main billboard

Anh giật mình trước cái nhìn của người trong hình đang đăm đăm về phía anh...

pho cu

Hoán theo Ngọc mà lòng dấy lên nỗi thắc mắc. Khúc đường này trước kia làm gì có tiệm ăn. Toàn là nhà ở loại trung lưu dắt díu nhau đứng như anh em song sinh. Cái nào trông cũng giống nhau.
Hoán đâu có lạ gì dãy phố dễ thương này. Ngày xưa tới chơi nhà Châu, Hoán phải chăm chú nhìn số nhà không thì thế nào cũng lỡ bước phải vòng lại.
Châu bây giờ ở nơi nao? Hoán đảo mắt chăm chú nhìn vào mấy bà nhếch nhác trong chiếc áo bà ba nhàu nát cùng chiếc quần đen bạc màu đang la hét bày con nít chạy quanh mấy gốc cây trên lề đường.


Châu bây giờ chắc cũng đã tay bồng tay mang. Nhà Châu ở khúc nào? Chịu. Con số khô khốc trước cửa nhà Châu đã tuột ra khỏi đầu óc Hoán từ lâu. Chỉ còn đôi mắt đen lay láy, chiếc răng khểnh duyên dáng và chiếc miệng cười nở ra cả trời sao là còn ở lại.
Hoán thấy nao nao trong lòng. Như vừa đánh rớt một chút dịu dàng của kỷ niệm. Anh chúi người về phía trước khi vấp phải một nhánh rễ cây bò lan trên mặt đất. Ngọc vội vàng giơ tay ra nắm anh lại vừa cười vừa nói:
- Ông Việt kiều bị nguồn cội níu chân hơi kỹ đấy nhé. Có sao không?
Hoán ngượng ngùng giả lả:
- Được cái tổ tiên còn xót thương đứa con lưu lạc nên không sao. Mà cậu có lộn không? Khu này mà ăn uống nỗi gì?
- Vừa vừa thôi chứ cậu. Phải vững lòng tin vào tên thổ công này chứ. Có phải cứ có mác Việt kiều là muốn nói gì thì nói sao. Tôi biết khu này cậu rành lắm rồi.

Khiếp thật, gần hai chục năm rồi mà em Châu vẫn cứ đánh đu trong đầu cậu như thường. Đổi đời rồi cậu ơi. Cậu đi đông đi tây như đi chợ thì cũng phải cho cái khu này nó thay đổi chút đỉnh chứ. Không chừng chút nữa vô tiệm lại đúng nhà em Châu thì vui lắm đấy!

Hoán lầm lũi bước đi. Ánh đèn đường vàng đục vẽ nguệch ngoạc bóng anh trên đường. Cây cột đèn xi măng sứt mẻ đầy dầu tay dầu mỡ của anh thợ sửa xe đạp nào đó đứng lặng lẽ buồn tênh.
Hoán dừng bước trước căn nhà có cây trứng cá đứng cụp lá trước hàng rào gỗ xộc xệch. Ánh đèn ống trắng xóa hắt ra chấn song cửa sổ in rõ nét một cô gái tóc dài đang cắm cúi học bài làm Hoán nhớ tới Châu ngày cũ. Châu cũng có cái dáng ngồi ngoan như vậy.

Mười bảy năm rồi còn gì nữa. Ngày đó Châu cũng vừa mười bảy tuổi. ''Em nó còn nhỏ để đi với hai bác tiện hơn, thế nào bác cũng kiếm được đường đi, sang bên đó trước sau gì cũng gặp lại nhau, cháu cứ yên tâm đi trước đi.''
Ba Châu đã ôn tồn nhưng cương quyết trong những ngày chộn rộn đó. Chỗ của Châu trên tàu cùng với gia đình Hoán đã được một tên bạn tốt số của em Hoán trám vào. Hoán đứng ngây người nhìn khuôn mặt nghiêng nghiêng có chiếc miệng uốn éo theo tay viết bên trong cửa sổ. Ngọc phải kêu tới hai lần Hoán mới tiếc rẻ quay người bước đi.

Ngọc dừng bước trước một căn nhà có cánh cửa sắt kéo rộng sang hai bên. Ánh đèn vàng quạch yếu ớt đổ một chút ánh sáng ra lề đường.
Dưới mái hiên có một tấm bảng xanh chạy dài suốt chiều ngang căn phố. Chiếc đèn ống sáu tấc nhỏ xíu vừa đủ soi rõ tên tiệm và dòng chữ “nhà hàng đặc sản”.

Hoán ngơ ngác nhìn vào bên trong. Chỉ có một chiếc quầy hình móng ngựa cũ mèm và một cô gái nhìn ra mỉm cười chào đón.
Bức tường chắn ngang tầm mắt Hoán gắn một tấm gương che kín gần hết mặt tường. Hoán nhìn thấy tấm gương phản chiếu nụ cười giễu cợt của Ngọc đang đứng bên cạnh anh. Anh quay sang hỏi:
- Có đúng là nhà hàng không vậy?
Ngọc vẫn chưa buông nụ cười dễ ghét:
- Nhà hàng chứ còn gì nữa. Cậu làm ơn đóng cái miệng dùm đừng hỏi những câu nhà quê như thế nữa!

Hoán lắc đầu tức tối. Đôi chân anh đã đi mòn khắp năm châu bốn biển nay trở về nơi xó xỉnh cũ lại bị cái thằng trời đánh này phán là nhà quê. Anh toan lên tiếng chửi thề thì Ngọc đã tới trước quầy vuốt má cô gái nói:
- Cưng cho anh phòng hai chỗ nghe.
Cô gái rời khỏi quầy õng ẹo:
- Ai chứ anh Ngọc thì bắt buộc phải có phòng đặc biệt cho anh rồi!

Hoán lớ ngớ đi theo hai người vào một lối đi nhỏ xíu mờ mờ ánh đèn vàng vọt. Mùi nước hoa sực nức tỏa ra từ người cô gái làm anh khó chịu. Ngọc ghé tai nói nhỏ với cô gái. Cô quay lại giơ tay ra:
- Em là Tâm.
Hoán miễn cưỡng bắt tay cô gái:
- Cứ gọi anh là anh Ba cho tiện.
- Chắc anh ở ngoài Bắc vào công tác?
Hoán chưa biết phải nói năng ra sao thì Ngọc đã đỡ lời.
- Không phải đâu. Anh này bạn anh từ nước ngoài về chơi.

Cô gái chăm chú nhìn Hoán từ đầu tới chân, đôi mắt long lanh chớt nhả:
- Việt kiều có khác. Trông ngon lành gớm. Có định cưới vợ quê hương thì em làm mai cho.
Ngọc kéo tay cô gái :
- Làm mai cho anh đây này. Bạn anh nhát gái lắm. Coi chừng hắn bỏ chạy đi thì em lỗ một người khách anh lỗ một bữa ăn. Hai đứa mình có ôm nhau an ủi mấy cũng chẳng ăn thua gì.

Ngọc ôm cứng lấy Tâm. Cô gái làm bộ đẩy Ngọc ra:
- Xí! Đừng có lợi dụng. Ôm anh thì ăn cái giải gì. Mà thôi, tội nghiệp. Ôm một chút thôi nghe. Để dùm cái bàn tay ra phía trước đi ông mãnh!
Hoán theo sau hai thân người ôm nhau ngả nghiêng bước đi như say rượu. Họ vượt qua từng chiếc cửa phòng gắn kiếng có màn che chỉ thấy lờ mờ bên trong. Tiếng nói cười râm rang vọng vào tai Hoán. Cô gái mở cửa căn phòng phía cuối dãy, đẩy hai người vào rồi đóng cửa lại.

Hoán đảo mắt nhìn quanh. Bộ sa lông hình móng ngựa bao quanh ba mặt tường ôm gọn chiếc bàn mặt kiếng thấp lè tè ở giữa.
Trên tường treo vài bức hình khỏa thân từ mấy tờ báo ngoại quốc cũ rích.
Ngọc ngồi xuống ghế rút thuốc ra hút mặc cho Hoán ngơ ngác nhìn quanh. Chờ một lúc thấy Hoán vẫn đứng ngay sau cửa, Ngọc lên giọng kẻ cả:
- Quan sát đủ chưa ông Việt kiều? Bên đó không có sa lông cùng mấy tấm hình hạng bét này hay sao mà ông nghía kỹ thế?
Ông làm ơn ngồi xuống ghế đây cho dân chúng bắt đầu làm việc chứ!

Hoán cười gượng tới ngồi trước mặt Ngọc. Cánh cửa mở. Anh bồi bàn trịnh trọng bưng chiếc đĩa trên có hai cái khăn nóng bốc khói nghi ngút cúi đầu chào.
Hai tay anh điệu nghệ kẹp khăn trao cho khách. Da mặt Hoán nở ra dễ chịu khi anh áp chiếc khăn nóng vào mặt. Anh bồi bàn tươi cười hỏi:
- Mời hai vị kêu món ăn.
Ngọc ngồi dựa đầu vào thành ghế, hai chân giang ra thoải mái, thành thạo hỏi:
- Hôm nay có gì đặc biệt không?
-Thưa có đuông chiên lăn bột.
- Được đó!
- Thưa có nai lúc lắc.
- O.K. Anh cho thêm một đĩa khoai tây chiên dòn nghe.
- Hai vị dùng la de?
- Ờ. Heineken lon.

Một cô bé bưng một mâm vào bày biện trên bàn. Đậu phọng da cá. Chip. Tôm khô. Kẹo cao su. Tất cả còn nguyên trong bao. Hoán nhìn mấy đĩa trên bàn rồi nhìn Ngọc:
- Lạ nhỉ? Khai vị bằng chip và kẹo cao su sao?
- Thắc mắc làm chi? Ở đây chip và kẹo cao su là thứ đắt tiền nên họ bày ra cho sang vậy thôi. Ông chê thì để đấy sẽ có người ăn dùm cho ông.

Cửa lại mở. Một thiếu phụ trang điểm lòe loẹt quần áo diêm dúa hở hang bước vào. Đôi mắt tít lại hỏi:
- Anh Ngọc hôm nay có khách quí phải không? Hai anh cho các em vào nhé!
Ngọc ưỡn người:
- Em chọn cho ông bạn anh một em ngon lành coi. Ông ấy khó tính lắm đấy, em tính sao thì tính. Kiếm em nào hát hay, nói chuyện có duyên, hiền lành, ngoan ngoan, khéo chiều chồng.
- Anh đòi hỏi như vậy chắc chỉ có em là được thôi.
Thiếu phụ đưa tay che miệng cười khúc khích làm bộ ngượng ngùng rồi tiếp:
- Nói vậy chứ em quá đát rồi. Để em kiếm một cô bảo đảm là bạn anh phải hài lòng. Còn anh muốn em nào tiếp hôm nay đây?
- Kêu em Cúc cho anh đi.
- Cúc nào anh? Cúc tóc dài hay Cúc tóc ngắn?
- Cúc tóc dài.

Cánh cửa vừa khép lại, Hoán hỏi ngay:
- Bộ cậu ăn cơm bữa ở đây sao mà rành sáu câu quá vậy?
Ngọc thở dài:
- Tuần nào mà chẳng vài lần. Làm ăn với mấy anh cán Bắc kỳ phải có mục này đi đầu. Đi với mày anh nhà quê đó chán ngắt, nhiều khi ngượng tím người.

Tiếng mở cửa cắt ngang câu nói của Ngọc. Chị cai gà dắt một cô bé trình diện ở cửa. Ngọc hất đầu hỏi Hoán:
- Cậu ưng thì cho vào. Không ưng thì họ sẽ giới thiệu em khác.
Hoán bối rối nhìn cô gái trẻ đang ngửng cao mặt nhìn vào cười mời chào. Mái tóc dài của Châu làm anh lặng người. Những sợi tóc nhỏ đen nhánh trải dài mềm mại xuống quá vai, vài sợi tóc lẻ loi nằm vắt từ giữa trán gài vào hai tai che bớt khuôn mặt có chiếc cằm dịu dàng nhỏ nhắn. Anh gật đầu như một chiếc máy vô tri. Chị cai gà đẩy cô bé vào.

Cô bé tươi cười ngồi xuống cạnh Hoán giơ tay ra:
- Em tên Trang.
Hoán cầm bàn tay mềm mại:
- Anh là Hoán.

Trang ngồi sát vào Hoán, ngả đầu vào vai anh. Hoán bất giác đưa tay lên vuốt mái tóc dài. Những ngón tay anh đan vào mái tóc óng mượt. Anh cảm thấy tóc Châu quyện trong tay anh.
Ngày xưa Châu thường giơ tay lên ngang vai bắt bàn tay Hoán rơi xuống từ mái tóc, âu yếm bóp nhẹ thăm hỏi mỗi khi hai người gặp nhau.
Tay Hoán rơi xuống đôi vai trần của Trang. Nàng với tay lên nắm tay anh, kéo sát vào ngực.

Cánh cửa mở làm Hoán rơi ra khỏi vùng kỷ niệm. Cúc bước vào lanh chanh nói:
- Ủa, anh Ngọc. Hôm nay đi có hai người thôi à? Chu choa, mấy ông nội anh mang tới bữa trước thật không giống ai. Anh bạn anh hôm nay mới tới đây lần đầu phải không? Trông lạ hoắc à! Mà dễ thương quá đấy chứ. Anh tên chi anh?

Trang kéo sát Hoán vào người vênh váo:
- Hỏi tên làm chi vậy? Bộ muốn hớt tay trên sao?
Cúc đưa đẩy:
- Ai mà dám. Trông anh chị du dương vậy lòng dạ nào mà chia uyên rẽ thúy. Bộ em để anh Ngọc đây cho cọp ăn hay sao?
Nàng sà vào người Ngọc, ôm hôn thật kêu trên má:
- Phải không cưng của em? Mình ôm nhau mùi hơn cho thiên hạ tức chơi nghe cưng!
Cúc xiết chặt Ngọc. Ngọc ôm cổ Cúc nói:
- Thôi giỡn vậy đủ rồi nghe cưng. Con gái phải ăn nói nhỏ nhẹ hiền lành dễ thương chứ!
Cúc giơ tay bẹo cằm Ngọc:
- Dạ thưa anh, anh dạy em xin vâng lời anh.
Ngọc tát nhẹ vào má Cúc. Cúc ngửa mặt chớp chớp mắt làm điệu. Ngọc bật cười:
- Thôi đừng làm trò nữa kẻo bạn anh cười cho bây giờ.
Cúc vênh mặt với Hoán:
- Ai cười hở mười cái răng.

Hoán nhe cả hàm răng ra trêu Cúc. Cả bốn người cười vang phòng. Tiếng cười át tiếng gõ cửa lộc cộc. Cửa phòng mở ra. Hai anh bồi khệ nệ bưng vào hai mâm đầy, bận rộn bày biện đồ ăn thức uống trên bàn.
Hai cô gái nhanh nhẹn gắp đá rót la de. Hoán cản tay rang:
- Anh không uống đá.
Giọng Trang trêu chọc ngọt lịm:
- Anh cũng đâu có uống la de nóng được phải không anh?
Ngọc nghiêm giọng nói:
- Trang, em lấy la de lạnh cho bạn anh! Ông Việt kiều này sợ đau bụng.

Trang ngẩng mặt lên chăm chăm nhìn vào Hoán:
- Ủa, anh là Việt kiều về chơi hả? Thảo nào mũi anh cao thế.
Cúc làm bộ rành rẽ:
- Mắt mày đúng là mắt giấy. Trông thấy biết là Việt kiều liền. Tao đoán từ lúc mới vô kia!
Trang ngượng ngập giải thích:
- Bị anh Ngọc đưa tới đây toàn mấy ông Hà Nội nên thấy anh Hoán nói tiếng Bắc em nghĩ ngay là dân Bắc kỳ chính cống.
Hoán nắm cằm Trang nhấc cả khuôn mặt lên cao:
- Anh là Bắc nhưng không kỳ, nghe chưa em?
Trang khẽ vuốt cánh tay trần của Hoán, nâng lên mũi ngửi:
- Đúng anh là Việt kiều thiệt!

Ba người ngạc nhiên nhìn Trang day day chiếc mũi vào cánh tay Hoán. Trang tỉnh bơ hít từng hơi dài thủng thẳng nói:
- Mấy anh ở nước ngoài có cái mùi thơm lạ lắm. Ngửi là biết liền à!
Hoán cảm thấy ngượng ngùng trước cử chỉ tự nhiên của Trang. Anh pha trò:
- Ở bên đó anh ăn mắm ruốc như điên. Chắc là mùi mắm.

Trang bóp mạnh tay Hoán:
- Không cần biết mùi gì nhưng đó là mùi nước ngoài. Em thích!
Nàng cầm đũa gắp miếng đuông chiên bột đút vào miệng Hoán:
- Anh dùng miếng đuông. Bên đó chắc không có.

Miếng đuông vừa bùi vừa béo quyện vào lưỡi Hoán làm anh nhớ lại những ngày nhậu nhẹt xưa ở Chợ Cũ. Bạn bè nay đã tứ tán, chỉ còn Ngọc ngồi trước mặt anh. Anh nhấc ly la de nói với Ngọc:
- Ngọc, cậu cụng với tôi ly này để nhớ lại những ngày cũ. Rút cục chỉ còn tôi với cậu ngồi uống với nhau.

Giọng anh rạn nứt. Nước mắt anh muốn chảy ra. Bao nhiêu năm lưu lạc ôm nặng nỗi nhớ mong trong lòng, giờ đây ngồi giữa thành phố cũ với tên bạn xưa sao anh chẳng cảm thấy thanh thản. Anh lạc lõng giữa thành phố thân thương cũ thấy lòng tiếc nuối như nghe một bản nhạc kỷ niệm bị đánh lỗi nhịp. Anh cảm thấy mình là một kẻ lưu vong ngay tại chốn quê nhà. Mắt anh dại đi khi đưa ly la de cho Trang:
- Rót thêm la de cho anh đi. Hai em cũng phải uống với anh chứ!

Hoán tu la de ừng ực. Hai cô gái mở hết lon này tới lon khác. Trang nhìn Hoán lo ngại.
Nàng gắp miếng thịt đưa lên miệng Hoán:
- Anh ăn ít miếng rồi hay uống.
Hoán gạt tay Trang ra:
- Để anh gắp lấy được rồi. Anh không quen có người gắp cho ăn như vậy.
Mặt Trang xịu xuống:
- Anh không cho em săn sóc anh sao?
- Cám ơn em. Thôi, hát cho anh nghe đi!
- Em kêu đàn vào nghe anh Ngọc.

Ngọc lưỡng lự gật đầu. Trang chạy ra ngoài kéo anh nhạc công lễ mễ ôm cây keyboard vào. Trang cầm micro cất tiếng hát. Tiếng hát được khuếch đại hòa với tiếng đàn điện âm vang làm Hoán mệt mỏi. Anh chồm người về phía Ngọc nói nhỏ vào tai bạn:
- Chơi kiểu này coi bộ quan quyền quá tôi không ưa. Cậu cho cây đàn đi chỗ khác chơi cho được việc.
Chờ cho dứt bản nhạc, Ngọc dúi tờ giấy bạc vào tay anh nhạc công:
- Cám ơn anh. Để bữa khác tôi kêu anh đàn thêm nghe.

 

Anh nhạc công lúi húi rút giây điện ôm đàn đi ra. Trang ôm sát Hoán:
- Sao anh của em khó tính quá vậy? Không để em hát cho anh nghe sao?
Hoán kéo đầu Trang vào sát ngực khẽ nói:
- Em hát đi. Hát những bài thật buồn nghe.

Tiếng hát của Trang dắt Hoán về với cuộc tình đầu. Anh nhắm mắt dụi mặt vào mái tóc mượt mà thoang thoảng mùi nước hoa ngọt ngào. Anh tưởng như có Châu trong vòng tay. Đầu anh ngật ngừ choáng váng. Những ly la de đẩy ngược anh về những ngày cũ. Giọng Châu mềm oặt những tình khúc dang dở.

Anh hát theo Trang. Hai giọng hát nhập vào nhau khắng khít. Trang lần bóp nhẹ những ngón tay Hoán. Nàng từ từ kéo tay anh để vào trong áo. Ngực Trang ấm áp nhấp nhô theo giọng hát. Hoán nhắm mắt tận hưởng vùng dịu ngọt nhất trong thân thể người con gái. Tay anh xoa nhè nhẹ trên đỉnh ngực. Trang ngừng hát chồm người lên thổi nhẹ vào tai anh:
- Nhột em! Em đâu có còn ngực con gái cho anh đâu.
Vòng tay Trang xiết chặt Hoán. Nàng cúi xuống cắn nhẹ vào tai anh:
- Sao em thương anh quá. Chắc kiếp trước em là vợ anh phải không anh?
Hoán nhìn khuôn mặt đờ đẫn của Trang. Bao nhiêu phần thực tâm trong đôi mắt ướt rượt đang nhìn anh. Tự nhiên anh muốn thoát ra khỏi nỗi đam mê của Trang:
- Có thể lắm. Nhưng lúc phải ăn cháo lú anh có tính tham ăn nên húp hơi kỹ, bây giờ làm sao mà anh nhớ được.
Trang nhéo mạnh vào tay Hoán:
- Ghét anh quá đi! Em thiệt tình mà anh chỉ lo giỡn.

Hoán la lên. Ngọc và Cúc đang dính cứng vào nhau vội buông nhau ra ngơ ngác. Một cô gái thập thò ngoài cửa vẫy Trang và Cúc ra. Trang hôn lên má Hoán:
- Em ra xem con nhỏ nói gì một chút nghe anh.
Ngọc bảo Hoán khi bóng hai cô gái vừa khuất sau cửa:
- Coi bộ em mết cậu.
Hoán dè dặt:
- Chắc khách nào em cũng điệu nghệ như vậy chứ.
- Không có đâu. Tôi biết em Trang này mà. Khó một cây đấy. Mấy anh Bắc kỳ đi với tôi chết lên chết xuống vì em mà có ăn cái giải gì đâu. Hôm nay em quá đặc biệt với cậu đấy.

Hoán thấy vui vui trong bụng. Anh nâng ly la de lên nốc cạn nheo mắt hỏi:
- Cậu để tôi chi chầu này nghe. Ở đây trả tiền làm sao đây?
- Tiền ăn thì trả theo hóa đơn. Tiền cho các em thì mỗi em năm chục ngàn là được.
Hoán nhẩm tính. Năm chục ngàn. Chưa tới năm đôn. Anh ngửa người ra ghế nói:
- Có vậy thôi à? Tội mấy em thiệt!
Ngọc cười khan:
- Ông Việt kiều muốn cho thêm thì cho, tên này không dám can ạ.
Trang và Cúc đẩy cửa bước vào bưng miệng cười khúc khích. Trang nhảy tới ngồi trên đùi Hoán, bá cổ và hôn lên má anh:
- Đợi em lâu không? Mấy con quỉ đó nó phá em.
Hoán nựng cằm Trang hỏi:
- Có chuyện gì vậy?
- Tụi nó hỏi em hôm nay gặp bồ ruột sao mà ngồi lâu thế không chịu ra. Thường thì gặp khách không ưa tụi em làm bộ đi ra hoài à. Nay giờ ngồi dính với anh nên tụi nó kêu ra chọc. Ghét mấy con nhỏ xí xọn. Tụi nó ghen với em phải không anh?

Trang ghì chặt người Hoán, hôn lên mắt lên mũi nghiến răng nói:
- Người ta gặp lại chồng người ta chứ bộ. Anh nè, tối nay cho em về tâm sự với anh nghe.
Hoán nhìn thấy cái gật đầu của Ngọc qua vai Trang. Anh hôn phớt lên môi Trang khẽ gật đầu. Ngọc nhìn đồng hồ nói:
- Mười giờ. Tới giờ đóng cửa rồi. Mình về chứ. Hai em ra kêu tính tiền dùm anh đi.

Hoán dúi tiền vào tay Trang và Cúc trước khi hai cô gái đi ra. Ngọc nói nhỏ với Hoán:
- Cậu hên đấy. Mấy em này không làm nghề đi khách đâu. Em mết cậu nên phá lệ đấy. Sáng mai cậu cho em chừng năm chục đôn là đẹp rồi. Vui vẻ nghe! Mai tôi sẽ phôn lại cậu.

- Em hư quá phải không anh? Mà em đâu có muốn như thế này. Hoàn cảnh cả đó anh ơi. Em như nàng Kiều vậy. Thằng bán tơ kia dở dói ra.
- Em cũng thuộc thơ vịnh Kiều sao?
- Thuộc chứ sao không. Em học xong cấp ba rồi chứ bộ. Mà em thuộc loại học khá chứ không phải chơi. Cứ đàng hoàng ra thì em đậu vào Đại Học cái một. Khổ nỗi lý lịch của em xấu quá. Cha Thiếu Tá ngụy học tập cải tạo thì cửa Đại Học nào mở ra cho em được.
- Ba em ở đơn vị nào vậy?
- Sao em biết được. Hồi đó em còn nhỏ xíu hà. Em chỉ biết ba em bị đưa đi hết trại này tới trại khác tuốt tận ngoài Bắc lận. Mà ở đâu tận trong rừng. Mỗi lần má em đi thăm phải theo xe của những người vào rừng đốn củi mới tới trại được. Mà tội má em lắm. Đi thăm ba em về là má em ngơ ngẩn như người mất hồn chẳng thiết làm ăn gì cả.

 

Hồi đó má em có sập mua bán quần áo cũ ở ngoài chợ. Buôn bán cũng được lắm nhưng cứ gom góp được ít tiền là má em lại đi thăm ba em. Má em bảo ba em bệnh tật ốm yếu lắm không thăm nuôi thì không đành mà đi thăm thì diệu vợi vất vả quá lại bỏ cả làm ăn.
Nói vậy chứ người đầu gối tay ấp gặp nạn thì bỏ bê làm sao được anh nhỉ? Em mà có chồng chắc em cũng thương chồng chẳng thua gì má em. Nhưng đời em nói mà làm chi. Coi như bỏ đi rồi anh ơi.
- Em nói vậy chứ thiếu gì người cuộc đời tưởng như tàn tạ mà vẫn làm lại được cuộc đời như thường.
- Xí, anh nói nghe như trong tiểu thuyết. Em cũng đã tính đủ cách mà có ra cái gì đâu. Hồi thi Đại Học rớt em cũng xin đi làm đủ chỗ nhưng bù trớt hết trơn anh ơi. Muốn xin vào làm đâu cũng phải quen lớn. Cái thứ ngụy như em làm sao mà quen lớn được.
Có vài ông cán bộ ở ngoài Bắc vào làm bộ thương hại muốn giúp em nhưng nhìn cặp mắt láo liên của họ em biết họ muốn gì rồi. Ông nào ông nấy vào tới trong Nam nhìn thấy đàn bà con gái trong này là muốn giở trò liền. Có vài ông sồn sồn trơ tráo đòi em cho ngủ rồi sẽ đưa vào làm. Nghe mà lợm giọng. Vậy mà rồi em có thoát đâu. Làm thân con gái thời buổi nhố nhăng khổ lắm anh ơi.

Ba em mất trong trại cải tạo. Má em ngất xỉu khi nghe báo tin rồi kiệt quệ luôn. Vào nhà thương mỗi chút mỗi tiền. Em sang đắt sang rẻ sập quần áo cũ lấy tiền thuốc thang cho má em mà cũng chẳng tới đâu. Cuối cùng em phải nhắm mắt bán cái trinh tiết của mình.
Nghĩ tới thằng thương gia Hồng Kồng bụng bự đó mà em vẫn còn thấy nhờm tởm. Được cái an ủi là em đã cứu sống được má em. Hai mẹ con em trắng tay đâu có biết làm gì để sống qua ngày. Đành phải vô làm chiêu đãi viên.
Em phải nói dối má em là em đứng giữ két cho người ta chứ má em mà biết được sự thực chắc buồn mà sinh bệnh lại quá. Em xin lỗi anh nghe. Khi không lại đem chuyện của mình ra kể cho anh mất vui đi. Quay sang đây em đền cho này!

Hoán chong mắt nhìn lên trần nhà nghĩ tới mẩu đối thoại với Trang tối hôm qua. Tiếng máy lạnh chạy đều đều buồn nản. Anh nghĩ tới nỗi mất mát của những người kẹt lại. Có bao nhiêu cảnh đời như Trang.
Những ngày đi làm quần quật nơi xứ người anh đã nhiều lúc tủi thân tủi phận cho cuộc đời ăn nhờ ở đậu. Cũng đã nhiều phen anh chán nản muốn tung hê chuỗi ngày sống vô nghĩa. Tất cả đâu có thấm gì với những tủi hờn đổ xuống người con gái vô tội đang nằm cạnh anh.
Và còn Châu. Đã mấy ngày nay anh đi dò hỏi tung tích người tình cũ nhưng chẳng ai biết nàng giờ lưu lạc nơi nao. Số phận nào dành cho người con gái vẫn tươi rói trong anh.

Anh quay sang nhìn Trang. Thân người nàng ngon như một ổ bánh mì Chợ Cũ. Óng ả giòn tan. Mái tóc hờ hững phủ xuống đôi vai tròn lẳn. Hơi thở phập phồng nhịp nhàng đẩy hai gò ngực nhấp nhô chuyển động. Trang khẽ cựa mình mở mắt bắt gặp ánh mắt Hoán đang đậu trên người nàng. Nàng co người lại mỉm cười trách:
- Anh ăn gian nhé. Ai cho anh nhìn lén em lúc đang ngủ như vậy?
Hoán làm bộ nhắm mắt lại nói:
- Đó! Cho em nhìn lại cho huề.
Trang nhéo vào vai Hoán:
- Xí! Ai thèm.
Nàng nhoài người sang ôm chặt Hoán:
- Anh ngủ được không?
- Anh mới dậy chưa kịp nhìn đã bị bắt quả tang.
Trang ngậm mấy sợi tóc vương trước trán Hoán:
- Anh xạo vừa vừa chứ! Mà mấy giờ rồi anh? Chắc em phải về bây giờ, anh ngủ tiếp đi.

Nàng ngồi dậy đi vào phòng tắm. Hoán khoác chiếc áo choàng lên người ra đứng ở cửa sổ châm thuốc hút. Ánh nắng đổ tràn vào phòng khi anh kéo tấm màn cửa sang một bên.
Dưới đường bà hàng xôi đang bận rộn với đám khách hàng bao quanh. Đôi tay thành thạo thoăn thoắt lướt qua những rá xôi nhiều màu sắc trước mặt.
Ông thợ hớt tóc lề đường đang mải mê quét ngang quét dọc để dọn hàng. Những vết chổi nằm vắt ngang nhau trên nền đất đã sạch tanh lá rụng và rác rưởi.
Những chiếc xe gắn máy trợn trạo lướt ngang xô dạt những chiếc xe đạp đang luống cuống nép vào lề.
Chỉ có ông hàng bánh dầy bánh giò ung dung dựng chiếc xe đạp cồng kềnh có cột trên yên sau chiếc càn xế lớn được bao bọc kỹ bằng những miếng vải nhựa sậm màu đang gân cổ lên rao ” Giò không!”
Tiếng rao cụt ngủn sừng sộ như muốn cắt thành từng mảnh những âm thanh lao xao của buổi sáng.
Trang rón rén bước tới phía sau lưng Hoán tựa cằm lên vai anh khẽ hỏi:
- Có cô nào đẹp không mà anh nhìn dữ vậy?
Hoán vẫn nhìn xuống đường giọng đều đều xúc động:
- Những ngày đầu nơi xứ người anh chỉ ao ước có lúc được nhìn lại khung cảnh quen thuộc như thế này. Nỗi nhớ xót xa kỳ lạ lắm chắc em không thể tưởng tượng được đâu.
- Em thì em chán cảnh này lắm rồi. Em về nghe anh!
Hoán móc túi lấy tờ giấy trăm đôn nhét vào tay Trang:
- Cám ơn em nghe!
Mặt Trang đanh lại nhìn Hoán:
- Anh khinh em vừa vừa chứ! Em có làm nghề này đâu!

Hoán sững sờ trước phản ứng dữ dằn của Trang. Tờ giấy bạc trong tay anh trơ trẽn bất động. Anh lắp bắp:
- Anh chỉ muốn giúp em chút đỉnh thôi mà.

Mắt Trang long lanh ướt. Những giọt nước mắt tủi hờn chảy dài xuống hai bên má. Trang đứng lặng im cố kìm tiếng khóc. Hoán vội vàng giơ tay chùi nước mắt cho Trang:
- Cho anh xin lỗi! Nín đi anh thương. Hay là anh đưa em đi ăn sáng rồi mình xuống phố chơi nghe?
Trang dụi mặt vào ngực Hoán ngước mắt lên nhìn anh:
- Anh có biết là em thương anh lắm không?
Hoán khẽ gật đầu:
- Để anh sửa soạn rồi mình đi nghe.
Tiếng Trang ấm cúng trên ngực anh:
- Anh cho em tạt qua nhà một chút đã.

Nhà Trang nằm sâu trong một con hẻm ở khu Bàn Cờ. Hai người len qua những khúc đường mấp mô lầy lội. Thỉnh thoảng Trang phải kéo Hoán tránh những đống phân chó và cả phân con nít rải rác trên đường.
Hẻm đã chật chội tù túng mà nhiều nhà còn làm bếp hoặc tắm rửa giặt rũ ngay ngoài đường khiến Hoán phải co người lại phát mệt.
Bầy con nít nhem nhuốc có đứa không quần đứa không áo đứng sững nhìn Hoán. Hoán nghịch ngợm nheo mắt cười làm đám trẻ tụ sát cạnh nhau đứng từ phía xa cười lại. Những nụ cười ngây ngô lạ lẫm.
Một con chó mực đứng trong thềm cửa đưa mỏm ra sủa phụ họa. Đàn gà con nhỏ xíu như những cục bông vàng rộn ràng chui ra chui vào chiếc lồng có con gà mẹ lục khục đi tới đi lui canh chừng.
Hoán dừng chân nhìn đàn gà dễ thương khiến gà mẹ hốt hoảng lên tiếng kêu đám con về ủ dưới cánh.
Trang kéo tay Hoán:
- Trông anh giống như một du khách người nước ngoài đứng nhìn cảnh lạ xứ người ấy!
Hoán thấy nhói trong tim. Anh đa xa lạ với đất nước đến thế sao. Anh bước theo Trang giải thích:
- Anh phải cố nhìn kỹ những cảnh như thế này để mai mốt mỗi khi nhớ nhà còn có cái mà nhai lại chứ!

Trang dừng lại trước cánh cửa đã tróc lở gần hết lớp sơn xanh lại còn đóng gá thêm mấy miếng gỗ thâm xì thâm xịt. Nàng gõ cửa. Người đàn bà gầy yếu mở cửa giương cặp mắt dò hỏi nhìn Hoán. Trang mau mắn giới thiệu:
- Đây là anh Hoán, bạn con. Mẹ em đấy anh.
Hoán lên tiếng chào:
- Thưa bác ạ!
Hình như bộ quần áo của Hoán làm bà lúng túng:
- Không dám. Mời ông vào nhà chơi.
Trang thu dọn mấy cái áo vắt trên thành chiếc ghế độc nhất trong nhà mời Hoán ngồi. Hai mẹ con Trang ngồi trên chiếc đi văng ọp ẹp tiếp khách. Trang quay sang nói với mẹ:
- Anh Hoán ở Canada về thăm nhà.
Mẹ Trang xuýt xoa:
- Quí hóa quá! Các ông các bà ở bên đó người nào trông cũng béo tốt khỏe mạnh. Mỗi người một phận, thưa ông. Chúng tôi ở bên này vất vả cực nhọc lại còn hao tổn tinh thần lắm. Chẳng có thời nào giống như thời này cả ông ạ.

Hoán vội đỡ lời:
- Bác đừng kêu cháu bằng ông. Cháu không dám nhận đâu. Từ hôm về đến giờ cháu thấy nhiều người thiếu thốn khổ cực quá, chỉ có một số người làm ăn buôn bán được với người nước ngoài là còn khá khá một chút.
- Ối chao, dân mình thì thấm tháp gì với các ông ấy. Mấy ông cán bộ ấy cậu ạ. Mà trước đây người ta chui rúc ở trong rừng bao nhiêu năm trời bây giờ tới lúc hưởng thì cũng phải cho người ta hưởng chứ cậu nhỉ.
Nhưng vừa hưởng vừa đày đọa người khác thì không được. Làm gì mà phải giam cầm hành hạ người ta năm này qua năm khác làm người ta chết tức tưởi không gặp vợ gặp con…

Mẹ Trang kéo vạt áo bà ba lên lau những giọt nước mắt đang lã chã tuôn rơi. Hoán xúc động quay mặt đi.
Cặp mắt anh bắt gặp chiếc bàn thờ nằm khiêm nhường trong một góc nhà. Anh giật mình trước cái nhìn của người trong hình đang đăm đăm về phía anh. Anh lúng túng xoay người trên ghế lựa lời an ủi mẹ Trang:
- Thôi bác ạ. Sự hy sinh của bác trai cũng giống như sự hy sinh của một người lính trên chiến trường. Họ chết cho những người khác được sống. Những cái chết như vậy không vô ích đâu bác ạ. Xin phép bác cho cháu được thắp nén nhang cho bác trai.

Hoán tiến về phía bàn thờ. Mẹ Trang nấc lên nhìn theo bước đi của Hoán. Trang vội chạy đến rút ba thẻ nhang châm lửa đưa cho anh.
Hoán thành kính lạy trước bàn thờ, đứng lặng người đi rất lâu. Những sợi khói vương vất trên khuôn mặt đăm chiêu của Hoán. Cặp mắt anh đau đáu nhìn vào di ảnh người đa khuất như có niềm riêng gửi gấm.

Tiếng máy lạnh chạy ồn ào không xua đuổi được cái nóng nhớp nháp của Saigon. Hoán ngồi nhìn quanh. Chỗ này đã từng tụ họp bạn bè ngày một. Chiếc bàn anh đang ngồi với Trang nằm ở đúng chỗ ngày xưa anh hay dẫn Châu vào ngồi uống nước sau khi đã bát phố chán chê.

Nhà hàng Brodard bây giờ chỉ còn chiếc vỏ cũ. Đã mất tăm mất tích không khí lịch lãm sang trọng xưa. Anh hầu bàn vẫn còn cái nơ đen trên cổ nhưng chẳng tìm đâu ra nụ cười.
Ghế bàn được tân trang trông như một cô gái về già cố níu kéo thời gian bằng phấn son kệch cỡm. Chị cán bộ phục vụ tại cửa hàng tranh thủ đi chợ về tay xách nách mang cất tiếng nói oang oang từ khi vừa xô cửa bước vào.
Khách có lẽ đã quá quen với cảnh này nên chẳng ai để ý. Nhưng Hoán cảm thấy cay đắng mất mát. Hoài niệm cũ vội tan như cục kem dừa đang chảy ra trong chiếc ly trước mặt. Trang đang nghịch ngợm ngậm chiếc ống hút cắm trong ly nước cam ngước nhìn lên khi Hoán cất tiếng hỏi:
- Em có biết ba em mất trong trường hợp nào không?
- Theo mấy ông bạn cùng trại với ba em về kể lại thì ba em mất khi đang bị kỷ luật biệt giam. Ông chết âm thầm chẳng ai biết cả.

Hoán dựa lưng vào thành ghế nhìn vơ vẩn qua khung cửa kính. Một vài thanh niên bám theo những du khách mấp máy miệng nhỏ to gạ gẫm, mắt lấm lét nhìn trước nhìn sau vội vàng móc trong người ra từng xấp hình chào hàng.
Một ông già mặc bộ bà ba trắng lễ mễ ôm một chiếc thuyền bằng gỗ bóng loáng dài tới cả thước đứng cười cầu tài với đám ngoại nhân qua lại. Trang chăm chú nhìn Hoán khi anh bất chợt buông tiếng thở dài hỏi:
- Nếu bây giờ anh bảo là anh muốn nhận Trang làm em thì Trang có thắc mắc gì không?
- Thì lúc nào em chẳng là em của anh.
Hoán lắc đầu:
- Không phải vậy. Anh muốn nói là em thật của anh giống như là em ruột vậy.
Trang ngơ ngác nhìn Hoán. Nàng nghĩ là Hoán muốn giỡn chơi. Nàng giỡn lại:
- Chứ không phải là em nối ruột hả?
Trang phá lên cười thú vị. Hoán quắc mắt nhìn nàng:
- Không phải là lúc giỡn chơi nữa đâu. Anh muốn giúp hai mẹ con em một cách thiết thực. Điều trước tiên là em không bao giờ trở lại làm việc ở nhà hàng đó nữa nghe.

Trang ngồi im thin thít lấm lét nhìn Hoán. Tim nàng nhộn nhịp như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Nàng bất giác đưa tay lên chặn ngực hồi hộp nhìn Hoán. Mặt Hoán chẳng có chút đùa cợt nào cả. Nhưng tại sao tự nhiên anh lại có cái ý tưởng quí báu nhưng lạ lùng đó. Trang thắc mắc:
- Sao em lại muốn giúp mẹ con em?
- Đã không biết thì thôi nhưng một khi thấy hoàn cảnh của hai mẹ con em anh không thể làm lơ được. Đừng suy nghĩ vẩn vơ mà già người đi. Bây giờ nghe anh hỏi đây. Hai mẹ con có thể trở về nghề buôn bán quần áo cũ được không?
- Em chắc là được nhưng ít nhất cũng phải có vốn đa chứ.
- Khoảng bao nhiêu thì đủ?
Trang cúi mặt nhẩm tính rồi rụt rè nói:
- Nhiều lắm. Em không dám làm phiền anh đâu.
Hoán gằn giọng:
- Bao nhiêu?
Trang ngại ngùng ấp úng:
- Chắc phải hai mươi lăm triệu.
Tới lượt Hoán nhẩm tính. Hai mươi lăm triệu. Hai ngàn rưởi đôn. Giọng anh quả quyết như người bắt một tiếng bạc:
- Xong ngay! Ngày mai hai mẹ con em có thể bắt đầu xúc tiến được rồi.

Mặt Trang xúc động ngẩn ngơ. Nàng không tin là nàng vừa nghe Hoán nói. Có bà tiên nào lấp ló trong đôi mắt như đang cười cợt của Hoán không?
Niềm vui trào xuống nàng như nước lũ từ non cao ào ạt kéo về. Trang run run hỏi:
- Làm sao em có thể trả cái ơn này cho anh?
Hoán nhìn thấy nỗi xúc động lẫn bối rối chằng chịt trong đầu Trang. Anh đặt tay lên vai nàng từ tốn:
- Dễ lắm! Em hay sống như ý anh muốn. Quên hết thời gian đớn đau vừa qua đi. Bây giờ em là một con người khác, một cô Trang hiền lành ngoan ngoan. Rồi khi có anh chàng nào muốn xin bàn tay thì gửi thiệp hồng sang cho anh mừng.

Trang ngồi cúi đầu để mặc những giọt nước mắt tươm ra nhạt nhòa. Niềm vui chợt đến làm nàng bàng hoàng rối rắm. Nàng ấp úng:
- Em sẽ cố gắng làm theo ý anh. Nhưng từ nay đến ngày anh đi bất cứ lúc nào anh cần tới em, ngày cũng như đêm, em sẽ sung sướng được hầu hạ anh.
Hoán cảm thấy bất nhẫn. Anh gạt ngang:
- Anh không bằng lòng em nói như vậy. Em cứ lo xếp đặt công việc. Thỉnh thoảng anh sẽ ghé thăm rủ em đi ăn đi chơi. Như anh em vậy. Thôi mình về nghe. Lau nước mắt đi rồi cười thật tươi lên cho anh coi nào, cô bé!

Trong suốt cuộc đời quân ngũ không lấy gì làm dài của Hoán, anh chỉ phục một người: Thiếu Tá Phúc. Ông là một cấp chỉ huy can trường, thanh liêm và đối đãi với thuộc cấp như ruột thịt.
Khi thắp hương trước di ảnh của ông trên bàn thờ, anh đã thầm hứa với người khuất mặt là anh sẽ bảo bọc vợ con ông. Như một lễ vật muộn màng