Thật ra… Hắn và Tôi chỉ là một.
Con làm chồng thế nào mà vợ đi đâu cũng không biết. Ðã thế, bây giờ còn quay sang hạch sách mẹ vợ. Quỳnh Nhi và hai đứa nhỏ đi đâu, ở đâu, đó cũng là điều mẹ muốn hỏi con. Trời ơi! chuyện gì đã xảy ra cho nó!
Tiếng khóc của mẹ vợ chỉ làm Hắn bực bội hơn mà thôi. Hắn hét lên:
– Mẹ không biết dạy con gái mẹ nên mới ra nông nổi này. Cô ấy là vợ mà không làm tròn trách nhiệm. Suốt ngày chỉ biết có con, còn chồng thì vất sang một bên, chẳng lo lắng, quan tâm đến.
Mẹ vợ hắn gào to hơn:
– Anh muốn con gái tôi hầu anh như con ở đợ phải không? Mở mắt ra mà học hỏi người khác. Vợ anh lo cho con anh, chứ lo cho ai mà ganh tỵ. Ðáng lẽ, anh phải phụ giúp vợ một tay, chứ cái kiểu chồng chúa, vợ tôi, thì có ngày con gái tôi chết mất.
Sau khi cúp máy, Hắn đưa chân đá thốc vào bụng chú chó nhỏ đang âu yếm tựa mõm vào chân Hắn. Vò đầu, bứt tai, xô bàn, đẩy ghế, nhưng cơn giận vẫn còn đầy ắp trong lòng, nên Hắn với tay lấy điện thoại, bấm lia lịa:
– Chị Như đó hả? Quỳnh Nhi có qua bên đó không?
-Không! Có chuyện gì mà hấp ta, hấp tấp vậy?
Hắn sừng sộ:
– Chuyện gì là chuyện gì. Sáng mở mắt ra, không thấy nó đâu, bây giờ chiều tối vẫn chưa về, thì phải hỏi… không được sao?
– Cái thằng… vô duyên vừa thôi. Mày giận vợ hay giận chị mày. Cộc cằn như thế vợ có bỏ cũng đáng đời.
Cụp. Tiếng gác máy khô khan và giận dữ. Hắn đớ người ra vài giây, rồi điên tiết, muốn gọi trở lại, mắng bà chị một phát cho đỡ tức. Hắn hậm hực thầm nghĩ, bây giờ mà Quỳnh Nhi bước vào nhà, nhất định Hắn sẽ cho một cái tát nên thân.
Bụng đói cồn cào, Hắn lục lọi tủ lạnh, lôi ra một tô canh và khứa cá chiên lạnh ngắt. Hắn bỏ tất cả vào microwave hâm nóng rồi bày ra bàn, nhưng khi cầm đũa lên lại thấy ngán ngẩm.
Mọi ngày, chỉ cần Hắn tắm rửa xong xuôi, bước vào phòng ăn là trên bàn mọi thứ đã được bày ra tươm tất, nóng hổi. Ăn xong, hắn sang phòng khách, ngồi xuống sofa là đã có một ly bia lạnh hoặc một tách trà nóng tùy thích.
Hắn vừa nhâm nhi, vừa xem TV, mặc cho Quỳnh Nhi quần quật với đống chén dĩa chất đầy bồn, rồi lau nhà, giặt quần áo, tắm con, dỗ con ngủ.
Có khi, Hắn đã lên giường mà vợ Hắn vẫn còn lục đục ở bếp để chuẩn bị thức ăn cho sáng mai.
Má Hắn, thỉnh thoảng từ Cali sang chơi vài tuần, bà thường nhắc Hắn:
– Giúp Quỳnh Nhi một chút đi con. Thấy vợ mày bận bịu, tất bật đủ chuyện mà không xót ruột sao?
Hắn bĩu môi, cằn nhằn:
– Má thiệt tình! ba cái chuyện đàn bà cũng bắt con làm. Bạn bè con, có đứa nào làm như vậy đâu? Tụi nó mà thấy sẽ cười con thúi đầu.
-Cứ theo cái đám bạn xấu nết rồi bắt chước. Không thấy anh rể mày sao, đi làm về là xăn tay áo, nhào vô bếp phụ giúp vợ. Hễ chị mày tắm con, thì nó lau nhà. Vợ chồng phải biết cùng nhau san sẻ…
Hắn quạu quọ ngắt ngang:
– Thôi đi! mệt má quá.
Vợ Hắn đứng đó, im lặng không nói một tiếng, nhưng thỉnh thoảng lại nhìn má chồng bằng ánh mắt biết ơn. Còn Hắn thì tức tối. Trời! bộ má tính bắt giàn cho con dâu leo lên đầu thằng con của má hả?
Má Hắn đâu biết, trong lòng Hắn đang có nỗi bất mãn ngấm ngầm, khó nói. Ðó là từ khi có con, vợ Hắn hình như quên cả sự hiện diện của Hắn.
Sáng mở mắt ra là con, chiều cũng con và tối cũng con. Vợ Hắn làm riết rồi Hắn đâm ra bực bội và cảm thấy xa cách với con.
Có lúc, Hắn nhìn con mình một cách dửng dưng như nhìn con nhà hàng xóm. Hắn nhớ, hồi xưa má Hắn cũng hay nói, bỏ chồng được chứ không bỏ con được. Vợ Hắn thì chưa bao giờ nói như thế, nhưng cái gì cũng “để em lo cho con xong đã”. Lo cho con xong thì còn giờ đâu để lo cho Hắn.
Sự bất mãn ngày càng lớn, đến nỗi Hắn chẳng cần giấu giếm. Một chiều cuối tuần, ngồi nhậu với đám bạn, sau vài chai bia chếnh choáng hơi men, Hắn kể huỵch toẹt từ đầu, đến đuôi niềm tâm sự thầm kín của mình.
Bạn bè xúi Hắn phải làm một cuộc cách mạng.
Hắn nhíu mày khó hiểu:
– Làm cách mạng là… làm cái gì?
– Là làm cho vợ mày sáng mắt… là làm cho vợ mày biết giá trị đích thực của mày, một người đàn ông, một người chồng.
Không biết có phải vì say xỉn mà đầu óc Hắn mụ mị, nên vẫn chưa hiểu:
– Là sao? nói rõ ràng cái coi.
Ân đang ngồi đối diện với Hắn cười ha hả:
– Là tìm một em xinh đẹp, cặp kè trước mắt vợ, để cho vợ biết rằng, mày không phải là đồ bỏ. Lúc ấy, vợ mày sẽ tỉnh ngộ. Rồi mày xem, bả sẽ ghen tương lồng lộn vì sợ mất mày và….
Chưa nghe hết câu, Hắn đã cười khoái trá khi hình dung đến cơn ghen của vợ.
– Ừ! hay đó… cao kiến.
Ân xòe tay, bắt tay Hắn:
– Ðồng ý há! Tao sẽ giới thiệu cho mày con em họ của tao đẹp không chỗ chê. Dân du học đàng hoàng chứ không tệ đâu.
Tưởng chỉ là nói cho vui trong lúc ma men nhập, không ngờ tuần sau, khi Hắn đến với đám bạn đã thấy một thiếu nữ xinh xắn đang ngồi bên cái ghế trống trơn được để dành cho Hắn.
Bạn bè đổ dồn những ánh mắt sáng rực về phía Hắn. Tưởng Hắn sẽ thích thú với “món quà” bất ngờ, nhưng không, suốt buổi đó, Hắn nói năng ngượng ngập, lúng túng, không chút hào hứng.
Thật ra, Hắn không phải là người có tính lăng nhăng, ham mê bóng sắc, ưa thích của lạ. Ngay cả lúc miệng nói giận vợ thì trong lòng Hắn vẫn yêu thương vợ.
Nhưng vốn là người xem trọng bản thân, nên lúc nào Hắn cũng muốn được nuông chiều, phục vụ. Và vì “nguyện vọng” đó không được đám ứng, nên Hắn cảm thấy “bức xúc”.
Ðôi khi, Hắn tự hỏi có phải mình quá trẻ con không?… Có thể lắm – Hắn nghĩ – vì là cháu nội đích tôn, nên từ nhỏ Hắn đã được cưng chiều.
Dù ba Hắn đi cải tạo, mẹ vất vả buôn bán kiếm sống, chị em của Hắn thiếu ăn, thiếu mặc, bữa đói bữa no, nhưng Hắn vẫn được ăn ngon, mặc đẹp, được hưởng tất cả những gì tốt lành nhất khi sống với ông bà nội.
Có lẽ, vì thế mà Hắn không hề biết đến sự cực khổ của những người chung quanh, dù đó là chị em ruột thịt. Chưa bao giờ Hắn nghĩ đến việc chia sẻ với người khác những gì mình đang có, hoặc đưa vai gánh bớt sự nhọc nhằn, vất vả của người bên cạnh và Hắn cũng không hề băn khoăn về những thiếu sót của mình.
Mỗi lần về thăm gia đình là mỗi lần má Hắn buồn bã, thất vọng vì cách cư xử vô tâm của Hắn. Má rầy la, dạy dỗ thì Hắn giận dỗi bỏ về nhà ông bà nội. Hắn nghĩ rằng, vì mình ở xa má, nên không được thương yêu.
Ðã quen như thế, nên khi chung sống với vợ, hắn vẫn giữ nguyên tâm tính của một đứa trẻ thích được chiều chuộng. Chẳng những không phụ giúp vợ, mà Hắn còn ganh tỵ, vì vợ đã lo lắng cho con nhiều hơn cho hắn (không biết trên đời này có người cha nào giống như Hắn không?).
Hắn ngồi trơ ra đó cho đến khi đồng hồ gõ mười hai tiếng. Hắn ra cửa sổ, lóng ngóng chờ đợi và bấm điện thoại cho vợ liên tục, nhưng không thấy bắt máy.
Hắn dằn điện thoại thật mạnh, như để trút tất cả sự giận hờn lên món đồ vật vô tri, vô giác đó. Hắn nghiến răng thầm nhủ “Ai mà chứa chấp Quỳnh Nhi sẽ biết tay ta”.
Mọi ngày, khi giận dỗi vợ điều gì, Hắn lại sang nhà Ân để uống bia với Ân và trò chuyện vớ vẩn với Bảo Tuyết -cô em họ của Ân.
Ðôi khi, Hắn còn cùng cô nàng đi xem phim. Hắn làm như thế cho đã nư giận và dằn mặt vợ. Cũng có lúc Hắn còn giả vờ bỏ quên hai cái vé hát trên bàn, hoặc cố tình trò chuyện thân mật với Bảo Tuyết để chọc ghen vợ. Nhưng lạ lắm, vợ Hắn không hề quan tâm và không chút nghi ngờ. Như vậy là sao?
Có phải như Ân đã phân tích cho Hắn nghe:
– Bảo đảm một trăm phần trăm, vợ mày không còn yêu mày chút nào. Yêu thì phải ghen. Không ghen có nghĩa là không yêu và còn có nghĩa là xem mày không ra gì. Nói thiệt, vợ tao mà như vậy thì… tao ly dị liền.
Cứ mỗi lần nói đến chuyện vợ Hắn là Ân lại nhắc đến hai chữ ly dị.
Hắn cũng hơi ngạc nhiên, chuyện của Hắn mà Ân hùng hổ, tức tối hơn cả Hắn. Có lần Hưng -anh bạn trầm tính, ít nói nhất trong đám bạn nhậu- ôn tồn nói riêng với Hắn:
– Mày đừng nghe lời xúi giục của thằng Ân. Chuyện vợ chồng đâu phải chuyện giỡn chơi mà động một chút là ly dị.
Hắn cười:
– Nó nói chơi thôi mà!
Hưng nhìn Hắn một đỗi rồi nói:
– Nửa chơi, nửa thiệt, đứa nào dại nghe lời thì ráng chịu. Sau này có gì thì nó nói, tao nói chơi, ai biểu mày nghe lời. Nhưng ở đây, có lẽ… nói thiệt nhiều hơn nói chơi.
Hắn nhíu mày khó hiểu:
– Sao anh lại nghĩ vậy? Nếu tôi ly dị vợ thì có lợi gì cho thằng Ân?
– Có chứ! Con em du học sinh của nó đang kiếm chồng để ở lại Mỹ.
– Hổng lẽ… nó muốn gài em nó cho tôi? Tôi có vợ con rồi mà.
– Bởi vậy nó mới xúi mày ly dị. Nó chọn mày, vì mày là thằng nhẹ dạ dễ tin, lại hào phóng, coi tiền bạc như pha.
Hắn ngẫm nghĩ những điều Hưng vừa nói và bắt đầu nhận ra một vài điểm đáng nghi ngờ. Phải rồi, Ân hay rủ Hắn đi chơi, đến nửa chừng lại nói, có chuyện bất ngờ phải về và rồi chỉ còn lại hai người là Hắn và Bảo Tuyết.
Bây giờ, nhớ lại từng chi tiết, Hắn mới chợt nhận ra là nàng Tuyết đã cố tình “câu” Hắn bằng những cử chỉ tình tứ, những chiều chuộng ngọt ngào. Vậy là nhận xét của Hưng không sai! – Hắn vốn là người không có lập trường vững chắc, nên… nghe câu nào cũng có lý.
“Ly dị vợ đi, vì nó…” cũng có phần đúng. “Ðừng nghe lời thằng Ân coi chừng mắc bẫy…” cũng đúng luôn.
Ðang trầm tư suy nghĩ thì có tiếng điện thoại reo, Hắn chồm tới chụp vội:
– Hello! Quỳnh Nhi hả?
Không có gì ngoài tiếng “cụp” khô khan. Nhưng lần này Hắn không nổi giận mà lại cảm thấy sợ. Sợ gì? Hắn không rõ lắm… Hình như là cái không khí lạnh ngắt trong căn nhà thường ngày vẫn có tiếng hát líu lo, đớt đát của đứa con gái ba tuổi, và tiếng cười hăng hắc của thằng con trai chưa đầy một tuổi, đang bò theo nắm đuôi chú chó nhỏ.
Hắn nghĩ lại và cảm thấy mình thật tệ, vì chẳng mấy khi ẵm bồng, nựng nịu con cái, trong khi vợ hắn thì cưng con như trứng mỏng.
Hắn ngồi như vậy rất lâu, đầu óc nghĩ ngợi miên man. Hắn liên tục gọi điện thoại và nhắn trong máy vẫn không thấy Quỳnh Nhi trả lời.
Nỗi lo âu mỗi lúc mỗi nhiều, nhưng Hắn tự trấn tĩnh, vợ Hắn chắc chắn đang ở nhà mẹ vợ, nhưng bà cố tình giấu giếm để trừng trị cái tội Hắn làm cho vợ buồn. Nghĩ vậy, nên Hắn gọi mẹ vợ, xuống nước:
– Mẹ ơi! con xin lỗi. Là lỗi của con, lỗi của con. Mẹ đừng giấu con nữa, Quỳnh Nhi ở đâu, mẹ nói cho con biết đi!
Mẹ vợ Hắn khóc hu hu:
– Mẹ không biết. Mẹ đang sợ gần chết đây. Chẳng biết ba mẹ con nó đi đâu. Có giận chồng thì cũng phải về với mẹ, chứ sao lại bỏ đi biệt tăm, biệt dạng, để mẹ phải lo lắng.
Nghe giọng nói đứt quãng, nghèn nghẹn của mẹ vợ, Hắn tin là bà nói thật, nên càng hoảng hốt, nhưng cố làm tỉnh:
– Ðể con gọi điện cho vài người bạn nữa. Có tin gì con sẽ cho mẹ biết!
Hắn vào phòng, kéo hộc tủ, tìm quyển sổ điện thoại, để lấy số của bạn Quỳnh Nhi thì thấy một xấp hình trong đó.
Trái đất có nổ tung chắc cũng không làm Hắn kinh hoàng bằng những tấm hình đang nằm trong tay Hắn. Tấm này, Bảo Tuyết đang cặp cổ Hắn. Tấm kia, Bảo Tuyết đang đút miếng pizza vào miệng Hắn. Còn nữa…. nhiều và nhiều tấm chụp trong vườn hoa.
Những hình ảnh này là do Ân đạo diễn “Hai đứa tụi bây diễn vài cảnh như tài tử đóng phim để tao chụp cho vui”. Nhưng sao Quỳnh Nhi lại có, nếu chẳng phải Ân gửi đến để chia rẽ vợ chồng Hắn, hầu thực hiện cái âm mưu mà Hưng đã nói cho Hắn biết. Hắn ngồi sụp xuống sàn nhà, nhớ lại câu nói của Hưng “Ðừng thấy vợ im mà mừng. Ðó là dấu hiệu của sự ghen tuông khủng khiếp. Những người này chỉ lẳng lặng làm, chứ không nói”.
Lúc đó, Hắn cười ngặt nghẽo, nhưng bây giờ thì Hắn toát mồ hôi lạnh. Vợ Hắn sẽ làm gì? Còn Hắn… làm sao chối cãi được với những bằng chứng hiển nhiên. Làm sao vợ Hắn có thể tin rằng, trái tim Hắn không hề rung động trước một người con gái trẻ đẹp như Bảo Tuyết.
Làm sao vợ Hắn hiểu rằng, đó chỉ là hành động trả đũa vợ rất trẻ con của Hắn. Ôi! Ân, thằng bạn khốn kiếp, vậy mà hôm qua nó còn đổ dầu vào lửa “Vợ với con, muốn đi thì cho đi luôn, đừng để nó tưởng mày cần nó”.
Hắn ngồi như vậy cho đến khi trời tờ mờ sáng thì nhận được lời nhắn tin của vợ “Anh cứ vui vẻ với hạnh phúc đang có. Ðừng bận tâm đến mẹ con em”.
Hắn gào lên bằng giọng nghẹn ngào “Quỳnh Nhi, em ở đâu? Em không biết anh yêu em đến chừng nào sao?”
Lúc ấy, trông Hắn chẳng khác gì một đứa trẻ thơ bị mất mẹ.
Suốt một tuần lễ, Hắn ngơ ngáo, phờ phạc, đầu cổ lùi xùi, quần áo xốc xếch, đến mẹ vợ cũng cảm thấy nao lòng. Bây giờ, Hắn mới thật sự biết rằng, không có vợ thì đời Hắn tiêu điều đến dường nào.
Hắn ở trong căn nhà này sáu năm hơn mà không biết sử dụng máy giặt ra sao. Máy rửa chén cũng xa lạ với Hắn. Ðến cái nồi cơm điện, Hắn cũng phải lò mò tìm kiếm.
Chỉ tại Hắn quá ỷ lại, mọi việc đều đổ dồn lên vai vợ. Hắn bật khóc vì hối hận, vì chán ghét bản thân mình, một con người ích kỷ, vô tâm…
Từng phút nhớ đến vợ là từng phút Hắn thấy xót xa, ân hận -lần đầu tiên trong đời- vì những vất vả mà vợ Hắn đã từng một mình gánh chịu, không một lời than vãn.
Trời ơi! Hắn có phúc hơn người mà không hề biết. Hắn nhiều lần đấm tay vào ngực và tự nguyền rủa mình.
Sang ngày thứ mười thì Hắn bật dậy khi nhận được điện thoại của Hưng.
– Tao đang ở Cali và gặp vợ mày trong khu Phước Lộc Thọ.
Giọng Hắn run lên:
– Vợ.. vợ tôi… đi… với ai?
– Mày muốn nghe tao nói hả? Nhưng mày có đủ bản lãnh để tiếp nhận sự thật không?
Hắn nói mà trái tim đập thình thịch, muốn vỡ cả lồng ngực:
– Ơ..ơ.. tôi…tôi…
Nghe Hắn lạc giọng, Hưng cười đắc ý:
– Haha!!! bình tĩnh… bình tĩnh. Người đi bên cạnh vợ mày là…là… má mày. Tao nói thiệt, vợ mày khôn dàng trời. Nó giận mày bỏ nhà đi, nhưng lại đi về nhà chồng, nên mày có muốn vu khống nó “theo trai” cũng không được. Có vợ hiền lành, nhẫn nhịn và khéo léo như vậy mà không biết giữ thì mày là thằng ngu nhất trên đời.
– Quỳnh Nhi ơi! em tắm con xong chưa, mâm cơm đã sẵn sàng rồi.
– Dạ! chờ em năm phút nữa.
Ðứa con gái nhún nhẩy chạy ra với bộ quần áo xinh xắn màu hồng sen, nhe răng cười tươi tắn. Mái tóc mới gội vừa được sấy khô còn thơm ngát mùi xà bông làm tôi cảm thấy mát cả lồng ngực khi đặt một cái hôn ngọt ngào lên đó.
Thằng con trai cũng đang lững chững từng bước đi về phía tôi. Nhấc bổng thằng con lên, tôi dúi đầu vào bụng, nó cười ré lên từng cơn vì nhột nhạt. Quỳnh Nhi ra góc nhà, lấy chiếc ghế cao, đặt con lên, rồi nhìn tôi cười âu yếm:
– Ồ! anh nấu món gì mà trông ngon quá vậy?
Tôi nguýt dài:
– Xạo! Chưa thử mà biết ngon. Thợ nấu mới vào nghề, hổng dám ngon đâu bà xã!
– Ðâu cần thử, ngon đây là ngon cái tình của anh chứ bộ. Cám ơn anh đã giúp em rất nhiều… từ việc nhỏ đến việc lớn.
Tôi ôm vai Quỳnh Nhi, hôn nhẹ lên vành tai trắng muốt, xinh xinh:
– Anh cũng cám ơn em đã cho anh một mái ấm gia đình
Hắn là người của quá khứ.
Tôi là người của hiện tại.
Hắn đã chết từ ngày Tôi rước Quỳnh Nhi trở về nhà.
Tôi vươn vai đứng thẳng lên, cố gắng trút bỏ những ích kỷ, hời hợt, vô ý, vô tâm của ngày xưa, để trở thành một người chồng “hơn cả tuyệt vời”, biết nắm giữ hạnh phúc bằng sự hy sinh, chịu thương chịu khó và yêu thương vợ con bằng tất cả tấm lòng.
Thật ra… Hắn và Tôi chỉ là một.
Nhưng Tôi cầu cho HẮN mãi mãi chết đi, đừng bao giờ sống lại, để TÔI được tồn tại trên suốt quãng đường đời còn lại cùng với Quỳnh Nhi, người vợ yêu dấu nhất đời Tôi.