Ðột nhiên, đuôi mắt anh lan dài vệt nước mắt. Anh thở hắt ra. Máy giám sát y tế báo động. Người y tá trực chạy vào làm thao tác cấp cứu cần thiết, rồi cô lắc đầu khẳng định anh đã ra đi vĩnh viễn…
Tôi nhớ như in hình ảnh anh nằm bất động trong bệnh viện của những ngày cuối đời. Thân hình gầy gò, khô đét của anh được che hờ bởi tấm áo khoác dành cho bệnh nhân. Bác sĩ cho biết não bộ anh đã không còn hoạt động sau cơn hôn mê kéo dài. Mắt anh nhắm nghiền, mí mắt thỉnh thoảng cử động nhẹ. Tôi và người thân quây quần bên anh tỉ tê kể chuyện, nhắn nhủ và cầu nguyện cho anh, mặc kệ lời người bác sĩ cho biết về tình trạng bệnh lý có phần vô vọng của anh.
Những ngày đầu, chúng tôi đến túc trực bên anh, lòng nghe nặng trĩu nhưng cố đẩy đi cảm giác bi quan, ráng bám víu vào phép màu nhiệm trong hư vô. Sau nhiều ngày đêm thức trắng, những câu chuyện thành nhàm chán, lặp đi lặp lại. Những lời cầu nguyện cũng thưa dần và ánh mắt người thân trở nên đờ đẫn, ráo hoảnh trong mệt mỏi khi phải tường thuật lại biến cố của bệnh tình anh. Không có gì mới!
Tưởng như, khi anh ra đi, sự chấp nhận của những người chung quanh dường như đã thấm dần. Nhưng không ngờ cảm xúc mọi người lại tuôn trào cuồn cuộn như tức nước, vỡ bờ tựa như bị dồn nén, tức tưởi bấy lâu nay. Mọi người trong phòng bật khóc. Bọn trẻ, con của anh, khóc thống thiết thành lời: “Ba…ba ơi!”. Vợ anh ôm chầm các con, nước mắt lưng tròng, rồi chị cũng không kềm chế được nức nở khóc. Việc anh ra đi đã được bác sĩ tiên đoán từ lâu. Có thể đó là một sự giải thoát. Chị khóc cho anh hay chị không cầm lòng được khi nhìn thấy các con mình đau buồn?
Chính tôi lặng người, không tin vào mắt mình, dù tôi đã nhiều lần hỗ trợ thân chủ chuẩn bị trong vấn đề pháp lý về việc thừa kế tài sản cho những gia đình có người thân sắp qua đời hay đã qua đời. Như bản năng, tôi bước đến, mạnh mẽ choàng vòng tay mình chung quanh như muốn ôm trọn chị và các cháu vào lòng để bảo vệ và an ủi họ. Ba tháng sau, tôi lại đứng trước quan tài, vẫn với những gương mặt quen thuộc, nhưng lần này, chị nằm trong đó. Chị bị nhồi máu cơ tim.
Đinh Cường
“Cái chết” nhà thơ Sylvia Plath từng viết “là một nghệ thuật, tương tự như những điều trong cuộc sống, tôi có thể làm một cách tài tình.” Tôi từng nghĩ đến câu thơ này nhiều lần trong những năm gần đây mà vẫn mù mờ không hiểu hết ý nghĩa của nó. Dù công việc của một người luật sư đưa tôi đến những tình huống và hoàn cảnh mà tôi có cơ hội giúp nhiều thân chủ khi gia đình họ phải đương đầu với cái chết của người thân, nhưng tôi vẫn không phải là “expert (chuyên gia)” về cái chết. Ðến khi tôi phát hiện mình mang chứng bệnh ung thư, tôi bắt đầu cảm nhận được phần nào lời nhắn nhủ của nhà thơ Sylvia Plath trong tâm trạng của một người phải đương đầu với cái chết.
Thoạt đầu, tôi nghe bác sĩ nói về chứng bệnh của mình với tâm trạng bàng quan. Tôi không thấy gì nghiêm trọng. “Có bệnh thì chữa, không sao” tôi tự nhủ. Nhưng người nhà thì bàng hoàng khóc lóc làm tôi khá ngạc nhiên. Khi kết quả xét nghiệm xác nhận căn bệnh mà bác sĩ đã chẩn đoán, tôi vẫn không sợ chết vì tôi luôn sẵn sàng ra đi bất cứ lúc nào. Ðến khi triệu chứng có vẻ tiến triển theo chiều hướng tiêu cực thì tôi buộc phải thay đổi, hủy bỏ những sinh hoạt và dự tính trước đây.
Khi bạn bè, người quen bắt đầu biết đến tình trạng bệnh lý của tôi, họ muốn gặp mặt và thăm viếng tôi trước khi không còn cơ hội nữa. Tôi vốn dĩ quý bạn, thích hài hước, trêu chọc và chú trọng việc mang niềm vui đến cho những người chung quanh bỗng sợ liên lạc họ.
Những lời hỏi thăm chân tình dồn dập. Sự thân thiết, quan tâm hay lòng nhân đạo cho một kẻ sắp gần đất xa trời làm tôi cảm thấy nặng nề. Ðến khi tôi nghe tin người nhà bất ngờ bay sang thăm thì tôi bàng hoàng, run rẩy, tay chân rụng rời. Ðang ngồi làm việc trong văn phòng, tôi rũ người xuống nằm dài áp mặt trên nền nhà trơ trọi. Bụi dơ bám dính vào lớp kem trang điểm trên mặt, đầu tôi tấn giữa hai góc tường. Tôi sắp chết thật rồi sao? Tôi tự hỏi nhưng cảm thấy thương mình ít mà thương người còn ở lại thì nhiều. Anh làm thuế cùng văn phòng bước vào hỏi xem tôi có sao không, giọng anh như vọng lại từ cõi xa vắng. Tôi thều thào trấn an anh.
Xem thêm: Gia tài để lại cho mẹo
Có một chân lý về cái chết mà tôi chợt nhận ra. Cái chết, dù có chuẩn bị chu đáo đến đâu, vẫn mang lại nhiều cảm giác bất ngờ như phi hành gia lần đầu tiên bay vào vũ trụ. Người phải đương đầu với cái chết thường chấp nhận nó một cách dễ dàng. Như một nghệ thuật, nó không theo một công thức cố định nào, và không có cái chết nào giống cái chết nào, cũng như không có cái chết nào dễ dàng hơn cho người ở lại dù người ta từng trông chờ nó đi nữa. Nhưng sự lo lắng cho người ở lại thường là điều làm chùn lòng người ra đi. Tôi sợ đem tin buồn đến cho bạn bè người thân. Tôi sợ làm tâm lý của những người chung quanh nặng nề. Rồi có khi tôi lại sợ nhỡ may mình không chết thì phụ lòng của những người thân quen đã quan tâm, lo lắng về mình.
Tôi chuẩn bị sẵn chi tiết tang lễ cho chính mình. Tôi hoàn tất những giấy tờ cần thiết để giải quyết việc thừa kế sau khi tôi mất. Tôi còn tham lam và muốn dùng lòng thương hại của mọi người để hàn gắn những sứt mẻ của những người khác. Nhưng rồi chính tôi tự nhận biết sau khi tôi ra đi, đâu lại vào đấy, những hố sâu ngăn cách là do chính những người trong cuộc tạo ra, chẳng ai có thể thay đổi họ ngoài họ ra. Ngay cả một người muốn lợi dụng cái chết như tôi cũng không có tư cách gì để dạy đời người khác, hay thay đổi những nếp suy nghĩ và cải thiện những hiềm khích của những người chung quanh. Tôi miễn cưỡng chấp nhận sự bất lực và giới hạn của chính mình. Nhưng dù có chết hay không, dù chẳng thay đổi được điều gì, tôi vẫn muốn tụ họp cùng bạn bè, người quen một lần để nói tôi yêu họ một cách sến sẩm như những cuốn phim lãng mạn, lý tưởng hóa cái chết.
Có lẽ, điều tôi muốn nói rằng chết không phải là hết. Tôi từng phải đương đầu với cái chết thường xuyên cùng với thân chủ do tính chất công việc và từ chính kinh nghiệm cá nhân mình, nhưng tôi vẫn tin chắc rằng chết không phải là hết. Người chết vẫn mang theo tâm tình của những người còn sống. Người ra đi nhưng vẫn tiếp tục sống trong tâm khảm những người nhớ đến mình, nhắc nhở với nhau thời gian là vô giá. Những gì mình thích, mình muốn thì cứ làm và làm ngay. Những gì không thoải mái, không thích thì cũng không cần phải gượng ép chính mình hay gượng ép người khác. Lối sống “đếch cần” nhiều khi lại là cần thiết nhất, đặc biệt là khi con người ta nhận ra thời gian không còn bao nhiêu.
Ngày mai tôi đi gặp bác sĩ phẫu thuật. Tôi tưởng tượng nằm dài trong phòng mổ nhìn lên ánh đèn neon trên trần nhà rồi từ từ đi vào hôn mê. Trên lơ lửng tôi thấy vệt nước mắt lan dài cuối đuôi mắt mình…
AT