main billboard

Ông có số đào hoa, đơn vị đóng ở đâu, phụ nữ ở đó phải chú ý tới ông.

Lay Chong
Năm đó là năm câu chuyện rắc rối, buồn thảm khởi đầu.

Người kể chuyện không biết nên cho nhân vật “ông” hay “bà” là vai chính trong truyện.


Ông chỉ huy một đơn vị chuyên môn lớn, đeo ba hoa mai bạc lấp lánh. Ông cao lớn, trắng trẻo, có nụ cười rất tươi, mang phong thái trí thức.
Chỉ huy đơn vị từ cỡ nhỏ đến đơn vị cỡ lớn, ông đều được lòng sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ.
Rất hiếm khi ông nóng giận la mắng cấp dưới. Ra lệnh, quyết định, trừng phạt, giải quyết sự việc gọn nhẹ, cặn kẽ, linh động.
Ông có số đào hoa, đơn vị đóng ở đâu, phụ nữ ở đó phải chú ý tới ông.

Bà rất ghét chuyện phải đi theo chồng. Từ xưa bà chỉ ở những thành phố lớn. Sinh ra lớn lên ở thành phố Huế, rồi Nha Trang, Sài Gòn. Chính nơi có giòng Hương giang và núi Ngự Bình đã chứng kiến cuộc đời nhiều sóng gió của bà.
Cả thành phố Nha Trang nữa, nơi xảy ra thảm kịch cho người chồng thứ nhất và là người đàn ông thứ nhì đã đi qua đời bà. Bà nổi tiếng đẹp và nổi tiếng về một cơn bão thổi qua đời con gái của bà.

Bà bằng lòng với những hào quang còn lại, vui với bạn bè ở Sài Gòn, những người từ Huế, Nha Trang biết bà từ thuở tóc thề.
Có khá nhiều người đàn ông âm thầm hay công khai say đắm quả phụ trẻ đẹp. Bà thu mình, cố thu mình nhỏ lại. Bà như con chim nhỏ sợ cây cong qua một tai nạn và một lần đứt gánh.


Cố sống yên lặng, tránh chỗ đông người, ít giao thiệp. Bà hiểu sắc đẹp của mình đã quay lại hại mình.
Bỏ bớt đi phấn sáp, trang phục giản dị, bằng lòng với công việc thư ký với số lương tạm đủ sống.
Ông thân của bà xin số tử vi cho bà, lá số có những sao Đào Hoa, Hồng Loan nhưng lại có Cô Thần ám quẻ, cung Phu có những Phục Binh, Thất Sát, ảnh hưởng, suy ra thật quá đúng.
Ông khuyên con gái nên năng đi lễ chùa, những mong nhờ Phật độ trì giải bớt khổ nạn.

Nhưng nhan sắc bà nếu có tình nguyện thí phát xuất gia chắc không thượng tọa, ni sư chủ trì nào dám nhận bà vào hầu cửa Phật.
Bà sống bình lặng với hai đứa con mồ côi cha. Những tưởng cuộc đời cứ mãi lững lờ như dòng sông nắng đục mưa trong phía trước nhà…
Ông cũng có một đứa con với người vợ quá cố. Một quả phụ trẻ đẹp nổi tiếng trải qua cơn sóng kết hợp với một người đàn ông cường tráng, trong cảnh gà trống nuôi con, là một chuyện thường tình, một chuyện tất nhiên.

Một bên sắc đẹp đang thời phát lộ hiển hiện, dù cố che giấu. Thứ sắc đẹp chín mùi, có mang nét chán chường mệt mỏi. Với tuổi trên dưới ba mươi làm sao người đẹp có thể tu tại gia mãi được?

Chuyện xảy ra đã phải xảy ra. Ngôi nhà cổ giòng họ bà như một cơ duyên, nằm cạnh ngôi nhà riêng dành cho ông, chỉ huy đơn vị trên 600 người.
Nhìn thấy nhau, đi ra đi vào gặp nhau, chỉ chưa có dịp đối thoại. Ông cũng từng gấm ghé một vài nơi nhưng chưa chọn được người nào vừa ý với điều kiện phải biết thương con chồng.

Những người đàn ông địa phương đối với bà ở trong tình trạng cao không tới, thấp không thông.
Thanh niên thì không dám trèo cao, người góa vợ cũng không dám lựa chọn bà, những chuyện không may xảy đến cho bà như một tín hiệu xấu, cảnh giác những người muốn chắp nối với bà.

 Sau những giờ thể thao, ông đôi lần nhảy xuống bơi trên sông với phong cách chàng trai hào hoa phong nhã Hà Nội thập niên 50.
Còn bà thường vẫn bơi trên sông với bộ áo tắm kín đáo thời đó đã là văn minh lắm, bạo dạn lắm.
Không hiểu vô tình hay cố ý, hoặc do số mệnh, bà như muốn thử lại con toán, xem mình còn hấp lực với phái nam đến mức nào.

Bà chọn buổi trưa Thứ Bảy để bơi trên dòng sông nổi tiếng, bởi biết ông chỉ bơi vào buổi chiều.
Nhưng trưa hôm đó ông cố tình đổi thời khắc biểu, nhào xuống bơi, làm như không biết có người đẹp đang vùng vẫy dưới làn nước xanh.
Ông được dịp tận mắt chiêm ngưỡng thân hình nảy nở toàn vẹn “gái hai con trông mòn con mắt”.

Thế rồi ông xin phép qua thăm nhà. Hai người yêu nhau thật tình. Mẹ bà, mừng con gái gặp người xứng đôi, nhưng không tránh được một tiếng thở dài.
Ông đã chán những trò chơi ú tim với các cô gái, bị giọng Huế ngọt ngào, lên bổng xuống trầm cuốn hút.
Bà lại chứng tỏ biết thương yêu đứa con riêng. Bà tìm thấy ở ông một mẫu người vừa ý với những kinh nghiệm, vẻ lịch thiệp đất Thăng Long.

Khuyết điểm hay thói quen của ông là rất khéo léo với phụ nữ. Ông đi tiếp xúc với các phòng sở, đơn vị nào có chức quyền phụ nữ bao giờ cũng đạt được kết quả tốt cho đơn vị.
Ông khéo nói, được lòng cả bà tướng Quân khu.
Bà cảnh cáo ông nhẹ nhàng:
– Anh không nên cười cợt với các bà, các cô đó, anh nên nghiêm trang hơn.
Ông cười xòa:
– Có gì đâu, ngoại giao ấy mà, mất gì lời nói.
Có những tin đồn, nhưng bà tin ở nhan sắc mình, không thèm ghen. Bà thường nói: “Với những người đẹp hơn mình, mới đáng cho mình ghen.”

Mãi thành quen. Thời gian ở Huế, rồi Đà Nẵng, ông không dính vào một cuộc phiêu lưu tình cảm nào.
Đến khi ông thăng cấp, thăng chức vụ, cuộc đời mới phiền toái vì ông phải đi xa, nhận nhiệm vụ mới ở vùng cao nguyên đất đỏ.
Người gieo xáo trộn đời sống êm đềm bình lặng của bà là một vũ nữ hạng xoàng, sắc đẹp tầm thường.
Nhưng bà không lường được, theo câu nói tình cũ không rủ cũng đến.
Ngay từ hồi còn ở tỉnh lỵ phía nam Hà Nội, cô vũ nữ tuy có bước nhảy giỏi nhưng kém sắc đã say dáng vẻ và lối chi tiền rộng rãi của chàng trung úy hào hoa.
Môi trường rất thuận tiện, ông ở cảnh bận công vụ xa vợ con. Người kia là chủ tiệm khiêu vũ và tiệm ăn, vẫn phòng không chiếc bóng.
Bà ta, sau này bị các con bà gọi là “mụ ấy”, cần đàn ông và cần một thế lực để củng cố công việc làm ăn.

Tình hình chiến sự, thời tiết nóng lạnh bất thường thêm lo việc học hành cho các con, không tiện cho bà theo ông. Riêng bà, bà rất không ưa phải lẽo đẽo theo chồng, do cá tính độc lập, và do hào quang hoa khôi thành phố còn vương vấn, quyết định ở lại Đà Nẵng.

Tình yêu sôi nổi, theo năm tháng dần dần trở nên nhạt nhòa dần. Ông di chuyển, tiếp xúc nhiều, còn thấy nhiều sắc đẹp mới mẻ hơn, trẻ trung, ác liệt hơn vẻ đẹp mệnh phụ, cổ điển của bà.
Ông cũng không ưa cá tính độc lập của bà, ông cho là thiếu mềm mỏng, thiếu lãng mạn.
Bà yên phận với nghề thư ký đeo đuổi từ nhiều năm nay thêm với nhiệm vụ chăm sóc cho năm đứa con.
Bà bằng lòng với căn nhà khiêm nhường trong cư xá sĩ quan. Bà tin ở ông, và hơi tự kiêu với sắc đẹp đã về chiều.

Chuyện ông gặp lại “mụ ấy” không làm cho bà ghen tức, nhưng bớt kính trọng chồng. Bà gác bỏ ngoài tai trước những tin tức bất lợi cho bà. Có vài người bạn cùng sở, bạn học cũ thúc giục bà:
– Chị phải lên đó chửi cho nó một trận chứ!
 – Chị phải làm cho ra chuyện, phải ngăn cản ông ấy chứ?
Bà chỉ lắc đầu cười:
– Tôi cần gì phí lời với hạng người đó.
Nhất là sau khi nhìn thấy dung nhan kém cỏi của người kia qua một tấm ảnh, bà tuyên bố:
– Tôi lại thèm đi đánh ghen với một người như thế này à?

 

Người hiểu bà quý trọng bà hơn, người không hiểu bà, cho bà là dại, là nhút nhát, quá sợ ông hoặc bà e ngại phải đối đầu với đối phương.
Những chuyến về thăm Sài Gòn của ông thưa dần, ông chỉ ghé thăm nhà vào những kỳ họp ở thủ đô.

 

Ông lấy cớ là bận công vụ, nhưng bà thừa hiểu ông có đến năm bảy lá gan. Vợ chồng gần nhau như một bổn phận, một sự cố gắng. Bởi ông đã quá no nê với người đàn bà tinh quái, khôn khéo, kể cả người ấy có có thừa kinh nghiệm về gối chăn.
Bà không cảm thấy rung động khi gần ông nữa. Trái lại bà tự hỏi, tại sao ông có thể hạ mình sống chung với người gái nhảy về chiều đó?

Bà quên là ông cần nơi giải trí và ông rất mê khiêu vũ. “Mụ ấy”chỉ cần dựa hơi ông để sàn nhảy và bàn ăn tối nào cũng đông khách.
Bà ta chiều ông từ miếng ăn miếng uống. Sống với người này, ông thỏa mãn được tự ái nam phái.
 

Sống gần bà, bà là người bạn, người ngang hàng, bà có uy tín sắc đẹp từ lâu và thuộc dòng họ lớn đất Thần Kinh. Chỗ đứng của bà là người vợ chính thức, là sự bình đẳng. Chỗ đứng của người kia là sự tuyệt đối phục tùng, chồng chúa vợ tôi.
Bà hỏi ông:
– Tôi không ngờ ông lại có thể sống chung được với nó. Tôi khinh nó và ông đừng để tôi phải coi thường ông.
Tôi chỉ muốn biết ông thích nó ở điểm nào? Tôi không xứng đáng với ông nữa sao?
Ông cười xòa giải thích:
– Ôi, thì xa nhà, giải trí đỡ buồn đó mà. Bao giờ em chẳng là người đẹp nhất cư xá này, vùng này.
– Tôi không cần ông khen. Tôi muốn ông rời bỏ nó ra. Cấp bậc như ông, tư cách như ông, ông muốn, ông có thể kiếm người đàn bà khác đẹp và có tư cách hơn nó nhiều. Được như thế tôi mới phục ông, và khi đó tôi mới là mối bận tâm cho tôi.
- Em nói đúng, người ta không xứng cho em ghen. Chỉ qua đường thôi mà!

Bà đúng ở điểm này nhưng còn sơ hở ở điểm khác, bà vẫn chưa nắm vững tâm lý đàn ông.
Thói đời, khi người đàn ông có nhiều quyền, nhiều tiền nhìn vợ với con mắt khác. “Nó “không thuộc giòng dõi con nhà gia thế, nó không đẹp bằng, sang bằng bà, nhưng nó có tài buôn bán, chạy áp phe ra tiền. Nó biết phục vụ hết mình trên giường ngủ.

Bà không muốn làm to chuyện, cho bát đĩa bay, gào khóc, tan hoang cửa nhà. Bà nghĩ đến uy thế sắc đẹp, đến giòng họ bà, đến tương lai những đứa con. Bà muốn tạo cái đức để cố gắng chữa lại lá số tử vi. Có đứa đã lập gia đình, hai đứa đã vào đại học.

Năm đó nạn tham nhũng chưa hoành hành dữ dội, lương ông với lương bà chỉ đủ chi tiêu cho dè xẻn cho một gia đình đông con.
Trong khi đó theo với đà chiến sự gia tăng, tiệm nhảy, tiệm ăn của người kia ngày càng khấm khá.
Người đó đưa tiền cho ông chi dùng thoả thuê. Đến khi ông có lệnh về nhậm chức ở đồng bằng sông Cửu Long thì “mụ ấy” quyết định sang cửa tiệm giã từ nghề cũ để nhảy lên địa vị một phu nhân không chính thức.
Ông hỏi bà cho có lệ:
– Em dọn xuống dưới đó với anh nghe?

Tất nhiên bà từ chối, ra điều kiện là tất cả số lương tháng ông phải để bà lĩnh nuôi bốn đứa con.
Ông rất hân hoan nhận điều kiện đó. Hai người ở miền Tây ăn ở với nhau thật khắng khít, nếu tính đến năm 1975, ông về nhà ở Sài Gòn như người khách trọ, dưới đó mới là nơi cư ngụ của ông.

 Bà tự giận mình đã vụng tính để “nó” lên chân. “Nó” không bao giờ muốn gặp bà và cũng không bao giờ nhắc đến bà. Bà tính sai nước cờ, phải chấp nhận tình trạng trớ trêu. Nhiều đêm bà khóc thầm, nhưng không một ai biết bà đã nhỏ lệ cho phận mình, kể cả hai người con gái cũng không hề biết.

Ở địa phương dưới kia không ai nhắc đến bà, cũng như không ai biết bà là ai. Bà bé của ông lớn bao giờ cũng mạnh thế hơn bà lớn.
Bà bé không nhỏ tuổi hơn bà lớn và rất khôn ngoan, thủ đoạn. Nghề cai gà, nghề chủ tiệm ăn thừa mưu trí để đưa ông vào bát quái trận đồ tham nhũng.
Đàn em muốn thắng những áp phe lẻ, muốn trót lọt những những chuyến buôn lậu phải có sự giúp sức của bà. Càng về sau ông càng lún sâu xuống vũng bùn tệ hại, để mặc bà bé vơ về thật nhiều đồng tiền bất chính.

Muốn có chỗ ngồi tốt, phải gặp bà nói chuyện biết điều trước với những giá biểu đã ấn định. Người đẹp có dáng mệnh phụ chẳng bao giờ được làm mệnh phụ, còn người nhan sắc tầm thường, xuất thân tầm thường nổi danh mệnh phụ một vùng.

Dịp đó trong một áp phe hàng lậu, ông đem về cho bà ở cư xá một bó bạc 150 nghìn đồng. Bà hỏi tiền ở đâu ra, ông hớ hênh trả lời tiền có được do công buôn bán của người kia:
– Em cứ xài đi, các con cũng cần tiền mua sách vở.    
Bà ném trả bó bạc và dặn:
 – Tôi nghèo thật, nhưng đừng bao giờ đưa cho tôi những đồng tiền bẩn thỉu này…

Từ đó trở đi ông trở thành người lạ mặt. Ông buông xuôi, không chú ý gì đến bà mà ông cho là gàn dở, ông cũng chẳng bao giờ biết mấy đứa con học hành ra sao.
 “Nó” đưa tiền cho ông tiêu thỏa thích, nhưng không thấm vào đâu với số tiền kiếm được giấu riêng.
Tâm lý con người thời loạn là thế, tâm lý con buôn dạy “nó” phải như thế, hơn nữa tâm lý chung những người vợ bé bao giờ cũng thu vén vốn riêng, phòng khi ông chồng quay về với vợ cả…

Cơn địa chấn tháng tư năm đó diễn ra, bà không hứng chịu đau khổ nhiều vì đã kịp thời di tản cùng với các con. Một trang sử đen tối mới đã lật qua cho đất nước và tất nhiên cho cả gia đình ông bà cũng như hàng triệu gia đình khác.
Người con riêng của ông có vợ làm việc cho một cơ quan Hoa Kỳ, nên bà và cả năm người con cùng đứa cháu nhỏ thoát đi được từ ngày 27.

 Riêng phần ông, quá bận bịu với đơn vị, với chuyện thu xếp tiền bạc của bà bé, ông không đủ thì giờ về Sài Gòn để lo cho bà lớn và các con, để rồi chung số phận với các bạn, là chui vào trại tù cải tạo.

Bên này, mấy mẹ con định cư ở một tiểu bang miền Trung Tây, ít người Việt. Các con, đứa đi làm, đứa vừa học vừa đi làm.
Bà như trút được gánh nặng và dù sao cũng thiếu vắng người chồng phụ bạc.
Khi đã liên lạc được, bà và các con gửi tiền về nuôi sống ông. Người vợ bé tình nghĩa mười năm chồng vợ, dứt khoát bỏ ông ngay từ khi ông khăn gói vào trình diện học tập cải tạo.
Bà ta cũng không thèm mang thực phẩm vào nuôi chồng, chỉ sai một đứa cháu họ vào thăm ông.

Không có nguồn tiếp tế mấy năm đầu, ông thật chới với. Còn bà ta thích ứng ngay được với hoàn cảnh mới với kinh nghiệm và tài luồn lọt sẵn có, lại lao đầu vào những mánh mung mới.

 Trong tù ông thấm thía tình đời. Ông hối hận đã quá muộn. Người đẹp xứ Huế đã bay bổng tuyệt vời. Người đàn bà thân cận ông nhất, được ông tin cậy nhất đã rời bỏ ông như cởi một tấm áo rách. Con người đó chỉ biết có tiền. Tiền, tiền và tiền. Dựa thế chồng, dựa thế bạn chồng để kiếm cho được nhiều tiền, bất cứ bằng cách nào, phương tiện nào.
Cho đến ngày lên máy bay theo chương trình HO, ông không bao giờ gặp lại con người tệ bạc đó.
Để giải sầu ông hút thuốc lá, không có tiền hút thuốc thơm như thời huy hoàng, ông hút thuốc rê, thuốc bình dân ngoài chợ, bán mỗi bó 100 điếu khét lẹt.

Từ bên kia đại dương, ông không bao giờ nhận được thư của bà hoặc điện thoại viễn liên, nhưng mỗi ba tháng đều nhận được một số tiền đủ sống.
Các con viết cho ông những lá thư ngắn, ông xin một tấm hình chụp chung cả gia đình. Ngắm hình bóng bà, vẻ đẹp chín chắn đường bệ ấy khiến ông sững sờ. Ông thả mồi bắt bóng. Bà đáng phục, đáng quý trọng biết chừng nào! Tại xứ người, từ năm 1975, ngót năm mươi tuổi, bà vẫn được nhiều người đàn ông Mỹ và Việt theo đuổi, tán tỉnh.

Rồi ông cũng đặt chân lên đất Mỹ sau tám năm tù và mười một năm vất vưởng ở thành phố Sài Gòn.
Bà tiếp đón ông như một người bạn mới quen.
Bà không nói chuyện nhiều với ông, rất hiếm nụ cười trên nét mặt phúc hậu của bà.

Hôm đón ông ở sân bay, bà đeo kính đen, ông không rõ bà có khóc vì mừng vui đoàn tụ không. Ông nắm chặt tay bà và tưởng rằng bà sẽ có một cử chỉ thân mật hơn. Nhưng không, bà lặng lẽ tuột khỏi bàn tay nắm. Mấy đứa con ra đón, hỏi ông dồn dập, ông không kịp trả lời. Bà bảo:
– Thôi đừng hỏi nhiều quá, ba các con đi đường xa còn mệt. Để về nhà đã.
Trên xe về nhà, bà chỉ nói:
 – Ông hơi ốm. Hãy nghỉ ngơi cho khoẻ và cần tẩm bổ cho lại sức.
 Đúng thế, lưng ông hơi còng xuống, mái tóc muối tiêu và có rất nhiều nét nhăn trên khuôn mặt, nước da trắng hồng trở thành trắng xanh.
Nghe câu nói, ông mừng vì hiểu theo một nghĩa khác.
Bà nói với ông như một người đàn bà hàng xóm nói chuyện với người tù cải tạo trở về, rõ ràng không phải cung cách người vợ săn sóc, thương yêu chồng.
Ông nhận thấy ngay, và cũng đã chuẩn bị tinh thần, nhưng hy vọng tình hình sẽ không đến nỗi trầm trọng.

Tối hôm đó, khi các con đã về phòng riêng, bà nói:
– Tôi muốn nói với ông câu chuyện.
– Đúng rồi, anh và em có rất nhiều chuyện để nói. Nói mấy đêm cũng không hết chuyện.
Bà lạnh lùng không cười:
 – Bây giờ chúng ta đã lớn tuổi cả rồi. Cần xưng hô cho hợp với tuổi tác. Ông đã bảy mươi, tôi cũng không còn trẻ trung gì.
Hai đứa học đại học thuê phòng riêng ở xa, nhà bây giờ chỉ còn hai đứa nhỏ. Nhà này có ba phòng.
Tôi và con gái một phòng, ông một phòng, con trai út một phòng. Đón ông qua đây là tôi đã làm xong hoàn toàn bổn phận người vợ đối với chồng.

Ông hơi bị bất ngờ và thất vọng:
– Anh muốn được chung phòng với em để được nói chuyện nhiều với em.
– Tôi bây giờ như người tu tại gia. Tôi chán hết mọi sự. Nói thế là ông hiểu. Tất cả những chuyện gì về ông, ông đã kể trong thư cho các con chúng biết và tôi cũng đã đọc rồi. Tôi nghĩ chúng ta không còn gì để nói với nhau nữa.

Ông đành vớt vát, trả lời cho xuôi:
– Bà muốn sao cũng được. Tùy bà. Bây giờ tôi không phải là chủ nhà.
– Lúc này không phải là lúc ông nói mỉa mai. Tôi đây này, tôi mới là người phải mỉa mai, phải trách móc ông.
Nói xong bà bỏ vào phòng ngủ. Hiểu là bà còn giận mình, ông lan man suy nghĩ, tìm phương cách giải quyết tình hình bế tắc, và hút thuốc liên miên.

 Sáng hôm sau, đứa con gái nói với ông:
– Má bảo ba đừng nên hút thuốc nữa, nếu cần hút thì ba ra ngoài sân hút. Má và chúng con không chịu được khói thuốc lá. Chúng con nói thật ba đừng buồn.
Từ đó ông được nghe nhiều lần điệp khúc: “Má bảo ba… Nói thật ba đừng buồn…Cho phép con nói…”

Thật ra ông quá chủ quan, không đánh giá đúng được tình hình. Suốt mười năm bà bị bỏ quên, bây giờ là lúc bà lạnh lùng đáp lễ ông.
Không hề nghe bà giận hờn trách móc gì ông, không nghe bà nhắc lại chuyện cũ.
Chuyện ông tham lam, không chung thủy, chuyện ông bỏ mặc bà, ông thiếu bổn phận làm chồng, làm cha, chuyện ông chạy theo đồng tiền bất chính.
Không, tuyệt nhiên không bao giờ bà nhắc đến. Nhưng bà luôn luôn lảng tránh ông.
Ở chung nhà, nhưng không bao giờ bà mở lời trước. Ông có hỏi, bà mới trả lời ngắn gọn, trả lời cho xong chuyện. Điều gì cần giải thích, bà nói:
– Con trai, con gái sẽ giải thích cho ông hiểu.

 Còn đâu là thời trai trẻ, ông cao ráo, trắng trẻo, vẻ trí thức có duyên, có tài thuyết phục mọi người?
Cái tài đó giờ đây vô dụng, bởi ông không thể nói được với bà đến hai câu.
Còn đâu là thời oanh liệt, nhất hô bá ứng, một lệnh ban ra ngót ba nghìn người tuân phục, một cái cau mày làm nhiều người lo sợ?

Các con ông không giúp gì ông trong việc giải tỏa thắc mắc, ưu tư.
Người con trai lớn, con riêng ông, lập nghiệp ở một tiểu bang miền Tây, hai người kế học đại học ở cách xa cả ba giờ lái xe.
Hai đứa nhỏ, dù sao cũng ảnh hưởng từ người mẹ, không thân được với ông, lý do dễ hiểu khi chúng được một hai tuổi là ông đã nằm trong tù, chúng không nhớ mặt ông, coi ông thuộc một thời đại nào xa xưa lắm.
Chúng không rành tiếng Việt, ông không thể nói chuyện nhiều với chúng.

 

Ba người con lớn cũng không kính trọng ông vì họ đã khổ lây vì ông. Họ nhớ rằng ngày trước ít khi ông hỏi đến, chăm lo cho họ, nhưng giờ đây họ cũng không dám có những lời nói, cử chỉ nào gây buồn phiền cho ông.

Bà có thời khắc biểu riêng, có chương trình cố định của bà. Buổi sáng 9 giờ mới dậy vì bà đã về hưu.
Tháng ăn chay tám ngày, đến chùa bốn lần, ăn sáng xong ra làm vườn.
 Buổi trưa bà đọc sách, đi chợ, nấu cơm.
Buổi tối xem ti vi trong phòng riêng, gọi điện thoại cho các con, cho bè bạn.
Bà xem như không có mặt ông trong nhà. Bà không cho ông cộng tác trong việc tưới cây dọn vườn, cũng không để ông ngồi cùng xem một phim truyện.

Ông có nhiều thì giờ, rất nhiều thì giờ, không biết làm cách nào tiêu cho hết những ngày buồn nản. Bà nhắn qua đứa con gái:
 – Lâu lâu ba lại thăm hai anh con ở trường đại học, hay là ba đến ở chơi với anh hai con cho vui.
Ông nghe lời, đi thăm các con, nhưng câu chuyện chỉ nói một ngày là hết, rồi vợ chồng con cái mải đi làm, đi học để ông thui thủi một mình.
Đến thăm chỗ ở chật chội của hai người con học xa cũng không hơn gì.
Căn apartment chật chội khiến ông thấy tù túng hơn. Gặp ngày cuối tuần họ cũng cắm đầu vào máy vi tính vào sách vở.

 

Cô đơn, ông vẫn hoàn toàn cô đơn. Ông lái xe tìm các bạn đồng hương, tình trạng họ cũng không khá hơn ông là mấy.
Đến đâu ông cũng gặp những khuôn mặt đăm chiêu, những nét nhăn nhó, nghe những lời than phiền chán nản, những tiếng thở dài.
Còn những người trẻ hơn, họ không có cùng tần số, cùng trình độ với ông, gặp một lần, không muốn gặp lại lần thứ nhì nữa.
Những người bạn tù, những niên trưởng niên đệ của ông thì ở xa tít tắp. Điện thoại nói chuyện được một lần, rồi thôi. Không có đàn anh nào, đàn em nào đến thăm ông.

Ông rất khó chịu về thái độ của bà, ông phải hỏi một lần cho ra chuyện, một lần cho dứt khoát. Tối hôm đó, nhân hai người con vắng mặt, ông quyết định hỏi bà:
– Tôi muốn bà cho hay bà muốn gì, bà im lặng với tôi như thế đã đủ chưa?
Bà ngạc nhiên:
– Tôi muốn gì? Tôi chẳng muốn gì cả. Tôi im lặng mãi, im lặng từ lâu nên quen rồi. Tôi im lặng là tốt với ông lắm.
– Bà còn giận tôi hay bà đã bỏ qua chuyện cũ rồi? Bà cho tôi biết rõ.
– Tôi có giận ông bao giờ đâu, tôi chỉ lo cho cái thân tôi, lo cho con cái thôi. Tôi cũng chẳng dám bỏ qua chuyện cũ cho ai cả. Ai làm gì xấu thì người đó chịu hậu quả xấu. Có vậy thôi.
– Vậy bây giờ bà muốn tôi phải làm gì, nói gì. Bà muốn tôi xin lỗi bà phải không? Bà muốn, bà cần tôi sẽ nói xin lỗi bà.
Bà cười nhạt:
– Ông vẫn còn giữ thói kẻ cả, trịch thượng. Xin lỗi hay không là tự tấm lòng ông, tôi đâu có bảo ông phải nói thế này thế nọ. Ông có tài ăn nói, ông biết phải làm gì mà.
Ông nói to:
– Tôi xin lỗi bà, tôi xin lỗi bà trăm lần, ngàn lần.
 – Lời xin lỗi quá muộn. Nhưng tôi là một Phật tử, tôi sẵn sàng bỏ qua cho ông. Xong rồi nhé?
– Chưa xong, tôi muốn hỏi tại sao bà gửi tiền về cho tôi?
 – Tôi phải gửi chứ. Đó là bổn phận tối thiểu của tôi và các con. Không lẽ để ông chết đói?
– Tại sao bà còn bảo lãnh tôi qua đây làm gì?
– Đó là tình nhân loại, đó là cái nghĩa vợ chồng.
 – Bà cho tôi qua đây để bà trả thù tôi, phải không?

Bà cười buồn:
 – Không đời nào, nếu muốn trả thù thì tôi đâu cho phép các con gửi tiền cho ông? Bây giờ tôi chẳng thù ai cả. Phật dạy, oán thù nên cởi, không nên kết.
 – Thế tại sao bà không nói chuyện với tôi, bà không hỏi gì đến tôi? Tôi là người thừa trong cái nhà này à? Hành hạ tôi cả năm nay, bà đã hài lòng chưa?
 – Tự ông, ông làm hỏng, ông phá vỡ hạnh phúc. Ông hành hạ tinh thần tôi bao nhiêu năm nay, ông nhớ không? Thôi già cả rôi, ông nói nhiều quá. Tôi đã làm xong cái nghĩa phải làm đối với ông.

Nói xong bà bỏ vào phòng. Còn độc mình ông trong căn phòng rộng vắng. Ông ứa nước mắt, ông khóc, những giọt nước mắt hối hận, chua xót.
Có lẽ đây là lần thứ ba ông khóc. Lần thứ nhất khóc cha, lần thứ nhì khóc mẹ, lần này ông khóc cho chính ông.
Sức khoẻ ông dần dần suy sụp, còn thua hồi ông lây lất ở Sài Gòn.

 

Bà thường ăn chay, không nấu những món ngày xưa ông thường ưa thích. Ông càng hút thuốc nhiều hơn. Trời về mùa lạnh, ông mặc áo ấm, đội mũ len ra ngoài sân hút thuốc. Nhờ khói thuốc an ủi, sưởi ấm sự lẻ loi, cô độc.

Ông ngủ ít, ho sù sụ ban đêm, cuộc sống của một ông già bảy chục tuổi cứ thế kéo lê mệt mỏi. Một cuộc sống không có tiếng nói reo vui, không có nụ cười hớn hở. Chỉ có quá khứ u buồn, chỉ có niềm hối hận tiếc nuối.

Một hôm ông gọi điện thoại cho người con lớn. Mở đầu là ông kêu buồn chán và muốn trở về Việt Nam.
Người con không đồng ý và khuyên ông nên cứ sống ở đây. Có hai lý do người con nêu lên để thuyết phục người cha: Ở đây có nền an sinh xã hội chu đáo, ba về bên đó ai lo cho ba khi trái gió trở trời, khi đau ốm?
Ba biết rồi đó, ba không phải là công dân thượng thặng như người ta, ba chỉ là phó thường dân. Họ nói thì hay nhưng họ lo gì cho những người già?
Hai là bên đó không còn ai săn sóc, trò chuyện với ba nữa. Đến đây ông ngắt lời:
- Ở đây cũng vậy có ai hỏi tới ba đâu, có ai nói chuyện với ba đâu?
Người con không giải quyết thoả đáng được câu hỏi. Cuộc điện đàm đi đến chỗ bế tắc.

Nỗi buồn của ông không có ai là đối tượng để kể lể. Ông phải ôm lấy khối buồn đó, không chia sẻ được với ai. Bà sống lặng lẽ, ông sống cô đơn.
Ông sửa câu thơ T.T. Kh. để cho hợp với tình cảnh ông hiện nay:
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Tẩy chay lạt lẽo của… vợ tôi

 Không có người nói chuyện thì ông nói một mình. Không có ai cười với, ông mỉm cười một mình.
Ông chẳng phải người tu hành, có bao giờ ông lần tràng hạt, hay ngồi gõ mõ trước bàn thờ Phật đâu!
Ông cũng không phải triết nhân, nói một mình, cười một mình để tìm chân lý.
Đã thế ban đêm, con ma tù cải tạo thường xuất hiện trong giấc mộng để đe dọa ông. Những bữa ăn kham khổ, đói khát, những buổi lao động khổ sai, nhất là những lời chửi rủa của bọn cai tù lần lượt hiện lên.

 Mãi rồi ông không buồn tìm hiểu là bà còn giận ông hay không. Bà vẫn lịch sự một cách lạnh lẽo, hỏi ông những câu vô thưởng vô phạt, nhưng không bao giờ có nụ cuời nở trên môi.
Bà không còn là nàng tiên của ông, mà giờ đây biến thành ngọn roi kỷ luật đe nẹt ông.
Bà là lưỡi dao ngọt ngào, nhưng bí hiểm sẵn sàng hạ xuống gáy ông.
Tất cả những tài ba ăn nói, tất cả những duyên dáng nam tính, nụ cười tươi thuở nào đã biến mất.

Khoảng cách giữa ông và hai người con nhỏ cùng chung mái nhà ngày càng rộng lớn thêm.
Họ không hiểu nổi ông, họ chỉ giản dị nghĩ rằng phần đời còn lại của ông được qua đây, được nghỉ ngơi, yên tĩnh là quá tốt rồi.
Trái lại ông cũng không hiểu họ, ông coi họ như hai thanh niên Mỹ xa lạ, không biết thương cha.

Một hôm nghe ông ho nhiều quá, bà nói, có lẽ là lời khuyên chí tình nhất từ ba năm nay của bà:
- Ông hút bớt đi hay bỏ hút đi. Trời lạnh mà còn ra ngoài, còn cố hút làm gì cho khổ thân.
Ông gật gù:
– Tại sao tôi phải hút thuốc, bà biết rồi. Khói thuốc là bạn của tôi. Tôi không bỏ được.
Ông không bỏ được thuốc lá, ông không trút bỏ được nỗi u sầu thì ông phải rũ bỏ cuộc đời.
Mấy mươi năm hút thuốc lá, kể cả hút thứ thuốc lá một trăm điếu rẻ tiền, có buộc bằng một sợi rơm, bầy trên mẹt ngoài chợ, đã khiến ông ngã bệnh.

Vào bệnh viện, các bác sĩ địa phương không tìm ra bệnh. Đưa đến một bệnh viện ở xa, các bác sĩ thử nghiệm mãi, soi mói lục phủ ngũ tạng, chụp phim, rồi hội chẩn, tìm ra được một cục u trong óc ông.
Họ từ chối giải phẫu vì cho biết nếu mổ lấy cục u đó ra, ông sẽ chết ngay, và tiên đoán chỉ ba tháng nữa ông sẽ đi. Đúng thời hạn, ông nằm ngủ và ngủ một giấc không bao giờ trở dậy.
 Người cựu tù cải tạo bảy mươi ba tuổi, trở thành tro bụi, không còn lẩm bẩm nói một mình và cười một mình nữa. Người chồng, người cha, hưởng nhiều năm vinh quang, oanh liệt, người sĩ quan cấp tá từng chỉ huy một đơn vị lớn, chịu 8 năm tù cải tạo, đã không còn làm phiền ai nữa.

Một người bạn và là bác sĩ cũ của đơn vị, sau này có học thêm môn tâm thần ở Mỹ biết rõ chuyện trong gia đình này, cho biết ý kiến về cái chết của ông cựu chỉ huy trưởng: Có điểm lạ là ông hút thuốc nhiều như thế, nhưng không chết vì ung thư phổi mà là chết vì bệnh trầm uất.
Rất có thể là nỗi sầu đời buồn chán của ông nảy sinh ra cục u quái ác đó. Bệnh trầm uất là bệnh rất thông thường ở đây, nhưng rất có thể sinh ra những biến chứng kỳ lạ.

Như thế cũng có thể đoán, nếu ông có người để bày tỏ, chia sẻ những u uất, nếu ông sống ở một tiểu bang có đông người Việt và gặp được bạn bè, có lẽ ông chưa đến nỗi nào.
Nếu quả thực như vậy, người đẹp thuở 1950 có phần lỗi nào chăng? Bà ấy có hối hận chăng?
Trong thâm tâm bà muốn trả thù, muốn hành hạ ông bằng sự bất hợp tác, bằng sự bỏ mặc.
Bà sẽ phải gậm nhấm niềm hối hận cũng như ông đã phải chịu, bà sẽ bị vò xé vì hối hận, cũng như ông đã không sống nổi, niềm hối hận đã kết thành cục, không tan!

Hoặc bà là Phật tử, bà đã thật tâm tha thứ cho ông, đúng như lời Phật dạy là phải từ bi, hỉ xả.
Từ bi hỉ xả với đồng loại, với con ong cái kiến, huống chi không hỉ xả với chính chồng của mình.
Được như vậy, tám ngày ăn chay, bốn lần lên chùa trong tháng, những giờ ngồi tĩnh tọa lần tràng hạt của bà mới có ý nghĩa.
 Nhưng ai biết rõ được chính tấm lòng của bà?