Lời giới thiệu: René Bazin là nhà văn Pháp đầu thế kỷ 20, viết về đời sống ở các vùng quê với cái nhìn truyền thống. Tác phẩm của ông giản đơn nhưng văn phong đẹp với tình yêu thiên nhiên và đời sống mộc mạc ở các vùng nông trang.
Élise nè, trong ao hồ Agubeil có những gì hả cháu?
– Hoa lau sậy nhiều mà không ai dám hái và bao nhiêu là cá mà cũng không ai dám câu, ông ạ.
– Có gì nữa cháu?
– Ông ơi còn có chim bói cá, ễnh ương, những con kỳ nhông, quạ ….
– Hết chưa con?
– Chưa ông ơi, còn có bà Góa của ông Sói, bà ấy thường đi qua đi lại, vòng vòng quanh đây.
– Vậy con đừng bao giờ đi gần khu đó nhe cháu; vì cháu sẽ bị nguy hiểm bên bờ ao Agubeil này.
Ðứa bé liền hứa với ông. Ông ngoại của bé bán hàng rong, mỗi khi vừa đến nơi đó liền chuyển sang hướng khác -nơi đó có mối hiểm nguy luôn rình rập ông và những người trong dòng họ. Ðó là một ao hồ xưa cũ có nguồn nước từ một ngọn đồi bé nhỏ. Nơi đó không có cư dân, quanh vùng là vài khu rừng. Và ngọn đồi cạnh thung lũng thì thẳng đứng, là mỏm đá đen, rắn rết làm tổ ở đó, với những cây đậu kim đâm rễ rất sâu.
Một vài người mạo hiểm thả cần câu hoặc giăng đó trên hồ vào mùa cắt cỏ; nhưng không một ai màng đến việc lang thang quanh vùng đó, vì là đất sở hữu của Bà Góa.
Chuyện xảy ra đã xưa lắm! Tôi biết bà Góa đã rất nhiều tuổi và bị ghét bỏ. Người dân ở thị trấn thì quay mặt đi khi bà đến gần. Nhiều người từ chối không bán len, muối hoặc ngay cả vài đấu khoai mà bà cần để duy trì cuộc sống, vì thế bà thường phải đến hỏi nông dân và cửa hàng ở các thị trấn xa hơn.
Bà cao lớn, khô cằn, uy nghiêm và gương mặt cộc cằn, và bọn trẻ rất sợ hãi khi bà đến gần chúng. Mái tóc, đôi vai, toàn thân mình bà chìm trong nếp gấp của chiếc áo khoác đen mà phụ nữ lúc xưa thường mặc vào ngày Chủ Nhật, nhưng bà ấy lúc nào cũng khoác vào mỗi khi ra khỏi nhà. Ðó là dấu hiệu của sự nghèo khó, hay là để tang? Ai biết được? Bà ấy thật là bí mật.
Không một ai dám đưa tay ra bắt tay bà, không một ai chào hỏi bà, và ngay cả nếu trong nhiều tuần lễ liên tiếp họ không nhìn thấy bà cũng không một ai có ý nghĩ đến nhà xem thử bà còn sống không. Các bà mẹ thì nói: “Nếu con không ngoan thì mẹ sẽ đến nói cho bà Góa đó”, thế là bé im ngay và thu mình vào tay họ. Tuy nhiên cái bà Góa ấy, ngày xưa chắc bà rất xinh đẹp, và cũng có thể là người tốt. Bà đã yêu và làm vợ của một người làm thợ xay lúa; ngày nay thì máy xay đã đổ nát, giương cao cái bánh xe bằng gỗ bên trên lỗ tháo nước ở bờ ao; và ngay nơi này bà đã xây lại cái chòi để ở bằng những mảnh đá và thanh xà còn sót lại.
Thắm Nguyễn
Vào thời điểm đó, ở đâu cũng loạn lạc, như tôi đã kể, và cánh đàn ông người thì theo phe bảo hoàng cuối cùng chống lại cách mạng, người thì vào quân đội Cộng Hoà. Rồi đến một ngày, quá mỏi mệt với chiến tranh, hòa bình đã trở lại. Mọi người đều trở về nhà. Thế là tiếng trẻ lại vui đùa la hét quanh những trại gác xưa, và cánh đàn bà thì đang thư thả ngồi kéo sợi trước thềm nhà.
Ông ngoại của bé Élise và người thợ xay lúa, lúc trước thuộc hai phái thù nghịch, hăng say, sôi nổi khí thế với nhau, vì đâu không ai biết được. Họ trở về nhà cùng một lúc từ hai đội quân. Xưa khi còn chiến trận, họ không gặp nhau. Và giờ đây, trên con đường ở bìa rừng dọc theo chỏm núi đá, họ đối mặt, vào một chiều tháng 5.
Người thợ xay lúa mặc bộ quân phục lính xung kích, với bộ vải da bọc ống chân, áo quần kiểu Pháp, trên chiếc mũ dạ rộng có gắn phù hiệu Tam Tài. Người theo phe bảo hoàng thì gắn một cành hoa đào gai vào lỗ khuy áo vét bằng vải bông màu đỏ hoe. Khi nhìn thấy nhau từ xa, họ lên cò súng liền.
– Này Jean-François! người thợ xay hét lên, mi phải chào ta đi chứ, vì đội ta là kẻ chiến thắng mà!
– Không ai là kẻ chiến bại cả. Jean-François vừa nói vừa kéo cái mũ xuống tai. Mi hãy đi qua bên phải đi, còn ta sẽ đi lối bên trái. Bây giờ là hòa bình rồi.
– Ðối với ta thì không. Mi đã nói xấu vợ ta! Mi đã nhạo báng khi nhà máy xay của ta bị cháy! Mi đã nhắm bắn vào các bạn của ta!
– Còn mi cũng đã bắn vào bạn của ta kia mà; đó là chiến tranh mà.
– Mi không mất gì cả, và mi là kẻ chiến bại; còn ta thì đã mất tất cả, và ta trở về là một kẻ đói rách. Nào, bỏ nón ra đi!
– Không bao giờ trước mặt mi!
Rồi họ giương súng lên.
Ngay lúc đó người vợ của ông thợ xay lúa xuất hiện trên mô đất. Bà hét lên thật to … Bên dưới kia, trên con đường đất, hai người đàn ông đang chĩa súng vào nhau. “Jean-François!”, bà la lên. Nhưng tiếng la thất thanh đã chìm mất trong hai tiếng súng nổ. Một luồng khói bay lên. Người lính xung kích nằm dài ra, úp mặt xuống đường, một viên đạn xuyên qua tim. Jean-François nhảy qua bờ rào cạnh đó, chạy vào thôn trang.
Ôi, hình ảnh kinh hoàng! Bốn mươi năm đã trôi qua, mà cảnh tượng ấy vẫn còn đây, sự ghê rợn vẫn còn bao trùm nơi mà tiếng súng sau cùng của trận đại chiến vùng nông thôn đã vang lên. Bà vợ người xay lúa, trở nên như điên dại, đã tự tay gầy dựng lại cái chòi từ căn nhà đổ nát, rồi vì cô độc, trở nên thô lỗ cộc cằn, người ngợm thì tệ hại vì đói kém và khổ đau, đã không còn nhớ tên thời trẻ của mình nữa.
Những người nông dân, khi nhìn thấy cách sống của bà, rồi nhớ đến tính tình hung bạo của chồng bà, nên chỉ gọi là Bà Góa của ông Sói. Bà đi ăn cắp khoai và củi để sinh sống và sưởi ấm; bà đi săn lậu y như một người đàn ông, và nhất là bà đến câu và giăng lưới bắt cá trong ao Agubeil. Họa hoằn lắm, khi thiếu lương thực hoặc có món đồ có giá cần đem bán, thì bà mới ra thị trấn. Người ta nghĩ rằng bà có thể làm tất cả những gì có thể, bởi vì bà chỉ nói đến một việc. Bà thường nói: «Ông thợ xay lúa đã chết rồi, và Jean-François cũng sẽ chết theo. Hắn sẽ gục ngã nơi mà người kia đã nằm xuống. Ta đã để dành một viên đạn cho hắn. Một khi đi ngang qua ao, hắn sẽ nằm lại đó. Ta sẽ không đến nơi nào khác để giết hắn; mà ta sẽ hạ gục hắn chính ở nơi ấy, hắn ta hoặc con cháu của hắn.”
Suốt bốn mươi năm nay, bà Góa rình cơ hội để trả thù. Vì lý do đó, ông bán hàng rong tránh không đến gần những quả đồi bao quanh cái ao, và ông cấm hẳn cô cháu gái Élise (cô bé là người thân duy nhất của cả gia đình ông còn lại), không được bén mảng đến khúc đường mà xưa kia ông đã gặp kẻ thù của ông. Bây giờ đã luống tuổi, ông luôn tự trách mình đã phạm trọng tội, tại sao lại tự vệ bằng cách đó vào thời cũ xưa, và hàng năm ông đều xin lễ đọc kinh cho người lính xung kích.
Ông là người u buồn. Ðôi khi, đang trên đường về, vai mang túi hàng hóa, bỗng ông thấy hiện ra một khóm hoa anh túc đang khoe sắc trên sườn đồi, ông chọn đánh một vòng xa hơn nửa dặm hơn là đi thẳng ngay xuống đó để hái hoa.
Tất cả niềm hạnh phúc vui sướng của ông, nhưng luôn đầy âu lo, là nhìn thấy cô bé Élise lớn lên.
Cô bé sắp lên mười tuổi rồi. Và, khi cô bé được rước lễ lần đầu, buổi lễ diễn ra rất ôn hòa, bé mặc bộ áo trắng tinh, gương mặt có vẻ hơi nhợt nhạt xanh xao đang bước đi giữa đám bạn, nhưng yêu kiều duyên dáng và trầm lặng hơn chúng. Toàn bộ thị trấn được trang hoàng bằng những vòng chuỗi xanh lục. Lúc đó là vào khoảng đầu tháng Sáu. Trong nhà thờ, tất cả các bà mẹ ngồi yên ắng đằng sau các cô bé. Tất cả đều khóc. Jean-François cũng ngồi chung với họ, cũng khóc như họ và cho dù ông không rời mắt khỏi cô bé, ông không thể nhìn thấy bé cho rõ được, đôi mắt ông nhòa lệ.
Ông có lý do để khóc chứ, bao nhiêu là cái tang trong thời gian qua, bao nhiêu là cảm xúc sâu lắng ở thời điểm hiện tại, và một nỗi lo sợ cho dù ông không muốn tí nào, cho những tháng ngày sắp tới! Sáng nay bé Élise nói với ông: «Ông ơi, cháu sẽ cầu nguyện cho chồng của bà Góa nữa nhé, được không ông?» Người ông trả lời: “Tính đến nay là đã bốn mươi năm mà ông đã làm điều đó rồi, cháu ạ”.
Sau đó, cảm thấy mệt mỏi vì khơi lại điều ấy, ông để cho cô bé trở về nhà một mình, nhà ở ngay cuối vùng thị trấn thôi, và ông giao cô bé cho hai phụ nữ cũng đi về hướng ấy; rồi ông đến quán rượu.” Hãy cho tôi rượu vang đóng chai nhe, để tôi xem thử tôi còn trẻ trai không”. Rượu làm khô nước mắt của ông, làm cho ông vui lên, và quên mất bé Elise. Không lâu sau, bé ở nhà một mình, nhà thì có hai cửa, một cửa thông ra đường và cửa kia thì đưa ra cánh đồng.
Thường ngày cô bé vẫn có thói quen ở nhà một mình. Nhưng đặc biệt hôm nay cô cảm thấy buồn khi nhận ra không có ai chung quanh mình cả. Cô bé nghe ngoài kia từng đám trẻ đi với mẹ chúng, và hôm nay sao họ lại nói cười huyên thuyên vui vẻ thế kia nhỉ.
Rồi cô ta nhìn kỹ ba cái bánh ngọt đã được ban phép lành cô mang từ nhà thờ về, có hình dáng ngôi sao, đúng rồi, như những ngôi sao giấy vàng ánh dán lên những lá cờ hiệu.
“Một cái để cho ông, một cái cho Dì Gothon. Rồi cái thứ ba thì cho ai nhỉ?” Bé thảnh thơi suy nghĩ, vì quanh cô không có ai làm phiền cả. Bé cảm thấy tâm hồn bao dung, vui sướng và trong sáng vô cùng, đến nỗi bé chẳng còn sợ hãi gì nữa cả, và tự mình trả lời: «Cho bà Góa của ông Sói!» Ôi thật tội nghiệp cho cô bé mới mười tuổi đầu, không tin là có điều xấu xa bởi vì cô ta tinh khiết quá, và bé còn can đảm hơn cả một người đàn ông bởi vì cô đang vui sướng!
Thế là không cần phải nghĩ ngợi, bé chụp lấy một cái bánh, và đi cửa sau dẫn ra cánh đồng lúa, giẫm đôi giày trắng trong đám cỏ cao. Cô ung dung bước đi, không chút sợ hãi, không ngoái đầu lại. Cái khăn trùm đầu vướng phải các bụi gai, bé phải cột chặt lại trước ngực. Trông cô bé như là một thiên thần hiện lên giữa đám bông lúa. Cánh đồng bây giờ trở nên hoang vắng, bao quanh toàn là những khu rừng, thật ghê sợ, không còn nghe thấy tiếng nói chuyện rì rầm vọng lại. Ông ngoại của bé vẫn còn đang uống rượu ở quán. Élise đang đến gần cái ao Agubeil.
Bé đã leo lên đỉnh mỏm đá. Rồi bé lại chạy xuống sườn phía bên kia, đến một căn chòi bằng đá và phủ đầy nhánh cây, cánh cửa hé mở nửa chừng.
Ôi, nhà bà Góa nghèo nàn làm sao! Nhìn giống như một chuồng nuôi heo. Khi nhìn vào cái ao trong vắt thấy cả cảnh vật chung quanh, và khi soi mình vào đó thì thấy cả dưới đáy ao. Tim cô bé bắt đầu đập mạnh. Bé bước qua ngưỡng cửa, và miệng thì sẵn sàng thốt lên: “Xin chào bà Góa của ông Sói ạ!» Nhưng không có ai cả. Toàn là nồi chảo, những bó cỏ, rồi trong góc nhà thì có cây súng, một cái nón cũ kỹ có gắn phù hiệu Tam Tài, một cái ghế, một bếp lò bằng đá bị cháy đen, chỉ có thế thôi. Tiếng dế gáy vang bên ngoài. “Làm thế nào để bà ấy biết là mình đã đến chứ”, Élise nói một mình. Thế là bé cầm lấy con dao, rồi lấy đầu nhọn khắc lên bánh tên của bé gồm 6 nét chữ. Xong thì bé đặt bánh lên bìa bếp lò, rồi đi ra. Bây giờ thì bé cảm thấy sợ. Bé chạy một mạch về đến nhà. “Ông ơi, ông ơi, cháu đã mang một cái bánh đến cho bà Góa của ông Sói rồi!»
Ðến khi ông lão trở về nhà và nghe thấy điều đó, gương mặt ông trở nên trắng toát như nụ hoa đào gai mà xưa kia vào thời đại chiến ông gắn vào khuy áo.
Bốn tháng đã trôi qua. Élise bị bịnh, mọi người quanh vùng nghĩ rằng bé sẽ không qua khỏi. Cô bé yếu đuối đến nỗi thường hay nói nhảm, và rồi các chú đánh xe ngựa khi vừa nhìn thấy mái nhà của bé, đã phải ghì cương xe lại và không dám la lối những con ngựa, con bò đang trên đường đến đồng lúa để kéo cày.
Jean-François không còn cười vui, không còn đi uống rượu với bè bạn nữa. Ông không rời nửa bước căn phòng lát gạch, ngồi đếm từng giây từng phút theo nhịp thở thoi thóp của bé, cô bé có vẻ như muốn thời gian trôi đi thật nhanh cho rồi. Nhịp thở rất khó nhận biết, nhưng Jean-François lại nghe rất rõ, rõ hơn cả bất cứ tiếng động nào bên ngoài, và làm cho ông thức trắng đã bao đêm rồi. Ôi! Giá như cháu của ông có thể thở khá hơn một chút! Giá như cơn sốt hạ xuống! Giá như ông có thể làm thế nào để bé hé mở đôi mắt một chút, thay vì cứ nhắm nghiền lại như thế!
Ông ngồi đó nhìn tất cả những đứa trẻ cùng trang lứa với cháu ông đi ngang giường bé, và trên gương mặt của chúng, khi chúng ra về, ông đã thấy chúng mấp máy cùng một điệu: «Giã biệt, bạn Élise bé nhỏ!”, rồi chúng bỏ về.
Không còn bất cứ ai dám vào phòng đó nữa, bởi vì nỗi bất hạnh đã quá cận kề. Vị bác sĩ cũng đã nói: «Tôi sẽ trở lại», nhưng rồi ông ấy đã không trở lại.
Vào lúc nửa đêm, một tia sáng nhỏ của ánh trăng len vào cửa sổ, và đúng lúc đó Élise đã giương cao đôi mí mắt trắng bệch lên. Ông lão liền cúi xuống gương mặt bé, và ông đã không nhận ra được nụ cười nào, sự rạng rỡ hoặc nét vui tươi nào từ xưa nay vẫn hiển hiện trên nét mặt Élise bé nhỏ của ông: nhưng ông đã nghe thấy một giọng nói chưa được tỉnh táo đang hỏi:
– Ông ơi, ông ở đâu vậy?
-Ngay đây nè, Cháu không nhìn thấy ông sao?
Cô bé nói tiếp: –
-Ông ơi! Cháu sẽ khỏi bệnh nếu như cháu ăn được cá ở hồ Agubeil.”
Rồi Élise lại nhắm mắt. Bé không hiểu những điều Jean-François trả lời bé. Bé chỉ nở nụ cười trẻ thơ, chỉ biết đòi hỏi và cám ơn, làm như thể hai việc này không khác gì nhau. Ông lão không do dự thêm phút nào cả. Ông sang thức bà hàng xóm dậy, rồi trong khi bà ngồi canh người bịnh, ông chạy lên gác xép, ở đó ông đã cất một cái vó bằng vải gai mịn có khung gỗ phỉ. Ông đi ra lối sau vườn, cái lưới vó đeo trên vai.
Jean-François tội nghiệp, ông đã biết trước một lời nguyền trả thù ghê gớm như thế nào đang chờ ông ở đấy. Không một phút giây do dự làm ông chậm bước lại. Chỉ có điều là thay vì đến ao bằng con đường đắp cao ở sát cái ao, thì ông đi vòng qua lối rừng, và khi đã xuống sườn dốc, ông cảm nhận được bóng cây trên đầu không còn che giấu ông được nữa, khiến bây giờ ánh trăng rọi hình bóng ông rất rõ. Ông đứng trên bờ cỏ sát mặt hồ lặng như tờ, và đã làm dấu thánh giá.
Ông thả vó xuống, nhìn thật kỹ, cố tìm con cá bạc. Nhưng ông chỉ thấy những đốm sáng nhỏ xen lẫn với những vũng tối lượn lờ trên mặt ao, rồi bừng sáng lên, và di chuyển rất nhanh. Nó ẩn nấp nơi nào đây? Ông giương cái lưới vó lên và nhận chìm theo may rủi giữa hai khóm lau sậy. Toàn bộ đám sao lung linh khi mặt nước chao mạnh. Bà Góa của ông Sói không hề ngủ. Bà đã nghe thấy tiếng cành cây gãy răng rắc trong khu rừng, rồi bà lại nhìn thấy con người mà bà đã chờ đợi trong bao nhiêu năm nay vừa đi ra từ đám cây thưa. A, kẻ đã giết chồng bà, y đã đem mạng đến nộp ngay địa điểm mà ngày xưa đã xảy ra tội ác không thể nào tha thứ được.
Trong thâm tâm bà Góa, bà cảm thấy bừng lên một niềm vui hung ác. Từ cửa sổ con trong căn nhà, bà đang nhìn Jean-François đứng ở bờ ao.
“Rồi đó, thế là bà tóm được mày rồi nhé!”, bà tự nói thầm. Rồi bà bật cười hả hê. Bà lấy cây súng treo ở tường, cái súng rỉ sét mà bà thường dùng để bắn bọn vịt hoặc đám thiên nga thường hay đậu trên ao Agubeil. Ðám cây đậu kim mọc cao quá đầu người, nên Jean-François không thể nhìn thấy cái bóng đen đang cúi mình xuống và đến gần đỉnh đồi. Một cái nòng súng chĩa nghiêng về phía bờ bên cạnh, đang mò tìm trọng tâm là trái tim của ông. Bà Góa của ông Sói đang nhắm bắn kẻ thù của bà và ngón tay đang sắp lảy cò súng. Nhưng rồi, vừa ngay lúc ngón tay sắp nhấn cò, thì người đàn bà bỗng nhìn thấy bao nhiêu là ngôi sao đang nhảy múa. Ánh sáng sinh động của chúng bao trùm cả mặt nước; chúng cũng vờn quanh ụ đất nơi người đàn ông đang đứng. Và mỗi cánh sao lại giống hệt cái bánh Thánh vàng rực mà bé Élise đã để lại trong nhà của bà.
Ðã 3 lần bà Góa đưa cao súng lên rồi lại hạ xuống. Ðến lần thứ ba, Jean-François thấy một con cá dưới đáy cái vó, chụp lấy nó, rồi bỏ chạy, để lại cái lưới trên đám cỏ. Cây cối gãy răng rắc như khi một con nai bị săn đuổi chạy lướt nhanh qua. Thế rồi, hét lên như người điên, vì đã để xổng mất con mồi, bà Góa của ông Sói đứng thẳng người bên trên bìa mỏm đá, rồi ném mạnh cái súng xuống ao. Cái súng xoay tít, rơi tõm xuống ao, chọc thủng màng nước lấp lánh đầy cả ngôi sao, những chòm sao phủ đầy lên trên súng thành một màn dày đặc, và chôn nó vĩnh viễn dưới đó …
Jean-François đã chạy ra khỏi khu rừng, tay ôm con cá bạc sẽ cứu lấy mạng sống cho Élise bé nhỏ của ông.
Ngày hôm sau, bà Góa của ông Sói rời bỏ bờ ao Agubeil. Bà đi về phía thị trấn, đến một viện dưỡng lão , và nói: «Tôi là bà Góa của ông Sói, người mà trong suốt bốn mươi năm đã kéo dài cuộc sống chỉ để trả thù. Kẻ gây ra việc đó đã đến tận nơi đã ấn định. Tôi đã nhìn thấy hắn ta ở ngay đầu mũi súng của tôi. Nhưng rồi đám sao lấp lánh đã quá giống miếng bánh Thánh của con bé đã tặng cho tôi. Ðiều đó đã làm cho bao nhiêu sự dũng cảm của tôi tan biến đi trong giây phút. Bây giờ tôi đã trở nên vô tích sự rồi: Hãy bắt tôi đi». Mọi người cho rằng bà ấy có lẽ đã trở nên hơi mất trí rồi, và họ mang bà vô viện. Và chính ở nơi đây tôi đã biết đến câu chuyện của bà Góa của ông Sói, và bà cũng qua đời ở đó.
TháiLan dịch