Ê, Martin, mày vẫn còn có ý định vượt ngục chớ?
Ðó là vào mùa xuân năm 1942, trong trại tù binh Breslau của Ðức Quốc Xã. Người được hỏi, một chàng trai hoạt bát, vui tính, khỏe mạnh, mái tóc vàng hoe, gật đầu xác nhận. Thật ra, tên của anh ta không phải là Martin mà là Hofmann. Anh ta sinh ra tại làng Thann tỉnh Haut-Rhin, thuộc vùng Alsace của Pháp, giáp ranh giới với Ðức và Thụy Sĩ.
Cũng như nhiều người khác, Martin bị bắt tại chiến trường Dunkerque. Chính vì nguồn gốc nơi sinh ra, nên trường hợp của Martin khá đặc biệt. Anh dự đoán, là người gốc Alsace, anh sẽ bị xem như là người Ðức và vì vậy, thay vì đưa anh vào trại tù, bọn Ðức sẽ đưa anh vào hàng ngũ quân đội Ðức Quốc Xã. Nhưng Martin không muốn lột xác để trở thành lính Ðức qua bộ quân phục Ðức Quốc Xã. Khi bị bắt, Martin đã ném bỏ tất cả giấy tờ quân đội. Cũng như hầu hết đồng đội tù binh, bọn Ðức không nghi ngờ gì cả và đã thừa nhận tên anh là Frédéric Martin, sinh ra và lớn lên ở Paris. Anh cũng không muốn nói tên tuổi thật của mình với các bạn tù vì điều này là không có lợi. Ðối với mọi người trong trại tù binh Breslau, tên anh là Frédéric Martin thay vì Frédéric Hofmann.
Người bạn tù của Martin thở dài:
– Martin, đừng có dại dột. Bọn tao thương mày nên mới khuyên như thế, để còn có mày bên cạnh…
Nói đến việc đào thoát nghe có vẻ vô nghĩa, thậm chí là điên rồ vì trại tù binh được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt, bao bọc bởi các lớp dây thép gai có cài điện chằng chịt và nhiều tháp canh, hơn nữa Breslau lại nằm cách nước Pháp rất xa. Thành phố Breslau tọa lạc ở tận phía Ðông nước Ðức, xa đến độ ngày nay nó không còn thuộc về nước Ðức nữa, mà mang một cái tên khác là Wroclaw thuộc nước Ba Lan.
Frédéric Martin cười:
– Mày đừng có lo cho tao. Tao đã có thứ cần thiết để thực hiện cuộc đào thoát.
– Tao có thể biết vật đó là gì không?
Frédéric Martin lấy từ trong túi ra một cây viết máy:
– Là cái này đây!
– Mầy vượt ngục bằng cây viết này sao?
– Và còn vài thứ khác nữa…
Thắm Nguyễn
Frédéric Martin không giải thích gì thêm và thằng bạn tù của anh cũng không hỏi gì thêm. Thật ra cây viết chỉ là một vật thứ yếu. Con át chủ bài chính, chỉ một mình Frédéric Martin biết: là người gốc Alsace, Frédéric nói tiếng Ðức thành thạo với giọng Ðức y hệt như người Ðức bản xứ. Không gì có thể phân biệt Frédéric Martin với những tên lính Ðức Quốc Xã. Vả lại, kể từ khi Alsace chính thức sáp nhập vào Moselle, Frédéric Martin là người Ðức.
Trong nhiều tháng, Frédéric Martin chuẩn bị, nghiên cứu kế hoạch đào thoát. Bây giờ là thời điểm chín muồi, thời tiết rất thuận lợi. Mùa đông, điều kiện rất nghiệt ngã. Vì vậy, đây là lúc cần hành động. Và để rời khỏi trại tù binh, Frédéric Martin không vượt qua các lớp dây thép gai cài điện mà sẽ đi ra bằng cổng chính, rất đơn giản.
Thực tế, bọn Ðức thường xuyên tuyển chọn tù binh tình nguyện ra ngoài tham gia vào đội lao động trong các nhà máy hay trang trại. Frédéric vừa biết được tin một đội tình nguyện viên gồm 5 người đi lao động tại một trang trại gần Konigsberg và anh đã ghi tên dự tuyển. Konigsberg nằm xa về phía Ðông, không xa Liên bang Xô Viết. Frédéric muốn điểm đến lao động nằm gần nước Pháp hơn, nhưng mặc kệ, anh buộc phải chấp nhận.
Frédéric khá tự tin về việc được chọn vào đội lao động tình nguyện. Dù không phải là một nông gia chuyên nghiệp, nhưng Frédéric lại có thể hình rất lực sĩ. Tóm lại, anh là một chàng trai to khỏe có thể làm bất cứ công việc khó khăn, nặng nhọc nào ở nông thôn. Và đúng như dự đoán, vài hôm sau, Frédéric đã được chọn vào đội tù binh lao động tình nguyện gồm 5 người: Jérôme, gốc nhà nông ở vùng Berry, Pháp; Franois, gốc công nhân nông nghiệp ở phía Bắc, Pháp; Joseph, gốc làm nghề trồng nho ở Mâcon, Pháp; Antoine, gốc nông dân ở Nièvre, Pháp; và Frédéric.
Ðội tù binh lao động được đặt dưới sự kiểm soát của Trung úy Oberleutnant Molder. Cả 6 người cùng lên xe nhà binh đến ga để đón xe lửa đi tiếp đến Konigsberg. Hình ảnh những tù binh mặc quần áo đồng phục có in chữ KG (viết tắt của Kriegsgefangener, tiếng Ðức là tù binh chiến tranh thời Ðệ nhị Thế chiến) và tên lính Ðức đi kèm không mấy gây sự chú ý cho người chung quanh vì hình ảnh đó được thấy thường ngày trên đường phố.
Cuối cùng, đoàn tàu đến ga và cả 6 người bước vào một toa tàu riêng. Ðợi cho mọi người ngồi ổn định, Frédéric cười tươi nói to với Trung úy Oberleutnant Molder bằng tiếng Pháp:
-Ðồ con bò, đồ đểu.
Molder không có phản ứng gì ngoại trừ cái mặt nhăn nhó. Bốn tù binh Pháp quay sang Frédéric:
-Mầy có điên không vậy? Mầy muốn bị đưa về trại tù binh hay vào ngục tối?
-Không đâu, tao chỉ muốn biết rõ xem tên Ðức này có biết tiếng Pháp hay không mà thôi. Bây giờ thì chúng ta có thể an tâm nói chuyện mà không sợ bị bại lộ. Tao muốn nói với tụi mày rằng chúng ta sẽ đào thoát.
Một sự im lặng hoàn toàn diễn ra. Oberleutnant Molder, tên sĩ quan Ðức, thản nhiên nhìn cảnh vật bên ngoài qua khung cửa kính. Một trong số những tù binh lấy ra từ túi vải mẩu bánh, khẩu phần lương thực được phát cho chuyến đi. Frédéric Hofmann đưa tay ra ngăn lại:
-Không được lãng phí. Mày cần nó trên đường đi xuyên qua nước Ðức.
Người bạn tù nhìn Frédéric như nhìn một tên điên, tay vẫn đưa mẩu bánh mì lên miệng định ăn…
-Nếu mầy muốn đào thoát thì cứ làm đi. Còn tao, tao coi chuyện đó là vô nghĩa. Tao chỉ muốn sống bình yên ở trang trại chứ không muốn bị bắn chết.
Giọng của Frédéric vang lên thúc bách:
-Tao nói mày dừng ngay! Tao cần đến mày, đến tất cả bốn thằng mày. Không có tụi bây, tao sẽ không làm được gì cả.
-Tất cả bọn tao? Vậy mầy muốn bọn tao làm gì?
-Bọn mầy không phải làm gì hết. Ấy vậy mà nhờ bọn mầy mà tất cả chúng ta thoát được.
-Mầy mới thật sự là một thằng điên, gàn dở!
-Không bao giờ! Kế hoạch này tao đã nghĩ đến từ lâu. Nó rất đơn giản và chắc ăn. Chỉ cần bọn mình đồng lòng thực hiện. Nghe này…
Frédéric thuật lại cho cả bọn nghe toàn bộ kế hoạch mà hắn đã suy nghĩ chín chắn trong đầu từ mấy tháng qua. Trong lúc kể, Frédéric nhìn gương mặt của các bạn tù càng lúc càng rạng rỡ hẳn lên. Khi hắn kết thúc câu chuyện, tên tù binh định ăn bánh mì lặng lẽ trả mẩu bánh vào túi vải.
-Xin lỗi mầy nhé, bạn tù. Tao đã hiểu lầm. Mầy không hề điên khùng gì cả. Ngược lại có thể cho rằng ý kiến của mầy rất tuyệt vời, sáng tạo. Tao tham gia.
Ngay sau đó ba giọng nói đồng thanh vang lên “Tao cũng tham gia!”. Thế là cả bọn đồng lòng thi hành. Cuộc đào thoát ngoạn mục nhất trong Ðệ nhị Thế chiến bắt đầu. Oberleutnant Molder vẫn thản nhiên nhìn cảnh vật bên ngoài qua khung cửa sổ mà không buồn nghĩ đến điều gì sắp diễn ra và số phận của hắn sẽ ra sao.
Vài giờ trôi qua. Tên lính Ðức và 5 tù binh xuống nhà ga Konigsberg và đi bộ ra khỏi thành phố, trực chỉ trang trại cách đó 6 km. Con đường họ đi qua rất vắng vẻ và phải xuyên qua một cánh rừng nhỏ. Ðây là lúc thuận lợi để hành động…
Một cách tự nhiên, Frédéric tiến đến gần bên tên sĩ quan Ðức và bằng một đòn cực hiểm tung ra bất ngờ khiến tên lính ngã lăn ra đất, bất tỉnh nhân sự. Không một chút do dự, Frédéric rút cây dao găm nơi thắt lưng tên lính và đâm một nhát vào tim hắn. Sự việc diễn ra chỉ trong vài giây.
Bốn tên bạn tù chạy nhanh đến. Ðây là thời điểm duy nhất mà họ hành động trong suốt cuộc đào thoát. Họ khiêng xác tên lính vào cánh rừng, đào lỗ để chôn. Trong lúc đó, Frédéric cởi bộ quân phục của tên lính ra, mặc vào người và dễ dàng tìm ra tờ giấy công lệnh trong túi.
Bây giờ là lúc cây viết phát huy tác dụng. Frédéric cũng chuẩn bị sẵn viên đá bọt. Bằng sự khéo léo của đôi tay, anh cạo xóa chữ “Konigsberg” và viết thay vào đó chữ “Munich”. Khi anh làm xong thì đồng bọn cũng hoàn tất việc chôn tên sĩ quan Ðức và đặt lên “mộ” hắn vài cành cây để ngụy trang. Nếu bị phát hiện, chắc cũng phải mất năm bảy ngày là ít.
Frédéric ngắm nghía bộ quân phục không chê vào đâu được của Oberleutnant Molder. Anh hãnh diện về điều mà mình cùng bạn tù vừa thực hiện được. Ngay cả khi có vốn tiếng Ðức hoàn hảo, Frédéric vẫn không thể một mình biến kế hoạch thành hiện thực. Một tên sĩ quan Ðức di chuyển đơn độc một mình chắc chắn sẽ gây chú ý và bị chặn hỏi bởi trạm kiểm soát. Trong khi với nhóm tù binh trên lưng có ghi hai mẫu tự to tướng “KG”, anh sẽ dễ dàng qua mắt bọn kiểm soát vì trong thời chiến hình ảnh sĩ quan Ðức áp giải nhóm tù binh chuyển trại là rất bình thường. Tất nhiên, cũng có thể có trường hợp một tên lính Ðức kiểm soát nào đó quá kỹ lưỡng phát hiện sự giả mạo… Nhưng việc gì cũng có rủi ro của nó. Một cuộc đào thoát mà không có rủi ro hẳn là không thể có!
Một cách tự nhiên nhất, Frédéric cùng nhóm tù binh quay trở lại nhà ga Konigsberg, nơi một chiếc tàu hỏa sắp sửa rời ga đi Berlin. Bằng tiếng Ðức chuẩn, Frédéric hằn học hối thúc các tù binh nhanh chóng lên tàu, trong khi mấy tên tù binh càu nhàu bằng tiếng Pháp, khiến cho vài hành khách che miệng cười và tạo ra hình ảnh trên cả sự thật. Giây lát sau, đội tuần tra kiểm soát giấy tờ chỉ lướt mắt qua tờ giấy công lệnh được trình ra và ngay sau đó trả lại cho “sĩ quan Ðức Oberleutnant Molder”.
Nhóm tù binh của Frédéric về đến Berlin mà không gặp rắc rối nào. Ðể đến được Munich, họ phải đến một nhà ga khác và đi bộ qua một phần thủ đô của Ðức Quốc Xã. Tại đây, họ cũng không thu hút sự chú ý nào nhờ màn trình diễn công khai và minh bạch. Họ cũng nhiều lần đối diện với nhiều nhóm tù binh chuyển trại tương tự như họ, với tên sĩ quan Ðức và nhóm tù binh theo cùng. Mỗi lần đối mặt như vậy, Frédéric không quên thân thiện chào hỏi người đồng nhiệm, trong khi các tù binh trao đổi đôi lời thăm hỏi vội vã.
Nhóm 5 người của Frédéric an toàn đến Munich. Và chính vào lúc này, họ phải đối mặt với khó khăn. Họ quyết định đi bộ đến Thụy Sĩ mà số lương thực ít ỏi họ mang theo đã hết sạch. Vì vậy, họ phải ăn quả mọng hái được trên đường hay hái trộm trong vườn cây. Họ đói lả người và gần như kiệt sức khi vượt qua biên giới. Nhưng họ đã qua được biên giới và đây mới là điều cốt yếu.
Sau đó, 4 người bạn tù của Frédéric tìm đường về nhà của họ. Riêng Frédéric đi vào vùng kháng chiến. Và khi nước Pháp được giải phóng, Frédéric tình nguyện vào quân đoàn xe bọc thép số 2. Và nhờ đó, anh đã tiến vào Strasbourg cùng Ðại tướng Philippe Leclerc. Và điều tuyệt vời nhất là anh được gắn lon trung úy, tức tương đương với chức vụ mà Molder, tên sĩ quan Ðức áp giải anh. Nhưng lần này anh mang lon trung úy với cái tên Frédéric Hofmann, trong bộ quân phục thật sự của tổ quốc.
ĐÀO DUY HÒA (phỏng dịch)