Ðứng trên đỉnh ngọn núi Rock mountain nhìn xuống, thành phố Atlanta nằm bên dưới những thảm thực vật xanh dày. Ðường phố toàn dốc với rất nhiều rừng thông xanh ngắt hai bên đường xen lẫn với những cây phong. Hạnh Hoa vừa lái xe vừa nói chuyện:
`-Rất tiếc là dì không ở lại để đợi mùa Thu. Khoảng một tháng nữa những cây phong hai bên đường lá sẽ đỏ rực. Bây giờ trên ngọn đã bắt đầu hoe đỏ rồi đấy.
Trâm nhìn hai hàng phong ven đường chạy lùi lại phía sau cảm thấy mùa Thu đã thấp thoáng đâu đó trên những đọt cây lá đỏ trong buổi chiều nắng quái. Chị nói với một chút tiếc nuối:
– Tiếc thật đấy. Nhưng đến lúc đó thì dì đã về đến Việt Nam rồi.
Hạnh Hoa thở dài:
– Lớn tuổi như dì lẽ ra bây giờ muốn đi đâu bao lâu cũng được, vậy mà vẫn còn những điều ràng buộc. Nghĩ cho cùng con người ta phải đến lúc chết mới được hoàn toàn tự do thôi.
Thắm Nguyễn
Trâm nhìn rừng thông dày miên man bất tận và nghĩ Atlanta giống thành phố Ðà Lạt, nhưng có lẽ thông ở đây còn nhiều hơn Ðà Lạt. Hạnh Hoa nói:
– Ở đây khí hậu 4 mùa rõ rệt lắm dì ạ. Sống ở thành phố nầy chỉ khổ khi mùa thông ra hoa. Phấn thông vàng bay lung tung trong không gian làm hắt hơi đến khổ. Màu vàng của phấn hoa bám đầy cửa kính xe hơi, lau rồi cũng thế thôi;
Xe dừng lại trước tiệm cà phê, Trâm bước xuống cảm thấy lạnh buốt, vậy mà Hạnh Hoa vẫn ăn mặc phong phanh. Trâm nói:
– Cháu vào uống tách cà phê cho ấm rồi hãy đi.” Hạnh Hoa lắc đầu: “ Thôi dì vào đi kẻo bạn chờ. Cháu còn phải đi làm. Lúc nào dì về nếu muốn đi shopping nhớ gọi cháu.
Từ trong tiệm cà phê Thụy chạy ra đón Trâm. Một thoáng ngỡ ngàng. Trâm nhìn không ra Thụy với những nét phong trần của một con người từng trải. Trâm nói:
– Giá như gặp nhau ngoài đường chắc bọn mình đánh nhau vỡ đầu cũng không thể nào nhận ra nhau.
Thụy cười:
– Hơn 40 năm rồi còn gì. Không nhận ra nhau cũng là điều bình thường thôi. Mình phải lái xe 12 tiếng đồng hồ đến đây để được gặp người bạn cùng lớp ngày nào.
Tiệm cà phê nằm ở một vị trí khá đẹp, dưới một rặng thông lớn. Mùi cà phê thơm ngan ngát trong buổi chiều Thu se lạnh có nắng hanh vàng. Thụy nghe tin Trâm đến Atlanta, anh vội lái xe từ Houston đến đây, Trâm ái ngại:
– Lái xe xa như vậy Thụy có mệt lắm không?
Thụy cười:
– Với mình, lái xe đường xa là chuyện bình thường. Cũng may đường sá ở Mỹ tốt nên cũng dễ đi. Nếu được gặp Trâm thì dù có đi xa hơn nữa cũng không sao.
Câu nói như một cách gợi nhớ những ngày xưa thân ái khi hai người còn ngồi chung trên ghế giảng đường. Trâm nhớ từ năm đầu mới nhập học, Trâm để ý thấy có người con trai lúc nào cũng chọn ngồi ở vị trí ngay sau lưng mình. Ban đầu Trâm tưởng là ngẫu nhiên nhưng lâu dần thì trực giác con gái ngầm mách bảo với Trâm là người ta để ý đến mình. Không những Trâm mà con gái trong lớp cũng để ý đến điều đó và hay thì thào với nhau. Hạ – cô bạn ở trọ cùng phòng với Trâm bảo:
– Kiểu nầy thì con Trâm phải siêng gội đầu rồi. Không ở dơ như tụi tao được.
Một thời gian dài Thụy chỉ chọn chỗ ngồi như thế thôi, không nói gì. Có lần thi học kỳ, giáo sư bộ môn chữ Nôm tách lớp ra làm hai, nhóm thi trước có Thụy. Thi xong, Thụy vội tìm Trâm, đại khái báo cho Trâm biết đề thi có câu dịch bài ca dao “ Trèo lên cây bưởi hái hoa…” ra chữ Nôm. Trâm nghĩ là thầy giáo sẽ không ra lại một đề thi đã ra rồi, nhưng dù sao cũng cảm động trước tấm lòng của Thụy.
Chỉ thế thôi, Thụy vốn ít nói và rụt rè. Cho đến khi Quân xuất hiện thì Thụy không còn đóng đô ở phía sau Trâm nữa. Quân từ một trường đại học khác chuyển tới vào năm thứ hai. Quân không rụt rè như Thụy, thích thì tấn công ào ào. Quân không ngồi âm thầm sau lưng Trâm như Thụy mà ngồi ngay bên cạnh. Giảng đường thường đông sinh viên, Quân chịu khó đi sớm dành chỗ rồi vẫy Trâm đến ngồi những lúc Trâm đi muộn. Có khi Trâm đi sớm, nếu bên cạnh Trâm còn dư chỗ thì Quân đến ngồi ngay bên cạnh. Hạ lại có dịp trêu Trâm :
– Lần nầy thì con Trâm phải gội đầu mỗi ngày rồi, không thể hai ngày một lần nữa. Tóc dài như thế gội đầu khổ lắm nghe cưng. Có nhiều vệ tinh quá cũng khổ!
Hạ nói rồi cười hi hi. Từ đó Thụy không còn ngồi sau Trâm nữa, nhiều lúc Trâm cũng thấy nhớ nhớ. Có khi gặp nhau trong lớp hay ngoài hành lang, Trâm thấy Thụy nhìn mình bằng cái nhìn hơi là lạ. Thụy có đôi mắt đen và sâu, ánh mắt có hồn. Ðặc biệt anh có tài ghi bài rất nhanh và viết chữ Hán bay bướm. Vì các giáo sư giảng bài rất nhanh, ít người ghi được đầy đủ. Thời đó không có photo copy như bây giờ, nên Trâm hay mượn vở Thụy để chép lại. Có lần Thụy ép sẵn trong vở một chiếc lá vàng và một lời đề tặng Trâm. Rồi những năm đại học qua nhanh, mỗi người ra trường đi về mỗi ngả. Mấy chục năm trôi vèo qua nhanh như cơn gió. Có lần cách đây 20 năm, Trâm và Như – một cô bạn thân cùng đi du lịch bằng tàu lửa, lúc qua ga Nha Trang, Như nói :
– Mi thử gọi cho Thụy xem hắn có nhận ra giọng mi không. Hắn vẫn ở Nha Trang đấy.
Như đưa số điện thoại cho Trâm. Một cảm giác hồi hộp rất lạ khi Trâm bấm máy và áp
phôn lên tai. Trâm hỏi:
– Thụy có nhận ra giọng ai đây không?
Một thoáng yên lặng rồi Thụy nói:
– Trâm chứ ai. Dù bao nhiêu năm Thụy vẫn nhận ra mà.
Không nỡ đùa dai với Thụy, Trâm nói :
– Vâng, Trâm đây. Trâm và Như đang đi qua ga Nha Trang, bọn mình đang ở rất gần Thụy đấy.
Thụy nói, giọng tiếc rẻ:
– Vậy mà các bạn không ghé mình chơi. Hai mươi năm rồi chưa gặp lại các bạn. Cho mình gửi lời thăm Như nghen.
Từ đấy đến giờ vừa đúng hai mươi lăm năm. Sau đó Thụy qua Mỹ theo bảo lãnh của ba mẹ. Khi nghe Trâm qua Mỹ thăm con gái và đang đến thăm nhà đứa cháu ở Atlanta, Thụy vội vàng thu xếp đến vì biết Trâm ở Atlanta không nhiều ngày.
Nhìn từng giọt cà phê rơi, Trâm hỏi:
– Thụy thấy Trâm thay đổi nhiều không?
Trâm nói xong và biết mình đã hỏi một câu hỏi thừa. Bốn mươi lăm năm mà không thay đổi sao? Thụy cười:
– Cũng không nhiều lắm. Gặp là nhận ra ngay ấy mà.
Trâm biết là Thụy đã nói một câu an ủi.
Thụy xoay xoay ly cà phê trong tay :
– Cũng là quy luật thôi mà. Trâm đúng là phụ nữ, hay để ý hình thức.
Trâm hỏi:
– Bây giờ qua Mỹ, Thụy làm nghề gì?
Thụy nheo mắt cười:
– Trâm đoán thử xem.
Trâm lắc đầu:
– Chịu.
– Lúc Thụy qua Mỹ cũng đã ngoài bốn mươi một chút. Hồi phổ thông Thụy học ban toán, nhưng mê văn chương quá nên lên đại học chọn khoa Văn. Hồi đó gia đình cũng phản đối dữ lắm. Qua đây Thụy đi học lại ngành tin học. Cũng may nhờ năng khiếu toán nên cũng qua được đại học. Nếu Trâm có thể ở lại lâu một chút mình đưa Trâm về Houston chơi.
Trâm tò mò:
– Bà xã Thụy vẫn khỏe chứ? Hai vợ chồng sống riêng hay ở với các con? Thụy nói:
– Bà xã mình mất 3 năm rồi. Mình sống một mình, nhưng các con ở gần nên cũng hay qua lại.
Trâm nói:
– Xin chia buồn cùng Thụy. Rất tiếc là mình phải về Denver ngày kia. Chỉ còn ở đây 2 ngày nữa. Ðứa cháu kêu mình bằng dì bảo ở lại chờ mùa Thu, nhưng mình không chờ được.
Tiếc quá. Ðến lúc đó thì mình đã về Việt Nam rồi.
Ánh mắt Thụy buồn buồn sau cặp kính trắng. Tự nhiên Trâm muốn nhìn lại ánh mắt Thụy ngày xưa, thời Thụy chưa mang kính- ánh mắt sâu đen hay nhìn Trâm với cái nhìn biết nói. Trâm hỏi:
– Nếu Trâm nhớ không nhầm thì hình như cuốn phim Cuốn Theo Chiều Gió được quay ở Atlanta ?
Thụy gật đầu:
– Ðúng rồi, vì Margaret Mitchell là người ở địa phương nầy. Bối cảnh của câu chuyện là ở đây. Hiện nay vẫn còn nhà lưu niệm Margaret Mitchell ở Atlanta.
Bên ngoài nắng đã tắt dần trên ngọn cây. Dù mới chớm thu nhưng Atlanta đã hiu hắt lạnh. Những rừng thông hai bên đường xanh thẫm trong bóng chiều. Hình như Thụy có điều gì
muốn nói nhưng lại thôi. Ở Thụy cái gì cũng chậm trễ, muộn màng. Ngày xưa bên cạnh sự vồ vập của Quân, Trâm vẫn thấy lòng trống trải. Không lẽ ngày ấy Thụy không nhìn thấy điều đó? Bây giờ nếu săm soi lại lòng mình một cách khách quan nhất, Trâm vẫn khẳng định ngày ấy Trâm chưa yêu Thụy nhưng vẫn có một chút dịu dàng dành cho người con trai ít nói, rụt rè nầy. Nếu Thụy tiến xa hơn một chút biết đâu…Cũng có thể ngày ấy Trâm sống trong hào quang của nhiều ánh mắt con trai vây quanh nên Thụy dè dặt không muốn tiến xa hơn. Rồi Trâm lấy chồng, ai cũng cho đó là một cuộc hôn nhân lý tưởng nhưng trong cuộc sống chung Trâm mới biết mình đã chọn nhầm. Và thay vì dừng lại nửa chừng, Trâm đã đem cả cuộc đời mình để trả giá cho sự nhầm lẫn đau xót nầy. Vì những đứa con vô tội kia, và có cả vì ý nghĩ mình phải chịu trách nhiệm cho sự lựa chọn của mình. Nhiều lần Trâm thấy mình không có bản lĩnh như những đứa bạn gái thân thiết, không thích thì dứt khoát cắt đứt. Kiểu như Hạ có lần kể với Trâm về một người bạn trai đã từng yêu 4 năm, tưởng như hai người không thể nào tách rời, không thể nào chia cắt, nhưng chỉ trong một lần hai người đi ăn với nhau, anh chàng kia không giấu được bản chất thô lỗ của mình, vô tư ôm cục giò heo gặm ngon lành. Hạ nói:
– Tao không chịu nổi Trâm ạ, có cái gì đó vô tình xóa sạch cả hình ảnh đẹp đẽ của anh ta, xóa sạch một thời kỳ tao yêu anh ta tưởng như có thể chết được nếu phải chia tay. Thế mà cái cử chỉ thô lỗ kia làm tao tởm, và thế là hết, tao cắt đứt không một chút ân hận. Chắc anh ta cũng không hiểu vì sao tao lại cắt đứt.
Trâm nói:
– Mầy có tàn nhẫn quá không? Sao mầy không góp ý thẳng với anh ấy?
Hạ thở dài:
– Vấn đề không ở chỗ góp ý, mà là tao tởm bản chất của con người trong một phút giây nào đó sẽ lộ ra khi không còn cái hàng rào giả tạo vây quanh. Thôi thà chia tay sớm còn hơn.
Ðúng là trong cách sống, Hạ bản lĩnh hơn Trâm nhiều.
Atlanta chập choạng vào đêm. Hạnh Hoa gọi phôn cho Trâm:
– Cháu đang trên đường về. Cháu đến đón dì đi shopping nhé.
Trâm nói với Thụy:
-Cháu mình sắp đến, mình phải về đây. Bao giờ Thụy về lại Atlanta?
Thụy nói:
– Ngày mai mình sẽ đến đưa Trâm đi chơi một vài nơi. Có thể là lên núi Rock Mountain hoặc đến nhà lưu niệm nhà văn Margaret Mitchell. Khi nào Trâm về lại Denver thì mình sẽ quay về Houston.
Lên xe rồi Trâm còn quay lại nhìn thấy cái dáng cao cao của Thụy đang đưa tay vẫy vẫy. Hạnh Hoa nói:
– Bạn của dì trông có vẻ nghệ sĩ nhỉ. Dì ơi, uổng quá, hôm nay nếu dì không đi chơi với bạn thì được trông thấy hai mẹ con con nai rồi. Hôm nay nó dắt con đi từ khu rừng trúc sau nhà mình men theo hàng tre rồi đi vào khóm rừng thông phía trước. Bọn nhóc nhà mình vừa phôn cho cháu xong.
Cách đây vài hôm Trâm cũng đã được trông thấy hai mẹ con con nai nầy rồi. Nó đi cùng con, đủng đỉnh, thong thả, không có vẻ gì là vội vàng sợ sệt. Con nai con chạy lon ton cách mẹ một quãng rồi đứng lại chờ. Trâm nhìn sững sờ đến nỗi quên cả lấy điện thoại ra chụp hình. Con nai mẹ bụng to, có vẻ như đang mang bầu.Trâm vẫn còn nhớ cảm giác thích thú đến ngỡ ngàng của mình khi lần đầu tiên trông thấy tận mắt hai con nai dễ thương vàng óng mà trước đây Trâm chỉ được thấy trong sách vở. Trâm nghĩ nếu ở Việt Nam chắc nó đã được đưa vào nhà hàng 5 sao rồi. Hạnh Hoa nói:
– Dì Trâm hên quá, mới đến đây đã được trông thấy nai rồi. Ủa, cháu không trông thấy con nai đực, mà sao con nai cái lại có bầu nhỉ?
Ðiền – chồng Hạnh Hoa nói:
– Làm sao em biết được. Lỡ nó đi đêm thì sao!
Cả nhà cười ầm.
Chiều hôm ấy lái xe về đến nhà, Hạnh Hoa chỉ hàng cây phong trước nhà nói với Trâm:
– Dì xem, lá trên đọt cây đã hoe đỏ cả rồi. Chẳng còn bao lâu nữa lá mấy cây phong nầy sẽ đỏ hết. Vào mùa Thu, phong là loại cây đỏ lá nhanh nhất đấy dì ạ. Hồi học phổ thông ở Việt Nam, đến đoạn trích trong truyện Kiều có câu thơ: Người lên ngựa, kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san. Cháu không biết cây phong là cây gì. Bây giờ sang Mỹ, mùa Thu nào cũng thấy lá phong đỏ rực trời.
Tự nhiên Trâm thấy tiếc cho mình, hình như cả cuộc đời Trâm cái gì cũng hụt hẫng, kể cả những điều giản đơn, nhỏ nhặt nhất.
VHU