Chuyện phim buồn
Chuyện phim buồn
Hồi còn đi dạy học, tôi khá thân với cô bạn đồng nghiệp tên Nga, vì cùng tuổi trẻ, dạy cùng khối. Nga là tiểu thư gia đình khá giả ở Phú Nhuận. Nàng có dáng dấp mảnh mai, yếu đuối với mái tóc dài hiền dịu, còn tôi thì ngược lại, hoạt bát và xông xáo.
Nga có cảm tình với anh thầy giáo trẻ trong trường, tên Quân, và anh ta cũng không ngại bày tỏ điều ấy cho cả trường biết.
Họ hay rù rì đứng riêng một góc nói chuyện trong giờ ra chơi, những buổi tan trường thì đợi nhau cùng về, và luôn ngồi bên nhau trong các giờ họp hành, văn nghệ, liên hoan.
Dĩ nhiên, ai cũng ủng hộ, nhiệt tình vun vén cho “chàng và nàng”.
Ngày cuối năm của năm học ấy, nhóm giáo viên nữ chúng tôi rủ nhau đi xem phim trước khi chia tay nghỉ Hè. Cả đám vui vẻ nhốn nháo vào rạp, vừa nhai đậu phộng chờ phim bắt đầu, thì nhỏ ngồi kế bên tôi thì thào, hổn hển: “Ê, đứng dậy ra ngoài mau lên!”
Tôi ngơ ngác chưa kịp hỏi lý do thì thấy cả đám đồng loạt đứng lên, nên tôi cũng vội vàng đi theo ra ngoài. Tới nơi, thấy mấy đứa đang dìu đỡ Nga vì sắc mặt nó nhợt nhạt, đứng không vững.
Tôi hỏi: “Trúng gió hả?”.
Một đứa nhanh nhẩu: “Trúng độc thì có! Mày không biết thật à, chắc là lo ăn đậu phộng say sưa quá mà! Con Nga ngất xỉu vì Thầy Quân ôm eo một cô gái đi vào rạp, ngồi trước mặt tụi mình, cách mấy hàng ghế kìa!”.
Tôi liền hiểu ra vấn đề, bèn nổi sùng: “Vậy tụi mình quay lại dằn mặt ổng, sợ gì chớ!”.
Mấy đứa cản tôi lại, bảo rằng cần phải kêu xích lô đưa Nga về gấp, sức khoẻ của nó mới là quan trọng, còn tên sở khanh kia, từ từ sẽ xử hắn sau cũng không muộn.
Hai ngày sau, tôi đến nhà thăm Nga, mới hay nó nằm gí trên giường từ hôm ấy, không chịu ăn uống gì, chỉ nằm khóc cả ngày, làm cả gia đình lo lắng.
Tôi ngồi an ủi, ép nó ăn chút cháo, rồi làm mặt lạnh lùng tuyên bố: “Tao cho mày đúng một tuần để vực dậy, loại cái tên phản bội ấy ra khỏi đầu óc, nếu không đừng nhìn mặt tao nữa!”
Vậy mà cũng hiệu nghiệm. Tuần sau nó đến rủ tôi đi ăn chè, dù sắc mặt còn buồn nhưng cũng thấy nó chịu nói chuyện, chịu mỉm cười. Ðể tránh gặp lại “người ta”, nó cũng xin chuyển trường về dạy ở Phú Nhuận khi hết hè, qua năm học mới.
Giờ nghĩ lại, tôi thấy cũng tội. Chỉ vì sợ mất cô bạn quý hoá (là tôi), nó phải gượng dậy, vội vã chôn vùi mối tình đầu, mà người đời thường nói “không bao giờ quên được” ấy.
Còn tôi, chuyện của người ta thì sáng suốt, chớ chuyện của mình cũng rối mấy cục tơ vò, nên giờ đây, mỗi khi nhớ về mái trường xưa, học trò, đồng nghiệp là nhớ ngay hình ảnh yếu đuối của Nga trước rạp hát hôm ấy, nước mắt nhạt nhoà, và câu hát trong bài hát “Chuyện Phim Buồn” lại văng vẳng vang lên, “Người ơi, sao chiếu chi những phim u buồn, để lòng tôi tái tê…” mà cứ ngỡ rằng tác giả viết cho chúng tôi chớ không phải ai khác!
Tomorrow is another day
Trong thời kỳ sách báo khan hiếm do chính quyền “thiên đàng” CSVN đốt sạch “văn hoá đồi truỵ”, tôi may mắn đọc được cuốn sách khá “nặng ký” so với tuổi mới lớn của mình: Cuốn Theo Chiều Gió (Gone With The Wind).
Ðọc tới đâu, say mê tới đó, hai cuốn dầy cộp hết cái vèo trong lưu luyến.
Những năm sau, một buổi tối, có hai người bạn tên Phi và Phú, chung trường Sư Phạm đến chơi nhà tôi (Phi ở cầu Băng Ki, xóm Cây Thị, còn Phú nhà ở Củ Chi nhưng ở ký túc xá trường học). Lúc ấy chưa có phone nên thường là đến chơi bất ngờ, nhưng tôi vẫn vui vẻ tiếp đón vì họ là những bạn thân trong lớp.
Khách ngồi chưa ấm chỗ, thì nhỏ bạn hàng xóm chạy qua, ghé tai tôi thì thầm:
– Ở xí nghiệp X28 của anh tao có cuốn video Cuốn Theo Chiều Gió, chỉ chiếu cho thân hữu xem thôi, nên tao ưu tiên gọi mày vì biết mày mê truyện đó!
Trời! Còn hơn… trúng số ấy chớ. Niềm ao ước được “gặp” Scarlett, Rhett Butler, trang trại O’Hara Atlanta, làm tôi …trở mặt bất lịch sự với hai thằng bạn:
– Hai ông đi về giùm tôi nha!
– Sao vậy? Tụi tui còn chưa uống xong ly nước bà mời?!
– Tại tui phải đi coi phim Cuốn Theo Chiều Gió. Tui đợi nó bao năm rồi!
– Cho tụi tui theo được không, tui cũng thích phim đó.
– Dĩ nhiên là không! Thôi về lẹ đi cho tôi nhờ, mai tới lớp tôi bao cà phê đá tạ lỗi.
Hai đứa tiu nghỉu ra về, còn mặt tôi hớn hở và chắc cũng…vô duyên lắm. Nhưng cũng thật đáng đồng tiền bát gạo, phim hay như truyện, các nhân vật đúng như tôi tưởng tượng (ngoại trừ chàng Ashley hơi yếu đuối, không đáng để cô nàng cá tính mạnh mẽ như Scarlett yêu trộm nhớ thầm.
Mà thôi, tuổi trẻ ai chả thế, thần tượng sai lầm, trái tim thổn thức không đúng chỗ, đầu óc u mê là chuyện … bình thường!)
Sau này, khi ra trường, Phú gặp tôi vài lần, than thở gia cảnh. Vì bố là sĩ quan VNCH, sau khi đi học tập cải tạo về nhà làm ruộng vườn với vợ con, vẫn bị chèn ép, ức hiếp, (xứ Việt Cộng nằm vùng Củ Chi, ăn cơm Quốc Gia thờ ma Cộng Sản nổi tiếng trước 1975 mà).
Mấy lần ba Phú đi vượt biên không thành, nhà càng nghèo túng, khó khăn. Lúc ấy, tôi đã nhớ câu nói của Scarlett khi đau đớn thất vọng vì đứa con gái bé bỏng vừa chết do tai nạn, tình yêu với chồng Rhett Butler hoang mang, bên bờ vực thẳm, trước khi trở về trang trại O’Hara tĩnh dưỡng, trong bóng mờ hoàng hôn, cô ấy đã tự vực dậy mình: “Tomorrow is another day”.
Tôi đã an ủi Phú bằng câu nói đó, và nhiều lần trong đời, cho đến tận bây giờ, ủi an lại chính mình.