Chúng ta vẫn thường than vãn “ngày vui qua mau!”
“Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy,
Ta có thêm ngày nữa để yêu thương”
(Kahlil Gibran)
Chuyện gì nhắc chúng ta biết rằng một ngày đã qua: tiếng đồng hồ báo thức mỗi buổi sáng hay khi chúng ta mở vòi nước để làm vệ sinh?
Chuyện gì nhắc chúng ta một tuần lễ đã qua: sáng thứ Bảy dậy trễ hay có hẹn đưa gia đình đi chơi cuối tuần?
Chuyện gì nhắc chúng ta hai tuần đã qua: đến kỳ lãnh check lương hay ngày rằm, mồng một ăn chay?
Chuyện gì nhắc chúng ta một tháng đã qua: trả các thứ bill nhà, bill điện, bill nước?
Chuyện gì nhắc chúng ta sáu tháng đã qua: vặn đồng hồ lui hay tới một giờ?
Chuyện gì nhắc một năm đã trôi qua: phải chăng là những khúc ca Giáng Sinh rộn ràng và các thương xá giăng đèn kết hoa, và với người Việt là hoa cúc, hoa mai, bánh chưng, bánh tét và những bài hát về mùa Xuân đã trở lại?
Trọn một năm rồi, hôm nay tôi trở lại văn phòng dịch vụ khai thuế mà cảm thấy như mới đến đây hôm qua, cũng anh chàng khai thuế vui tính, những chồng hồ sơ ngổn ngang, trên vách chiếc đồng hồ tròn chậm rãi đếm giây…
Một năm nữa đã qua. Ði khai thuế mỗi năm hẳn lòng ta chẳng có cảm xúc gì, nhưng bạn cứ tưởng tượng: nào, ngày con cháu chúng ta tốt nghiệp; nào, ngày tan trường, ngày tựu trường, mùa Thu lá rụng, rồi mùa Ðông tuyết rơi.
Không những một giờ, một ngày qua rất nhanh, mà một năm, mười năm cũng như phút chốc. Phương Ðông nói: “Thời gian như bóng câu qua cửa sổ” (câu quang quá khích).
Ca dao Việt Nam: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa; Nó đi đi mãi chẳng chờ đợi ai!”.
Thời gian có những bước đi cố định của nó, nhưng qua chủ quan, nhanh chậm hay dài ngắn lại “tùy người đối diện”, dù Lamartine đã thốt nên lời: “Thời gian ơi, xin hãy ngừng cánh bay.” (O temps, suspends ton vol!).
Chúng ta vẫn thường than vãn “ngày vui qua mau!”
Trái lại, Kim Trọng tương tư Thuý Kiều thì một ngày cũng dài bằng ba năm: “Sầu đong càng lắc càng đầy; Ba thu dọn lại một ngày dài ghê!”.
Người bị gông cùm, lao lý thì “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Phải chăng vì: “Người vui thì than đêm ngắn; Kẻ buồn lại hận canh dài”.
Những ngày ở trong tù bao năm về trước, hằng ngày phải lao động khổ sai vất vả, chúng tôi thấy ngày quá dài, chỉ mong đến lúc có tiếng kẻng “thu dụng cụ” để ra về, kiếm chén khoai lửng dạ và ngã tấm thân gầy guộc mệt nhoài trên chiếc chõng tre.
Ðêm là lúc tự do, riêng rẽ một mình thì quá ngắn, vì người tù cảm thấy sợ hãi khi nghe tiếng kẻng đánh thức để bắt đầu một ngày nữa, vất vả và vô vọng.
Bây giờ tóc đã hoa râm, ngoảnh mặt nhìn lại: “Hồng Hồng! Tuyết Tuyết! Mới ngày nào còn chửa biết chi chi!” (Dương Khuê) nào còn bồng bế nay đã trưởng thành, đúng là “đời người như giấc mộng”.
Nghĩ lại, thời hoa niên, rồi chiến tranh, tù đày, lưu lạc quê người cũng qua nhanh. Bây giờ không còn nói chuyện một ngày, một tuần, một tháng qua, mà nói chuyện mười năm, ba mươi năm, sáu mươi năm qua.
Nhìn lại quá khứ, hình như chúng ta đều mang trong lòng nỗi tiếc nuối hơn là vui mừng vì chúng ta chưa làm được điều gì đó trong những ngày tháng cũ.
Ai cũng nói được câu “dĩ vãng là lịch sử,” là những điều đã qua, nhưng văn thơ, âm nhạc đều khóc lóc, thương tiếc những ngày tháng cũ.
Người thì xin đi lại từ đầu, người thì gọi ngày xưa là hoa bướm…
Hiện tại là món quà Trời cho (present) nhưng ít ai biết giá trị mà nâng niu nó, để khi nó đã trở thành dĩ vãng mới buồn bã khóc than.
Phật Pháp cũng có nói đến: “Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới, hãy sống tỉnh thức trong giờ phút hiện tại!”
The Persistence of Memory – tranh Salvador Dali
Về giá trị của thời gian, phương Tây nói:
“Ðể biết giá trị của một năm, hãy hỏi một sinh viên vừa thi trượt năm cuối;
Ðể biết giá trị của một tháng hãy hỏi một người mẹ sanh non;
Ðể biết giá trị của một tuần hãy hỏi chủ bút của một tuần báo;
Ðể biết giá trị của một giờ, hãy hỏi những người yêu đang chờ đợi gặp nhau;
Ðể biết giá trị của một phút, hãy hỏi người vừa lỡ chuyến tàu;
Ðể biết giá trị của một giây, hãy hỏi người vừa thoát chết trong đường tơ kẽ tóc;
Ðể biết giá trị của một phần nghìn giây hãy hỏi người vừa nhận huy chương bạc trong cuộc thi Olympic.”.
Thời gian đi những bước đều đặn, như tiếng đồng hồ “tic-toc” nhịp từng giây, nó chẳng bao giờ chạy nhanh theo ý ta, hay chậm lại để chờ đợi ai.
Chuyện cổ tích của Ðông Âu, ông Tiên cho mỗi con người một “cuộn chỉ thời gian”, chiều dài của cuộn chỉ là chiều dài của mỗi đời người. Ai thấy đời khổ đau thì cứ kéo vội sợi chỉ đi nhanh, ai muốn hưởng hạnh phúc thì kéo cuộn chỉ chậm lại.
Này người bạn già của tôi ơi! Khổ đau hay hạnh phúc, bạn đã kéo “cuộn chỉ đời” bạn, nhanh hay chậm, thì chúng ta chỉ còn lại mươi vòng chỉ nữa thôi. Vì thời gian vẫn trôi đi, nên chúng ta không thể dừng lại, mà vẫn phải tiếp tục kéo sợi chỉ ra khỏi cái lõi của nó, cho đến lúc thở ra hơi thở… cuối cùng.
Liệu trong mươi vòng chỉ còn lại này, chúng ta có thể làm gì để bù đắp cho gần cả một “cuộn chỉ đời” dài dằng dặc của những ngày tháng đã qua từ bao lâu nay không?