“Mấy đêm trước khi bắt đầu mùa đánh tôm năm 1980, một trận bão đang hoành hành ở vùng vịnh. Tại khách sạn Holiday Inn, gần thị trấn đánh cá ở Seabrook, phía bờ Tây của vịnh Galveston, một nhân viên hòa giải của Bộ Tư Pháp tổ chức cuộc thương thuyết về cuộc chiến “Ðánh tôm” giữa 2 phe: Những ngư phủ Mỹ gốc Việt và Ku Klux Klan ở Texas…”
12 giờ khuya. Bến tàu thị trấn Trinity bắt đầu rộn rịp, các ghe đánh tôm đều nổ máy, lên đèn, chuẩn bị ra khơi cho chuyến đánh tôm đầu mùa.
Anh Lành kéo dây neo:
– Em, dây mũi!
Chị Bông nhanh tay gỡ dây mũi, nhảy lên ghe.
Chiếc ghe đánh tôm nhỏ, sáng đèn, rời bến.
Sao đêm trên bầu trời đen lấp lánh từng vạt sáng trên mặt biển ít sóng, như lớp chì mỏng dập dờn, yên bình.
– Em, lưới!
– Xong.
Anh Lành cho ghe chạy thật chậm, bước ra phía sau phụ vợ thả phao chớp đèn đỏ xuống biển, thả lưới đánh tôm xuống biển.
Chị Bông xuống hầm, mở bếp ga, hâm nồi cháo gà đã nấu hồi chiều, múc 2 tô, đặt lên bệ gỗ vừa mở ra từ vách buồng lái nhỏ. Anh Lành lấy chai rượu whiskey đỏ rót 2 ly. Hai vợ chồng làm một hơi, đứng ăn cháo.
– Năm nay trời ấm, gió đứng, chắc trúng mùa.
– Lạy trời, kiếm ít tiền trả bớt cho cái nhà, 8 năm rồi.
Ngoài mặt biển xám, những chiếc đèn phao chớp màu xanh, báo hiệu lưới đã đầy cá.
– Lên lưới!
Anh Lành cất nồi cháo đang ăn, 2 vợ chồng uống chai nước, ra ngoài.
Chị Bông quăng móc câu dây phao, móc vô bánh xe của chiếc cần trục nhỏ bên hông buồng lái, anh Lành bật chốt điện, tiếng cần trục rì rì cuốn lưới lên, bầu lưới nặng trĩu ngoi lên khỏi mặt nước.
– Trúng rồi em.
Tiếng anh Lành lẫn trong tiếng máy, anh quay cần trục vô giữa sàn ghe, chị Bông bước lẹ tới gỡ dây cột dưới bầu lưới.
Luồng tôm đổ ào ra tràn tới 2 bên be, chị cười rạng rỡ…
Hồ Đắc Vũ
-oOo-
Anh Lành 26 tuổi, học lớp 3, gốc Phú Yên, tới định cư ở Texas, gần vịnh Galvestone, do một gia đình Việt Nam thuộc Hội Thiên Chúa Giáo có 5 chiếc ghe đánh tôm bảo trợ. Ông Tư, cựu sĩ quan cấp tá của sư đoàn 25 bộ binh, đã ngoài 60. Ðứng coi xưởng tôm cùng với 2 con trai, đều là thuyền trưởng, xưởng phát đạt liên tục trong nhiều năm.
Học được chút ít tiếng Anh trong 4 tháng, Lành định tìm việc ở nhà hàng, ông Tư nói:
– Lành, cháu ở đây làm tôm cho chú đi, thù lao cao, khỏi làm nhà hàng.
– Dạ, con cám ơn.
Ngay sáng mai, 4 giờ sáng Lành bắt đầu học nghề đi biển đánh tôm, chỉ 3 tháng sau, anh là thủy thủ cột trụ trong 5 ghe tôm của ông Tư.
Chị Bông 24 tuổi, tốt nghiệp trung học, làm nghề thu mua cá ở Thu Xà, Quảng Ngãi, định cư ở nhà dì tại New Orleans, không có gì làm, qua Seabrook, Galveston tìm việc. Trúng ngay xưởng tôm của ông Tư.
– Con dọn dẹp căn phòng bên kho chứa, ở tạm cho tới khi có lương, chú cho con 200 đô lo việc ăn ở. Ngày tới xưởng làm công việc kiểm cá, cân, tính tiền, phát biên lai, vô sổ tiền thu nhập.
Chỉ 6 tháng, chị Bông là kế toán trưởng của xưởng tôm.
Ðúng thiệt là “tiền rừng bạc biển”. 4 năm sau, khi tự đi biển đánh bắt những con tôm vùng vịnh Galveston đã làm đầy bạc trong trương mục của anh Lành, chị Bông.
Trong ngày lễ cúng biển 2-7, tổ chức hàng năm của các ngư dân vùng Texas. Sau lễ lộc, thường là tiệc nhậu.
Anh Lành đứng dậy:
– Con cám ơn thần biển.
Anh quay qua chú Tư:
– Cháu cám ơn chú Tư đã giúp đỡ trong mấy năm qua, cháu xin mời chú ly rượu ấm áp nghĩa tình quê người xứ lạ.
Lành đưa ly, cả bàn đứng theo, chúc chú Tư.
– Lành, cháu làm ăn ngon lành có tiền có bạc rồi…
Bông từ trong nhà mang ra 2 tô cà ri bò, đặt xuống bàn.
– … Cũng nên nghĩ tới chuyện tình cảm, gia đình.
Chú đứng lên kéo tay Bông:
– Em Bông làm việc khá, độc thân, hiền hậu… Nè, chú mai mối 2 đứa thành vợ chồng đó.
Bông mở to mắt, cúi mặt, vặn đôi bàn tay, lí nhí:
– Chú ơi, Con đâu “dốm”.
– Nhưng tui dám!
Lành hừng hừng, đứng dậy:
– Tui… Tui dám…
Bông ẹo người:
– “Dốm” gì?
Anh Lành ú ớ:
– Dá… dám… mời Bông uống rượu.
Bông cười, giọng Quảng Ngãi đặc sệt:
– Anh “dốm” hay rượu “dốm”?
Lành đưa ly rượu:
– Cả hai đều dám.
Bông uống ly rượu tỏ tình, bắt đầu cho cái đám cưới sau đó 3 tháng, chỉ có dâu và rể, 2 chai rượu whiskey, 2 thùng bia, chú Tư với 4 người bạn và 1 đêm say ngút ngàn.
Tháng sau.
– Nè, hai vợ chồng, chú cho mượn vốn trả góp không lấy lời mua chiếc ghe nhỏ, 2 đứa tự làm tôm, tháng trả 200 đô.
-oOo-
… 2 vợ chồng lựa tôm, bỏ thùng, rắc đá.
– Xong! Mới 3 giờ sáng, làm thêm chuyến nữa rồi về, bữa nay trúng quá.
Anh Lành nói, chui vô buồng lái, chạy dạt sang phải. Chừng 10 phút, anh ngừng ghe.
– Lưới!
Chị Bông thả phao đèn, dây mồi, lưới:
– Xong.
Anh Lành cho ghe chạy thật chậm tới trước.
Chị Bông nướng con khô mực lớn, lấy búa đập, xé sợi, bỏ dĩa với tương ớt. Anh Lành dừng ghe, lôi dưới hộc chai rượu whiskey đỏ.
Làm hết con mực, nửa chai rượu, anh Lành, nổ máy lớn, rọi đèn.
– Lên lưới!
Công việc lại tiếp tục như cũ, nhưng bầu lưới chứa tôm vừa lên khỏi mặt biển thì có 2 chiếc ghe sắt pha đèn chạy sát tới.
Chị Bông, bước vô phòng lái với chồng, từ ghe bên kia, có người la lớn:
– Yêu cầu ngưng đánh tôm, gỡ lưới, vô bờ.
Anh Lành, chị Bông nhìn, ghe màu trắng, với chữ Capt Hook, có 4 người mặt đồ trắng mang bảng số Galveston.
Bên kia lặp lại:
– Yêu cầu gỡ lưới, vô bờ!
Anh Lành bước ra, hỏi:
– Tại sao?
– Anh đã đầy ghe, không được tiếp tục.
– Chúng tôi làm sắp xong.
– Không! Cuốn lưới, xả tôm, quay vô, đây là lời cảnh cáo cuối cùng.
Giọng chị Bông run run:
– Xả tôm bỏ đi anh, thu lưới vô bờ, cũng đầy ghe rồi.
– Mẹ, tụi nó có quyền gì? Mình làm nhiều, tôm nhiều, tụi nó làm ít, thì tôm ít, tại sao chống người ta chớ? Tôm của biển mà, đâu phải tụi nó nuôi.
Ðùng, đùng!
2 viên đạn pháo sáng bắn xéo qua ghe.
Chị Bông năn nỉ:
– Vô bờ đi anh!
Anh Lành bước vô phòng máy, quay cần cẩu ra biển, chị Bông kéo dây túi, tôm đổ ào xuống.
-oOo-
“Người cảnh sát khu cảng chạy tới đám khói ở bến tàu, một tàu đánh tôm rực cháy bên mạn trái, ngọn lửa lan dài theo những ghe đánh tôm màu trắng của ngư dân Mỹ gốc Việt”.
(Trích: Kirk Wallace Johnson. news.yahoo.com)
– Tụi Mỹ bắt đầu chống lại ngư dân đánh tôm gốc Việt. Hôm qua, chú Tư khuyên anh nên bớt đi biển cho đến khi tình hình được dàn xếp. Em ở nhà, một mình anh làm được rồi.
Chị Bông thở dài:
– Anh đánh gần bờ, gặp tụi nó thì kéo lưới, nhịn. Nếu có chuyện, chạy vô lẹ, 3 giờ sáng về được rồi, em đợi.
Khuya đó anh Lành đi đánh tôm một mình.
Gần 3 giờ, biết vợ đang đợi, nhưng anh cố thả lưới làm cú chót. Vừa cẩu lưới tôm nặng trĩu lên khỏi mặt biển, thì 2 viên đạn lân tinh bay tới mũi ghe, bốc cháy. Anh Lành rút ống máy bơm nước biển xịt mạnh, lửa lan vô tới đầu phòng lái, luồn xuống hầm, anh L lúng túng nhìn, vòi nước xịt quá yếu, không đủ dập ngọn lửa.
Tạch, tạch.
Hai viên đạn lân tinh bắn tiếp. Ghe cháy mạnh ở đuôi, ngọn lửa lan nhanh vô thùng dầu máy
– Ầm!
Anh Lành té ra sau, chiếc cần cẩu mang nặng bầu lưới tôm rung rinh, sụm xuống, đập mạnh, anh Lành há miệng, tiếng la nghẹn trong cổ, ngọn lửa bùng lên chiếc ghe chìm nhanh trong lòng biển đêm…
Chú Tư cho 2 chiếc ghe tôm ra khơi, tìm anh Lành. Chị Bông ngồi bên mạn ghe, mặt xanh lè, cắn răng nén tiếng khóc.
– Có vật lạ trôi hướng 1 giờ.
2 chiếc ghe vòng qua. Trên mặt biển, 2 chiếc thùng nhựa lớn đựng nước ngọt, 2 bộ đồ quần áo làm tôm bằng cao su vàng, một đống bao nhựa.
Chị Bông la lớn:
– Chú Tư, tấp ghe vô giùm con!
Chiếc ghe ngừng lại, lẫn trong đống bao nhựa là tấm bảng số ghe và chai rượu whiskey đỏ bập bềnh, chị Bông lấy cây móc kéo vô…
-oOo-
“Tình hình càng tệ hơn. Một người Mỹ trắng đánh tôm đã cho nhóm kỳ thị Ku Klux Klan mượn trang trại tổ chức biểu tình chống dân đánh tôm gốc Việt, họ la lớn “Việt Cộng! Việt Cộng” và đốt một mô hình ghe đánh tôm của Mỹ gốc Việt. Ông Louis Beam, đại diện của Klan đã đưa thời hạn 90 ngày để ngư dân gốc Việt ra đi, nếu không, họ phải đối mặt với máu”.
(Trích. Kirk Wallace Johnson. news.yahoo.com)
Dưới phố chính, gần bến ghe của Seabrook có quán rượu Seamen’s cave, nơi các ngư dân trong vùng thường ghé nhậu nhẹt sau chuyến đánh tôm, hoặc lúc nằm bờ vì bão biển.
Kent, tay thuyền trưởng chiếc tàu sắt đánh tôm mặt mày đỏ ké, đang nốc rượu rum với xúc xích bò cùng 2 người bạn:
– Nếu tụi nó không giảm bớt số tàu đánh tôm… Hà hà, tao chơi tới luôn!
– Tới gì?
Người bạn hỏi, Kent đập tay xuống bàn:
– Nổ! Chiến tranh Việt Nam lại xảy ra.
– Tao không nghĩ mầy sẽ thắng. Dân Việt đánh đấm ra trò…
Người bạn khác:
– Rồi lại bỏ chạy như lần trước, Kent.
Ðúng lúc cô hầu bàn có mái tóc nâu đỏ, cắt ngắn, mang ra chai rum và dĩa xúc xích mới, chị đặt xuống bàn.
– Nhưng lần này Capt Hook chơi, thắng cái chắc!
Cô hầu bàn đang quay đi, bỗng khựng lại:
– Thưa Capt Hooks, ông có cần nước lạnh không?
– Ô, cô hay quá, cho bình nước lạnh.
Ông thuyền trưởng nắm tay cô, nhét tờ 50 đô:
– Tôi sẽ gặp cô khi tiệm đóng cửa tại bãi đậu xe.
Cô hầu bàn cười tươi:
– Ok!
Thuyền trưởng Kent là đà, đứng dậy đưa cao ly rượu rum:
– Mẹ, kỳ này thì tụi phá lợi tức của tao sẽ nếm bài học sắt máu. Cạn ly!
Hai người bạn cụng ly.
Ðã 11 giờ đêm, ông thuyền trưởng là người cuối cùng ra khỏi quán rượu, ông vô xe, đốt tẩu thuốc, bập bập, quay kính xuống, ngả người, đợi.
Chừng 15 phút, cô hầu bàn tóc nâu đỏ, từ cửa sau quán rượu bước tới xe.
– Cộc cộc!
Tiếng gõ làm Kent nhổm dậy, cô gái đưa mặt ngay cửa:
– Tôi đây!
– Ồ, cám ơn cô. Tôi may mắn quá, mời cô.
Ông mở cửa, cô hầu bàn leo vô chiếc xe bán tải cỡ lớn.
Cô hầu bàn cười nhẹ, ông mở nút áo của cô, nhét vô mấy tờ $100:
– Tặng cô xài chơi, chúng ta sẽ có 1 đêm tuyệt vời.
Ông Kent không chạy tới khách sạn, mà nhắm khu rừng bên vực đá sát biển, chạy tới. ông lùi xe vô rừng, tắt máy.
Ông Kent chồm qua ôm chặt cô hầu bàn, giựt tung hàng nút áo, đưa tay tuột chiếc quần bó ném ra băng sau, ông hôn vô bộ ngực ửng trắng trong đêm tối, tay kia nâng cô hầu bàn lên cao, ập mặt vô giữa 2 đùi…
Chiếc xe rung từng hồi, tiếng khò khè của ông thuyền trưởng át luôn tiếng dế bên rừng.
– Hự!
Cú lên gối vô hạ bộ khiến ông thuyền trưởng ngã qua một bên, há miệng, le lưỡi.
Cô hầu bàn, ngồi dậy, mặt quần, cài áo, nhảy ra khỏi xe, kéo bàn tay ông thuyền trưởng, nhét ngón trỏ vô ổ điện mồi thuốc ngay cần số, cô qua bên ghế tài xế, mở máy, đưa tay nhấn ga mấy cái, ông thuyền trưởng bật mạnh người, sụm xuống ghế, ngay đơ.
Cô hầu bàn ném đầu tóc giả xuống đất, lấy trong chiếc xách tay chai rượu whiskey đỏ còn phân nửa, rắc đều từ đầu tới tay ông thuyền trưởng, cô ném chai rượu xuống sàn xe, đứng nhìn ra mặt biển lấp lánh bên bờ vực, cô cúi đầu, chắp tay:
– Anh Lành ơi, em Bông, vợ anh đây! Anh linh thiêng về chứng giám. Em đã trả được mối thù cho anh. Cầu xin anh yên nghỉ.
Chị Bông, đúng là chị Bông vợ anh Lành, bước tới xe, đưa tay ấn bàn ga mấy lần, tiếng xe nổ lớn rung rinh cánh rừng đêm, chị bẻ nhánh cây khô, cài số xe, nhấn nhánh cây vô bàn ga, chiếc xe chồm lên chạy thẳng xuống bờ vực.
-oOo-
Bản tin của truyền hình Seabrook:
“Thuyền trưởng Capt Hook sau khi uống rượu tại tarvern Seamen’s cave, trên đường về lạc tay lái lao xuống vực biển, tử thương. Cảnh sát đã tìm thấy xác, qua biên bản pháp y cho biết ông gặp tai nạn khi say rượu”.
Hôm đám ma ông thuyền trưởng Kent, trời buồn, mưa rả rích. Không ai để ý cô gái Việt quấn tang trắng đứng ngoài cổng nghĩa địa.
Chị cởi khăn tang, lấy hộp quẹt, đốt cháy, chắp tay khóc thút thít:
– Anh Lành ơi, bữa nay em xin xả tang anh! Em trở về với cuộc đời mình.
Từ bữa đó, chị Bông biến mất khỏi Seabrook, khỏi Texas, không ai thấy mặt, cho tới bây giờ.
HĐV