Má tôi làm món chao thì ngon hết sẩy luôn.
Có những hương vị món ăn quê nhà, lúc nào cũng làm người ta vương vấn, dù đó là những thứ hết sức bình dị, thường góp mặt trong những bữa cơm nghèo hồi xa lơ xa lắc, để hoài niệm về một thời gian khó thiếu ăn, thiếu mặc.
Có cao sang gì đâu mỗi bữa đi ruộng về, bữa cơm chiều vội vã dọn lên, chỉ có mớ rau hái trong vườn rồi ăn kèm với mấy con mắm sống, ủ từ hồi mùa nước nổi năm trước.
Chỉ vậy thôi đó mà cả nhà được một bữa no căng bụng hay chỉ cần mấy trái chuối xiêm chín ăn với nồi kho quẹt là cũng đủ ấm lòng.
Hay đơn giản hơn nữa là bới chén cơm nóng chan ít nước mắm trong, đừng quên thêm một muỗng mỡ, mấy lát ớt nữa là đã có ngay một bữa ăn ngon lành. Cái vị mặn mặn hoà quyện với vị béo béo của mỡ, cái cay cay nồng nồng của ớt, thì không có từ nào để diễn tả được cái ngon của nó.
Rồi có những buổi chiều quê, nắng khuất sau những rặng dừa xanh nghiêng bóng xuống bờ kênh, cơm quê nghèo dọn ra chỉ có chén chao mặn mòi, dĩa rau luộc hái ngoài vườn và nồi cơm nóng. Vậy đó mà ấm lòng chắc bụng lắm.
Con mắm con khô, hũ chao hay chén nước mắm bình dị, với nhiều người nó chẳng là gì cả, nhưng với ai đã một thời lớn lên trong gian khó, ăn những món này mà no bụng, mà lớn lên, rồi thành danh thì đó là cả một trời ký ức.
Ký ức trong ta nhớ về khoảng trời xanh êm đềm, với những rặng tre xanh mát sau hè, là khói bếp nghi ngút phát ra từ cái cà ràng cũ kỹ ám khói, mùi củi khô hanh hao trong chái bếp của má.
Cứ mỗi buổi chiều, má tôi ra sau vườn hái mớ rau rồi bắc nồi nước để luộc. Chỉ mấy thứ rau quê mà ai ai cũng nhớ mặt, nhớ tên và hầu như nhà ai cũng có như: rau muống, đậu bắp, đọt mướp, đọt bầu… Ðợi nước thật sôi, cho rau vào luộc, vậy là đã có ngay món rau luộc xanh mướt ăn cùng với mấy trái chuối chát hay tiện tay hái mấy cái bông súng dưới mương, rồi quay ra làm chén chao cho ngon nữa.
Má tôi làm món chao thì ngon hết sẩy luôn. Má cho tí tỏi, tí ớt giã nhuyễn, rồi múc chao từ trong keo ra cho vào chén, đừng quên cho một xíu đường cho dịu bớt vị mặn của chao, sau đó lấy muỗng trộn đều lên.
Ta nói cái mùi chao không thơm ngào ngạt nhưng lại rất nồng nàn dân dã, nghe mùi thôi là tự nhiên thấy đói bụng liền. Bí quyết má truyền lại, muốn lựa chao ngon thì phải chọn chao cũ, keo nào mà cái của nó nổi hết lên trên là ăn càng béo càng ngon.
Bán thứ gì ế thì lo, chứ bán chao ế để lâu thì càng ngon nữa là đằng khác. Rồi muốn ngon hơn nữa, thì cứ băm nhuyễn tép tỏi, bắc cái chảo lên bếp, cho vô một muỗng mỡ, đợi nào mỡ nóng cho tỏi vào phi cho thơm nhấc ngay khỏi bếp, rồi đổ vào chén chao, nhớ đổ liền nghen để không thôi tỏi khét là ăn sẽ đắng lắm à.
Ôi ta nói, chỉ cần nghe mùi thôi là đã cầm lòng không đậu. Người ta nói ăn chao phải có đậu bắp thì nó mới bắt, quả đúng không sai chút nào, chấm ngập trái đậu bắp trong chén chao, cắn một cái, thêm miếng cơm nóng nữa là ta nói nó ngon “hết sẩy con bà bảy luôn”.
Cơm thời gian khó chỉ có dĩa rau, chén chao cũng qua bữa qua ngày. Vậy thôi cũng nuôi biết bao người và trong đó có anh em tôi, được lớn lên từ những bữa cơm nghèo như thế.
Ðể rồi giữa nhịp sống hiện đại đầy món ngon vật lạ như bây giờ, có rất nhiều người chợt thèm quay quắt hương vị của buổi cơm quê ngày trước, thèm cái cảm giác gắp trái đậu bắp xanh chấm ngập vào chao, vị thơm vị nhớ cứ nồng nàn, da diết lắm.
Con người ta ngộ lắm! Cứ mãi nhớ hoài những ngày xa lơ xa lắc, nhớ hoài hương vị món ăn của ngày cơ cực, để rồi bây giờ mỗi khi có dịp cũng pha chén chao, luộc mấy trái đậu bắp ăn với cơm, đơn giản vậy thôi mà hương vị của quê nhà nuốt trôi tới đâu là ký ức sống lại tới đó, sống lại với cái cảm giác thân quen gần gũi và tình thương nỗi nhớ cứ dạt dào trong bụng.
Thèm lắm được ăn bữa cơm chiều đạm bạc với má, anh em cùng tôi lớn lên thời cơ cực.