Quán nằm trên vùng đất mới định cư ở một ngã ba bán tạp hóa. Bên hông quán, về phía dòng sông lộng gió, chủ nhân căng thêm tấm bạt, đặt vài bộ bàn ghế nhựa bán cà phê, nước giải khát đóng chai. Quán không nhạc, không cây cảnh. Ðơn giản. Hoang sơ.
Ấy là cảm nhận của tôi khi lần đầu bước chân vào quán.
Nhưng sự đơn giản đến tận cùng nên trông hoang sơ ấy đã sinh động hẳn lên khi cô chủ xuất hiện. Giống như cái khung được chủ ý làm thô vụng tạo sự tương phản tôn lên nét thẩm mỹ của bức tranh, em đi giữa quang cảnh ấy như một bông hoa biết nói. Chất giọng, vóc dáng của em gợi tôi nhớ đến một thời cắp sách để hai tiếng nữ sinh cứ du dương luyến láy như những nốt nhạc mùa xuân trong tôi. Dù nhìn em tôi biết em đã đi qua tuổi mộng mơ rất xa.
Tôi không có thói quen uống cà phê ở riêng một nơi vào những cữ nhất định hằng ngày. Với tôi, đi uống cà phê ở quán xá là phương tiện để giải stress sau những giờ làm việc căng thẳng, kết hợp hương vị cà phê với khung cảnh ở một không gian yên tĩnh để thư giãn, hoặc để có được những cảm xúc bất chợt cho nghề nghiệp của mình. Vậy mà bước chân bây giờ cứ như đi trên một lộ trình định sẵn vào khoảng thời gian nhất định. Có lần tôi vào quán khi em bận lo việc bếp núc cho bữa cơm gia đình. Em đang rửa rau. Rửa xong, thay vì đổ hắt đi theo thói thường, em chịu khó bưng thau nước đi vòng ra trước nhà tưới vào mấy chậu hoa. Biết tận dụng một chút nước thừa, em cho tôi một cảm xúc bất ngờ. Hình tượng người phụ nữ Việt Nam đảm đang làm hậu phương vững chắc cho chồng con yên tâm hoạt động ngoài xã hội có phải cũng từ một đức hạnh như vậy? Từ ấy em không biết rằng tôi đã bị em chinh phục bởi một nét đẹp của tính hạnh ngoài nét đẹp hình sắc vốn có của em.
Thắm Nguyễn
Một lần em nói với tôi:
– Em nghe nói anh Thụy là nhà văn. Người viết văn giàu ngôn ngữ. Em nghĩ anh nói chuyện hay lắm.
Ơ… Tôi hơi bối rối. Sao em biết tôi viết văn? Có lẽ quán cà phê là nơi người ta để lại nhiều thông tin. Nhưng ngược lại với ý nghĩ của em tôi nói năng rất vụng. Tôi thành thật:
– Ngược lại em ạ. Văn nói của anh nghèo lắm. Tôi chuyển hướng:
– Em làm độc giả của anh nhé?
Em nhìn tôi. Tôi thấy mùa thu trong mắt em. Em đáp bằng một câu hỏi:
– Là sao?… Ý em là thường xuyên không?
Hơn cả sự mong đợi của tôi. Có ai viết văn mà không thích độc giả thường xuyên đọc mình. Tôi đáp:
– Nếu em vui lòng. Anh rất vui khi em hỏi vậy.
Ðể chiếc điện thoại đang tiếp phát đài FM cho tôi nghe nhạc. Em chào tôi để đi làm việc của em. Những bản tình ca ru tôi miên man. Tâm hồn tôi phiêu du trong cõi thơ, trong thế giới những cái đẹp ngập tràn ký ức mà tôi cảm nhận trong quá trình sáng tác qua những ca từ. Ly cà phê hôm nay như đậm đà hương vị hơn. Có phải vì tôi vừa phát hiện thêm một nét đẹp trong tính cách của em? Vài hôm trước nghe tôi nói rất thích nghe nhạc, những loại nhạc cùng sở thích với em. Hôm nay nhằm buổi đài FM phát chương trình ca nhạc hợp sở thích, em lẳng lặng mở cho tôi nghe. Người biết đem niềm vui đến cho người khác là người giàu lòng nhân ái. Cảm ơn em. Cảm ơn cuộc sống với nhiều bất ngờ thú vị.
Cách tôi ngồi không xa có một cây phượng mà chắc tuổi cây cao hơn tuổi khu định cư này. Từ khi đến quán em lần đầu tôi đã chọn một vị trí để ngồi uống cà phê được ngắm nhìn tán phượng phơi màu xanh trong nắng. Cái màu xanh của phượng cứ mơn mởn ngập trong nắng một sắc tươi non níu hồn tôi về một thời xa ngái. Thời vui buồn sân trường đầy ắp kỷ niệm dưới gốc bàng tán phượng…
Ðã nhiều lần tôi muốn nói với em “Hãy như tán phượng xanh kia. Khoan vội nở hoa em nhé. Hoa nở để rồi tàn, là dự báo chia xa…” Nhưng em không được nghe bởi tôi không thể nói. Trong cuộc sống có những ranh giới mong manh nhưng không dễ bước qua. Và sự im lặng đôi khi được hiểu nhiều hơn lời nói ra. Trong cuộc hành trình đơn độc trong nghiệp sáng tác, tôi đã có bao cuộc chia ly. Tôi rất sợ chia xa. Dù có những cuộc chia xa thấm đẫm chất thơ.
Vậy mà ngày mai tôi phải đi xa. Tôi phải chịu cuộc chia xa. Xa tán phượng xanh rợp bóng hồn tôi…
Thành phố nơi tôi đến cũng có những tán phượng làm dịu đi cái nắng chói chang và cái nóng phản hồi từ mặt đất. Thổ nhưỡng phương Nam không giống miền Trung nhưng sắc lá xanh của phượng vẫn như nhau. Mỗi khi nhìn tán phượng hay nhìn giọt cà phê đếm thời gian rơi, lòng tôi lại dâng một sắc nhớ bâng khuâng về chốn cũ. Nỗi bâng khuâng của một sắc thái tình cảm không định được tên, không bến bờ bởi không giới hạn… Rồi một sớm mai tôi bắt gặp những sắc đỏ đầu tiên điểm xuyết trong tán lá xanh. Phượng nở hoa! Nỗi bâng khuâng trong tôi tăng thêm… Một bạn văn nói với tôi “Hình như chúng ta tự mâu thuẫn với mình trong vấn đề tình cảm. Cứ mỗi mùa hoa phượng nở lòng tôi lại miên man một nỗi đau nhè nhẹ, một niềm tiếc nuối ngu ngơ với mối tình đầu. Tôi vừa sợ cái màu đỏ ấy xuất hiện, mà khi hoa đã nở rồi lại trông thời gian trôi chậm lại để hoa khoan vội tàn, để góc riêng của mình còn đậm màu đỏ chia ly của ngày xưa ấy”.
Trong những ngày qua, mỗi ngày phượng thêm bung nở. Có những tán phượng chỉ rực một màu lửa. Tôi muốn gởi đến em một tin nhắn về phượng như một sự sẻ chia. Nhưng tôi không có số di động của em. Có ngớ ngẩn không khi tôi chợt nảy ra ý nghĩ sao tôi không đặt cho em một tên gọi riêng với niềm đam mê của mình? Ai ai khi nhắc đến phượng đều gọi phượng đỏ, phượng hồng. Ấy là phượng của người. Tôi chỉ thích phượng của riêng tôi. Phượng xanh! Xin được gọi em là Phượng Xanh em nhé. Phượng xanh! Một tứ thơ chợt đến. Những câu thơ bật ra như một sự giãi bày: Tán phượng vĩ ngời ngời ran sắc lửa/ Ðâu khoảng trời em rợp bóng trong tôi/ Ðâu sắc lá mượt mà xanh xưa ấy/ Thuở hạ chưa về. Phượng chưa nở mùa yêu…/ Ðâu những lúc bên ly cà phê sáng/ Ngắm phượng xanh lọc từng giọt bụi đời/ Em thanh khiết giữa sắc màu bụi bặm/ Tôi nép hồn mong lắng chút phiêu linh…/ Em thanh khiết. Tôi nhuốm mùi tục lụy/ Em tinh khôi. Tôi áo bụi đường trần/ Phượng thắp lửa tôi còn mơ xanh lá/ Trước thánh đường đành hát những lời câm…
Bài thơ chưa đoạn kết. Giờ xuất phát đã điểm. Giã biệt thành phố phương Nam tôi về với miền Trung nắng gió bão giông. Về với Phượng Xanh…
Trở lại quán em uống ly cà phê sáng sau mười lăm ngày xa vắng. Tôi linh cảm có điều khác lạ. Cây phượng đã đỏ rực những hoa, chỉ còn một cành lẻ loi hướng về phía tôi còn xanh lá. Ðem cà phê cho tôi là một em gái lạ. Tôi nhìn cô bé muốn hỏi thăm em thì cô bé nói:
– Anh là anh Thụy nhà văn? Chị em nói rồi anh sẽ trở lại.
Tôi ngạc nhiên. Bởi tôi có khắc chữ nhà văn trước trán đâu. Tôi bắt chuyện:
– Sao em biết anh là nhà văn?
– Chị em có tả dáng dấp anh. Nơi anh ngồi và cách anh ngồi uống cà phê ngắm cây phượng.
– Vậy chị em…
– Chị em làm đám cưới tuần trước, theo chồng về bên kia sông.
Bỗng dưng… Thật đấy! Bỗng dưng tôi thấy hớp cà phê trở nhạt. Một thoáng chơi vơi hụt hẫng trong lòng. Cứ như vừa đánh mất điểm tựa của tâm hồn. Ơ hay!… Sao thế nhỉ? Phải mừng cho em chứ! Ðời người con gái em đã được mặc áo cưới lên xe hoa. Chúc mừng em! Ừ, chúc mừng em. Nhưng dù sao ngày về không gặp được em cũng một chút buồn ơi…
Tôi nhìn tán phượng tự hỏi bên cái màu chia xa rực đỏ kia, một nhành xanh còn lại có phải dành cho tôi không hỡi phượng xanh?… Một làn gió nhẹ lướt qua, những cánh phượng lả lơi rơi chấp chới như đàn bướm lửa.Tôi như thấy em đi dưới tán hoa rực đỏ như xác pháo ngày vu quy. Những vần thơ chợt đến kết thúc bài thơ còn dở dang: Thơ tôi viết như một lời từ tạ/ Xác phượng rơi tựa xác pháo hồng/ Tôi mặc niệm tiễn tôi về xa ngái/ Thuở hạ chưa về phượng còn mượt mà xanh…
Mượt mà xanh?…Ôi còn đâu? Còn đâu thuở hạ chưa về phượng còn mượt mà xanh…
Phượng xanh ơi!…
TXTImus. Aciendae venditi atecti ipsae sincimus, cus sam fuga. Ovit odi offic to molupta tibus, tet aut entissi nctissit occullaut lab inciam