Cô hoàn toàn tin trí tuệ của mình.
Thi không có nhan sắc gì đặc biệt. Năm nay cô hai mươi chín tuổi. ở tuổi cô, lẽ ra người ta chồng con nặng gánh, tay xách nách mang. Nhưng cô vẫn son rỗi lắm.
Không hiểu sao từ nhỏ cô đã nghĩ rằng cô sinh ra để làm những việc cao quý lớn lao hơn việc lấy chồng sinh con, hoặc đầu tắt mặt tối làm việc gì đó nhàm chán không hợp sở thích cốt mưu sinh kế.
Xung quanh cô, mọi người đều lao vào vòng kiếm tiền, bằng những nỗ lực, bằng mồ hôi, đau khổ, và cả máu nữa.
Cô không nói ra, nhưng ngầm khinh thị bọn người chỉ biết có ngày hôm nay. Cô thấy họ tầm thường quá.
Thi sống trong căn hộ tồi tàn ở tầng bốn một khu tập thể cũ kỹ. Chín mười giờ sáng cô mới dậy, và vì chẳng biết làm gì, nhặt thứ này xem thứ kia, nghe một đoạn nhạc, hoặc tán chuyện tào lao với hàng xóm, những người còn ở nhà, rồi đến bữa trưa, khi cơm đã được mẹ cô dọn ra, cô ăn mấy bát. Rồi đi ngủ trưa.
Chiều, dậy giặt quần áo, làm những việc giống y buổi sáng, thêm việc tắm gội, xem tivi.
Rồi bữa tối xong, lại quanh quẩn cho đến khuya, đi ngủ.
Ngày nào cũng như vậy, tháng nọ hết năm kia, cô luôn luôn khinh thị những kẻ cắm mặt xuống đất mà làm ăn, chờ đợi những người đàn ông chân chính đến với mình, và không hề làm một thứ gì để mưu sinh cả.
Bố cô mất từ lâu, cô hầu như hoàn toàn sống dựa vào lương hưu của mẹ cô, một công nhân hưu trí.
Trong khi đó, cô đồng thời khinh thị sự nghèo nàn, cổ lỗ của bà.
Cô không chấp nhận cái lối sống ngàn đời của mọi người xung quanh cô. Trong cái ham muốn đầy mỏi mệt của người đời đó, cô thấy những tấn kịch nực cười, cô không hề muốn tham gia vào.
Và cô nghĩ, luôn luôn nghĩ về tương lai tốt đẹp, sự đầy đủ an nhàn, nổi tiếng, sự dư dật lúc về già, một chuỗi niềm vui trong môi trường mình thích, cứ như vậy, cô luôn luôn suy nghĩ và mong đợi.
Cô hầu như không cảm thấy thời gian trôi qua, và không bao giờ cho rằng tương lai là cái gì khác ngoài việc nó sẽ đến một cách thích hợp vào lúc nào đó.
Cô luôn luôn thành thực nghĩ rằng có điều tốt đẹp nhất, phù hợp nhất tất yếu sẽ tới với cô.
Mỗi khi có một cơ hội cải thiện đời sống, hoặc một yêu cầu bức bách phải thoát khỏi hoàn cảnh thúc giục, chẳng hạn một việc làm công nhật lương thấp, hoặc một khoản chi phí phải trả ngay, cô luôn luôn lần lữa.
Cô nghĩ đó chỉ là những sự kiện nhỏ trong đời, là phiền hà không đáng để tâm tuy làm cô khó chịu, một cái gì đó phải chấp nhận, nghĩa là trần xì sự thực vô nghĩa vô vị.
Không bao giờ cô nghĩ cô thuộc loại tầm thường như những người đầy dẫy xung quanh. Lúc nào Thi cũng cho là mình có phẩm chất cao quý nào đó ẩn dật bên trong, nó phù hợp với địa vị rạng rỡ nào đó mà cuộc đời phải dành cho cô.
Thực ra không phải cô chưa từng làm gì. Nghĩa là cũng có mấy việc cô thích, đã làm.
Trước tiên cô đi làm người mẫu, sau đó làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng mấy nơi đó đều chê cô, sau thời gian ngắn phục vụ.
Nơi chê người cô không hoàn thiện, thành ra công rẻ thì rẻ thật nhưng không làm sinh viên mỹ thuật hài lòng.
Nơi kia chê cô Anh ngữ quá kém. Sau đó có một cơ quan nhà nước nhận cô vào làm tiếp tân, cô đi mấy ngày rồi thôi, vì thấy bưng bê cho người khác nó hèn làm sao ấy.
Ngẫm nghĩ sự đời, cô thấy chúng nó đểu. Đứa nào cũng tham lam, đê tiện. Tất cả chúng nó đều hau háu nhìn cô, không đứa nào ra người.
Mà đồng lương chúng nó trả mới mạt làm sao. Nếu cô mà làm giám đốc! Phải, tại sao không? Khi cô là bà giám đốc, lúc ấy cô sẽ biến Công ty thành vương quốc riêng mà tất cả đâu vào đấy. Chúng nó phải thấy đàn bà có thể làm nên chuyện như thế nào.
Cô đang nhắm một công ty kinh doanh tổng hợp, chủ yếu là xe Honda và hàng điện tử. Cô hình dung rõ tương lai to lớn của nó.
Cô tin chắc một khi mình là nhân viên, cô sẽ nhanh chóng nắm chắc tình hình công ty, thông thạo đường đi nước bước, rồi với trí thông minh trời phú, cô chắc hẳn (tuy không dễ dàng) nắm lấy vị trí chủ chốt.
Cô hoàn toàn tin trí tuệ của mình.
Tuy vậy, trước cô có ba trở ngại: chuyên môn, Anh ngữ và vi tính. Cả ba thứ đó, cô chưa nắm vững được thứ nào.
Cô lấy làm hối tiếc đãsống phí thời gian qua. Đáng lẽ cô phải nắm được vấn đề ngay từ đầu. Tuy nhiên, gần ba mươi tuổi chưa phải là già. Có thể tuổi hơi lớn đối với hạnh phúc tình duyên, nhưng đối với sự nghiệp thì vẫn còn trẻ.
Cô học Anh ngữ và vi tính trước. Cô thấy chúng dễ học, phổ cập.
Nhưng theo học chưa bao lâu, cô gặp khó khăn tài chính.
Bình thường, nếu chỉ ngày hai bữa trưa tối thì mẹ cô còn có thể cung ứng được. Bà có chạy chợ thêm. Nhưng với nhu cầu học tập, cô không tài nào có đủ tiền.
Mẹ cô xoay xở tìm việc làm cho con. Một hôm, bà bảo cô có lẽ chiều tối đi học, ban ngày ra mặt phố bán bún phở gì đó, có tiền bù vào, lấy ngắn nuôi dài.
Thi nổi giận mấy ngày. Cô lớn tiếng quát mẹ và Tú, đứa em trai đang làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin. Cô trách họ ích kỷ, chỉ thấy tiền.
Lẽ nào cô thích hợp với việc đó? Đó không phải là việc của cô.
Làm sao cô có thể học tốt được, nếu vùi đầu vào mấy nồi xương lợn hầm?
Lẽ nào họ lại không muốn giúp đỡ cô tí chút lúc gặp vận gian nan? Chẳng phải trước đây các người cũng từng gặp vận đen đấy sao?
Hai người giải thích nhưng nay cô quá lớn rồi, nên nghĩ mình là con người phải tự quyết, độc lập.
Thi lên án mẹ, và cả bố, là những người mang bản chất thụ động, lười biếng, vô tình vô nghĩa, vô trách nhiệm, đầy ảo tưởng của thời kỳ bao cấp.
Tú nói, thế em thì trong thời gì. Cô đốp lại ngay, mày ở trong cơ quan ấy, còn bảo hoàng hơn vua.
Cô khóc lóc rền rĩ mà nói, có ai bị cuộc đời dày vò hơn cô, trong cái nhà này, cô là người duy nhất thực tế, là người có đầu óc thực tiễn và cấp tiến nhất, chẳng ai hiểu cô cả.
Nhưng mà họ tìm ra cho cô cái chân tạp vụ hợp đồng ở một ủy ban phường xa. Việc đó cô không thích, nhưng vì túng tiền quá, đành đi làm.
Trước khi đi, sáng đó, cô lại lên án cả nhà muốn đày cô, thằng Tú đốn mạt kia, tao biết mày chỉ nhăm nhăm muốn chiếm đoạt cái nhà này.
Ủy ban phường này xa nơi cô ở, nên cô thấy yên tâm. Cô ít lo sợ bị người quen bắt gặp. Hàng ngày cô lầm lũi làm mọi việc người ta sai bảo, chiều bắt đầu đi học.Cô học chăm, tấn tới.
Càng hiểu những người làm việc ở ủy ban này, cô càng thấy họ chẳng là cái thá gì. Theo cô, rặt tuồng tham quan ô lại
Hôm thứ Tư, có bà già vừa khóc nức nở vừa nhờ cô giới thiệu giúp cho một cán bộ phường, mà bà tin chắc chắn sẽ giúp bà gỡ rối chuyện xích mích hàng xóm.
Việc chỉ đơn giản vậy, nhưng Thi run sợ. Cô có cảm tưởng nhìn thấy mặt thằng hay gây sự đang rình. ừ, biết đâu đấy.
Một khi cô gián tiếp giúp bà này đàn áp được thằng kia, hắn điều tra vụ việc, liên đới trách nhiệm tới cô thì làm thế nào. Lúc ấy có chạy khỏi vạ được không? Chi bằng cứ tránh trước đi là hơn.
Cô ngỡ ngàng thấy bà già nọ vẫn gặp được ông cán bộ cần thiết kia. Hẳn là có người nào đó đã giúp bà.
Ít hôm sau, thấy bà tới phường cảm ơn mọi người. Mọi người, trong đó liên đới có cả cô. Cô thấy xấu hổ vì lời cảm ơn đó.
Được gần một năm thì cô nghe công ty mơ ước thông báo rộng rãi rằng họ đủ người rồi. Cô lặng đi. Không đủ can đảm trực tiếp đến công ty hỏi thăm, cô viết thư gửi tới. Phòng nhân sự trả lời rất tiếc, công ty đã đủ nhân viên có năng lực, dù có thiếu, cũng không thể chấp nhận cô được. Cô quá thiếu điều kiện để trở thành nhân viên công ty cần.
Cô như rơi từ trên đỉnh cao xuống đất.
Cô đi xe một mạch về nhà, đổ người lên giường khóc như mưa như gió. Cô đổ tội cho tất cả mọi người đã không nuôi nấng, tạo điều kiện giúp đỡ, gây dựng cho cô nên người.
Cô đổ tội cho xã hội bất công, ngu xuẩn, với những chính sách, cơ chế không bao giờ đáp ứng được nguyện vọng của con người.
Trời cũng có tội sinh ra cô không xinh đẹp khỏe mạnh như ai. Tất cả, tất cả trời và cõi nhân gian đều là kẻ tội lỗi, tất cả đều trực tiếp hay gián tiếp gây ra bất hạnh của cô.
Cô thấy rõ cuộc sống đầy ắp sự phi lý, mọt ruỗng, vô nghĩa, nhờm tởm.
Ủy ban phường nói với cô, cô rất cần cù. Họ muốn chuyển cô lên làm văn phòng.
Ông chủ tịch ủy ban hỏi:
– Chị nghĩ sao? Chị có muốn làm không?
Thi gật đầu. Ông chủ tịch hẹn sẽ giải quyết vấn đề này.
Thi về.Thi đi vất vưởng dọc hồ Tây. Chiều từ từ dăng tấm lưới xám u buồn của nó để bắt giữ những tia nắng cuối cùng của một ngày thường nhật. Lòng cô thất vọng tràn trề.
Tương lai mà ông chủ tịch phường hứa hẹn không phải là điều Thi mong đợi. Thi muốn những cái khác kia: sự độc lập, quyền lực, tiền bạc, danh tiếng. Tất cả những cái đó đều thuộc loài người, chỉ cần có can đảm giơ tay ra, cất chân lên đi tới giành lấy.
Thế mà đối với Thi, những điều cô khát khao luôn luôn vuột ra xa cô. Hình như số phận trớ trêu luôn bắt cô phải chấp nhận, phải sống với thực tại tàn nhẫn, trái khoáy, xa lạ đến đau lòng.
Cô chán nản trước thực tại. Thực tại như quyết bắt cô phải cúi đầu.
Mấy gã đàn ông lôi thôi đi qua cô. Mặt họ khó nhận rõ bởi ánh mờ nhá nhem. Gã nhỏ thó cất giọng bỡn cợt:
– Đi chơi không em?
Gã cao lớn đầu trọc liếc cô bằng một phần nhỏ con mắt, dài giọng nói:
– Quá đát lâu rồi.
Cả bọn cười hơ hớ kéo nhau đi.
Thi tê tái. Cô nhận ra sự thật khách quan từ miệng những kẻ ai cũng biết là hết sức thực tế đến ô trọc này, là cô quá thời rồi. Những ước mơ của cô, vô cùng xanh tươi, chất phác và mạnh mẽ như thời học phổ thông, đã không còn phù hợp với tuổi tác của cô.
Đáng lẽ, mùa gieo hạt phải qua lâu rồi, đây là mùa gặt hái.
Ánh sáng ban ngày hoàn toàn tắt. Trong đêm, những bóng đen lượn lờ dưới những ngọn đèn đường mờ tối và lác đác những chiếc đèn dầu đục ngầu.
Liếc nhìn những ả gái điếm đang quanh quẩn đợi khách, Thi thấy họ đều khá trẻ trung. Có lẽ họ trẻ như Thi mươi năm về trước.
Thi phải chăng đã già như những mụ Tú bà giả dạng bán chè thuốc ở đây.
Cô khinh thường họ. Đúng như vậy, và cô sẽ tiếp tục khinh thường. Cô cho là cả cuộc đời những kẻ như thế này sẽ chìm ngập trong ô uế và tội lỗi không bao giờ thoát ra được.
Nhưng đó là cuộc đời riêng biệt của họ, họ lựa chọn rồi hoặc đã phải tuân theo.
Một bàn tay đàn ông sặc mùi gì nằng nặng rờ lên vai Thi. Cô giật mình, cuống chân chạy ra giữa lòng đường rực ánh đèn.
Xung quanh cô, dòng xe lao vun vút vô tình. Cô nhận rõ mình thật lạc điệu. Hình như cô không thuộc thế giới này. Cô cũng chưa sẵn sàng thuộc thế giới nào. Đúng vậy, cô thấy rõ mồn một sự lạc lõng vô duyên của mình.
Có tiếng phanh xe rít lên ghê rợn. Người lái xe thò đầu ra ngoài xe, cáu kỉnh rít lên:
– Cái bà này, đi đâu? Làm gì thế? Muốn chết à?
Cô lắp bắp đến không ra hơi:
– Tôi… tôi… có làm gì đâu.
Xung quanh cô tiếng cười rộ lên. Cô hoàn toàn mất mọi tri giác. Có ai đó lôi cô ra ven đường. Dòng xe lại chảy như không có chuyện gì xảy ra.
Cô định thần dần. Rồi cô cay đắng nhận ra sự ám quẻ độc địa trong chính câu nói của mình:
– Tôi có làm gì đâu!
Cô điếng người bởi nỗi sợ hãi khôn cùng về chính bản thân, về cuộc đời hiện hữu của cô.
Cô nghĩ về những người đang vật lộn với cuộc sống của họ.
Cô nghĩ đến cương vị công tác mà người ta thực lòng muốn cho cô.
Cô nghĩ về những người thành đạt. Không phải lần đầu tiên cô nhớ họ. Trái lại, họ quá quen thuộc với cô. Họ cứ như cùng cô ăn ngủ hàng ngày. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên cô nhìn họ ở khía cạnh: họ khác xa cô, cô còn cách họ một khoảng rất lớn.
Cô khó lòng gặp họ. Hình như họ đã đi vượt cô một quãng đường dài hun hút bằng sự khôn ngoan và nỗ lực mà cô không có.
Hình như họ không rủ cô đi. Có thể là có lúc cô đã từ chối lời mời của họ.
Có lúc cô đã khinh họ, khi họ mặc áo rách và nét mặt bơ phờ.
Và cô hiểu có thể cả cuộc đời cô, cô cũng không gặp họ.
Trái tim đau thắt, lần đầu tiên trong cuộc đời mình, Thi nhìn những giấc mộng và nỗi đau khổ của chính mình với nụ cười đại lượng.