main billboard

Người ta thường truyền miệng, ngày ấy là “ngày đứt phim”.

Ruou
May muốn gặp anh em chú bác cô dì một lần. Cũng đã hơn bốn mươi lăm năm anh em thất tán, kẻ xiêu lạc ngõ này, người xiêu lạc ngõ kia. Nghĩa là qua cuộc đổi đời.


Ngày đó May còn là một cô nữ sinh mười sáu tuổi, tóc thề thả chấm ngang vai, áo dài trắng thướt tha, ôm tập vở đến trường nữ trung học.


Bỗng nhiên, như cuốn phim đang chiếu trong rạp, khán giả đang xem ngon lành, hấp dẫn, bị cắt đứt. Khán giả có la ó phản đối bao nhiêu rồi cũng thôi.
May nghỉ học. Và từ đó anh em thất tán nhau. Người ta thường truyền miệng, ngày ấy là “ngày đứt phim”.
Từ đó…, người theo bên này, kẻ theo bên kia, dằng xé, nhìn nhau bằng đôi mắt hình viên đạn, dè chừng, coi như không thân thiện… có kẻ còn chơi nhau sát ván. Những ganh ghét, thù oán cá nhân…đều được đem ra tung… hứng, đến nổi, anh em, bà con trở nên hận, thù, hay ít ra cũng xa cách.

Có người kể rằng, ngày trước có ông thầy đuổi học một học trò ngỗ nghịch, chọc phá, gây ồn ào, náo loạn trong lớp. Anh ta chòng ghẹo nữ sinh, nói tục, xé ngang tà áo dài trắng của một cô, lộ ra một mảng ngưc trắng phau, núm vú đỏ hồng…
Cô nữ sinh chỉ biết khóc, co ro trong một xó. Ông thầy tức quá, bèn bợp tai đứa học trò ngỗ nghịch kia và lên văn phòng kể tội hắn với thầy hiệu trưởng. Đề nghị đuổi học. Đứa học trò tức quá, về nhà có dịp móc nối với phía bên kia, liền “nhảy núi”.

Đến ngày đứt phim, hắn trở về với nón tai bèo, khẩu AK, đến nhà ông thầy, kêu thầy ra bắn giữa sân, ông thầy chết miệng còn há hốc, chưa kịp nhận ra đứa học trò cũ, cũng không hiểu mình bị tội gì. Thầy chết, máu loang tung tóe, khiến ai cũng le lưỡi, sợ hãi.

Nhưng ngày đó, đã qua lâu quá rồi. Mấy ông cậu, ông chú, ông bác “ngày đứt phim” còn trẻ măng, nay đã theo ông bà ông vải gần hết rồi…
Chỉ còn đám trẻ loi choi, cuối cùng cũng tụ hội tại Mỹ…Nên May muốn mời mấy anh, chị, em, tới nhà mình chơi, lai rai chút đỉnh với ông xã.
Ông chồng May cũng thích “lai rai” nên đồng ý ngay, cái điều May đề nghị.
– Anh à, anh em bà con chú bác cô dì của em ở đây có khoảng đâu mười người, nhà mình có khu sân sau, chiều mát, em làm chút đồ ăn, kêu mấy người tới chơi, lai rai với anh, nhen.

Hoạt thì nghe May nói, nghĩ ngay tới mấy chai bia Hein mà từ lâu, May không cho anh uống, nàng vẫn dè chừng, có phần dọa dẫm, anh cẩn thận đó, trong bia đường nhiều lắm, có nguy cơ cao đường đó nghe anh.

Nay, nhân dịp này, vừa chìu lòng May, vừa được uống bia thỏa thích, dại gì không đồng ý:
– Anh OK em à, anh chị em em lâu rồi không gặp, gặp lại ở đây thì vui, em tha hồ tâm sự.
– Vậy nhe anh. Em sẽ làm bánh cuốn ram quê em để đãi khách, để nhớ lại những ngày nhỏ, bà nội thường làm cho tụi em ăn.

Bánh ram cuốn là một món ăn dân dả, chỉ có từ Nha Trang trở ra Quảng Nam, Quảng Ngãi.
 Tuy gọi là ram, nhưng mỗi nơi có lối làm riêng. Món ram thơm ngon, dòn rụm quấn bánh tráng rau sống, cũng làm nhiều người nhớ về thời thơ ấu ở quê, mẹ thường làm cho ăn.

May điện thoại cho những người thân, hẹn, nói với từng người, đúng 4 giờ chiều nghe anh, chị.
Giờ này trời đã mát, ngồi ngoài sân nhậu mới vui. Bữa tiệc nhậu toàn là anh em chú bác cô cậu dì, những người “ngày đứt phim” mới mười sáu, mười bảy, bây giờ ai cũng đã lên trên hàng sáu, có người đã ngồi sui, có người đã có cháu nội, ngoại. Thời gian qua choáng ngợp cuộc đời.

Anh Dinh mang đến môt hộp lê hàn quốc, những trái lê màu vàng ươm. Anh chị Thụy thì đem một thùng táo tàu.
Và nhiều anh chị em khác nữa. Riêng anh Duy, chỉ một mình anh tới, không có người đàn bà đi theo, kệ nệ vác thùng bia Hein 24 chai, lên cầu thang lầu 2 của căn nhà.
 Khi lên tới nơi, khuôn mặt đỏ hồng của Duy đã thấm mồ hôi, thở dốc.

Duy là người đến trễ nhất, ai cũng đã ngồi vô bàn, đã tâm sự hỏi thăm sức khỏe nhau, đã cụng gần hết một chai Ken.
Thấy Duy mở cửa bước vào, ai cũng đứng bật lên, tiếp đón. May đon đả nhất:
 –  Anh Duy, tìm không ra nhà sao đến trễ vậy anh? Duy con ông chú, nhưng lớn tuổi hơn May, nên nàng vẫn gọi là anh.
Duy cười, nụ cười của bốn mươi lăm năm về trước. Nụ cười của chàng thanh niên tươi rói hai mươi tuổi.
– Chào các anh chị. Thật vạn hạnh gặp gỡ anh chị ở đây.
Anh đến bắt tay từng người, ai anh cũng cầm tay anh thật lâu. Có người lên tiếng nói (kháy):
– Anh Duy cũng qua Mỹ ha? Nhớ năm xưa, ngày xa lơ xa lắc ấy. Hồi đó anh Duy “cách mạng” dữ lắm mà.
Duy cười, nụ cười có chút e thẹn, ngượng ngùng. Chàng cố biện hộ cho mình:
– Chuyện cũ rồi mà! Có một nhà văn Nga đã nói, năm hai mươi tuổi ai không theo Cộng Sản là người không có quả tim. Năm bốn mươi tuổi, ai còn theo Cộng Sản là người không có cái đầu.
Câu nói có vẻ triết lý sâu xa.

Ai cũng nhớ ngày đó, Duy đã hoạt động rất hăng say trong đoàn thanh niên sinh viên Sài Gòn. Đến ngày đứt phim, anh về quê nhận lãnh một chức vụ trong ban thanh niên quận ủy…Anh hăng say hoạt đồng, chạy bên này, sang bên kia, kêu gọi, đẩy mạnh mọi công tác, đảng, đoàn.
Thế mà nay cũng đã sang Mỹ, cùng chung với những người cùng lứa tuổi anh, đã vượt biên sống chết trên biển đông.

Khi Duy an tọa xong, ai cũng nghĩ hôm nay là bữa tiệc vui, sum họp gia đình trên hơn bốn mươi bốn năm. Anh em, bên này, bên kia mới gặp nhau, ngày đó, kẻ đỏ, người vàng, người xanh…chia cắt, hận thù nhau…
Bây giờ thì đã xa lắc rồi…cái chiến thắng sau cùng là sự họp mặt ở Mỹ. Nay ai cũng lên chức nội, ngoại. Nghĩa là đã thành người lớn tuổi, trên dưới hàng sáu, hàng bảy rồi chứ ít gì đâu… Mà người lớn tuổi thì phải rộng lượng, bao la…

Anh Dinh là người có số tuổi lớn nhất trong đám, lại là có vai vế cao, anh là con người bác cả.
– Dô đi anh em, bốn mươi bốn năm với bao thăng trầm, anh em mình mới gặp nhau, nên vui lên đi chứ…Dô, dô, dô.
Mấy người đàn bà cũng dô, nhưng dô nước lọc trong chai hay nước cam, còn mấy anh đàn ông thì ai cũng cầm chai Hein lên tu ngon lành…hết ba mươi phần trăm…
Lúc qua chai thứ ba, Duy bắt đầu đỏ mặt. Anh giọng trầm ngâm, tâm sự:
– Kể lại hồi đó, bây giờ em mới thấy mình ngu. Mười tám tuổi, đang là sinh viên mà theo lệnh ông già đem tiếp tế thuốc men, tiền bạc cho phía bên kia ở tận Long An.
Ông già đóng sẳn một thùng cạc tông, biểu mang xuống chợ Long An giao cho người phía bên kia, gặp nhau ngoài phía hông chợ, nói mật khẩu rồi giao hàng.
Còn có cả xấp tiền đô nữa, trao tay cho bên đó. Nghĩ mà lạnh người.

Ông già của Duy tức là chú chín, là chú, là cậu, những người có mặt ở đây. Ông là tay kinh tài cho phía bên kia. Ông đã làm nhiều phi vụ như Duy vừa kể, sai thằng con trai mới lớn tiếp tế tiền bạc, gạo thóc, thuốc men đến tận các tỉnh miền tây.
Chuyến đi nào cũng trót lọt. Duy, khi thì đóng vai người nông dân, người xe ôm, người bộ hành, người bán hàng rong…đủ mọi vai diễn…mục đích là tiếp tế thành công.

Lúc đó Duy nghĩ cha mình là người giàu lý tưởng, vì mục đích giải phóng dân tộc mà mạo hiểm làm những chuyện phi thường. Không phi thường sao được, nếu chuyện mà đổ bể, sẽ bị tù cả đám, sẽ mọt gông ở côn đảo hay ra pháp trường bị xử bắn là cái chắc.
Nhưng sau này đứt phim, chú chín mới thấy được phía bên kia. Nó hiện diện trên cuộc sống với những tư thù tư oán.

Người bên kia tìm giết, sát hại, đưa đi tập trung cải tạo những người thua cuộc. Và chú cũng bị cho ra rìa vì gia đình có ông cha là người Việt gốc Hoa. Chú không được tin dùng.
Những người bà con trong dòng họ, người người lục tục kéo nhau ra khỏi nước, dù có chết… Tại sao vậy cà? Chú suy nghĩ suốt hai mươi năm…Đến năm thứ hai mươi mốt chú vượt biên. Chú đem hết con cái qua Mỹ, bỏ hết gia tài ra để đóng một chiếc thuyền ra khơi. Sống ở Mỹ được mười năm thì chú mất.   

Lại tiếp tục cụng ly, lai rai ba sợi. Với anh Dinh, anh Thụy, anh Duy, bia Hein, nói theo thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, 40 chai đồ bỏ. Bây giờ mỗi người đã cạn đến chai thứ sáu, sáu lần bốn hai bốn. Đúng là một thùng Hein Hoạt đã mua, đã dự tính, thế là quá đủ.
Nhưng anh đã tính sai. Có thể nói các anh ở đây là “hủ chìm”. Mỗi người cưa 6 chai mà thấy tỉnh queo.
Hoạt thì khoan thai, yên tâm uống vì anh là chủ nhà, say xỉn thì vào giường nằm ngủ có sao, đâu có lái xe mà sợ cảnh sát hốt.

Anh thấy nên tiếp tục cuộc vui. Anh ra lấy thùng bia của Duy đem tới. Hoạt đến tủ lạnh lấy đá, bỏ vào một cái sô rồi đem cây gắp đá đến bàn.
Những chiếc ly được mang ra, tiếp tục, mỗi người một ly cối… Hoạt nói:
– Mời quý anh tiếp tục. Còn thùng bia này của anh Duy đem đến, không được lạnh nên mình uống đá. Không say không về.

Khi đến chai thứ bảy, có lẽ nỗi sợ hãi về lái xe bị cảnh sát chộp, cũng ít đi, các anh em dạn dĩ hơn, coi trời bằng vung hơn, dù ai cũng biết rằng, cảnh sát kêu dừng lại khi đang lái xe, qua máy kiểm nghiệm, nồng độ rượu lên trên số quy định là đời tàn…
Nhưng bây giờ đang vô cơ, sá gì phương hướng nữa. Bàn tiệc chỉ có Duy là nhỏ tuổi hơn, nhưng anh đã trải qua những thăng trầm, bầm dập của cuộc đời, cuộc sống, từ một thanh niên lớn lên, yêu nước tràn đầy trong hồn.

Anh đã qua một đời vợ, với hai đứa con trai, nhưng bây giờ không còn gì, người vợ đã ly dị, trước ly dị giả để qua Mỹ, nay trở thành ly dị thiệt.
Người vợ cũ không chịu được sự lọc lừa đó. Chàng ôm nỗi buồn đau vào lòng, gặm nhấm theo tháng ngày, một mình một chợ ở Mỹ.
Ngày anh qua, đến phi trường Los, vào phòng vệ sinh rửa mặt, thấy giấy vệ sinh lau, chùi, ê hề, không như ở quê nhà, vào toilet, tìm một miếng giấy không ra, phải mua.
Nên anh nhận thức ngay, đây là một nơi đáng sống.

Chàng uống cho quên đời, hôm nay, chàng là em út, nhưng cuộc đời khuấy động trong Duy nhiều uẩn khúc, nên Duy nói nhiều…nói cũng là một chia sẻ, để làm vơi đi.
Đến chai thứ mười hai thì Duy gục xuống. Anh Dinh, anh Thụy, chị Anh, anh chị Quang, lục tục ra về, còn Duy xỉn tại chỗ. May nói với Hoạt.
– Anh cứ để anh Duy nằm đây. Chút nữa, em dọn dẹp xong, lái xe chở ảnh về.
Hoạt cũng trong cơn lơ tơ mơ. Chàng biết chàng không thể lái xe được, nên ậm ừ:
– Em tính thế cũng được. Em đưa anh Duy về hộ anh.