Nó dắt em gái đến gốc cây dầu ở giữa con phố nhiều quán xá rồi xách thùng đi đánh giày. Sáng hôm ấy nó làm được ba người khách, lòng thấy vui lắm, có lẽ dễ sống hơn ở chỗ cũ. Nó nghĩ như thế và đang ngồi mơ màng bên gốc cây; bỗng một cú tát như trời giáng làm nó ngã chúi nhủi, nhìn lên thì thấy gương mặt lạnh lùng của một thằng côn đồ to con đang nhìn nó.
– Ai cho mầy dám xâm nhập vào khu vực của tao? Thằng côn đồ quát.
Nó im lặng, cũng không biết nói gì, nó lăn lộn vào đời từ nhỏ nên cũng biết đây là luật. Nó còn đang suy nghĩ thì thằng kia đá hộp đồ nghề của nó lăn lông lốc rồi nắm cổ áo nó kéo dậy, tay kia móc sạch những đồng tiền sáng nay nó kiếm được. Thằng côn đồ cười khoái trá:
– Mới sáng mà mày kiếm được nhiêu đây hả? Giỏi đó nhóc! Bây giờ mầy muốn làm ăn ở đây thì phải chia tứ lục, bằng không thì biến!
Nó gật đầu đồng ý, thế rồi từ đó mỗi ngày thằng kia đều đặn giám sát nó, hễ làm được đồng nào thì thằng kia lại lấy đi bốn phần. Nó uất ức lắm nhưng không làm gì được. Ban ngày đi đánh giày, tối hai anh em về dưới gầm cầu bên con kinh thúi hoắc ôm nhau ngủ.
Ba nó bỏ đi lúc nào nó không biết, mẹ nó bỏ đi khi em gái biết chạy nhảy. Nó lần hồi vào đời kiếm sống và nuôi em gái, dù đói khát, dù khốn khó… nhưng nó thương em gái nó vô cùng. Nhiều khi giữa đêm khuya, con nhỏ kêu:
– Anh Hai, có gì ăn không? Em đói quá!
Nó ôm em gái mà nước mắt chảy dài:
– Ráng ngủ đi em, sáng anh mua đồ cho em ăn.
Nói vậy thôi chứ túi nó không có một xu lấy gì mua. Cũng vì thương em gái đói, có lần làm liều ăn cắp ổ bánh mì mà người ta đánh nó một trận nhớ đời. Cuộc đời sao mà cay nghiệt với nó quá, nhiều lúc sáng sớm thấy bọn trẻ cùng tuổi tung tăng đến trường, có đứa cha mẹ chở vào quán ăn mà còn nũng nịu không ăn, nó thấy thương mình, thương em gái. Có lần nó dắt em gái đi ngang một trường tiểu học, con bé bám vào song sắt nhìn những đứa trẻ đồng trang lứa đang tung tăng chơi trong sân, con bé cứ nhìn mãi, không chịu đi. Nó biết em gái thèm muốn được như những đứa bé trong sân trường, nhưng làm sao được? Ai cho nó cơ hội đây? Anh em nó là trẻ bụi đời, cơm ăn áo mặc còn chưa có, làm sao mà mơ cắp sách đến trường! Nó thương em gái. Nó dầu gì cũng được học hết lớp ba, trước khi bị quẳng ra đường. Trên cổng trường nó đọc thấy câu khẩu hiệu: “Trẻ con là tương lai của nước nhà! Chính phủ và xã hội hết lòng chăm sóc con em chúng ta!”. Nó không hiểu sâu nhưng cũng lõm bõm hiểu ý nghĩa nên lẩm bẩm: “Xạo tổ!”, rồi quyết liệt gỡ tay con bé khỏi song sắt và kéo nó đi thật nhanh mà trong lòng vừa buồn vừa thương em.
Thời gian lừng lững trôi qua, nó đã mười lăm tuổi. Nó chẳng cần thời gian và cũng không quan tâm đến thời gian nhưng dòng thời gian vẫn đóng dấu lên cuộc đời nó. Chẳng mấy chốc, nó cũng đến tuổi dậy thì; mặc dù đói khát, mặc dù không nhà cửa, sống cù bất cù bơ ở gầm cầu; áo quần dơ dáy… nhưng vẫn không thể che phủ được khuôn mặt thanh tú của nó. Nhiều khách đưa giày cho nó đánh đều có cảm tình, thường cho thêm nó ít tiền, có lẽ không chỉ vì nó làm cẩn thận mà còn vì khuôn mặt dễ thương ấy, đặc biệt đôi mắt đen lay láy rất đẹp và lúc nào cũng như có khói sương phảng phất, trông rất sầu mà đẹp đến nao lòng. Một ngày, nó đang đánh giày chợt thấy thằng du côn ở đằng xa dở trò sàm sỡ em gái nó. Nó lập tức nhào đến húc thằng kia một cái ngã nhào, nó xông vào đánh túi bụi. Thằng kia quá bất ngờ nên cũng chưa kịp phản ứng gì.
Thắm Nguyễn
– Mầy muốn gì tao cũng chịu nhưng mầy đụng đến em gái tao là không được!
Nó hét lên vừa thoi thêm mấy cái nữa mới thôi.
Nhiều người hiếu kỳ đứng nhìn, thằng du côn quê độ quá:
– Liệu hồn mầy, mầy chờ đi!
Nói xong, nó hầm hầm bỏ đi.
Mấy hôm nay nó thấy trong lòng có gì là lạ, con nhỏ bán trái cây dạo sao dạo này dễ thương quá. Nó thỉnh thoảng mua trái cóc, miếng xoài cho em gái ăn. Con nhỏ có khi còn tặng “khuyến mãi” cho em nó miếng khóm nữa. Một hôm nó lấy hết can đảm, hỏi:
– Bồ tên gì?
Con nhỏ cười cười:
– Hỏi chi vậy?
– Ðể biết tên.
– Biết để làm gì?
– Thì chỉ để biết chứ chẳng làm gì!
Con nhỏ bỏ đi một quãng ngắn rồi quay lại, bỏ gọn lỏn:
– Hương.
Chỉ có vậy thôi mà nó sướng suốt cả ngày hôm đó. Bẵng mấy ngày con nhỏ đi qua mà hổng nói gì, đột nhiên một hôm nó nói:
– Ông biết tên tui mà sao không cho người ta biết tên ông?
– Người ta là ai? Nó ghẹo con nhỏ.
– Người ta là người ta chứ còn ai nữa! Con nhỏ ngúng nguẩy.
Bây giờ nó thật thà:
– Lúc nhỏ, mẹ tui kêu tui là Hải, rồi mẹ tui bỏ đi, tui cũng không biết tên mình là gì nữa.
– Buồn quá hén! Nhưng mẹ kêu là Hải thì là Hải chứ còn tên gì nữa.
Nói xong con nhỏ bỏ đi. Nó ngẩn ngơ như vừa ra khỏi một giấc mơ. Cuộc sống bụi đời xù xì, gai góc… chưa bao giờ nó cảm nhận phút giây ngọt ngào và đẹp như hôm nay.
Tháng ngày dần trôi qua, cây dầu đã mấy mùa thả trái bay quay tít trong không trung. Nó dần trưởng thành. Trong lòng nó nghĩ: “Không lẽ tuổi này mà còn đánh giày?”. Nghĩ vậy nhưng nó cũng chưa biết làm gì khác. Mùa mưa đến, những cơn mưa đến bất chợt rồi lại tạnh ráo. Nó có nhiều khách hơn vì họ đi làm mà giày dơ nên cần phải đánh lại. Nó làm tíu tít. Lòng nó vui vì có thêm chút tiền, nó ky cóp để dành, hy vọng sẽ kiếm một việc khác hợp hơn. Hôm nọ nó hỏi con nhỏ:
– Hương, chiều nay bán xong ra gầm cầu chơi nhen?
Con nhỏ không nói gì nhưng nhìn ánh mắt thì nó hiểu con nhỏ chịu lời. Chiều nó về gầm cầu sớm, chọn cái áo tươm tất nhất mặc vào. Nó không quên mua mấy chai xá xị, đậu phộng luộc và mấy con khô mực… chờ đãi Hương. Hoàng hôn đỏ rực trên phố, dưới gầm cầu mờ mờ tối, hai đứa ngồi bó gối nhìn ánh đèn vàng hắt bóng xuống con kinh. Cả hai im lặng hồi lâu. Nó bảo Hương uống xá xị đi, rồi xé khô mực cho Hương nhai.
– Hương! Nó gọi.
– Gì vậy? Hương hỏi lại.
– Có bồ chưa?
– Em nghèo quá, ai thèm thương mà có bồ!
– Thì nghèo thương nghèo.
– Hải muốn nói ai vậy?
-Ừ, thì nói người ta đó mà.
Hai đứa cứ nói cụt lủn, trổng lơ vậy nhưng trong những từ ngữ ấy lại ngầm chứa bao nhiêu là sự hồi hộp yêu thương, theo cái lẽ mà người ta nói: “Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Nó thò tay cầm lấy bàn tay Hương, con nhỏ để yên. Nó mân mê bàn tay một hồi bất chợt kéo con nhỏ ngã vào lòng rồi hôn cái chụt. Con nhỏ chống đỡ yếu ớt nhưng hơi thở gấp gáp lắm rồi, bất chợt có tiếng kêu:
– Anh Hai, tối mịt rồi, có gì cho em ăn không?
Hai đứa buông ra. Ðứa em gái chơi ngoài chạy vào. Hương lấy khô mực đưa nó ăn và nói:
– Ăn khô mực đi, lát nữa chị mua dĩa cơm sườn cho em nhen!
Con bé gật đầu cười, cầm miếng khô mực chạy tuốt ra ngoài xóm nhà chồ chơi. Hai đứa lại ngồi im, giờ nó bạo dạn hơn rồi, nó ôm vai Hương. Hai đứa ngồi nhìn ra dòng kinh đen kịt, bốc mùi hôi nồng nặc. Nó hôn lên tóc Hương, mùi khét nắng cả ngày mưu sinh. Nó hôn lên cổ Hương, mùi đàn bà đầy quyến rũ cho dù cả ngày chưa tắm, cái mùi khơi dậy bản năng giống đực pha lẫn mùi chua của mồ hôi làm nó ngất ngây… Nó lần mò toan mở nút áo nhưng con nhỏ giữ lại.
– Ðừng anh Hải, má đánh chết.
Nó chống chế:
– Má sao biết được?
– Nhưng chưa được đâu.
Hương kiên quyết không cho Hải quá đà.
Hải cũng thôi, nó biết mình trong phút chốc hứng khởi quá nên mới vậy. Nó giả lả:
– Ðừng giận tui nha Hương.
Con nhỏ im lặng nhưng cầm bàn tay nó thật chặt. Lát sau, Hương nói:
– Em về, hôm nào mình gặp sau.
Hương đi rồi, nó nằm dưới gầm cầu mắt mở to, phút giây thần tiên trong đời nó. Nó đã hôn, lần đầu nó ngửi được mùi giống cái. Dòng kinh hôi thối không thể làm loãng cái mùi hương từ Hương. Cái mùi nồng nồng, ngái ngái, chua chua… Nó bất chợt mỉm cười rồi hét lớn: “Ây da… đã quá!”. Hình như nó đã yêu, trái tim nó biết rung động. Sống đời bụi bặm nhưng không làm cho cảm xúc nó chai lì. Từ ngày mẹ nó bỏ đi, đây là lần đầu tiên nó thấy mình sống như một con người! Nó đang mông lung tính toán, mơ mộng cho những ngày sắp tới… Mình sẽ tìm việc gì để làm đây? Mình sẽ nói thương Hương, mình sẽ nói với Hương về chuyện hai đứa… Bao nhiêu việc phải tính. Rồi nó chợt thiếp đi cho đến khi con em gái chạy về lay:
– Anh Hai, em đói bụng quá nè!
Nó vươn vai đứng dậy dắt em ra quán cơm bà Ba bên vỉa hè mua cho con bé dĩa cơm sườn. Nó tự nhủ trong lòng, hôm nay ngày vui của đời mình, mình thưởng cho em gái một chút hương, chút mật ngọt hiếm hoi giữa cuộc đời này. Nó còn lơ mơ thì tiếng bà Ba rổn rảng:
– Chà, bữa nay bảnh quá nhen! Bộ mới vô mánh hả Hải?
– Dạ, có gì đâu dì Ba! Lâu lâu thưởng cho em gái một bữa cơm ngon.
Nó ngồi nhìn em gái ăn cơm mà lòng nghe sung sướng vô bờ.
TLTP