Tuy xa quê hương đã hơn 40 năm Trình vẫn không quên hình ảnh ở quê nhà. Có nhiều đêm khó ngủ Trình nằm cả giờ hình dung lại khung cảnh ngôi nhà thuở xa xưa khi Trình chưa đầy mười tuổi, nơi có cây chiêm chiêm trước ngõ, có hàng rào dâm bụt nở bông thật xinh, có cái giếng đá nước trong và ngọt ngào uống thật ngon. Đối với bao nhiêu người khác thì nơi Trình lớn lên chẳng có gì thơ mộng, đó chỉ là một làng quê nghèo nàn, thiếu mọi tiện nghi của cuộc sống, vậy mà Trình vẫn luôn nhớ đến và càng lớn lên, càng xa nơi đó Trình càng nhớ nhiều hơn.
Năm 13 tuổi Trình lên Trung Học nên phải rời quê nhà xuống sống ở Hội An, một thành phố cổ kính của miền Nam. Lần đầu tiên xa nhà, xa Ba Má, xa bạn bè, bỡ ngỡ với cuộc sống xa lạ Trình lo âu và buồn lắm. Vài tháng sau thì bắt đầu quen dần với cuộc sống nơi phố thị nên không buồn và lo âu nữa, rồi sau đó Trình thấy thích cuộc sống ở thành phố vì có những tiện nghi như đèn điện, nước máy, được nghe nhạc trên radio.
Trình ở trọ trên đường Kiến Thiết, đối diện với Tiểu Khu, cách tiệm phở “ông giàu” ba căn nhà. Tiệm phở này có đặc điểm là mỗi tô phở có kèm theo một đĩa đu đủ chua, chỉ năm sáu lát nho nhỏ thôi nhưng khách thích lắm, không ai biết tên ông chủ nhưng thiên hạ gọi phở “ông giàu” vì đa số công chức ở Hội An đều mắc nợ ông, họ ăn phở của ông và ghi sổ, cuối tháng lãnh lương thì đến thanh toán tiền nợ.
Lớn lên ở thôn quê nghèo nàn, quanh năm chỉ quanh quẩn với hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, “người bừa thay trâu cày”, v.v... nay làm quen với đời sống ở thành phố thấy biết bao điều mới lạ để học; một hôm đứng trước hiên nhà trọ nhìn xe cộ chạy ở ngã năm gần đó Trình thấy một ông cảnh sát đứng trên bục ngay giữa ngã năm điều hành lưu thông, xe đạp và xe gắn máy đến đó vẫn tiếp tục chạy nhưng xe hơi phải dừng lại, rồi ông cảnh sát chỉ đường nào thì xe phải chạy theo đường đó, một chiếc xe đầu làm vậy và những chiếc khác đến sau cũng làm vậy. Trình suy nghĩ rồi tự hỏi “ông cảnh sát có quyền bắt xe hơi chạy theo đường ông muốn?” hay “ông cảnh sát biết những người lái xe đó muốn đi đâu?”, suy nghĩ mãi mà không tìm được câu trả lời. Hôm sau đến trường Trình hỏi thầy Tứ, thầy người Sài Gòn dạy toán và rất thương Trình, thì thầy giải thích rằng những người lái xe và cảnh sát có học về luật giao thông nên tài xế dùng bàn tay ra dấu và cảnh sát hiểu.
Lên đệLục thì bạn bè biết nhau rõ hơn và thân thiết hơn, thằng bạn thân nhất của Trình là Côn, cũng là người ở quê lên như Trình, hắn hiền lành, học giỏi, vui tính, có máu văn nghệ nên rất hạp với Trình. Lúc bấy giờ cũng đã quen thuộc đường sá ở Hội An nên thỉnh thoảng hai đứa đi dạo phố với nhau, Trình thích nhất là sau buổi cơm chiều hai đứa rủ nhau ra đường Bạch Đằng hóng mát, xem người ta câu cá và nghe nhạc của rạp chiếu bóng Hòa Bình, rạp này thường xuyên cho chơi bài “Oh! Carol” do Neil Sedaka hát. Mặc dù lần nào đi dạo mát ở bờ sông cũng nghe bài này mà vẫn thích nghe chứ không chán, chắc là vì lời lẽ vừa si tình, vừa đau thương, vừa khờ dại.
Đám bạn của Trình còn có Hùng, Bằng (dân Bắc di cư), hai đứa này không biết văn nghệ văn gừng gì nhưng khoái đi tắm sông, tắm biển nên cả bọn hay rủ nhau ra tắm sông ở cầu An Hội, gần chùa Cầu, ở đó nước sâu và tương đối sạch, lại có cây cầu bắt qua bên cồn cát nên khi bơi mỏi thì níu chân cầu nghỉ mệt. Ít lâu sau thì khám phá ra phía bên kia của cồn cát có bãi sông nước trong sạch nên kéo qua bên đó tắm; vì chỗ này xa nên mỗi lần đến đó tắm thì hùn tiền mua một nải chuối mang theo, tắm xong nghỉ ngơi ăn chuối thật thú vị.
Hội An có bãi biển Cửa Đại rất đẹp, nước trong xanh, cát trắng và mịn, chỉ cách thành phố có bốn cây số nên nhiều lần Trình và đám bạn rủ nhau ra đó tắm biển. Dọc theo bờ, chính phủ có để nhiều phòng thay đồ, gọi là phòng cho xôm tụ chứ thực ra chỉ là những cái hộp đóng bằng gỗ vừa đủ cho một người đứng. Từ trong phố cuốc bộ ra Cửa Đại mất hơn một giờ nên Trình và đám bạn chỉ tắm biển vào cuối tuần, mang theo đồ ăn. Khi đã xuống nước rồi thì tắm say sưa chẳng muốn về, lúc thì nắm tay nhau nhảy sóng, khi thì thi nhau bơi ra thật xa, xa đến nỗi những phòng thay đồ thấy nhỏ như những chiếc hộp. Ngoài khơi là Cù Lao Chàm, nhìn hòn đảo Trình mơ ước có ngày sẽ đủ sức bơi ra đó.
Một hôm Côn đến khoe:
- Tau mới mua cây đờn guitar.
Trình ngạc nhiên hỏi:
- Mi biết đờn hả?
- Biết sơ sơ.
- Học ở đâu vậy?
- Tự học thôi, mua sách về học, nay mua đờn để tập
- Tau thì biết chơi mandoline
- Thiệt không? mẹ cái thằng nói láo!
- Thiệt đó, rồi mi sẽ biết tài của tau.
Chuyện Trình biết đánh đàn cũng khá đặc biệt. Khi lên sáu, lên bảy, Trình ở vùng bị việt cộng (VC) chiếm nên trẻ con chẳng học hành gì cả ngoài việc sinh hoạt thiếu nhi, Trình và Ba Má ở với bà Nội, chú Tạo và chú Cần. Suốt ngày Trình quanh quẩn trong nhà phụ Má làm những việc lặt vặt như mót củi, quét nhà, hái rau; hai chú trước có đi học nhưng nay ở nhà làm ruộng, đôi khi vào rừng đốn củi. Buổi tối thì thỉnh thoảng bạn của hai chú đến đem theo cây Banjo để ca hát vì hai chú có cây mandoline, những buổi tối như vậy Trình thích lắm, say sưa nghe và nhìn các chú đánh đàn. Nghe riết Trình đâm ra thích đàn nên khi hai chú đi làm thì Trình lấy cây mandoline ra tập, sau một thời gian ngắn Trình chơi được nhiều bài. Một hôm hai chú đi làm về sớm bắt gặp Trình đang cầm cây đàn nên chú Tạo quát:
- Phá hả mi? biết gì mà cầm đờn?
- Cháu đờn được mà.
- Thiệt hả? đờn tau nghe thử coi.
Trình liền chơi bản “Xuân và tuổi trẻ”, vừa đàn vừa hát nguyên bài, không sai một nốt, không sai một nhịp làm chú Tạo “lé mắt”.
- Thằng ni tài! thôi được, tau cho mi tập nhưng cẩn thận nghe con, đứt dây là tau đánh mi nát xương.
Trình biết chú nói thiệt chứ không dọa nên từ đó bớt đụng tới cây đàn.
Sau khi biết nhau về khả năng văn nghệ thì Côn rủ Trình đi mua cây đàn mandoline cũ rồi hắn huấn luyện cho thằng Huy, bạn cùng lứa nhưng ở lớp khác, đánh nhịp. Thỉnh thoảng Trình và Côn đến nhà Huy hòa tấu, cả bọn hay chơi bài Bambino vì bài này dễ, Côn khá rành về nhạc lý, Huy thì học nốt nhạc cũng mau, Trình nghe người ta chơi sao thì đánh lại y chang nhưng không cách chi đọc được nốt nhạc dù cố gắng học. Ngoài chuyện cùng say mê văn nghệ Côn và Trình còn thích chơi cờ tướng, hai đứa trình độ ngang nhau, vừa đánh cờ vừa chọc quê rất vui, nhất là khi có mấy thằng cùng lớp bu chung quanh coi và la hét.
Tuy vui tính và ưa thích văn nghệ nhưng Côn có ý thức về chính trị sớm. Một hôm Trình đến ty Thông Tin đọc báo thấy ngoài sân có sáu xác chết của VC, họ trưng bày xác để cảnh cáo những người bí mật theo VC, Trình kể chuyện đó cho Côn thì hắn phán ngay “bọn đó chết là đáng đời, nếu thích CS thì ra ngoài Bắc ở theo tinh thần Hiệp định Geneve, ở chi trong ni đi gài mìn, ám sát, làm tay sai cho VC”, rồi Côn kể tiếp ngoài Bắc nhiều khẩu hiệu “đả đảo đế quốc” bị dân thêm vào hai chữ CS phía sau.
Năm đệ Ngũ là năm vui nhất vì học ít và chơi nhiều, cuối năm đó thì Côn và Trình đã là bạn tri kỷ, thương nhau như anh em. Lên đệ Tứ thì bớt chơi và lo học vì cuối năm thi lấy bằng Trung Học, mảnh bằng này là một bước ngoặc trong đời của những học sinh con nhà nghèo vì có đứa phải tìm việc làm giúp gia đình, có đứa chuyển ngành, đi học sư phạm để kiếm sống. Nói đến những dự định trong tương lai thì Côn và Trình đều muốn trở thành giáo sư; thấy mấy thầy được học trò yêu thương, kính mến, được xã hội quý trọng, lương bổng cũng khá, bảo đảm có một cuộc sống sung túc thì hai đứa thấy chọn nghề thầy giáo là hợp lý nhất.
Sau khi hoàn tất bậc Trung Học thì Trình phải theo gia đình vào Sài Gòn sinh sống, đến chia tay Côn, hai đứa buồn vô hạn vì nghĩ rằng sẽ không có dịp gặp lại. Hành trang của Trình là một chiếc xách tay đựng áo quần và ít giấy tờ. Trình lội bộ ra bến xe đò Hội An, đón xe lên Vĩnh Điện, rồi từ đó lấy xe đò Đà Nẵng-Sài Gòn. Xe đến Nha Trang thì trời đã tối nên ngừng lại nghỉ qua đêm. Tối hôm đó Trình tưởng tượng thành phố Sài Gòn qua những câu chuyện nghe được từ các đàn anh đã có dịp viếng thăm Hòn Ngọc Viễn Đông. Trình nhớ anh Đức (trên Trình 3 lớp) kể chuyện về Sài Gòn như một thành phố ở một quốc gia nào khác, nơi đó hai người hàng xóm chẳng hề biết nhau, mặc ai nấy sống không dòm ngó lẫn nhau; xe cộ chạy như nước, có một loại xe rất đặc biệt chỉ có ở Sài Gòn thôi là xe xích lô máy; người đông chen chúc, phố xá sang trọng, và các phòng trà thì hết chê! Rồi anh khoe với Trình chiếc áo chemise trắng có dấu môi son đỏ chói chỗ bờ vai, anh nói đó là quà của cô vũ nữ đẹp nhất ở vũ trường Maxim tặng anh để làm kỷ niệm.
Năm thứ hai ở Đại Học thì Trình có quen với Thanh Xuân, sinh viên năm đầu Đại Học Sư Phạm. Ở lứa tuổi đôi mươi thì đi thăm người yêu là nguồn vui lớn, nhưng cũng có trường hợp phải chịu một chút cực hình trước khi được hưởng nguồn vui. Mỗi lần đến thăm Thanh Xuân ở trong cư xá Trần Quý Cáp Trình phải chờ dài cổ, tưởng nàng trang điểm gì ghê gớm nhưng khi nàng xuất hiện thì chẳng thấy trang điểm gì cho lắm, vài lần đầu Trình cố chịu đựng nhưng sau đó Trình than thở:
- Sao em bắt anh chờ lâu dữ vậy?
- Nghe anh đến em muốn gặp anh ngay nhưng mấy chị không cho, họ dạy rằng chờ là thước đo tình yêu của các anh, có yêu mới chờ, chờ càng lâu là yêu càng nhiều, anh nào không chờ nỗi là chỉ muốn chơi qua đường chứ không thật tình.
- Nhưng em cũng biết anh đâu phải như vậy?
- Em biết chứ, nhưng không nghe theo lời dạy đó thì sống sao nỗi với mấy chị ấy.
Một hôm Trình ngồi đọc sách chờ Thanh Xuân trong cư xá Trần Quý Cáp thì có một chàng vào thăm bạn gái, khi nhân viên cư xá hỏi tên thì nghe anh ta khai là Vũ Côn, Trình nghe tên bạn cũ và giọng nói cũng giống nên ngước nhìn thì đúng hắn, bình tĩnh chờ cho đến khi nhân viên vào bên trong Trình mới vội bước tới ôm choàng Côn và nói lớn “Trình đây mi”, hai đứa gặp lại nhau sung sướng vô ngần. Côn lên giọng:
- Mi chạy đường trời cũng không khỏi tau.
- Còn mi là con đỉa đói thì tau tránh sao được, cô nào bị mi theo thì đố mà thoát khỏi.
Từ đó Côn và Trình hay gặp nhau vào cuối tuần, nhắc lại những kỷ niệm ở Hội An trong khi đi dạo phố, uống cà phê, xem văn nghê, hoặc Trình rủ Côn về nhà dùng cơm. Nhiều lần Côn và Trình hẹn nhau đi thăm bạn gái trong cư xá Trần Quý Cáp, có khi ngồi chờ lâu hai đứa đánh cờ tướng với nhau, cả hai có trí nhớ khá tốt nên chơi cờ tướng mà chẳng cần bàn cờ và chẳng khi nào cải nhau, có lần chơi xong một ván cờ mà hai người đẹp vẫn chưa xuất hiện.
Côn khoe là đang học năm thứ hai Đại Học Sư Phạm; Trình thấy khi nhỏ Côn là một học trò ngoan, giỏi, ham học, hiền lành, sống có kỷ luật thì chắc Côn sẽ thành công trong ngành giáo dục và sẽ trở thành một giáo sư giỏi, gương mẫu. Sau ba năm tiếp cận với văn minh của Sài Gòn, Trình thấy được một lãnh vực mới thích hợp với mình hơn và con đường tiến thân cũng tốt hơn, đó là ngành kỹ thuật. Trình nghĩ đến làm giáo sư là một nghề cao quý, được học trò kính trọng nhưng sẽ đứng hoài ở một chỗ nhìn học trò đi qua, còn theo ngành kỹ thuật thì cần học hỏi liên tục và nhờ vậy con đường tiến thân luôn rộng mở.
Côn có vẻ không vui khi Trình cho hay là đang học năm thứ hai ở Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ, hắn trách nhẹ:
- Mi đổi ý, bỏ rơi tau?
Trình hiểu và thông cảm bạn nên giải bày:
- Khi tụi mình ở đệ nhất cấp đâu có nghe ai nói đến ngành kỹ thuật, sau mấy năm sống ở Sài Gòn tau mới biết, vả lại mi giỏi Việt văn thì làm thầy giáo là đúng nghề, còn tau khá toán thì theo kỹ thuật hạp hơn, nhưng nghề nào cũng tốt cả, miễn mình làm cho chu đáo.
Ra trường, Côn về dạy ở Sa Đéc còn Trình thì ra làm việc ở Đà Nẵng nên mỗi năm chỉ gặp nhau một lần khi Côn nghỉ hè về thăm quê, về sau Côn lập gia đình với cô gái miền Nam và ở luôn trong đó.
Sau đại họa 30/4/75 thì Trình mất liên lạc với Côn. Ba năm sau Trình vượt biển và định cư ở Canada, coi như vĩnh viễn từ biệt Ba Má và các em, và người bạn cũ cũng bị quên. Rồi một ngày trong tháng Tư năm 2006 em gái Trình email cho hay là Côn ghé nhà thăm, Trình mừng lắm liền email hỏi cô em tin tức của Côn để liên lạc nhưng cô em không biết gì hơn là Côn còn dạy học ở Sa Đéc và vợ Côn có cửa hàng buôn bán vật liệu xây cất nên rất khá giả. Trình email bảo cô em nếu Côn trở lại thì nhớ xin địa chỉ và email cho Trình, cô em email trả lời “em có xin số điện thoại và email nhưng anh Côn nói không cần thiết đâu, chưa chắc hắn còn nhớ tôi”.
Tháng 12/2006 em Trình cho địa chỉ, email và số phone của Côn, Trình rất vui vì nghĩ rằng Côn nhớ mình nên trở lại thăm nhưng không phải vậy, khi hỏi Côn trở lại thăm khi nào thì em Trình email trả lời “thấy anh muốn liên lạc với bạn cũ nên trong chuyến đi du lịch miền Tây em ghé Sa Đéc tìm anh Côn”.
Côn và Trình vô cùng sung sướng khi liên lạc được với nhau, những emails và những cuộc điện thoại luôn nhắc lại kỷ niệm xưa và cuộc sống sau 4/75. Thời gian Trình vượt biển và đến được Canada thì Côn bị tù ở Rạch Giá vì tội vượt biên, cũng may là Côn đi một mình, gia cảnh lúc ấy rất thê thảm không đủ tiền cho vợ và con đi theo. Côn ở tù gần một năm, ra tù về lại Sa Đéc, Côn phụ vợ buôn bán, hơn một năm sau nhờ người quen chạy chọt nên được cho dạy lại.
Biết anh vợ của Côn và hai người chị họ định cư bên Houston nên đầu năm 2008 Trình đề nghị vợ chồng Côn nên đi Mỹ thăm bà con và sang Canada ở chơi với Trình một tuần, Côn đồng ý ngay và sẽ cho biết thời gian dự tính sang Canada để Trình lấy một tuần nghỉ hè.
Thông thường thì tái ngộ nói lên một niềm vui; khi hai người bạn gặp lại sau một thời gian dài xa cách thì đó là niềm vui, khi anh em gặp lại sau một lần chia ly thì đó là niềm vui, khi cha con gặp lại sau nhiều năm bôn ba ở xa làm lụng kiếm tiền nuôi gia đình thì hẳn là một niềm vui lớn v.v... nhưng đó là trước 4/75. Sau cái ngày tang thương năm 1975 thì cuộc đời của người Việt bị đảo lộn, những chuyện quái gở lại xảy ra hàng ngày và trở thành “chuyện bình thường”, còn những chuyện bình thường thì trở nên hiếm hoi, và tái ngộ trở thành niềm đau thay vì niềm vui!
Côn đến phi trường Pearson International của Toronto vào chiều thứ Sáu cuối tháng 8/2008, sau hơn 34 năm mới được bắt tay và quàng vai bạn cố tri nên Côn và Trình đều vui mừng vô cùng. Về đến nhà Trình thì vừa đủ thì giờ cho Côn cất hành lý, nghỉ ngơi chút đỉnh trước khi dùng cơm chiều. Câu hỏi đầu tiên của Côn:
- Mi có tính về Việt Nam sống sau khi về hưu?
- Không, Trình trả lời ngay.
- Sao vậy? bây giờ khác lúc mi đi nhiều.
- Khác thế nào?
- Đất nước bây giờ phồn thịnh hơn nhiều, tiện nghi đầy đủ, cái gì cũng có, làm tiền cũng dễ, ăn chơi thoải mái.
Trình thất vọng với câu trả lời của Côn nhưng cũng điềm tĩnh tiếp tục câu chuyện để hiểu thêm về Côn, rồi Trình nói:
- Mi cũng biết tau bỏ nước ra đi không phải vì thiếu những thứ đó, tau đi vì thiếu tự do, vì không chịu nổi sự cai trị của bọn vô học nhưng độc tài, tàn ác.
- Tau hiểu, nhưng đó là chuyện xưa rồi, mi bỏ qua đi, giữ làm chi cho buồn bực.
- Chuyện đó đâu có xưa, ngày nay cũng bọn vô học đó cầm quyền, cũng thiếu tự do, nhưng thôi, mình sang đề tài khác đi, mi và tau có thiếu gì chuyện vui hơn để nói.
Hôm sau đưa Côn đi thăm Niagara Falls, Trình tránh chuyện thời sự, cố giữ chủ đề về cuộc sống và thắng cảnh ở Canada. Trình nhận thấy có vấn đề về quan điểm chính trị với Côn và cố tìm giải pháp để vẫn nói chuyện về Việt Nam mà giữ được hòa khí trong thời gian Côn ở chơi. Thỉnh thoảng Trình mới nói về sinh hoạt của người Việt tị nạn CS ở hải ngoại cho Côn biết, và để xem phản ứng của Côn ra sao, và lần nào Trình cũng thất vọng. Có lần Côn gay gắt hỏi:
- Các ông ngoài này làm ồn ào thì được gì? CS vẫn cầm quyền và càng lúc càng mạnh.
Trình thất vọng vô cùng với câu hỏi này nhưng cố điềm tĩnh giải thích:
- Tụi tau ngoài này không lật đổ được bọn VC trong nước đâu nếu không có sự nổi dậy của dân trong nước, nhưng những người tị nạn CS đã lập được nhiều thành tích đáng kể trong hơn 30 năm qua như nói lên sự thật về VC, về cuộc chiến VN, làm sáng tỏ chính nghĩa của miền Nam; xây dựng rất nhiều tượng đài ghi lại dấu tích cuộc tị nạn không phải vì chiến tranh mà vì hòa bình, ghi lại những anh hùng trong và sau cuộc chiến, những công trình này là những vết sẹo để lại trên bộ mặt lừa đảo, gian ác của Hồ chí Minh và đảng CSVN và nói lên tội ác của VC.
Thấy Côn im lặng nghe nên Trình nói tiếp:
- Người Việt tị nạn CS cũng đã lập được nhiều Cộng Đồng Người Việt Tự Do ở khắp thế giới để phổ biến văn hóa Việt Nam và sinh hoạt đấu tranh đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam, thành quả quan trọng nhất mà các Cộng Đồng này đạt được là gì mi biết không?
Bất ngờ trước câu hỏi này Côn lúng túng trả lời:
- Biểu tình chống cộng 30/4.
- Sai rồi mi ơi, thành quả mà người Việt tị nạn tự hào nhất là dương cao ngọn cờ chính nghĩa của Việt Nam. Từ sau 30/4/75 đến nay cờ vàng tung bay khắp thế giới nhiều lần mỗi năm trong khi đó cờ VC chỉ ủ rũ trong khuôn viên các tòa đại sứ, ra bên ngoài là bị dập xuống ngay dù VC đã bỏ biết bao tiền bạc và công sức để phất cờ đỏ bên ngoài các tòa đại sứ, một việc họ làm dễ dàng trước tháng 4/75 nhưng nay bị người Việt tị nạn CS khống chế không làm nổi.
Một hôm Trình đưa Côn đi ăn tối ở nhà hàng Việt Nam, thấy tiệm treo tấm plaque hình bản đồ Việt Nam chia đôi với Sài Gòn là Thủ đô của miền Nam và cờ vàng làm nền, Côn liền chỉ trích:
- Đất nước đã thống nhất lâu rồi mà sao còn treo bản đồ chia đôi Nam Bắc.
Trình đáp thẳng thừng:
- Dân tị nạn tụi tau thấy thời bị chia đôi còn có tự do và đáng sống hơn thời thống nhất.
- Thế còn lá cờ của miền Nam đã bị xóa sổ rồi mà treo chi nữa?
Thấy Côn nhận định về lá cờ như kẻ thiếu học, Trình bực mình thì ít mà đắng cay thì nhiều, cố kềm chế cơn giận, Trình ôn tồn giải thích:
- Mi lớn lên ở miền Nam, hấp thụ một nền giáo dục nhân bản, học lịch sử đất nước từ những người thầy có kiến thức sâu rộng, từ những sử liệu trung thực, thì mi phải biết rằng cờ vàng ba sọc đỏ là quốc kỳ của Việt Nam sau bao triều đại, sau bao đổi thay, sau bao thăng trầm; còn cờ đỏ sao vàng là cờ của đảng cộng sản VN do Hồ chí Minh lập ra. Tuy bây giờ đám tị nạn tụi tau là công dân Canada nhưng vẫn giữ cái gốc Việt Nam, vẫn chào quốc kỳ Việt Nam, vẫn hát quốc ca Việt Nam. Lịch sử trung thực sẽ tồn tại mãi mãi và luôn được tôn trọng; đảng phái, chính quyền là giai đoạn. Tau có thể không chứng kiến được cuộc quang phục đất nước nhưng chuyện đó sẽ đến.
oOo
Từ nhà đến phi trường mất khoảng một giờ lái xe nhưng Trình dành hai giờ để đưa Côn đi, khi gần đến nơi và biết chắc đoạn đường còn lại không bị kẹt xe thì Trình ghé tiệm cà phê để trò chuyện lần cuối trước khi chia tay. Trình tự nhủ lần trò chuyện này tuyệt đối không đụng đến chính trị, và Trình đã làm được nên suốt một giờ Côn và Trình đã ôn lại những kỷ niệm êm đềm thời Trung học ở Hội An cũng như những kỷ niệm trong mấy năm Đại học ở Sài Gòn.
Trên đường về nhà Trình suy nghĩ miên man về Côn với những cảm xúc ghét thương lẫn lộn (thất vọng và thương hại thì đúng hơn), Trình thất vọng ê chề vì từ một cậu học trò ngoan, giỏi, hiền lành, hiếu học đến một giáo sư gương mẫu, hiểu biết nhiều về văn hóa, nay Côn lại ăn nói như một con vẹt không khác chi một cán bộ VC ở làng quê. Trình tự hỏi “sao Côn có thể thay đổi tệ hại đến như vậy?” và không thể nào trả lời được. Trình cố tìm cách chống chế, biện minh cho Côn, cố chứng minh rằng Côn vẫn còn xứng đáng là một nhà giáo nhưng không làm được.
Trình nhớ sau 4/75 nhiều người ngoài Bắc vào cũng ăn nói kiểu đó, khi ấy họ chỉ sống với VC có 21 năm, nay Côn sống với VC đã hơn 33 năm nên chắc đã bị tẩy não; nhưng rồi Trình cũng nhớ có một số người ngoài Bắc vào Nam cuối năm 1975 vẫn nhận ra những cái hay, điều tốt của miền Nam và vẫn chỉ trích những sai lầm, tội ác của VC; và ngày nay có biết bao người trong nước vẫn trân trọng miền Nam, vẫn nhận biết cờ vàng là của nước Việt, vẫn đấu tranh chống kẻ thù phương Bắc, đòi tự do, dân chủ, trong đó có nhiều người trẻ sinh sau 75; những điều này cho thấy VC không tẩy não được nhiều người có tư cách, có sức mạnh tinh thần.
Tại sao Côn không còn tư cách, không còn hiểu biết như khi còn đi học? Đối với Trình thì những trí thức nằm vùng làm tay sai cho VC trước 75 là không tưởng, là sai lầm, là khờ dại, và có thể tha thứ được; nhưng từ khi miền Nam thất thủ thì hầu hết người dân cả hai miền đều thấy VC là bọn hận thù giai cấp, cuồng tín, bị cộng sản quốc tế tẩy não để đánh thuê cho Nga, Tàu, là bọn vô học, chậm tiến, độc tài, tàn ác, tham ô; và những kẻ có học thức, những kẻ khoa bảng ngày nay mà ca tụng VC, theo VC, làm tay sai cho VC không phải vì họ sai lầm hay khờ dại mà vì họ hèn nhát, tham tiền, tán tận lương tâm, biết VC là thối tha, dơ bẩn nhưng vẫn khen, vẫn nịnh bợ để có chút bổng lộc; nói cách khác họ là những kẻ vô liêm sỉ và điều này làm cho Trình rất đau khổ khi nghĩ đến Côn, thằng bạn tri kỷ năm xưa.
Trần Phố Hội
(Đặc San Lâm Viên)