main billboard

Có đứa con trai mong mỏi, lại bị tự kỷ...

autism syndrome

Linh đi vào phòng khách, chỗ Vi đang ngồi chơi puzzle, cô ngồi xuống nói nhỏ: “Con trông em cho mẹ đi vắng một lát. Mẹ chỉ đi 3 tiếng thôi!”.
Cô bé ngước nhìn mẹ nhanh nhẩu nói: “Mẹ cứ yên tâm đi. Con trông em được mà. Mẹ đừng lo, đi chơi cho vui, nghe mẹ”.

Con bé nhanh nhẩu liến thoắng trấn an, rồi đứng lên ôm choàng, siết chặt mẹ, chứ không dám hôn, sợ lem son phấn mẹ vừa trang điểm. Nó nghiêng đầu, vỗ tay khen: “Hôm nay mẹ đẹp quá!”.
Linh giơ tay trỏ lên môi: “Suỵt, khe khẽ kẻo em dậy” rồi nhẹ nhàng lách ra cửa, Ðạt, chồng cô đang ngồi sẵn trong xe chờ cô.

Lâu lắm rồi cô mới trang điểm và vắng nhà vài tiếng, kể từ khi Ti, em trai kế của Vi biểu lộ các triệu chứng của bệnh tự kỷ.
Ngày xưa khi chưa lập gia đình, Linh làm chung cùng phòng với chị bạn có 3 đứa con: con gái đầu, kế là con trai, đứa út là con gái. Chồng là bác sĩ, chị là kế toán viên nên tiền lương của cả hai tương đối khá, không phải lo lắng nhiều về mọi chi tiêu trong nhà.

Cuộc sống gia đình tưởng rằng rất hạnh phúc, không ngờ khi sanh cô bé út, cũng vừa lúc cậu con trai biểu lộ chứng tự kỷ. Chị trở nên trầm cảm, tưởng như cả thế giới sụp đổ dưới chân, chẳng còn ý chí làm việc, lúc nào cũng thẫn thờ như người mất hồn.

Có đứa con trai mong mỏi, lại bị tự kỷ, chị than thở với Linh nghe thật não lòng.
Thật tình lúc đó còn độc thân, Linh không hiểu tâm trạng đau buồn của bà mẹ có con bệnh tật, nên cũng chỉ an ủi qua loa.
Chồng của chị là bác sĩ thần kinh nổi tiếng, khi thấy vợ quá trầm cảm, anh chỉ nói một câu đơn giản:
 “Hãy nhớ em vẫn còn 2 đứa con gái xinh đẹp phải nuôi và một gia đình để chăm sóc. Khi chúng ta không thể thay đổi được sự thật, thì chúng ta phải sống với nó, nghĩa là phải biết chấp nhận”.

Chị bạn bảo rằng, chồng cô cũng đau khổ chẳng kém gì cô. Nhưng là bác sĩ thần kinh nên có nhiều kinh nghiệm, nghĩa là sáng suốt hơn cô.
Lâu dần chị bạn cũng nguôi ngoai, dù thỉnh thoảng vẫn buông tiếng thở dài. Ðúng rồi, đâu phải mọi thứ đều sụp đổ khi chúng ta có một đứa con bị tự kỷ!

 

Nuôi con mới biết lòng cha mẹ.
Lúc Vi lên 10 tuổi, Ti lên 4, cô phải nghỉ việc ở nhà, vì con trai cô bị tự kỷ loại hiếu động. Lúc nào cũng phải ngó chừng, nếu không nó sẽ gây rối loạn mọi thứ trong nhà, chưa kể gây nguy hiểm cho chính nó.
Ðã từ lâu cô không còn mặc áo tay ngắn, vì những vết bầm, cào xước mà con cô ngắt véo, mỗi khi nó không bằng lòng chuyện gì.
Không thể giải thích bằng khoa học, cô đành an ủi bằng lời Phật dạy: Mọi mối quan hệ giữa người và người ở đời này, đều có mối liên hệ, nguyên nhân từ kiếp trước. Có phải kiếp trước cô “nợ” thằng Ti? Hay, kiếp trước thằng Ti gây nhiều tội lỗi, giờ phải nhận “quả”?

Linh miên man nhớ lại, ngày xưa khi còn ở trong nước, bà Tư hàng xóm có một người con trai tên Cần, mắc bệnh khờ. Anh rất hiền lành. Vậy mà,  suốt ngày nghe ông Tư chửi mắng quát tháo và cả tiếng roi quất vun vút lẫn trong tiếng anh Cần ú ớ van xin.

Cả nhà ai cũng khiếp sợ ông, bà Tư cũng chỉ im lặng, nước mắt lưng tròng, lòng bà như xát muối.
Bà không nghĩ khi già được con phụng dưỡng mà canh cánh trong lòng: mai kia bà chết đi, đứa con khờ khạo sẽ ở với ai? Anh trai còn có chị dâu, em gái còn có em rể.

Chưa bao giờ Linh nghĩ mình và chị bạn lại có cùng cảnh ngộ như bà Tư hàng xóm.
Hôm nay là lần đầu tiên, kể từ khi nghỉ việc, Linh mới vắng nhà vài tiếng. Vì cô bạn thân từ khi còn học tiểu học, tình cờ khi qua Mỹ lại ở gần nhau. Cô là mẹ đỡ đầu cho con gái bạn, hôm nay lại là ngày vui của cô con gái đỡ đầu.
 Suy nghĩ đắn đo mãi cô mới nhận lời đi dự tiệc. Cô sắp xếp cho Ti ăn sớm rồi đi ngủ. Bé Vi ngồi chơi puzzle ở phòng khách, cô yên tâm đi.

Từ ngày con trai bị bệnh, tất cả dao kéo trong bếp đều cất kỹ khóa chặt trong ngăn kéo. Khi nấu ăn cũng không cho Ti vô bếp, sợ nó bốc thức ăn sống bỏ vô miệng.
Tưởng rằng chỉ vắng mặt 3 tiếng, khi trở về Ti vẫn còn ngủ. Không ngờ, khi vừa bước vào phòng khách, Vi chạy ra đón cô, trên tay cầm cái áo đầm mà nó thích nhất. Cái áo bị cắt nát, mặt nó lạnh tanh, cặp mắt biểu lộ sự giận dữ, còn đôi môi mím chặt. Chưa bao giờ cô thấy con gái lộ vẻ tức giận như lúc này.

Theo lời Vi kể: thằng Ti ngủ dậy lúc nào nó chẳng biết, vì mải miết chăm chú ngồi xếp hình. Nó cũng quên khóa cửa phòng ngủ nên khi thằng Ti thức dậy, lẻn vào phòng lúc nào nó không hay. Chỉ khi nghe tiếng lục đục nó mới chạy vào, thấy thằng Ti trong tay có cái kéo nhỏ, đang cắt nát sách vở và quần áo của nó.
Tệ hại nhất trong đó có cái áo đầm mà con Vi thích nhất.

Sau một hồi quát tháo chẳng làm thằng em khiếp sợ. Con Vi ngồi lặng thinh, kiên nhẫn ngồi chờ mẹ về. Vi tuyên bố với mẹ:
 “Mai mốt khi lớn lên, không bao giờ con cho thằng Ti lại nhà con.”.
Linh nghe đắng cả lòng. Cô vẫn thầm mong sau này Vi sẽ thay cô lo cho thằng Ti. Ai dè, sự việc hôm nay đã có kết cục ngược lại. Cô sực nhớ đến câu hát ru: “Một mai cha yếu mẹ già; Chén cơm manh áo con nhờ cậy ai?”.

Chẳng phải riêng cô, cả bà Tư hàng xóm ngày xưa và chị bạn làm chung, ai cũng lo sợ, khi họ chết đi, đứa con tật nguyền sẽ ở với ai? Thằng Ti sẽ ở với ai?
Dù là câu nói của một con bé 12 tuổi, nhưng Linh tin đó là một quyết đoán không thay đổi. Linh cảm của người mẹ đã cho cô biết điều này.
Cô thẫn thờ xoa đầu an ủi, hứa sẽ mua cho con Vi cái áo đầm khác đẹp hơn. Rồi lặng lẽ bước vào phòng, thấy thằng Ti đang nằm ngủ dưới sàn, nét mặt hồn nhiên như thiên thần.

Linh cúi xuống bế con lên giường, thì thầm bên tai: “Tội nghiệp con tôi!”.