chú Út của Ba từ ngoài Bắc vô. Ba dặn tôi gọi người bà con này là Ông Trẻ. Ông đã ở lại ngoài Bắc khi ông nội tôi di cư vào Nam năm 1954. Vì ông là cán bộ nên đi lại tương đối dễ dàng, Ông cho biết tình hình ngoài Bắc rất lộn xộn, họ đang đuổi người Việt gốc Hoa về Trung Quốc.

Vào thời điểm đó tổng số người Hoa ở VN vào khoảng 1 triệu rưỡi, 85% ở miền Nam. Người Hoa ở ngoài Bắc, công an đã có danh sách sẵn những gia đình đáng nghi ngờ, nửa đêm đến đánh thức cả nhà dậy và tống lên xe bít bùng đưa thẳng ra ga xe lửa hay tàu buồm để đẩy ra biên giới rồi tống xuất về Trung Quốc, không cho mang bất cứ thứ gì. Hầu hết những người Hoa ở Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh gần biên giới như Đồng Đăng, Lào Cay, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn đều bị đuổi qua biên giới trước khi chiến tranh Việt Trung xảy ra đầu năm 1979.

vuot bien

Bảo Huân

Cũng có một số lớn là tự nguyện hồi hương vì không thể chịu được sự đàn áp của chính quyền. Lợi dụng cơ hội này, gia đình Ông và gia đình chúng tôi có thể trà trộn vào đám người Hoa đó để vượt biên qua Tàu rồi từ đó tìm đường qua Hồng Kông. Trong giai đoạn này, ở miền Nam công an tổ chức vượt biên bán chính thức cho người Hoa, tuy vậy tốn kém và nguy hiểm hơn nhiều.

Ông Trẻ cần một số tiền mua lý lịch giả để cho có vẻ “Tàu” một chút. Ba đã kiếm được một người bạn tù, hiện đang ở Chợ Lớn tên ông là Liêu Chí Vinh. Gia đình ông Vinh khá giả nhưng kín đáo và khiêm nhường nên không bị đánh tư sản, ông vẫn còn cất giấu được một số vàng bạc và chịu đi cùng với chúng tôi. Ông có hai người con, người con nhỏ cũng xấp xỉ tuổi tôi.

Sáng Chủ Nhật Mẹ gọi tôi dậy sớm để chuẩn bị ra đi. Ba chở em ra thị trấn như những lần Ba đi làm công trước đây, tôi và Mẹ đi làm rẫy như thường lệ, rồi lần theo đường tắt ra ngoài lộ. Con đường này tôi rất quen thuộc. Hai Mẹ con ra bến xe đi Sài Gòn mà không gặp người quen nào. Ba đón chúng tôi ở ga xe lửa Sài Gòn, bên cạnh có Ông Trẻ và gia đình Ông Liêu Chí Vinh. Nhìn Ông Bà Vinh, tôi có thể nhận ngay ra gia đình người Hoa. Chúng tôi lên tàu lửa như những người từ ngoài Bắc, thân nhân của cán bộ vào “tham quan” miền Nam trở về, họ mang đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh gom góp được ở miền Nam. Tàu đông người đến nỗi khó mà kiếm được chỗ ngồi. Sau mấy ngày đêm mệt mỏi, ngủ gà ngủ gật, chúng tôi cũng đến được ga Hàng Cỏ, Hà Nội. Người đông ơi là đông, Ông Trẻ dặn chúng tôi nghỉ ngơi trong sân ga, ăn uống cho no, có thể ngay tối nay sẽ phải vượt biên giới. Ông phải ra ngoài liên lạc với nhóm tổ chức để lấy giấy tờ, ngoài giấy tờ của chính phủ Việt Nam, còn cần phải có giấy tờ của tòa Đại Sứ Trung Quốc để qua cửa biên giới.

                                                                                  -oOo-

Chúng tôi hồi hộp và rất lo lắng không biết Ông có trở lại không? Mọi người đều thấy bơ vơ lạc lõng. Chiều gần tối, Ông trở lại dẫn chúng tôi đi bộ đến một chiếc xe bít bùng đậu bên đường. Ông nói chuyện với hai người công an đứng gác rồi hối chúng tôi lên xe. Trong xe đã có sẵn một số người, chắc cũng chuẩn bị vượt biên như chúng tôi, tất cả đều yên lặng, hồi hộp. Ông giới thiệu chúng tôi với hai người con của Ông, trao giấy tờ lý lịch mới, hộ chiếu cho Ba tôi và Ông Vinh dặn phải học cho thuộc để nếu ai hỏi phải trả lời cho đúng, Ông cũng đưa cho Ông Vinh và Ba tôi một nắm giấy bạc Trung Quốc. Chúng tôi chia nhau mỗi người giữ một ít, kể cả mấy người con Ông Trẻ và Ông Vinh. Ông Trẻ gởi gắm hai cậu quý tử của Ông cho Ba tôi. Công việc của Ông đến đây coi như xong, còn lại nhờ Ba tôi và Ông Trời. Ông thu lại những hộ khẩu và giấy tờ tùy thân cũ và chúc chúng tôi lên đường bình an rồi vội vàng quay đi, giấu những giọt lệ chia ly. Ông ở lại với cơn sốt chiến tranh đang lan tràn trên miền Bắc.

Có lẽ đây là một tổ chức quy mô của công an đưa người vượt biên bằng đường bộ, như ở trong Nam đưa người vượt biển. Chúng tôi ngồi trong xe im lặng và chờ đợi, lòng đầy hoang mang hồi hộp, không biết bước kế tiếp sẽ như thế nào. Thúy Yên sợ lắm, em ôm chặt lấy tôi. Trong bóng tối, tôi nghe rõ từng hơi thở và nhịp đập của trái tim em. Cuối cùng, một toán công an chia nhau lên xe và chạy đi đâu một quãng xa, dừng lại trước một căn nhà lớn, dồn lên hai gia đình nữa. Lúc xe sắp chạy, một toán công an khác đến, họ bàn bạc với nhau một lúc lâu, một anh công an nói cho chúng tôi hay xe không thể ra biên giới được, tất cả sẽ phải đi bằng xe lửa.

Họ chở chúng tôi trở lại ga xe lửa và thả mọi người xuống đó. Hai gia đình mới lên cũng là người Việt gốc Hoa từ Miền Nam ra. Chúng tôi bàn với nhau và quyết định kết hợp thành một đám sống chết có nhau. Cả đám lên cùng một toa xe, ai cũng lôi thôi lếch thếch, hốt hoảng, dáo dác như một đàn gà con mất mẹ. Cả ga xe lửa hỗn loạn người la, kẻ khóc, tiếng gọi mẹ, gọi con thất lạc, đúng là cảnh đang chạy loạn. Họ là những người Hoa đã ở trên đất Việt lâu đời, chỉ là không hội nhập được 100%, bây giờ bị đuổi về quê hương xa lạ bên kia biên giới đầy bất trắc, mong manh, không hiểu vì sao. Họ chỉ là quân cờ trên bàn cờ chính trị của hai nước “anh em” đầy thù hận sắp sửa choảng nhau. Còn gia đình chúng tôi, đi tìm đường sống trong cái chết, nhờ sự hỗn loạn đó mà cảm thấy yên thân hơn, sẽ không sợ bị ai hạch hỏi lý lịch.

Đoàn tàu đi ngược về phía bắc, Thúy Yên dựa vào tôi ngủ gà ngủ gật suốt đêm. Khi ánh sáng ban mai tràn ngập lòng tàu, tôi nhìn ra phía ngoài, rừng núi mênh mông, lính tráng đang đào hầm hố chuẩn bị chiến tranh, xe quân đội chở súng ống đạn dược xếp hàng dài trên con lộ chạy song song với đường rày xe lửa. Tàu dừng lại tại thị trấn Lào Cai, đây là thị trấn cực bắc của Việt Nam còn cách biên giới khoảng 2 km, bên kia biên giới là thành phố Hà Khẩu, có đường xe lửa chạy thẳng đến Côn Minh Trung Quốc. Trong sân ga bộ đội đầy nghẹt, những khuôn mặt còn trẻ măng chắc chỉ lớn hơn tôi vài tuổi. Chúng tôi theo đoàn người đi bộ về phía cửa khẩu xa xa, tôi và Ba thay nhau cõng em trên lưng. Gần cổng biên giới, người càng đông hơn, phía bên Trung Quốc họ kiểm soát giấy tờ, ưu tiên cho những người có chiếu khán của tòa Đại Sứ cho nên nhịp độ rất chậm. Cảnh chen lấn nhau hỗn loạn, khoảng gần trưa, công an biên phòng Việt Nam dùng vũ lực đẩy tất cả mọi người về phía trước, thế là bên phía Trung Quốc phải mở nút chặn cho dân chúng ào qua cửa khẩu. Có tiếng súng nổ ở cả hai bên, nhưng may mắn chỉ là những tiếng súng bắn lên trời để thị oai.

Sau khi khai lý lịch và trình giấy tờ của tòa Đại Sứ Trung Quốc, chúng tôi được chở về một nông trường ở Hải Yên, Đài Sơn tỉnh Quảng Đông. Ở đó họ cung cấp nhà ở tập thể có đủ bếp núc, nồi niêu, chăn màn, quần áo. Kể ra cũng tốt hơn vùng kinh tế mới bên Việt Nam rất nhiều. Ngày ngày ra ngoài đồng trồng trọt, cũng đủ ăn. Vào khoảng đầu tháng Hai, Cán bộ nông trường bắt đi một số thanh niên biết nói tiếng Hoa để làm thông dịch viên cho quân đội Trung Quốc. Sau trận chiến Việt Trung (17 / 2 /79 – 18/3/79) một số được trả về, số còn lại chẳng biết ra sao. Ở nông trường cũng dễ thở, cán bộ dễ dãi. Họ coi tất cả những người vượt biên như kẻ tạm trú, không phải là công dân Trung Quốc. Cuối năm 79, chúng tôi xin được di chuyển tới hải cảng Bắc Hải, từ đó mọi người gom tiền bạc mua thuyền đánh cá đi Hồng Kông. Người Trung Quốc chắc cũng không muốn gánh cái của nợ Hoa kiều thêm phiền phức cho nên giúp đỡ chúng tôi tận tình để mọi người ra đi bình yên. Thế là sau một năm trời ra đi từ Xóm Lá, chúng tôi đã đến được trại tị nạn Hồng Kông bình an. Chính quyền Hồng Kông cũng nhân đạo, họ săn sóc và nuôi nấng dân tị nạn đầy đủ, không phân biệt xuất xứ từ đâu. Có lần cả Ông Thống Đốc cũng vào thăm trại và an ủi mọi người, hứa sẽ giúp đỡ hết khả năng của Ông, ngoài ra sẽ liên lạc chặt chẽ với Cao Ủy Tị Nạn để sắp xếp việc cứu xét định cư sớm. Tất cả mọi người đều hoan hô lòng nhân từ bác ái của Ông. Chính quyền cũng cho các Cha và các Sơ Công giáo vào trại lo việc xã hội. Hai Chú con Ông Trẻ sáp nhập vào gia đình tôi để đi định cư với nhau cho dễ dàng.

Khoảng giữa thập niên 80, gia đình ông Vinh và chúng tôi được chấp nhận cho định cư ở Hoa Kỳ, vì cả hai chủ gia đình đều là cựu tù cải tạo. Cô Năm em ba tôi, bảo lãnh tất cả về Houston.

MĐNTH