Ta ngồi giữa phố xưa thân thiết
Bỗng lạ vô cùng … một chỗ quen. – XT
Làn gió mang hơi nước từ sông Hàn lướt nhẹ trên những cành lá me mát rượi. Thành phố bắt đầu dịu dần sau một ngày nắng nóng. Ánh điện chập chờn chao đảo tạo nên những làn sóng ngoằn ngoèo trên mặt nước mỗi khi có ghe thuyền qua lại.
Bên kia sông là bến phà Hà Thân ngày nào và xa hơn chút nữa là dãy núi Sơn Trà mờ nhạt.
Lộc ngừng xe gắn máy. Tìm một chiếc ghế đá bên bờ sông ngồi nghỉ. Một cảm giác lạ thoáng qua rất nhanh, trầm, buồn, đau nhói, như một vết thương bất chợt trở mình. Bao nhiêu đổi thay của thời cuộc đã làm cho Lộc xa lạ trên chính quê hương của mình.
– Anh uống gì?
Tiếng của một cô gái từ phía sau chào đón, và chưa kịp trả lời, cô gái đã choàng tay qua vai Lộc lắc nhẹ.
– Cho tôi một chai nước suối.
Anh có cần một em “phục vụ” không?
– Khỏi, cảm ơn cô.
Cô gái nguýt một cái thật dài rồi õng ẹo trở lại phía quầy hàng.
Đường phố bắt đầu nhộn nhịp. Đủ các loại đèn màu thi nhau chớp nháy như mời gọi. Tiếng còi xe inh ỏi, tiếng nói cười của các cặp tình nhân trong bóng mờ, tiếng ly tách chạm vào nhau pha trộn thứ âm thanh khô cứng, chát chúa từ chiếc rựa chặt vào trái dừa của gã thanh niên phía sau quầy hàng tạo nên một không gian hỗn độn quần xoáy vào nhau.
Lộc trả tiền, rồi uể oải dắt chiếc xe Honda đề máy hướng về Mỹ Khê.
Vừa đến cổng nhà, bà Thu hình như đã chờ sẵn, ra mở cửa.
– Sao về muộn thế con?
– Dạ, con chạy một vòng cho mát. Lâu quá không dạo phố vào ban đêm.
– Con vào nhà tắm rửa trước đã. À quên, con ăn gì thêm mẹ làm cho.
– Dạ thôi. Con không đói. Mẹ cứ đi nghỉ trước đi. Và như một thói quen Lộc chúc Mẹ ngủ ngon, rồi mở cửa vào phòng.
8 giờ sáng. Chuông điện thoại reo. Bà Thu nhấc điện thoại lên và nghe ở đầu dây kia có người muốn gặp Lộc. Bà mở cửa, đã thấy Lộc ngồi đọc sách từ hồi nào rồi. Bà nói:
– Sao con dậy sớm rứa? Chắc là nhớ mấy đứa cháu nội của Mẹ nên ngủ không được chứ gì. Vừa nói bà đưa điện thoại cho Lộc.
– Nè, có bạn con muốn gặp.
– A lô, Lộc nghe đây. Có gì mà mầy gọi tao sớm vậy?
– Hơn 8 giờ rồi, sớm nỗi gì nữa. Chiều nay sau khi tan sở làm, Danh sẽ tới đón mày, rồi hai đứa cùng đến nhà Thìn thắp nhang cho nó nghen?
Biết rồi, mình sẽ ở nhà chờ cậu. Đúng giờ nhé. Bye, bye.
Bảo Huân
Những tia nắng ban mai lọt vào khung cửa sổ hòa với chút gió biển mát lạnh, làm cho Lộc cảm thấy dễ chịu, nhẹ nhàng. Lộc cũng chưa biết mình sẽ làm gì, đi đâu trong buổi sáng hôm nay. Bỗng dưng lại thèm một ly cà phê ở một góc phố nào đó thân quen và ý định nầy có lẽ thích hợp nhất trong thời gian chờ đợi. Lộc quyết định nhanh chóng và thay quần áo ra khỏi nhà.
Ngừng xe trước một quán nhỏ trên đường Trần Bình Trọng. Đã 9 giờ sáng mà trong quán đã đông nghẹt người. Tiếng cười nói, bàn tán xôn xao náo nhiệt.
Chất bún tươi mới làm từ đêm qua bên cạnh miếng thịt heo bốc hơi ngào ngạt cùng với cốc cà phê buổi sáng đã kích thích cái đói, Lộc nghĩ rằng đây là bữa ăn ngon nhất từ khi trở lại quê nhà.
Chưa kịp trả tiền xong, một bà lão chừng trên 70 tuổi tiến đến, cúi đầu:
– Xin cậu làm phước cho bà chút ít tiền.
Lộc nhìn lên, chào lại. Bà cụ tay chống gậy, chân mang đôi dép nhựa, cầm chiếc nón lá cũ bạc màu, chiếc áo bà ba có vài miếng vá không đồng nhất.
Chỉ trong vài giây đồng hồ chần chừ, Lộc nắm lấy bàn tay gân guốc của bà rồi dìu bà cụ ngồi xuống với mình và gọi cho bà một tô bún. Bà cụ ngơ ngác, lưỡng lự xen chút hồ nghi. Để chiếc nón lá bên cạnh chân bàn, rón rén ngồi xuống, miệng vẫn còn lẩm bẩm:
– Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu
– Cụ cứ ăn đi, hôm nay con mời cụ ăn sáng.
Nhìn bà cụ ăn một cách ngon lành, Lộc cảm thấy một niềm vui dạt dào và hình như có một cảm giác buồn buồn khó tả, không biết từ đâu …
Chờ đến khi bà cụ ăn xong, Lộc định hỏi thêm một vài câu, nhưng lại thôi vì thực khách đông đúc và quá ồn ào.
Sau khi trả tiền xong, Lộc thân mật đặt vào tay bà cụ tờ giấy bạc hai mươi ngàn đồng rồi vội vàng bước ra khỏi quán. Nhiều người đã dán cặp mắt xa lạ, khó hiểu vào lưng Lộc, trong khi bà cụ cứ lặp đi lặp lại nhiều lần:
– Cảm ơn cậu, cảm ơn cậu.
Danh đến thật đúng giờ. Nhìn đồng hồ vừa đúng 5 giờ chiều. Lộc mở cửa, vừa cười vừa nói:
– Mày ở Việt Nam mà giờ giấc thật nghiêm chỉnh. Tốt quá, thôi, tau đã chuẩn bị sẵn sàng rồi, chúng ta khởi hành là vừa.
Danh thúc cùi chỏ vào hông Lộc một cái, càu nhàu:
– Ít ra mầy cũng để tau vào nhà chào bác gái một tiếng chứ, làm gì mà quýnh lên vậy. 2 người siết tay nhau thân ái, trẻ trung như thời còn ngồi ở ghế trung học ngày nào, trong khi bà Thu đã đứng sẵn ngoài sân tự bao giờ.
– Bác đã nghe hết rồi, 2 đứa cứ đi đi, nhớ tối nay về ăn cơm với gia đình bác cho vui nghen.
2 người cùng cười, cúi đầu chào. Lộc nhảy phốc lên xe, trên đường đi họ kể cho nhau nghe từng kỷ niệm của thời thơ ấu, kẻ hỏi người trả lời, câu chuyện thật giòn giã. Đôi khi giọng nói của 2 người bị những âm thanh đường phố làm đứt quãng.
Khi gần đến nhà Thìn, khác hơn mọi lần, Danh cảm thấy bồn chồn và nhịp tim đập mạnh, không hiểu vì sao. Có lẽ, lát nữa đây Lộc sẽ nhìn thấy được di ảnh người bạn học năm xưa. Dòng đời đã cuốn đi mỗi người một ngả.
Lộc thì vượt biển trong một đêm tối trời ở Nam Ô, Danh tiếp tục nghề gõ đầu trẻ ở một thị trấn nghèo nàn. Riêng Thìn sau những ngày quân ngũ thương tích đầy người, đến tháng Tư năm 1975 lại bị lùa vào trong các trại tù khổ sai, rồi một cơn sốt rét ác tính đã cướp đi sinh mạng của Thìn và thân xác đã phải gởi lại ở tận vùng núi Kỳ Sơn.
– Tao thấy con đường nầy lạ quá. Mầy có đi lạc không?
Câu hỏi bất ngờ của Lộc từ phía sau xe đã làm cho Danh trở về hiện tại.
– Không sao đâu, sắp đến rồi.
Căn nhà ở cuối hẻm đã hiện dần ra phía trước, mái tôn đã loang lổ, rỉ mục bên trên là những tấm ác-lô được đè lên để chống mưa bão. Mái nhà hình như bị oằn xuống. Bức tường gạch ngả màu.
2 người dừng xe trước mái hiên. Con chó vện già nua, ốm yếu từ trong nhà chạy ra sủa vài tiếng cho có lệ, theo sau là một bà lão, tay chống gậy chậm chạp bước ra, cất tiếng hỏi:
– Ai đó?
– Con là Danh đây. Sẵn dịp có Lộc từ Mỹ về, tụi con đến thăm Bác và thắp nén nhang cho Thìn.
– Ờ, vào nhà đi. Bà cụ nói xong quay lưng đi thẳng đến ngồi trên chiếc ghế bố gần cửa sổ.
Danh và Lộc tiến tới phía trước bàn thờ. Ánh đèn dầu nhợt nhạt hắt lên một thứ ánh sáng liêu trai, rờn rợn …
Lộc nhìn thẳng vào mắt Thìn. Dường như có một luồng khí lạnh chạy từ sau ót. Lộc cắn môi thật chặt. Đầu óc nóng ran. Lấy lại bình tĩnh trong chốc lát, Lộc cầm 3 cây nhang, bật lửa cho cháy đều, cẩn trọng cắm vào lò hương và cúi lạy, đoạn lấy bao thuốc lá Marlboro trắng, chọn một điếu châm lửa mời Thìn rồi đặt gần 3 cây nhang. Lộc đứng ở đó rất lâu. Không biết họ đã nói những gì với nhau. Chỉ có Thìn trong bộ quân phục tác chiến với cấp bậc Trung Úy nhìn Lộc với ánh mắt buồn bã lạnh lùng …
Lộc liếc nhanh tầm mắt qua phía bên trái của bát nhang, lại thấy một tấm ảnh khác, trẻ hơn, mặc quần áo bộ đội.
2 hình ảnh đối nghịch nhau, 2 chiến tuyến khác biệt, tương phản cùng đặt trên một bàn thờ làm cho Lộc ngỡ ngàng bối rối…
Đột nhiên tiếng bà cụ từ phía sau vọng lại:
– Danh à, bữa sau có đến, nhớ mua cho bác ve dầu nghen.
Danh tiến đến ngồi cạnh bà. Lộc cũng quay lại phía 2 người, bất chợt Lộc nhìn thẳng và nhận ra bà lão kia chính là người mà Lộc đã gặp trong quán ăn mới sáng hôm nay. Không còn nghi ngờ gì nữa, cũng cây gậy tre với đôi dép nầy, với y phục nầy, có ai ngờ bà cụ chính là Mẹ của Thìn …
Trước khi từ biệt, Lộc nhờ Danh trao cho bà một số tiền và dặn Danh nhớ đến ngày giỗ của Thìn mọi cách phải đến thắp nhang và có chút quà cho bà cụ.
Trên đường về, Danh đã kể lại hết tình cảnh của gia đình Thìn sau biến cố 1975, đứa em trai út của Thìn phải thi hành “nghĩa vụ quân sự” và chết ở chiến trường Campuchia vào năm 1979. Người em gái của Thìn, tên Vân xin vào làm việc cho Hợp Tác Xã bao bì, lương không đủ sống, cứ mỗi chiều sau khi tan sở lại lội quanh khắp xóm tìm Mẹ già.
Căn nhà ngày càng thêm vắng vẻ, chỉ còn con vện già nua thủy chung vào ra hoặc nằm dài dưới chân chiếc ghế bố mà bà cụ thường ngồi. Phía trong nhà, trên bàn thờ, dưới ngọn đèn le lói là 2 tấm ảnh của 2 anh em ruột, hình như đang cùng nhìn về một hướng nào đó mù mịt xa xăm …
Thấm thoát một tháng đã trôi qua. Cầm tấm vé máy bay trên tay, Lộc không biết nói gì với Mẹ, với em, với bạn bè và ngay cả với Danh, đều có mặt ở phi trường trong buổi chiều nay. Kẻ đi, người ở lại, những lời gởi gắm thâm tình trước lúc chia tay. Bất chợt Lộc nhớ đến đôi mắt của Thìn đang nhìn mình. Như một vết sướt chạy qua từng thớ thịt đau nhói và tê buốt …
Phi cơ bắt đầu vượt ra khỏi phi đạo. Lượn một vòng trên không để tìm hướng đến. Quê hương bắt đầu nhỏ dần dưới làn mây trắng.
PHA
(Viết sau chuyến về Việt Nam)