Tang chế thời Covid hiu quạnh, nỗi đau người mất là chẳng có ai quanh để khóc.
Chuyến bay gấp gáp từ Nội Bài vô Tân Sơn Nhất lại trễ hơn một giờ vì cơn bão Higos.
Tôi bồn chồn nỗi lo không kịp say goodbye ba. Chỉ vài giờ trước, người thân gọi Zoom trực tuyến từ Sài Gòn nối với LA và Hà Nội – trên màn hình smartphone, khuôn mạo nhợt nhạt của cha tôi chực chờ trước lưỡi hái thần chết …
Ðón tôi là Hào trên chiếc xe Wave cà tàng. “Chắc dượng chờ cô về rồi mới đi!”, tiếng Hào xen trong tiếng gió xe vù vù, cơn mưa đêm Sài Gòn chỉ đủ ướt mặt.
Căn chung cư nằm ở tuốt quận 9 heo hút. Căn phòng như cái hộp kín hơi, sơ sài chiếc giường đệm cho người bệnh già, cái máy trợ thở oxy đầu giường, một chiếc xe lăn phủ bụi gấp lại trong góc phòng.
Một hình hài trông như cái xác thoi thóp dính trên mặt giường, cổ họng thoát ra tiếng khò khè ảm đạm.
Biến chứng mưng mủ của những khối u bàng quang, trực tràng, cơn đau vật vã của chứng suy phổi nặng…
Chị Mai, mẹ của Hào, mặt thảng thốt vì đã mấy ngày ba tôi chẳng ăn uống gì. Cái chết rình rập chẳng biết ông đi lúc nào. Tôi về chị như nhẹ gánh.
Cầm những ngón xương gầy đang trốn dần sự sống, tôi gọi, “Ba ơi, con là Hạnh về với ba đây!”
Trên gương mặt bất động, những giọt nước mắt chợt tứa trào…
Cuộc khủng hoảng giới tính của cộng đồng Việt non trẻ sau 1975 ở Mỹ kéo gần ba tôi đến với dì D., người đàn bà vài đời chồng và năm người con riêng.
Chỉ vài năm sau khi rời Việt Nam, ông đã có ba người con chung với dì. Quit cái job kỹ sư hóa học, ông mang giấc mộng về nhà hàng bạc triệu.
Từ một nhà hàng gia đình nhỏ, cái ước mộng thành hiện thực với nhà hàng “Mai Village” bề thế có tiếng ở Song Thành – Twin Cities. Thành đạt về tài chánh, chuyển nhà về khu neighborhood giàu có cùng ba đứa con gái xinh xẻo.
Vốn ông nội là quan nhị phẩm triều Bảo Ðại, ba tôi phong lưu với thú chơi lan quý, bonsai, chim cá, đồ cổ, cùng những đồ uống hảo hạng… ông ưu ái dành cho những đứa con gái rượu của mình cuộc sống sung túc đủ đầy.
Như một đứa con bị ghẻ lạnh trong cái gia đình nhiều huyết thống pha trộn, cái tôi trưởng thành sau mười mấy năm xa cách là hình ảnh ông không quen thuộc.
Có lẽ, cái khoảng trống thời gian tôi và ông chẳng đủ nỗ lực để khỏa lấp. Tôi như một cái footnote – cước chú ngoài rìa trong trang giấy gia đình viên mãn của ba.
Mai Village phá sản bởi một dự án hạ tầng, kế đến là cú sốc tai biến – ông dính tiệt với cái xe lăn từ đó.
Chẳng bao lâu, người dì từng đầu gối tay ấp với ba tôi, trở tính hành hạ tinh thần lẫn thể xác ông.
Lục đục, bà quẳng ông về Sài Gòn cho thằng cháu cô hồn chăm giữ. Vợ chồng tay cháu, như những kẻ đầu sai của dì D, nuôi nhốt ba tôi mà chẳng thực chăm sóc.
Lần gặp lại ba, tôi về với cơn đau ám ảnh, căn phòng xộc mùi xú uế, chỉ một cái đệm mỏng lây lất giữa sàn trây trét bẩn.
Gã hạ đẳng kia, bỏ mặc ông không vệ sinh, tắm rửa vài ba ngày; và cứ có mùi bia rượu, khi bước vào phòng ông là hắn nổi máu bạo hành. Ông sợ gã như một tay đao phủ, cứ nhắc đến tên hắn là ông òa khóc như trẻ nít.
Mọi lời khuyên giải đưa ông về lại Mỹ vẫn vô ích, ông bỏ ngoài tai và vẫn gắng níu kéo tình cảm vốn đã cạn trơ đáy từ người vợ kia. Người đàn bà ấy dường như vẫn là tất cả với ông.
Sự xuất hiện của Hào, như một tình cờ, đã khiến chặng cuối cuộc đời ông có phần thanh thản hơn.
Gia đình Hào quê xóm đạo Quảng Bình, nơi mà cái nghèo đeo bám trên những mảng lưng nắng cháy gió Lào. Tuổi chỉ đôi mươi, em vào Sài Gòn học ngành kỹ sư xây dựng. Trọ ghép trong nhà của Bình, cháu dì D., Hào bắt đầu kiếm thêm bằng cách phụ giúp ba tôi vệ sinh tắm rửa.
Hào dần gắn bó với ông qua những cuộc trò chuyện, trưởng thành hơn nhờ biết thêm về một thế giới quan khác.
Cái sự khắng khít kiểu “Father Figure” mà cậu trai trẻ chẳng tìm thấy ở người cha nhậu nhẹt, đề đóm của mình.
Một cuộc mưu chước có sự thỏa thuận của ba tôi, bày nhau về Quảng Bình quê Hào chơi Tết, để trốn thoát đứa cháu không máu mủ đọa đày kia. Tay Bình lúc này chừng như cũng muốn buông vì quá nhọc thân.
Về lại Sài Gòn, ba tôi như một “ông nội” rất … cool, rất tử tế trong gia đình Công giáo này. Số tiền dưỡng già, không bị ăn chặn bởi đứa cháu ôn dịch, đủ để mẹ Hào không phải đội nắng ngoài đồng, bố Hào cũng tìm được chân bảo vệ ở chung cư… ông trở thành một ân nhân hào phóng.
Mặc cho lời đàm tiếu gia đình Hào có tâm ý gì khác – với tôi, nó chẳng can hệ. Ông đã được chăm sóc tốt hơn.
Hào tắm cho ba tôi mỗi ngày, cùng nghe và bình phẩm những clip đọc truyện với ông, gú gồ mấy bản nhạc ông yêu thích qua cái “tiếng Anh giọng Huệ” trọ trẹ.
Có khi hứng chí, ông cháu lại cùng nhau đi coi cây, ngắm phố hay hàng đêm ngủ chung dốc bầu tâm sự. Người đàn bà kia vài lần về Việt Nam, chỉ coi căn chung cư như một phòng trọ tạm.
Con tạo thật bạc bẽo, đi ở như một người dưng, lần cuối chẳng thèm từ biệt khiến ông cứ đêm trở giấc lại rưng rức khóc.
Rồi ông dần bình an với những buổi sớm được đẩy đi cà phê, hàn huyên với mấy ông bạn già trong khu, và vẫn thói phong lưu đeo kính đen, quần áo chim cò xe lăn ngắm biển… Như thể sự bình yên cứ thế trôi mãi …
“Dad, why are you crying?”, tiếng gọi “Dad, dad” của ba đứa em gái cùng cha như tiếng chim non gọi cha trên cái màn hình Zoom. “Chị Hạnh, can you kiss dad for us?”
Miệng ông mở hốc cấm khẩu, nhưng hai hàng nước mắt chảy dài thê lương bất đoạn. Tôi ngồi sụp bên giường, giọt vung vãi, giọt lặng câm.
Những mẩu ký ức như mảnh gương vỡ vụn nhòa dần. Bất giác, cái mùi của ông, có lẽ là cả mùi bệnh tật, mùi của những vị thuốc, những tiếng thở nấc bỗng trở nên quen dần…
Cái chết đến trước mắt tôi dần như một thước phim quay chậm. Cái giãy mạnh thở dốc cuối cùng, hốc mắt tụt sâu vào hư vô … 2 giờ 10 phút sáng, ba đi.
Tay nắm lấy bàn tay gầy guộc lạnh, tay vuốt mắt cho ba.
Cuối cùng, bé Hạnh, đứa con gái mà ba chẳng hề đoái hoài, lại là đứa duy nhất ở bên tiễn biệt ba cõi bể dâu cuộc đời.
Căn phòng chùng xuống, chỉ còn tiếng dì D. léo nhéo trong phone, “coi ổng chết thiệt chưa?”
Chị Mai thở hắt, “tim ngừng đập rồi!”
Hào khẽ bước vô phòng, em thay cho ông quần áo, cái hình hài trơ xương giờ lọt thỏm trong bộ đồ vest bảnh bao.
Vừa google cách thắt cà vạt, vừa nói, “… may mà cô kịp về vuốt mắt ông.” Tôi đáp bằng cái nhìn vô định.
Bức họa Từ Hy Thái hậu, những ngón tay đan trong tâm trí giấu sau đôi mắt lục bảo không tròng – tôi vẫn giữ nó như một kỷ vật về ông.
Cái thư phòng của ba tôi trước kia ở Minnesota chỉ toàn sách triết lý Phật Pháp, lúc mất trên bàn thờ phòng liệm tôi mới biết thêm tên thánh An-tôn của ông.
Mấy bà cô mù thủ tục giục giã lên lãnh sự quán để lo giấy tờ chứng tử, còn cẩn thận không cho đóng hòm để pháp y Hoa Kỳ khám nghiệm.
Ðôn đáo trong cái nắng Sài Gòn một thôi một hồi mới rõ cái giấy chứng tử vẫn do chính quyền sở tại cấp quận xác nhận.
Tang chế thời Covid hiu quạnh, nỗi đau người mất là chẳng có ai quanh để khóc.
Ngồi trong xe tang bên cạnh cỗ quan tài trắng, tôi vẫn chẳng hiểu lựa chọn chốn an nhiên tuổi già… lại ở một chốn xa người thân, gia đình.
Tro của Người được gửi ở nhà thờ Huyện Sỹ. Ước nguyện được thổ lộ riêng với người anh trai – con trưởng đem về rải ở Minnesota sau khi qua dịch Covid. Có lẽ đó là nơi cội rễ của ba tôi.
Có những nhánh lá chờ ngày về cội, trong hạnh phúc tuổi già hay trong nỗi cô độc, xót xa?
Sự chọn lựa trong cuộc đời, có khi, lại là một đánh đổi day dứt…
“Goodbye Ba. I love you.”