Đọc báo về tình hình bệnh dịch nhưng không còn chú ý đến những con số ngày mỗi tăng của số người bệnh và số người chết.
Tôi đắn đo khi dùng chữ bình thường. Có thật là ngày của tôi vẫn là ngày bình thường không?
Hay cần phải định nghĩa chữ bình thường một cách khác đi trong thời bệnh dịch này?
Buổi sáng thức giấc, tôi vẫn uống cà phê, pha một chút sữa skim milk, không có đường.
Đọc báo về tình hình bệnh dịch nhưng không còn chú ý đến những con số ngày mỗi tăng của số người bệnh và số người chết.
Nhiều quá! Không dám chú ý đến con số giảm của thị trường chứng khoán.
Nhiều quá! Chỉ làm tăng cảm giác bất lực vì biết mình không thể chủ động thay đổi tình thế.
Hai hôm nay mưa. Nhiệt độ thời tiết cho thấy không lạnh lắm 41 độ F., 5 độ C., nhưng tôi có cảm giác rất lạnh, có lẽ vì bầu trời u ám. Nắng đâu rồi? “Mây buồn giấu nắng ở đâu?”
Tôi có cảm tưởng mùa đông năm nay dù không lạnh nhiều nhưng lạnh dai dẳng, bầu trời luôn ảm đạm ướt át, như chứa đầy và kéo dài không khí bệnh tật.
Nhà bên cạnh, nhà bà Robin, hai hôm nay có người đến sửa mái nhà. Tại sao lại sửa mái nhà (hay thay mái mới) vào lúc trời mưa?
Hôm qua, thấy ngoài đường, có một nhà nào đó trong xóm có xe cứu thương đến. Có một xe nhỏ lái theo sau xe cứu thương. Ai? Nhà nào? Bệnh gì mà cần phải có xe cấp cứu? Có phải bệnh dịch không?
Trong xóm có ông Jack tuy tuổi đã cao nhưng ông rất rắn rỏi khỏe mạnh. Năm ngoái năm kia thấy ông leo mái nhà dọn dẹp cành cây.
Ở đây ai ở nhà nấy, chẳng ai biết chuyện nhà người khác. Có lần ông Tám nói chuyện với ông Jack mới hay vợ ông đã qua đời từ vài năm trước.
Có thể nói người trong xóm trò chuyện với nhau, mỗi lần như vậy cách nhau một cho đến vài năm.
Cây anh đào rũ trước nhà Patti và John nở tràn trề. Cây hoa magnolia trước nhà Stephanie nở sung mãn. Hoa chẳng màng cả thế giới bên ngoài đang bị bao trùm trong bầu không khí bệnh tật chết chóc. Hoa nở chẳng vì ai.
Chung quanh tôi mỗi nhà là một thế giới lẻ loi. Nỗi buồn riêng và lẻ loi của mỗi nhà chẳng làm lên niềm vui của cộng đồng thì đừng nói làm chi đến thế giới.
Tôi làm gì trong những ngày không thể đi đâu này?
Tôi ghi tên học năm lớp nhiếp ảnh online. Mỗi tuần học hai ngày thứ Tư và thứ Sáu.
Tưởng nhiều nhưng thật ra chẳng bao nhiêu. Học chơi không tốn tiền, không cần điểm hạng, chỉ có pass hay không pass.
Bài ra ngày thứ Tư, tôi làm xong hết trong ngày. Bài ra ngày thứ Sáu cũng vậy. Chỉ có lớp photoshop làm tôi mất thì giờ chứ các lớp kia thì rất dễ.
Tôi chỉ cho tôi có cơ hội đọc mấy quyển manual của máy ảnh chứ nếu không tôi vì lười nên bỏ qua. Đọc xong mà không dùng thì quên hết. Photoshop cũng vậy.
Tôi đọc lại quyển The Painted Veil của Somerset Maugham.
Đọc sách ebook mượn của thư viện. Tôi có quyển này nhưng tìm không ra trong cả chục cái kệ sách lủ khủ bừa bộn.
Quyển Love in the time of cholera cũng vậy, tôi có nhưng tìm không ra. Hai quyển này có điểm chung là viết về xã hội, tình yêu, trong thời có bệnh dịch tả.
“Tình yêu trong thời dịch tả” thì hai nhân vật chính, rất may mắn đã lên tàu tách bến trước khi bệnh dịch xảy ra. Vì thế họ an toàn lênh đênh trên chiếc du thuyền mà không cần phải cập bến.
Trong khi thời bây giờ, bệnh dịch cúm đã theo lên du thuyền trước khi thuyền lên đường. Và mầm bệnh ủ trên du thuyền theo bệnh nhân đi khắp nơi.
The Painted Veil có người dịch là Bức Bình Phong, nghe cũng hay. Tình cảm giữa hai vợ chồng Walter Fane và Kitty khá phức tạp. Walter là nhà nghiên cứu vi trùng học. Kitty là con nhà giàu, khá hời hợt.
Kitty lấy chồng nhưng không yêu, nàng chỉ muốn chạy trốn sự kềm thúc của gia đình. Kitty ngoại tình với Charles Townsend, nhà Đại sứ người Anh, hai tuần trước khi nàng theo chồng sang Hongkong.
Charles bỏ rơi Kitty nên nàng buộc lòng phải theo chồng. Trung quốc lúc bấy giờ đang là tâm điểm của bệnh dịch tả.
Sang Hongkong, Kitty tham gia giúp đỡ các em cô nhi đang được tu viện của các vị nữ tu nuôi dưỡng.
Kitty kính trọng các vị nữ tu này và nhất là Mẹ Bề Trên. Nàng nhận ra các vị nữ tu này rất yêu mến Walter dần dần nàng nhận ra tuy bề ngoài khô khan và nghiêm khắc, chồng nàng là người nhân hậu và khả ái.
Nàng cũng nhận ra rằng, đưa nàng đến tâm điểm của bệnh dịch tả, là một cách trừng phạt của chồng nàng.
Với Walter đó là một cách để tự tử. Walter đã tự cấy vi trùng bệnh vào người để thử nghiệm thuốc.
Về sau Walter hối hận nhưng chuyện đã xảy ra. Chàng thu xếp trước khi chết, nhờ những người cộng sự, đưa Kitty trở lại quê nhà.
Những ngày sống giữa bệnh dịch, nhìn sự tận tâm phục vụ xã hội của bác sĩ, quân nhân, và nữ tu, giúp Kitty trưởng thành.
Với một cô gái nhà giàu phù phiếm, ngửi thấy mùi hôi thối của một thành phố đang chìm trong sự chết chóc và bệnh tật, thật chẳng dễ dàng.
Nàng càng sợ hãi hơn khi lần đầu tiên được một ông Đại Sứ khác đưa nàng ra khỏi nhà đi dạo.
“Nó đáng sợ quá, phải không?”
“Cái gì đáng sợ? Nỗi chết?”
“Vâng. Cái chết khiến cho tất cả mọi thứ khác trở nên tầm thường nhỏ mọn. Trông ông ấy (một người Trung quốc vô danh nằm chết tựa vách tường) không giống con người.
Khi ông/bà nhìn ông ta, ông/bà khó có thể tự thuyết phục là ông ta đã có lúc là người sống. Khó có thể tưởng tượng rằng ngày xưa đã có lúc ông ta chỉ là một cậu bé chạy bổ xuống đồi để thả diều.”
Nàng không còn nén nổi tiếng khóc òa đang nghẹn trong cổ nàng.
Tôi không nhớ người nào, ông Đại sứ hay Kitty, đã nói câu gì trong mấy câu đối thoại phía trên.
Tiếng Anh không đòi hỏi người viết phải nêu rõ ra ai nói câu nào, nên chỉ dùng chữ “you.”
Tôi có thể dùng chữ bạn để thay vào chữ ông/bà, nhưng thôi, kệ nó. Chắc cũng không quan trọng. Tôi đã trả quyển sách để người khác đọc.
Thêm một đoạn dịch nữa, để thấy rằng mỗi khi có dịch thì nước giàu hay nước nghèo đều thiếu thốn như nhau, chỉ có thiếu nhiều hay thiếu ít. Mà thiếu như vậy là cả một sư chọn lựa, ai có thể sống và ai thì phải chết.
“Chúng tôi thiếu giường quá nên chúng tôi phải cho hai người bệnh nằm chung một giường và khi một người bệnh chết đi thì chúng tôi phải mang xác ông ta đi ngay để chừa chỗ cho người bệnh khác.”
Tôi tính viết cái gì đó không liên quan đến bệnh dịch nhưng cuối cùng rồi cũng viết về bệnh dịch