Anh đã không đoái hoài đến con, thì chị sẽ tự lo cho chúng.
– Về Việt Nam để mua đất đầu tư…
Ðó là câu nói anh lặp đi lặp lại không biết chán trong những cuộc chuyện trò giữa hai vợ chồng.
Bao nhiêu lần, chị nhẹ nhàng nhắc nhở cho anh nghe về chế độ mà cả anh và chị đều hiểu rất rõ ràng. Nhưng anh dường như quên tất cả.
Anh tặc lưỡi, cố chấp:
– Ngày trước khác. Bây giờ mọi thứ đã thay đổi hết.
Rồi anh hào hứng kể cho chị viễn cảnh tiền đẻ ra tiền như con gà đẻ trứng vàng trong truyện cổ tích.
Thấy chị tỏ vẻ không tin, anh đưa ra bằng chứng để thuyết phục:
– Chính con Lan rủ anh hùn vốn làm ăn với nó. Người trong gia đình mà em cũng không tin à?
Anh tấm tắc:
– Chín Lan bây giờ là đại gia đó, em có ngờ được không?
Chị lắc đầu:
– Nếu cuộc sống ở đó tốt như vậy, sao cô Chín Lan năn nỉ mình làm thủ tục bảo lãnh cho cả gia đình sang đây làm gì?
– À, lòng dạ em hẹp hòi không muốn anh lo cho người thân chứ gì?
Ðã hiểu tính khí gia trưởng và áp đặt của anh, nhưng chị vẫn nhẹ lời:
– Anh đừng chuyện nọ bắt sang chuyện kia. Ý em không phải như vậy.
Mọi chuyện không ngừng lại ở đó, mà còn đi xa, xa hơn những dự liệu của chị.
Anh chẳng thiết tha làm việc, cứ ôm điện thoại suốt cả ngày đêm.
Với chị, cuộc sống thật đơn giản. Chỉ cần hai vợ chồng bên nhau là đủ. Sau một ngày làm việc, về nhìn thấy ngôi nhà của mình sáng ánh đèn, là chị đã nghe ấm lòng. Vì chị biết, trong ngôi nhà đó, dưới ánh đèn tỏa sáng, là những người thân yêu của chị.
Nhưng viễn cảnh ngồi mát ăn bát vàng đã làm anh mù quáng. Anh thấy mệt mỏi khi phải làm việc tám tiếng một ngày mà đồng lương chỉ vừa đủ cho một gia đình chi tiêu, dành dụm lại một ít. Anh muốn mình có thật nhiều tiền. Ðồng tiền sinh sôi nảy nở thật nhanh, mà chẳng nhọc công.
Muốn như thế, phải về Việt Nam thôi.
– Ðể anh về xem tình hình thế nào, nghe em. Chỉ một vài tuần thôi mà.
Nói là nói vậy, nhưng lòng anh đã quyết thì cần gì sự đồng ý của chị. Anh nhanh chóng mua vé máy bay và chuẩn bị hành lý cho chuyến khảo sát thị trường của mình.
Có nằm mơ chị cũng không ngờ anh lại làm như thế.
Khi ngân hàng gửi statement về với con số năm ngàn đồng vỏn vẹn còn lại trong tài khoản chung của hai vợ chồng, thì chị mới biết anh đã âm thầm rút tiền ra để đem đi.
Chị lảo đảo đứng không vững trên đôi chân mình. Phải mất một lúc lâu, chị mới trấn tĩnh lại và lấy điện thoại gọi cho anh.
– À…Ừm… Thì là anh cũng vì tương lai tốt đẹp của gia đình mình thôi. Chỉ cần đổ tiền vào ba mảnh đất, thì sau quy hoạch giá trị sẽ tăng lên gấp chục lần mỗi mảnh. Em thử tính xem…
– Vậy chừng nào anh về?
Chị ghìm tiếng thở dài để hỏi anh.
– Chắc… đợi chừng nào quy hoạch xong. Chứ đất đai không giữ, lỡ ai xâm chiếm thì phiền lắm. Ðồng tiền liền khúc ruột mà em.
– Không có anh, một mình em sẽ xoay trở làm sao để nuôi con?
– Thôi em chịu khó đi. Chừng bán đất xong, gia đình mình sẽ có cơ hội đổi đời, nghe vợ.
Câu chuyện cắt ngang. Anh ngắt điện thoại. Và chị cũng không còn gì để nói với anh thêm nữa.
Chị vén rèm cửa nhìn ra ngoài trời. Tuyết phủ trắng cả con đường. Lòng chị cũng lạnh giá như những cây khô ngoài kia.
Mùa Ðông chỉ vừa bắt đầu.
Bỗng chốc chị trở thành bà mẹ đơn thân. Chị chật vật xoay xở đủ thứ.
Sau giờ làm việc ở hãng, chị lại chạy qua tiệm Nails làm tiếp đến tối mịt. Hai ngày cuối tuần, hãng nghỉ, chị lại bám trụ ở tiệm Nails.
Chị cố gắng kiếm thêm chút tiền để dành dụm. Nói dại, như lỡ có bệnh hoạn gì cũng có cái để lo. Số tiền anh đem về Việt Nam biết có giữ được hay không, hay lại tiêu tán mất.
Nga, chủ tiệm Nails, cũng là bạn của anh chị, cứ kêu chị về Việt Nam kéo anh qua. Ðâu phải là chị không muốn điều đó, nhưng còn con cái, còn công việc, ai lo? Rồi còn tiền bạc nữa, lấy đâu ra?
Nga lắc đầu:
– Bà mà không tính nhanh, coi chừng lại sinh ra chuyện nữa. Gì chứ Việt kiều về đó thì tôm ươn cũng thành tôm tươi hết.
Ðêm nào chị về, cũng thấy hai con ngủ gà ngủ gật ở bộ ghế salon chờ mẹ. Chị bế từng đứa vào giường, xót xa:
– Mẹ đã dặn hai đứa ngủ trước đừng chờ mẹ rồi mà.
Con gái lớn mắt vẫn nhắm nghiền, giọng ngái ngủ:
– Mẹ chưa về tụi con không yên tâm.
Tay vòng ôm cổ chị, con bé út thì thào:
– Mai mẹ nhớ về sớm nha mẹ.
Chị ghì chặt hai đứa con. Trái tim chị như thắt lại. Lòng người mẹ thương con đến se sắt. Con chị có cha có mẹ mà cù bơ cù bất thế này. Một vòng tay của chị sao chuếnh choáng quá, không đủ để che chở cho con. Nước mắt chị chảy xuống, mặn đắng cả môi.
Lần nào gọi điện thoại cho anh, chị cũng giục giã anh trở về. Hai đứa con cũng mè nheo là, ba về nhanh, con nhớ ba quá. Nhưng anh cứ lần khân, đưa lý do quy hoạch chưa xong nên anh chưa thể về được. Những cú phone của anh cứ thưa dần, thưa dần… Dự cảm của một người vợ cho chị thấy những điều bất an.
Giờ này, hai đứa con chị chắc đã ăn cơm xong và đang thắt thẻo ngóng mẹ về. Thức ăn chị đã nấu sẵn từ tối hôm trước. Con gái lớn chỉ cần cắm nồi cơm vào, hâm lại đồ ăn bằng microwave, rồi hai chị em lủi thủi ăn trong ánh đèn hiu hắt. Ðâu rồi những tiếng cười rộn rã. Ðâu rồi hạnh phúc bình yên.
Bàn tay chị như cái máy vận hành những thao tác quen, khi lòng chị cơ chừng rối ren trăm mối.
Rồi điều chị lo sợ cũng đến.
Thy, em bà con bạn dì của chị gọi điện báo cho chị biết, anh đang cặp bồ với một cô gần nhà Chín Lan.
Gửi kèm bằng chứng cho chị là tấm hình anh đang ôm ấp một cô gái trẻ với cái bụng lùm lùm.
Giọng Thy hậm hực, giục giã qua phone:
– Là một tay con quỷ Chín mối mai đó. Trước giờ nó đâu có ưa gì chị.
– Phải về! Chị phải về liền. Em sẽ đưa chị đến đó ba mặt một lời. Nếu cần, em kêu thêm tụi bạn đánh giập mật cả lũ khốn kiếp.
Chị cảm ơn Thy, bảo không cần đâu, trước khi kịp buông phone và bật khóc.
Bàn tay chị run run bấm số của anh. Chị cần ở anh một lời đính chính, với lý do nào cũng được, miễn điều Thy nói không phải là sự thật.
Nhưng anh không chối cãi gì khi nhìn thấy tấm hình. Anh xin chị tha thứ và cho anh ở lại lo cho cô ấy đến ngày sanh nở, vì trách nhiệm của một người đàn ông.
Những lời anh nói như những vết dao cứa vào tim chị. Từng nhát, từng nhát sắc ngọt đến tươm máu. Có công bằng không, khi anh vì trách nhiệm mà lo cho người ta, còn mẹ con chị thì dường như từ lâu anh không nhớ đến nữa.
Những uất ức, đau đớn, bất lực… dồn nén từ trước đến giờ chợt tuôn trào thành tiếng khóc. Nhưng chị vội bụm miệng lại, vì sợ khuấy động hai con.
Chị không biết phải trả lời thế nào, nếu con hỏi sao mẹ khóc. Chị sợ soi trong ánh mắt ngây thơ của con, là chiếc bóng mình hiu quạnh. Ðôi vai chị run lên từng nhịp tức tưởi. Tình nghĩa vợ chồng bao nhiêu năm sao có thể thay đổi chóng vánh như vậy?
Anh ra đi, mang theo tất cả tiền bạc và hạnh phúc của gia đình. Chị đã nhẫn nhịn và mòn mỏi chờ đợi anh bao lâu nay. Nhưng giờ thì còn mong ngóng gì nữa khi anh đã dứt áo nhẹ tênh…
Khi đau khổ đến tận cùng, con người sẽ có nghị lực rất mạnh mẽ. Chị quyết định đưa đơn ly dị và thông báo cho anh biết.
Thà đau một lần rồi dứt khoát, còn hơn kéo dài những điều vô vọng, để vết thương âm ỉ mãi không lành.
Nga cằn nhằn chị suốt buổi:
– Bà điên thật rồi. Sao không thưa thằng chả ra toà vì tội phản bội và chiếm đoạt tiền bạc, để chả ở tù mọt gông. Chí ít cũng phải gom tiền về trả lại chứ. Ðằng này, thả tự do khơi khơi cho nó.
Thành, chồng Nga, khoát tay ngăn vợ:
– Thôi em, đừng nói nhiều nữa. Thư có cái lý của chị ấy.
Chị cố gượng cười với vợ chồng bạn mà mắt rưng rưng.
Anh đã không đoái hoài đến con, thì chị sẽ tự lo cho chúng.
Với số tiền dành dụm còm cõi, cộng thêm tiền mượn của vợ chồng Nga, chị đã có một ít vốn để tính đến chuyện mua một cửa tiệm.
Dĩ nhiên là tiệm nhỏ thôi, và ở một nơi xa xa. Nhưng chị sẽ có thời gian gần gũi con. Chứ làm việc đầu tắt mặt tối để kiếm tiền, bỏ con lăn lóc hoài, chị không đành.
Ðã tính vậy, chị gom các tờ báo, đọc chăm chú mục rao vặt, tìm tiệm bán. Rồi mỗi tuần, chị dành một ngày Chủ Nhật, chở con đi xem tiệm.
Ba mẹ con túc tắc lặn lội khắp nơi vài tháng thì cũng chọn được một tiệm vừa ý, vừa tiền.
Vợ chồng Nga một mực đòi đưa chị đến chỗ ở mới, với lý do, để còn biết nơi mà thăm viếng nhau.
Xe chị chạy trước, xe vợ chồng Nga chạy sau, lặng lẽ rời thành phố. Chị nhìn lại một lần cuối cùng nơi chốn gia đình mình đã sống. Những buồn vui, thôi thì để lại sau lưng. Thành phố này không biết bao giờ chị mới quay trở lại.
Giúp chị chuyển đồ đạc vào căn apartment mới xong rồi mà vợ chồng Nga vẫn còn nấn ná mãi. Họ cứ dặn dò chị, là có chuyện gì cần, thì gọi điện báo ngay. Chị phải hứa tới hứa lui, cả hai mới chịu lên xe.
Tiễn bạn về, bây giờ chị cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Chị đứng nhìn hút dấu bóng xe, lặng yên buông bàn tay vẫy. Gió từng cơn lay lắt thổi, buôn buốt như những ngọn gió mồ côi ở quê nhà. Hình như cái gì lẻ loi cũng buồn bã, đến cả những cơn gió cũng nghe chừng hiu quạnh quá.
Ban đầu, mọi việc có vẻ xuôi chảy, hay ít ra, với chị, như thế đã là ổn định. Mỗi sáng school bus đón hai đứa con chị đi học, rồi chiều lại đưa về. Nhà gần, nên hai đứa nhỏ có thể đi bộ đến tiệm Nails của mẹ.
Tội nghiệp con chị. Có lẽ chúng ý thức được hoàn cảnh của gia đình, nên không hỏi han, nhắc nhở về cha. Lại chịu khó giúp đỡ mẹ dọn dẹp, vệ sinh cửa tiệm. Xong xuôi mới ngồi vào bàn học bài. Cả ba mẹ con chị đùm bọc nhau đi qua ngày tháng, tưởng chừng như đã dạt vào bờ bến bình an.
Nhưng đến khoảng gần cuối năm thì cả nước Mỹ lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế.
Có lẽ đây là lần suy thoái lịch sử của đất nước. Cửa tiệm chị mới mở, khách khứa chưa nhiều, tiền bạc đã không dễ kiếm, lại càng thêm khó khăn hơn.
Tài chính cạn kiệt, chị không đủ tiền trả tiền thuê tiệm. Chị biết điều đó là vi phạm hợp đồng cho thuê đã ký kết với Landlord, chủ đầu tư, nhưng lực bất tòng tâm. Tiền mượn vợ chồng Nga lúc trước còn chưa trả xong, làm sao mở miệng, hỏi thêm. Thêm một tháng nữa, chị vẫn không đủ tiền thanh toán tiền thuê tiệm. Lần này, Landlord không nhân nhượng. Họ đưa chị ra toà.
Hôm nhận được trát toà, chị bàng hoàng lạnh toát cả người. Nếu trong vòng 10 ngày, không trả hết nợ, chị có thể đi tù.
Còn nỗi cơ cực nào nữa không cho cuộc đời chị. Cầm trát toà trên tay, chị gục mặt xuống bàn, tưởng chừng không gượng dậy nổi.
Lâu, thật lâu, chị mới choàng tỉnh. Ðiều đầu tiên chị biết mình cần làm, là viết một email cho Landlord. Bằng tất cả vốn liếng Anh văn lõm bõm của mình, chị trải hết nỗi lòng và xin một cái hẹn để giải quyết vấn đề.
Chị không biết mình sẽ giải quyết mọi chuyện thế nào và cũng không tin tưởng một kết quả khả quan nào. Nhưng còn biết làm gì hơn nữa, lúc này.
Sáng nay trời mưa dầm dề. Những hạt mưa lướt thướt làm bầu trời mờ mịt. Khung cảnh hắt hiu như tâm trạng ba mẹ con chị trên đường đến văn phòng Landlord như đã hẹn.
Phòng khách bật máy sưởi, nhưng chị vẫn cảm thấy lạnh. Hai bàn tay chị buốt như nước đá.
Phó Giám đốc Ky và Kathy đã đợi sẵn. Ông bắt tay chị rồi quay sang xoa đầu con bé út của chị.
Hai đứa nhỏ ngoan ngoãn chào ông và lễ phép trả lời khi ông bắt chuyện.
Sau đó, ông cáo bận, bảo Kathy thay mặt ông tiếp chị.
Dù đã quen biết Kathy, vì thỉnh thoảng cô vẫn đến tiệm làm Nails, nhưng chị vẫn cảm thấy căng thẳng.
Kathy hỏi chị về tình hình tiệm, về thu nhập của tiệm thế nào.
Chị không than thở, chỉ nhỏ nhẹ trình bày những khó khăn trong việc kinh doanh giữa thời buổi suy thoái này. Và giá thuê tiệm hiện tại, không phải chị không muốn đóng, nhưng nó nhiều quá so với thu nhập.
Kathy đưa gợi ý:
– Nếu không trả được một lần, chị có thể trả làm nhiều lần trong tháng được không? Như mỗi tuần một lần?
Chị thật thà:
– Thưa cô, dù có thanh toán theo tuần, thì tôi vẫn không đủ tiền như quy định.
– Chúng tôi chỉ yêu cầu chị trả mỗi tuần, còn số tiền tuỳ vào thu nhập của tiệm chị.
Nghĩ Kathy chưa hiểu ý mình, chị lặp lại lần nữa:
– Nhưng như thế sẽ không đủ. Vẫn còn thiếu tiền.
Ánh mắt Kathy dịu dàng, thấu hiểu:
– Chúng tôi biết điều đó và sẽ ghi vào sổ nợ. Số tiền thiếu, khi nào tiệm hoạt động tốt hơn, chị sẽ có trách nhiệm hoàn trả cho công ty.
– Tạm thời chúng ta thỏa thuận như vậy nhé. Nếu đồng ý, thì chị ký vào biên bản.
Chị nhìn Kathy, nhìn biên bản thỏa thuận trên bàn. Có nằm mơ chị cũng không bao giờ tưởng tượng được điều này. Chị run run đưa trả trát tòa cho Kathy, nói trong nước mắt:
– Cảm ơn Kathy. Cảm ơn Mr Ky.
Kathy siết chặt tay chị:
– Happy Thanksgiving!
Vừa bước vào công ty, Phó Giám đốc Ky đã nghe không khí ấm sực mùi quế. Một cây thông to đặt giữa sảnh với những trái châu đủ màu sắc, kèm theo những chiếc nơ đỏ trang hoàng trên bàn tiếp khách, trên những cánh cửa. Tất cả làm nên không khí rộn ràng cho mùa Holiday.
Ông khoan thai bước vào phòng mình. Như thường lệ, ông ngồi xuống bàn, kiểm tra thư từ, tài liệu đã được cô thư ký đặt sẵn, trước khi bắt đầu làm việc. Ông ngạc nhiên thấy một bức thư lạ. Không phải là của đối tác, và cũng không phải là của bạn bè.
Trong thư, có một tấm thiệp với dòng chữ HAPPY THANKSGIVING và một bức ảnh.
Bức ảnh chụp ba người. Ông đoán, có lẽ là ba mẹ con. Người mẹ đứng chính giữa. Bên phải là cô con gái lớn mặc áo mũ tốt nghiệp. Bên trái là cô con gái nhỏ. Họ cười rất tươi. Phía sau họ là ngôi trường đại học lớn nhất thành phố.
Ông lật phía sau tấm ảnh, đọc những dòng chữ nghiêng nghiêng nắn nót:
“Kính thưa Ngài Phó Giám đốc,
Mười một năm trước, không biết Ngài có còn nhớ, ba mẹ con tôi đã đến công ty Ngài trong trời mưa gió, với một trát toà trên tay. Hôm đó là một ngày trước Thanksgiving.
Chúng tôi sẽ không có ngày lễ hội năm đó, cũng như sẽ không bao giờ có ngày hôm nay, nếu lúc đó, Ngài không mở lòng cho chúng tôi một cơ hội sống. Ðiều này, có thể Ngài không còn nhớ. Nhưng suốt cuộc đời, chúng tôi không bao giờ có thể quên ân huệ to tát ấy.
Nhờ sự giúp đỡ của Ngài, tiệm tôi đã đi qua dần khó khăn, rồi phát triển cùng với việc mở rộng của Shopping center.
Con gái lớn của tôi vừa tốt nghiệp đại học và được một công ty lớn nhận vào làm việc. Con gái út của tôi hiện đang học năm thứ nhất đại học và làm việc thêm ngoài giờ tại trường.
Cửa tiệm tôi đã bán, sau bao nhiêu năm làm tốt nhiệm vụ của nó, là nuôi hai đứa con tôi ăn học nên người. Hiện tôi đã hưu sớm, vì sức khỏe yếu, và vì con gái muốn lo cho mẹ phần đời còn lại.
Xin cảm ơn Ngài – vị Thiên sứ mà Chúa đã gửi đến cho gia đình tôi.
Xin cầu chúc gia đình Ngài một mùa lễ hội vui vẻ và bình an.”
Phó Giám đốc Ky lặng yên, hồi tưởng lại. Câu chuyện năm xưa như một cuốn phim tái hiện dần trong ký ức ông. Lòng ông thấy nhẹ nhõm, yên bình. Bất giác, ông buột miệng:
– Happy Thanksgiving!