Tôi mơ được làm nhà văn.
“Ước Mơ Vươn Tới Một Vì Sao” là nhan đề một bộ phim rất ăn khách của Nam Hàn trước đây, tôi không có xem qua nên không biết bộ phim đó nói về cái gì, chỉ thấy thích cái nhan đề bởi vì tôi cũng từng mơ có ngày mình sẽ chạm tới một vì sao… mặc dù cũng biết cái ngôi sao lấp lánh kia nó ở xa lắm, nhưng mơ thì cứ việc mơ, mơ đâu tốn tiền, có người còn mơ giữa ban ngày nữa kìa.
Tôi mơ được làm nhà văn.
Từ nhỏ tôi đã thích viết… thường là viết tuỳ bút cho dễ, nghĩ sao viết vậy, không cố gắng đặt câu sao cho “hoa lá cành” như các bạn văn đồng trang lứa.
Lớn lên ra hải ngoại tôi có viết truyện ngắn đăng báo lai rai. Chỉ viết lai rai thôi nên mãi… vẫn chưa là nhà văn. Mà cái sự viết lách của tôi cũng không đều tay, có khi năm bảy tháng không có được một truyện ngắn nào.
Rồi tôi lặn mất tăm mất tích một thời gian dài đằng đẳng, rồi bây giờ bước vào tuổi xưa nay hiếm, lại viết… (viết như vậy biết tới bao giờ mới được kết nạp vào hội nhà văn đây ông?).
Tôi tự nhủ: “Có hề chi! Nếu không được cấp thẻ nhà văn, thì mình tự phong cái mác nhà văn cho mình cũng được vậy”.
Lúc mới viết, tôi thường viết kiểu tự truyện, nghĩa là câu truyện của một người xưng tôi. Viết như vậy thì dễ, cứ việc kể truyện của mình, tôi thế này, tôi thế kia.
Đôi ba lần nhân vật chính là “con gái”, rồi tôi tự nghĩ coi chừng người đọc sẽ nói ông nhà văn này có vẻ như thích giả gái.
Không, không phải vậy, tôi nhập vai đóng đàn bà thì nó dễ cho tôi trong câu chuyện kể lại.
Thỉnh thoảng tôi cũng dùng nhan đề có sẵn của một bài hát, một bài thơ hay một vở tuồng nào đó, tôi thích cái nhan đề đó quá bèn đem làm nhan đề cho truyện ngắn của mình.
Có một lần tôi đọc trên báo biết rằng người ta không thể nào xin bản quyền ở một nhan đề. Đành là vậy, nhưng bây giờ tôi cố tránh, không dùng nhan đề nổi tiếng ai cũng biết.
Bây giờ thì tôi thích dùng tên thật, thay vì dùng bút hiệu để ký tên tác giả cho những truyện ngắn của mình.
Hình như trào lưu thế giới giờ cũng vậy, nhưng mấy ông nhà văn Việt Nam thì ông nào cũng có nhiều bút hiệu, một phần chắc cũng tại mấy ông chủ báo.
Có lần đọc trên báo, một nhà thơ nổi tiếng kể lại, khi xưa mới vào nghề, ông chủ bút một nhật báo bảo ông thay đổi bút hiệu, vì độc giả không thích thấy một cái tên quen quen xuất hiện hoài trên mặt báo. À ra thế! Chuyện bây giờ… mình mới biết.
Tôi cũng có hai ba bút hiệu, cái thì để ký cho truyện tình cảm gia đình lâm ly bi đát, cái thì để ký cho mấy truyện tầm bậy tầm bạ thuộc loại cướp giết hiếp…
Tên thì chắc không ai được độc quyền… cái tên. Nhưng bút hiệu thì sao? Không biết thế giới có nhà văn nào ra toà xin độc quyền cái bút hiệu nổi tiếng của mình không.
Nhớ chuyện xưa. Hồi tôi còn nhỏ, thời Việt Nam Cộng Hoà, cô đào cải lương trẻ đẹp Kim Loan mới vừa nổi danh, đoạt “huy chương vàng giải Thanh Tâm”, tên tuổi bắt đầu sáng chói ai cũng biết. Bất ngờ bên làng tân nhạc xuất hiện một cô ca sĩ trẻ đẹp cũng tên Kim Loan.
Cô này mau nỗi tiếng nhờ… đẹp. Mỗi khi trên tivi có chương trình Tân nhạc có cô trình diễn, cả nhà xúm lại coi, thưởng thức giọng hát của cô thì ít, mà trầm trồ cái nhan sắc của cô thì nhiều.
Dạo đó để phân biệt, báo chí thường nói “Kim Loan tân nhạc” hoặc là “Kim Loan cải lương” để độc giả biết là cô nào.
Cô đào Kim Loan cải lương không biết vì không thích đụng hàng với ai khác, hay vì một lẽ nào đó, cô lẳng lặng đổi ra nghệ danh Mộng Tuyền, từ nay cô là Mộng Tuyền, còn cô đào Kim Loan kể như thuộc về dĩ vãng đã xa rồi.
Nghệ sĩ nổi tiếng trên thế giới không thấy ai trùng tên. Cô đào Marilyn Monroe hay tài tử Marlon Brando chỉ có một.
Còn bên Việt Nam hiện thời thì nghệ sĩ trùng tên nhiều đếm không xuể. Để phân biệt báo chí thường kèm theo cái tên con số 8x hoặc 9x.
Lúc đầu tôi thấy hơi ngồ ngộ cái tên “Diễm My 9x” (ba x đủ mệt, cô này ngon hơn… 9x), sau mới hiểu là cô thuộc thế hệ sinh năm thập niên 90, để phân biệt với cô Diễm My đàn chị một thời là nữ hoàng ảnh lịch.
Nhưng có nhiều cô không thích năm sinh đi kèm cái tên của mình, thành ra không có x nào cả. Thí dụ báo chí loan tin Trường Giang vừa làm đám cưới với Nhã Phương.
Độc giả tự hiểu cô Nhã Phương này là Nhã Phương đời bây giờ, không phải cô ca sĩ Nhã Phương thời hồi đó, là hai chị em Nhã Phương và Bảo Yến lừng danh hát hay xinh đẹp ai cũng biết.
Đề tài truyện ngắn của tôi thường loanh quanh ba cái vụ yêu đương trai gái… vì dễ viết. Tình cảm thì mênh mông, nói hoài nói mãi cũng còn chuyện để nói.
Nhưng cái kiểu dựng truyện tình, hoặc là vì hoàn cảnh éo le khiến cho hai người phải chia xa, hoặc là người nam hoặc người nữ bỗng phát bệnh nặng lìa đời (để lấy nước mắt độc giả), hoặc là có một phép mầu nào đó xuất hiện để câu chuyện tình kết thúc “có hậu” (nhiều độc giả thích như vậy), kiểu truyện tình như vậy có hơi xưa không còn ăn khách.
Tôi nhớ có lần xem trên Internet, nhạc sĩ Trúc Hồ nói: “Nhạc của Ngô Thụy Miên “sạch” quá! Phải dơ dơ một chút mới hay”.
Tôi không có một chút kiến thức nào về âm nhạc, tạm hiểu câu nói của Trúc Hồ theo cái nghĩa đen trần trụi của nó.
Thấy chưa bạn? Nhạc mà còn có dơ với sạch, truyện tình mà sạch quá đâu có hay.
Có một ông nhà báo mớm mồi cho tôi “Đời bây giờ kể truyện tình phải có chút chút cảnh phòng the mới ăn khách”.
Tôi bèn đem chuyện giường chiếu vào truyện của mình, không biết vì tôi diễn tả quá vụng, hay vì diễn tả quá đà mà sao tôi gởi đi ba bốn toà báo không tờ nào đăng.
Đôi khi tôi cũng muốn “làm mới mình” bằng cách thử viết về mấy đề tài ăn khách… cướp giết hiếp. Nhưng mình vốn là dân ngoại đạo, không phải là người trong nghề nên mấy truyện ngắn khai thác vụ án đượm mùi hình sự cũng chỉ phơn phớt bề ngoài (đâu biết gì nghiệp vụ chuyên môn).
Viết được vài ba truyện, bị chê “nhạt”, tôi thấy không xong, thôi trở về làm nhà văn chuyên trị truyện tình. Nói theo mấy ông nhà báo bên Việt Nam, ca sĩ nào chỉ hát được một giòng nhạc, ca sĩ “một màu”. Mình là nhà văn chỉ viết một thể loại, nhà văn một màu. Cũng đâu có sao.
Phàm ở đời làm một nghề gì cũng phải học qua trường lớp, phải được đào tạo có bài bản. Nhiều người có giọng hát hay trời cho, muốn làm ca sĩ phải đi học thanh nhạc.
Muốn làm nhà văn thì phải đi học viết văn. Tôi tuy muốn làm nhà văn nhưng lười đi học quá! mà có vô lớp chắc cũng ngủ gục. Thành ra tôi là một nhà văn “đi lên bằng chính đôi chân của mình”.
Truyện tôi viết xin đừng ai đem ra bắt lỗi chính tả, chắc là nhiều đếm không hết. Câu văn tôi viết có khi gảy gọn có khi lại lủng ca lủng củng, tuỳ lúc.
Có lần đọc trên báo Văn, thấy ông Mai Thảo khuyên một người viết mới, “cố gắng dùng chữ cho chính xác”, tôi nhớ lời khuyên này của sư phụ nên tự nhủ lòng, cố gắng viết sao cho người ta hiểu là được rồi, còn viết một câu văn sáng đẹp lấp lánh thì tôi… không dám đâu.
Ý tưởng để viết thì tôi có nhiều, mà tôi nghĩ nhà văn nào cũng vậy, không sợ thiếu đề tài. Có lần đọc báo thấy nhà văn Ngô Nguyên Dũng nói rằng: “Ý tưởng của nhà văn thì như nước trong giếng, có khi vơi khi đầy, nhưng múc hoài không bao giờ cạn”.
Tiếc quá! Giếng nước chớ phải chi là giếng dầu như mấy cái giếng dầu xứ Ả Rập thì không nhà văn nào… bị nghèo.
Nhiều người hay nói, muốn mần thơ cho hay phải thất tình, muốn viết truyện cho hay phải bị cuộc đời đá bầm dập.
Lâu lâu tôi cũng tự hỏi, như vậy mấy người thành đạt, ở nhà biệt thự đi xe sang, vợ đẹp con ngoan chắc không thể nào là một nhà văn được.
Đàn bà mà làm thơ hay nhất định phải xấu, chẳng hạn như cô nàng “Em là gái trời bắt xấu”, nhờ xấu thành nổi tiếng.
Có lẽ nào như vậy!
Một lần đọc trên báo, có ông nhà văn chuyên viết kịch bản cho mấy nhà làm phim ở Hollywood, ông nói: “Nhìn vào số tiền tôi kiếm được, có vẻ như tôi thành công. Nhưng nhìn vào số kịch bản tôi viết ra được dựng thành phim, tôi là người thất bại”.
Ông nói thêm, mỗi năm Hollywood mua hàng chục ngàn kịch bản, nhưng dựng thành phim chỉ một phần mười số đó.
Đã vậy, có nhiều phim đã hoàn tất mọi khâu nhưng không bao giờ đem ra trình chiếu. Lý do thì chắc chỉ mấy ông trong nghề mới biết.
Tôi kể chuyện này vì thích câu nói của ông nhà văn viết kịch bản phim đó quá, khi đem ví von với sự nghiệp viết văn của mình (mặc dầu sự so sánh có hơi khập khiểng).
Trải qua nhiều năm tháng, số lượng tác phẩm của tôi cũng kha khá, “nếu tính đầu sách được in, tôi có vẻ là một nhà văn thành công. Nhưng nếu tính số truyện hay mà tôi có được, tôi chỉ là một nhà văn không có “thương hiệu” (cũng giống như ca sĩ không có bản hít vậy).
Tôi viết nhiều viết đã lâu sao chưa nổi tiếng. Dân trong nghề thường nói muốn nổi tiếng phải có số may mắn, cũng giống như ca sĩ, hát hay nhưng không được tổ đãi thì coi như ế show dài dài.
Nhiều người sẽ hỏi, ông viết không có tiếng mà cũng chẳng có tiền, sao ông cứ viết chi hoài vậy. Người trong cuộc mới hiểu, nhiều người “giống như tôi” không lạ, bởi họ cũng cặm cuội viết ngày viết đêm.
Có người nói, viết như một cái nghiệp, “đã mang lấy nghiệp vào thân” thì cứ phải viết thôi. Có người nói tôi bị nghiện… viết, giống như người nghiện xì ke không viết không được.
Mặc dầu đôi khi cũng biết, viết một bài thơ, viết một truyện ngắn, đăng lên báo một lần rồi nó lại lọt thỏm vào hư vô đâu mất tiêu.
Vậy thì mấy ông mấy bà cặm cụi viết để làm gì?
Ai sao thì tôi không biết, nhưng riêng tôi, tôi cảm thấy hạnh phúc lắm khi mần được một bài thơ, khi viết được một truyện ngắn.
Có người được trời cho nhan sắc, có người được trời cho tài năng, riêng tôi, tôi được trời cho một chút khiếu viết lách.
Dù chỉ là một chút nhỏ nhoi, nhưng bài thơ kia, truyện ngắn kia, nhiều năm sau khi tôi qua đời, vẫn có người đọc, vẫn có người còn cảm xúc vui buồn cùng tôi, thì đó chẳng phải là một ân sủng thượng đế đã ban cho tôi hay sao.