Edgar Allan Poe là nhà văn Mỹ, nổi tiếng về thơ và truyện ngắn, đặc biệt là những chuyện bí ẩn, rùng rợn. Ông được xem là trung tâm của trường phái văn học lãng mạn Mỹ, là nhà văn viết truyện trinh thám và khoa học viễn tưởng đầu tiên.
Edgar Allan Poe sinh tại Boston, con thứ của vợ chồng diễn viên David và Eliza. Ông trở thành mồ côi vì cha bỏ nhà ra đi năm 1810 và mẹ qua đời một năm sau đó. Năm 1836, ông lập gia đình với Virginia Clem, nhưng vợ ông mất sớm, năm 1847.
Edgar Allan Poe qua đời ngày 7-10-1849 ở tuổi 40, tại Baltimore. Lý do chết gồm: bệnh, nghiện rượu, dùng thuốc, tự tử…
Fortunato gây cho tôi cả ngàn vết thương trên người và tôi im lặng cam chịu. Nhưng khi anh xúc phạm, cười vô cái tên rất tự hào của tôi, Montresor, tên của một giòng họ danh giá cổ xưa, tôi tự hứa là sẽ bắt anh ta phải trả giá cho lỗi lầm này, tôi thề sẽ trả thù. Tôi sẽ báo thù, đây là điều đã được quyết định. Xong, không có chuyện may rủi!
Dù bằng lời nói hay hành động, tôi không để Fortunato nghi ngờ quyết định của tôi. Tôi tiếp tục cười với anh như thói quen, và anh ta không nhận ra nụ cười của tôi bây giờ sẽ đưa tới cái chết của anh.
Fortunato có điểm yếu, dù các mặt khác, anh là người đáng nể. Anh tự hào về chuyện rành rượu nho của mình. Rất ít người Ý biết về rượu nho thật sự. Trong hội họa và đá quý, Fortunato, thường hay bá láp như những người đồng hương, nhưng trong vấn đề rượu nho cũ, quý, anh là dân nhà nghề.
Tôi cũng không khác anh trong chuyện này. Tôi có năng khiếu trong rượu nho, và luôn mua nhiều khi có thể.
Hôm ấy chạng vạng, một buổi nhảy múa ầm ĩ của mùa lễ hội, tôi gặp Fortunato. Anh tiếp tôi rất nồng hậu vì cũng nốc hơi nhiều ở quầy thử rượu rồi. Anh diện đồ sặc sỡ đủ màu. Với bộ đồ sọc bó sát, đầu đội nón chóp nhọn có chuông nhỏ gắn chung quanh. Tôi rất mừng khi gặp anh. Tôi nói:
– Chào anh.
Fortunato cười:
– Chào anh bạn Montresor!
– Fortunato thân mến, rất may mắn gặp nhau! Hôm nay bạn quá ngon lành! Tôi tiếp – Nè! tôi lỡ mua một thùng rượu hiếm của Amontillado, tôi nghi ngờ thùng rượu này.
Anh nói:
– Sao? Amontillado? Một thùng rượu quý hiếm? Ðúng ngay giữa lễ hội! Không bao giờ có chuyện đó!
– Tôi ngu nên trả đúng giá của Amontillado mà không hỏi ý kiến anh. Tôi tìm anh không ra và sợ mất món hời.
– Amontillado!
– Tôi tính tới Luchesi. Nếu có ai rành về rượu, thì đó là anh ta. Luchesi sẽ nói với tôi.
– Luchesi không thể nói về Amontillado.
– Thôi, mình đi.
– Ði đâu?
– Tới hầm chứa thùng rượu của bạn.
– Bạn à, tôi biết tính bạn tốt, muốn giúp tôi.
– Tôi không giúp, tôi tới đó coi rượu.
– Fortunato! Ðây không phải là lúc tới đó, cái lạnh khắc nghiệt trong hầm sẽ làm anh bịnh, hầm chứa rất lạnh, nó đóng băng.
– Hãy cứ đi. Lạnh không giết tôi được. Tay chết tiệt Amontillado! Bạn bị dính vô vụ này. Luchesi đếch biết gì về Amontillado.
Hồ Đắc Vũ
Nói xong, Fortunato tới sát tôi. Ðeo cái mặt nạ lụa đen, chụp cái áo choàng dài vô người tôi, kéo tôi ra quảng trường.
Về tới nhà vắng tanh, không một người giúp việc ở nhà, mọi người đã bỏ trốn để vui chơi lễ hội. Vì tôi đã nói với họ là sẽ không về nhà cho tới sáng và ra lệnh là không được quậy phá trong nhà.
Lệnh rất hiệu quả, tôi biết. Tất cả mọi người, không còn một ai, ngay lúc tôi vừa quay lưng ra đi.
Chúng tôi đi xuống khu hầm mộ lâu đời của giòng họ Montresor, lấy hai cây đuốc từ chân đèn, đưa cho Fortunato một cái, cúi đầu đi ngang nhiều phòng nhỏ tới cổng chính của hầm chứa. Chúng tôi đi qua một cầu thang uốn vòng, dài. Tôi dặn Fortunato cẩn thận khi xuống tận dưới cùng hầm và đứng với nhau trên sàn đá lạnh lẽo của khu nhà mồ Montresor.
Fortunato đi không bình thường vì đã uống ngà ngà ở chỗ thử rượu chát, mấy cái chuông nhỏ trên nón kêu leng keng lúc anh bước.
– Thùng rượu hiếm đâu?
Anh ta hỏi.
– Nó ở phía xa kia. Nhưng hãy để ý mấy mạng nhện trắng lấp lánh trên tường hầm.
Anh quay qua tôi, nhìn vào mắt tôi với hai tròng mắt mờ, loang nước mắt như bị trúng độc.
– Khí ni-tơ hả?
Anh hỏi.
– Ni-tơ.
Tôi trả lời.
– Anh bị ho bao lâu rồi?
Người bạn tội nghiệp ho cả hơi, không trả lời trong mấy phút.
– Không có sao.
Fortunato cố nói.
Tôi quyết định:
– Thôi! Tới đây, mình nên đi về, sức khỏe của anh quý hơn. Anh giàu, được trọng vọng, ngưỡng mộ, yêu mến, nhiều hạnh phúc. Chúng ta đi anh sẽ bị bệnh, tôi không thể chịu trách nhiệm. Ngoài anh ra, tôi còn có Luchesi.
– Ðủ rồi – anh nói tiếp
– Ho không là gì hết, nó không giết tôi, tôi sẽ không chết vì ho.
– Ðúng, đúng! Và thật ra, tôi không định báo động một cách không cần thiết, nhưng anh phải thận trọng. Một ngụm rượu chát Medoc sẽ bảo vệ tụi mình khỏi ẩm lạnh.
Ðây, tôi đập cổ một chai vừa lấy ra từ dãy rượu nằm trên giá.
Tôi đưa chai rượu cho anh:
– Uống đi.
Fortunato tay đưa lên môi với nụ cười. Anh ngưng một lát, gật đầu với tôi, mấy cái chuông trên nón reng reng:
– Tôi uống.
Anh tiếp:
– Cho những nấm mồ yên tĩnh chung quanh ta.
– Và cho cuộc sống dài lâu của anh.
Anh lại nắm tay tôi, đi tiếp:
– Khu hầm này rộng lắm.
Tôi trả lời:
– Của giòng họ tôi, Montresors là một gia đình danh tiếng và đông người.
Fortunado chụp tay tôi:
– Tôi quên nắm tay bạn.
Tôi quan sát chiếc áo choàng của anh, có thêu một bàn chân khổng lồ, đi trên đồng cỏ, bàn chân đạp nát con rắn hung dữ với gót giày cao, cùng câu phương châm “Không ai trừng phạt với sự tha thứ”.
Rượu chát lấp lánh trên mắt anh, mấy cái chuông nhỏ rung lên leng keng.
Tôi cảm thấy ấm áp với rượu chát Medoc. Chúng tôi đã đi qua những bức tường chất từng đống xương, với các thùng đựng, vô tới nơi sâu nhất của hầm mộ.
Tôi ngừng lại lần nữa, lúc này thì tôi chụp lấy cánh tay của Fortunato, nói:
– Chất ni-tơ. Thấy không? Nó đã tăng lên. Ni-tơ bám như rêu mốc trên các nóc hầm. Chúng ta đang ở dưới đáy sông, Một giọt nước ẩm rất có hại cho xương. Tới đây! Tụi mình trở lại, trễ lắm rồi, anh bị ho nữa.
– Không có gì – Anh nói – Chúng ta cứ tiếp tục. Nhưng cần một ngụm rượu Medoc khác.
Tôi đập nút và đưa cho anh một chai rượu De Grave. Anh nốc cạn một hơi. Mắt anh ánh lên những tia hung dữ. Anh cười và ném chai rượu lên cao với một điệu bộ lạ lùng mà tôi không hiểu.
Tôi ngạc nhiên nhìn, anh lặp lại động tác, một kiểu buồn cười.
Fortunato hỏi:
– Không hiểu dấu hiệu à?
– Không.
Tôi trả lời.
– Vậy thì đâu phải là anh em.
– Nhưng sao?
– Vậy anh không phải là hội Mason (tên một hội lớn ở Anh)
– Vâng, vâng! Tôi nhanh miệng – Không! không phải là dân Mason mà là người thợ nề?
Tôi trả lời.
Anh ta hỏi:
– Bằng chứng?
– Ðây nè!
Tôi rút từ dưới áo choàng một cái bay thợ nề.
– Ðúng! Anh vui thật.
Fortunato kêu lên, lùi lại vài bước.
– Nhưng tụi mình nên tới cái hầm của Amontillado.
– Ừ.
Tôi đưa tay cho Fortunato cầm. Anh nặng nề tựa vào. Chúng tôi tiếp tục đi tới hầm để chai rượu của Amontillado. Qua cái cổng thấp rồi qua một vòm nữa, chúng tôi tới một hầm mộ sâu, ở đó mùi không khí hôi thối bốc lên. Ở cuối của hầm mộ, có thêm một khu nhỏ hơn. Những bức tường đầy hài cốt người, chất đống tới trần hầm theo kiểu các hầm mộ lớn ở Paris. Ba phía tường bên trong mộ vẫn trang trí theo kiểu đó, tường thứ tư thì xương đã rớt xuống, nằm lộn xộn trên nền thành một đống nhỏ. Do đó bức tường bị lộ ra. Tụi tôi thấy một cái hốc lớn bên trong sâu vô cỡ 4 feet, rộng 3 feet, cao chừng 6 hay 7 feet, hình như nó được xây để dùng cho một việc đặc biệt nào, nằm giữa hai cây cột lớn chống trần, và sau lưng là bức tường đá xanh.
Thật vô ích khi Fortunato đưa cây đuốc lên, định soi sáng cả chiều sâu của cái hốc. Ánh sáng yếu ớt của cây đuốc tắt ngấm, không cho chúng tôi thấy gì.
Tôi nói:
– Vô đi! Ðây là nơi cất rượu của Amontillado.
Anh bạn ngắt lời, bước không vững về phía trước, tôi theo sát gót. Ngay lập tức, anh thọc tay sâu vô trong lỗ và bị mấy tảng đá chặn lại, không có gì, anh chưng hửng, nhìn bức tường đá, ngạc nhiên, ngay lập tức, tôi đè anh xuống nền đá. Trên mặt nền có hai cái vòng sắt, cách nhau độ 2 feet theo chiều ngang. Một vòng giữ sợi dây xích ngắn, để móc vào ổ khóa của vòng bên kia. Tôi tròng xích sắt vào hông và hai tay của anh ta, chỉ cần vài giây để khóa lại cho chắc ăn.
Fortunato quá sửng sốt không thể chống cự lại.
Rút cái chìa khóa trong ổ ra, tôi bước ra khỏi hốc đá.
– Fortunato – tôi nói – Ðặt tay vào tường đá, bạn sẽ không cảm thấy khí lạnh ni-tơ, nhưng thật ra nó rất lạnh, tôi sẽ bỏ bạn ở đây. Nhưng đầu tiên tôi muốn giải thích cho bạn biết việc này…
– Là Amontillado?
Fortunato thốt lên. Anh vẫn chưa hết kinh ngạc về sự việc.
Khi nói những lời này, tôi đang bận rộn với đống xương rớt trên nền lúc nãy. Tôi ném hết qua một bên và tìm thấy một đống đá cùng vữa xây nhà. Với số vật tư này và cái bay, tôi bắt đầu xây bức tường bít lối vào cái hốc đá.
Tôi xây lớp thứ nhất khi biết rằng Fortunato đã bớt say rượu chát. Ðiều đầu tiên là tôi nghe tiếng rên rỉ nhỏ tận dưới đáy của hốc đá. Không phải là tiếng khóc của một người say. Sau đó là một quãng im lặng dài. Tôi xây lớp gạch thứ 2, thứ 3, thứ 4, tôi nghe tiếng giật mạnh của dây xích, kéo dài vài phút. Lúc đó tôi nghe rõ nên ngừng làm việc, ngồi xuống đống xương, khi tiếng xích trở nên yên lặng, tôi bắt đầu trét vữa, xây tiếp và làm xong lớp thứ 5, 6 và 7. Bức tường bây giờ cao gần tới ngực tôi. Tôi ngừng lại lần nữa, cầm cây đuốc soi vô bức tường vừa xây, vài tia sáng yếu ớt rọi vô người bên trong.
Một tiếng hét lớn chói tai, đột nhiên vang lên từ cổ họng của người bị xích làm tôi dội lại. Trong khoảnh khắc lúng túng, run lên, tôi rút kiếm và bắt đầu dò dẫm quanh hốc đá nhưng thấy yên tâm. Tôi đặt tay lên mặt của hầm mộ và thấy an toàn, rồi tiến lại bức tường mới xây. Tôi trả lời tiếng la hét của anh ta. Tôi lặp lại, tôi cố la lớn hơn, mạnh hơn nhưng tiếng thét vẫn lớn hơn.
Bây giờ là nửa đêm, việc của tôi cũng sắp xong. Tôi đã hoàn thành lớp 8, 9 và 10 cho bức tường, đã xong một phần cuối và lớp 17, chỉ còn một viên đá để vô và trét vữa lại. Tôi gặp khó với sức nặng của nó, khi đặt vô vị trí cuối cùng.
Nhưng từ trong hốc đá vang ra giọng cười dựng cả tóc trên đầu tôi. Ðó là giọng nói buồn, tôi khó nhận ra giọng của Fortunato.
– Ha ha ha! Hi hi hi! Ðúng là một trò đùa hay, một trò tuyệt vời. Tụi mình sẽ có bao nhiêu vui cười tại quảng trường. Hi hi! hi! Khi uống rượu, Hi hi hi!
Tôi nói:
– Hi hi hi! Ðúng rồi, Fortunato, nhưng trễ lắm chưa? Họ có còn đợi chúng ta ở quảng trường không, bà Fortunato và mọi người? Tụi mình đi.
Fortunato rên:
– Vì tình yêu của Chúa, Montresor ơi!
Tôi tiếp:
– Vì tình yêu của Chúa!
Sau những lời đó, tôi nghe trống rỗng, không trả lời. Mất kiên nhẫn, tôi gọi lớn:
– Fortunato!
Không trả lời, tôi gọi thêm lần nữa:
– Fortunato!
Vẫn không có tiếng trả lời. Tôi đẩy ngọn đuốc qua cái lỗ còn hở. Chỉ có tiếng chuông leng keng nhẹ.
Tim tôi phát bệnh vì cái lạnh ẩm của hầm mộ nên phải gấp rút làm cho xong việc. Tôi đẩy viên đá cuối cùng vô đúng vị trí, trét vữa. Ðối diện bức tường mới xây, tôi cố dựng lại một lớp xương vào chỗ cũ.
Cả nửa thế kỷ rồi, đã không ai phiền họ.
Xin anh được an nghỉ, Fortunato.
HỒNG ĐĂNG (lược dịch)