Truyện ngắn này không phải là sản phẩm của sự tưởng tượng
Chúng tôi cùng lứa tuổi. Có thể hơn nhau một vài tháng nhưng chắc không quá một năm.
Chúng tôi cũng ở chung một cư xá, tương đối khá đủ tiện nghi, đường Yên Đổ. Nơi đây kỷ luật khá nghiêm minh. Không phân biệt tôn giáo, giàu nghèo. Không đi sớm về trễ. Không làm phiền phức bạn bè. Không gây tiếng động, ồn ào.Và tuyệt đối phải tôn trọng lẫn nhau.
Có thể nói cư xá ĐL là nơi tạm trú lý tưởng cho các sinh viên sống xa nhà. Một linh mục dòng Tên ( Les Jésuites) người Gia Nã Đại làm giám đốc cư xá này.
Tên anh là Ban (1). Nguyễn Bá Ban. Ban và tôi ở hai phòng cạnh nhau. Anh học Phú Thọ, còn tôi khoa học. Chúng tôi không thân, cũng không sơ. Gặp nhau, mỉm cười, nói mấy câu xã giao, trời mưa trời nắng rồi đường ai nấy đi. Đôi khi còn siết tay nhau mà không nói tiếng nào.
Ban có một bề ngoài – mà Việt Cộng bây giờ gọi là ngoại hình (!)- không có gì hấp dẫn. Tôi tránh dùng tĩnh từ “cục mịch” hay “quê mùa“ để đọc giả hiểu lầm là tôi có thành kiến không tốt với anh. Không! Anh chẳng có gì đáng ghét cả!! Anh nói năng nhỏ nhẹ, hiền hòa và hình như không làm mích lòng ai do đó anh có khá nhiều bạn.
Anh có một chiều cao trung bình. Nước da anh hơi ngăm đen và hàm răng không mấy trắng bóng, chắc tại hút thuốc quá nhiều.
Mấy người bạn ở cùng cư xá, nhỏ to gọi anh là “gã Bắc Kỳ hút thuốc lào”. Điểm này chỉ đúng 50%. Bắc Kỳ thì đúng. Còn hút thuốc lào thì sai, vì đào đâu ra điếu và thuốc lào mà hút!!
Tôi coi đây là cây đùa giỡn thiếu thiện cảm nên tôi không thích. Quần áo, giày dép, tóc tai anh không được chăm sóc kỹ lưỡng vì….Trời sinh anh ra vậy!! Sinh viên mà! Ai không thích cứ việc vác đơn đi thưa, kiện!
Nói tóm lại, trong đám đông anh bị chìm lỉm. Hè năm 65, chúng tôi cùng ra trường. Anh: Kỹ sư công chánh. Tôi chuyên dạy Toán Lý Hóa.
Rồi tôi nhập ngũ vì tôi không xuất thân từ Đại Học Sư Phạm Quốc Gia.
Chẳng bao lâu, tôi rời quân đội vì lý do sức khoẻ. Và tôi may mắn được làm cho một công ty dược phẩm của Mỹ: The Upjohn company.
Từ đó chúng tôi rất ít gặp nhau: Có thể vì miếng cơm manh áo, có thể sự đi lại khó khăn nhưng chắc chắn chiến tranh lúc đó đang lan rộng.
Tết Mậu Thân. Mùa hè đỏ lửa. Cuộc hành quân Lam Sơn 719, Hiệp Định Ba Lê (3-1973) được vôị vàng ký kết… Rồi quân đội Mỹ và đồng minh rút về nước trong danh dự (!!!). 30 tháng Tư năm 1975: Tan hàng.
Hai ba ngày trước cuối tháng tư, gia đình chúng tôi được Upjohn đưa cho tờ bảo lãnh ra khỏi Sài Gòn.
Chúng tôi đáp máy bay sang Clark Airbase (Phi Luật Tân). Rồi qua Mỹ. Nơi đây tôi vẫn tiếp tục làm việc cho Upjohn. Đây là một công ty khá lớn với gần 40000 nhân viên trên khắp thế giới.
Hãng này nổi tiếng với thuốc trụ sinh Lincocin. Trụ sở chính (headquarter) của họ ở Kalamazoo, Michigan.
Tôi làm trong phòng khảo cứ cho tới ngày về hưu. Bạn bè kẻ ở người đi, khó mà biết được. Tôi không nghe tin tức gì về Ban.
Hè 199… vợ chồng tôi lái xe đi nghỉ hè ở Washington DC. Khi vào tiệm mua xăng nọ, tôi ngạc nhiên biết bao thấy ông chủ là… Ban. Chúng tôi mừng rỡ, xiết chặt tay nhau!! Tha hương ngộ cố tri. Tôi đùa:
-Không có tin tức gì về Anh, tôi cứ nghĩ Anh thương Bác, thương Đảng, quyết ở lại giúp nước, giúp dân!!
-Sao anh nghĩ như vậy được!! Cái cột đèn mà biết đi, nó cũng còn đi nữa là tôi!
-Anh sang đây với gia đình? Tôi hỏi.
-Đúng, một vợ bốn con.
Nhìn vào xe, thấy vợ tôi, anh mỉm cười chào:
-Sáu giờ chiều mai mời anh chị lại chúng tôi ăn cơm để tôi giới thiệu bà xã tôi với anh chị.
Hôm sau chúng tôi đến nhà Ban, đúng giờ. Vợ chồng anh đứng đón chúng tôi ở cửa. Chị Ban người nhỏ nhắn, miệng luôn luôn nở nụ nên chiếm ngay được cảm tình của chúng tôi.
Chị cho biết ngày cuối tháng tư, thấy gia đình ông hàng xóm kế bên nhà vốn là hải quân âm thầm thu xếp quần áo, lén lút thuê taxi ra bến tàu, chị xúi anh cũng đi theo, mặc dù không biết đi đâu. Họ lên tàu, vợ chồng Ban cũng lên theo. Và cuối cùng gia đình anh ở Mỹ!!
-Ai sao, tôi vậy. Ai làm bậy tôi cũng làm theo! Chị Ban cười đùa với chúng tôi
-Cũng là số Trời cả, anh ạ. Nhất ẩm nhất trác, giai do tiền định. Không có bà xã tôi thì gia đình tôi kẹt lại rồi. Ban tiếp lời vợ. Bây giờ tôi cưng bà ấy lắm!
Rồi anh hỏi qua gia đình tôi. Khi biết được vợ tôi vẫn dạy học, tôi vẫn làm cho hãng thuốc cũ, anh cười:
-Sang đây anh chị cùng làm nghề cũ, số anh chị lớn lắm. Không khéo anh chị được đẻ bọc điều. Riêng tôi đây, là kỹ sư công chánh chưa xây nổi một cái cầu mà bây giờ quay ra bán xăng!! Chẳng giống ai !!
Chúng tôi cùng nâng ly rượu. Nhấp xong một ngụm, Ban nói tiếp:
Chúng tôi có 4 con, hai trai hai gái. Có một cháu trai học rất giỏi. Sau khi ra trung học, cháu được các trường lớn mời tới học, như Harvard, MIT, Princeton. Michigan University cũng cho người tới interview. Còn vài trường nữa, tôi quên rồi. Sau mấy tuần đắn đo, suy tính, cháu quyết định chọn Harvard. Cháu học cũng gần xong rồi..
Chúng tôi vui thấy con bạn xuất sắc. Tôi khen với tất cả lòng chân thành:
– Con hơn cha là nhà có phúc. Cháu hơn anh rồi. Đúng là một nhân tài. Rồi anh chị coi, cháu sẽ làm rạng danh công đồng người Việt. Chúc mừng anh chị.
Ban còn cho biết thêm:
-Hiện cháu đang nghiên cứu tìm công thức bào chế ra máu người. Cháu rất bận rộn nếu không cháu đã về ăn cơm với chúng mình.
Ly rượu tôi đang cầm trên tay chút xíu rớt xuống bàn. A!! Cậu sinh viên này đi hơi xa. Cậu phải biết vô số các nhà bác học tài giỏi nhất trái đất, các giáo sư đại học uyên bác tuyệt vời đã bỏ bao nhiêu thì giờ công lao để bào chế máu người nhưng chưa ai thành công? Làm sao qua mặt được Thượng Đế???
Nhưng vì lịch sự, vợ chồng tôi… câm như hến. Nói gì cũng sẽ làm chủ nhà mích lòng.
Thấy đề tài khá hấp dẫn đưa ra không được người khác nồng nhiệt hưởng ứng, Ban có vẻ bối rối. Bữa cơm có vẻ chậm lại. Anh bỗng dưng xin phép ra ngoài. Chị Ban phân bua:
-Ổng lên cơn ghiền thuốc. Ổng ra ngoài hút một điếu, rồi trở lại ngay.
-Sao anh ấy không hút tại đây? Chỗ bạn bè cả, có gì mà ngại?
– Í, không được đâu! Tôi bị dị ứng với khói thuốc lá. Ngửi thấy mùi thuốc là tôi lên cơn suyễn ngay. Nói xong chị móc túi lấy cái bơm aerosol cho chúng tôi coi.
-Anh thương chị quá xá, héng?? Vợ tôi góp ý.
Chị Ban mang trái cây ra ăn tráng miệng. Chúng tôi nuốt vội rồi ra về. Trong bụng tôi không vui vì thấy con bạn đang làm một công việc bất khả thi.
Đem người lên Hỏa tinh sinh sống còn dễ hơn là bào chế ra máu người. Tôi lẳng lặng lái xe, tự hỏi tai sao con người lại có thể kiêu ngạo đến thế??
Cậu con trai bạn tôi – mà tôi gọi tạm là H – vì tôi quên tên cậu ta rồi – không bao giờ thành công trong viện bào chế ra máu nhân tạo. Tôi đoán vậy vì báo chí địa phương và các tờ báo lớn không bao giờ đề cập đến vụ này. Ban không bao giờ nhắc tới. Coi như chìm xuồng luôn.
Sau khi tốt nghiệp ở Harvard, cậu trở về Việt Nam và đã thành công rực rỡ. Đó là cậu chớp được cô gái rượu của ông đương kim thủ tướng.. Ông này coi như trúng số độc đắc. Tự nhiên được thêm vây thêm cánh.
Đang quyền lực vô song bây giò trở thành bất khả xâm phạm. Cậu rể quý với cái bằng to tổ chảng đeo ở cổ, tất nhiên là.. ông Trời con. Người Việt mình xưa nay vốn trọng bằng cấp.
Chỉ xin kể qua một vài thành quả chính của cậu: Trong một thời gian ngắn, cậu được làm giám đốc điều hành cho công ty VITC (tương tự như AT&T). Danh giá lắm rồi. Nhưng cậu không ngưng ở đây. Cậu về Mỹ, dụ khị được công ty Mc Donald sang đầu tư ở Việt Nam.
Dân Sài Gòn tha hồ ăn khoai tây chiên, Big Mac và uống Coca mệt nghỉ.
Cũng nên nói thêm: Giá tiền Big Mac, Coca không rẻ đâu. Quý vị nào muốn thưởng thức “món lạ“ hãy coi lại túi tiền.
Khi tôi đang viết những dòng chữ này thì đươc tin H. cùng vài người bạn góp vốn mua quyền sở hữu CLB Chivas và sẽ xây stadium mới, ở ngay trung tâm Los Angeles. Giá cả trên 100 triệu đô la Mỹ, lẽ dĩ nhiên. Tiền Cụ Hồ, ở đây không xài.
Chúc H. gặp nhiều may mắn. Đá đâu thắng đó. Barcelona?? Bayern Munich? Manchester United?? Paris Saint Germain?? No problem at all…..
Tôi không phải là nhà văn. Tôi không phải là nhà thơ. Tôi cũng không phải là nhà báo, dù là báo … Đời, báo … Vợ hay báo… biếu (ba loại báo này nhan nhản mọi nơi, rất dễ kiếm).
Xét cho cùng thì tôi không là cái gì cả. Ông không ra Ông. Thằng không ra Thằng. Nhưng tôi biết thế nào là luật lệ. Chơi gì cũng phải theo luật. Đá banh mà để banh đụng tay thì bị phạt. Nếu trong vòng cấm địa thì bị penalty.
Thấy cầu thủ bên địch mang banh xuống, từ phía sau gạt chân cho hắn ngả : bị thẻ vàng. Lần thứ hai lãnh thẻ đỏ, bị đuổi ra khỏi sân.
Chơi bóng rổ, không được ôm banh chạy. Nếu không sẽ bị mất banh. Năm lần phạm lỗi, trọng tài sẽ không cho chơi và anh ta sẽ phải rời sân, trở thành khán giả bất đắc dĩ.
Viết văn cũng vậy. Và có luật, gọi là văn phạm.
Phe ta, tức những người cưỡng chiếm miền Nam, bây giờ viết văn kỳ lắm. Tôi đã được coi vài phim ngoại quốc có phụ đề tiếng Việt. Không hiểu tiếng Đại Hàn, tôi bèn coi phụ đề Việt ngữ.
Mẹ! Càng mù tịt luôn!! Đau như bò đá!!! Họ dùng luật rừng để viết. Thí dụ: NGHÀNH giáo dục, Ở đây bán bún TRẢ DÒ. Nói CHIỆN (nói chuyện) tiếu lâm. DỮ trẻ DÁ DẺ (giữ trẻ giá rẻ).
Tôi không thể kể hết ra đây được. Rồi họ dùng danh từ thay cho động từ. Thí dụ: Tôi KỶ LUẬT anh (ý chừng muốn nói: Anh phạm kỷ luật nên tôi phạt anh).
Nhà bảo sanh, họ gọi là XƯỎNG ĐẺ.
Viết tiếng ngoại quốc thì hết chê. SEA you to morrow. WELL COME to Saigon.
Trong cuốn Đại Tự Điển, Bộ Giáo Dục Và Đào Tạo, trang 1440, giòng 27, tôi đọc thấy chữ; SE CA MA RAT. Người bạn thân. Ô hô!! Chữ này chỉ là phiên âm từ “cher camarade”, tại sao lại khơi khơi nằm trong đại tự điển nước mình??
Thôi, không dám kể hết sợ đọc giả… tức đến ói máu. Chẳng lẽ họ (những ngưòi miền Bắc) chiến đấu quá lâu ở trong rừng rồi quên hết tiếng Việt??
Thế sao các anh dám vỗ ngực là đỉnh cao của trí tuệ?? Là cái nôi của loài ngưòi?? Là cái rốn của vũ trụ??
Các anh nói phải làm ngược lại những gì chúng tôi làm? Chúng tôi xây đắp, các anh đạp đổ. Vậy chúng tôi ăn cơm, các anh ăn “Xê“ à???
Cứ cái đà này rồi văn chương Việt Nam mình sẽ về đâu?
Làm sao có những bài thơ bất hủ như Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan), Điếu Thu (Cụ Nguyễn Khuyến), hay truyện Kiều (Nguyễn Du), Cung Oán Ngâm Khúc (Nguyễn Gia Thiều ) v v…
Tôi bi quan. Tương lai nền văn học mình chẳng xán lạn chút nào. Hay thẳng thừng mà nói, .. ĐEN NHƯ MÕM CHÓ (2).
Lo lắng, than van, khóc lóc chẳng giúp ích gì. Phải tìm một giải pháp.
Tôi mơ ưóc có luật thống nhất cách viết tiếng Việt. Một nhóm người, không phân biệt tuổi tác, trong nước hay ở hải ngoại đứng ra gánh vác việc này.
Tôi dùng chữ gánh vác vì tôi biết công việc không dễ dàng. Những người đó phải có thực tài, phải có lòng với đất nước.
Và không ham danh lợi. Những ai là COCC (3) hay đã “lỡ“ mua bằng cấp xin ra chỗ khác chơi, hoặc tìm những nơi béo bở hơn để chấm mút.
Bây giờ thì quá sớm để nói đến Hàn Lâm Viện. Nhưng đại khái như vậy. Những nước tân tiến khác, Hàn Lâm Viện họ đã có từ … khuya rồi.Thí dụ bên Pháp, đã có từ hồi Richelieu. (thế kỷ thứ 17)
Hãy bàn về chính tả:
Nói chuyện hay nói CHUIỆN ?? ?
Hạnh phúc hay hạnh FÚC?
Giữ trẻ em hay DỮ CHẺ em??
Rồi trong những buổi họp hàng tuần, những người trong nhóm nói trên mang ra biểu quyết. Đa số sẽ thắng. Và được in vào tự điển. Sau đó, ai viết sai coi như bị phạm lỗi chính tả.
Đến đây, xin quý vị đọc giả đừng cười chế giễu. ”Tưởng gì!!!“
Khoan!!!! Tôi muốn bắt dầu từ con số KHÔNG (ZÉRO)..Quý vị đừng nóng lòng. Dục tốc bất đạt. Chậm mà chắc. Câu hỏi được đặt ra là ai sẽ chọn nhóm người trên? Ai sẽ cho phép nhóm này hoạt động??
-Thưa, vị đương kim thủ tướng. Ngài quyền hành bao la. Muốn gì mà chẳng được??
– Vậy làm sao gặp được Ngài? Vấn đề nan giải là từ đây.
Tôi chợt nhớ đến Nguyễn Bá Ban. Làm sui gia với người quyền hành nhất nước, tăng cường thêm cậu con trai khoa bảng xuất thân từ Harvard, tôi thầm nghĩ bây giờ Ban “có giá” lắm. Vậy phải tức tốc bay về Việt Nam gặp ÔNG BẠN VÀNG.
Thẻ tín dụng của tôi khá cao, gần đụng trần nhà nhưng ăn thua gì mấy cái lẻ tẻ đó??? Chơi xả láng, sáng về sớm. Đây là tiếng lóng của dân chơi bài, tôi mượn tạm của họ để tả nỗi lòng tôi. Tôi mua hai vé máy bay về Viêt Nam.
California bị hạn hán bốn, năm năm liên tiếp. Không một trận mưa ra hồn. Trời Cali nóng lắm. Sài Gòn còn nóng hơn. Và lòng tôi nóng không kém.
Tôi tìm gặp vài người bạn cũ ở chung cư xá khi xưa. Nhưng mọi người đều có thái độ tránh né. “Tôi không liên lạc với anh từ lâu” hoặc “Tôi có số phone nhưng làm thất lạc rồi”.
Mấy lần họp mặt bạn cũ nhưng anh đều không tới v.v… Có một anh khá thân với Ban thận trọng đề nghị: Hay anh viết email cho Ban rồi tôi chuyển dùm?
Tôi y lời nhưng hỡi ôi, thư đi thì có mà thư về thì không.
Hy vọng cuối cùng là linh mục giám đốc cư xá ĐL. Bây giờ là người Việt. Tôi vội vã đến tìm Ngài và Ngài sốt sắng giúp tôi. Tôi liên lạc được với Ban qua điện thoại.
Ban mời chúng tôi đến nhà anh ở đường LTT. Khi chúng tôi tới nơi, người thư ký hỏi tên tuổi rồi báo cho Ban. Biết đúng là chúng tôi, Ban ra đón ở cửa và mời chúng tôi vào phòng khách. Không có chị Ban. Chúng tôi nhớ chị với nụ cười tươi tắn và hàm răng thật đều. Nhưng không dám hỏi.
Phòng khách khang trang, rộng rãi, bày biện theo kiểu Âu Châu, nhưng tôi không “dại dột“ tả ra đây, sợ đọc giả chê tôi là… khen phò mã tốt áo.
Trong phòng chỉ có BA người. Sau mấy câu hỏi xã giao như sức khoẻ, gia đình, v v tôi vào ngay vấn đề. Tôi muốn anh đưa chúng tôi gặp ông sui gia để đề nghị lập một nhóm người với mục đích thống nhất cách viết tiếng Việt.
Anh chăm chú nghe. Nghe xong, nụ cười trên môi anh tắt ngúm. Ban… rụt cổ, người co rúm lại, dáo dác nhìn quanh. Tôi kinh ngạc mở to đôi mắt. Tôi có cảm tưởng anh sợ có ai trông thấy hoặc sẽ thâu lén cuộc nói chuyện. Giọng anh thấp hẳn xuống:
-Tình huống thay đổi từng ngày (4). Cách xử sự khôn ngoan nhất là GIẢ NGU GIẢ DẠI.. và IM CÁI MIỆNG. Anh phải biết trong các buổi họp cao cấp (?) tôi chưa bao giờ mở miệng nói một câu!!
Tôi định nêu thắc mắc: Thế anh đi họp làm gì cho mất thì giờ, nhưng rồi lại thôi.
Rồi anh ngang nhiên đổi đề tài, rút iPod trong túi ra khoe hai ba cái cầu khỉ anh đã xây thành cầu xi măng, bề ngang rộng hơn hai thước và dài hai, ba chục mét gì đó.
Tôi thực sự nổi giận. Tôi bỏ bao nhiêu công lao đến gặp anh, không phải để nhận bài học ”giả ngu giả dại, im cái miệng”. Cũng không phải để chiêm ngưỡng mấy cái cầu “mắc dịch” mới được anh xây cất.
Nhưng trong thế đi nhờ vả – quý vị đọc giả thông cảm cho – tôi biết làm gì bây giờ?? Biết đây không phải là mẫu người tôi chờ đợi, tôi kín đáo ra hiệu cho vợ tôi đứng dậy ra về.
Cuộc nói chuyện chỉ kéo dài không quá 30 phút. Ban không giữ chúng tôi lại. Hình như anh chỉ chờ có thế. Anh tiễn chúng tôi ra tận cửa và anh giả lả nói:
-Ở gần đây có tiệm phở gà ngon lắm. Lại rẻ. Anh chị tới đó ăn thử.
Tôi không trả lời, lẳng lặng dẫn vợ qua đưòng, và “quên” không bắt tay ông bạn quý.
-Em biết anh buồn. Thôi anh ạ. Anh đã làm hết sức của anh. Nếu không thành công thì anh đã thành nhân (5 ). Em rất hãnh diện đưọc làm vợ anh..
Tôi siết chặt đôi vai nàng như thầm cám ơn nàng đã hiểu tôi:
-Anh chưa bỏ cuộc dễ dàng như vậy đâu, Em ạ. Anh sẽ tìm cách khác.
----------------------------
Ghi chú:
(1) Chữ Ban không có G
(2) Trích từ câu thơ: Sự đời như chiếc lá đa, ĐEN NHƯ MÕM CHÓ, chém cha cái sự đời.
(3) COCC: Con ông cháu cha, ý nói thuộc gia đình thế lực, quyền quý.
(4) Tôi chép nguyên văn. Tôi thật sự không hiểu Ban định nói gì.
(5) Lời của liệt sĩ Nguyễn Thái học