main billboard

Cơn gió mạnh từ sông thốc vào xoay tròn đám lá khô nghe lào rào, lăn lông lốc trên nền bê tông theo đường vòng tròn, còn thổi lên lũ bụi lấp thấp, lẩn quẩn vướng chân người. Hàng tre vặn mình rin rít nghe như tiếng rên rỉ của người già trong cơn đau nhức trái gió mùa đông. Mặc gió, dãy hoa cúc vàng trong chậu vẫn đứng thẳng, hàng dài ngay ngắn đầy sức sống, rực rỡ, mạnh mẽ nhưng hiền hòa. Nắng chiều xuyên qua từ hàng cây cao là rào chắn khu nghĩa trang với con đường mòn nhỏ dẫn xuống sông, phết lên tấm thảm hoa những vệt màu sáng sang trọng, đài các.

Nơi đây còn một tên gọi khác là Cúc Xuân thay cho cái tên dễ hình dung Hạ Giang, mang ý nghĩa một làng bên sông, đoạn cuối cùng của hạ lưu, cách vùng cửa biển khoảng vài cây số.

Hồi còn rất bé anh chỉ thuộc mỗi tên Hạ Giang, sau này lớn hơn, biết nhìn ngắm sự vật thỉnh thoảng anh nghe Mẹ gọi là Cúc Xuân như một chỉ dẫn địa lý cho vùng trồng hoa cúc tết lớn nhất trong huyện.

Anh không quên được giọng nói như reo của một người khi biết Hạ Giang còn một tên nữa là Cúc Xuân. Người ấy thích tên Cúc Xuân, nghe mềm mại và tươi mới hơn Hạ Giang vừa cứng nhắc, khô khan không ấn tượng gì.

Để tránh những tranh luận về một cái tên khiến mất thời gian những buổi hẹn hò, anh thường cho qua và bảo Xuân cũng như Hạ, tên của 4 mùa và Giang cũng như Cúc vừa danh từ và có thể là danh từ riêng tên ai đó, nam hay nữ.

Lại bàn tiếp về cái tên. Người ấy bảo với anh rằng Giang là tên con trai và con gái, còn Cúc phải là tên con gái. Liền khi ấy, anh chỉ tay sang ngôi nhà nằm gần bờ sông là nhà anh Cúc, một người làm công việc giữ mộ từ đời cha sang đời anh và biết đâu còn đến đời con anh ấy nữa.

Nghĩ đến đây, bỗng dưng anh bật cười thành tiếng. Chỉ cái tên thôi, nhưng chục năm sau đó thỉnh thoảng giữa 2 người vẫn còn tranh luận khi về chung nhà ở thành phố. Cho đến cái ngày định mệnh, cô bỏ anh ra đi không một lời nhắn để lại.

Chuyện qua lâu lắm rồi nhưng vẫn còn vài người trong làng thỉnh thoảng thốt lên câu tiếc nuối mỗi khi họ gặp anh cùng con trai trở về mỗi năm Tết đến.

 hoa cuc vang chieu 30 tet

Thắm Nguyễn

Ngày Ba mất anh không về kịp vì đang trong chuyến công tác nước ngoài. Nỗi day dứt trong anh quá lớn mỗi khi anh nghĩ đến dáng Cha cao gầy, ngồi hay đứng trước cửa nhà với điếu thuốc trên tay chờ anh bắt đầu từ 23 tháng Chạp. Ngày ấy, thư đi tin lại ít nhất phải 2 tuần, Ba anh áng chừng và thêm tính lo xa, ông trừ hao sớm vài ngày chờ đợi. Và Mẹ anh thì gần như “cố thủ” trong gian bếp với đủ thứ mùi thơm ngọt, mặn … ấm áp lan tỏa khắp nhà cùng lũ nồi niêu soong chảo, rổ rá chỉ huy dàn hợp xướng của bài ca dao thớt. Dường như trong bà luôn có ý nghĩ lo lắng món này, món kia mà anh thích sẽ bị thiếu trong những ngày Tết. Để anh còn thòm thèm là điều mà bà không chấp nhận được… Tất cả những bà Mẹ trên đời này đều như thế. Do đó, bất cứ ai khi nghĩ về những kỷ niệm Tết xưa luôn là nỗi bồi hồi, bâng khuâng, thậm chí rưng rưng. Anh cũng vậy!

Bao nhiêu năm rồi, sau khi Ba mất, Mẹ anh về thành phố sống cùng gia đình em gái. Dù bận rộn thế nào anh cũng phải trở về vào ngày cuối năm để sắp xếp mọi thứ tươm tất cho mộ Ba. Ở đây gia đình anh còn một người thân nữa là em gái kề anh, mất khi mới lên 5.

Nghĩa trang luôn vàng hoa cúc mỗi khi anh trở về. Người ta trồng vừa mang bán chợ, vừa để lại bán cho những gia đình có mộ người thân nơi đây.

Anh đi một vòng men theo bờ kè. Mùa lụt 10 năm trước, trong một chuyến công tác anh ghé qua, khi ấy chưa có bờ kè bê tông. Là bởi ngồi nhà ở thành phố, hàng ngày xem ti vi, đọc báo Mẹ anh sốt ruột không biết nước sông Hạ Giang lên xuống thế nào, phả bờ bên kia chưa hay chỉ liếm lùm tre bên này…

Em gái kể bà hay nói một mình: “Không đứa nào lên coi mả em trời lụt có ngập không, xây cao lên đi chớ. Tiền bao nhiêu ăn cũng hết, má mà chết đi thì đứa nào lo cho nó”. Là bà nói mộ em gái anh. Đã lâu rồi bà không thể đến thăm nên ký ức về “mả em” trong bà chỉ là một nền xi măng nhỏ xíu, mọp mẹp sát đất. Người già nhớ nhớ, quên quên.

Lần đầu tiên anh chứng kiến dòng nước cuồn cuộn hung hãn ầm ầm làm xói lở một bên bờ sông. Anh còn đang quan sát hướng chảy của dòng nước lao thẳng vào đoạn uốn cong như muốn xé toạc lùm tre thì một tiếng động thật to kéo theo mảng đất lớn sụt xuống. Rất nhanh chóng, người bạn đi cùng lôi anh chạy vào phía trong. Sau đó, chính mắt anh thấy cả một vạt tre dài sụt xuống bên dưới gọn bâng sau một tiếng ầm vang dội, tích tắc không ngờ được. Rồi dòng nước chảy xiết cuốn trôi hết, không để lại dấu vết gì!

Qua nhiều năm tháng trong cuộc đời anh hiểu thấm 2 từ “hồi sinh”. Sau mùa bão lũ tả tơi, mọi thứ như có chiếc đũa thần gõ từ từ, chậm mà chắc. Những luống rau xanh mơn mởn thẳng hàng, ngay ngắn chờ Tết. Và hoa, năm nào cũng như năm nào, giữa tháng Chạp đã thấy một màu vàng bùng lên sáng rỡ, tràn đầy hy vọng.

Anh đứng lại ngắm dòng chảy hiền hòa, êm đềm bên dưới. Quanh anh tràn ngập hoa vàng. Mắt anh dừng lại bên dưới một gốc cây bồ kết. Năm nào anh cũng thấy một người phụ nữ lưng đã còng chăm chỉ và cần mẫn làm công việc lượm những trái bồ kết khô. Anh không biết bà ta lượm để bán hay đem về dùng. Anh thường nghĩ, nếu là việc mưu sinh thì tội quá, một ký bồ kết không bao nhiêu tiền, nhặt nhạnh đến khi nào mới đủ một ký. Nếu mang về dùng hẳn bà là một người vừa kỹ tính lại tiết kiệm. Nấu một nồi bồ kết cho con gái hay cháu gội đầu chiều cuối năm thể hiện tình thương yêu của người Mẹ, người Bà muốn con cháu giữ nếp nhà, phong tục cũ. Hương bồ kết là kỷ niệm, thể hiện sự chăm sóc, trìu mến chỉ có ở những phụ nữ xưa; họ níu kéo tập quán một cách vô vọng khi mà giờ đây lớp trẻ đều muốn mọi thứ nhanh, gọn. Phơi bồ kết cho thật khô giòn, đập ra rồi nấu hay đem dang ngoài nắng cho tinh chất ra hết. Thêm vài trái chanh cắt lát hay lá dứa cho thơm. Quả là quá cầu kỳ, ai làm sẵn cho dùng thì được. Tấm thảm ký ức luôn được dệt nên từ những sợi tơ yêu thương, sự hy sinh vô bờ bến, có tên là gia đình.

Anh đi lần vào bên trong. Gần mộ nhỏ của em gái có một người đàn ông dáng gầy, lưng hơi còng đang chú tâm vào công việc lau thật sạch từng góc, bậc một ngôi mộ. Anh biết người này. Bức tranh quen thuộc mỗi chiều cuối năm hơn 10 năm nay. Có lần ông ta nói với anh người nằm bên dưới là con gái, ông chỉ có mỗi cô ấy. Và công việc hàng năm ông làm cho con chỉ là việc bé mọn này, muốn con có cái áo mới ngày Tết.

Quanh anh bắt đầu có nhiều người. Có thể bên ngoài con đường chính đang sôi động, tất bật, ồn ào, nhưng ở đây dường như không ai vội; anh thấy mọi người đều thong thả giống như anh đang chầm chậm trên lối bê tông, nhìn cái này, quan sát cái nọ trong tâm trạng xong một năm đã qua và nhàn nhã chờ năm mới. Những chậu hoa cúc vàng các loại, to nhỏ cao thấp được dời từ cụm chung về từng nơi riêng rẻ. Mấy ngày trước anh đã đặt mua hoa qua điện thoại và họ đã đưa chúng đến đúng vị trí anh yêu cầu từ sớm nay.

Tiếng người gọi nhau, những đứa trẻ chạy nhảy, cười đùa bên cạnh người lớn đang làm công việc tưởng nhớ Ông Bà Cha Mẹ. Anh nghe một người Mẹ giải thích cho con về người nằm bên dưới và dặn dò sau này con lớn cũng phải làm như Mẹ. Anh nhìn đứa bé khoanh tay lắng nghe một cách chăm chú và thật nghiêm trang. Anh hình dung một thanh niên nghiêm túc và có trách nhiệm sau này khi nó lớn lên. Anh thấy lòng ấm áp và có chút ân hận là đã không rủ con trai đi cùng chiều nay.

Một người ngang qua gật đầu chào anh, hỏi câu quen lặp lại mỗi năm: “Anh về thăm cụ?”. Anh gật đầu chào lại, nói câu xã giao rồi bước đi tiếp. Trên lối anh qua có những gia đình đã xong việc, họ chưa về mà nán lại ngắm nhìn kết quả một buổi chiều dành cho người thân yêu. Nắng nhạt dần khiến anh bước vội. Nhanh lắm, chút xíu nữa thôi màu nắng sẽ rút đi, nhường chỗ cho chạng vạng. Bên ngoài kia mọi thứ chuẩn bị cho Giao thừa đang được đưa về phố như bong bóng, đồ chơi trẻ con, những bó mía, các thứ mà người ta mong bán được cho người đi chơi gọi là mua lộc.

Đến mộ Ba, anh bỗng giật mình khi thấy những nén nhang thắp cháy dở phân nửa. Có ai đó đã đến đây khoảng chừng chưa đến nửa giờ. Anh đảo mắt nhìn chung quanh, trong cái màu hoàng hôn nhạt buồn, anh không nhận ra ai là người quen.

Ai đã đến đây trước anh? Anh biết chắc chắn vợ chồng 2 em gái đang bận tíu tít những công việc chiều cuối năm cho gia đình riêng. Con trai anh đã báo trước chiều tối nay nó có một cái hẹn tụ tập bạn bè. Mẹ anh lại càng không thể. Vậy thì ai?

Anh lấy điện thoại và gọi cho 2 cô em gái. Cả hai đều trả lời anh là đã hẹn nhau ngày mai mùng Một cùng đi thăm Ba rồi.

Anh nhìn quanh thật kỹ lưỡng một lần nữa nhưng bài toán chỉ toàn ẩn số.

Anh sửa lại 2 chậu cúc, một việc làm vô thức và thừa thãi khi đầu óc đang bận suy nghĩ vì chúng đã ở vị trí rất chỉn chu rồi. Anh đốt một bó nhang và cảm giác đang làm công việc mà một người nào đó đã làm trước thay anh.

Anh có chút hụt hẫng. Bao nhiêu năm chỉ mình anh đảm nhiệm việc này ngày cuối năm. Ai đã đến trước khiến anh cảm giác bị chậm đi một nhịp, vừa thấy bí ẩn và khó hiểu khiến lúng túng tay chân.

Cuối cùng thì anh cũng rời đi mang theo nhiều câu hỏi trong đầu.

Anh ra đến nơi để xe, còn rất nhiều người nán lại và lác đác người đang đến. Dãy hoa cúc vàng dịu mềm trong ánh hoàng hôn đang xuống nhanh.

Anh ngồi lên xe máy, lấy mũ bảo hiểm đội đầu. Một người đàn ông vóc gầy bước đến, nheo nheo mắt nhìn anh. Anh nhận ra anh Cúc, người giữ nghĩa trang. Anh gật đầu chào và hỏi cậu khỏe không?

Anh Cúc nhìn anh thật lâu rồi nói: “Hồi sớm có một người hỏi tôi mộ Ba anh ở đâu. Tôi nhận ra ngay dù bây giờ tóc chị ấy đã bạc nhiều”.

Tim anh có nhói một chút, cô ấy về đây làm gì nhỉ, sao lại chọn chiều cuối năm để thăm lại Ba anh? Anh đã không gặp cô ấy nhiều năm nay và cũng không biết cô đang sống nơi nào. Có điều gì làm thay đổi một người phụ nữ cứng rắn, cố chấp, ngang bướng, chỉ thích chỉ huy người khác, đó cũng là mấu chốt của cuộc chia tay?

Anh hỏi anh Cúc câu cuối cùng: “Cô ấy có hỏi thêm gì nữa không?”. Anh Cúc lắc đầu.

Anh ra ngoài theo con đường mòn nhỏ, vẫn còn người ngược chiều vào nghĩa trang. Trên đường chính, dòng người xe bắt đầu đổ về phố. Anh xuôi dòng chảy, chiều chuyển dần sang đêm. Trước mặt anh chuỗi đèn sau xe màu đỏ càng lúc càng đầy thêm.

Đã bình tâm hơn, anh suy nghĩ, dù thế nào, lý do gì, anh cũng thầm cám ơn cô một lần trở về thăm Ba anh. Tuy nhiên anh có chút ưu tư, cô tâm sự điều gì với Ba anh? Phải có một tâm trạng như thế nào đó người ta mới tìm về để nói chuyện với người đã khuất như một cách đối diện với chính lòng mình, chỉ riêng mình biết.

Anh bỗng nhớ tiếng cười trong trẻo của cái thời thật hồn nhiên: “Em thích tên Cúc Xuân hơn Hạ Giang. Cúc Xuân vừa tươi mới đầy hy vọng tiến về phía trước, trong khi đó tên Hạ Giang nghe chững chạc quá, nó như một người từng trải dừng lại, ngẫm ngợi và chiêm nghiệm”.

Với anh, Hạ Giang hay Cúc Xuân đều thân thương, là nơi để anh trở về mỗi năm một lần. Và anh bỗng thấy ấm áp khi nghĩ cô đã không bỏ quên điều này, bất luận lý do gì. Anh còn 1 năm dài phía trước để tìm hiểu, nếu muốn!

ĐTTT