Tôi mường tượng mãi không ra con tàu nào đưa chàng xa khỏi quê hương. Biền biệt không về.
Tôi hỏi:
– Hồi đó anh di tản ra khỏi nước bằng chiếc hạm đội này hả?
Chàng cười, giọng buồn thiu:
– Anh đâu có sang dữ vậy, cưng. Tàu nhỏ thôi em.
– Nhưng anh nói là tàu chiến mà.
Chàng gật đầu đáp cũng là tàu chiến nhưng bé lắm.
Tôi mường tượng mãi không ra con tàu nào đưa chàng xa khỏi quê hương. Biền biệt không về.
Từ chỗ chúng tôi đang đứng, trên chiếc Midway đã trở thành bảo tàng, đầy những phi cơ chiến đấu. Dấu tích chiến tranh còn ấn chứng qua hình ảnh và những dòng chữ được ghi chép lại trên các tấm bảng đặt phía đàng trước cỗ máy.
Chàng chỉ cho thấy một phản lực cơ:
– Chiếc này bắn hạ ba chiếc Mig 17 trước Mùa Hè đỏ lửa. Thêm ba chiếc nữa và một Mig 19 trước ngày Hiệp định Paris.
Tôi sờ tay trên cánh máy bay, và trên thân một quả bom. Sắt thép lạnh buốt dưới thịt da tôi. Tôi nhớ đến hình ảnh hào hùng của các đoàn quân chiến thắng được nhìn thấy trên màn ảnh truyền hình. Cờ. Hoa. Và những khúc nhạc khải hoàn.
Tôi nghĩ, ngày ấy, nếu đã là người yêu của chàng, tôi chắc cũng vung chiếc khăn thêu mừng rỡ lên không một cách lãng mạn, tình tứ như các cô gái trong đoạn phim tài liệu.
Tôi nắm lấy bàn tay chàng. Chúng tôi đi thêm một đoạn. Lờ mờ trong trí tôi không khí chiến tranh thuở ấy hiện về.
Tôi nhìn thấy thành phố thời tôi mới lớn với những đêm xa xa vọng lại tiếng canon, tiếng đại bác, rồi những đoàn xe GMC chở quân nhân ra chiến trường chạy ngang qua con đường trước mặt nhà.
Những tin tức chiến sự nghẹt thở, những bàn tán xôn xao của người lớn trên bàn ăn… Tôi cũng nhìn thấy tôi, con bé mê văn thơ, mê nhạc trữ tình, mê lụa vàng hoa cúc, mê cả mini jupe cũn cỡn, mê nhạc ngoại quốc, mê nhảy đầm.
Chàng hiền lành đi bên tôi. Tỉ mỉ giải thích cho tôi nghe những gì chàng đã từng trải trong chiến tranh. Trái tim nồng nàn của chàng như vẫn đập lên những nhịp, dồn dập, hào hùng thời còn trong quân ngũ.
Chàng đỡ tay cho tôi leo vào trong lòng một chiếc trực thăng dùng để chuyển quân:
– Ngày trước tụi anh cũng đi trên những chiếc na ná giống như vầy, nhưng không có hàng ghế ở hai bên.
Tôi ngơ ngác hỏi tại sao. Chàng đáp, để đủ chỗ cho một trung đội ngồi. Tôi sững người, lặng thinh. Chiếc phi cơ nhìn đồ sộ bên ngoài, nhưng bên trong lòng bé nhỏ, chật chội.
Cho mấy chục người, không cần chàng giải thích thêm tôi cũng biết là những chỗ ngồi chen chúc trên sàn đã được tính đến từng xăng ti mét.
Bàn tay tôi nóng ran. Bờ mi tôi nóng ran. Hơi thở nghẹn lại giữa lưng chừng lồng ngực, tôi nghĩ đến những con người.
Nghĩ đến những đêm yên ắng thuở ấy với những hôm đứng tựa lan can nhìn thành phố lên đèn, chập chững câu thơ yêu đương mà trong tâm chưa bao giờ biết nghĩ đến ai là người đang giữ thanh bình cho thành phố, ai là người đang đầu sóng ngọn gió nơi chiến trường.
Thật tôi đã hoàn toàn không biết đến những mảnh đời gian khổ, những cái sống cái chết trong gang tấc nơi chiến địa. Hoàn toàn không hay rằng có những người trải tuổi thanh xuân mình trong rừng sâu, vùng hoả tuyến để hàng triệu con người, trong đó có tôi, có bè bạn tôi được sống ngày nhàn nhã, yên lành.
Lòng tôi lao chao. Thân tôi liêu xiêu như muốn ngã. Nơi cuối lòng, có điều gì đó, day dứt, thương cảm cứ dấy lên khiến tôi không thể yên.
Tôi níu bàn tay chàng, ước mong có thể bày tỏ được những nghĩ suy của mình mà không cách gì mở miệng được. Ngôn từ có lẽ như không thể nào diễn tả được nỗi lòng của tôi nên tôi không thể thốt ra lời.
Nhưng chàng hẳn không biết tôi đang nghĩ gì, và chừng như cũng không để ý những cảm xúc của tôi nên hân hoan vui vẻ kéo tay tôi xăm xăm bước lên phía trước. Giọng nói chàng sũng niềm hãnh diện:
– Chiếc này là phi cơ yểm trợ, mỗi phút có thể bắn ra được sáu ngàn viên đạn. Ngày xưa khi tụi anh đổ quân cũng được yểm trợ như vậy…
Sáu ngàn viên đạn một phút. Khi đổ quân. Ngày xưa khi đổ quân… Tôi nắm chặt những ngón tay vào lại với nhau. Sáu ngàn viên đạn yểm trợ trong lúc bên kia, chẳng biết địch quân đang dội lại bao nhiêu ngàn.
Ðầu tôi bàng hoàng bùng ra câu hỏi, như vậy, như vậy con số người nằm xuống, con số người đã ra đi là bao nhiêu? Mắt tôi bỗng nồng lên, thật cay.
Chưa bao giờ tôi mường tượng ra một cuộc đối đầu, một trận chiến như thế nào huống gì là nghĩ tới cái chết của người lính với những con số vô cùng thực tế như vậy.
Tôi nhớ ngay đến những người thân đã nằm xuống. Nhớ lại chừng như không có một gia đình nào không mất mát ly tan khi người ra đi chẳng bao giờ trở lại vào thưở ấy. Mắt tôi cay sè.
Tôi đòi chàng đưa về. Chúng tôi bước ra cổng. Midway ở lại đàng sau lưng chúng tôi. Quá khứ như khép lại đàng sau lưng chúng tôi.
Hai chân tôi chập choạng những bước không vững dẫu vòng tay chàng vẫn che chở trên vai tôi.
Hình ảnh những đoàn xe tải thương, những đoàn xe chở quan tài phủ cờ vàng buồn bã chạy qua con đường trước mặt nhà không cách gì biến mất khỏi trí.
Tôi chợt hiểu cho dù có bao nhiêu năm nữa sẽ qua đi, nhưng tất cả những gì xảy ra vào những năm tháng ấy sẽ không bao giờ qua đi. Cảm xúc cũ có thể đã qua đi, nhưng cơn nhức nhối sẽ còn ở lại. Mãi mãi.
Tôi nghĩ đến tuổi đời của mình. Nhận ra chiến tranh hoàn toàn chẳng là những trận combat trên đài truyền hình.
Bởi đàng sau chiến thắng và khải hoàn là nước mắt, mồ hôi, xương máu của hằng triệu con người.
Nhưng buồn bã hơn, đớn đau hơn cho người thất trận bởi vì phía sau lưng họ đã có hàng bao nhiêu kẻ vô ơn, bạc lòng.
Tôi ngơ ngác nhìn quanh với những điều vừa vỡ ra trong lòng. Tôi tự hỏi, nhưng không lẽ hiểu chỉ là để hiểu suông như thế thôi sao, vì thật lòng, tôi chẳng biết mình phải làm gì bây giờ với những cưu mang…