Nhà thờ Con Gà ở Ðà Lạt quả là một biểu tượng của thời tóc còn xanh, còn gắn bó với tình bạn và yêu mê nghệ thuật.
Mùa Lễ…Xin nói về những ngôi nhà thờ.
Trong ký ức phiêu lãng của đời tôi, có bóng những ngôi giáo đường. Chẳng phải tại tôi tin đạo đâu mà vì những hình ảnh đó đẹp.
Đẹp theo cách nhìn nào đó, chứ không phải chỉ đẹp theo nghĩa một kiến trúc mỹ thuật thuần tuý.
Và tôi yêu bóng dáng những ngôi nhà thờ ấy biết bao, cũng như yêu những chặng đời đã qua cùng đất nước tôi, dù trong khốn khó bão giông…
Nhà Thờ Đức Bà ở Sài Gòn – nguồn vntrip.vn
Vâng. Nói về những ngôi giáo đường nguy nga, trước hết, phải kể đến Nhà Thờ Ðức Bà ở Sài Gòn.
Phải nói đây là một kiến trúc đẹp theo nghĩa mỹ thuật. Màu gạch đỏ au, đứng sừng sững nguy nga.
Chung quanh là phố xá với những cây sao cao vút, cùng với tiếng chuông vươn lên tới trời.
Ở đây, trong bóng tỏa thâm u với những họa phẩm cổ xưa ngời sáng lấp lánh ngũ sắc trên vòm cao.
Vào năm 1990 vợ chồng Tim đã vào quỳ cầu nguyện cho hai con vượt sóng gió biển khơi được bình an tới bờ tới bến.
Nhà thờ Mỹ Tho, nhà thờ Pleiku… là những nơi đã được nhìn thấy và mến yêu trong đời. Em, cho tới giờ phút này, anh vẫn còn nghe vẳng tiếng chuông ngân và bóng những con chiên thuần thành của Chúa sáng chiều vào ra.
Và điều này nữa, thật là tội nghiệp, trên đường lưu đày đất Bắc năm 1976, lúc đi ca nô qua Thác Bà, Tim tôi đã được nhìn thấy ngôi nhà thờ ngập chìm trong hồ nước, chỉ còn nhô lên cái tháp chuông dưới bóng nắng chiều đổ lửa.
Các bạn tù của Tim như Lâm Chương, Tô Thùy Yên, Huy Phương… chắc không bao giờ quên hình ảnh này.
Và một ngôi nhà thờ nữa cũng trên đất Bắc mà Tim này đã được nhìn thấy khi xe chở tù đi ngang qua. Mái, tường rêu phong, cỏ mọc đầy lối đi và các soeurs tiều tụy đang khom mình gặt lúa tăng gia sản xuất trước vuông đất của nhà thờ!
Ngoài ra, cách đây khá lâu, trong những tấm ảnh của Phan Thị Như Ngọc post lên trên lưới, có bóng hình ngôi nhà thờ đá xám ở Sapa.
Và mới hôm qua thôi, Lê Chiều Giang gởi cho một bài viết, trong đó cũng có hình ngôi Nhà Thờ Ðá Sa Pa.
Dưới mắt Tim tôi, ngôi nhà thờ này đẹp quá -không phải đẹp trong vẻ sang trọng phù hoa mà trong sự khiêm cung thầm lặng và khốn khó.
Nó đứng đó dễ cũng đã ngoài trăm năm và tiếng chuông sớm chiều đã in vào đá núi.
Ôi, những ngôi nhà thờ xưa. Tim tôi yêu và rất đỗi xót xa khi nhìn thấy bóng dáng những ngôi nhà thờ vừa kể ở Thác Bà, nơi thị trấn nào đó của đất Bắc và trong tuyết xám lạnh lẽo của Sapa.
Chính ở đây ta nhìn thấy hình ảnh thương khó của Chúa Giê-su.
Tuy nhiên với Tim tôi, ngôi nhà thờ thân quen nhất và gắn liền với nhiều kỷ niệm thời xanh nhất, là Nhà Thờ Con Gà ở Ðà Lạt. Bạn Ðinh Cường ơi, bạn đang ở đâu, khuya nay dưới bầu trời Garland đầy tiếng động, chớp xanh ngời sáng một góc vườn lá rụng tơi bời và những sợi mưa nghiêng, mình rót hai ly rượu đỏ hướng vọng sang Virginia, mời bạn uống cạn để cùng thấy lại một thời.
Nhà thờ con gà Đà Lạt – tranh Đinh Cường
Nhà thờ Con Gà ở Ðà Lạt. Không biết ở nơi nào trên thế giới có một ngôi nhà thờ như thế không -tôi viết trong một đoạn ký- chân trời tôi giới hạn nên không thấy, nhưng chắc thế nào cũng phải có, xin bạn mách giùm tôi.
Nguyễn Ðạt, hiện ở Sài Gòn, trong một email ngắn gởi cho Tim cũng đã lâu lắm rồi, có cho biết ở thành phố quê nhà của họa sĩ Corot (Pháp) có một ngôi nhà thờ tương tự, trên đỉnh tháp cao là con gà vươn mình gáy.
Tim tôi, cũng như Nguyễn Ðạt, Quỳnh Giao, Tô Thùy Yên và nhiều bạn nữa của thời thập niên 1960 được xem một phim đen trắng của Pháp cực hay có tựa đề Les Dimanches de ville d’ Avray (Chủ Nhật ở Thành Phố Avray).
Trong phim, có hình ảnh ngôi nhà thờ con gà với mối tình thơ dại của một phi công thời chiến bị thương và cô gái mồ côi 12 tuổi nương nhờ các soeurs trong chủng viện.
Mỗi Chủ Nhật, chàng phi công mạo danh là cha cô bé đến đón bé ra và hai người rong chơi với nhau. Thế nhưng chuyện tình trong trắng của họ trở thành một scandal trong thành phố Avray.
Một bà soeur nghi ngờ đã đi báo cảnh sát. Một hôm, vào dịp lễ Giáng Sinh, cô bé ngắm nhìn nóc nhà thờ, nói với chàng trai là cô thích con gà trên ấy. Chàng cựu phi công bèn trèo lên nóc nhà thờ tìm cách lấy con gà xuống cho cô bé giữa lúc cảnh sát đến bao vây…
Trở lại với thành phố Ðà Lạt. Nhà thờ Con Gà ở Ðà Lạt quả là một biểu tượng của thời tóc còn xanh, còn gắn bó với tình bạn và yêu mê nghệ thuật.
Năm 1965 Ðinh Cường đã mở triển lãm ở trụ sở Alliance Francaise ngay tầng dưới Hotel du Parc. Ở đây, trong nhiều năm liền, Tim tôi làm việc ở đài phát thanh ngay tầng trên của tòa khách sạn.
Những sáng, những chiều đứng ở góc lộ thiên, chỗ cầu thang bên hông bước xuống đường Nhà Chung, Tim đều nhìn thấy đỉnh Nhà thờ Con Gà.
Và những đêm từ phố khuya về, ngước nhìn lên chỗ con gà đứng là thấy vầng trăng. Thi cũng đã nhiều lần nhìn thấy, phải không?
Các bạn ơi, trăng trên nóc Nhà thờ Con Gà mãi mãi vẫn còn. Cho dù cuộc phiêu du không đường trở lại quê nhà.
Nhà Thờ Đá Sa Pa – nguồn tago.vn