Henri René Albert Guy de Maupassant (sinh ngày 5-8-1850 mất ngày 6-7-1893), nhà văn Pháp, được xem là bậc thầy của truyện ngắn, đại diện trường phái Tự nhiên, thường miêu tả cuộc sống con người giữa những định mệnh và áp chế xã hội với những tan vỡ, bi quan. Maupassant, theo Gustave Flaubert, những truyện của ông có cá tính và hiệu quả riêng biệt, kết thúc dường như dễ dàng. Nhiều truyện được viết trong thời gian chiến tranh Pháp-Đức vào các năm 1870, mô tả sự phi lý của chiến tranh và những thường dân bị rơi vô tình trạng mất tự chủ.
Ông đã viết 300 truyện ngắn, 6 tiểu thuyết, 3 tập du lịch, 1 tập thơ. Truyện xuất bản đầu tiên của ông, “Bánh Bao” năm 1880, được coi là một tuyệt tác.
Guy de Maupassant
Hồng Đăng lược dịch
Cô gái là một trong những người đẹp, duyên dáng, vì số phận phải sinh ra trong gia đình thư ký. Không của hồi môn, không kỳ vọng, không ai biết, không được hiểu, được yêu, không được bất cứ người đàn ông giàu có và tiếng tăm kết hôn nên cô bằng lòng lập gia đình với một thư ký của Bộ Hướng dẫn Công cộng.
Cô ăn mặc giản dị vì không thể mặc đẹp. Tính khéo léo tự nhiên, thanh lịch, mềm mỏng là nền tảng thứ bậc của họ và làm cho phụ nữ bình dân trở thành người đàn bà tuyệt vời.
Loisel đã chịu đựng nhiều, cô cảm thấy mình được sinh ra để tận hưởng những món ngon, xa xỉ. Nhưng cô đau khổ vì sự nghèo nàn của nhà mình, các bức tường trần trụi, ghế bàn tồi tàn, màn cửa xấu xí. Các thứ đó, đối với một phụ nữ khác đẳng cấp như cô, sẽ có cảm giác bị tra tấn và tức giận. Hình ảnh người nông dân bé nhỏ vùng Breton làm công việc nhà cho cô đã khơi dậy những giấc mơ của mình. Cô nghĩ tới các phòng khách yên lặng treo thảm Ðông phương, được chiếu sáng bởi các chân đèn cao bằng đồng, hai người hầu mặc quần sọt ngồi trên ghế bành ngủ gục gần bếp lò. Cô nghĩ đến các phòng tiệc lớn, tường treo lụa cổ, tủ đầy thức ăn ngon kỳ lạ, phòng tiếp tân thơm nước hoa dành cho bạn bè nói chuyện với nhau sau 5 giờ, cùng nhiều người đàn ông tiếng tăm, luôn được săn đón, những người mà các bà thèm muốn và mong đợi được chú ý.
Khi cô ngồi ăn tối, trước chiếc bàn tròn trải khăn dùng cho 3 ngày, đối diện là chồng cô, người mở nắp tô súp lớn, nói với giọng thích thú.
– Ah, ngon quá! Ðâu có món nào ngon hơn súp này.
Cô nghĩ tới những bữa ăn ngon, với dao nĩa bạc sáng bóng, với thảm thêu trên tường về các nhân vật cổ đại và loài chim lạ bay giữa rừng cổ tích. Cô cũng nghĩ tới các món ăn được dọn trên dĩa tuyệt đẹp và những lời thì thầm tán tỉnh, lắng nghe với nụ cười giống tượng nhân sư trong lúc đang ăn miếng cá hồi hoặc cánh chim cút
Cô không có áo choàng, không nữ trang, không có gì hết. Cô thích những món đó. Cô nghĩ rằng sẽ có được. Cô thích nhiều thứ để tự hài lòng, và được săn đón. Cô có người bạn cũ ở trường tu viện, người bạn giàu, là người mà cô không muốn gặp nữa vì cô thấy quá buồn cho mình khi về nhà.
Vào một tối, chồng cô về với vẻ chiến thắng, cầm một phong bì trên tay.
– Ðây!
Anh nói.
– Có cái này cho em.
Cô xé phong bì thật nhanh, lôi ra cái thiệp in những dòng chữ:
“Bộ Trưởng Hướng dẫn Công cộng và Bà Georges Ramponneau vinh hạnh kính mời ông và bà Loisel đến dự buổi dạ tiệc ở sảnh đường vào tối thứ Hai, 18-1”.
Hồ Đắc Vũ
Thay vì vui mừng như chồng cô hy vọng, cô ném thiệp mời lên bàn, lầm bầm:
– Em làm gì với chuyện này?
– Sao vậy cưng? Anh nghĩ rằng em sẽ vui. Em chưa bao giờ ra ngoài, và đây là dịp tốt. Khó khăn mới có được. Ai cũng muốn dự, và được tuyển chọn, họ không cho nhiều thiệp mời đối với thư ký. Cả thế giới quan chức sẽ có mặt ở đó.
Cô nhìn chồng với cặp mắt bực bội, nóng nảy nói:
– Vậy, em mặc gì đây?
Anh chồng lắp bắp:
– Sao? Cái áo choàng em mặc đi nhà hát, rất đẹp đối với anh.
Người chồng ngưng lại, bối rối thấy vợ mình khóc. Hai giọt nước mắt lớn lăn tròn từ khóe mắt tới
khóe miệng cô.
– Chuyện gì vậy?
Anh hỏi.
Bằng một cố gắng chế ngự nỗi buồn của mình, cô trả lời với giọng bình tĩnh trong khi lau gò má đầy nước mắt:
– Em không có áo choàng, vì vậy em không thể tới tiệc. Ðưa thiệp mời của anh cho bạn đồng nghiệp vì vợ của họ có đủ y phục hơn em.
Anh chồng thất vọng, tiếp tục:
– Lại đây, Loisel. Tốn bao nhiêu vậy em? Một áo choàng thích hợp và em có thể dùng trong các dịp khác, kiểu đơn giản.
Cô nghĩ ngợi vài giây, tự hỏi cỡ bao nhiêu tiền mình có thể nói, để không bị từ chối ngay bởi ông chồng thư ký kinh tế.
Cuối cùng thì cô lưỡng lự trả lời:
– Em không biết chính xác, nhưng em có thể lo chuyện này với 400 quan.
Mặt người chồng hơi tái, vì anh đã để dành số tiền cỡ đó, dùng mua súng cùng với các bạn đi bắn chim sơn ca vào ngày Chúa Nhật trong mùa Hè tới tại Nanterre. Nhưng anh nói:
– Rất tốt! Anh sẽ cho em 400 quan, cố mua được áo choàng đẹp.
Ngày dự tiệc gần kề và Loisel có vẻ buồn, khó chịu, lo lắng. Áo choàng của cô đã sẵn sàng. Vào một buổi tối, chồng cô hỏi:
– Chuyện gì vậy? Ba ngày rồi em rất kỳ cục.
Cô trả lời:
– Thật khó chịu khi em không có trang sức nào. Không có gì, sẽ thấy em rất nghèo nàn. Chắc em không nên đi quá.
– Em có thể đeo hoa thật.
Chồng cô nói:
– Rất là thời trang vào lúc này. Chỉ 10 quan em có thể được 2, 3 hoa hồng tuyệt đẹp.
Cô không bị thuyết phục.
– Không! Không có gì nhục nhã khi bị thấy nghèo trong những người đàn bà giàu.
– Sao em ngốc vậy?
Chồng cô la lên:
– Bà Forestier, hỏi bả cho mượn vài món nữ trang. Em thân tình nên mượn được.
Cô thốt lên tiếng khóc vui mừng:
– Ðúng vậy! Sao em không nghĩ ra.
Hôm sau, cô đến nhà Forestier và nói với bà điều phiền muộn của mình.
Bà Forestier bước tới chiếc tủ kiếng, lấy hộp nữ trang, mang lại, mở ra và nói với Loisel:
– Chọn đi cưng.
Ðầu tiên cô thấy vài vòng tay, vòng đeo cổ ngọc trai, tới một thánh giá vàng kiểu Venis nạm đá quý. Cô thử các thứ ấy trước kính, do dự và không thể quyết định, cô hỏi:
– Bà còn nữa không?
– Tại sao, coi thêm đi, không biết bạn thích gì?
Bất ngờ cô tìm thấy trong hộp, một vòng kim cương tuyệt đẹp khiến tim cô rộn ràng vì ham muốn. Tay cô run lên khi cầm lấy nó. Cô đeo vào chiếc cổ cao và ngây ngất nhìn mình trong kiếng.
Cô ngập ngừng hỏi:
– Bà sẽ cho tôi mượn vòng này, chỉ món này thôi, được không?
– Dĩ nhiên là được rồi.
Cô ôm chầm lấy bà ta, hôn thắm thiết, ra về với món nữ trang mình thích.
Ðêm dạ tiệc, Loisel đã thành công lớn. Cô đẹp hơn các người đàn bà khác có mặt, lịch thiệp, duyên dáng, và vui chơi tự nhiên. Bao nhiêu đàn ông nhìn cô, hỏi tên, tìm cách được giới thiệu. Tất cả tùy viên của Bộ mong được nhảy Valse với cô. Cô được ông Bộ trưởng chú ý. Cô hân hoan nhảy múa và say đắm trong niềm vui, trong sự chiến thắng với vẻ đẹp của mình. Trong hào quang thành công, trong đám mây hạnh phúc bao gồm tất cả ngưỡng mộ, những điều này đã thức tỉnh cảm giác chiến thắng ngọt ngào từ trái tim người phụ nữ.
Cô rời dạ tiệc vào 4 giờ sáng. Chồng cô đã ngủ từ nửa đêm trong phòng nhỏ với 3 người đàn ông khác, cũng có vợ đi dự dạ tiệc.
Anh chồng ném cho cô chiếc khăn quàng, loại khăn bình dân thường dùng, vẻ nghèo nàn của khăn tương phản với bộ đồ dạ tiệc. Cô cảm thấy điều này, và muốn trốn đi để không bị nhận ra bởi mấy bà khác, đang choàng những bộ áo lông đắt tiền.
Chồng cô giữ lại, nói:
– Ðợi một chút. Ra ngoài em sẽ bị cảm. Anh gọi xe.
Cô không nghe lời anh, chạy biến xuống cầu thang. Khi các bà tới đường phố, họ không có xe và bắt đầu tìm một chiếc. Họ đi về phía sông Seine, run rẩy lạnh. Cuối cùng thì họ tìm ở cầu tàu một chiếc xe thuê cũ.
Xe đưa họ về nhà trên đường Des Martyrs, đáng buồn thay, họ phải leo cầu thang lên các căn nhà hẹp.
Mọi thứ coi như xong với cô. Còn anh chồng thì cho biết phải có mặt ở Bộ lúc 10 giờ sáng hôm đó.
Cô bỏ khăn choàng trước tấm kính để nhìn thấy mình lần nữa trong niềm vui vừa qua. Nhưng bỗng nhiên, cô bật khóc.
Chiếc vòng kim cương không còn trên cổ cô.
– Chuyện gì vậy em?
Anh chồng đang thay đồ, hỏi.
Cô ta bối rối quay qua anh.
– Em… em đã bị mất cái vòng cổ của bà Forestier.
Cô òa khóc.
Anh chồng đứng dậy, ngơ ngác:
– Cái gì! Sao vậy? Không thể được.
Họ tìm trong những nếp áo, áo choàng, các túi, mọi chỗ, nhưng không tìm thấy.
– Em có chắc là còn đeo vòng khi rời dạ tiệc?
Anh hỏi.
– Có! Em thấy nó khi ở tiền sảnh nhà ông Bộ trưởng.
– Nhưng nếu em bị rơi ở ngoài đường, thì ai cũng nghe, chắc trên xe thuê.
– Vâng, dám lắm, anh có ghi số xe không?
– Không, em có để ý không?
– Không.
Họ nhìn nhau sửng sốt.
– Anh sẽ đi bộ trở lại, người chồng nói, dọc con đường, coi thử có tìm được không.
Anh đi ra. Cô ngồi đợi trên ghế với bộ đồ dạ tiệc, không còn sức để ngủ, choáng váng, mất lửa, không suy nghĩ được.
Anh chồng trở về lúc 7 giờ, không tìm được gì.
Anh ta tới đồn cảnh sát, phòng báo chí, treo một giải thưởng, tới công ty xe chở thuê, thật ra thì anh tới khắp nơi với niềm hy vọng.
Cô đợi cả ngày, trong tình trạng sợ hãi, điên cuồng trước tai họa này.
– Em phải viết thư cho bà Forestier, người chồng nói, rằng em đã làm hư cái khóa vòng đeo cổ của bà nên phải sửa lại. Cho chúng tôi có thời gian để hoàn trả.
Cô viết như anh nói.
Cho đến cuối tuần thì họ tiêu tan hy vọng. Loisel đã già đi 5 tuổi, Anh nói:
– Chúng ta phải làm thế nào để thay thế món nữ trang đó.
Hôm sau họ lấy hộp đựng vòng cổ tới người thợ kim hoàn có tên trong hộp. Ông kiểm lại sổ lưu.
– Thưa bà, không phải tôi là người bán vòng này, tôi chỉ làm cái hộp.
Rồi họ đến từ thợ kim hoàn này tới thợ kim hoàn khác, tìm cho được cái vòng cổ giống như vậy. Cả hai rất chán nản, buồn phiền.
Tại một cửa hàng ở Palais Royal, có chuỗi kim cương giống cái vòng cổ họ đã bị mất. Trị giá là 40,000 quan. Họ có thể mua với giá 36,000.
Họ xin người chủ khoan bán chiếc vòng trong 3 ngày. Và họ đã mặc cả rằng sẽ mua lại với giá 40,000 quan, nếu họ tìm lại được chiếc vòng cổ bị mất trước cuối tháng 2.
Loisel có 18,000 quan của ba anh để lại. Anh sẽ vay phần thiếu. Anh vay người này 1,000; người kia 500; 5 đồng ở đây; 3 đồng nơi khác. Anh hợp đồng với dân cho vay cắt cổ, và đủ loại kiểu cho vay. Anh đã hy sinh ký một thỏa thuận mà không cần biết mình có thể thực hiện được hay không, và lo lắng những rắc rối sẽ còn tới, do cái xui đã rơi vô mình.
Trước viễn cảnh thiếu thốn vật chất và nỗi khổ của luân lý mà anh chịu đựng, anh ta đi mua chiếc vòng cổ mới. Ðặt lên quầy của người chủ kim hoàn 36,000 quan.
Khi Loisel mang chiếc vòng cổ trả lại, Bà Forestier lạnh lùng nói.
- Lý ra bạn phải trả lại sớm hơn, vì tôi có thể cần.
Bà ta không mở hộp ra vì cô bạn có vẻ sợ. Nếu bà ta biết được sự tráo đổi, bà sẽ nghĩ gì, sẽ nói gì, Liệu bà không coi Loisel như một tay trộm?
Sau đó, Loisel biết đời sống khốn khổ của những người thiếu thốn như thế nào. Cô buồn phiền chuyện của mình, tuy vậy với cử chỉ anh hùng, món nợ ghê gớm đó phải được trả. Cô sẽ trả thôi.
Họ cho người giúp việc nghỉ, thay đổi chỗ ở, mướn căn gác xép sát mái nhà.
Cô bắt đầu biết sự nặng nhọc của việc nhà và cái đáng ghét của bếp núc. Cô rửa chén đĩa, dùng những ngón tay xinh xắn và móng tay hồng hào rửa nồi, chảo đầy mỡ. Cô giặt gối mền, áo, khăn lau chén, phơi khô trên dây, cô mang nước dơ xuống đường mỗi sáng, lấy nước lên, ngừng lại thở mỗi lần đặt xuống. Và ăn mặc như một người đàn bà bình dân, cô tới tiệm trái cây, tạp hóa, tiệm thịt với cái rổ trên tay, trả giá, tiết kiệm đồng tiền khốn khổ của mình từng xu một.
Mỗi tháng họ phải coi những ghi chú, làm ghi chú mới, gia hạn thời gian.
Người chồng của cô làm việc mỗi đêm, anh thường làm trễ để sao lại các bản viết tay với 5 xu 1 trang.
Cuộc sống như vậy đã trải qua 10 năm.
Vào cuối năm thứ 10, họ đã thanh toán hết tất cả nợ, kể cả số tiền lời quá nặng nề.
Bà Loisel bây giờ nhìn thấy già. Cô đã trở thành người đàn bà nhà nghèo, mạnh, cứng và thô. Với mái tóc hôi, áo đầm xốc xếch và tay đỏ hồng, cô nói lớn khi chùi sàn với tiếng rào rào của nước. Nhưng đôi lúc, khi chồng cô ở văn phòng, cô ngồi xuống gần cửa sổ, nghĩ tới buổi tối vui vẻ của đêm dạ tiệc ngày xưa khi cô còn rất xinh đẹp và được ngưỡng mộ.
Ðiều gì sẽ xảy ra nếu cô không bị mất cái vòng cổ ấy? Ai biết? Ðâu ai biết? Cuộc đời thay đổi thật lạ lùng.
“Sao mà vật nhỏ bé kia lại cần thiết để làm ra hoặc hủy hoại cuộc đời chúng ta?”
Vào một Chúa Nhật, cô ta dạo chơi ở Quảng trường Champs Elysee để xả hơi sau một tuần làm việc, bỗng nhiên cô nhận ra người đàn bà đang dắt đứa trẻ. Ðó là Bà Forestier, vẫn trẻ, vẫn đẹp, duyên dáng.
Loisel cảm thấy xúc động. Mình có nên nói chuyện với bà không? Vâng dĩ nhiên rồi. Bây giờ cô ta đã trả nợ hết, cô nên nói với bà chuyện này. Sao lại không?
Cô ta bước tới.
– Chào Jeanne Forestier!
Người kia ngạc nhiên, không hề nhận ra cô và lắp bắp:
– Thưa bà, chắc lầm người.
– Không. Tôi là Mathilde Loisel.
Bạn cô thốt lên tiếng khóc.
– Ô, Mathilde Loisel tội nghiệp! Sao cô thay đổi quá vậy?
– Vâng! Tôi sống rất nghèo khổ, kể từ lần cuối cùng gặp bà, sự nghèo khổ quá lớn và đó là do bà!
– Tại tôi! Làm sao vậy?
– Bà còn nhớ cái vòng đeo cổ bà cho tôi mượn trong đêm dạ vũ của Bộ trưởng?
– Vâng, nhớ.
– Vâng tôi đã đánh mất.
– Nghĩa là gì? Cô đã trả lại.
– Tôi đã đền lại một cái vòng kim cương giống vậy. Và chúng tôi đã trả nợ 10 năm cho cái vòng này. Bà có thể hiểu rằng điều ấy không dễ dàng với chúng tôi, vì chúng tôi không có gì cả. Cuối cùng sự việc đã chấm dứt, tôi rất vui mừng.
Bà Frostier ngừng lại.
– Cô nói rằng cô mua vòng kim cương thay thế cho vòng của tôi?
– Vâng, bà không thể nhận ra, rất giống nhau.
Và Loisel mỉm cười với niềm hân hoan, tự hào rất chân thật.
Bà Frostier xúc động, nắm tay cô:
– Ô! Loisel tội nghiệp! Vòng của tôi là kim cương giả, trị giá có 500 quan à!
VHĐ (lược dịch)