Thời đi học, có lúc nào bạn chợt thấy hoặc tình cờ bị “níu chân” bởi ánh mắt mộng mơ, nghịch ngợm của một cô bạn chung trường? Rồi ánh mắt đó, đôi mắt đó khiến bạn xao xuyến, ngẩn ngơ những ngày đến lớp? Tôi thì có, nhưng tôi là nhân vật phụ còn bạn tôi mới là nhân vật chính, cả hai chúng tôi đều bị đôi mắt đen nhánh và buồn của em ám ảnh từ năm cuối trung học cho tới bây giờ.
Tôi và thằng bạn thân tên Lê Vân, học lớp 12 trường công lập Vĩnh Bình. Em từ Cần Thơ chuyển qua Vĩnh Bình học lớp 9. Tuổi em là tuổi mới lớn, hồn nhiên, nghịch ngợm. Em cắt tóc ngắn, đôi mắt long lanh, lúc cười “đồng tiền” trên má em như lõm sâu hơn. Em hồn nhiên thì đúng rồi, còn nghịch ngợm thì sao? Em thường đến lớp trễ năm mười phút. Lúc hành lang im vắng, bọn học trò chợt nghe tiếng guốc gõ lốc cốc, lốc cốc (cố ý mà) dọc hành lang … thì biết đó là em.
Em hồn nhiên, nghịch ngợm vậy sao tên em lạnh ngắt: Băng Tâm?
Thị xã Phú Vinh là tỉnh lỵ của tỉnh Vĩnh Bình nay gọi là thị xã Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Tôi lớn lên ở đây, thị xã nhỏ có những con đường nhựa giao nhau như bàn cờ. Ðường này trồng toàn cây Dầu, lúc gió mạnh những trái dầu rơi xuống hai cánh nhỏ xoay tít. Ðường kia với hai hàng cây Sao cao vút. Ðường hàng Me xanh ngát dẫn đến hai ngôi trường trung học của thị xã, vào giờ tan trường rợp màu áo học trò, những tà áo dài nữ sinh hay áo tiểu thư đài các.
Bên các con đường thơ mộng đó đều có một hay hai tòa biệt thự do người Pháp cất cách đây vài chục năm, đã cũ. Cạnh đường hàng Me là Tòa Hành chánh tỉnh, phía sau là Dinh Tỉnh trưởng, trong sân có nhiều cây Sao, cây Dầu cao ngất chim cò bay về quần tụ mỗi chiều.
Nhà tôi ở gần Ðại lộ Gia Long, má tôi may quần áo giao sỉ cho mấy sạp hàng ngoài chợ. Ba tôi đi làm ở Sài Gòn. Anh tôi đi lính Hải quân cũng ở Sài Gòn. Nhà chỉ có hai má con. Tôi đi học về, loay hoay gì đó một lát, thằng bạn Lê Vân tới chơi, hai đứa thả bộ ra phố đi long nhong mà không biết đi đâu …
Lê Vân quê xã Phước Hưng, còn gọi là Cầu Cống, thuộc quận Trà Cú lên thị xã học, mướn nhà trong con hẻm nhỏ xóm Tri Tân. Xéo bên kia hẻm là nhà cô của Lê Vân, nó ăn cơm ở đó, lúc dưới quê chưa kịp gởi tiền lên, nó qua đó mượn để đóng tiền nhà, tiền điện và tiền … cà phê.
Lê Vân hát hay lắm. Mừng “Cây mùa Xuân” đón Tết hay lúc Hè về chia tay nhau, bạn tôi thường xuất hiện trong chương trình văn nghệ toàn trường. Giọng hát của Lê Vân hay hơn đám học trò con gái nhiều. Thử nghe bạn tôi hát bài Tiếng Xưa của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước nhé. “Hoàng hôn … lá reo bên thềm. Hoàng hôn… tơi bời lá thu… sương mờ… Ngậm ngùi xuân xanh. Bâng khuâng… phím loan vương tình. Ðâu bóng trăng xưa. Mơ khúc Nghê thường. Phải tàn một thời liệt oanh. Xa đưa gió mây … lạnh lùng…”
Mê nhạc nên tôi và Lê Vân thường ngồi quán Cà phê Giao Châu nghe nhạc tiền chiến. Ở quán có treo mấy bức tranh sơn dầu của Nguyễn Hồ Thủy, Sa Vũ. Hai câu thơ của Sa Vũ “Nhớ Quế Dung nhớ chiều sông cát. Mây cháy vàng nhuộm tóc hoàng hôn” đề trên bức tranh vẽ cô gái trong cảnh hoàng hôn ráng chiều vàng hực … làm chúng tôi mê mấy em tóc dài quá xá! Mình cũng có máu văn nghệ chăng? Cho đến lúc đọc được bài thơ “Khi mới nhớn” của thi sĩ Ðinh Hùng, với dòng thơ lãng mạn “Làm học trò nhưng không sách cầm tay. Có tâm sự đi nói cùng cây cỏ. Riêng ta nhớ những trưa hè sắc đỏ. Ðường hoàng lan nắng động lối đi quen”, tôi và Lê Vân quyết định làm thơ.
Lê Vân lấy bút hiệu Ly Chinh Việt, nghe cũng có mùi chinh chiến! Bài thơ đầu tiên của Ly Chinh Việt mở đầu hai câu “Tôi ngu như thể con bò. Lên yên xe đạp lò cò theo em”, rồi bí. Tôi thấy tứ thơ hay nên suy nghĩ rồi viết thêm “Tôi hiền như một miếng kem. Ngủ ngoan ở giữa môi em tan dần”. Bài thơ được bạn bè khen “đọc được”, liền gởi báo ở Sài Gòn. Báo đăng, chúng tôi mừng … phát điên.
Thắm Nguyễn
o O o
Giữa năm học có chuyện bất ngờ xảy ra với anh chàng nhà thơ Ly Chinh Việt. Ðó là sự xuất hiện ồn ào của Băng Tâm, con bé lớp 9 có đôi mắt đẹp.
Chiều, hai đứa tôi đi bộ trên Ðại lộ Gia Long hướng ra chợ. Ðại lộ rộng gấp ba bốn lần mấy con đường nhựa khác nên mọi người thường ít đi trên vỉa hè. Xe cộ qua lại chẳng có mấy chiếc. Thời đó xe gắn máy còn ít. Bất ngờ … Một chiếc xe Jeep quân đội, loại Jeep lùn, từ phía sau lao nhanh tới chúng tôi rồi thắng gấp. “Rét ét ét …”. Hai thằng tôi hoảng hồn nhảy vô lề. Chiếc Jeep lách ra phóng đi để lại phía sau tiếng cười con gái. Tôi nhìn theo chỉ thấy tà áo dài trắng phất phơ.
– Băng Tâm! – Lê Vân còn chưa hoàn hồn. Giọng nói run run …
– Là ai?
– Con bé học lớp 9 … trường mình! Con gái ông Tỉnh trưởng đó …
Thì ra Băng Tâm là con gái của ông Ðại tá Nguyễn Hữu Kiểm, Tỉnh trưởng Vĩnh Bình. Em đi học có xe Jeep đưa đón. Chiều tan học, anh lính hạ sĩ lái xe chở em rảo một vòng thị xã chơi. Lê Vân giải thích vậy. Còn thắc mắc của tôi “Bộ quen hả?” Lê Vân làm thinh.
Tôi đoán già, đoán non là do hôm “Cây mùa Xuân” ở trường Lê Vân rên rỉ bài Tiếng Xưa khiến cô bé Băng Tâm cảm mến? Lê Vân ừ, nói em nhờ mấy chị học chung chuyển thư làm quen.
Mấy ngày sau đó, em Băng Tâm đến nhà Lê Vân trong con hẻm nhỏ xóm Tri Tân. Anh lính đậu xe Jeep đầu hẻm chờ cả tiếng đồng hồ trong hẻm ai cũng biết … – Lê Vân kể tới đó thoáng lo -Tao sợ ông Tỉnh trưởng biết thì … thấy mẹ!
Xem thêm: Mùa săn
– Ông Tỉnh trưởng không biết đâu! – Tôi trấn an bạn mình – Anh lái xe phục dịch bà Ðại tá đưa rước đi chợ, đưa cô con gái tiểu thư đi học, đi chơi … không lẽ lại báo cáo ông Tỉnh trưởng?
Sáng Chúa Nhật, sau lễ nhà thờ, Băng Tâm thường đến nhà Lê Vân với một bịch trái cây, khi thì nho, xoài lúc thì mận, ổi. Nói chuyện, cười vui, ăn trái cây. Vậy thôi. Có lúc em tự chạy xe PC tạch tạch mò vô hẻm. Gặp ai em cũng cười xã giao hay gật đầu chào. Lần đó tôi ở chơi nhà Lê Vân thì em tới. Em vồn vã hỏi thăm tôi và khen hai câu thơ của tôi “ngọt ngào” lắm. Hai câu nào? Em cười giòn nói anh Vân khoe rồi.
– Anh Vân thì “ngu như thể con bò”, còn anh Phương thì “hiền như một miếng kem” – Em cười chúm chím, đôi mắt đen nhánh như cũng cười theo.
Mấy hôm sau em Băng Tâm đến nhà tôi. Sao em biết nhà tôi? Vì hai thằng tôi thả bộ tà tà ngoài phố, rồi về nhà. Lúc hai đứa vô nhà thì chiếc xe Jeep lùn do anh hạ sĩ lái chạy qua chầm chậm rồi dừng lại. Em vô nhà tôi ồn ào tức thì:
– Biết nhà anh Phương rồi nha! – Em hơi khựng lại khi thấy má tôi nhưng em kịp chào rất lễ phép- Con thưa bà bác. Con mới tới.
Má tôi ừ. Hỏi em ở đâu? Em nói học chung với hai anh này. Rồi cười. Em ngồi xuống bộ ván cạnh má tôi, lúc đó má tôi đang cắt vải để may áo bà ba. Em líu lo hỏi chuyện này chuyện nọ, còn khen má tôi “Bà bác còn đẹp lắm á”, làm má tôi vui. Sự nhận xét kế tiếp làm má tôi vui hơn.
– Bà bác giống một bà dì bên Cần Thơ quá. Giống lắm!
– Ai vậy con?
– Bà dì này là chủ lò bánh mì gần Cầu Bắc. Ông dượng là Thiếu tá Quân nhu …
Má tôi mừng hỏi:
– Thiếu tá Ấu phải hôn con?
– Dạ đúng rồi. Ủa bà bác quen hả? – Em Băng Tâm ngạc nhiên.
– Bà dì đó thứ Năm. Còn bác thứ Ba. Chị em mà …
Em cười thích thú. Em nói chuyện “tía lia” một lát với má tôi rồi xin phép về. Bữa đó tôi và Lê Vân chỉ biết ngồi đó, nghe rồi cười, rồi đứng lên đưa em ra cửa.
Nghe chúng tôi nói em Băng Tâm là con gái ông Tỉnh trưởng, má tôi hơi ngại:
– Con nhỏ đó là “bồ” con hả Vân?
– Dạ hổng có. Học chung thôi à bác – Vân rối.
– Vậy được. Lo học hành nha. Năm nay hai đứa thi Tú Tài. Ham vui, thi rớt thì … kẹt lắm.
Má tôi khuyên đúng. Thi rớt là trình diện nhập ngũ ngay, là “Một, hai, ba. Chúng ta đi lính Cộng hòa” (Ði lính Cộng hòa – Nhạc Phạm Duy). Chiến tranh dồn dập khắp nơi. Mùa Hè đang đỏ lửa. Quảng Trị, Bình Long, Kon Tum … và ngay cả miền Tây cũng vậy.
Lê Vân ráng học nhưng hình bóng cô em cứ loanh quanh trong đầu, xuất hiện cả trong giấc mơ, thì sao đây? Lê Vân khoe tôi tấm ảnh chân dung em, in trên giấy ảnh khổ lớn nhứt, với đôi mắt đen nhánh, dễ thương nhưng buồn.
– Anh giữ nha. Chừng nào em giận, em đòi lại! – Băng Tâm nói vậy. Bữa đó hình như … Lê Vân hôn con bé. Tình yêu bắt đầu? Phải rồi. Tình học trò như đôi chim sẻ líu lo trên mái ngói, hay ríu rít ngoài sân giành nhau hạt thóc rồi bay vút lên một nhánh cây nào đó trong vườn …
o O o
Tiếng hát Thanh Tuyền từ máy radio nhà bên nghe văng vẳng “Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn …” (Nỗi buồn hoa Phượng – Nhạc Thanh Sơn). Hè chưa đến, chưa bãi trường chia tay bè bạn để “man mác buồn” mà tôi đã sắp xếp thời gian chuẩn bị học thi Tú Tài 2. Tên bạn Lê Vân về quê mấy ngày nay hình như để tránh mặt Băng Tâm. Có chuyện gì làm bạn tôi tránh né vậy? Không lẽ anh tài xế hạ sĩ hôm trước gặp Lê Vân ở cổng trường nói mấy câu mà sợ:
– Ổng mới hỏi tui mấy bữa chở cô Tâm đến nhà ai vậy? Tui nói cô Tâm đến chơi với … em. Ổng lại hỏi thằng đó ra sao? Tui nói em là học sinh lớp 12 – Anh hạ sĩ lo lắng – Chắc có ai méc ổng rồi … Thôi em ơi. Tui khuyên em nên dang ra đi. Còn tui thì không đưa cô Tâm gặp em nữa đâu. Tui cãi lời ổng, ổng “đổi” tui về Càng Long, Cầu Kè là… xanh cỏ đó!
Con bé Băng Tâm có lẽ cũng bị “thân phụ” rầy nên không ngồi xe Jeep mà lén cỡi chiếc PC “Em đến thăm anh một chiều mưa” (Tựa bài hát của nhạc sĩ Tô Vũ ). Chiều mưa lớn. Em ở nhà Lê Vân đến lúc đèn đường bật lên. Mưa tạnh. Em về. Nước mưa và nước mắt nhạt nhòa khuôn mặt.
Một tuần sau, vào một buổi chiều, cả thị xã Phú Vinh nhỏ bé xôn xao vì tin tức đưa về từ quận Cầu Ngang: “Ðoàn xe ủy lạo gia đình binh sĩ của bà Ðại tá Tỉnh trưởng đi Cầu Ngang bị Việt Cộng giựt mìn”. Rồi có thêm chi tiết: “Bà Ðại tá, con gái bà và anh lái xe Jeep đều chết!”.
Tôi điếng hồn. Tin có thật không?
Băng Tâm, cô em hồn nhiên, nghịch ngợm của chúng tôi chết thê thảm vậy sao?
Tin dữ về tới Cầu Cống. Hôm sau, Lê Vân lên thị xã. Mặt bạn tôi xuống sắc thấy rõ!
Tôi, Lê Vân và các bạn học của Băng Tâm không thể thắp cho em nén nhang đưa tiễn. Ðám tang mẹ em và em, và anh hạ sĩ từng đưa đón em rong chơi thị xã, diễn ra trong Dinh Tỉnh trưởng lặng lẽ, buồn đau.
Ðầu Hè cũng là đầu mùa mưa. Bông Phượng đỏ rực sân trường. Những cánh Phượng rớt xuống trong mưa như ứa máu! Ðường hàng Me bên hông Dinh Tỉnh trưởng lá me non xanh ngát. Năm nay tôi không nghe tiếng ve ran trên tàn cây. Không gian tĩnh lặng vô cùng!
Xem thêm: Người lính rừng
Chúng tôi rời lớp cũng lặng lẽ như vậy.
Mấy ngày Hè tôi thường đến nhà Lê Vân ôn thi, có lúc ngủ lại. Căn nhà nhỏ với dăm ba kỷ niệm của em sẽ ấm áp hơn … nhờ có tôi? Ly cà phê đen buổi chiều. Mấy điếu thuốc Bastos. Hai thằng thức học đến sáng.
Tôi mong Lê Vân sẽ quên đi, hay cố gắng quên hình bóng em để học thi, nhưng rồi chính tôi cũng nhớ em da diết. Tóc ngắn, da ngâm, nụ cười hồn nhiên và đôi mắt …
– Hôm qua Băng Tâm về … – Lê Vân buông câu nói làm như nói với ai không phải với tôi.
– Mầy nằm mơ thấy em hả? – Tôi nhìn bạn, hỏi.
Lê Vân ừ, nói thêm:
– Em nói “Trả tui tấm hình”.
Tôi rùng mình:
– Vậy là em giận mày rồi.
Tấm hình em tặng Lê Vân, lúc tặng có nói “Chừng nào em giận, em đòi lại!”.
Tối, Lê Vân trả lại em tấm hình bằng cách đốt nó đi. Tôi cầm tấm hình nhìn em một hồi rồi tắt đèn. Bóng đêm thích hợp với em hơn. Lê Vân đốt hình bằng diêm quẹt nhưng ngọn lửa của cây diêm chưa kịp cháy bén mép hình đã tắt. Mấy lần như vậy. Phải đốt đèn cầy thôi. Vân đốt đèn cầy ngọn lửa cháy lâu hơn nên tấm hình bắt lửa. Vân đốt vòng quanh để tấm hình cháy lẹ, miệng nói gì đó, có lẽ là những lời thương yêu và xin lỗi.
Tôi bỏ ra ngoài. Hút chưa hết điếu thuốc thì bạn tôi bước ra kêu tôi vô nhà chỉ đám tro tàn còn nghi ngút khói. Tấm hình cháy chưa hết. Trong ánh sáng không rõ lắm của ngọn đèn cầy, phần còn lại là đôi mắt em buồn bã nhìn chúng tôi. Ðôi mắt là cửa sổ tâm hồn mà! Dù em đã sang thế giới bên kia nhưng “tâm hồn” em còn đây, nỗi buồn còn đọng lại trên đôi mắt long lanh.
– Vuốt mắt em đi Lê Vân! – Tôi cũng “dị đoan” nói vậy. Vân ngồi xuống cầm phần hình nóng hổi có đôi mắt em vuốt ve một hồi, rồi đốt. Lần này thì đôi mắt em chìm trong ngọn lửa!
Em thật sự rời xa chúng tôi!
Kỳ thi Tú Tài 2 năm đó tôi, Lê Vân và những thằng bạn, chị bạn “làm học trò nhưng không sách cầm tay” đều rớt. Nói nôm na là trợt vỏ chuối. Con gái thì khóc, con trai lo … đi lính. Còn tôi theo gia đình dọn nhà lên Sài Gòn mang theo hai nỗi buồn: Thi rớt và từ giã thị xã thân yêu. Lên Sài Gòn một tuần là tôi nhớ Phú Vinh, nhớ bạn bè và thấy thấm câu hát “… Bạn cũ xa rồi. Có người về đất buông xuôi. Năm ba đứa bạt phương trời. Hai thằng chờ đầu quân năm tới! ” (Trường cũ tình xưa- Nhạc Duy Khánh). Nhạc viết vậy mà trúng phóc. Năm tới đầu quân chớ không phải năm nay. Báo đăng tin “Lệnh Ðộng viên hoãn một năm” nghĩa là đám học trò lớp 12 thi rớt không phải hát bài “Lời kẻ đăng trình” (Tựa bài hát của Tú Nhi) mà được học tiếp, năm sau lại thi.
Năm sau tôi và đám bạn ở Vĩnh Bình đều thi đậu. Các bạn hăm hở lên Sài Gòn ghi danh học đại học. Tôi học trường Ðại học Văn Khoa. Lê Vân học trường Ðại học Luật. Số anh em khác đứa học Ðại học Khoa học, đứa theo ngành Sư phạm, thằng vô trường Kỹ thuật Cơ khí …
Thời gian qua lẹ quá! Mới nhập học đó mà sắp sửa thi rồi. Nhưng … Chưa kịp thi thì cuộc đời sinh viên của tôi, của hết thảy bạn bè đồng hương đều … kết thúc có hậu! Ở Sài Gòn người ta nói ngày cuối tháng Tư năm đó là ngày “Miền Nam hoàn toàn Giải phóng”. Bạn bè tôi trở về Vĩnh Bình được biết ngày cuối tháng Tư là ngày “Tiếp thu”. Tôi thấy nói sao cũng được. “Giải phóng” hay “Tiếp thu” gì thì cũng là ngày mở ra một bước ngoặt trong cuộc đời, nó phủ định tương lai mình rất rõ. Tôi sẽ không là thầy giáo dạy Văn. Lê Vân sẽ không là Luật sư. Mấy tên bạn khác sẽ không là kỹ sư Phú Thọ hay nhà Khoa học, nhà Vật lý, nhà Sư phạm …
Vậy sẽ là cái gì? Hãy để thời gian trả lời!
o O o
Có hơn 5 năm tôi mới về thăm thị xã Trà Vinh, hồi đó là thị xã Phú Vinh.
Thị xã nhỏ bé và cũng buồn như trước. Chợ Trà Vinh nhộn nhịp buổi sáng, đến trưa hiu quạnh như chợ quê. Quán Cà phê Giao Châu dẹp rồi. “Quế Dung chắc đã lấy chồng?” Những con đường thân quen Cây Dầu, Cây Sao yên tĩnh, mặt đường lỗ chỗ, thấy như nhỏ lại.
Buổi chiều học trò tan trường tỏa ra trên đường hàng Me nhưng áo tiểu thư đâu rồi? Những tà áo dài trắng tinh hay áo tiểu thư thời hoa bướm cũ đã không còn? Lá me non xanh cả vòm cây. Nhìn vào Dinh Tỉnh trưởng – nay là gì không biết nữa – bỗng nhớ Băng Tâm, nhớ đôi mắt em ướt đẫm! “Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời. Ðể nhìn đời và để làm duyên. Ðời cho em đôi mắt màu đen. Ðể thương, để nhớ, để ghen, để hờn …”. Tôi mượn lời bài hát của nhạc sĩ Xuân Hồng để nghĩ về đôi mắt em hồn nhiên ngày nào, nay đã khép!
Bạn bè tôi mười mấy thằng, tìm được ba bốn. Ðúng như lời ca “Năm ba đứa bạt phương trời”, tụi nó đi tứ tán nào Mỹ, Canada, Ðức, Úc. Hai thằng biệt tăm. Số khác bận chuyện mưu sinh dòng đời trôi dạt. Thương mấy bà chị học chung nay “không còn trẻ nữa”, ai cũng có chồng, có con bận rộn. Và thương thằng bạn thân Ly Chinh Việt Lê Vân. Bạn tôi đen đúa, trải đời, am tường chuyện trồng trọt với các giống lúa mới, giống bắp lai hay cải tạo đất đai phèn mặn. Lê Vân là cán bộ Sở Nông nghiệp tỉnh, có đi học bổ túc để lấy bằng kỹ sư nông nghiệp. Ðiều quan trọng là bạn tôi có nhiều năm lặn lội khắp các xã ấp, tiếp cận cuộc sống dân dã. Bạn tôi uống rượu đế “kinh hoàng” luôn.
Xem thêm: Mẹ và con gái
– Về nông thôn gặp nông dân mà không uống rượu thì … không ai chơi với mình! – Lê Vân cười nhẹ – Công tác quần chúng đi trước công tác chuyên môn …
Sau này tôi về Trà Vinh thường hơn, lần nào về tôi cũng “sum họp” với Lê Vân, có lúc rủ thêm vài tên bạn cũ. Chúng tôi uống bia, nói chuyện thời học trò, nhắc nhớ thầy Bửu, thầy Tường, thầy Dĩ, thầy Lý, cô Thành … Tôi say trước lúc tiệc tàn, thường là vậy. Nhưng ngày hôm đó rất đặc biệt, nghe Lê Vân kể chuyện, tôi tỉnh hẳn.
– Tao kể mày nghe chuyện này hay lắm Phương – Lê Vân nói – Tháng trước, anh Tư Thanh bên Ủy ban sắp nghỉ hưu có mời vài anh em và tao … tới nhà ảnh nhậu. Lúc tàn tiệc, còn mình ảnh với tao thì …
Lê Vân nói anh Tư Thanh học lớp Ðệ Tam trường Bán công Trần Trung Tiên, học nửa chừng thì bỏ về Cầu Ngang theo Việt cộng. Tết Mậu Thân, anh Tư là du kích xã Vĩnh Mỹ theo hai anh mình “tổng tiến công” trụ sở xã, đánh lên quận Cầu Ngang. Sau Tết và dài dài mấy năm sau, anh Tư hăng hái lắm. “Mình tham gia trễ phải hết sức phấn đấu”. Tư Thanh nói vậy.
Năm 1975, tức bảy năm sau, Tư Thanh là cán bộ quân quản vô “tiếp thu” thị xã. Nhờ đã học nửa chương trình Ðệ Tam tức lớp 10, Tư Thanh được cử đi học bổ túc văn hóa. Sau này Tư Thanh là cán bộ Ủy ban thị xã.
Lê Vân biết anh Tư Thanh lâu rồi qua một buổi tiệc cuối năm.
Lê Vân rót bia vô ly, kể tiếp:
– Cũng nhậu y vầy! Trải chiếu dưới đất, ngồi xếp bằng, uống rượu Xuân Thạnh. Lúc anh em về hết rồi, còn tao với ảnh thì ảnh hỏi tao “Hồi đi học con gái ông Tỉnh trưởng là bồ mầy phải không Lê Vân?” Chuyện này hồi đi học ai cũng biết tao với Băng Tâm là … anh em. Mầy biết rõ mà!
– Bồ nói bồ sợ gì? – Tôi cười.
– Không phải sợ. Anh Tư là “ông anh” của tao với mầy, sắp nghỉ hưu có gì mà sợ? Có điều hỏi tao xong thì ảnh nói “Tao có lỗi với mầy Lê Vân. Mầy cho tao xin lỗi!”. Rồi ảnh nói lảm nhảm hình như ai đó nói chớ không phải ảnh:
– Mấy chục năm nay lương tâm tao bị đè nặng … bởi một chuyện mà tao giấu kín. Chuyện đó cứ ám ảnh tao hoài làm trái tim tao mệt mỏi. Bữa nay tao nói ra để lương tâm tao được nhẹ nhàng, để trái tim tao … Nhưng mà mầy phải hứa là … mầy tha lỗi cho tao nha Lê Vân?
– Ừ! Tui hứa … anh Tư! – Lê Vân gật đầu – Mà chuyện gì tui không hiểu?
– Chuyện như vầy. Năm đó tao còn ở Cầu Ngang. Tao được phân công “tiêu diệt kẻ thù” mà … trời ơi … tao lại tiêu diệt nhầm “đối tượng” thường dân. Họ là thường dân! – Tư Thanh nhấn mạnh hai chữ “thường dân” rồi nhìn lên trần nhà hơi thở nặng nhọc.
Lê Vân chuyển qua ngồi cạnh Tư Thanh nhắc:
– Anh bị huyết áp cao. Ðừng có xúc động quá không nên …
– Tao biết. Tao không sao đâu mầy an tâm – Rồi với chút can đảm còn sót lại, Tư Thanh nói lời thú tội muộn màng – Tao là thằng giựt mìn chiếc xe Jeep ở Cầu Ngang. Trên xe chỉ có vợ con ông Tỉnh trưởng …– Tư Thanh hạ giọng – Họ là thường dân. Trời ơi … là trời!
Cái chết thê thảm của bà Ðại tá và em Băng Tâm xảy ra bốn mươi mấy năm trước, Lê Vân có buồn đau mấy đi nữa thì cũng là chuyện đã qua, là quá khứ rồi. Ðiều bất ngờ với bạn tôi là người gây ra nỗi kinh hoàng đó lại là Tư Thanh.
Mãi lâu sau, Tư Thanh nói trong tâm trạng bình an hơn, hình như đã trút được gánh nặng đeo đẳng trong lòng bấy lâu nay:
– Bây giờ bà Tỉnh trưởng với con gái bả không còn. Tao muốn xin lỗi họ cũng không biết làm sao. May còn có mầy là anh em hay là bồ với con nhỏ đó, coi như có chút “liên hệ” chớ không phải người dưng nước lã. Phải. Chỉ có mầy là đủ tư cách … tha lỗi cho tao…
Tư Thanh rót hai ly rượu, nói tiếp:
– Tao thành thật xin lỗi mày Lê Vân. Mầy uống với tao ly rượu coi như mầy chấp nhận …
Lê Vân thấy cũng phải. Nói gì nữa cũng vậy, chi bằng uống với Tư Thanh ly rượu coi như chấp nhận lòng thành của ảnh. Vân cầm ly lên nhìn Tư Thanh nói “Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua!” rồi uống cạn.
Tư Thanh uống hết ly rượu tạ lỗi tròng mắt như sáng ra. Ðiều ẩn ức đè nặng tâm hồn Tư Thanh mấy chục năm qua có lẽ đã tan biến? Không biết. Chỉ biết lòng Tư Thanh nhẹ đi là được.
Tư Thanh ôm vai Lê Vân:
– Câu “Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua” là trong bài Một thế kỷ mấy vần thơ của thầy Truy Phong! Phải há? Tao học môn Văn với thầy năm Ðệ Tứ. Thầy Truy Phong là người nhân hậu. Học trò của thầy tất cả đều nhân hậu. Trừ tao ra!
Buổi tối tôi và Lê Vân thả bộ ra chợ ăn hủ tiếu. Ðang đi thì trời rắc giọt. Mưa nhỏ thôi. Lê Vân hát khẽ mấy câu trong bài Thà như giọt mưa của “Bố già” Phạm Duy, phổ từ thơ Nguyễn Tất Nhiên:
– “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như giọt mưa khô trên tượng đá. Thà như mưa gió đến ôm tượng đá. Có còn hơn không. Có còn hơn không …”
Tôi hỏi bâng quơ:
– Mầy với Băng Tâm ai là giọt mưa, ai là tượng đá?
Trong mưa lất phất bay giọng bạn tôi hơi lạnh:
– “Ta chạy vòng vòng … Ta chạy mòn chân. Nào có hay đời cạn …. Nào có hay cạn đời …”.
DHP (7-2020)