Bà là người duy nhất ở đây không có thân nhân, không hề có ai liên lạc thăm viếng”
…Bà Sáu đang sống trong thế giới của bà, một thế giới mù mịt của trí nhớ, quá khứ như lẫn vào hiện tại, những người thân đã qua đời, những đứa con phiêu bạt, nhưng tưởng vẫn còn lẩn quẩn ở gần đây với bà, và thời gian không có gì thay đổi. Trong tình trạng như thế, bà không biết buồn…”
Vào tháng 5 năm 1992, cựu Thiếu Tá Lê Văn Giỏi, quê ở Bà Rịa, một sĩ quan phục vụ tại Vùng 4 Chiến Thuật, sau 7 năm tù dưới chế độ Cộng Sản, đã đưa vợ là Trầm Thị Sáu đến California theo chương trình H.O. dành cho những người cựu tù “cải tạo”.
Các con của ông bà đều đã lập gia đình và lớn tuổi nên phải đành ở lại để hai ông bà già lên máy bay đi Mỹ. Thời gian đó, hai ông bà đã trên 65 tuổi, họ được lãnh trợ cấp dành cho người cao niên, tằn tiện ở trong một nhà xe của người quen cho mướn.
Như những gia đình những người cựu tù chính trị đến Mỹ trong thời gian này, chỉ sống bằng đồng tiền trợ cấp, tuy không lấy gì làm sung túc, nhưng dè sẻn cũng có đồng đô la gởi về giúp cho các con ở quê nhà.
Tháng 4 năm 2001, ông Lê Văn Giỏi bị tai biến mạch máu não, phải nằm bệnh viện một thời gian, sau đó được chuyển vào nursing home này.
Trong thời gian ấy, thỉnh thoảng bà Sáu cũng đi nhờ xe người quen lui tới thăm ông. Ông ngồi xe lăn suốt ba năm, rồi kiệt lực, ra đi vào Mùa Ðông năm 2004. Hai năm sau, 2006, bà Trầm Thị Sáu lại theo chân chồng vào đây.
“Nếu ra khỏi cơn hoang tưởng, tỉnh táo, bà Trầm Thị Sáu sẽ khổ biết bao, vì bà là người duy nhất ở đây không có thân nhân, không hề có ai liên lạc thăm viếng”
Trong 16 năm hầu như bà Trầm Thị Sáu, năm nay đã 85 tuổi, sống trong sự lãng quên của mọi người. Bà không gia đình, không con cái, mà cũng không hề có ai thăm viếng.
Những đứa con bà từ lâu đã mất liên lạc, chắc chúng cũng còn nhớ là có một bà mẹ già ở Mỹ nhưng không biết bây giờ lưu lạc ở đâu, đã chết hay còn sống.
Những người bạn già của bà thời sang Mỹ, hay những người quen biết ngày xưa, không còn ai nhớ đến bà, mà còn nhớ, giữa nước Mỹ tất bật hôm nay, cũng không ai bỏ thời giờ đến thăm một bà già dở hơi, nói năng lẩm cẩm, nhớ nhớ quên quên trong một căn nhà dưỡng lão ở miền Tây nước Mỹ này.
Một vùng nhớ, một vùng quên
Người ta thường nghe nói những người bị bệnh lú lẫn (Alzheimer) quên chuyện hiện tại mà thường nhớ lại những chuyện rất xa.
Phải chăng vì vậy mà bà Trầm Thị Sáu không biết hiện nay bà đang ở đâu, đã ai cho bà ăn trưa chưa nhưng bà lại nhớ rõ tên và năm sinh chồng của bà.
Ở một vùng nào đó trong trí nhớ, hình ảnh của người chồng bà không hề phai nhạt. Bà còn nhớ và nói rõ tên ông là Sáu Giỏi, ông tuổi Tý và bà tuổi Dần, nghĩa là ông hơn bà ba tuổi.
Nhưng bà Sáu lại nói “ổng bận đi làm, chiều hôm qua mới vào thăm tui đây mà!” Hỏi con, bà Sáu “hai đứa lớn bận lắm, còn con nhỏ đang đi học ở Việt Nam!”
Hỏi nhà, bà Sáu nói “có hai căn, trước kia là nhà thương, họ mới bán lại cho tui. Một căn đằng kia, một căn ở đây!”
Vừa nói bà vừa khoát tay chỉ quanh chỗ bà ở. Ðang ngồi trên xe lăn mà tôi vừa đẩy giúp bà từ hành lang vào chỗ ở của bà, chỉ vào chiếc giường, bà nói một cách tỉnh táo, không có vẻ gì là đùa cợt: “Tới nhà tui rồi!”
Bà Sáu đang sống trong thế giới của bà, một thế giới mù mịt của trí nhớ, quá khứ như lẫn vào hiện tại, những người thân đã qua đời, những đứa con phiêu bạt, nhưng tưởng vẫn còn lẩn quẩn ở gần đây với bà, và thời gian không có gì thay đổi.
Trong tình trạng như thế, bà không biết buồn. Nếu ra khỏi cơn hoang tưởng, tỉnh táo, bà Trầm Thị Sáu sẽ khổ biết bao, vì bà là người duy nhất ở đây không có thân nhân, không hề có ai liên lạc thăm viếng.
Tuy vậy, nếu qua đời, bà cũng không phải là một xác chết vô thừa nhận, ban giám đốc Garden Park Care Center này sẽ toàn quyền quyết định việc hậu sự cho bà, và ông Nguyễn Na, người có nhiệm vụ lo cho người Việt có khoảng 80% trong trung tâm này hứa sẽ lo thiêu cốt bà đem gởi vào chùa.
Gia đình thân thuộc của bà Trầm Thị Sáu bây giờ là những nhân viên nhà dưỡng lão lo cơm cháo, thuốc men cho bà và những người đồng cảnh ở chung phòng của bà, nơi mà bà gọi đó là “nhà đã mua xong.”
Sáu Giỏi, ông ở đâu?
“Một nam ca sĩ tài tử đang hát bài “Xuân Này Con Không Về”. Tôi thấy bà hát theo. “Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”, nhưng đã mấy năm nay, mẹ nằm trong nursing home, không biết những đứa con có thấy buồn không?”
Sáng hôm nay, tôi gặp lại bà Sáu trong phòng ăn của trung tâm, trông bà có vẻ tươm tất sạch sẽ như vừa mới được tắm gội xong, ngay cặp kính lão cũng được lau chùi sạch sẽ.
Hôm nay là ngày mồng bốn Tết, các cụ được đãi một bữa ăn đặc biệt và có ban nhạc Chân Quê đến giúp vui, nên các cụ được tập trung tại đây, hầu hết đều ngồi trên xe lăn.
Buổi sinh hoạt này được tổ chức hàng tháng do các ban nhạc tài tử tình nguyện đến giúp vui như ban Thanh Mỹ, Reach Out Foundation, Viễn Du, Sống Vui và đôi song ca Lan Hương-Xuân Thanh (trong ba tù ca Xuân Ðiềm).
Khác với không khí yên lặng, buồn nản thường ngày của một nursing home, hôm nay ở đây vui vẻ, náo nhiệt hẳn lên, tuy vậy trong các cụ, không phải ai cũng cảm nhận được niềm vui này.
Trong tiếng nhạc ồn ào, trên xe lăn, nhiều cụ đang ngủ, đầu ngoẹo sang một bên hay gục xuống ngực, nước dãi chảy ra hai khóe miệng.
Có những ông bà gương mặt đờ đẫn mơ màng như đang sống trong một thế giới riêng tư khác. Có những người tự ăn được, nhưng cũng có người phải có người đút thức ăn giúp.
Có bà cụ được người nhà đem hoa đến tặng, nhưng cũng có người ngồi lặng lẽ một mình.
Tôi hỏi một thiếu nữ mặc áo dài đỏ đang đút súp cho một bà cụ, có phải cô là thân nhân của cụ hay không? Cô cho biết, ở đây có nhiều người như cô, không phải là thân nhân, cũng không phải là nhân viên trung tâm, nhưng tình nguyện đến giúp đỡ săn sóc các cụ.
Một người đàn ông đứng tuổi đang vào săn sóc bà vợ vừa bị stroke đang phục hồi, hai vợ chồng một ông bạn H.O. đang đút cơm cho mẹ già 95 tuổi.
Hôm nay là ngày Chủ Nhật, lại là ngày còn không khí Tết, nhưng không phải ai cũng có thân nhân lui tới thăm viếng, con cái ở xa hay bận bịu công việc hay cũng có thể mải vui chơi.
Trong khi một nam ca sĩ tài tử đang hát bài “Xuân Này Con Không Về”, một bài hát trong thời kỳ chiến tranh mà chúng ta, hầu như ai cũng biết, tôi thấy bà cụ còn tỉnh táo, ngồi ở hàng xe lăn đầu đang hát theo.
“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”, nhưng đã mấy năm nay, mẹ nằm trong nursing home, không biết những đứa con có thấy buồn không?
Bà Trầm Thị Sáu đang sống trong sự quên lãng của thân quyến họ hàng. Bà không có bà con ở Mỹ, chồng bà đã qua đời, bà có nhiều đứa con ở Việt Nam nhưng đã bặt tin tức.
Trong câu chuyện với bà, có điều bà quên nhưng cũng có điều bà nhớ. Gặp lại tôi, có lẽ vì thấy quen mặt, lần này bà Trầm Thị Sáu lại hỏi, một điều bà còn nhớ, là tên chồng, và một điều bà đã quên, là chồng bà đã qua đời.
Lần này, bà nói: “Ông có gặp Sáu Giỏi ở đâu không, sao không thấy vào thăm tui?”