Tôi nghĩ có nên nói cho Hòa biết không? Dù sao nói sớm, nói quá đi một chút mà tìm được sự an nhiên về sau còn hơn là phải cắn răng chịu đựng. Ðến cơ quan thì thôi mà về nhà, tôi cứ như người bị mất cắp không biết chia sẻ với ai. Nhưng đợi lúc nào nói thì tôi lại sợ. Sợ Hòa sẽ tổn thương, sẽ la toáng lên là em đừng có nói ác, đừng nghĩ bậy bạ… Tiếng thằng Hưng bật khóc cắt ngang dòng suy nghĩ mông lung xen lẫn nỗi sợ hãi bâng quơ của tôi.
Hòa dựng xe rồi vào nằm vật lên sô-pha phòng khách. Tôi không dám hỏi. Tốt nhất những lúc anh ấy buồn thì tránh xa. Buồn đôi khi dễ sinh ra cáu gắt. Không biết có việc gì mà anh thường về muộn, có lúc nồng nặc mùi bia rượu rồi ngủ luôn ngoài phòng khách. Hòa chẳng thèm nựng thằng Hưng. Không như thường ngày là mới đến cổng nhà anh đã hí ha hí hửng: “Cu Hưng đâu rồi? Ra dắt xe cho bố nào!”. Rồi lao vào, gạt tay tôi, giật bồng thằng bé đang bú dở mà hít hà, nựng nịu… Phải rồi, đấy là lúc trước kia kìa. Bây giờ đây tôi khôn hồn thì gồng lên chịu đựng chớ có dại mà than thở, kể lể cái chuyện vớ vẩn ấy là có nước chết. Ðến tôi cũng không dám tin, không thể tin được.
“Cháu đích tôn của ông đâu? Ơ, ơ… ông nội bế cái nào!”. Ông Chư miệng nói, tay làm, vòng ngang cánh tay trước ngực tôi, đụng phớt vào bầu vú đang căng sữa. Tôi đỏ cả mặt. Ông Chư làm như vô tình rồi cụp mắt. Có lần, tôi đang nằm dỗ cu Hưng ngủ trong phòng, quay mặt vào phía trong tường. Nghe tiếng động phía sau tôi nghĩ là Hòa nên cứ nằm im, sợ cu Hưng giật mình tỉnh giấc. Tiếng bước chân nhè nhẹ. Thấy con có vẻ say ngủ, tôi từ từ nằm dịch ra, để nguyên cái ngực trần vậy, choàng dậy. Ông Chư nhìn sững. “Dạ, bố ạ!”. Tôi đánh tiếng. Hoảng hồn kéo áo ngực, sửa lại áo ngoài. Ông Chư không nói gì, lẳng lặng lui ra khỏi phòng. Lần khác, tôi đứng rửa chén. Phòng bếp sát phòng vệ sinh. Do hôm ấy đồ đạc bừa bộn chắn gần hết lối đi. Vì thế muốn đi vào phòng vệ sinh phải lách mình nếu có người đứng trước bồn rửa chén. Ông Chư nghiêng người. Tôi có cảm giác cái gì đó cạ vào phía sau. Tôi nổi da gà, nín thở, ép lưng, nhường lối. Trễ rồi, ông đã đi qua khỏi. Lạ là những lần tôi nghĩ không được tốt về ông nội cu Hưng lại là những lần Hòa đi công tác xa nhà. Nhất là ánh mắt nhìn của ông thăm thẳm sâu. Tôi quá sợ…
Bà Thu mất đã ba năm. Ông Chư ngoài năm mươi còn đầy phong độ vẫn ở vậy. Là chủ tịch huyện, ông có thừa điều kiện để tục huyền nhưng có lẽ cơ hội chưa đến hay là phải chọn lựa người thay bà Thu cai quản cơ ngơi này sao cho dễ nhìn lại được lòng dư luận nên ông Chư chưa vội chăng? Tôi nghĩ nếu có dịp phải kể với Hòa về những lần va chạm hình như là cố tình và ánh mắt nhìn của bố với mình. Tôi chưa kịp thở than thì tai ương đã ập đến. Hòa bị bắt tạm giam vì tham gia đường dây chạy án.
Ông Chư tích cực can thiệp. Thời gian cho chỉ đạo, lãnh đạo huyện của ông được dành khá nhiều cho việc chạy lên tỉnh hoặc ra thẳng thủ đô nhờ bạn bè, người thân gỡ rối. Con trai của chủ tịch huyện dính vòng tù tội sao dễ dàng đến thế? Trong thời gian Hòa bị tạm giam, tôi được ông Chư dặn dò, sai bảo phải đến đâu, gặp ai… Ông ít nói hẳn. Mặt khó đăm đăm. Có lúc thằng cu Hưng lẫm chẫm ôm cứng chân ông, hồn nhiên, miệng cười toe toét. Ông không buồn ẵm bế nó mà thường kêu tôi dẫn cháu đi nơi khác để cho ông làm việc. Khoảng thời gian này đối với tôi dài hun hút. Tôi có cảm giác bình an là những lúc từ cơ quan về, ông đi thẳng lên lầu, vào phòng riêng. Tôi vẫn lo cơm nước đàng hoàng chu đáo nhưng ông rất ít khi ăn cơm nhà. Và tôi, cuối tuần hay bồng cu Hưng về nhà ngoại.
Thắm Nguyễn
Vụ án của Hòa được đình chỉ điều tra, tiền anh trả lại cho khổ chủ không thiếu một xu để có cái giấy bãi nại. Một chiều, ông kêu tôi lại gần: “Khoảng tháng sau Hòa về. Tất cả đều ổn rồi mẹ cu Hưng à!”. Tôi nhìn ông, cái nhìn thể hiện sự biết ơn ông đã vất vả để Hòa sớm về đoàn tụ với gia đình. “Con cảm ơn bố rất nhiều”. “Trách nhiệm của bố thôi. Ai ngờ thằng Hòa lại dở đến vậy. Trưởng phòng mà để bị bọn bất lương xỏ mũi”. Ðiều này tôi nghe ông nói ít nhất là ba lần rồi. Ông đặt tay lên vai tôi vỗ vỗ rồi như định kéo tôi sát lại. Tôi run lập cập khi nhìn thấy ánh mắt của ông. Tôi tưởng chừng mình khụyu xuống nhưng cũng ráng thu hết sức quay mặt, bước vội đi như chạy trốn. Cái nhìn của ông ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.
Về sau, tôi mới biết vì sao lúc ấy Hòa hay gắt gỏng, buồn bực bởi vì vụ chạy án đã bị lộ. Anh không nói cho ông Chư biết vì sợ sẽ ảnh hưởng đến vị trí, uy tín của bố. Mình làm mình chịu. Không chừng anh nói ngay cho ông Chư thì vụ án có thể đã đình chỉ sớm, anh không phải nằm trại tạm giam hơn ba tháng trời.
Hòa trở về. Không khí trong nhà ấm lên dần. Anh đang nhờ bạn bè tìm việc. Tôi bàn với anh nên dọn đi nơi khác càng sớm càng hay. Bởi tôi lo sợ vẩn vơ, sợ cái nhìn kia ám ảnh. “Anh ơi, trước kia mấy chị ở cơ quan có chỉ em đến gặp một bà thầy. Bả nói trúng phóc là anh sẽ không bị tù tội chi hết. Y chang! Nhà mình đang ở đất bị động nên tuổi em với tuổi thằng Hưng không hợp. Sớm mà dọn đi ở nơi khác để tránh tai ương”. Xem ra có vẻ Hòa không phản đối chuyện bói toán nên tôi “diễn” tới: “Bố còn miếng đất kìa. Mình xin ra riêng một thời gian xem sao. Ðợi cho qua cái đốt tuổi mẹ con em đã. Có kiêng có lành anh ơi!”. “Nhà ở có chật chội, người có đông đúc gì đâu mà phải dọn đi? Em đừng có vớ vẩn! Bố mà biết ổng mắng cho!”. “Anh không tin thì đi với em. Phải đến từ sáng sớm mới gặp được bà thầy ấy. Xem lại cho chắc. Nếu anh không thương mẹ con em thì em về nhà ngoại ở. Em bỏ việc luôn!”. Thấy tôi có vẻ cương quyết, Hòa xuống nước: “Ðể anh thăm dò bố xem sao đã. Em cứ yên lặng đi!”. “Em không biết, để cho yên tâm, hai mẹ con em sẽ đi. Anh ở lại mà chăm bố”. Tôi vờ lấy sự yên bình của hai mẹ con gây áp lực với Hòa.
Hai bố con rủ rỉ rù rì khá lâu. Hòa vui ra mặt sau khi ra khỏi phòng bố. Anh kéo tôi vào phòng ấn hai vai tôi đẩy nằm xuống giường. Tôi chưa kịp phản ứng. “Bố xin được việc cho anh rồi. Ổng bảo còn trẻ, có trình độ phải làm lại từ đầu. Có điều phải chuyển sang huyện khác một thời gian. Có cơ hội cho bọn mình đi rồi. Bố bảo cứ yên tâm, sẽ xin chuyển công tác cho em luôn. Ông ở một mình cũng không sao. Chừng hai ba năm đoàn tụ thôi”. Tôi mừng như thoát nợ, ngắt lời anh: “Thật hả? Cũng có cơ hội cho bố kiếm người nâng khăn sửa túi chứ!”. Tôi thấy mình như bay trong mây. Bầu trời đầy nắng. “Bố ơi, con dâu sẽ đi xa một thời gian nghe bố! Bố phải kiếm người gần gũi yêu chiều chăm sóc đấy!”, tôi ôm chặt Hòa, nói chỉ mỗi mình nghe.
LKD