main billboard

Tư Râu làm tổ trưởng dân phố, do dân bầu lên, chứ không phải do chính quyền chỉ định.

Xe ngựa
Xóm Nghĩa địa ở bên rìa thành phố, gần một huyện ngoại thành.


Cái tên nghe rờn rợn, nhưng người ở xóm hiền khô, toàn ông già, bà già từ U70 trở lên với đám nhóc tì 4 tuổi trở xuống thì dữ dằn với ai.

Đám tuổi teen với tuổi sồn sồn, còn đủ sức đạp xe ba bánh, xe xích lô, xe thồ thuộc cánh đàn ông; hay buôn gánh bán bưng, làm nghề giúp việc thuộc giới chị em; đám choai choai của đội quân lượm rác đều từ giã xóm ra đi từ lâu.

Bám trụ ở đây chỉ có cạp đất mà ăn, còn uống thì có “con kinh ta đào chưa có nước chảy qua…”. Chờ cơn mưa xẹt qua, con kinh mới thành vũng nước suối Vĩnh Hảo cho thần dân cả xóm.

Ở đó Tư Râu làm tổ trưởng dân phố, do dân bầu lên, chứ không phải do chính quyền chỉ định. Chẳng qua nhờ ông biết đọc, biết viết kha khá, có thời gian làm thầy giáo kiêm trưởng ban xóa mù chữ.

Lớp học hồi mới chiêu sinh đông hết biết, đi học phải xách theo ghế từ nhà đến lớp vì không đủ ghế cho học sinh, hôm nào cúp điện thì xách theo đèn dầu, không khí rộn ràng, vui nhộn, đám trẻ gào lên bài hát: “Hôm nay em học vần a, là mờ a ma sắc má…”.
Được nửa năm, lũ trẻ học thêm bài hát ông Tư thích nhất: “Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi. Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng, có hạt bụi nào rơi trên áo thầy…”.
Từng đứa học trò ở lớp xóa mù chữ theo nhau biến mất vì tiếng gọi của bao tử, cha mẹ lên thành phố kiếm ăn, kéo theo đàn con làm phụ tá.
Khi lớp xóa mù chữ chỉ còn mình Tư Râu thì đành dẹp tiệm, vậy mà chòm xóm vẫn gọi “thầy Tư”.

Ông trở qua nghề đánh xe thổ mộ đưa khách từ ngoài đường cái đi thăm mộ ở các khu nghĩa địa sâu trong xóm. Hồi mới đổi đời, xóm nghèo đến mức không có xe lam, nhà nào khá giả có cái xe đạp, phần đông dân trong xóm đều phải lội bộ, ai có chuyện gấp mới leo lên xe ngựa của ông Tư, có khi khỏi phải trả tiền.
-Sớm mai thầy Tư qua xóm Bông chở hàng dùm nghe!
Ông đang đứng ngoài sân, phì phèo điếu thuốc tự vấn bằng giấy báo, bà Năm Chòi ghé qua dặn.
– Xong ngay, hàng nhiều hông, mấy người?
– Mấy gánh bông vạn thọ, bông cúc, thêm mấy bà bán xôi, bán bún quá giang đi luôn, không sợ ít khách đâu ông Tư.
– Bên đó có Tư Hăng Rết đánh xe ngựa, sao không kêu?
– Chả bỏ nghề theo sấp nhỏ lên Sài Gòn rồi. Nghe đâu tụi nó mở quán cơm bụi, làm ăn khấm khá nên kéo ổng đi theo phụ việc. Báo hại tụi tui ở đây tờ mờ sáng phải gánh hàng từ trong xóm lội bộ ra đường cái, cực quá đi ông Tư!

Tư Râu có thêm nhiều mối khách ở xóm Bông, tiền bạc có phần rủng rỉnh, dư giả mua thuốc lá, bữa cơm có thêm xị rượu đưa mồi.
Bà Tư qui tiên gần chục năm nay, đàn con 8 đứa lập gia đình ra riêng hết, ông ra vô căn nhà như cái bóng, tự nấu ăn, giặt giũ một mình, bạn bầu chung thủy còn lại là con ngựa già. Không hay đàn đúm bạn bè, Tư Râu cũng không mê đắm thói tật đời thường: cờ bạc, rượu chè, trai gái.

Hồi bà Tư vừa mất, ông mới xấp xỉ 60, có người nói giỡn chơi ông:
– Sống mình ên không buồn hả thầy Tư? Rủi khi đêm hôm mưa gió trở trời, không có con cháu kề bên thì làm sao? Đi bước nữa đi cho có bầu có bạn.
Không biết học ở đâu mà ông thuộc thơ, vừa cười vừa nói:
– Sự đời đã tắt lửa lòng, còn chen vào chốn hồng trần làm chi.
 Ông thanh thản sống, tự coi như mình đã xong nợ đời, chừng nào trời kêu thì dạ, mọi sự ở đời có đó rồi mất đó, có chi mà sợ chết, mà nuối tiếc cuộc sống.
Vợ chồng Năm Nhỏ đứng ngoài cửa xỉa xói:
– Già rồi mà hổng nên nết, còn rù quến má tui, vậy mà thiên hạ cứ kêu thầy Tư. Đẹp mặt thầy giáo quá ha, giáo mác mẹ gì, giáo gian thì có.
Trong nhà, Hai Trang, con gái lớn ông Tư không chịu thua, hai tay chống nạnh, lớn tiếng trả đũa:
– Ai rù quến ai, ăn nói phải biết khôn chút chứ. Má mấy người khi không xách đồ theo ba tui, chứ ổng có bỏ bùa ai đâu. Mấy người có má mà không biết dạy biểu má mình, oán trách gì ba tui?

 

Câu nói như đổ dầu vô lửa, Bảy Hơn chạy tới đập cửa rầm rầm:
– Tụi tui qua đây muốn nói phải trái, kêu má tui dìa, chị nói vậy mà nghe được sao chớ?
Khi không ba tui mới chết, bả bỏ nhà đi biệt, tìm tở mở không thấy, tưởng bả đau buồn sinh ra tâm thần đi lạc.
Hỏi miết, mới truy ra là bả qua sống với Tư Râu bên này, nhục nhã không? Mà bả cũng bạc đầu rồi, có tiền bạc chi đâu, ổng dụ dỗ má tui chi vậy?

 

Sáu Sậu có hơi rượu trong người, nổ thêm:
– Phen này mà bả cứ đeo dính cha Tư, không chịu dìa nhà, tui đốt nhà Tư Râu cho coi.

Hai tuần nay chiến cuộc giữa xóm Nghĩa địa với xóm Bông bùng nổ, lối xóm rần rần kéo nhau đi coi, y như có đoàn cải lương ở thành phố xuống.
Người trong xóm chia thành hai phe, hằn học lôi những chuyện hiềm khích từ thuở xa xưa ra chửi bới lẫn nhau.
Bên xóm Bông kết tội Tư Râu “gần kề miệng lỗ còn rù quến gái già mới góa chồng”.
Xóm Nghĩa địa mỉa mai:
– Cỏ trên mộ chồng chưa khô đã chạy theo tiếng gọi ái tình. Chắc mới biết yêu lần đầu!?

Ở đây ai cũng rành ngõ ngách đời nhau, bà Hai đâu phải thứ đàn bà lang chạ. Làm vợ Hai Sự từ lúc 17 tuổi đến giờ chỉ biết mỗi mặt chồng. Ngày rằm, mồng một, vẫn dong xe thổ mộ của Tư Râu đem bông ra chợ bán. Chuyến xe nào cũng chật ních người, đố ai thấy hai mái đầu bạc liếc mắt đưa tình hay cười mím chi với nhau?

Tự dưng vừa xong 49 ngày giỗ chồng thì bà Hai xách gói quần áo bỏ nhà theo trai… đầu bạc. Nghe như tiếng sét giữa trời.

… Biến cố khuấy động sự bình yên cả hai xóm khởi đầu từ đám ma Hai Sự ba tháng trước.
Tối hôm cúp điện, ông Hai lò dò ra sân đi tiểu, té quỵ ở đường mương. Khá lâu không thấy ông trở vô nhà, bà Hai cầm đèn ra sân tìm, phát hiện ông nằm bất tỉnh dưới cơn mưa.
Vừa kêu khóc, bà vừa cố sức lôi ông dậy nhưng không nổi. Đúng lúc đó, Tư Râu đi qua, nghe tiếng khóc, ngưng xe, lập tức đưa ông Hai đi trạm xá cấp cứu.
Đến nơi thì ông tắt thở do đứt mạch máu não. Bà Hai té xỉu trước cái chết đột ngột của chồng. Lúc đó đám con cháu nhà Hai Sự ở xa chưa biết tin.

Cũng chính Tư Râu đưa xác ông Hai về nhà, tự tay khiêng ổng lên giường. Đám tang ông Hai Sự tụ tập đông người ở cả hai xóm. Bà Hai khóc mùi mẫn, khóc thảm thiết đau thương bên xác chồng:
– Ông ơi, sao ông chết đau chết đớn, chết không kịp trối, không kịp nhìn mặt vợ con vậy ông?

Ông Tư nghe tiếng khóc mủi lòng, thương người góa phụ mà cũng thương thân mình quạnh quẽ, giờ đây cả hai cùng phận đơn côi. Nước mắt rưng rưng, tự nhiên ông đặt tay lên lưng bà Hai vỗ nhè nhẹ, khuyên lơn:
– Kiếp người có số hết, ảnh đi như vậy cũng nhẹ nhàng, em khóc nhiều làm linh hồn ảnh khó siêu thoát. Thôi, đừng khóc nữa, em Hai ơi!
Vậy mà bà nín khóc, nhìn ông lặng lẽ một cách khó hiểu.

Đám con nít bám đuôi xe thổ mộ chạy theo la ó:
– Ông Tư Râu qua xóm Bông tụi bây ơi, nổ lớn nghe!
Người lớn tụ tập đến đầy sân trước. Tư Râu quần tây, áo sơ mi trắng thẳng nếp, bước lên thềm nhà.

Dì Ba Bảnh, tổ trưởng tổ phụ nữ đi theo. Đám con cháu Hai Sự đứng lố nhố đầy nhà, mặt căng thẳng.
– Tui qua đây không phải gây sự, tui muốn nói sự thật là… tui thương dì Hai bên đây thiệt tình.
Tui với dì Hai nếu về với nhau thì cũng là đôi bạn già sớm tối chăm sóc cho nhau, chứ đâu có ý gì xấu mà mấy con ngăn cản.

Giọng nói ông Tư đĩnh đạc, dáng ông chững chạc đường hoàng quá, làm tụi trẻ cứng họng, không biết trả lời làm sao.


Dì Ba Bảnh bấy giờ mới ra tiếng:
– Mấy con nên suy nghĩ lại, đời bây giờ không phải thế kỷ xưa, bắt đàn bà phải ở giá thờ chồng suốt đời.
Má bây trước nay đã làm đủ bổn phận với chồng, với con, với cháu nữa. Tụi bây cứ bỏ đi làm ăn xa, đẻ con ra lại thẩy sấp nhỏ cho bả chăn hoài, hết đứa này đến đứa khác.
 Đám già tụi tao sống ở đây như người giữ trẻ cho con tụi bây vậy. Không lẽ tụi bây bắt má mình phải làm đầy tớ cho bây suốt đời. Bả cũng có cuộc đời của bả chứ!

Lúc đó bà Hai từ nhà trong bước ra trong tấm áo dài bông màu xanh đậm, cái quần xa tanh đen mới tinh, chân đi đôi dép lưới, hàng Thái Lan.
Mọi người ồ lên. Chưa bao giờ đám con với bà con hàng xóm thấy bà diện đẹp mà sang như vậy. Trông bà trẻ ra đến 10 tuổi, mặt tươi tắn nhưng nước mắt rưng rưng:
– Bộ quần áo này là thầy Tư may cho má đây. Má sống với cha con hơn 60 năm, một đời cực khổ không dám lên tiếng than, có khi dư chút tiền mà chưa bao giờ ổng may cái áo dài nào cho má.
Hồi theo ổng làm vợ, nhà nghèo quá, bà nội bây chỉ cho má cái áo bà ba mới. Mấy chục năm sống bên nhau chưa bao giờ ổng kêu má bằng một tiếng “em” cho dịu dàng, tình cảm như thầy Tư. Cuộc đời của má với ông Tư đâu còn có bao lâu, mấy con ráng hiểu giùm cho má.

Đám con của hai người lặng thinh. Mấy bà già đứng ngoài cửa kéo khăn chậm nước mắt. Mấy ông ngậm ngùi quay đi, không dám ngó mặt vợ mình.
Mọi người dãn ra, tránh đường cho ông Tư nắm tay bà đưa ra xe, ông đỡ bà lên ngồi xe ngựa, phía trước với ông.
Bà Năm Chòi chạy tới đặt luôn chậu bông cúc đại đóa màu trắng thiệt đẹp lên xe ngựa:
– Thôi, tui hổng có gì mừng đám cưới, biếu anh chị Tư chậu bông này nghe.

Lũ con nít vỗ tay rần rần, người lớn cười theo. Mấy bà hàng bông bắt chước bà Năm, chất thêm mấy chậu bông lên xe ngựa, lát sau thành cái xe hoa bất đắc dĩ.
Đứa nhỏ nào lí lắc cột sau đuôi xe ngựa sợi dây kết chùm lon không. Xe chạy, mớ lon va chạm, kêu leng keng
Ông già gân Hai Trầu phá ra cười:
– Cha mẹ ơi, hồi nào giờ tao mới thấy rước dâu bằng xe thổ mộ!